Người Mỹ nói đến “đấu tranh giai cấp”?!
Phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” bắt đầu từ 17/9 ở New York, Hoa Kỳ nay đã lan rộng khắp bốn châu lục. Phong trào này được cho là lấy cảm hứng từ “Mùa Xuân Ả Rập” ở Bắc Phi. Những người biểu tình mô tả đây là một “cuộc cách mạng thực sự”, thậm chí những người có quan điểm cánh tả coi đây là một cuộc “đấu tranh giai cấp”. Trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng thứ hai chỉ trong vòng ba năm và nền chính trị dân chủ dần bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, thiển nghĩ vấn đề “chủ nghĩa tư bản” và sự canh tân nền chính trị dân chủ đòi hỏi một cái nhìn sâu sắc và toàn diện không phải đối với các nhà chính trị học và xã hội học thế giới mà còn là những người Việt Nam quan tâm thời cuộc.
Ban đầu, tôi không chú ý đến phong trào này cho lắm. Bởi lẽ, ở những xứ sở dân chủ người ta có thể biểu tình vì bất cứ lý do gì. Đó là cách thể hiện những nguyện vọng, đòi hỏi cần được đáp ứng, những bức xúc cần được giải tỏa của người dân hay thậm chí chỉ là những dịp bày tỏ thái độ của họ trước những vấn đề không mấy quan trọng. Biểu tình ở Tây phương gần như một thứ văn hóa- văn hóa phản kháng và văn hóa hành động tập thể. Dù là gì đi nữa, tôi cho rằng những cuộc biểu tình là cần thiết và chúng là biểu hiện của tự do. Sự phản kháng và thách thức quyền lực sẽ tạo ra sức ép cần thiết lên chính quyền và giới lãnh đạo kinh tế nhằm đẩy họ đến chỗ phải có những điều chỉnh thích hợp. Chính nền dân chủ bảo vệ quyền phản kháng của người dân; và sự phản kháng đến lượt nó, lại tạo ra năng lượng tự thay đổi, tự làm mới để bảo vệ nền dân chủ.
Nhưng khi phong trào này trở nên rầm rộ và chung quanh nó xuất hiện những ngụy biện lớn kể cả những trò “giậu đổ bìm leo” từ bên ngoài phong trào ấy, thì tôi nghĩ mình không thể không quan tâm. Đặc biệt, khi những người có tiếng tăm và có ảnh hưởng đối với quần chúng như các diễn viên, đạo diễn ở Mỹ lại mạnh mẽ lên tiếng đòi làm “cách mạng”, đòi “đấu tranh giai cấp”, đòi những người ở tầng lớp dưới phải là người lãnh đạo đất nước…thì những ai muốn bảo vệ chủ nghĩa tự do phải lên tiếng. Cũng phải kể đến nhiều người cầm bút bất lương ở Việt Nam “thừa nước đục thả câu” đã gân cổ lên rằng “chủ nghĩa tư bản thối nát” và “người Mỹ cũng ủng hộ chủ nghĩa xã hội”, để ngụy biện cho cái chế độ độc tài đã nuôi dưỡng họ.
Khắp nơi trên thế giới, mỗi khi có cơ hội thì nhiều người ngay lập tức cho rằng chủ nghĩa tư bản là không thể chấp nhận được, phải thay đổi…, mặc dù họ hiểu biết rất ít về chính trị, kinh tế và xã hội. Nói đến đây tôi nhớ đến việc nữ diễn viên Jane Fonda cùng với giới điện ảnh Hoa Kỳ phát động phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, ủng hộ cộng sản; hay những phong trào thanh niên trên khắp thế giới cuối thế kỷ 19 góp phần quan trọng cho sự bành trướng của chủ nghĩa xã hội. Có những người rất thích nói đến xã hội, bình đẳng, giai cấp … trong khi họ chẳng biết gì về bản chất của sự bình đẳng và mối tương quan giữa tự do và bình đẳng. Họ vô tình hay cố ý không nhận ra rằng: để cho tất cả được tự do và có cơ hội ngang nhau nhằm quyết định vận mệnh của mình, đó mới là công bằng, chứ không phải là “cào bằng” tất cả.
Các nhà lãnh đạo và giới tư bản Hoa Kỳ không hề câu kết nhau tước đoạt quyền tư hữu, không sung công tài sản của người dân Mỹ, không lấy hết đất đai, trâu bò của họ để thành lập hợp tác xã trá hình, không lấy hết ruộng vườn của họ rồi đền bù với giá rẻ mạt, không gom tất cả tài sản quốc gia lại để ăn chia nhau. Vì hệ thống chính trị dân chủ, pháp trị không cho họ cái quyền làm như thế. Cái lỗi của họ là cái lỗi chung của nhân loại- đó là sự tham lam. Họ tham lam, họ dùng tiền để tác động tới chính quyền nhằm trục lợi làm cho kinh tế khủng hoảng và làm cho đời sống người dân trở nên khó khăn. Phản đối sự tham lam của giới tài phiệt và sự hoạt động kém hiểu quả, cũng như thái độ không chú trọng quyền lợi người dân thường của chính phú là một động thái cần thiết. Nhưng người ta nên phản kháng với nhận thức rằng bất cứ định chế chính trị hay kinh tế nào của nhân loại cũng tồn tại khiếm khuyết và có xu hướng tha hóa. Chúng ta không thể có được cái hoàn hảo nhưng chúng ta có thể có được một cơ chế khắc phục sai lầm hiệu quả.
Đừng thấy sự tự do cạnh tranh có khiếm khuyết mà vội vàng ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Bởi vì trong cái gọi là xã hội XHCN ấy, bạn không được tư hữu ngay cả mảnh đất truyền thừa của tổ tiên, không có cả quyền phản đối chính quyền dù nó sắp bán nước đi nữa, không có tất cả những quyền mà bạn vốn có trong thể chế dân chủ, mà đôi khi sự hiện hữu nghiễm nhiên của nó làm bạn dễ quên lãng và phớt lờ nó. Người ta nên chọn loại thể chế nào: thể chế dân chủ- nơi mà người ta có thể phản kháng và phản kháng hiệu quả, hay thể chế mà họ gọi là “chủ nghĩa xã hội”- nơi mà người ta luôn rêu rao sự bình đẳng, rằng nơi đó những người dân thường tầng dưới của xã hội sẽ lãnh đạo xã hội, để khi bạn thực sự sống ở đó, bạn mới biết rằng công nhân, nông dân ở đây có cuộc sống chỉ hơn nông nô thời trung cổ mà thôi?!
Chủ nghĩa tự do với nguyên tắc tự do cá nhân và nền chính trị dân chủ pháp trị, có hai khuynh hướng chính: một là, chủ nghĩa tự do cổ điển (chủ nghĩa tự do kinh tế) ủng hộ chủ nghĩa tư bản laissez-faire, phản đối sự can thiệp của Nhà nước; hai là, chủ nghĩa tự do mới (chủ nghĩa tự do xã hội) ưu tiên một Nhà nước phúc lợi với sự can thiệp cần thiết của Nhà nước vào nền kinh tế, và trao cho Nhà nước vai trò đảm bảo sự bình đảng xã hội. Mỗi khuynh hướng đều có ưu và nhược điểm. Nhưng nhược điểm của chúng cũng chính là nhược điểm của thế giới loài người. Vì thế việc chấp nhận nhược điểm là cần thiết và là thái độ sáng suốt. Việc cân bằng giữa tự do cạnh tranh và bình đẳng xã hội luôn là một vấn đề khó khăn mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Và điều quan trọng là chúng ta có được một mô hình, một thể chế có những nguyên tắc cốt lõi có thể hạn chế những nhược điểm này- đó chỉ có thể là nền dân chủ mà chủ nghĩa tự do đã xây dựng.
Có một hạng người không bao giờ biết được ý nghĩa thực sự của tự do, đó là những người cả đời sống trong chế độ dân chủ tự do, hưởng mọi lợi ích từ nền chính trị dân chủ và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, và chưa bao giờ ném mùi chính trị độc tài, kinh tế tập trung. Thừa kế cái di sản hiển nhiên của tổ tiên khiến người ta quên mất giá trị của nó. Tôi đồng tình khi họ phản đối các nhà tài phiệt tham lam và giới chính trị hoạt động kém hiệu quả. Tôi ủng hộ khi họ đòi hỏi chính quyền ưu tiên xây dựng một Nhà nước phúc lợi, đảm bảo tương đối bình đẳng xã hội bằng trợ cấp và tăng thuế thu nhập. Nhưng họ sẽ biến thành kẻ đần độn nếu cổ vũ cho xu hướng cực tả, cho chủ nghĩa xã hội. Họ chẳng tưởng tượng nổi trong xã hội XHCN chẳng thể nào có cái cảnh mỗi người cầm trên tay một chiếc Iphone để liên lạc với nhau trong cuộc biểu tình; mà họ cũng chẳng có cơ hội để mở rộng cuộc biểu tình, vì người ta sẽ bắt hết bọn họ đưa lên xe bus từ khi cuộc biểu tình chỉ có vài chục, vài trăm người.
Tại sao khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, bất bình đẳng gia tăng, người ta không hướng tới một mô hình kiểu Bắc Âu, nơi mà ưu tiên về một Nhà nước phúc lợi được đặt lên trên mọi nhu cầu cạnh tranh tự do của kinh tế thị trường? Tại sao người ta cứ phải đặt vấn đề chủ nghĩa xã hội khi chúng ta muốn làm mới hệ thống chính trị và kinh tế? Nhiều người khi mưu cầu sự bình đẳng xã hội thường hướng đến chủ nghĩa xã hội trong khi cái chúng ta thực sự muốn là chủ nghĩa tự do xã hội. Vì chính chủ nghĩa tự do xã hội mới là hệ lý thuyết cung cấp cho chúng ta mô hình để xây dựng một nền dân chủ với nền kinh tế bị hạn chế bởi nhà nước, để đảm bảo phúc lợi cho tầng lớp dân nghèo. Còn khi chúng ta nói về chủ nghĩa xã hội, chúng ta không biết là mình đang ca ngợi nền độc tài chính trị và kinh tế tập trung- nơi mà cái dạ dày của bạn sẽ bị khống chế bởi cơ quan lãnh đạo cao nhất, và vì thế bạn sẽ chẳng thiết đòi quyền tự do chính trị nữa. Người ta có lẽ còn nhập nhằng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do xã hội! Nhiều người Mỹ còn nhập nhằng như thế. Nhưng tôi tin rằng đa số người Mỹ biết được giá trị của hệ thống chính trị dân chủ của họ. Họ phản kháng để “refresh” nó chứ chẳng phải để lật đổ nó. Vì nếu muốn từ bỏ hệ thống ấy thì cách tốt nhất là họ nên qua sống ở Việt Nam, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiến càng hay.
Tôi muốn bảo vệ chủ nghĩa tự do vì thiết nghĩ rằng nếu chúng ta không nhìn thấy vai trò của nó, bỏ quên nó vì những thứ lý thuyết độc hại khác, con người sẽ phải trả giá. Nhân loại đã từng trả giá vì sự hiểu biết hời hợt về chủ nghĩa cộng sản, vì sự phớt lờ tầm quan trọng của chủ nghĩa tự do. Điều này không thể lặp lại! Tôi biết điều này sẽ khó có thể lặp lại ở những nước có nền dân chủ tự do vững chắc như Hoa Kỳ. Nhưng theo một cách nào đó, nó bị lợi dụng triệt để ở những nước độc tài chống Mỹ và phương Tây như Việt Nam, Trung Quốc. Việc ví von phong trào “chiếm phố Wall” với “Mùa Xuân Ả Rập” mà tôi thấy ở khắp nơi trên báo chí “chính thống” của chế độ (Tạp chí cộng sản và Sài Gòn giải phóng là những ví dụ lố bịch điển hình) chỉ là một cách “lập lờ đánh lận con đen” bỉ ổi.
Ai trong chúng ta cũng biết rõ “Mùa xuân Ả Rập” là phong trào cách mạng thay đổi thể chế chính trị, lật đổ các chế độ độc tài đã tồn tài nhiều năm, còn phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” lại là một cuộc vận động xã hội (không phải cách mạng), tạo áp lực lên một chính quyền dân chủ, buộc họ phải thay đổi cách nhìn và phương thức điều hành xã hội. Sự tương đồng về ngoại biểu không khỏa lấp được những khác biệt về bản chất nội tại (động cơ, mục tiêu). “Mùa Xuân Ả Rập” là động thái giết chết một con bệnh ung thư, còn “Chiếm phố Wall” là cách người ta cảnh báo và chữa trị cho một người mắc bệnh thông thường. Cũng cần phải nhận thức rõ rằng trên thế giới này không có kẻ không có bệnh mà chỉ có những kẻ hết thuốc chữa. Thật vậy, con người trở nên cao quý không phải vì anh ta hoàn hảo mà vì anh ta biết đổi mới và đứng lên mạnh mẽ hơn từ những sai lầm. Và để tránh những ngụy biện không cần thiết cho điều này ở những trường hợp khác, tôi muốn nói thêm rằng: Có một sự khác biệt cơ bản giữa sự thối nát hệ thống và sự sai lầm cục bộ.
© Huỳnh Thục Vy