Thursday, May 9, 2013

CHỈ VÌ SINH RA GẦN KHO ĐẠN




Anh Nguyễn Tử Quảng BKAV từ làng Thư Điền


TGĐ Nguyễn Tử Quảng. Ảnh: Internet

Dân Tin học ĐHBK và cả nước đều biết hai thầy trò Quách Tuấn Ngọc và Nguyễn Tử Quảng.

Thầy Ngọc, tác giả bộ BKED ( Bách Khoa Editor) gõ tiếng Việt trên máy vi tính có từ thời DOS cách đây mấy chục năm. Nhờ có BKED (bê kẹt) mà anh xây nhà rất to, hiện là Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo.



Trò Quảng nổi nổi tiếng thế giới với bộ chống virus máy tính BKAV (Bách khoa Anti Virus – Bê cạp) có hàng triệu người dùng.

Thầy Ngọc hay lên tivi, xuất hiện trên báo, nhiều người biết đến. Trò Tử Quảng rất hay được nhắc tới bởi nhiều phát biểu nổ vang trời.

Hôm trước, Tử Quảng lại lên báo. Theo báo Đầu tư, ngày 7/5, tại lễ ra mắt phần mềm diệt vi rút BKAV 2013, Tổng giám đốc BKAV đã ngỡ ngàng khi thấy BKAV đạt 2,6 tỷ lượt truy cập tại Việt Nam, qua mặt hai “đại gia” Google (1,4 tỷ) và Facebook (1 tỷ) cộng lại.



Dân số Việt nam hiện khoảng 90 triệu với hơn 30 triệu người dùng internet (năm 2012). Trong thực tế, số lượng PC ít hơn nhiều, ước đoán khoảng 5 triệu máy tính cá nhân, nhiều PC dùng BKAV vì có tiếng Việt, giá rẻ và tiện lợi.

Xin làm một phép toán đơn giản: 2,6 tỷ / 90 triệu người/30 ngày trong tháng, trung bình mỗi ngày từ đứa trẻ sơ sinh đến cụ già sắp sang bên kia thế giới, mỗi người nhấn chuột vào trang BKAV gần 10 lần.

Nếu chỉ tính 30 triệu người dùng internet, số truy cập là gần 30 lần/ngày. Tính theo số PC (cứ cho là khoảng 10 triệu chiếc), số hit vào BKAV lên tới gần 90 lần mỗi ngày, tương đương mỗi giờ (ngày đêm 24/7) vào BKAV tới 4 lần.

Suy ra, người dùng internet tại Việt Nam bị rất nhiều virus, chẳng làm ăn gì, suốt ngày gọi BKAV giúp đỡ.



Tháng 3-2013, Tổng Cua có về qua làng Thư Điền, nơi có họ Nguyễn Tử nổi tiếng.

Trong Hiệu Minh blog có khoảng chục còm sỹ “dây mơ rễ má” với vùng đất giầu truyền thống “Thư điền vô thuế tử tôn canh – Ruộng là sách thì không mất thuế, con cháu nên vừa học vừa cấy cầy”, nên có nhiều người đỗ đạt cao.

Bác còm sỹ – Giáo sư Nguyễn Tử Siêm là một trong những cây đa cây đề ở Thư Điền. Anh Tử Quảng BKAV là một ví dụ khác về sự nổi tiếng. Mình từng trọ học ở làng này những năm 1968-1970 nên hang Cua được thơm lây.

Năm 1772, cụ Nguyễn Tử Dự đã soạn 24 điều hương ước (lệ làng), khuyên răn dân sống cho phải đạo, như Dường lão – trọng người già, Nhiêu học – ham học, Giới tửu – tránh rượu chè, Khuyến thiện – nên làm việc tốt, Giới thủ canh thổ – tránh bán đất ruộng.

Tìm mãi trong những điều cụ Dự dạy, chẳng thấy câu nào nói đến tránh ba hoa, khoe mẽ cả. Có lẽ vì thế, làng này sinh ra anh Tử Quảng cực giỏi IT, nhưng chỉ tội hay…“nổ”.



Đề nghị bác Nguyễn Tử Siêm thêm vào điều thứ 25 “Giới…nổ – tránh nổ” cho lệ làng Thư Điền.

Ghi lại mấy câu thơ của các cụ làng Thư Điền diễn nôm về khuyến học tặng Tử Quảng và thế hệ sau nhớ về làng truyền thống văn hóa xưa:Nào ai cắp sách theo thầyBút làng vào sổ từ rày chữ nhiêuPhiên canh trong điếm ngoài lềuViệc làng công việc từ rao tận trừChẳng nên yêu sách ngầy ngà Có hậu phong tục mới ra nhân tài


HM. 7-5-2013


Từ cuộc đời McAfee có đôi lời với Bkav


John McAfee. Ảnh: internet

Khi viết entry này tôi kiểm tra thăm dò trên Cua Times (8-5-2013 vào 10 giờ sáng HN), có tới 92% bạn đọc không dùng Bkav trong số hơn 600 người tham gia. Một tỷ lệ đáng để CEO Nguyễn Tử Quảng phải suy nghĩ.




Cuộc đời của John McAfee

Dân IT ai chả biết đến McAfee, phần mềm chống virus nổi tiếng nhất thế giới. Đứng sau là các đại gia về chống virus như Avira, BitDefender, BullGuard, F-Secure, Frisk,Kaspersky, Symantec, and Trend Micro. Danh sách các công ty nổi tiếng trên thế giới có thể tìm ở đây. Tìm mỏi mắt không thấy Bkav đâu cả.

Cha đẻ McAfee chính là John McAfee, sinh năm 1946 tại Anh quốc và trưởng thành bên tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ).

Là người lập trình kiếm cơm ở Lockheed, nơi toàn sản xuất ra động cơ khủng cho máy bay, tên lửa…của Mỹ, McAfee từng được giao trách nhiệm tìm hiểu virus gọi là Pakistani Brain (Bộ óc Pakistan).

Đây là virus đầu tiên có từ thời DOS và do hai anh em nhà Basit Farooq Alvi and Amjad Farooq Alvi sống ở Lahore, Pakistan.

Lứa tuổi của tôi U60 ai chả nhớ. Virus này chiếm phần khởi động trên đĩa mềm nên ai mang đĩa sang máy khác là nó tự copy vào bộ nhớ, nằm đợi đó. Cho đĩa mềm khác vào nó lập tức ghi lên và cứ thế lây lan chóng mặt.

John McAfee được giao trách nhiệm phá con virus này. Đó là khởi đầu cho công ty McAfee được thành lập năm 1987, hiện có tài sản hàng chục tỷ đô la.

Ông cũng là người đầu tiên chia sẻ phần mềm chống virus (shareware) miễn phí khi dùng thử hoặc với cấu hình hạn chế. Chỉ khi người dùng thấy thoải mái mới bỏ tiền mua, lúc đó sẽ cung cấp bản đầy đủ.



Năm 1989, John bỏ Lockheed và bắt đầu toàn tâm toàn ý cho công ty mang tên mình có trụ sở tại nhà riêng ở Santa Clara, California.

Nhưng sau đó anh bỏ đi năm 1994 và hai năm sau McAfee Associate ra thương trường chính thức, John bán hết tài sản của mình cho công ty. Hiện công ty McAfee được bảo trợ bởi Intel.

John McAfee chuyển sang kinh doanh lĩnh vực như nhắn tin, tường lửa… nhưng có vẻ thất bại. Thời kinh tế toàn cầu thảm hại 2007-2010, tài sản hàng trăm triệu đô la của John chỉ còn lại khoảng 4 triệu.

McAfee Logo. Ảnh: internet

Cho dù McAfee bỏ công ty, nhưng tên anh vẫn được giữ lại. Nếu góc phải phía dưới màn hình có biểu tượng chữ M mầu trắng trong cái khiên mầu đỏ thì hiểu đó là McAfee ®. Hình như Bkav cũng có một logo khá giống.

McAfee sinh thời rất nổi tiếng và anh được coi là biểu tượng bất khả xâm phạm trong tin học.

Đương nhiên, đó là mục tiêu tấn công của hacker. Tay hacker nào mà phá được McAfee thì coi như được cấp chứng chỉ quốc tế về … phá hoại.

Cũng bởi vậy McAfee mua máy tính qua bạn bè vì phải giấu tên, mỗi ngày đổi IP mấy lần. Hở ra là bị hacker hỏi thăm.

Mới năm ngoái thôi (4-2012) McAfee dính vòng lao lý. Đầu tiên là tư gia tại Belize ( một nước ở Trung Mỹ) bị khám xét vì nghi ngờ sản xuất ma túy và sở hữu súng không giấy phép. Tuy nhiên, sau đó anh được thả, không bị buộc tội hay phạt mà chỉ bị nghi ngờ

Tháng 11-2012, báo chí Mỹ ầm ỹ vụ McAfee liên quan đến cái chết của Gregory Viant Faull, người Mỹ, là hàng xóm. Cảnh sát nước này đã nghi McAfee nên đã gọi lên thẩm vấn.

John McAfee trốn sang Guatemala và xin cư trú chính trị. Tuy nhiên anh bị bắt vì đã vào nước này trái phép. Việc xin cư trú không thành, anh bị đưa vào trại, đợi ngày đưa về Belize. Tay chống virus cự phách này lách luật bằng cách giả vờ bị nhồi máu cơ tim để vào bệnh viện và chờ luật sư cứu giúp.

Mọi trò lạng lách của anh cuối cùng đã thất bại. Trước Noel 2012, John McAfee bị trục xuất và đưa về Mỹ, đợi ngày xét xử, kết thúc sự nghiệp của một người nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực chống virus cho máy tính.

Và đôi lời với Bkav

Nếu không biết chọn cho mình con đường đi đúng hướng thì sẽ kết thúc như John McAfee dù anh chẳng liên quan đến tội chống phá nhà nước. Huyễn hoặc mình quá nhiều làm cho tương lai biến thành gam mầu xám.

Năm 2012, khi trả lời phỏng vấn báo chí hỏi có dùng sản phẩm của McAfee, người sáng lập trả lời đùa “I take it off – tôi bỏ nó ra,” and that “It’s too annoying – bởi khó chịu quá”. Anh quá hiểu sản phẩm mình làm ra.

Dẫu vậy, phần mềm McAfee không vì thế mà giảm giá trên thị trường bởi độ tin cậy, chuyên nghiệp và không liên quan đến CIA hay FBI. Ở Mỹ mà sản xuất ra phần mềm chống virus lại biến thành công cụ ăn cắp dữ liệu cá nhân, cho dù có phục vụ chính phủ, thì cả công ty đó tù mọt gông.


Đội ngũ BKAV. Ảnh: Bkav web.

Nhìn vào đội ngũ Bkav với hàng ngàn nhân viên IT thông minh, mặt mũi sáng sủa, coi chuyện hack hay chống hack như uống ly café Trung Nguyên, nếu được đi đúng hướng sẽ tạo nên những McAfee, Norton hay Symantec khác trên thế giới.



Với sức người, sức của, tòa nhà cao ngất trên đường Trần Thái Tông, Bkav hoàn toàn có thể trở thành một đối thủ đáng gờm ở tầm toàn cầu.

Nếu sản phẩm của họ không liên quan đến an ninh, đến mục đích chính trị, thì người mua khắp thế giới sẽ tin như tin McAfee, dù người khởi xướng bị bắt vì nghi tội giết người.

Mong các bạn trẻ hãy đọc lịch sử của John McAfee trước khi viết phiên bản BKAV mới sạch và chuyên nghiệp. Khách hàng năm châu không cần công ty xứ Việt phải vượt mặt Google hay Facebook về số lượng truy vấn.



Cái mà họ cần đó là sự tin cậy vào bộ chương trình có diệt hết virus, liệu rằng có hoạt động lạ hay có đáng tin hay không.

Cuộc đời của dân IT thường nhiều mộng mơ. Có lúc mơ mình thành người lập trình nổi tiếng, rồi thích làm hacker, có khi muốn như John McAfee chống lại hacker.

Nhưng chắc chắn chẳng tay IT nào thích làm người của công chúng để “nổ” là chính.

Và cũng nhiều tài năng IT không muốn phí hoài sức sáng tạo cho một công ty để rồi có tới 93% không dùng như trong Cua Times bởi những nghi ngờ không đáng có.

Hãy để giấc mơ phần mềm xứ Việt bay cao hơn lũy tre làng.

Hiệu Minh, 8-5-2013