Saturday, December 3, 2011

DỊCH TẢO XANH, TẢO ĐỎ Ở XỨ LẠ




















Lai căng toàn trị độc tài


Trần Nhơn

Sinh ngày: 10/4/1938
Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
- 1961: Kỹ sư Thuỷ Lợi
- 1991: Tiến sĩ Kinh Tế
- 6/1972: Phó Cục trưởng Cục kiến thiết cơ bản – Bộ Thuỷ Lợi
- 1/1976: Trưởng ty (nay là Giám đốc Sở) Thuỷ Lợi tỉnh Đak Lak
- 1983: Vụ trưởng Vụ xây dựng cơ bản – Bộ Thuỷ Lợi
- 11/1983 – 1995: Thứ trưởng Bộ Thuỷ Lợi
12/1997 đến nay: Chủ Tịch Hội Thuỷ Lợi Việt Nam
Từ tháng 7/2000 Tổng Giám đốc Công ty phát triển và hội nhập Toàn cầu
Chức vụ về Đảng:
- Tỉnh uỷ viên tỉnh uỷ Đak Lak
- Phó bí thư Đảng uỷ khối cơ quan nông nghiệp TW
- Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ khối cơ quan kinh tế TW
- Đại biểu đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
- Đại biểu đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII

Nguyễn Thông: Tiến sĩ Trần Nhơn- cựu thứ trưởng Bộ Thủy lợi là người có những ý kiến, suy nghĩ thẳng thắn và sâu sắc. Bài thơ dưới đây của ông chứng minh điều đó. Cuối bài thơ, tiến sĩ đã chú thích rằng “Quốc sử triều ta” có sử dụng một số ý trong bài “Quốc sử do ai chép?” của Nguyễn Thông”, vì vậy mình cũng xin mạn phép bác Nhơn được lưu bài này để thỉnh thoảng đọc cho “biết sử ta”.

Giáo sư Phan Huy Lê “mơ mộng”

Soạn ra bộ quốc sử “triều” ta.
Tìm đâu người đức tài, trí dũng,
Dám viết nên chân sử nước nhà!

Tội diệt chủng, tương tàn huynh đệ,
Nỗi đau xuyên thế kỷ hành tinh.
Tác nhân lịch sử thành giun, dế,
Thái sử quan ngoảnh mặt làm thinh?

Nhân dân đã phá bung ràng buộc,
Ai nhận công đổi mới về minh?
Mười năm sau hòa binh tuột dốc,
Diệt công thương (là) “sáng suốt, anh minh”?

Đảng xưa hội tụ lòng yêu nước,
Nay là nơi mua bán chức quyền (?!)
Thang giá trị, luân thường đảo ngược,
Quốc sử mình có dám viết lên?

Người lớn, trẻ con đều ngán sử,
Thuộc sử Tàu hơn quốc sử ta.
“Sử sinh động” biến thành “sử tử”,
Tích không vào, tản cũng không ra.

Sử thế giới biến thành sử Đảng,
Chín (mươi) tư năm “ta thắng, địch thua”.
Mác rỉ, Lê cùn luôn “tỏa sáng”,
Diệt Nga hoàng Đảng cướp ngôi vua.

Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại,
Hội sử hay là hội nô văn?
Sử “chép” vậy mà không phải vậy,
Đầu Tây, mình Việt đảng lai căng.

Vạch mặt bọn lừa dân dối Đảng,
Mọt sâu toàn trị cướp “ngai vàng”;
Đồng chí trung kiên thành “phản loạn”,
Bán Hoàng sa, Bản Giốc, Nam Quan…

Chui vào rọ bá quyền Bắc thuộc,
Bán lương tâm, phụ chính phù tà.
Phong thánh cho gian hùng mãi quốc,
Sử quan là “sử tặc nước nhà”.

Trả chân sử về cho quốc sử,
Sự thật lạnh lùng chẳng chống ai.
Chỉ chống bọn mặt người dạ thú
Dối lừa dân, hãm hại anh tài.

Còn mê muội Lê nin tà đạo
“Đảng vi tối thượng, dân vi khinh”.
Lời huyết lệ gửi vào di cảo,
Đợi thời gian phán xử công minh.

Hội ta nên tọa đàm học tập
Anh em Thái sử Bá nước Tề.
“Thôi Trữ giết vua” là sự thật,
Cổ kề gươm sử bút vẫn phê.

Vẽ, tán…hay tô hồng đảng sử
Là chuyện buồn thế sự hôm nay.
Chúc Hội giữ vẹn toàn danh dự,
Tránh xa phường ưng khuyển mặt dày!

Tháng 11.2011

Theo blog Nguyễn Thông




HỒN TỔ TIÊN CHẲNG ĐƯỢC YÊN

Hồn tổ tiên chẳng được yên,
Đêm về báo mộng thiêng liêng dặn dò:
Các Chú đổi mới vòng vo,
Ngày càng siết chặt kim cô xích xiềng.

 
Lịch sử quần chúng làm nên,
Mác đã dạy, các chú quên mất rồi!
Độc chiêu Đảng cử dân bầu,
Cuồng si bám giữ ghế ngôi lâu dài.

 Kỳ thị thức giả, hiền tài,
Độc quyền chiếm dụng báo, đài, thông tin.

 
Chú Linh hạn hẹp tầm nhìn,
Theo vết xe đổ Lê nin lỗi thời.

 Bước qua cầu Thống nhất rồi,
“Xã hội”, “Dân chủ” thả rơi giữa dòng.
Làm chính trị chẳng thủy chung,
Trả lời thức giả, cộng đồng sao đây?

 
Cùng có lỗi trong việc này,
Chú Mười không thể đứng ngoài vô can!
Chú Mạnh luồn cúi ngoại bang (?!)
Đi mây, về gió, diễn văn dông dài.
Mong Chú còn kịp sửa sai:
Mấy tháng cuối nhiệm kỳ Hai của mình,
Lắng nghe thức giả, lão thành,
Tháo xiềng toàn trị, hãm phanh độc tài.

 
Chú Dũng thường nghe một tai,
Nhiều dự án lớn quyết sai, vội vàng.
Cả tin ô lại tham quan,
Các nhóm lợi ích ngụy trang trá hình.
Đã lên tột đỉnh quang vinh,
Chuyển sang đối trọng: cứu tinh nước nhà.
Chú dám đột phá, xông pha,
Tháo gỡ nút thắt, mở ra tiền đồ.
Bẻ gãy xích xiềng kim cô,
Đắp bồi dân chủ, tự do, pháp quyền.

 
Chú Trọng hiểu hết sự tình,
Giả vờ “lú lẫn” dối mình, lừa dân.
Chuyên nghề tổng hợp, diễn văn,
Níu kéo học thuyết lai căng, lỗi thời:
Mô hình toàn trị Tháng Mười
Bóp ngặt dân chủ, cây đời héo khô.

 
Chú Rứa cũng rứa vậy thôi,
Rao giảng những lời chú chẳng hề tin!
Chú “phong Thánh” Hồ Chí Minh,
Dễ bề khỏa lấp “chuyện tình Trường Tô”;
Bao che hủ hóa, tham ô,
Giữ gìn”thể diện” quan to Triều đình?
Lo sợ “diễn biến hòa bình”,
Chú muốn “gây hấn chiến tranh” tương tàn?
Diễn biến: tất yếu khách quan
Hội nhập thế giới nhân văn, nhân quyền.
Không thể cam chịu ngồi yên
Chờ mùa sung rụng tháo xiềng kim cô!
Đổi thay: mở rộng tiền đồ,
Giải phóng dân chủ, tự do loài người.
Từ bỏ mô hình Tháng Mười:
Hợp thời cuộc, thuận ý trời, lòng dân.
Băng chiến tranh lạnh đã tan,
Sáng soi chân lý, rõ ràng đúng sai:
Văn minh dân chủ phương Tây,
Nhấn chìm đảng trị độc tài Stalin,
Kế thừa học thuyết Lê nin,
Siết chặt toàn trị nâng thành quái thai!

 
Chú Triết nói vo dông dài,
Tự ti cộng sản, hớ, sai nhiều điều.
Quên “phế binh Ngụy” đói nghèo,
Vỗ về tư bản Việt kiều đầu tư.
Hòa giải chỉ trên ngôn từ,
“Hoà hợp kẻ cả” bao giờ thực thi!
Cải cách tư pháp được gì?
Dường như chỉ thấy bước đi thụt lùi!

 
Chú Chi giả điếc, giả mù
Né tránh ô dù, chỉ “tắm từ mông”.
Kiểm tra có cũng bằng không,
Oan sai chẳng cứu, gian hùng được tha (?!)
Để vụ việc vỡ lở ra,
Mới họp thẩm vấn, xét rà hồ sơ.
Tảng lờ ngõ hẻm, chợ trời,
Mua quan, bán chức giữa thời dân nô.
Vẫn còn “đảng trị kim cô”,
“Đổi mới”, “cải cách” là trò mị dân!

 
Chú Việt sáng dạ, chuyên cần,
Am tường dân chủ, nhân văn, nhân quyền.
Trải nghiệm Quảng Ninh, Thái nguyên,
Chậu hoa, chim cảnh Thanh niên, Công đoàn.
Thấu hiểu toàn trị cực đoan,
Hiến chương 77 (1977) sổ vàng ghi công.
Tư duy toán học tinh thông
Giúp chú đồng cảm tiếng lòng nhân dân:
Vì sao Xô viết trường thành
Cùng số phận tường Béc lanh đổ nhào?
Đông Âu nhẹ nhõm thở phào,
Đảng trị Việt vẫn giảng rao suốt ngày?
Chú vờ không biết, không hay
Mặc cả mua bán trao tay chức quyền.
Dĩ hòa “ngậm miệng ăn tiền”,
Hay tự lột xác vượt lên chính mình?

 
Con nhà dòng dõi, thông minh,
Truyền thống cách mạng, gia đình vẻ vang.
Đồng hành cùng với nhân dân,
Kích hoạt nội lực tự thân mỗi người.
Mọi “quy hoạch” thành trò cười,
Đo ván ngay giữa sân chơi công bằng!
Nhìn thảm họa đen rõ ràng,
Hãy nắm lấy thời cơ vàng cứu dân!
Dù phải vượt khó vạn lần,
Sức dân là chiếc gậy thần ngàn năm

 
Khi có lãnh đạo ngang tầm,
Quy tụ Trí, Dũng, Nhân, Tâm, Đức, Tài.
Tổ chức, nhân sự ngày nay
Chú để tụt hậu hơn vài thập niên.
Cộng thêm hệ số kim tiền
Thay đen, đổi trắng, loạn điên sắc màu.

 
Cắp sách sang học Đông Âu,
Đổi mới chính trị chiều sâu vừng bền.
Bàn tròn đối thoại bốn bên,
Khoan dung đa đảng, đa nguyên một nhà.

 
Những người cộng sản tinh hoa
Chẳng lo “tự sát” khi hòa vào dân,
Luôn nắm bắt cái dân cần:
Tự do dân chủ tinh thần Voltaire.
Ngày nay chẳng ai thắng ai,
Các bên cùng thắng: tranh tài vì dân.

 
Đa nguyên phát triển cân bằng,
Phát huy nội lực, tiềm năng nước nhà.
Trường đua đa đảng mở ra,
Cử tri bầu chọn tinh hoa hiền tài.

 
Dẹp bỏ Bệ Rồng không ngai,
Thượng tôn pháp luật, học bài “Vì Dân”!
Nhiều Chú “khai quốc công thần”,
Tướng lĩnh ưu tú hiến dâng trọn đời,
Sao còn lặng tiếng im hơi,
Tôn thờ chữ Nhẫn, đứng ngồi đợi sung?

 
Xương máu chiến sĩ, anh hùng,
Chất thành núi, chảy thành sông phí hoài!
Hồn nước chưa thể nguôi ngoai
Giữa nhà tù lớn đóng cài tư duy.

 
Trường chinh thế kỷ ta đi,
Để lại cuộc sống những gì hôm nay?
Lai căng toàn trị độc tài,
Đổi mãi chẳng mới, dằng dai sức ì.
Sức ì chính ở tư duy,
Đeo bám đảng trị bước đi giật lùi.

 
Mở cửa kinh tế đã lâu,
Đóng cửa tư tưởng tìm đâu nhân tài?
Rút ngắn, bắt kịp tương lai,
Con người – yếu tố lâu dài, căn cơ.
Đổi mới tập tễnh, giả vờ,
Tấn tuồng kệch cỡm bao giờ đổi thay?
Hãy đứng lên! Nối vòng tay!
Đảng viên, quần chúng đêm ngày đợi trông.
Đa nguyên: truyền thống Lạc Hồng,
Bài học sáng tạo, thành công vĩnh hằng,
Phát huy nội lực, tiềm năng,
Từ bỏ toàn trị lai căng, độc tài!
***
Con đường đi tới tương lai,
Thời cơ có một không hai lúc này:
Đại hội Mười Một “giả cầy”,
Hay là Đại hội dựng xây nước nhà:
Hai nghìn mười lăm nở hoa?


Tháng 10/2010
Trần Nhơn

Đất nước ăn trộm chó


Tôi suy nghĩ nhiều lắm khi đặt cái tít bài này. Vì dán nhãn một đất nước ăn trộm chó thì mình cũng khác nào thằng bắt chó. Nhưng đó là câu nói của thằng em họ tối qua khi nó mất đến con chó thứ 4, Những kẻ lưu manh lạ lùng trong xã hội này ngang nhiên cướp chó ngay giữa thanh thiên bạch nhật.


Bọn cướp dùng dây phanh làm một cái thòng lọng và tung vào cổ chó. Kẻ đằng trước rú ga, con chó chống cự lại đến mức tất cả chân của nó trượt trên đường, bật máu, sau đó nó quỳ xuống, đầu gối lết trên mặt đường đá khô khốc, máu bật ra và nước mắt chảy. Khi lịm đi thì bọn cướp giật lên, ôm ngang người và bỏ chó vào bao tải
 
                                      
Cậu em nhìn thấy liền lấy xe máy phóng lao theo, rượt theo lên đoạn cánh đồng làng trên, bọn trộm chó dừng xe, rút kiếm ra và vẫy cậu em lại. Thương chó lắm, nhưng nó đành lau nước mắt và quay xe. Nó bảo thương con chó vô cùng, đau buồn đến nỗi nghĩ đến chuyện uống thuốc tự tử hoặc tự mình làm một quả bom nổ tung xác.


Gọi nhờ tư vấn, nó bảo: “Anh Quân ơi, tồn tại làm chi giữa đất nước ăn trộm chó này nữa”. Tôi bảo bình tĩnh vì nếu không mấy thằng phản động sẽ cười vào mũi nó, nói: “làm cách mạng gì cái ngữ mày, mất có con chó quèn mà cũng dọa ôm bom lên ủy ban”. Thực tâm, thằng em chỉ muốn có chế độ mới không có kẻ trộm chó. Nó bảo ngày xưa Lão Hạc, Chị Dậu đói khổ đến mấy, nuôi được con chó vẫn có thể bán kiếm tiền. Còn bây giờ ông Nam trong làng nghèo, neo đơn, chỉ có con chó làm bạn mà cũng vưà bị câu mất cách đây 3 tuần.




Theo nó, bắt trộm chó giờ đã trở thành phổ biến, trải dài từ thành thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến miền núi. Đêm đêm kẻ trộm chà đi xát lại những vùng quê miền trung nghèo đói, xác xơ để tìm cách bắt chó. Nó bắt của người khá giả lẫn cả những người mà tài sản chỉ có một con chó. Chúng đi xe máy, rồ ga, vòng đi vòng lại, kích thích chó trong nhà lao ra sủa, khi đó nó sẽ tung dây thòng lọng ra xiết cổ lôi đi. Nếu chó khỏe, tỳ chân chống cự lại thì vung gậy sắt quật ngang mõm, chó bất tỉnh ngay lập tức và chúng bắt bỏ vào bao tải. Chú Kiên có con chó 40 cân, sợ không kéo đi được nên bọn chúng dùng thuốc để đánh bả. Thuốc độc mua từ Trung Quốc, 250 ngàn một viên rất nhỏ dùng đánh được cả mấy tạ chó. Chó chết người việt cũng ăn tất !


Không chỉ ăn trộm ở trong nước, kẻ trộm chó còn sang tận lào bắt hết chó Lào, chó ở Lào ít đi, Bọn trộm chó lại tràn sang bắt cả chó ở Thái Lan. Là đất nước theo đạo Phật, người Thái quý trọng và không bao giờ ăn thịt chó. Vì vậy, Chính quyền Thái đã bắt bỏ tù một số kẻ chuyên đi bắt trộm chó xuyên quốc gia. Nhưng những kẻ trộm chó người Việt vẫn chui lủi đi đập chó và vớt chó chết ở khắp vùng Đông Bắc Thái Lan.




Năm 1996, tôi gặp 1 khách du lịch Mexico anh ấy bảo: “Người Việt Nam vui vẻ nhưng sao họ cứ bắt chó nhốt trong lồng vậy. Những con chó đó đi đâu ? ”. 15 năm trôi qua, hôm nay qua mạng facebook cô bạn người Anh kiên quyết nói không bao giờ đi du lịch Việt Nam nữa: “Vì những ánh mắt khẩn nài của các con chó sắp chết bị chở đi trên đường phố cứ ám ảnh mãi”


Đã bao giờ bạn nuôi chó hoặc nhìn sâu vào ánh mắt của một con chó quý chưa ? Nếu rồi, chắc bạn sẽ  thấy sự khốn nạn của những tay trộm chó. Nhưng khốn nạn hơn là cơ chế nào để tạo ra những con người lương thiện Việt nam năm nào đã trở thành những kẻ ăn trộm chó lạnh lùng, thản nhiên. Có tên trộm bị dân đập chết, đốt xác, coi mạng người như mạng chó nhưng vẫn tiếp tục có nhiều người ăn cướp chó.


It đứa suy nghĩ sâu như thằng em họ. Nó bảo rõ ràng Chính quyền xã nó bảo kê cho bọn trộm chó. Nó bảo vì có những quan chức ăn cắp hàng tỷ đồng mà vẫn lên TV giảng đạo đức “oách” cho nên bọn trộm chó nó nghĩ mình tội trộm chó chỉ bằng trộm cái lông chân của dân nên cũng nhơn nhơn, thách thức. Nó bảo công an xã bảo kê vì có những chủ vựa chó trộm xây được nhà lầu, đào hầm ngầm để nhốt chó trộm ngay trong xã cứ 2 ngày xuất đi Hà Nội một chuyến hàng trăm con, dân biết hết mà Chính quyền vẫn làm ngơ. Sau đó nó trầm tư: “làm sao mà có được cái thòng lọng để trặc cổ chính quyền xã như trặc chó”.


Tôi can, bình tĩnh, bình tĩnh !

Nguồn: Blog Lê Quốc Quân

Kháng thư của gia đình họ Huỳnh

KHÁNG THƯ CỦA GIA ĐÌNH HUỲNH NGỌC TUẤN

V/v: Tố cáo trước công luận Quốc tế về việc Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trắng trợn vi phạm nhân quyền: quyền tự do ngôn luận, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thân thể, danh dự và tài sản.

Kính gởi:

-Ông Ban Ky Moon-Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc
-Nghị Hội Châu Âu
-Quốc Hội Hoa Kỳ
-Chính phủ Hoa Kỳ
-Bộ ngoại giao Hoa Kỳ
-Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc cùng các Tổ chức Nhân quyền Thế giới

Kính thưa Quý vị,
Ngày 8 tháng 11 năm 2011 vừa qua, Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tung một lực lượng hùng hậu gồm công an chìm, nổi chừng 200 người án ngữ mọi nẻo đường chung quanh ngôi nhà tôi ở Đội 1, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam (chính xác là nhà em gái tôi, vì tôi không có tư gia sau 10 năm tù và 4 năm quản chế, tôi và các con tôi đều sống với hai em gái tôi), phối hợp với đoàn Thanh tra của Sở Thông tin-Truyền thông Quảng Nam, đột nhập vào nhà tôi, khám xét, niêm phong và thu giữ 1 bộ máy tính, 1 thùng CPU rời, 1 máy in hiệu Canon, 1 USB, 1 bộ loa máy tính, 1 router dùng để kết nối mạng, với lý do: ba cha con tôi dùng những phương tiện này để “phát tán trên mạng những tài liệu chống đảng, Nhà nước”.

Nhà cầm quyền còn chỉ đạo cho các tờ báo của mình đưa thông tin bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của ba cha con tôi trên khắp các trang mạng chính thống của họ. Ngày 22 tháng 11 năm 2011, trên các tờ báo lớn của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc xử phạt ba cha con tôi 260 triệu đồng (tiền Việt Nam) vì đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng 12 năm 2011, cả trăm công an đã xông vào nhà tôi và chốt chặt các lối ra vào nhà, hành hung, đánh đập mẹ tôi- Mai Thị Yến, con gái tôi là Huỳnh Thục Vy, con trai tôi-Huỳnh Trọng Hiếu và hai cô em gái tôi là Huỳnh Thị Hường và Huỳnh Thị Thu Hồng. Họ đọc 3 quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó: phạt tôi 100 triệu đồng, con gái tôi- Huỳnh Thục Vy 85 triệu đồng, con trai tôi- Huỳnh Trọng Hiếu 85 triệu đồng. Tổng cộng 270 triệu đồng. Sau đó, họ tịch thu 1 máy ảnh Canon và 6 điện thoại di động của người nhà tôi và bắt luôn cháu trai tôi là Huỳnh Ngọc Lễ (lúc đó đang mặc áo No-U) lên xe chở về đồn công an vì “chống người thi hành công vụ” (do cháu xông vào bảo vệ Huỳnh Thục Vy đang bị đánh) Sau khi họ rút hết khỏi nhà tôi, hai em gái tôi đã kiểm tra lại tủ đựng tiền và phát hiện bị mất 3000 đô la, trong đó có cả đô la Mỹ, Úc, Canada)

Trong những quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gởi cho ba cha con tôi, người ta yêu cầu chúng tôi phải nộp phạt tại kho bạc Nhà nước cho đến hạn chót là ngày 22 tháng 12 năm 2011. Nếu quá hạn đó mà không nộp phạt, người ta cảnh cáo là sẽ cưỡng chế. Gia đình tôi đang rất hoang mang không biết họ sẽ có thủ đoạn gì tiếp theo.

Tất cả những hành động trên của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng tinh thần của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà họ đã long trọng ký kết năm 1978. Bản Tuyên ngôn này có những quy định như sau:

Ðiều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.

Ðiều 9:

Không một ai bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán.

Ðiều 12:

Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm ấy.

Ðiều 17:

Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá nhân cũng như tập thể.
Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.

Ðiều 19:

Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Ðiều 28:

Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.

Việc bôi nhọ danh dự, phẩm giá và đàn áp, sách nhiễu, khủng bố  không nương tay những người thực hiên quyền tự do bày tỏ quan điểm, đặc biệt là quan điểm chính trị của mình; tịch thu tài sản trái pháp luật, hành hung, đánh đập, bắt bớ, giam giữ công dân vô tội là những hành động thường xuyên và đã có nhiều tiền lệ nguy hiểm của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Nhà cầm quyền đã bất chấp mọi thủ đoạn tàn độc để triệt hạ những tiếng nói đối lập trên toàn cõi Việt Nam. Người dân Việt Nam không hề được hưởng những quyền tự do căn bản đã được tuyên bố và ký kết trong Tuyền Ngôn quốc tế Nhân quyền. Lương tâm, Phẩm giá, Nhân quyền, Tự do của chúng tôi bị chà đạp một cách độc đoán.

Trước tình hình nguy hiểm và khẩn cấp của gia đình tôi với sự bạo tàn, ngang nhiên xâm phạm lên tinh thần của bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, tôi xin gởi kháng thư này đến quý vị mong với vai trò quốc tế quan trọng và  thẩm quyền ngoại giao đặc biệt của mình, xin quý vị hãy can thiệp để buộc Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải :

1/Tôn trọng tinh thần của Tuyên Ngôn quốc tế nhân quyền và các Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị.

2/ Chấm dứt sự can thiệp thô bạo vào quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận của ba cha con tôi.

3/ Trả tự do ngay lập tức cho cháu trai vô tội của tôi là Huỳnh Ngọc Lễ.

4/ Bồi thường những thiệt hại về tinh thần cũng như vật chất cho các thành viên trong gia đình tôi.

5/ Hoàn trả những đồ đạc, máy móc mà người ta đã thu giữ của gia đình tôi bằng cách trả tiền mặt, vì chúng tôi không tin tưởng vào sự nguyên vẹn của các tài sản mà họ đã lấy đi khỏi nhà tôi.

6/ Chấm dứt hoàn toàn mọi hành vi hành hung,đánh đập và bôi nhọ danh dự ba cha con tôi trên các phương tiện truyền thông của họ.
Khẩn thiết  thỉnh cầu sự can thiệp của quý vị và xin trân trọng kính chào.

Tam Kỳ ngày 3 tháng 12 năm 2011
Chúng tôi:

Huỳnh Ngọc Tuấn
Và các con:

Huỳnh Thục Vy
Huỳnh Trọng Hiếu

"ĐẤU TRANH GIAI CẤP" - bài viết của Huỳnh Thục Vy

 Người Mỹ nói đến “đấu tranh giai cấp”?!

 

Phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” bắt đầu từ  17/9 ở New York, Hoa Kỳ nay đã lan rộng khắp bốn châu lục. Phong trào này được cho là lấy cảm hứng từ “Mùa Xuân Ả Rập” ở Bắc Phi. Những người biểu tình mô tả đây là một “cuộc cách mạng thực sự”, thậm chí những người có quan điểm cánh tả coi đây là một cuộc “đấu tranh giai cấp”. Trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng thứ hai chỉ trong vòng ba năm và nền chính trị dân chủ dần bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, thiển nghĩ vấn đề “chủ nghĩa tư bản” và sự canh tân nền chính trị dân chủ đòi hỏi một cái nhìn sâu sắc và toàn diện không phải đối với các nhà chính trị học và xã hội học thế giới mà còn là những người Việt Nam quan tâm thời cuộc.

Ban đầu, tôi không chú ý đến phong trào này cho lắm. Bởi lẽ, ở những xứ sở dân chủ người ta có thể biểu tình vì bất cứ lý do gì. Đó là cách thể hiện những nguyện vọng, đòi hỏi cần được đáp ứng, những bức xúc cần được giải tỏa của người dân hay thậm chí chỉ là những dịp bày tỏ thái độ của họ trước những vấn đề không mấy quan trọng. Biểu tình ở Tây phương gần như một thứ văn hóa- văn hóa phản kháng và văn hóa hành động tập thể. Dù là gì đi nữa, tôi cho rằng những cuộc biểu tình là cần thiết và chúng là biểu hiện của tự do. Sự phản kháng và thách thức quyền lực sẽ tạo ra sức ép cần thiết lên chính quyền và giới lãnh đạo kinh tế nhằm đẩy họ đến chỗ phải có những điều chỉnh thích hợp. Chính nền dân chủ bảo vệ quyền phản kháng của người dân; và sự phản kháng đến lượt nó, lại tạo ra năng lượng tự thay đổi, tự làm mới để bảo vệ nền dân chủ.

Nhưng khi phong trào này trở nên rầm rộ và chung quanh nó xuất hiện những ngụy biện lớn kể cả những trò “giậu đổ bìm leo” từ bên ngoài phong trào ấy, thì tôi nghĩ mình không thể không quan tâm. Đặc biệt, khi những người có tiếng tăm và có ảnh hưởng đối với quần chúng như các diễn viên, đạo diễn ở Mỹ lại mạnh mẽ lên tiếng đòi làm “cách mạng”, đòi “đấu tranh giai cấp”, đòi những người ở tầng lớp dưới phải là người lãnh đạo đất nước…thì những ai muốn bảo vệ chủ nghĩa tự do phải lên tiếng. Cũng phải kể đến nhiều người cầm bút bất lương ở Việt Nam “thừa nước đục thả câu” đã gân cổ lên rằng “chủ nghĩa tư bản thối nát” và “người Mỹ cũng ủng hộ chủ nghĩa xã hội”, để ngụy biện cho cái chế độ độc tài đã nuôi dưỡng họ.

Khắp nơi trên thế giới, mỗi khi có cơ hội thì nhiều người ngay lập tức cho rằng chủ nghĩa tư bản là không thể chấp nhận được, phải thay đổi…, mặc dù họ hiểu biết rất ít về chính trị, kinh tế và xã hội. Nói đến đây tôi nhớ đến việc nữ diễn viên Jane Fonda cùng với giới điện ảnh Hoa Kỳ phát động phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, ủng hộ cộng sản; hay những phong trào thanh niên trên khắp thế giới cuối thế kỷ 19 góp phần quan trọng cho sự bành trướng của chủ nghĩa xã hội. Có những người rất thích nói đến xã hội, bình đẳng, giai cấp … trong khi họ chẳng biết gì về bản chất của sự bình đẳng và mối tương quan giữa tự do và bình đẳng. Họ vô tình hay cố ý không nhận ra rằng: để cho tất cả được tự do và có cơ hội ngang nhau nhằm quyết định vận mệnh của mình, đó mới là công bằng, chứ không phải là “cào bằng” tất cả.

Các nhà lãnh đạo và giới tư bản Hoa Kỳ không hề câu kết nhau tước đoạt quyền tư hữu, không sung công tài sản của người dân Mỹ, không lấy hết đất đai, trâu bò của họ để thành lập hợp tác xã trá hình, không lấy hết ruộng vườn của họ rồi đền bù với giá rẻ mạt, không gom tất cả tài sản quốc gia lại để ăn chia nhau. Vì hệ thống chính trị dân chủ, pháp trị không cho họ cái quyền làm như thế. Cái lỗi của họ là cái lỗi chung của nhân loại- đó là sự tham lam. Họ tham lam, họ dùng tiền để tác động tới chính quyền nhằm trục lợi làm cho kinh tế khủng hoảng và làm cho đời sống người dân trở nên khó khăn. Phản đối sự tham lam của  giới tài phiệt và sự hoạt động kém hiểu quả, cũng như thái độ không chú trọng quyền lợi người dân thường của chính phú là một động thái cần thiết. Nhưng người ta nên phản kháng với nhận thức rằng bất cứ định chế chính trị hay kinh tế nào của nhân loại cũng tồn tại khiếm khuyết và có xu hướng tha hóa. Chúng ta không thể có được cái hoàn hảo nhưng chúng ta có thể có được một cơ chế khắc phục sai lầm hiệu quả.

Đừng thấy sự tự do cạnh tranh có khiếm khuyết mà vội vàng ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Bởi vì trong cái gọi là xã hội XHCN ấy, bạn không được tư hữu ngay cả mảnh đất truyền thừa của tổ tiên, không có cả quyền phản đối chính quyền dù nó sắp bán nước đi nữa, không có tất cả những quyền mà bạn vốn có trong thể chế dân chủ, mà đôi khi sự hiện hữu nghiễm nhiên của nó làm bạn dễ quên lãng và phớt lờ nó. Người ta nên chọn loại thể chế nào: thể chế dân chủ- nơi mà người ta có thể phản kháng và phản kháng hiệu quả, hay thể chế mà họ gọi là “chủ nghĩa xã hội”- nơi mà người ta luôn rêu rao sự bình đẳng, rằng nơi đó những người dân thường tầng dưới của xã hội sẽ lãnh đạo xã hội, để khi bạn thực sự sống ở đó, bạn mới biết rằng công nhân, nông dân ở đây có cuộc sống chỉ hơn nông nô thời trung cổ mà thôi?!

Chủ nghĩa tự do với nguyên tắc tự do cá nhân và nền chính trị dân chủ pháp trị, có hai khuynh hướng chính: một là, chủ nghĩa tự do cổ điển (chủ nghĩa tự do kinh tế)  ủng hộ chủ nghĩa tư bản laissez-faire, phản đối sự can thiệp của Nhà nước; hai là, chủ nghĩa tự do mới (chủ nghĩa tự do xã hội) ưu tiên một Nhà nước phúc lợi với sự can thiệp cần thiết của Nhà nước vào nền kinh tế, và trao cho Nhà nước vai trò đảm bảo sự bình đảng xã hội. Mỗi khuynh hướng đều có ưu và nhược điểm. Nhưng nhược điểm của chúng cũng chính là nhược điểm của thế giới loài người. Vì thế việc chấp nhận nhược điểm là cần thiết và là thái độ sáng suốt. Việc cân bằng giữa tự do cạnh tranh và bình đẳng xã hội luôn là một vấn đề khó khăn mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Và điều quan trọng là chúng ta có được một mô hình, một thể chế có những nguyên tắc cốt lõi có thể hạn chế những nhược điểm này- đó chỉ có thể là nền dân chủ mà chủ nghĩa tự do đã xây dựng.

Có một hạng người không bao giờ biết được ý nghĩa thực sự của tự do, đó là những người cả đời sống trong chế độ dân chủ tự do, hưởng mọi lợi ích từ nền chính trị dân chủ và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, và chưa bao giờ ném mùi chính trị độc tài, kinh tế tập trung. Thừa kế cái di sản hiển nhiên của tổ tiên khiến người ta quên mất giá trị của nó. Tôi đồng tình khi họ phản đối các nhà tài phiệt tham lam và giới chính trị hoạt động kém hiệu quả. Tôi ủng hộ khi họ đòi hỏi chính quyền ưu tiên xây dựng một Nhà nước phúc lợi, đảm bảo tương đối bình đẳng xã hội bằng trợ cấp và tăng thuế thu nhập. Nhưng họ sẽ biến thành kẻ đần độn nếu cổ vũ cho xu hướng cực tả, cho chủ nghĩa xã hội. Họ chẳng tưởng tượng nổi trong xã hội XHCN chẳng thể nào có cái cảnh mỗi người cầm trên tay một chiếc Iphone để liên lạc với nhau trong cuộc biểu tình; mà họ cũng chẳng có cơ hội để mở rộng cuộc biểu tình, vì người ta sẽ bắt hết bọn họ đưa lên xe bus từ khi cuộc biểu tình chỉ có vài chục, vài trăm người.
Tại sao khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, bất bình đẳng gia tăng, người ta không hướng tới một mô hình kiểu Bắc Âu, nơi mà ưu tiên về một Nhà nước phúc lợi được đặt lên trên mọi nhu cầu cạnh tranh tự do của kinh tế thị trường? Tại sao người ta cứ phải đặt vấn đề chủ nghĩa xã hội khi chúng ta muốn làm mới hệ thống chính trị và kinh tế? Nhiều người khi mưu cầu sự bình đẳng xã hội thường hướng đến chủ nghĩa xã hội trong khi cái chúng ta thực sự muốn là chủ nghĩa tự do xã hội. Vì chính chủ nghĩa tự do xã hội mới  là hệ lý thuyết cung cấp cho chúng ta mô hình để xây dựng một nền dân chủ với nền kinh tế bị hạn chế bởi nhà nước, để đảm bảo phúc lợi cho tầng lớp dân nghèo. Còn khi chúng ta nói về chủ nghĩa xã hội, chúng ta không biết là mình đang ca ngợi nền độc tài chính trị và kinh tế tập trung- nơi mà cái dạ dày của bạn sẽ bị khống chế bởi cơ quan lãnh đạo cao nhất, và vì thế bạn sẽ chẳng thiết đòi quyền tự do chính trị nữa. Người ta có lẽ còn nhập nhằng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do xã hội! Nhiều người Mỹ còn nhập nhằng như thế. Nhưng tôi tin rằng đa số người Mỹ biết được giá trị của hệ thống chính trị dân chủ của họ. Họ phản kháng để “refresh” nó chứ chẳng phải để lật đổ nó. Vì nếu muốn từ bỏ hệ thống ấy thì cách tốt nhất là họ nên qua sống ở Việt Nam, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiến càng hay.

Tôi muốn bảo vệ chủ nghĩa tự do vì thiết nghĩ rằng nếu chúng ta không nhìn thấy vai trò của nó, bỏ quên nó vì những thứ lý thuyết độc hại khác, con người sẽ phải trả giá. Nhân loại đã từng trả giá vì sự hiểu biết hời hợt về chủ nghĩa cộng sản, vì sự phớt lờ tầm quan trọng của chủ nghĩa tự do. Điều này không thể lặp lại! Tôi biết điều này sẽ khó có thể lặp lại ở những nước có nền dân chủ tự do vững chắc như Hoa Kỳ. Nhưng theo một cách nào đó, nó bị lợi dụng triệt để ở những nước độc tài chống Mỹ và phương Tây như Việt Nam, Trung Quốc. Việc ví von phong trào “chiếm phố Wall” với “Mùa Xuân Ả Rập” mà tôi thấy ở khắp nơi trên báo chí “chính thống” của chế độ (Tạp chí cộng sản và Sài Gòn giải phóng là những ví dụ lố bịch điển hình) chỉ là một cách “lập lờ đánh lận con đen” bỉ ổi.

Ai trong chúng ta cũng biết rõ “Mùa xuân Ả Rập” là phong trào cách mạng thay đổi thể chế chính trị, lật đổ các chế độ độc tài đã tồn tài nhiều năm, còn phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” lại là một cuộc vận động xã hội (không phải cách mạng), tạo áp lực lên một chính quyền dân chủ, buộc họ phải thay đổi cách nhìn và phương thức điều hành xã hội. Sự tương đồng về ngoại biểu không khỏa lấp được những khác biệt về bản chất nội tại (động cơ, mục tiêu). “Mùa Xuân Ả Rập” là động thái giết chết một con bệnh ung thư, còn “Chiếm phố Wall” là cách người ta cảnh báo và chữa trị cho một người mắc bệnh thông thường. Cũng cần phải nhận thức rõ rằng trên thế giới này không có kẻ không có bệnh mà chỉ có những kẻ hết thuốc chữa. Thật vậy, con người trở nên cao quý không phải vì anh ta hoàn hảo mà vì anh ta biết đổi mới và đứng lên mạnh mẽ hơn từ những sai lầm. Và để tránh những ngụy biện không cần thiết cho điều này ở những trường hợp khác, tôi muốn nói thêm rằng: Có một sự khác biệt cơ bản giữa sự thối nát hệ thống và sự sai lầm cục bộ.

 Tam Kỳ, ngày 27 tháng 10 năm 2011
© Huỳnh Thục Vy