Saturday, December 3, 2011

NHỚ TẾT MẬU THÂN 1968

Nhân Tết Nhâm Thìn, nhớ lại Hai mươi sáu ngày tang thương của Huế

Tết Nhâm Thìn 2012 đến nhắc người Việt, nhất là người Huế nhớ đến Tết Mậu Thân. Đêm mồng một Tết (rạng mồng Hai) quân đội cộng sản mở cuộc tấn công quy mô trên toàn quốc, trong đó có thành phố Huế. Đêm trước – đêm Giao Thừa – trong khi thỏa thuận ngưng bắn 36 giờ để dân ăn Tết còn hiệu lực, cộng quân đã đánh vào một số thị trấn nhưng ở một quy mô nhỏ.

Cuộc tấn công của cộng quân vào thành phố Huế mở màn cho 26 ngày tang thương, 26 ngày kinh hoàng của lịch sử kinh thành Huế. Trong hơn một thế kỷ, Huế chỉ trải qua hai lần bom đạn. Lần thứ nhất “kinh đô thất thủ” năm 1883 khi Pháp đưa chiến thuyền ngược sông Hương pháo kích kinh đô Huế. Lần thứ hai khi cuộc tòan quốc kháng chiến bắt đầu, quân đội Việt Minh bao vây đánh các đơn vị Pháp đóng tại Huế vào cuối năm 1946, đầu năm 1947.

**
 

Hai mươi sáu ngày tang thương của Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968 được quyết định tại phiên họp Trung ương đảng của đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội tháng Tư năm 1967 ….

Ngược một chút dòng lịch sử. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ từ tháng 12 năm 1946 đưa đến sự bại trận của quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm1954 và Việt Nam bị chia đôi ngang vĩ tuyến 17. Miền Bắc cộng sản, miền Nam cho người quốc gia.

Thời gian 8 năm kháng chiến (1946-1954) là thời gian tế nhị của lớp sĩ phu và những người Việt Nam có chút ăn học. Hầu hết theo phong trào chống Pháp và nằm trong guồng máy lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Một số trở thành người cộng sản, và một số không nhỏ trong thời gian kháng chiến thấy được bộ mặt thật của chủ nghĩa cộng sản đã bỏ về thành phố. Hầu hết thành phố do người Pháp quản lý với một chính quyền “gọi là quốc gia” làm bình phong nên không có chính nghĩa cho dù trong thời gian 8 năm người Pháp vì nhu cầu chính trị và áp lực của Hoa Kỳ đã trao trả một ít quyền hành và danh nghĩa cho ông Bảo Đại. Trong bối cảnh chính trị đó, những người bỏ hàng ngũ cộng sản về thành không có chỗ đứng. Họ bơ vơ trong cảnh hàng thần lơ láo.

Sau khi chia đôi Việt Nam, người Pháp rút về, Hoa Kỳ giúp hạ bệ ông Bảo Đại, thành hình “Việt Nam Cộng Hòa” với đầy dủ danh nghĩa một chính quyền quốc gia với sự lãnh đạo đầu tiên của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Chính sách của Hoa Kỳ là giúp xây dựng một miền Nam Việt Nam phú cường, ổn định và tự do dân chủ để nhân dân miền Nam phát huy nội lực tự bảo vệ trước cuộc tấn công của miền Bắc. Xương sống của chính sách là miền Nam có một chính quyền quốc gia được sự hậu thuẫn của dân.

Rất tiếc do hoàn cảnh lịch sử điều kiện trên không thực hiện được. Bối cảnh lịch sử lúc đó là:

(1) nhân dân miền Nam chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì, và có cảm tình với những người lãnh đạo cộng sản vì họ vừa lãnh đạo thành công một cuộc đấu tranh giành độc lập.

(2) các chính khách và quân nhân lãnh đạo bộ máy chính trị và quân sự miền Nam Việt Nam hầu hết là sản phẩm của bộ máy cai trị của người Pháp để lại.

Trong số này tuy có thành phần ưu tú, nhưng thiếu phẩm chất của những nhà ái quốc chân chính. Từng là một bộ phận trong bộ máy cai trị của Pháp họ không ý thức được thế nào là tự do và thế nào là dân chủ. Một vài ý niệm dân chủ, tự do do người Pháp mang lại nhiều lắm giúp họ ca ngợi cái đẹp của tự do dân chủ nhưng chỉ ý thức lờ mờ rằng cái tự do dân chủ đó để dành cho từng lớp thống trị hay hợp tác với tầng lớp thống trị chứ không phải dành cho nhân dân Việt Nam chân lấm tay bùn. Vì vậy họ không thể hòan thành nhiệm vụ lịch sử là mang đến cho quần chúng một tinh thần ao ước tự do quyết tâm đổ mồ hôi và nều cần bằng máu để bảo vệ nếp sống trong tự do và dân chủ của mình.

Với tâm lý quần chúng đó, với dàn nhân sự đó tổng thống Ngô Đình Diệm dù là một người có tinh thần yêu nước cao và được sự giúp đỡ tận tình của Hoa Kỳ vẫn không xây dựng nổi một miền nam phú cường và dân chủ.

Trong bối cảnh đó miền Bắc dốc toàn lực tổ chức tuyên truyền phá hoại chế độ và đưa quân trá hình xâm lăng miền nam.

 

Để củng cố miền Nam, tháng 11/1963 Hoa Kỳ thay thế lãnh đạo bằng cách lật đổ chế độ ông Diệm. Nhưng các chế độ quân nhân thay thế ông Diệm tệ hơn chế độ ông Diệm. Trước nguy cơ sụp đổ, Hoa Kỳ không có sự lựa chọn nào khác hơn là đưa quân vào miền Nam chiến đấu đồng thời oanh tạc miền Bắc Việt Nam để ngăn làn sóng đỏ chiếm Nam Việt Nam rồi tràn ra toàn vùng Đông Nam Á và nam Thái Bình Dương đe dọa Úc châu theo chủ thuyết Domino rất được ưa chuộng vào lúc đó.

Tháng Ba, 1965 Hoa Kỳ đổ bộ đơn vị Thủy quân Lục chiến đầu tiên lên Đà Nẵng, Hà Nội đưa các Sư đoàn chính quy vào miền Nam, Hoa Kỳ tiếp tục đổ quân. Từ tháng Ba 1965 đến cuối năm 1967 Hoa Kỳ chuyển 485.000 binh sĩ đến miền Nam, trong đó có Sư đoàn Kỵ binh không vận, một sư đoàn tân lập di chuyển hoàn toàn bằng trực thăng.

Cuối năm 1965 quân đội Hoa Kỳ và quân chính quy bắc Việt thử sức nhau trong vùng rừng núi trên cao nguyên miền Trung. Hai bên chịu nhiều tổn thất, và sau cùng quân đội cộng sản không chịu nổi rút quân qua Cambốt.

Đối với Hoa Kỳ bây giờ là giải pháp quân sự chứ không còn là giải pháp tạo ổn định để chiến thắng về mặt chính trị nữa. Sau cuộc thử lửa tại cao nguyên Hoa Kỳ thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét các ổ đóng quân, bộ chỉ huy và các căn cứ tiếp vận của cộng sản quanh Sài gòn. Cuộc hành quân Cedar Falls tháng 1/1967 đánh vào khu “Tam Giác Sắt” gần Sàigòn. Từ tháng 2 đến tháng 5 Hoa Kỳ thực hiện cuộc hành quân Junction City đánh vào Chiến khu C, gần biên giới Cambốt. Cả hai cuộc hành quân đều đạt mục tiêu. Áp lực vào Sài gòn được giải tỏa; quân đội cộng sản tại Chiến khu C phải trốn qua biên giới Cambốt. Mặc dù sau khi quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi các vùng tảo thanh, quân đội cộng sản trở lại các vùng đó, nhưng tinh thần bộ đội và cán bộ của cộng sản xuống rất thấp.

Sau các cuộc giao tranh trên cao nguyên và hai cuộc càn quét Cedar Falls và Junction City lãnh đạo cộng sản tại Hà Nội tự hỏi rằng tiếp tục cuộc chiến như hiện trạng có thể đạt được hai mục tiêu sau không:

(1) buộc quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, và
(2) lật đổ chính quyền tại Sài gòn.

Ý kiến trong Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam khác nhau.

Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh nghĩ rằng tiếp tục hiện trạng sẽ làm cho Hà Nội kiệt sức trước. Duẩn và Thanh cho rằng cần phải làm một hành động ngoạn mục, gây nhiều tổn thất và tạo xúc động làm cho dân chúng Hoa Kỳ hỏang hốt và giúp thổi bùng lên phong trào chống chiến tranh đang âm ỉ tại Hoa Kỳ. Võ Nguyên Giáp trái lại, vốn có lối suy tư cổ điển theo sách vỡ cho rằng tình hình chưa chín để phát động một cuộc nổi dậy. Theo Gíáp, cần tiếp tục cuộc chiến tranh hao mòn “nông thôn bao vây thành thị” một thời gian nữa mới tới điểm “nổi dậy” được.

Sự bất đồng ý kiến đã được giải quyết trong Hội nghị trung ương đảng thứ 13 tại Hà Nội, qua đó đảng cộng sản quyết nghị tung một cuộc tổng tấn công vào các đô thị miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân vào tháng Giêng Hai năm 1968.

Có lẽ Nguyễn Chí Thanh sẽ là người tổ chức cuộc nổi dậy nếu ông ta không chết bất ngờ vào tháng 7/1967. Thanh chết, không còn ai ngoài Giáp có khả năng tổ chức và lãnh đạo cuộc Tổng tấn công. Giáp thi hành lệnh đảng dù ông không đồng ý. Sau này mặc dù cuộc tổng tấn công đạt mục đích chính trị buộc Hoa Kỳ xuống thang, ngưng gởi thêm quân đội và đề nghị hòa đàm đi đến chấm dứt chiến tranh, nhưng sự tổn thất nhân mạng quá lớn làm ông mất uy tín “là một viên tướng giỏi” trong nội bộ, và ngôi sao của Giáp mờ dần từ đó.

Cuộc tổng tấn công của Giáp khởi đầu đêm giao thừa (đêm 29/1/1968 rạng ngày 30/1) vào các thành phố Nha Trang, Hội An, Quy Nhơn, Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột và pháo kích vào Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I. Đêm sau mồng Một rạng mồng Hai Tết (đêm 30/1 rạng ngày 31/1/1968) Giáp đánh Huế, Sài gòn, tòa đại sứ Hoa Kỳ và 20 thành phố và thị trấn khác trên toàn quốc .

Bài viết này tôi dành trận đánh tại Huế. Trận đánh Huế kéo dài 26 ngày là trận đánh dài nhất, đẩm máu nhất, với sự trả thù giết hơn 3000 quân nhân, công chức, cán bộ miền Nam.

**

Thành phố Huế nằm trên hai bờ sông Hương Giang. Năm 1968 Huế có 140.000 dân, khoảng 100.000 sống bên tả ngạn gồm phố chợ Đông Ba, khu Gia Hội và Thành Nội. Phần còn lại sống bên bờ hữu ngạn có hình tam giác giới hạn bởi sông Hương, sông đào An cựu và quốc lộ 1. Trung tâm gồm tòa hành chánh, bưu điện, bệnh viện trung ương, Đại học và trường Quốc học Huế, cơ quan MACV Mỹ (Military Assistance Command, Vietnam) và cầu tàu tiếp vận bằng đường thủy từ cửa Thuận An vào nằm gần bến Đập Đá do một đơn vị Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trú quân.

Thành Nội Huế nằm sát trên bờ bắc sông Hương rộng 7.8 km vuông, cạnh nam hình vòng cung áp sát bờ sông, 3 cạnh còn lại thẳng dài trung bình 2.800 mét. Thành được bảo vệ bằng một bức tường đất cao 9 mét che chắn trong ngoài bằng một lớp gạch dày, và cao 12 mét. Thành có nhiều cửa ra vào. Các cửa nổi tiếng là cửa Thượng Tự, cửa Nhà Đồ mở ra hướng Nam; cửa Hữu, cửa Chánh Tây mở ra phía Tây;cửa Đông Ba hướng ra phía Đông, cửa Bắc hướng về phía Bắc. Trong khối đất bao bọc thành có nhiều công thự, địa đạo người Nhật xây để bảo vệ Huế sau khi Nhật đảo chánh Pháp năm 1945 trong Thế chiến 2. Khi cộng quân chiếm Huế, họ xây công thự phòng thủ kiên cố với địa đạo, hầm ếch có sẵn và đào thêm trong bức thành đất làm cho việc tảo thanh của Thủy quân Lục chiến Mỹ-Việt và các đơn vị Dù và bộ binh Việt Nam Cộng Hòa trở nên rất khó khăn và nhiều tổn thất.

 

Bên trong Thành Nội là Đại Nội nơi thiết triều của các vua triều Nguyễn trước khi người Pháp chiếm năm 1883. Đại Nội hình vuông nằm cân đối trong Thành Nội, nhưng kề mặt nam hơn, mỗi bề 700 mét, bao quanh bằng một bức tường thành bằng gạch dày cao 6 mét. Ba cấu trúc đáng để ý của Huế là Cột cờ  cao 37 mét trong Thành Nội nằm ngay trước Đại Nội. Thứ hai là cầu Trường Tiền có 6 vài bắc qua sông Hương nối liền hai khu nam bắc của thành phố. Thứ ba là đồn Mang Cá nằm góc đông-bắc Thành Nội, nơi đặt Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ binh. Các Trung đoàn của Sư Đoàn 1 đều được bố trí dọc theo quốc lộ 1 từ An Hòa ra vùng hỏa tuyến. Bảo vệ Bộ Tư lệnh và thành phố Huế là một đại đội Hắc Báo trinh sát do Đại úy Trần Kim Huê chỉ huy. An ninh trong thành phố do cảnh sát phụ trách.

Về phiá Hoa Kỳ, chỉ có cơ quan MACV tọa lạc sau khu Tòa Khâm Sứ cũ gồm 200 nhân viên, quân nhân lẫn dân sự và vài sĩ quan Úc cố vấn của Sư đoàn 1. Đơn vị quân sự Hoa Kỳ gần nhất nằm ở sân bay Phú Bài phía nam Huế 11 km trên quốc lộ 1 đi Đà Nẵng. Tại đây có Bộ Chỉ Huy Lực lượng Đặc Nhiệm X-Ray do Chuẩn Tướng Foster LaHue chỉ huy. X-Ray là một bộ phận của Sư Đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đóng ở Đà Nẵng .

Chuẩn bị đánh Huế tướng Võ Nguyên Giáp huy động 8.000 quân gồm 2 Trung đoàn chính quy Bắc Việt và 6 tiểu đoàn cộng sản địa phương. Trong đó 5000 quân dùng để tấn công, 3000 quân còn lại dùng để bảo vệ đường tiếp vận vũ khí và người của cộng quân và đồng thời cắt đường tiếp vận của Mỹ-Việt. Lực lượng tấn công chia thành hai Đoàn. Đoàn 5 do Trung Tá Nguyễn Vạn chỉ huy chia làm hai mũi đánh từ phía nam vào khu hành chánh và MACV. Đoàn 6 do Trung Tá Nguyễn Trọng Dần chỉ huy cũng chia làm hai mũi đánh vào Thành Nội, chiếm cột cờ để kéo cờ và đồn Mang Cá. Đoàn 6 tập họp và xuất quân từ quận Hương Trà, trong khi Đòan 5 từ  thung lũng A Sao trong rặng Trường Sơn vượt sông Hương tại bến đò Đình Môn tiến vào phía nam Huế qua ngõ cầu Lim.

Mấy tháng trước khi tấn công quân đội cộng sản đã được huấn luyên kỹ thuật đánh trong thành phố và công an được lệnh chuẩn bị một danh sách quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa trong thành phố sẽ bị giết khi chiếm Huế. Trong thời gian 26 ngày đánh nhau tại Huế, Giáp rút từ Khe Sanh đưa vào chiến trường Huế – Thừa Thiên thêm 3 trung đoàn nâng tổng số quân của chiến dịch Huế lên đến 20.000 quân.

Trong đêm 28/1 một tiểu đoàn đặc công đã đưa vũ khí lén lút vào thành phố và mặc thường phục trà trộn vào dân chúng (Theo “Cuộc Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa 1968 – TCK/TKN” trang 228 của Khối Quân sử, Phòng 5/TTM). Do thỏa thuận Tết, gần một nửa quân lính Việt Nam Cộng Hòa nghỉ phép ăn Tết nên khi cộng sản tấn công lực lượng chống đỡ của Việt Nam Cộng Hòa rất yếu.Tuy nhiên nhờ một yếu tố tinh thần, đồn Mang Cá không bị cộng sản tràn ngập.

Trong đêm Giao thừa, Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn I được tin cộng sản đánh vào một số thành phố duyên hải như Nha Trang và pháo kích Đà Nẵng. Sáng mồng Một ông ra lệnh cắm trại nhân viên cơ hữu, và đêm Mồng 1 Tết ông ngủ lại đồn. Sự hiện diện của tướng Trưởng đã làm cho nhân viên lên tinh thần và chống giữ không cho cộng sản tràn ngập. Cộng quân chỉ chiếm được bệnh viện nằm ngoài đồn chính và sau đó bị đẩy lui. Đại đội Thám báo cũng bám giữ được một nửa sân bay Tây Lộc .

Từ mồng 1 đến mồng 8 (30/1 – 6/2) cộng sản kêu gọi và chờ đợi nhân dân Huế nổi dậy tuyên bố không chấp nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng điều này đã không xẩy ra. Ngọai trừ cán bộ cộng sản và một thiểu số nằm vùng, dân Huế nằm im trong nhà hoặc chạy trốn khi thấy bóng dáng cộng quân.

Song hành với sự kêu gọi quần chúng, công an tiếp tục chương trình tàn sát. Những người trong danh sách lập sẵn được gọi ra trình diện, cho về vài hôm để thuyết phục những người còn trốn tránh. Sau đó kêu đi học tập và giết hết trong đêm tối đơn giản bằng một viên đạn vào đầu và vùi thây trong những hầm tập thể tại sân trường trung học Gia Hội, Bãi Dâu và chùa Tăng Quang Tư. Kế hoạch đưa ra khỏi Huế để giết không thực hiện được do cuộc phản công và bao vây mặt tây nam thành phố của Sư Đòan kỵ binh không vận Hoa Kỳ.
Cuộc phản công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ bắt đầu ngày mồng 2. Đợt phản công đầu tiên phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa chịu nhiều tổn thất vì tưởng rằng cộng quân nhiều lắm là một hay hai tiểu đoàn trong thành phố. Tướng Ngô Quang Trưởng và tướng Foster LaHue và Bộ Tư Lệnh Việt Mỹ ở Sài gòn không ngờ lúc này cộng sản có gần 1 sư đoàn trong thành phố Huế.

Tướng Trưởng ra lệnh Tiểu Đoàn 2 Dù cùng với một Chi đoàn thiết giáp đang đóng ở làng Từ Hạ tiến về Thành Nội để giải tỏa áp lực vào bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Một Chi đoàn thiết giáp khác đóng ở An Cựu cũng được lệnh tiến vào thành phố. Chi đoàn này do đích thân Trung Tá Phan Hữu Chí (Thiết đoàn trưởng) chỉ huy và có hai sĩ quan thiết giáp tháp tùng, trong đó có Đại úy Trương Quang Thương chỉ huy một thiết giáp. Ngoài công tác giải tỏa thành phố Chi đòan này còn có nhiệm vụ cứu gia đình tướng Trưởng đang kẹt bên hữu ngạn.

Chi đoàn của Trung Tá Chí ra khỏi trại nhưng không tiến lên được vì hỏa lực của cộng quân. Trong khi đó tiểu đoàn Dù trên đường tiến về cửa An Hòa phải chật vật chiến đấu với nhiều tổn thất đến 3 giờ chiều ngày mồng 2, mới tiến sát bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1.

Trong khi đó tướng LeHue gởi một đại đội Thủy quân Lục chiến do Đạị úy Gordon  Batcheller chỉ huy có trang bị 4 dàn súng đại liên 12 ly 7 từ Phú Bài theo quốc lộ 1 lên Huế. Đại úy Batcheller được lệnh tiến qua thành phố liên lạc với tiểu đoàn Việt Nam Cộng Hòa từ phiá Bắc tiến vào. Trên đường tiến quân đại úy Batcheller gặp đơn vị tiếp tế có 4 xe thiết giáp hộ tống của Trung Tá LaMontagne đang trên đường tiếp tế định kỳ cho sư Đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở vùng giới tuyến. Gần An Cựu hai đơn vị này gặp chi đoàn thiết giáp của Trung Tá Chí đang bị hỏa lực của cộng quân không tiến lên được. Ba đơn vị – hai Mỹ, một Việt – phối hợp sức mạnh dùng hỏa lực áp đảo băng qua cầu An Cựu tiến về MACV Huế .

Chi đòan của Trung Tá Chí dẫn đầu chọc thủng hỏa lực của cộng quân băng qua cánh đồng trống nối liền chợ An Cựu với Tiểu khu Thừa Thiên (bên cạnh MACV). Khi đến trước Ty Cảnh Sát thiết giáp của Trung Tá Chí bị bắn hạ, Trung Tá Chí tử thương. Hai xạ thủ trên thiết giáp của Đại Úy Thương cũng bị thương. Đại úy Thương lái thiết giáp chạy ra ngỏ nhà hàng Chaffanjon, ra đường Lê Lợi rồi chạy về Tiểu khu an tòan. Trên đường từ An Cựu tiến vào thành phố Đại úy Batcheller bị thương nặng. Được tin tướng LaHue gởi một tiểu đoàn do Trung tá Gravel chỉ huy từ Phú Bài lên tiếp viện. Đến 3 giờ chiều đơn vị của Gravel và LaMontagne tiến vào được MACV, sau khi đã cho tản thương đại úy Bacheller và các binh sĩ khác về Phú Bài.

Đến MACV Trung tá Gravel được lệnh tiến qua Thành Nội. Nhưng với tổn thất nặng nề ông rút về MACV.

Sau nỗ lực giải tỏa không thành và nhiều tổn thất này, tướng Hoàng Xuân Lãm Tư lệnh Quân khu 1 và tướng Cushman, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ vùng giới tuyến chia trách nhiệm. Hoa Kỳ giải tỏa khu hành chánh hữu ngạn. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa giải tỏa khu tả ngạn.

Đại tá Hughes chỉ huy trưởng Trung đòan 1 Thủy quân Lục chiến được giao trách nhiệm giải tỏa hữu ngạn Huế. Trong khi đó vào mồng 4 Tết, Sư đoàn Kỵ binh không vận Hoa Kỳ bắt đầu triển khai quân phong tỏa đường tiếp vận của cộng sản từ A Sao vào thành phố Huế.

Từ MACV ở đầu cầu Trường Tiền theo đường Lê Lợi lên đến cầu Ga chỉ dài chừng 2 km và có 11 khu phố (block), hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ của Dại Tá Hughes đã mất 11 ngày đánh chiếm từng khu vườn, từng căn nhà với tổn thất cao. Cộng quân biến mỗi khu phố thành một pháo đài và quyết bám trụ.

Đánh suốt 24 giờ trong ngày mồng 5 để chiếm lại Kho Bạc và nhà Bưu Điện. Ngày mồng 6 chiếm lại khu thể thao thành phố (Sport center), Bệnh viện Huế và Thư viện đại học. Sau 2 ngày cam go khác, mồng 8, một đại đội của đại úy Ron Christmas chiếm lại khu hành chánh Huế. Trong cuộc tiến quân Hoa Kỳ đã dùng thiết giáp bắn trực xạ vào các khu nhà cộng quân cố thủ. Đến ngày 11 Tết quân đội Hoa Kỳ kiểm soát sân vận động, nhà thờ Phú Cam và ngày 13 Tết Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tiến đến cầu Ga, và 2 ngày sau vượt qua sông An cựu (sông An Cựu là sông đào cùng với sông Hương và quốc lộ 1 lập thành tam giác chính của phố hữu ngạn). Mục tiêu của Trung đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ là bắt tay với các đơn vị của Sư đoàn Không vận đang bao vây và tảo thanh các đơn vị cộng quân ở ngoài. Đến ngày 16, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ kiểm soát trọn khu hữu ngạn sông Hương, và phải mất 10 ngày nữa mới tảo thanh hết các toán du kích lẻ tẻ còn lại. Tổn thất của Hoa Kỳ giải tỏa hữu ngạn gồm 88 tử thương và 320 bị thương. Cộng quân tử thương hơn 1000 người.

Theo phân nhiệm, ngày mồng 4 tướng Trưởng chuyển quân giải tỏa thành nội Huế. Ông điều động 3 tiểu đoàn Dù số 2, số 7 và số 9 và một chi đoàn thiết giáp. Một tiểu đoàn Dù khác từ Quảng Trị được trực thăng vận vào Mang Cá để đánh ra góc đông-bắc Thành Nội. Đến ngày mồng 5 quân Dù chiếm lại được góc thành An Hòa và một phần sân bay Tây Lộc. Nhưng trong ngày kế  tiếp quân Dù không tiến được bước nào trước sự cố thủ của quân Bắc việt vẫn được tiếp thêm người và vũ khí đạn được từ phía Tây qua cửa Chánh Tây.

Ngày mồng 9 Tướng Trưởng yêu cầu Hoa Kỳ giúp. Ngày 12 Tết tướng LaHue cho tiểu đoàn của Thiếu Tá Thompson dùng tàu hải quân đổ lên Bao Vinh vào Thành Nội bằng Cửa Hậu rồi tiến đánh ngược dọc theo tường thành Đông Bắc có cửa Đông Ba. Tiểu đoàn Thiếu tá Thompson tổn thất nặng và được tăng cường bởi 1 đại đội Thủy quân Lục chiến khác. Lúc này lệnh hạn chế hỏa lực đã được hủy bỏ nên quân đội Hoa Kỳ dùng máy bay ném bom, hải pháo, xe tăng, súng đại bác trực xạ để phá hủy các ụ phòng thủ của cộng quân trong bức thành đất.

Ngày 16 Tết, thời tiết quang đản hơn trên thành phố Huế, cuộc phản công giành lại Huế bắt đầu. Thành Nội được chia thành 6 khu (xem bản đồ)

Khu A, là khu an toàn năm cạnh đồn Mang Cá giữ Cửa Hậu làm cửa chuyển quân tiếp sức và quân dụng.

Khu B quân Dù đã tảo thanh, nhưng cộng quân vẫn giữ cửa Đông Ba

Khu C là khu có sân bay Tây Lộc do Trung đoàn 3 bộ của Trung Tá Phan Bá Hòa tảo thanh. Cộng quân vẫn còn bám cửa Chánh Tây.

Khu D nằm dưới khu B gíáp cửa Thượng Tứ và bức thành phía đông Đại Nội do một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ của Thiếu Tá Thompson tảo thanh. Tiểu đòan nầy mạnh nhất trong các đơn vị tham chiến, gồm 1000 quân nhân và trang bị vũ khí nặng và được yểm trợ hỏa lực bằng máy bay, hải pháo và đại bác trực xạ .

Khu E là khu Đại Nội, mục tiêu cuối cùng của các mũi dùi chung quanh. Khu E do cộng quân kiếm soát cho đến phút chót.

Khu F là góc tây nam Thành Nội do Chiến đoàn đoàn A Thủy quân Lục chiến từ Sài gòn ra do Trung Tá Hoàng Thông chỉ huy có một Chi đoàn Thiết giáp yểm trợ hỏa lực. Chiến đoàn có Thiếu Tá  Phan Văn Thắng chỉ huy Tiểu đoàn 1 đánh phía đông sát thành Đại nội tiến chiếm Cửa Nhà Đồ, và Thiếu Tá Phạm Văn Nhã chỉ huy Tiểu đoàn 5 đánh phía Tây, chiếm Cửa Hữu tiến xuống bắt tay với Tiểu đoàn 1. Sau đó bắt tay với Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sau khi tiểu đoàn nàychiếm cửa Thượng Tứ. Rồi cùng hợp lực chiếm lại cột cờ.

Sau 10 ngày đánh nhau gay go trên từng đường phố, trong từng gò đất Thành Nội, sức kháng cự của cộng quân vào các ngày 25, 26 Tết suy giảm hẵn. Trước đó, vào ngày 23 Tết đưa ông Táo về trời Bộ Chỉ huy Chiến dịch của cộng quân đóng tại làng Lai Chữ đã bị Sư đòan Kỵ binh Hoa Kỳ đánh tan và các đường tiếp tế đều  bị cắt đứt. Ngày 25 Tết đoàn 6 cộng quân được lệnh rút lui.

Sáng tinh sương ngày 26 Tết quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa đã được một số binh sĩ thuộc đại đội thám báo kéo lên trước sự chứng kiến của các đơn vị Thủy quân Lục chiến Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vài giờ đồng hồ sau , Đại đội Thám báo đích thân do đại úy Trần Kiêm Huê chỉ huy cùng 300 quân nhân thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 tiến chiếm Đại Nội. Không có một sự kháng cự nào, cộng quân đã rút lui.

Ngày 26 Tết, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ từ cửa Thượng Tứ tiến ra đã làm chủ cầu Trường Tiền thiết lập sự liên lạc giữa hữu và tả ngạn sông Hương. Qua ngày 27 Tết những cuộc đánh nhau lẻ tẻ diễn ra khi các đơn vị Biệt động quân Việt Nam hành quân chiếm lại khu Gia Hội, chợ Đông Ba và hoàn toàn giải phóng Huế.

Cộng quân rút lui và tiếp tục thi hành lệnh tàn sát thực hiện chưa xong . Ngoài những người bị giết trong các ngày đầu, có thêm ít nhất một ngàn quân nhân, công chức, cảnh sát, đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, đảng Đại Việt bị giết vào những ngày sau khi cộng quân rút ra khỏi thành phố.

Huế được giải phóng. 40% nhà cửa bị sụp đổ do bom đạn. 116,000 người  trong số 140.000 dân thành phố Huế mất nhà cửa. Trong số 5,800 người chết có khoảng 3000 người do cộng sản tàn sát.

Tổn thất binh sĩ khá cao cho một trận đánh 30 ngày. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chết 384 người, bị thương nặng nhẹ 1,800 người. Hoa Kỳ tổn thất 221 quân nhân (gồm 147 Thủy quân Lục chiến, 74 bộ binh) và 1364 binh sĩ bị thương (857 Thủy quân Lục chiến, 507 bộ binh). Tổn thất của cộng quân ước lượng 8000 người chết, 5000 trong nội thành, 3000 ngoài vòng đai Huế (theo The Tet Offensive by James H. Willbanks, trang 54).

Việc cộng sản giết hàng ngàn người trong trận Mậu Thân 1968 tại Huế được giải thích “cộng sản vốn tàn ác và sẵn sàng giết lầm hơn bỏ sót”. Về mặt lịch sử, sự giải thích này quá đơn giản. Lịch sử chứng tỏ rằng các chủ thuyết quá khích đều có thể đưa lại sự phóng tay và tàn độc, như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông đã giết hằng triệu người (nếu chỉ nói những vụ tàn sát thời cận đại).

Nhưng đối với cộng sản việc giết đối phương không có vũ khí trong tay là một hành động chính trị. Và nếu đặt trong khung chính trị vào thời điểm đó không có gì biện minh cho hành động tàn sát của cộng sản trong dịp Mậu Thân. Nếu cộng sản tính tóan sẽ có một cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam cộng sản sẽ không giết bừa bãi trong những ngày đầu tiên như vậy. Còn nếu tấn công toàn quốc nhắm làm nản lòng nhân dân Mỹ và thổi bùng ngọn lửa phản chiến tại Hoa Kỳ, cộng sản lại càng mua chuộc nhân dân bằng một bộ mặt hiền hòa chờ cơ hội.

Sau này khi vụ tàn sát Mậu Thân trở thành một vết nhơ cho chính quyền Hà Nội, cộng sản đã bố trí và mua chuộc một số “nhà nghiên cứu” đưa ra những giả thuyết chạy tội cho cộng sản. Có thể kể: Thứ nhất là anh thợ chụp hình Griffiths, một ký giả chiến trường, năm 1971 viết rằng “không có vụ tàn sát Mậu Thân. Những người chết là do bom đạn của quân đội Hoa Kỳ” (xem “Battle for Hue: Tet 1968” by  Keith William Nolan 1983, Presido Press). Thứ hai là nhà báo Porter  D. Gareth, trong hai bài viết, “Vietnam: the blood argument”, 1969 và “The 1968 Hue massacre”, 1974 khẳng định chẳng có vụ tàn sát nào cả (xem The Tet Offensive by  James Willbanks trang 243). Những luận  điệu chạy tội đó không đánh lừa được dư luận thế giới. Trong những tháng cuối cùng của năm Mậu Thân 1968, Huế trắng xóa khăn tang đi đào mồ tập thể tìm thân nhân do cộng sản lùa đi trong khi chiếm Huế hay khi rút lui đã là những bằng chứng quá rõ ràng trước lịch sử.

Vẫn còn một câu hỏi cần trả lời: Tại sao cộng sản Việt Nam thực hiện vụ tàn sát Mậu Thân?  Nguyên nhân sâu xa có thể tìm thấy qua quá trình đi làm “cách mạng” của ông Võ Nguyên Giáp và món nợ máu người Pháp nợ gia đình ông.

Ông Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại Quảng Bình, năm nay 100 tuổi, con bà Nguyễn Thị Kiên và ông Võ Quang Nghiêm, một nhà nho từng theo phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông là con thứ 6 trong một gia đình có 8 người con. Năm 12 tuổi ông được gởi vào Huế tòng học tại trường Quốc Học Huế .

Thời gian học tại Huế ông Giáp theo phong trào chống Pháp và thường đến thăm viếng cụ Phan bội Châu đang bị Pháp giam lỏng tại Bến Ngự. Sau một cuộc biểu tình chống một hành động độc tài của ông Hiệu trưởng người Pháp ông Giáp bị đuổi khỏi trường. Năm 1927 ông Giáp gia nhập đảng Tân Việt, một đảng có khuynh hướng Mác xít .

Năm 1930 Giáp bị công an Pháp bắt, và bị giam chung tại Huế với ông Đặng Thai Mại và Nguyễn Thị Quang Thái, 14 tuổi, em ruột Nguyễn Thị Minh Khai, một đảng viên nòng cốt của đảng cộng sản Đông Dương. Bị kết án và cùng bị giam tại nhà tù Lao Bão, Giáp và cô Quang Thái yêu nhau. Hai năm sau Giáp và Quang Thái được Pháp trả tự do. Quang Thái trở về quê ở Vinh, sau đó Giáp cũng bỏ Huế ra Vinh để sống gần gia đình Quang Thái. Năm 1933 khi ông Mại ra Hà Nội dạy học, Giáp theo ông Mại ra Bắc.

Tại Hà Nội, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng thuyết phục Giáp gia nhập đảng cộng sản. Trở thành đảng viên năm 1937, ông Giáp tạo uy tín rất nhanh trong đảng cộng sản nhờ căn bản học vấn và khả năng làm việc.

Năm 1939 ông Giáp lập gia đình với bà Quang Thái. Năm sau ông theo Phạm Văn Đồng qua Trung quốc gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thời gian ông còn ở Trung quốc, Pháp đã bắt và xử bắn bà Minh Khai tại Sài gòn năm 1941. Quang Thái bị Pháp bắt tại Vinh một tháng sau đó đưa ra giam và chết tại nhà lao Hỏa Lò ở Hà Nội vì tra tấn. Trường Chinh biết tin dữ nhưng dấu không cho Giáp biết.

Lưu lạc 6 năm, năm 1945 Gíáp theo chân Hồ Chí Minh trở về nắm chính quyền tại Hà Nội. Năm sau (1946) khi ông Giáp trở về Quảng Bình thăm cha ông Nghiêm không cho ông gặp cho rằng ông theo chủ nghĩa cộng sản là một chọn lựa sai lầm. Nhưng ông ủng hộ Giáp trong nổ lực chống Pháp giành độc lâp.

Hiệp định Hạ Long tháng 2/1946 cho phép Pháp đưa quân đến trú đóng tại một số thành phố tại Việt Nam trong đó có Sài gòn, Huế, Đà Nẳng, Hải Phòng, Hà nội. Tháng 12/1946 Hồ Chí Minh phát động cuộc tổng khởi nghĩa để đuổi quân Pháp ra khỏi Việt Nam. Pháp đưa quân chiếm tất cả các thành phố chính và chuẩn bị tái thiết lập chế độ đô hộ Việt Nam với một dàn chính quyền quốc gia do cựu hòang Bảo Đại làm bình phong.

Giữa năm 1947 Pháp chiếm lại Huế và Quảng Bình. Cán bộ cộng sản bố trí đưa bố mẹ và con gái ông Giáp (Võ Thị Hồng Anh, lúc đó 7 tuổi) ra vùng kháng chiến. Nhưng ông Nghiêm không chịu đi. Tháng 8/1947 Pháp bắt ông Nghiêm đưa vào giam tại lao Thừa Thiên. Ông bị tra tấn buộc khai chỗ ở của ông Giáp trên Việt Bắc và ép ông lên đài phát thanh kêu gọi Giáp bỏ cuộc đấu tranh chống Pháp. Pháp đã dùng đến phương pháp cực kỳ dã man thời trung cổ như cột ông Nghiêm vào xe kéo lê trong sân nhà tù. Ông Nghiêm không thể biết Giáp ở đâu. Còn lời kêu gọi trên đài không có tác dụng gì.

Khi ông Nghiêm quá yếu Pháp đưa ông vào bệnh viện Huế và mấy tháng sau ông chết tại đó như một người vô thừa nhận .Ông được chôn tại một nghĩa địa hoang dưới chân núi Ngự Bình. Sau năm 1975, do yêu cầu của ông Giáp, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã lập ủy ban tìm mộ ông Nghiêm, cải táng đưa về chôn tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (theo Google – Wikipedia)

Sau này trong thời gian thương thuyết với ông Giáp người Pháp cảm thấy áy náy đã đối đãi tàn tệ với gia đình ông giải thích rằng những người Việt trong bộ  máy cảnh sát làm việc đó chứ không phải người Pháp. Năm 1982 sử gia Will Brownell, giám đốc chương trình nghiên cứu Việt Nam thuộc đại học Columbia ở Hoa Kỳ phỏng vấn tướng Raoul Salan và hỏi ông về sự xác thực của việc bà Quang Thái vợ ông Giáp bị tra tấn chết tại nhà lao Hỏa Lò Hà Nội năm 1941 tướng Salan xác nhận điều đó có thật và tướng Salan ám chỉ rằng những sự tra tấn như vậy không do chính tay người Pháp làm (“Victory at any cost”, by Cecil B. Currey, nhà xuất bản Brassey’s Inc, 1997, trang 45)

Người Pháp chối bỏ trách nhiệm đã nhúng tay vào một việc giết người dơ bẩn không xứng đáng với một dân tộc có văn hóa, nhưng ông Giáp không quên thù cha.

Năm 1967, khi được Đảng giao trách nhiệm vạch kế hoạch tổng tấn công, có thể ông Gíap rắp tâm trả thù. Đối với người cộng sản Việt Nam, chế độ của người Pháp chuyển sang chính quyền ông Bảo Đại, rồi Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ là một, và mối thù nhà do người Pháp gây ra ông Giáp đổ lên đầu viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhất là viên chức thành phố Huế.

Mối thù 21 năm (1947 – 1968) đã được ông Giáp tính toán chi ly. Lấy ý của ông Giáp từ một văn kiện trung ương các cấp tỉnh đã chỉ thị cấp huyện, xã, phường chuẩn bị tổng tấn công ký ngày 1/11/1967. Chỉ thị có đoạn viết: “…Để chuẩn bị cuộc nổi dậy, các anh phải tận diệt bộ máy cai trị của địch …. Các anh cần lập danh sách của chúng và chỗ ở rồi dùng mọi phương tiện kể cả các toán đặc công cảm tử giết cho hết ….” (tài liệu lưu trữ tại Vietnam Archive, đại học Tech University, Lubock, Texas, theo “The Tet Offensive, a concise history” của James H. Willbanks trang 195, 196).

Chỉ thị tàn sát đã được thi hành một cách quy mô tại Huế. Một số vùng như Bến Tre, cộng quân kiểm soát khá lâu vẫn không có danh sách và tàn sát như ở Huế.

Thành phố Huế vốn là kinh đô của triều Nguyễn cho đến khi người Pháp chiếm Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Trước năm 1945 Huế vẫn còn là thủ phủ của Nam triều một cách hình thức. Nhưng chính yếu là nơi tọa lạc tòa khâm sứ Pháp nắm quyền cai trị Trung kỳ qua các tòa công sứ ở mỗi tỉnh và điều hành công việc hành chánh qua các vị tổng đốc, tuần vũ, tri phủ và tri huyện được đào tạo qua hệ thống giáo dục của Pháp. Sau cuộc cách mạng 19/8/1945 cũng như sau khi Pháp tái chiếm Huế năm 1947 Huế được tổ chức hành chánh giống như các tỉnh khác tòan quốc (trừ Nam kỳ). Sau Hiệp định Geneve, và sau khi Việt Nam Cộng Hòa ra đời Huế có tòa cố vấn do ông Ngô Đình Cẩn, em ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm giữ chức cố vấn miền Trung.

Sau cuộc đảo chánh năm 1963, Huế là trung tâm của phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, đòi dân chủ hóa đất nước và các cải tổ xã hội khác. Phật giáo là lực lượng đòi hỏi chính. Do Phật giáo thiếu nhân sự lãnh đạo trước một phong trào quần chúng bung ra ngoài tầm tay, cộng sản đã đột nhập và thao túng phong trào đòi chấm dứt chế độ quân nhân, thành lập đoàn sinh viên quyết tử để chống lại chính quyền trung ương tại Sài gòn. Tình hình Huế ổn định sau khi ban hành Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa và Huế trở thành thành phố bình lặng nhất tại miền Trung.

Trong khi cuộc chiến tranh xâm lăng miền nam của cộng sản Hà Nội lên cao điểm với sự uy hiếp của quân đội cộng sản tại miền giới tuyến và Khe Sanh, Huế vẫn là một thành phố an bình với sông Hương, núi Ngự và sinh hoạt văn hoá sinh động của đại học Huế và trường Quốc Học.

Không ai có thể tưởng tượng thảm cảnh giết chóc sẽ xẩy ra khi tướng Võ Nguyên Giáp đặt Huế trong vòng nhắm trả thù cha khi ông hoạch định kế hoạch tổng tấn công. Kết quả là 3000 người bị giết do một chế độ bất nhân tròng tréo với oan nghiệt của lịch sử.

Nếu việc tra tấn đưa đến cái chết của thân phụ của Giáp là một vết nhơ trong lịch sử xâm lăng của nước Pháp thì vụ trả thù trong vụ Mậu thân cũng là một tội ác không dễ xóa nhòa trong lịch sử Việt Nam.

Trần Bình Nam
Dec. 1, 2011
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
© Đàn Chim Việt