Bầu cử ở Úc
Thứ Bảy ngày 7 tháng Chín tới, các công dân thành niên tại Úc lại đi bầu để chọn Quốc Hội mới, và qua đó, chính phủ mới.
Về chuyện bầu cử ở Úc, trước hết, có mấy điều cần lưu ý:
Thứ nhất, ở Úc có đến mấy chục đảng phái chính trị, kể cả những đảng phái có tên và mục tiêu tranh đấu rất… tếu như Đảng Tình dục Úc (Australian Sex Party), Đảng Quyền của người hút thuốc (Smokers Rights Party), Đảng của những người săn bắn và câu cá (Shooters and Fishers Party) hay Đảng Thể thao (Australian Sports Party), v.v… Trong đó, có ba đảng lớn: Đảng Lao Động, Đảng Tự Do và Đảng Quốc Gia. Hai đảng sau, Tự Do và Quốc Gia hầu như lúc nào cũng liên minh chặt chẽ với nhau dưới tên gọi Liên đảng (Coalition). Từ trước đến nay, hầu như chỉ có Đảng Lao Động và Liên đảng thay phiên nhau cầm quyền. Bởi vậy, chính trị Úc còn được gọi là hệ thống lưỡng đảng (two-party system).
Thứ hai, ở Úc, theo chế độ Nghị viện, dân chúng không trực tiếp bầu người lãnh đạo cao nhất của cả nước (Thủ tướng). Họ chỉ bầu Quốc Hội. Đảng nào chiếm đa số ghế trong Hạ Viện, đảng ấy được quyền thành lập chính phủ, và lãnh tụ đảng ấy sẽ trở thành Thủ tướng. Trong trường hợp bất phân thắng bại (như trong kỳ bầu cử năm 2010, cả Đảng Lao Động lẫn Liên đảng đều chỉ có 72 ghế - trên tổng số 150 ghế -, bằng nhau), các đảng chính sẽ tìm cách liên minh với các dân biểu độc lập hoặc thuộc các đảng nhỏ. Liên minh nào chiếm đa số sẽ lên cầm quyền.
Thứ ba, cách bầu cử và cách tính phiếu ở Úc cũng khác hẳn ở các nước. Ở các nước khác, ai được nhiều phiếu nhất so với các ứng cử viên khác thì người đó thắng dù có khi người ấy chỉ được 30 hay 40% tổng phiếu bầu (được gọi là First-past-the-post-voting, hoặc đơn giản hơn, simple majority voting). Úc thì theo hệ thống phân bố theo thứ tự ưu tiên (được gọi là two-party preferred vote). Với hệ thống bầu cử này, người dân sẽ đánh số trên phiếu: ví dụ, trên phiếu có 5 ứng cử viên, người mình thích nhất sẽ được ghi số 1; rồi đến số 2, số 3, số 4. Người mình ít thích nhất sẽ bị đánh số 5. Khi kiểm phiếu, nếu không có ai được quá bán hoặc có hai ứng cử viên A và B bằng phiếu nhau (ví dụ cả hai đều chiếm 40%), người ta sẽ tính phiếu của ứng cử viên số 3 (C): Nếu trong các lá phiếu bầu cho C, ứng cử viên A được nhiều phiếu số 2 nhất, A sẽ thắng.
Thứ tư, khác với ở Mỹ, ở Úc đi bầu là điều bị bắt buộc. Thích hay không thích, mọi công dân trên 18 tuổi cũng phải đi bầu. Không đi bầu là bị phạt (20 đô!). May, ngày bầu cử bao giờ cũng được tổ chức vào Thứ Bảy (khác với ở Mỹ, Thứ Ba, và ở Anh, Thứ Năm).
Thứ năm, trong khi ở Mỹ, cuộc tranh cử tổng thống thường kéo dài cả năm (trước hết là trong nội bộ đảng, và sau đó, giữa hai đảng chính, Cộng Hòa và Dân Chủ, với nhau), ở Úc, các cuộc tranh cử thường chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng (tối thiểu là 33 ngày tính từ ngày giải tán Quốc Hội đến ngày bầu cử). Trong thời gian tranh cử, hai đảng chính thường tổ chức các cuộc tranh luận công khai trên truyền hình với nhau (giữa hai lãnh tụ, hai phó lãnh tụ và một số người nhắm đến các ghế quan trọng như Ngân khố, Ngoại giao, Giáo dục, v.v…). Năm nay, hai lãnh tụ sẽ có ba cuộc tranh luận chính thức.
Không khí tranh cử ở Úc, nói chung, không sôi nổi và nhộn nhịp lắm. Hầu hết đều chỉ tập trung ở các địa phương nơi hy vọng thắng cử của hai đảng chính ngang ngửa nhau. Còn với những vùng được xem là “an toàn” của một đảng nào đó, tức là những nơi quan điểm của đa số dân chúng đã định hình, người ta đã có thể biết trước ai thắng ai bại, không khí nói chung khá im ắng. Đảng biết mình sẽ thua không thèm bỏ tiền ra tranh cử ở những nơi ấy. Đảng biết mình sẽ thắng thì cũng dồn tiền và sức lực vào những nơi khác.
Trong dân chúng, có khá nhiều người nhiệt tình với chính trị, sẵn sàng bỏ thời gian để đi vận động thiện nguyện cho đảng hoặc ứng cử viên mình yêu thích. Tuy nhiên, ngay cả những người ấy, nói chung, cũng thường khá ý tứ: Họ chỉ bàn chuyện chính trị với một số đối tượng nào đó. Như một công việc.
Trong các cuộc gặp gỡ riêng, giữa bạn bè hoặc người quen, người ta cũng ít khi đem chuyện chính trị ra bàn luận. Ở trường, nơi tôi đang dạy, tôi biết một số người vốn là những nhà hoạt động (activist) có lý tưởng và rất hăng hái, nhưng chưa bao giờ tôi nghe những người ấy “vận động” sinh viên hay đồng nghiệp. Thành ra, tuy cuộc tranh cử đã được khởi động cả tuần lễ, tôi cũng chưa bao giờ nói chuyện hoặc nghe ai nói chuyện về cuộc bầu cử sắp tới cả. Tôi chỉ nghe trên truyền hình và truyền thanh cũng như một số phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Mà, thú thực, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện bầu cử ở Úc. Không phải vì tôi có tâm lý hờ hững của dân ngụ cư. Không. Tôi biết tôi đang sống và có lẽ sẽ sống ở Úc cho đến lúc chết: Mọi chuyển biến của đất nước này đều liên quan mật thiết đến cuộc sống cũng như tương lai của tôi. Vả lại, tính tôi lại cũng thích chuyện chính trị và chính sách. Thế nhưng, tôi cũng chỉ quan tâm với một mức độ vừa phải. Lý do là vì tôi biết, dù đảng nào thắng cử và lên nắm chính quyền, vận mệnh của nước Úc cũng như của riêng tôi cũng sẽ không có gì thay đổi lớn.
Đã đành, ai cũng biết chính phủ đóng một vai trò cực kỳ hệ trọng đối với đất nước cũng như đối với từng cá nhân hầu như trong mọi lãnh vực, từ kinh tế đến nhân dụng, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, di trú, an sinh xã hội, quan hệ quốc tế, v.v.. Nhưng đó là chính phủ nói chung. Với từng chính phủ, hiểu theo nghĩa hẹp, gắn liền với một lãnh tụ và một đảng phái nào đó, thì lại khác: sự thay đổi, chắc chắn là có, nhưng mức độ của sự thay đổi ấy thường không quá lớn lao để khiến mọi người phải lo lắng.
Nói về chính trị Tây phương, nhiều người tưởng nhầm lãnh tụ (và đảng do ông/bà ấy đứng đầu) có toàn quyền quyết định mọi thứ. Thật ra, không phải. Trong các chế độ dân chủ, trách nhiệm thuộc về cá nhân nhưng con đường hình thành của các chính sách lớn lại phải trải qua cả một guồng máy cồng kềnh, chằng chịt và vô cùng phức tạp, chịu đựng nhiều sự tương tác giữa nhiều nhóm ảnh hưởng khác nhau. Do đó, khả năng lựa chọn của họ rất ít. Và cũng do đó, mặc dù khi tranh cử, người ta có thể phê phán nhau kịch liệt, nhưng khi lên cầm quyền, phần lớn người ta vẫn hành xử giống nhau. Tranh cử lần đầu năm 2008, ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama thề sẽ đóng cửa trại giam Guantanamo do Tổng thống Cộng Hòa George W. Bush lập ra năm 2002; vậy mà, lên làm tổng thống, đến tận nhiệm kỳ thứ hai, ông vẫn chưa thực hiện được. Lý do? – Ông không tìm ra một sự thay thế nào cả. Ở Úc, năm 2007, khi tranh cử, Kevin Rudd đả kích chính sách di trú của Thủ tướng John Howard một cách kịch liệt, nhưng năm nay, 2013, khi ra tranh cử lại, ông lại lặp lại y hệt những gì John Howard đã làm và đã từng bị ông phê phán. Lý do? Ông cũng không tìm ra một sự thay thế nào khác.
Người ta thường xem sự phát triển hay thất bại trong kinh tế gắn liền với một đảng phái cầm quyền nào đó, nhưng trong các chế độ dân chủ và ổn định, vai trò của chính phủ trong lãnh vực này rất khiêm tốn. Thứ nhất, trong các chế độ dân chủ và ổn định (xin lặp lại!), chuyện làm ăn buôn bán chủ yếu nằm trong tay giới kinh doanh chứ không phải giới chính trị; và thứ hai, việc hoạch định các chính sách kinh tế thường nằm trong tay các chuyên gia kinh tế, những người làm việc cho chính phủ nhưng lại thường không gắn chặt với bất cứ một đảng phái nào cả (nên hiếm khi bị thay đổi khi có một đảng mới lên cầm quyền).
Dưới các chế độ dân chủ và ổn định, sự thay đổi giữa đảng cầm quyền này và đảng cầm quyền khác thường nằm ở việc phân phối lợi tức hơn việc làm ra lợi tức. Với một ngân sách giới hạn, khi đảng này quyết định chi tiền nhiều vào nơi này (ví dụ trợ cấp xã hội) thì phải chấp nhận một trong hai, hoặc cả hai, khả năng: một, cắt giảm những nơi khác; hai, tăng thuế. Khi một đảng lớn tiếng hứa hẹn sẽ giảm thuế, dù họ không nói ra, chúng ta cũng có thể hiểu ngay: họ đang toan tính cắt giảm ngân sách ở một hoặc một số bộ phận nào đó.
Ở các nước theo hệ thống lưỡng đảng (như Úc, Mỹ, Pháp, Anh…), hầu hết các toan tính của hai đảng chính thường khá giống nhau: Một đảng chủ trương giảm thuế cho giới nhà giàu để họ có nhiệt tình và thuận lợi phát triển kinh doanh, qua đó, thu nhận nhiều nhân công, và từ đó, giảm tỉ lệ thất nghiệp; và một đảng khác chủ trương tăng thuế của giới nhà giàu để tăng thêm ngân sách cho các chương trình trợ cấp xã hội và thất nghiệp dành cho người nghèo.
Về phương diện lý thuyết, rất khó đánh giá chủ trương nào đúng đắn và hoàn hảo hơn chủ trương nào. Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn: hai mục tiêu chính của cả hai đảng đều thuộc hai giới: hoặc giàu hoặc nghèo. Riêng giới trung lưu thì thường bình an vô sự, ít khi chịu ảnh hưởng của các chính sách ấy. Đó là giới không đủ giàu để bị tăng thuế hoặc được giảm thuế và cũng không đủ nghèo để nhận được bất cứ trợ cấp xã hội nào từ chính phủ. Hơn nữa, đó cũng là giới mà các đảng phái cũng như chính phủ ít “dám” đụng đến nhất. Có hai lý do chính. Một là, ở các nước phát triển, thành phần này rất đông, thường là đông nhất. Hai là, phần lớn là thành phần trí thức, vừa quan tâm đến chính trị vừa có khả năng vận động chính trị, vừa lớn tiếng vừa có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Bởi vậy, dù đảng nào lên nắm chính quyền, đời sống của giới trung lưu, nói chung, cũng không có gì thay đổi.
Đối với cá nhân tôi, điều tôi quan tâm nhất là thái độ của các đảng phái chính đối với vấn đề di dân và châu Á. Trong khi với vấn đề di dân, quan điểm của hai đảng chính khá giống nhau, thái độ đối với châu Á lại có những khác biệt rất lớn, đặc biệt về phương diện văn hóa. Về phương diện kinh tế, đảng nào cũng đồng ý với nhau một điểm: Cần mở rộng việc làm ăn buôn bán với các nước Á châu. Không có cách nào khác. Đó là một trong vài nguồn lợi lớn nhất của Úc. Nhưng về phương diện văn hóa, có người xem châu Á là bạn; có người chỉ xem châu Á là một bạn hàng.
Tôi thích những người xem châu Á là bạn. Chứ không phải chỉ là một bạn hàng.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.