Saturday, May 18, 2013

XIN ĐI TÙ THAY












Posted on 18.05.2013 by nguyentrongtao




Lời Tác Giả Đặng Huy Văn: Hôm nay, ngày 16/5/2013, tại tòa án nhân dân tỉnh Long An, thành phố Tân An đã diễn ra phiên tòa “công khai” xét xử hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Kết thúc phiên tòa chiều nay với mức án dành cho Đinh Nguyên Kha là 10 năm tù giam và 3 năm quản chế; với Nguyễn Phương Uyên là 6 năm tù giam và 3 năm quản chế. Bản án nặng nề dành cho hai cháu làm tôi đau lòng lắm! Tôi viết bài này kính gửi TBT Đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng để thỉnh cầu ông cho phép tôi được đi tù thay hai cháu, vì tôi đã già không còn có ích cho ai nữa trong khi hai cháu Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha là những hiền nhân của Tổ Quốc. Hai cháu sẽ là ngọn cờ chống lại sự bành trướng xâm lược của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam trong tương lai! 


TS ĐẶNG HUY VĂN


ÔNG CÓ BIẾT PHƯƠNG UYÊN VÀ NGUYÊN KHA LÀ AI KHÔNG?


(Kính gửi ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CS Việt Nam)


Ông có biết Phương Uyên và Nguyên Kha là ai không?

Là những thanh niên ưu tú của nhân dân toàn nước Việt

CNCS không rành nhưng kẻ thù của nhân dân là ai thì biết

Và các cháu đã sẵn sàng dấn thân để cứu dân tộc, non sông




Chúng ta phải làm thế nào để được họ gọi bằng ông

Đừng để các cháu khinh rẻ chúng mình là già rồi sinh lú

Hèn với giặc, ác với dân, ghét tự do, yêu độc tài, bài dân chủ

Chỉ vì đồng đô la và địa vị chức quyền mà bán biển đảo, núi sông!




Các cháu chỉ mới bằng tuổi chúng ta ngày sơ tán ở Đại Từ xưa[1]

Nhưng ngày đó ông và tôi còn lơ ngơ nên bị người ta dắt mũi

Bảo yêu chủ nghĩa xã hội thì yêu chứ có biết gì đâu ông hỡi

Khác nào Cô Bé Bán Diêm bị chết cóng giữa giao thừa![2]




Hồi đó chúng ta sợ cấp trên, sợ cả bí thư đoàn, lớp trưởng

Sợ chúng báo cáo lên nhà trường mình nghe đài địch ông ơi

Nghe tin chiến sự bằng đài Hoa Kỳ, đài BBC là phạm pháp

Không bị đuổi khỏi trường mà bị ghi lý lịch cũng lôi thôi!




Cho nên ông và tôi đã trở thành những thằng khờ khi tốt nghiệp

Trên sai việc gì là chẳng cần nghĩ suy mà cứ răm rắp theo làm

Có đứa còn về tận làng tố giác cả em trai mình đang trốn lính

Để giờ phải vào Trường Sơn tìm xác em, ân hận suốt trăm năm!




Suốt cả cuộc đời chúng ta khờ nhưng giờ các cháu không khờ

Chúng còn biết xấu hổ khi chúng ta đi ra ngoài giơ hai tay ra bắt

Thế là nhục Quốc Thể ông ơi vì qui định ngoại giao rất nghiêm ngặt

Không phải làm thế giặc nó thương mà chúng sẽ coi dân tộc mình ngu!




Khi Tàu cưỡng chiếm Hoàng Sa từ VNCH thì đảng ta im lặng

Giờ ông là tổng bí thư nên phải dựa vào dân để sửa chữa sai lầm

Ngày nay Uyên, Kha lên tiếng đòi Hoàng Sa sao lại bị người ta bắt

Ông là vua nên sẽ lên tiếng để cứu Uyên, Kha hay lại lần nữa vô tâm?




Lẽ ra ông phải tự hào vì đất nước đã có những người con dũng cảm

Bất chấp cả hiểm nguy đối với bản thân để lên tiếng cứu non sông

Ông đang đứng về phía dân Ta hay dân Tàu? Trả lời đi, dân hỏi

Nếu đứng về phía dân Ta thì Uyên, Kha đâu có tội thưa ông!




Phương Uyên và Nguyên Kha còn ngây thơ trong trắng

Chưa một ngày làm quan nên đâu biết tham nhũng là gì

Dân nói phe ông thề chống tham nhũng không nhân nhượng

Vậy hai cháu đã cùng phe với ông chống tham nhũng còn chi!




Tôi lại nghe phe CTN và TBT quyết chống bọn giặc Tàu xâm lược [3]

Vậy hai cháu đi dán khẩu hiệu chống Tàu thì ai bắt chúng ông ơi?

Chẳng lẽ bị Ếch bắt mà ông chịu bó tay không can thiệp được?

Thế nên chăng ông chuyển việc khác đi để chuẩn bị nghỉ ngơi?




Tôi biết Tòa Án Long An đã tuyên tội của Uyên, Kha rất nặng

Vì nay bị Trung Quốc bắn giết ngư dân mà bất lực nên căm

Như kẻ bị láng giềng quấy phá rồi về đánh con cho hả giận

Không phải chuyện lạ gì đâu nên xin ông chớ băn khoăn!




Nhưng hai cháu Uyên, Kha là hiền nhân của Tổ Quốc

Có sức trẻ và chí khí kiên cường có thể cứu được núi sông

Ông hãy lấy quyền làm vua để bắt tôi đi tù thay hai cháu

Tôi 70 đã lẫn rồi, sống làm gì thêm khốn khổ thưa ông!




Ôi ước gì Tuổi Trẻ Yêu Nước Việt Nam đều được như hai cháu!

Để gìn gữ giang sơn gấm vóc của Hùng Vương đã trải bốn ngàn năm

Ôi giá có một Đinh Bộ Lĩnh oai hùng có thể dẹp hết phe này, phái nọ

Để đòi lại Hoàng-Trường Sa và Biển Đông ngàn thương

Cho đất mẹ Việt Nam!




Hà Nội, 16/5/2013


_______


[1]- Tôi và ông TBT Nguyễn Phú Trọng đều học ở trường Đại Học Tổng Hợp, Hà Nội. Ông ấy học ở Khoa Văn còn tôi học Khoa Toán. Có một thời gian chúng tôi phải sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ở trên miền núi rất buồn và đói nên chúng tôi phải theo dõi tình hình chiến sự qua đài tiếng nói Hoa Kỳ, hoặc đài BBC London để hễ ngớt ném bom Miền Bắc là chúng tôi lại trốn về Hà Nội xin tiếp tế. Tuy nhiên, nếu lớp trưởng hoặc bí thư chi đoàn mà phát hiện được ai nghe đài địch thì sẽ bị kiểm điểm, nếu tái phạm có thể sẽ bị ghi lí lịch rất lôi thôi!


[2]- Chuyện Cô Bé Bán Diêm của Andersen, Đan Mạch.


[3]- Các chữ viết tắt: TBT- tổng bí thư, CTN- chủ tịch nước, VNCH-Việt Nam Cộng Hòa, CS- cộng sản, CHXHCN- cộng hòa xã hội chủ nghĩa, CNCS- chủ nghĩa cộng sản..




TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC!








8 SỰ THẬT NÊN BIẾT VỀ ÔNG HỒ CHÍ MINH








Hôm nay nhân vụ Phương Uyên, nhà cháu nghĩ lại thấy Hồ Chí Minh thật tội nghiệp! Kẻ thì dùng mỹ từ tôn ông lên làm thánh, kẻ thì xúc phạm nặng nề và vẽ ông thành quỷ. Việc làm của bọn họ tuy có vẻ trái ngược nhau, nhưng đều đưa đến một hậu quả to tổ bố, đó là bóp méo Hồ Chí Minh. Sau đây là một vài chi tiết trong cuộc đời Hồ Chí Minh được sắp xếp theo trình tự thời gian mà nhà cháu sưu tầm được, cũng như tìm cách diễn đạt theo ngôn ngữ bình thường (không lăng xê cũng không lăng mạ), hầu các cụ:




1. Hồ Chí Minh thuộc thế hệ 9x. Ông sinh năm 1890.

2. Hồ Chí Minh từng bị đuổi học vì đi biểu tình. Khi phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ nổ ra vào năm 1908, Hồ Chí Minh (khi đó có tên là Nguyễn Tất Thành) đang học trường Quốc học Huế, cùng bạn bè tham gia biểu tình và bị chính quyền đàn áp, về sau bị đuổi học. Cha ông bị triều đình khiển trách nặng nề vì hành vi của con trai, anh trai ông cũng bị giám sát chặt chẽ.

3. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đi xuất khẩu lao động nổi tiếng nhất thế giới. Mới 21 tuổi, ông đã theo tàu Pháp bôn ba khắp năm châu làm phụ bếp, sau đó là xúc tuyết, quét than và làm nhiều công việc cực nhọc khác để kiếm sống.

4. Hồ Chí Minh đã nhận tiền của nước ngoài để chống chính quyền trong các thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhiều tài liệu giải mật cho thấy ông đã nhận lương, phụ cấp và nhiều khoản tài trợ khác từ Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản để hoạt động từ những năm 1920. Nhờ vậy, ông có thể di chuyển, sinh sống và mở các lớp huấn luyện ở Trung Quốc và Thái Lan.

5. Hồ Chí Minh đã khôn khéo lợi dụng các quyền tự do dân chủ của phương Tây để chống chính quyền trong các thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông tham gia ký “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles năm 1919, mở báo “Người cùng khổ” (Le Paria) năm 1922 nhằm tố cáo các tội ác của chính quyền thuộc địa, cũng như viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản năm 1925 tại Paris.

6. Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập một số đảng phái, tổ chức chính trị ở hải ngoại. Năm 1920, ông là đồng sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, đến năm 1925 lập ra “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” ở Quảng Châu - Trung Quốc nhằm huấn luyện chính trị và cách thức đấu tranh giành chính quyền (không nhất thiết là “bất bạo động”) cho các nhà hoạt động trong nước. Đặc biệt, khi còn ở hải ngoại (Hong Kong), ông đã là người sáng lập ra một đảng phái chính trị có tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, nhằm mục đích lật đổ chính quyền ở trong nước.

7. Hồ Chí Minh đã viết nhiều tài liệu chống chính quyền mà nổi tiếng nhất là tác phẩm “Đường kách mệnh”, xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu - Trung Quốc.

8. Hồ Chí Minh đã tham gia nhiều khóa học về bạo động lật đổ chính quyền ở nước ngoài, đặc biệt là ở Đại học Phương Đông (Liên Xô) trong những năm 1930.




9. Sặc cà lày tục tiệp sau ^^...

Friday, May 17, 2013

QUAN HỆ NGOÀI LUỒNG










Khi phụ nữ Việt Nam 'không thỏa mãn'



Đi nhảy là một cách tìm niềm vui ngoài sinh hoạt gia đình ở Việt Nam

Việt Nam đang có hiện tượng một số phụ nữ đứng tuổi tham gia các câu lạc bộ như CLB nhảy, CLB âm nhạc để giải trí và thậm chí để thỏa mãn nhu cầu tình dục vì nhiều lý do khác nhau.

Theo truyền thông trong nước, có người vì phải sống trong cảnh 'chờ chồng' do công việc làm ăn bận rộn hay chồng có thú vui riêng như ăn nhậu hay chơi tennis sau giờ làm thay vì về nhà với vợ con quanh bữa cơm chiều.



Có người vì cô đơn, thiếu thốn tình cảm, cũng có thể tìm đến đây để được sự quan tâm chăm sóc của các nam vũ sư trẻ, những người có thể đáp ứng các nhu cầu tình cảm và thể xác cho các phụ nữ này.

Người ta cũng thấy xuất hiện những nhóm nam giới, thậm chí cả người nước ngoài, sẵn sàng phục vụ các nhu cầu đó của họ.

Liệu hiện tượng này có thể hiện mối quan hệ vợ chồng trong một gia đình tại Việt Nam đang ngày càng lỏng lẻo hay không?

Nói chuyện với BBC, Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học tại Hà Nội, nói "hiện tượng này chỉ xảy ra ở một bộ phận phụ nữ và nam giới đứng tuổi ở các thành phố lớn như TP. HCM hay Hà Nội. Họ chỉ là nhóm rất nhỏ và câu chuyện của họ không thể đại diện cho quan hệ vợ chồng trong gia đình Việt Nam nói chung được."

Vì chỉ là một số ít nên không thể coi đây là một vấn đề xã hội và hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy nó có ảnh hưởng rõ ràng đối với nhiều người, ông giải thích.

"Tuy nhiên trong khoảng 30 năm qua, gia đình Việt Nam có rất nhiều thay đổi quan trọng và diễn ra khá nhanh. Đó là những thay đổi trong cách người ta đi đến hôn nhân, thay đổi trong hôn nhân và đời sống gia đình," ông nói.

Thay đổi xã hội



"Trong những gia đình mà người chồng hoặc người vợ không thỏa mãn nhu cầu về tình cảm hay tình dục, một số người sẽ chọn thỏa mãn nhu cầu đó bên ngoài gia đình hơn là hy sinh nhu cầu cá nhân vì thể diện của gia đình."

Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi

Những thay đổi này bao gồm: tuổi kết hôn tăng cao hơn; nam và nữ đi đến hôn nhân qua tự tìm hiểu, tự lựa chọn, và dựa trên tình yêu nhiều hơn là do cha mẹ quyết định; các cặp vợ chồng có ít con hơn (ở TP HCM trung bình một cặp vợ chồng chỉ có 1,3 con trong suốt cuộc đời họ), sớm tạo lập gia đình riêng (không sống cùng cha mẹ chồng hoặc vợ như trước đây) và ít chịu sự chi phối trực tiếp của cha mẹ và họ hàng hai bên.

Một thực tế tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi nhắc tới là "nhu cầu về vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình tăng lên mạnh mẽ, khiến cho các cặp vợ chồng phải tìm cách lao động kiếm tiền nhiều hơn để thỏa mãn các nhu cầu đó."

"Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các việc làm công ăn lương thay vì chỉ ngồi nhà hay lao động sản xuất trong hộ gia đình mình."

"Các cặp vợ chồng ở các vùng đô thị nhìn chung bận kiếm sống ngoài gia đình hơn, ít có thời gian dành cho gia đình như trước đây."

Theo ông Lợi, các quan hệ trong gia đình ngày càng dân chủ hơn và dù phụ nữ vẫn có phần thua thiệt so với chồng họ, song họ có tiếng nói quan trọng trong các quyết định chung của gia đình, và trong nhiều trường hợp người vợ là người có tiếng nói quyết định và đặc biệt các nhu cầu cá nhân ngày càng được tôn trọng hơn.

Trong bối cảnh giao lưu quốc tế và các phương tiện thông tin và truyền thông phát triển mạnh như internet, truyền hình cáp, dẫn tới ảnh hưởng của các ý tưởng sống mới từ khắp nơi trên thế giới tác động đến mọi người dân, đặc biệt ở các vùng đô thị.





"Ngày nay, đề tài tình dục đã trở thành bình thường trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày"


"Một trong những thay đổi nhanh là cách nhìn và thực hành của mọi người đối với vấn đề tình dục. Trước đây đề tài này không phải là điều người ta có thể thảo luận ở nơi công cộng hay trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngày nay, đề tài này đã trở thành bình thường trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày.



"Những người lớn tuổi hơn cũng có xu hướng chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của cá nhân về tình yêu và tình dục. Trong những gia đình mà người chồng hoặc người vợ không thỏa mãn nhu cầu về tình cảm hay tình dục, một số người sẽ chọn thỏa mãn nhu cầu đó bên ngoài gia đình hơn là hy sinh nhu cầu cá nhân vì thể diện của gia đình," ông Lợi nói.

Chính những thay đổi này đã dẫn tới tình trạng ngoại tình, ly hôn cũng nhiều hơn trước, đặc biệt ở những cặp vợ chồng mà một trong hai người phải đi làm ăn xa nhà lâu ngày (di cư đi tỉnh khác, nông thôn ra đô thị, hoặc đi xuất khẩu lao động, đi học hay làm việc ở nước ngoài) Một số người góa cao tuổi cũng tìm bạn đời mới cho phần đời còn lại hơn là ở vậy thờ người vợ hay người chồng đã khuất như trước đây.



Bình đẳng giới

Điều đáng nói là khi những chia sẻ cả về mặt tâm lý và thể xác trong quan hệ vợ chồng đã không còn được thỏa mãn, dẫn tới việc phụ nữ phải đi tìm kiếm từ bên ngoài, thì dư luận xã hội không lên án nhiều nếu xảy ra ở người chồng, song khi xảy ra ở phụ nữ thì thường người phụ nữ chịu nhiều chê trách.

"Việt Nam tuy có tiến bộ rất nhiều về bình đẳng giới, song tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng," tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi nói.

Trước câu hỏi liệu việc dùng từ ngữ có tính chất chỉ trích, miệt thị như một số báo viết về đề tài này có phải đã phần nào thể hiện tình trạng kỳ thị đối với phụ nữ, tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi cho rằng quả thực vẫn còn tiêu chuẩn kép đối với quan niệm về tình dục, tình yêu, hôn nhân và gia đình tại Việt Nam.

"Nam có nhiều tự do hành động hơn trong khi nữ không được làm nhiều điều mà nam có thể làm, và nếu nữ có làm những điều đó thì bị chê trách mạnh mẽ trong khi nam cũng làm đúng những việc đó thì lại được 'thông cảm' hơn. Tôi nghĩ rằng tác giả các bài này cũng có cách nhìn thiên lệch về giới, vẫn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ."



"Việt Nam tuy có tiến bộ rất nhiều về bình đẳng giới, song tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng."

Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi


Hiện tượng một số phụ nữ tham gia các sinh hoạt giải trí như CLB nhảy và có "trai bao", thậm chí có thể chủ động đi tìm mua vui chốc lát tại nhà nghỉ, khách sạn đang xảy ra tại các thành phố lớn được một số tờ báo đưa tin gần đây, "tuy không phổ biến nhưng nó cho thấy phụ nữ ngày nay đã tự do hơn, không cam chịu như trước đây," ông Lợi nói.



Trong bối cảnh "xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi về mọi mặt, trong đó có cả những thay đổi về hệ giá trị văn hóa, xã hội", thì "những hiện tượng xã hội mới nảy sinh có hàm ý thách thức hệ thống giá trị hiện có thường gặp phải sự chống đối kịch liệt," nhà xã hội học nhận định.

"Quá trình thay đổi quan niệm sống cần thời gian. Sự thay đổi các quan niệm về giới cũng vậy. Trong lĩnh vực tình dục, hôn nhân và gia đình, sự thay đổi về giá trị khó khăn hơn nhiều nhưng thay đổi vẫn đang diễn ra.

"Trên báo chí bây giờ người ta bắt đầu nói nhiều đến việc nữ thanh niên có thể chủ động tỏ tình, trong hôn nhân người vợ có thể chủ động trong hoạt động tình dục. Những nhu cầu cá nhân chắc sẽ ngày càng được chú ý hơn, và phụ nữ chắc chắn sẽ ngày càng có địa vị so với nam giới và được cải thiện theo hướng bình đẳng hơn."






from BBC website

Thursday, May 16, 2013

NHỊ ĐỔ TƯỜNG!





Lại nói chuyện rượu



15.05.2013


Trước hết, tôi xin thú nhận điều này: Tôi thích cả cà phê lẫn rượu. Với cà phê, phải nói là tôi nghiện. Sáng, thức dậy, không có cà phê, tôi có cảm giác tôi không thể tỉnh táo được. Mỗi ngày, hầu như tôi phải uống cà phê trước khi làm bất cứ điều gì khác. Không có cà phê, người cứ ngầy ngật. Bởi vậy, những khi đi ngoại quốc, tôi sợ nhất là đến những quốc gia không có hoặc ít có cà phê (như Trung Quốc, chẳng hạn); ở Úc, tôi sợ nhất là những lúc phải đi thử máu. Lớn tuổi, tôi thường giữ thói quen đi thử máu mỗi năm một lần. Điều kiện để thử máu là phải nhịn ăn và nhịn uống! Thường, tôi chọn những trung tâm thử máu mở cửa sớm. Nhưng sớm nhất ở Úc vẫn là 8 giờ. Vấn đề là tôi ngủ ít. Theo thói quen, tôi thức dậy khoảng 5 giờ. Trời, từ 5 giờ đến 8 giờ là một quãng thời gian đằng đẵng nếu không có cà phê! Đó là lý do chính khiến tôi thường lần khân dù bác sĩ gia đình lúc nào cũng nhắc nhở! Còn với rượu, thú thực, tôi không biết tôi có nghiện hay không. Thường thì tôi uống rượu mỗi ngày. Chỉ uống rượu đỏ. Và khá chừng mực. Những lúc đi xa, không uống cũng không sao (nhưng nếu có thể thì uống vẫn tốt hơn!).



Thói quen uống cà phê và uống rượu của tôi khác nhau. Uống cà phê, tôi thích uống ở tiệm; uống rượu, tôi thích uống ở nhà. Cà phê, tôi uống lúc nào cũng được, nhưng thường buổi sáng và buổi trưa; rượu, tôi chỉ uống vào buổi tối. Cà phê, tôi thích nhất là caffe latte, không đường; rượu, tôi chỉ uống rượu đỏ. Rượu nặng, tôi có khá nhiều, nhưng hầu như chỉ dành cho khách khứa. Rượu trắng, cũng có, nhưng chỉ dành cho vài trường hợp hiếm hoi khi ăn một món nào đó. Tôi vẫn thấy thích rượu đỏ nhất. 

Trong các loại rượu đỏ, tôi không thích những gì có vị ngọt và dịu. Tôi chỉ thích những loại rượu nghe hăng hắc mùi tiêu và mùi gỗ. Tôi thường uống khá chậm. Uống một ly rượu đỏ có khi mất cả tiếng đồng hồ. Tôi vừa đọc hay vừa viết vừa uống. Mỗi lần một hớp nho nhỏ. Hầu như không cần nuốt. Chất rượu cứ tan trong miệng và trên lưỡi. Nếu không cần quá tập trung vào công việc, tôi thích nghe ngóng dư vị của rượu trên lưỡi của mình. Tôi thấy vị rượu chạy trong lưỡi và thấm từ từ vào từng tế bào trong lưỡi. Tôi thích thú trong việc theo dõi chúng. Theo tôi, có sự khác nhau giữa rượu đỏ và rượu mạnh. Với rượu mạnh, người ta thưởng thức bằng cổ họng (và sau đó là các sợi dây thần kinh trên đầu); với rượu đỏ, người ta thưởng thức bằng mũi, lưỡi và vòm miệng. Với rượu mạnh, người ta trải nghiệm cảm giác bay bổng và sau đó, rớt xuống thật nặng; với rượu đỏ, người ta trải nghiệm cảm giác lâng lâng, lâng lâng mãi. Trước khi biết thích rượu đỏ, phải uống rượu mạnh với bạn bè, tôi thường say. Từ khi thích uống rượu đỏ, hầu như bao giờ tôi cũng biết dừng lại sớm, nên không hề say. Cảm giác lâng lâng của rượu, do đó, cứ kéo dài, không biến thành nhức nhối khó chịu như những điều những người uống rượu mạnh thường cảm thấy.



Tôi thích uống rượu đỏ trong hai trường hợp: có bạn thân và một mình. Với những bạn sơ giao, tôi không thích uống rượu. Chả hiểu tại sao. Hơn nữa, tôi chỉ thích uống rượu đỏ ở Úc và các quốc gia Tây phương. Nhiều năm trước, những lần về Việt Nam, tôi chỉ thích uống bia. Thật ra, thoạt đầu, tôi cũng định uống rượu đỏ, như thói quen của mình lúc sống ở Úc. Nhưng không thấy thích. Ngỡ tại rượu. Tôi loay hoay kiếm rượu đỏ của Úc. Vẫn không thích. Kiếm rượu đỏ của Pháp. Vẫn không thích. Sau năm bảy lần như thế, tôi bỏ cuộc. Quay sang uống bia, tôi thấy bia thật ngon (trong khi đó, ở Úc, tôi lại không thích bia). Hai lý do chính, tôi nghĩ, một, có lẽ do khí hậu: Trời nóng uống bia mới thấy ngon; hai, không khí: nhậu, ở Việt Nam, thường đông người và thường rất ồn, không thể “nghe” được mùi và vị rượu; bia, do đó, hợp hơn.

Thích uống và uống rượu cũng khá nhiều, nhưng không bao giờ tôi nghĩ là mình sành rượu. Trong đám bạn của tôi, cũng không ai thực sự sành rượu. Thậm chí, tôi có một người bạn uống rượu cả đời, ngày nào cũng uống, hết năm này sang năm khác, nhưng hầu như không bao giờ có thể phân biệt được rượu ngon và rượu dở. Anh chỉ biết phân biệt chất lượng rượu theo… giá. Nghe chai rượu nào mắc tiền, anh cứ xuýt xoa. Ngay cả khi bạn bè, vì nghịch, lừa anh, đôn giá lên, ví dụ, từ 20 đô lên 100 đô, anh cũng không biết, cứ tắm tắc khen ngon, hớp từng hớp một cách đầy trân trọng. Một số người quen khác của tôi có cả hầm rượu hàng mấy trăm chai nhưng cũng không có vẻ gì biết nhiều về rượu, trừ chuyện giá cả, và một số nghi thức chung quanh việc uống rượu, như các kiểu ly và các thức ăn đi liền với từng loại rượu, nghĩa là những điều rất căn bản và đơn giản.



Tôi chỉ thực sự gặp một người thích rượu và sành về rượu trong chuyến đi Sydney vào cuối tháng 4 vừa rồi: Hà Công Hồng. Là nha sĩ, nhưng Hồng rất thích văn nghệ và thích đọc sách báo về văn học cũng như tình hình chính trị Việt Nam. Đãi tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn, Võ Quốc Linh và một số bạn văn nghệ khác tại nhà, anh giới thiệu trước: Sẽ cho chúng tôi đi vòng quanh thế giới bằng… rượu. Trước hết, ăn cá hồi đen của Nga (Sturgeon black caviar), anh cho chúng tôi uống champagne (Bollinger, Special Cuvee, magnum) của Pháp, kế tiếp, ăn cá trout biển hong khói của Na Uy và thịt bò Nhật (Blackmore wagya) kèm với loại muối Black Truffle của Ý, anh cho uống hai loại sake Kitanohomare Junmai Daiginj (sản xuất ở vùng Hokkaido) và Ginban Banshu 50 Junmai Daiginjo (từ vùng Toyama), sau đó, với các món ăn khác, anh cho uống rượu đỏ Pinot Noir 2006 (Daniel Schuster, Omihi Selection) của New Zealand (Waipara) và cuối cùng, quay lại Úc với chai Penfolds Caberet Shiraz Bin 389 sản xuất tại tiểu bang Nam Úc năm 1996. Hồng có một hầm rượu rất lớn, chứa rất nhiều rượu thuộc loại hảo hạng, nhưng uống mấy chai kể trên, cả khách lẫn chủ đều ngất ngư.

Ở Việt Nam, ngày trước, có khá nhiều người viết về thức ăn và rượu. Nguyễn Du, trong Thanh Hiên thi tập, từng viết về chuyện uống rượu với thịt cầy (Hữu khuyển thả tu sát / Hữu tửu thả tu khuynh); Nguyễn Khuyến, khi khóc Dương Khuê, nối liền rượu và tình bạn trong hai câu thơ nổi tiếng: “Rượu ngon không có bạn hiền / Không mua không phải không tiền không mua”; Tản Đà, người nổi tiếng cả về việc sành ăn lẫn sành rượu, gắn liền việc ăn uống với việc hưởng lạc. Nhưng, tất cả đều hoặc viết về thức ăn hoặc viết về rượu; dường như không ai để ý đến mối quan hệ mật thiết giữa rượu và thức ăn.



Có thể nói, với người Việt Nam, ít nhất là trước khi chịu ảnh hưởng của Tây phương, thứ nhất, rượu có thể uống bất cứ lúc nào cũng được, không nhất thiết trong bữa ăn; thứ hai, rượu, có thứ gì thì uống thứ đó, không cần biết thức ăn đi kèm là món gì, có thích hợp hay không. Trong bài “Luận về ăn ngon”, Tản Đà nêu lên bốn yếu tố quan trọng cho một bữa ăn ngon: thức ăn, giờ ăn, chỗ ngồi và người cùng ăn. Chỉ có thể có một bữa ăn ngon nếu cả bốn yếu tố ấy đều hoàn hảo. Nhưng ông lại không nhắc đến rượu.

Có lẽ đó là điều người Tây phương (và những người bị… Tây hóa!) không thể nào hiểu được. Nhất định họ sẽ thêm một yếu tố nữa: rượu. Michael Broadbent, một nhà phê bình rượu nổi tiếng người Anh, từng nói: “Uống rượu ngon kèm thức ăn ngon với những người bạn hợp với mình là một trong những lạc thú văn minh nhất trong đời” (Drinking good wine with good food in good company is one of life's most civilised pleasures). Nhiều người Tây phương xem rượu như phần hồn trong khi thức ăn chỉ là cái xác (“If food is the body of good living, wine is its soul”, Clifton Fadiman), thậm chí, rượu là phần… trí thức của bữa ăn (“Wine… the intellectual part of the meal”, Alexandre Dumas).



Hơn nữa, người ta nhận ra, một trong những đặc điểm quan trọng nhất giữa thức ăn và rượu là sự hài hòa. Mỗi loại rượu chỉ có thể kết hợp được với một loại thức ăn nào đó. Ăn món này, rượu này; ăn món khác, rượu khác. Nhiều người hay nói: rượu đỏ đi với thịt đỏ; rượu trắng đi với thịt trắng. Sự thực không đơn giản như vậy. Rượu đỏ có nhiều loại: Shiraz/Syrah hợp với các loại thịt đỏ; Cabernet Sauvignon với thịt bò, thịt gà, thịt vịt và thịt cừu; Pinot Noir hợp với salmon nướng, thịt gà, thịt cừu và các món ăn Nhật (đặc biệt sushi); Merlot dễ hơn, có thể uống với bất cứ loại thực phẩm gì, tuỳ thích. Hơn nữa, cách nấu cũng ảnh hưởng đến rượu. Ăn steak, người ta thường uống Cabernet hoặc Shiraz; ăn đồ chiên, người ta uống với Merlot hoặc Shiraz; ăn đồ nướng hoặc quay, kèm với nấm hoặc khoai tây, uống Pinot Noir.

Chưa hết, mỗi loại rượu cần một loại ly riêng. Uống rượu đỏ, chẳng hạn, cần loại ly thủy tinh rộng miệng và trong suốt để, thứ nhất, rượu có thể “thở” và hả bớt mùi nhanh; thứ hai, người ta có thể thấy được “chân” rượu (còn được gọi là “nước mắt” rượu, wine tears/legs): sau khi lắc nhẹ (theo vòng tròn), để ly rượu đứng thẳng, bạn sẽ thấy trên thành ly có một số giọt rượu dính lại và từ từ chảy xuống, ràn rụa như những giọt nước mắt; số giọt rượu ấy càng nhiều và càng đặc chứng tỏ chất cồn càng cao, và do đó, (có thể) rượu càng ngon; thứ ba, để có thể ngắm được màu rượu, qua đó, có thể sơ khởi thẩm định “tuổi” của chai rượu và thưởng thức rượu bằng thị giác (cũng là đỏ, mỗi loại rượu thường có độ đỏ khác nhau: Cabernet Sauvignon, còn mới, đậm nhất; để lâu năm, màu nhạt đi một chút; Merlot nhạt hơn chút nữa; Shiraz/Syrah cũng đậm như Cabernet Sauvigon nhưng trong lúc Cabernet gần với màu nâu, Shiraz gần với màu tím, hơi đục, nhất ở những chai còn mới; Pinot Noir nhạt nhất, như pha trộn giữa màu nâu và màu cam, để càng lâu càng trong suốt); và thứ tư, để mùi rượu có thể xông thẳng vào mũi người uống, qua đó, người ta có thể thưởng thức rượu không những bằng vị giác mà còn bằng cả khứu giác.



Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy thú vị nhất khi uống rượu ở nhà Hà Công Hồng là được nghe anh nói về rượu. Anh giới thiệu lai lịch của từng chai rượu: Nó được sản xuất ở đâu, năm nào, cách thức sản xuất ra sao, bằng loại nho gì, trong loại thùng gì, được pha trộn với những loại hương vị gì, được giới phê bình đánh giá ra sao. Anh biết rộng và nhớ nhiều vô cùng. Nghe anh nói, tôi mới nhận ra một điều, cái điều đáng lẽ tôi phải biết từ lâu: Người ta uống rượu không phải chỉ bằng các giác quan (physical senses) mà bằng cả cảm quan (sensuality), trước hết là cảm quan về không gian (sense of place) và sau là cảm quan về lịch sử (sense of history).

Mua cà phê, nhiều người cũng hay quan tâm đến nước sản xuất (ví dụ, Brazil, Costa Rica, Colombia, Ethiopia, Mexico hay Việt Nam), nhưng khi vào tiệm uống, không ai xem quốc gia sản xuất như một tiêu chuẩn đánh giá, thậm chí, người ta không thể biết. Và cũng không cần biết. Chất lượng ly cà phê tùy thuộc nhiều hơn ở cách pha chế. Rượu thì khác. Chất lượng của rượu tùy thuộc vào hai yếu tố chính: đặc điểm của nho và kỹ thuật chế biến. Yếu tố đầu lại tùy thuộc vào đất đai và khí hậu. Mỗi vùng chỉ thích hợp với một loại nho. Nói đến Cabernet Sauvignon, người ta nghĩ, trước hết, đến vùng Médoc ở Bordeaux, Pháp, sau đó, mới đến các vùng khác ở Mỹ, Úc, Nam Phi và Argentina. Nói đến Pinot Noir, người ta nghĩ, trước hết, đến vùng Burgundy ở Pháp, sau đó, đến Úc, New Zealand và Chile. Trong khi đó, Shiraz, dù xuất phát từ Rhône Valley ở Pháp, nhưng sau, có vẻ đặc biệt thích hợp với các điều kiện thổ nhưỡng tại Úc.



Đặc điểm và chất lượng của rượu tùy thuộc không những ở quốc gia mà còn ở từng địa phương trong mỗi quốc gia. Ví dụ, rượu ở Úc thay đổi theo từng tiểu bang, từ Nam Úc đến Tây Úc, Victoria và New South Wales; ở mỗi tiểu bang, rượu lại thay đổi theo từng vùng: tiểu bang Nam Úc, nơi sản xuất khoảng hơn một nửa số rượu trong nước, có các vùng sản xuất rượu nổi tiếng như Southern Fleurieu, Adelaide Hill, Barossa Valley, Coonawarra, v.v.. Hơn nữa, ngay cả ở những vùng nổi tiếng, chúng chỉ nổi tiếng về một loại rượu nào đó. Không phải tất cả.

Chính vì vậy, ở các quốc gia sản xuất nhiều rượu, chính phủ thường thiết lập bản đồ vùng rượu (wine regions, giống như bản đồ địa lý hay bản đồ hành chính) và hệ thống danh hiệu (appellation system) dựa trên nguồn gốc địa lý của từng loại nho. Việc ghi tên vùng trên các chai rượu (geographic indication), một mặt, là một yêu cầu của giới tiêu thụ; mặt khác, được luật pháp bảo vệ. Bất cứ sự giả mạo nào cũng đều có thể bị trừng phạt. Người sành rượu có thể sơ bộ đánh giá được chất lượng rượu qua địa phương sản xuất ghi trên nhãn (trên nguyên tắc, đơn vị địa phương càng lớn, ví dụ tên tiểu bang, chất lượng càng thường; càng nhỏ, ví dụ tên một quận hoặc một làng, chất lượng càng cao; với những địa phương đặc biệt nổi tiếng, người ta thường để trong ngoặc kép).



Hơn nữa, ở mỗi vùng, đặc điểm và chất lượng của rượu thay đổi theo từng năm. Đó là lý do tại sao, cùng một loại rượu, nhưng năm này ngon, năm khác lại dở. Hệ quả là, khi thưởng thức rượu, người ta hay để ý không những hiệu, nơi trồng nho mà còn cả năm sản xuất được ghi trên nhãn (những loại rượu giá rẻ, sử dụng loại nho trong nhiều vụ khác nhau – thường ghi là NV, Non-Vintage). (Do các lý do nêu trên, tập uống rượu, một trong những điều người ta cần học đầu tiên là học cách đọc nhãn in trên chai rượu!)

Trong một bữa tiệc, được thử nhiều loại rượu khác nhau, chúng ta không những được du hành qua không gian, từ nước này sang nước khác, mà còn được du hành qua thời gian, với những năm nắng nhiều hay nắng ít, nho được mùa hay không được mùa.

Nói chuyện về rượu, tôi lại nhớ đến Nguyễn Khuyến. Nhớ đến Nguyễn Khuyến, tôi lại nghĩ đến bài “Chừa rượu”:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được, nhưng mà cũng chẳng chừa.

Hay nhất trong bài thơ là cái giọng: Bài thơ 28 chữ, trong đó có 8 chữ kết thúc bằng vần “ưa”. Không những nhiều, các chữ có vần “ưa” ấy còn lặp đi lặp lại và nối liền nhau: Hai chữ cuối của câu trên được lặp lại ở đầu câu dưới (trong thuật ngữ thơ Đường, người ta gọi là thể “áp cú’). Âm “ưa”, tự nó, đã dài; việc lặp lại ấy càng khiến nó dài hơn. Dài đến độ… lè nhè.

Như cái giọng nhừa nhựa lè nhè của một người đang xỉn!






















*****

ANH BẢY MÉO...






Thực dân mới



Tác giả: Phạm Thị Hoài







Cáo buộc của tổ chức Global Witness đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang được loan tải và phân tích trên hàng loạt cơ quan truyền thông quốc tế. Tờ Spiegel số vừa phát hành [i] cũng có riêng một phóng sự về việc này.

Bài báo bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn ông Lào 27 tuổi gầy guộc, đánh độc một chiếc quần đùi, ngồi xổm trên khoảnh hiên bé xíu trước túp nhà sàn dựng bằng phên dậu của mình ở làng Ban Hatxan, nơi anh sống với vợ và cha mẹ. Trước mặt anh là ba con thằn lằn bất động, bữa tối của cả nhà. Toàn bộ tài sản còn lại của gia đình là ba con gà và một con lợn. Anh không dám cho nêu tên thật. Anh đã phải chạy trốn khi tập đoàn HAGL của Việt Nam sang Lào chiếm đất trồng cao su với quy mô lớn. Người Lào ở đây gọi người Việt là những ông “trùm cao su”. Anh kể: Gia đình anh vốn sinh sống bằng mảnh đất trồng thốt nốt. Cách đây ba năm HAGL đem quân khai hoang đến, không báo trước, đốn rừng, đốt sạch mọi thứ, nhà anh cũng bị đốt.



Song trong câu chuyện chiếm đất khai hoang ở Lào, ngoài những ông trùm Việt Nam còn có những ông trùm khác. Khi vô sản toàn thế giới không còn liên hiệp lại nữa thì tư bản toàn cầu làm việc đó rất thành công. “Lào và Việt Nam cách Đức hơn 8000 km. Nhưng tiền và sự trợ giúp để cướp đất ở Đông Nam Á thì HAGL cũng nhận được thông qua Deutsche Bank [ii]“, các tác giả của bài báo khẳng định. Một quỹ đầu tư của DWS, công ti con của Deutsche Bank, trực tiếp tài trợ cho HAGL và một công ti Việt Nam khác thuộc VRG.

Bài báo cũng điểm lại sự nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức mà người Việt thường gọi là “Bầu Đức“, từ thuở ban đầu với một xưởng mộc đóng bàn ghế cho học sinh trên Tây Nguyên đầu những năm chín mươi, qua kinh doanh gỗ và góp phần đáng kể vào việc phá rừng vô độ ở Việt Nam, nhưng chỉ thực sự phất mạnh khi nhảy vào lĩnh vực bất động sản từ cuối những năm 2000. Ông cũng là người Việt đầu tiên sắm máy bay riêng, mua hẳn một câu lạc bộ bóng đá làm của và có tham vọng trở thành tỉ phú đầu tiên của Việt Nam, và Deutsche Bank là một trong những thế lực giúp ông trên con đường đó.



Theo Spiegel, “năm 2008, trước hết Bầu Đức đưa HAGL lên sàn chứng khoán TPHCM. Vụ lên sàn này thắng lợi, tổng vốn hóa thị trường của HAGL nhanh chóng tăng gấp ba. Nhưng ông bầu còn muốn đi xa hơn. HAGL muốn trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết chứng khoán tại London. Deutsche Bank giúp ông. Cuối năm 2010, Deutsche Bank mua cổ phiếu của HAGL và vài tháng sau tạo điều kiện để HAGL lên được sàn London. Cổ phần của Deutsche Bank là cơ sở cho các chứng chỉ lưu kí toàn cầu[iii] để huy động vốn đầu tư cho HAGL.” Nhưng khi ấy kinh doanh bất động sản không còn ở đỉnh cao và HAGL bắt đầu nhắm vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đầu tiên ở Việt Nam, rồi sau khi đã vét sạch ở trong nước thì vươn sang Lào và Campuchia. Bài báo dẫn lời Bầu Đức tuyên bố trên tạp chí Forbes: Tài nguyên là thứ hữu hạn. Tôi phải nhanh chân, nếu không là nó hết.


Bầu Đức bên cánh rừng cao su.

HAGL làm thế nào để thâu tóm trên 80.000 hécta ở Lào và Campuchia, vượt xa giới hạn hợp pháp theo luật tô nhượng đất của các quốc gia này? Spiegel đưa ra một ví dụ về những cách khuất tất và lắt léo trong đống bùng nhùng của tham nhũng và vô hiệu hóa luật pháp mà báo cáo của Global Witness nhắc đến. Năm 2009, Lào được đăng cai tổ chức SEA Games 25. HAGL nhận tài trợ toàn bộ dự án xây Làng vận động viên với tổng vốn đầu tư là 19 triệu Dollar. Song đó không phải là một cử chỉ từ thiện hào phóng mà là một vụ đổi chác, lấy 10.000 hécta đất để đốn rừng, trồng cao su. Dân Lào ở đây chỉ biết sững sờ khi bỗng nhiên thấy xe ủi của người Việt xông đến. Số thì chạy trốn, không dám đương đầu với những ông chủ mới được chính quyền Lào che chắn. Số còn lại chấp nhận một khoản đền bù rẻ mạt. Người đàn ông bị cướp đất và đốt nhà nêu trên được đền bù 1,5 triệu Kíp tiền đất, tương đương 150 Euro, và 16.000 Kíp tiền nhà, giá một bát mì trong quán.



Ông Đoàn Nguyên Đức khó có thể bảo rằng tờ Spiegel lợi dụng tên tuổi của Hoàng Anh Gia Lai để đánh bóng tên tuổi, như ông đã quy động cơ rẻ tiền ấy cho Global Witness mà theo ông là một tổ chức vô danh. Đối tượng chính của bài báo trên tuần tin quan trọng nhất ở Đức, với số lượng phát hành lớn nhất ở châu Âu này cũng không phải là tập đoàn Việt Nam HAGL mà là tập đoàn Đức Deutsche Bank, thế lực tài chính đã trợ giúp và tham dự vào những hoạt động đầu tư thiếu minh bạch, tàn phá môi trường, bần cùng hóa nông dân, gây bất ổn xã hội, mâu thuẫn sâu sắc với những giá trị về đạo đức và bảo vệ môi trường bền vững mà Deutsche Bank thường quảng cáo. Cũng theo Spiegel, Deutsche Bank tuyên bố là quỹ đầu tư thuộc công ti con DWS của mình chỉ giữ vỏn vẹn 0,6 % cổ phần tại HAGL, và trong trường hợp có chứng cứ xác nhận những cáo buộc nói trên, Deutsche Bank sẽ tiến hành đối thoại với các công ti Việt Nam để cải thiện các điều kiện xã hội và môi trường liên quan.

Có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi, ngoài việc một dân tộc từng lầm than hàng thế kỉ vì chủ nghĩa thực dân và hiện đang đứng trước nguy cơ tự đưa cổ vào tròng thực dân mới rất có thể lại đi đóng chính vai trò thực dân mới. Hiển nhiên HAGL và VRG không đại diện cho dân tộc Việt Nam, nhưng những người nông dân Lào và Campuchia bị mất đất và tước sinh kế chỉ đơn giản thấy đó là Việt Nam, người láng giềng tuy nhược tiểu trên trường quốc tế nhưng tự tin rằng mình hùng mạnh nhất trên bán đảo Đông Dương. Người Việt nói chung, bản thân đầy đau đớn và mặc cảm vì phận dưới của mình, chưa bao giờ tự vấn về thái độ bề trên với hai dân tộc láng giềng phía Tây. Hơn một trăm năm trước, người Pháp đưa cây cao su vào Việt Nam. Bây giờ người Việt đem nó đi khai hóa văn minh ở Campuchia và Lào. Bao giờ thì chúng ta sang châu Phi khai hóa?

© 2013 pro&contra




[i] “Der Landraub von Laos” (Cướp đất ở Lào), nhóm tác giả Martin Hesse, Jörg Schmitt, Wieland Wagner, Spiegel số 20/2013, tr. 82-83

[ii] Deutsche Bank (Ngân hàng Đức) là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức, hoạt động toàn cầu với hơn 100.000 nhân viên ở trên 70 quốc gia, có mặt tại Việt Nam từ năm 1997.

[iii] Global Depositary Receipt (GDR)

CÁC BÀI KHÁC VỀ GLOBAL WITNESS:

Bầu Đức, Đừng Đùa Với George Soros


Anh Đoàn Nguyên Đức Có Phá Rừng?

Wednesday, May 15, 2013

CHỐN ẤY HANG HÙM, CHỚ MÓ TAY!













Vài nét chấm phá, một chân dung





15.05.2013



Nhớ lại ngày xưa ở trong nước, cứ đến tháng 5 sau ngày lễ Lao động 1/5, sau ngày lễ Chiến thắng phát xít 8/5/1945 là đến ngày 19/5 lễ sinh nhật ông Hồ Chí Minh, một ngày kỷ niệm rất ồn ào, náo động.

Báo đài ra rả kể lể chuyện xưa, chuyện nay về «Cụ Hồ», về «Bác Hồ», về «Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại», họp chi bộ, họp chi đoàn, họp khu phố, kể đi kể lại cho nhau nghe những mẩu chuyện được coi là hay ho nhất, xúc động nhất về tài năng xuất chúng, về đạo đức tận cùng nhân bản của «Bác».

Đến nay với đà suy thoái thê thảm của đảng Cộng sản, hình ảnh «Cụ Hồ» trong trí não của ngay các nhà lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản cũng đã mờ nhạt dần, thay thế bằng hình ảnh đồng đô la xanh và những lá vàng óng ánh do Ngân hàng Nhà nước vừa bán ra ồ ạt, kiếm lời hơn 2 ngàn tỷ đồng để chia nhau.

Với nhân dân, qua «đổi mới», «mở cửa», qua thời đại « công dân mạng», đồng bào ta đã điều chỉnh rất nhiều hình ảnh của «Ông Hồ», «Bác Hồ», «Cụ Hồ» trong nhận thức của mình, để gần với sự thật hơn, vượt qua những tung hô, thêu dệt, cường điệu của bộ máy loa phường mà bà con gọi vui là «loa mẹ Đốp» ra rả từ mờ sáng thời xưa.

Bởi vì việc đánh giá cho thật chuẩn xác nhân vật then chốt này của lịch sử cận đại Việt Nam có ý nghĩa quyết định đối với hiện tại và tương lai nước ta đang cựa mình, nhằm rũ bỏ những gì là sai đường lạc lối, u mê mụ mị của quá khứ để vươn lên phía trước.

Một loạt ấn phẩm quốc tế đã có vai trò điều chỉnh và tác dụng thức tỉnh. Đó là cuốn sách đồ sộ của nhà sử học Mỹ William J. Duiker có nhan đề Hồ Chí Minh, a Life (Hồ Chí Minh - một cuộc đời)dày hơn 700 trang; đó là những cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp của Gabriel Kolko, Sophie Quinn-Judge, Pierre Brocheux, hay của tác giả Trung Quốc như Hoàng Tranh…

Ở trong nước, có một người với một bài viết bằng tiếng Việt rất ngắn gọn và công phu, chưa đến 2 ngàn từ, gói gọn trong 2 trang nhỏ mà khắc họa được cả cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ, kín đáo mà rõ ràng, không nêu tên mà ai nấy đều vỡ lẽ, ám chỉ mà không lẫn vào đâu, ẩn dụ mà sống động, như một họa sỹ thiên tài, vung tay đưa vài nét cọ chấm phá mà phác họa được nhân vật với tất cả thần sắc hiển hiện.

Đó là nhà văn Trần Huy Quang, biên tập viên chuyên nghiệp của tuần báo Văn Nghệ, tác giả truyện ngắn «Linh Nghiệm» trên số báo ngày 4 tháng 7 năm 1992.

Chữ mở đầu bài báo là tên một con người, cũng là chủ đề bao trùm của toàn bài. Rất kín, khó đoán lúc đầu, mà lại rất hở, khi đã vén màn bí mật lên. Đó là chữ «H», rồi 3 chấm, rồi «inh». Như thế này: «H… inh là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân không nghèo mà cũng chẳng giàu có gì lắm». Vì kín, nên bài báo lọt qua được 5 lớp duyệt của phó phòng văn nghệ, trưởng phòng văn nghệ, phó tổng biên tập thường trực, trưởng phòng thư ký tòa soạn, rồi họa sỹ trình bày minh họa báo và một loạt cán bộ cùng 2 công nhân nhà in. Xin nhớ vào thời vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, công nhân xếp chữ của nhà in cũng được huy động để cảnh giác, canh gác nghiêm mật cho đảng, để không cho lọt lưới những «bài báo xấu chống đảng».

Vì «H… inh» chính là tên Hồ Chí Minh cô lại một cách kín đáo, bất ngờ, thú vị. Và Hồ Chí Minh chẳng sinh ra ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, là con thứ 3, có anh là Nguyễn Tất Khiêm và chị là Nguyễn Thị Thanh là gì?

«Cha anh ta có đỗ đạt, từng làm quan nhưng tính khí thất thường, đã bỏ quan, khi đi dạy học, khi ngồi bốc thuốc», rõ ràng là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, từng là tri huyện Bình Khê, rồi bị giáng chức, về nhà gõ đầu trẻ và bốc thuốc Bắc, chứ chẳng còn ai khác.
«Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất vùng chôn rau cắt rốn tính đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt», khắc họa đúng phóc về «Cụ Hồ», một người chủ trương «lạt mềm buộc chặt», được tình báo đệ tam Quốc tế Cộng sản đào luyện, biết khóc, cười đúng lúc…

«Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngọại», thì đó chính là tâm lý anh thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ mới học hết tiểu học đã muốn rời nước đi xa.

Rồi anh thanh niên ấy nuôi một cuồng vọng mơ hồ thần bí muốn «tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiên, hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh», và rồi «lòng khao khát làm trai hải hồ, khắc khoải được quỳ gối dưới chân bậc Chí Thành», được «Linh nghiệm». Anh được lên chín tầng Thánh địa để được gặp đấng Chí Linh. Để được nhận tấm Đạo thư. Đó là ám chỉ sự kiện một đêm anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vớ được luận cượn ng Cộng sản của đấng Chí Linh – Lenin - rồi la toáng lên rằng ánh sáng đây rồi, chân lý đây rồi, và Đạo thư chính là nói về cái chủ nghĩa Mác - Lê đầy mê hoặc một thời.

Thế rồi anh thanh niên đi về phương Nam, mang theo cẩm nang đi tìm của quý trong vườn hoa mang tên Mùa Xuân, thu hút quanh mình đông đảo đồng bào. Anh bí hiểm lập lờ, thầm thì với mọi người tò mò hý hửng theo anh: «đi tìm cái này», cứ thế thu hút quần chúng nghèo khổ đủ loại vô sản rồng rắn đi theo, với hy vọng mơ hồ «cái này» sẽ đổi đời cho họ, sẽ có một chút no ấm», cứ thế, sáng, trưa rồi chiều, tối, và đến nay hơn nửa thế kỷ, vẫn còn đám đông xúm xít trong vườn hoa mang tên Mùa Xuân.

Bài viết chấm hết. Gọn gàng, sâu sắc, lại hóm hỉnh, chua chát, cũng lại tinh tế nữa. Một chân dung chấm phá mà hoàn hảo.

Thì các nhà lý luận Cộng sản chẳng luôn mồm nói chủ nghĩa Cộng sản là Mùa Xuân Nhân Loại là gì, rằng chủ nghĩa Cộng sản là Thiên đường dưới trần thế là gì!

Tháng 5 năm nay khi trong nước vẫn còn phát động học theo đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh, việc các bạn trẻ tìm đọc lại bài «Linh Nghiệm» trên đây là một việc làm rất lý thú, lại bổ ích. Các bạn cứ bấm google Trần Huy Quang hay «Linh Nghiệm» sẽ đọc được toàn bài.

Tôi nhớ khi bài «Linh Nghiệm» xuất hiện, sau 3 ngày cả Ban Tuyên giáo Trung ương đảng giật mình, Bộ Chính trị nổi giận, ông Đào Duy Tùng nguyên là trùm tư tưởng, lúc ấy là uỷ viên thường trực Ban Bí thư, nổi cơn tam bành. Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ là Hữu Thỉnh vừa thay Nguyên Ngọc tuy đi vắng cũng bị khiển trách. Lệnh thu hồi triệt để số báo không thực hiện nổi vì ai cũng lưu giữ thành của quý.

Riêng Trần Huy Quang bị kỷ luật treo bút 3 năm. Năm anh bị nạn là năm «hạn», 49 tuổi, sau đó không báo lề phải nào dám đăng bài của anh, cho đến khi anh phải về hưu sớm năm 1996. Năm nay anh vừa tròn 70 tuổi. Anh là nhà văn có tâm, lại có tài, nhưng trên hết là tấm lòng với dân tộc, với kẻ nghèo khổ. Anh nổi tiếng về bút ký «Lời khai của bị can» nói về thân phận của nhà kinh doanh làm ra lốp xe Nguyễn Văn Chẩn, còn có biệt danh là «Vua Lốp». Một nhà văn có tâm và có tầm không cần có tác phẩm hàng ngàn trang, cũng không cần phải có đến hàng chục tác phẩm để lại cho đời, vẫn để lại tiếng vang lớn trong xã hội, trong lòng bạn đọc.

Trần Huy Quang là thế. Một truyện ngắn 2 trang, chưa đến 2 ngàn từ, chấm phá nên chân dung một nhân vật lịch sử, với thái độ phê phán sâu sắc, không có từ nào thô kệch, lại ngay thật theo công tâm lương thiện.

«Linh Nghiệm» có thể là một mẫu mực về tả chân dung trong nền văn học và nền báo chí nước ta. Giữa không khí sùng bái cá nhân lãnh tụ mà viết phê phán kiểu ẩn dụ như thế, thật tuyệt !

Xin chúc nhà văn Trần Huy Quang tiếp tục phát huy sức sáng tạo khi vừa bước qua tuổi 70. Tình hình xã hội ta đang cần những cây bút tinh anh, sắc sảo, lại cô đọng, hóm hỉnh, khi cần thì kín đáo, dùng chiến thuật du kích tinh khôn, vượt qua các tầng lớp kiểm duyệt hiểm nghèo của một chế độ độc đoán toàn trị, mà vẫn phơi bày được cốt cách của nhân vật định mô tả.










TỪ THIÊN ĐƯỜNG CỘNG SẢN














Lý Thuyết Đái








“Hai mươi phút cho một suất ăn trưa. Nếu người (xếp) đầu hàng chỉ cần chậm trễ lúc nhận phần ăn thì kể như người cuối hàng không còn thời gian ăn nữa.




“Một phút rưỡi mỗi lần vệ sinh… 90 giây là khoảng thời gian đi hết quãng đường 150m từ xưởng sản xuất đến khu vực W.C. Người công nhân muốn đi “tháo bàng quang” rất cần tăng tốc động tác trong một chuỗi các thao tác may, ấn vào cái nút toilet màu đỏ…mắt người phải liên tục để ý đến cái nút khi nó chuyển sang màu xanh thì lập tức dừng máy và đi thật nhanh nếu không muốn nói là chạy. Kinh nghiệm nhiều năm của tôi cho thấy, trước tiên bạn cần phải luyện bộ máy tiêu hóa của mình theo hướng công nghiệp, đạt tiêu chuẩn ISO 2002 và cần rèn luyện thêm một số các kỹ năng đái khác, lúc ấy bạn mới ngồi vào chuyền may cho Tan weng company Ltd được.

“Bao nhiêu lần làm đơn đề nghị Tan weng company Ltd tăng giờ vệ sinh là bấy nhiêu lần em dỉn ra quần. Tám trong số bốn mươi em và sau này còn bao nhiêu em nữa phải âm lương do không hoãn được cái sự “thoải mái” ấy lại.

“Lý thuyết Đái, một lý thuyết về sự thay đổi thói quen. Có nghĩa rằng một khi tôi đã ngồi vào chiếc ghế may thì tất cả trọng lượng cơ thể với 42 kg của tôi lập tức biến thành một chuyền may.

“Lý thuyết Đái nói “bạn cần phải chạy nhanh hơn bất kỳ cái gì nhanh nhất”.

Đây là những dòng chữ lạnh lùng đến rớm máu trong truyện ngắn “Mùng chín tháng tám”, về tấn bi hài kịch quanh cái dây chuyền sản xuất công nghiệp, trong một công ty vốn nước ngoài Tan weng nào đó, nơi mà những người lao động Việt Nam chỉ được coi như những chi tiết của một cỗ máy.



Chép lại “lý thuyết đái” của nhà văn Lê Thanh Kỳ, là bởi ngày hôm qua, tác giả của vừa đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ vừa xuất hiện, để nói về những bi kịch khác trong đời sống mà ông không thể đưa hết vào một truyện ngắn. Đó là hiện thực 31 lao động được đưa vào một xưởng giày da- may mặc trong một…khu rừng nước ngoài. Cắt đứt hoàn toàn với thế giới. Một địa ngục. Một kiểu lao động khổ sai thực sự.

Phải nhắc lại “lý thuyết đái” vì hôm qua, báo Tiền phong đưa một bản tin ngắn gây sốc về tình trạng có tới 162 ngư dân Thanh Hóa đang làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc.

Bản tin ngắn gây sốc đến mức người ta phải tự đặt ra và trả lời câu hỏi: Vì sao những ngư dân Việt Nam, một cách trái pháp luật, tha hương cầu thực, làm việc trên những chiếc tàu cá Trung Quốc, có khi đang đánh bắt trái phép trên chính vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.



Có người đã đặt vấn đề hiểu biết pháp luật, vấn đề ý thức công dân. Nhưng thực ra, chẳng có gì to tát đến vậy.

Chỉ vừa tháng trước, ba ngư dân người Việt đã phải “nhảy xuống biển” chấp nhận mạo hiểm giữa dòng nước buốt giá, trên vùng biển Chile xa lạ, chỉ để thoát khỏi cái địa ngục có tên là tàu cá Đài Loan. Đó là nơi mỗi ngày làm việc dài “mười mấy tiếng”, “không có ngày nghỉ”, thức ăn là cá đánh được “nướng trên ống khói tàu”, là “hôm nào không có việc thì chủ chỉ cho ăn cháo và rau”, là “đói ăn rau nhưng đau không có thuốc”, là “ốm vẫn phải làm việc”.



Xin đừng trách họ. Chung quy chỉ là câu chuyện miếng cơm manh áo. Chẳng ai muốn phải tha hương cầu thực để trở thành một chi tiết trong cỗ máy công nghiệp đi đái cũng phải có lần, có phút hoặc nô lệ khổ sai để phải nhảy xuống biển.

Chẳng ai muốn mạo hiểm khi xuất khẩu lao động trong không ít trường hợp chẳng khác gì đánh bạc với số phận.

Cũng hôm qua, báo chí đưa tin lao động chui người Việt thứ tám đã chết ở Angola.

Cũng hôm qua, báo cáo về tình hình lao động và việc làm, dù không đạt chỉ tiêu, nhưng vẫn được đánh giá như một nỗ lực mang tính chất chiến công của cơ quan chức năng.

Cũng hôm qua đầu tàu kinh tế TP HCM lạc quan tính toán “chỉ” 12 năm nữa thu nhập đầu người sẽ bằng Băng Cốc của năm… 2010.

Những bi kịch “lý thuyết đái”, hay những hiện thực “nhảy xuống biển” có lẽ chỉ chấm dứt khi tình hình việc làm, thất nghiệp không chỉ tồn tại như những chỉ tiêu, khi người công dân, ngư dân có thể sống chính đáng bằng mồ hôi nước mắt ngay trong nước.






Lý thuyết đái của Đào Tuấn