Wednesday, September 24, 2014

VÀI LỜI TÂM SỰ CÙNG CHỊ BA...



Vài suy nghĩ về “Đơn kiến nghị” 

của vợ cố TBT Lê Duẩn gửi 16 UVBCT 
về ông Võ Nguyên Giáp


Posted by adminbasam on 24/09/2014


Trường Sơn

23-09-2014



Tôi rất ngạc nhiên pha chút tò mò khi đọc được lá đơn kiến nghị được cho là của bà Nguyễn Thị Vân [1], là vợ của cố TBT Lê Duẩn gửi tới 16UVBCT về “lai lịch” của ông tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu quả thật đây là lá thư của bà Vân, tôi xin nêu một số suy nghĩ của mình sau khi đọc xong đơn kiến nghị này.



Có lẽ suy nghĩ của tôi cũng chỉ là suy nghĩ cá nhân của một thường dân về một vấn đề cũng thuộc dạng “nhạy cảm” hay thâm cung bí sử trong nội bộ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN. Tuy nhiên, tôi thấy cần thiết phải bày tỏ vì nó có nhiều điều tôi cho là vô lý, thậm chí là mâu thuẫn so với những thông tin tôi được biết qua những kênh chính thống và không chính thống của chính quyền.


Tôi sẽ lần lượt đi từng vấn đề.

Thứ nhất: về lai lịch tác giả và văn phong của lá đơn.

Tác giả của bức thư là vợ của ông cố TBT Lê Duẩn, một người nắm quyền lực cao nhất trong Đảng CS nhiều năm tất nhiên bà biết được nhiều điều mà những người khác không “may mắn” được tiếp cận. Bản thân bà từng giữ chức phó tổng biên tập báo SGGP và có 65 năm tuổi Đảng.

Thế nhưng khi đọc bức thư này, tôi ngờ ngợ về khả năng báo chí của bà Vân. Ngoài những lỗi nhỏ sai về chính tả, câu chữ khá lủng củng, các ý trong bài nhiều chỗ trùng lấp… Bên cạnh đó khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hay cụ thể là BCT, bà Vân đã vội có những câu từ xúc phạm người khác cụ thể là ông Giáp (và đồng bọn). Cách sử dụng từ ngữ không đúng mực cho một lá đơn hành chính mang nặng ý tố cáo, bà có thể gọi chồng bà là anh Ba, nhưng trong lá đơn không nên viết như vậy mà nên gọi là chồng tôi hay ông Lê Duẩn.

Thứ hai: Về tội làm gián điệp cho nước ngoài của ông Giáp

- Đối với tội làm gián điệp cho Pháp lá đơn kể nhiều chi tiết nhưng cuối cùng thì “…nên khó khăn trong việc kết tội và xử lý nên việc đó được tạm thời xếp lại”. Rõ ràng việc ông Giáp có làm gián điệp hay không thì cũng chưa đủ bằng chứng, không ai có quyền đổ tội cho người khác dù hoàn toàn có quyền nghi vấn họ. Nếu thông tin này đưa ra tại sao VN lại chiến thắng Pháp trong trận đánh Điện Biên Phủ mà ông Giáp làm tổng chỉ huy? Bà Vân kết luận ông Giáp là gián điệp cho Pháp là một điều không đủ căn cứ.

Đối với tội làm gián điệp cho Liên Xô: bà Vân kể về một vụ án do “Bác Hồ chỉ đạo và đồng chí Lê Đức Thọ làm trưởng ban chuyên án”. Tôi không hình dung ra “rõ ràng đây là cuộc chiến đấu không tiếng súng song đầy hiểm nguy và có cả sự mất mát hy sinh” như lời bà Vân mô tả nhưng khi đọc những cái tên của một số cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội đã bị bắt, một số bị thôi việc, một số chạy trốn và sống lưu vong tại Liên Xô” gồm những cái tên như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Hùynh, Lê Trọng Nghĩa hay một cái tên rất nổi tiếng với tác phẩm Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên, tôi hình dung ra đây là vụ án XÉT LẠI CHỐNG ĐẢNG [2] đưa đến việc bắt giam nhiều năm không qua xét xử nhiều nhân vật cao cấp trong nội bộ Đảng. Nội dung có thể tóm tắt là: Vào tháng 9 năm 1953, Khrushchyov được bầu làm bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, ông đã đọc báo cáo về sự sùng bái cá nhân của I.V. Stalin. Ông chủ trương chung sống hòa bình với thế giới Tư bản (“Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung“). Đường lối của Khrushchyov bị Trung Quốc, dưới thời Mao Trạch Đông chống lại và gọi là “Chủ nghĩa Xét lại”.

Tại Việt Nam, những người cộng sản phân hóa thành hai nhóm, một nhóm chấp nhận chính sách xét lại của Khrushchev là chủ trương tạm thời sống hòa bình với Việt Nam Cộng hòa, không muốn phát động chiến tranh vũ trang “giải phóng miền Nam” mà cho rằng phải xây dựng nền tảng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước khi nghĩ đến đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Theo chính sách đó, các nước Cộng sản không nên tìm kiếm đối đầu quân sự với phương Tây mà cần theo đuổi cạnh tranh kinh tế với khối tư bản.

Thế nhưng trong giai đoạn 1954-1959, theo BBC Việt ngữ, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ủng hộ ý kiến này và vào giai đoạn này [3] “Dù vậy, tính đến thời điểm khi Mỹ chính thức đổ quân vào miền Nam năm 1965, vai trò của ông Hồ Chí Minh ở trong đảng chủ yếu chỉ còn mang tính lễ nghi. Một trong những người thân nhất của ông Hồ, ông Võ Nguyên Giáp, cũng bị cô lập sau này”, tức là ông Hồ không còn quyền lực để quyết định mọi việc và không thân tình với ông Lê Duẩn bằng ông Giáp.

Hay đoạn trong ý 2b bà Vân viết: “đường lối của ông Giáp về CM ở MN là chủ yếu và duy nhất được thực hiện bằng con đường hoà bình”. Một thông tin khác mà bà Vân nêu ra “Người trực tiếp giữ vai trò chỉ đạo mạng lưới tình báo là đại sứ Liên Xô tại VN thời kỳ đó là ông Sec-Ba-Cốp” thế nhưng mãi đến gần đây vào tháng 01/2013 tôi lại được đọc một bài viết với tiêu đề “Vị đại sứ Liên Xô và quyết định điều chỉnh SAM 2 tại VN” [4] nói lên công lao to lớn của một ông đại sứ toàn quyền tại VN giai đoạn này 1964-1974 có cái tên hơi giống giống bà Vân đề cập, Ilia S.Shcherbakov, và ông này được nhà nước VN tuyên dương là một người có công rất lớn như sau “Một trong những người góp phần quan trọng vào chiến thắng “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không” là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Hà Nội nhiệm kỳ 1964-1974 I-li-a S. Se-rơ-ba-cốp” trong dịp kỷ niệm 40 năm và ông Nguyễn Thiện Nhân thay mặt lãnh đạo đảng và nhà nước trao tặng bức tranh đồng tới gia đình của ông cựu đại sứ Liên Xô để tỏ lòng biết ơn.

Tôi có hai câu hỏi về vấn đề này:

Một là: trong khi quan hệ Liên Xô với VN có thể nói cùng chung lý tưởng, cùng ý thức hệ, cùng chiến đấu chống Mỹ (câu nói của Lê Duẩn là chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc), tại sao họ phải dùng gián điệp Liên Xô để thăm dò VN với mục đích gì mà không phải là gián điệp của Mỹ?

Hai là: Nếu biết ông Đại sứ Ilia S.Shcherbakov là gián điệp thì đảng CSVN lại ca ngợi và mang ơn ông ấy làm gì, hay chỉ là vấn đề ngoại giao phải làm vậy?

Trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng CSVN, tổ chức này thường có rất nhiều vụ án/chuyên án kết tội người khác mà không thông qua xét xử. Họ có thể tùy tiện tước bỏ hết chức vụ, khai trừ khỏi đảng, quản chế, bắt giam nhiều năm hay thậm chí giết chết nhiều người chỉ cần thông qua những lời tố cao vu vơ đầy “ngẫu hứng” của một số người nào đó có khi là dân cùng đinh vô danh hay nặc danh, hoặc của một vài cá nhân không cùng quan điểm với nạn nhân. Những chuyên án xảy ra như Cải cách ruộng đất, Vụ án xét lại chống đảng, vụ án nhân văn giai phẩm, vụ án Nguyễn Hà Phan [5].

Thứ ba: quyền lực của Đảng CSVN thực sự nằm trong vài cá nhân thể hiện sự chuyên chính vô sản và sự mâu thuẫn rối rắm giữa các cá nhân cao cấp là rất lớn.

Bà Vân nêu ra một chi tiết “ông ta hy vọng sau anh Ba (chồng của bà Vân) thì ông ta (ông Giáp) sẽ là người thứ ba (quyền lực xếp hàng thứ ba dưới ông Hồ và ông Lê Duẩn?) trong Đảng. Khi anh Ba đem chuyện này ra trao đổi với Bác Hồ thì Bác có hỏi ‘ý chú việc này như thế nào? Khi đó anh Ba bằng sự nhạy bén về chính trị do nhiều năm hoạt động bí mật tại MN đã nói với Bác rằng: ‘thưa Bác, để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng nên để anh Trường Chinh giữ chức chủ tịch quốc hội và là người thứ ba trong Đảng’. Khi ấy Bác đã đồng ý với đề xuất của anh Ba nhưng nói với anh Ba rằng Giáp quá xấu….”

Hay như chi tiết để xử lý tội trạng của ông Giáp “Đó là ra khỏi Bộ Chính Trị TW Đảng, thôi giữ chức bộ trưởng bộ quốc phòng, giữ chức phó thủ tướng phụ trách về dân số và sinh đẻ có kế hoạch…” Bao nhiêu đó cũng lột tả được sự thật về một sự thanh trừng, trừ khử làm nhục nhau trong lãnh đạo Đảng CSVN, còn những khẩu hiệu và bộ mặt đoàn kết trong Đảng là dối trá. Một người chuyên về quân sự lại phân công làm bên sinh đẻ có kế hoạch thì quả là lãng phí chất xám, thế mà họ cũng làm được. Việc ông Giáp chấp nhận vui vẻ được bà Vân diễn giải là do “hơn ai hết ông ta hiểu rõ tội trạng của mình mà với tội trạng ấy thì hình thức xử lý quá là nhân văn với một kẻ phản bội tổ quốc như ông ta”. Theo bà Vân, ông Giáp phải chịu tội tử hình mới xứng đáng. Hóa ra, một người đáng tội tử hình mà không hề xử đúng tội, lại xử theo tùy hứng, chẳng biết pháp luật ở đâu, ai là kẻ ngồi trên luật pháp?

Trong đơn của bà Vân, không biết bao nhiêu lần bà dùng cụm từ người A, người B “nhận chỉ thị từ anh Ba”, tức là ông Lê Duẩn người có quyền uy bậc nhất bấy giờ, còn ông Hồ thì chỉ còn là biểu tượng. Theo bà Vân ít nhất hai lần ông Giáp “tiếm công” của ông Lê Duẩn qua nghị quyết 15 (quyết thống nhất giải phóng miền Nam bằng bạo lực), và trong chiến dịch Hồ Chí Minh qua lời kể của cháu Trung (con bà Vân) trong bức điện “thần tốc, thần tốc”. Vậy tôi có thể khẳng định việc “quyết giải phóng miền Nam bằng bạo lực Cách mạng” xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt vì cái chết của hàng triệu người dân VN trong chiến tranh và của hàng nghìn người dân vượt biển mong thoát khỏi chế độ CS (dù họ biết chắc chắn Mỹ không tham gia) là ý muốn của một nhóm người lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN mà đứng đầu là ông Lê Duẩn. Đây là công trạng hay là tội ác, lịch sử sẽ phán xét công bằng.


Tôi không phải là một người ngưỡng mộ ông Giáp vì với tôi một ông tướng tài không phải là người chiến thắng trong chiến tranh mà là người biết dùng những biện pháp ngoại giao để không xảy ra chiến tranh. Tôi nghĩ, dù bà Vân dành rất nhiều lời kết tội ông Giáp và kể lể công lao to lớn của chồng bà qua những câu chữ đầy âu yếm “theo chỉ thị của anh Ba”, những người như tôi lại nhận ra một sự thật và những bộ mặt nhơ nhuốc khác về bản chất của đảng CS Việt Nam.



Dù sao cũng cảm ơn bà đã viết lá đơn này cho những người đọc như tôi, những người của thế hệ không đi qua chiến tranh và khát khao tìm hiểu sự thực lý do vì sao đất nước tôi giàu có tài nguyên, người dân tôi chăm chỉ lao động, dân tộc tôi thông minh nhanh trí, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện, duy nhất củaĐảng CSVN mà chúng tôi vẫn nghèo hèn. Cầu chúc bà Vân nhiều sức khỏe để được thấy lá thư của bà sẽ được phản hồi trong một tương lai gần.

Tài liệu tham khảo

Ảnh 1: Ông Hồ và Lê Duẩn (Internet).



Ảnh 2: Khu di tích lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn, thuộc địa phận làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nguồn ảnh: quangtri60.com.



________________________




Tướng Giáp và 'lá thư bà Bảy Vân'



Lê Quỳnh BBC Vietnamese


Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều người ngưỡng mộ

Một lá đơn được cho là của người vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đang lưu truyền trên mạng Internet vào dịp một năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Văn bản gây ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh việc dùng quá khứ cuộc chiến Việt Nam vẫn còn được sử dụng cho các mục tiêu hiện thời.

Lá thư của người ký tên là Nguyễn Thị Vân (thường được biết đến với tên Bảy Vân), nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, là vợ thứ hai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nhưng văn bản này, kể cả có được xác thực, cũng chỉ là một bằng chứng nữa minh họa thêm cho điều giới nghiên cứu đã mô tả là ‘cuộc chiến quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam’ thời kỳ bắt đầu cuộc chiến với Hoa Kỳ, đặc biệt giữa nhóm của ông Lê Duẩn và ông Võ Nguyên Giáp.
Quá khứ chưa đóng lại

Trong cố gắng chứng thực lá thư, BBC đã liên lạc với ông Lê Kiên Thành, con trai bà Nguyễn Thị Vân, nhưng ông từ chối xác nhận.

Đại tá Nguyễn Văn Huyên, vốn là thư ký của Tướng Giáp, thì nói ông có nghe tin về lá thư nhưng “chưa đọc” và cũng từ chối bình luận.

Trong khi đó, một số nguồn ẩn danh ở Việt Nam nói đây là văn bản thật.

Một người trong đó nói rằng trong thời gian Tướng Giáp còn sống, đã từng có một lá thư khác của bà Vân gửi các lãnh đạo Đảng với nội dung tương tự.

Nhưng cũng có nguồn cho rằng lá thư là giả.

Điều này khiến các sử gia mà BBC liên hệ tỏ ra thận trọng khi đánh giá độ chân thực của văn bản.

Tuy vậy, họ cho rằng sự xuất hiện của những tài liệu như vậy, dù thật hay giả, cho thấy những mâu thuẫn trong quá khứ vẫn chưa tan đi cho đến hôm nay.

‘Cảm thấy bất công’

Tiến sĩ Shawn McHale, từ Đại học George Washington, đang viết một cuốn sách về cuộc chiến Đông Dương lần một (1945-1954).

Sau khi đọc lá thư trực tiếp bằng tiếng Việt, ông nói không dám chắc lá thư có phải do bà Vân viết hay không.


Ông Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986

Nhưng ông xem bà Vân là người cố gắng gìn giữ “di sản bị lu mờ” của ông Lê Duẩn.

Theo cái nhìn của ông, bà đại diện cho nhóm trung thành với ông Lê Duẩn “cảm thấy bất công vì bị đánh giá thấp sau những cống hiến của họ cho lịch sử Việt Nam hiện đại”.

Họ tin rằng Tướng Giáp “nhận được quá nhiều lời khen ngợi”.

Văn bản đang lưu truyền trên mạng cáo buộc ông Giáp từng “làm gián điệp cho thực dân Pháp” và đứng đầu “mạng lưới gián điệp” thân Liên Xô giữa những năm 1960.

Tiến sĩ Shawn McHale chỉ ra rằng “đây không phải lần đầu tiên có các cáo buộc ghê gớm với những đảng viên cộng sản hàng đầu”.

“Một ví dụ thú vị là Trần Văn Giàu, lãnh đạo cuộc nổi dậy tháng Tám 1945 ở miền Nam, cũng là nạn nhân của các cáo buộc tương tự.”

“Ông Giàu bị tố cáo hợp tác với Pháp để 'vượt ngục', và còn bị tố cáo là chỉ điểm người cộng sản Pháp cho cảnh sát Pháp.”

“Hay năm 1948, nhiều đảng viên bị cho là điều hành mạng lưới gián điệp trong vụ án H122.”


Việc chia Bộ Chính Trị làm hai nhóm cũng là một chi tiết lạ và thật khó tin; nếu không có thông tin thêm thì chi tiết này không nói lên điều gì cả.Tiến sĩ Tường Vũ

Một nhà nghiên cứu khác, Tiến sĩ Tường Vũ, khoa Chính trị học, Đại học Oregon, Hoa Kỳ, cũng nói các cáo buộc trong thư đã được đề cập trước đây.

“Hầu như tất cả những cáo buộc đối với tướng Giáp cũng như mâu thuẫn giữa ông ta và Lê Duẩn trong lá thư chỉ xác định thêm những điều đã được Huy Đức, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, v.v.. viết từ lâu.”

Theo tiến sĩ Tường Vũ, “duy nhất một thông tin mới chưa đâu có là việc tướng Giáp đến an toàn khu trước Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, nhưng dù việc này có thực cũng không đủ để nói tướng Giáp là hèn nhát.”

“Việc chia Bộ Chính Trị làm hai nhóm cũng là một chi tiết lạ và thật khó tin; nếu không có thông tin thêm thì chi tiết này không nói lên điều gì cả,” ông Tường Vũ nhận xét.
Giành di sản xưa

Vậy các nhà nghiên cứu sẽ dùng tài liệu này như thế nào?


Đây không phải lần đầu tiên có các cáo buộc ghê gớm với những đảng viên cộng sản hàng đầu.Tiến sĩ Shawn McHale

Tiến sĩ Tường Vũ cho rằng lá thư “không có ích đối với người nghiên cứu vì không có thông tin gì mới”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Shawn McHale lại xem văn bản này thể hiện cuộc đấu tranh nội bộ “gay gắt” trong Đảng từ sau 1945.

“Đáng quan tâm khi một số mục tiêu, như Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp hay Hoàng Minh Chính, hoặc xuất thân từ nguồn gốc ‘trí thức’ hoặc được xem là đối thủ ý thức hệ của Lê Duẩn.”

Nói như Tiến sĩ Shawn McHale, cuộc chiến giành di sản của quá khứ ở Việt Nam như thế “vẫn còn chưa kết thúc”.

Tuesday, September 23, 2014

KHI CHỊ BA RA TAY...

Kiến nghị của bà 
Nguyễn Thị Vân 
(vợ ông Lê Duẩn) 
về tướng Giáp





(Từ Đàn Chim Việt)


LTS: Vợ hai của cố tổng bí thư Lê Duẩn, bà Nguyễn Thị Vân mới đây đã có đơn thư tố cáo đại tướng Võ Nguyên Giáp là ‘hèn nhát’ và ‘làm gián điệp’ cho nước ngoài. Những chuyện này chưa rõ thực hư ra sao, nhưng trong một xã hội thông tin luôn bị bưng bít và nhưng chuyện triều đình thường chỉ được nghe qua những lời đồn đoán, rỉ tai thì mọi thông tin dù chỉ chứa đựng một phần sự thật cũng cần thiết được đưa ra công luận đ6ẻ cùng xem xét mổ xẻ.

Trên tinh thần đó, chúng tôi xin đăng lại toàn bộ đơn thư này.

(Từ Danlambao)

Bạn đọc Danlambao - Người vợ thứ hai của cố tổng bí thư Lê Duẩn, bà Nguyễn Thị Vân (tên thường gọi Bảy Vân) vừa cho phổ biến công khai lá đơn tố cáo đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng vào dịp giỗ đầu của ông này. 


Trong đơn tố cáo dài 16 trang gửi cho 16 ủy viên bộ chính trị đảng CSVN, bà Bảy Vân đã dùng những lời lẽ hết sức gay gắt để tố cáo vị tướng được xem là ‘huyền thoại’ của quân đội nhân dân Việt Nam.



Nội dung lá đơn phần nào cho thấy mức độ triệt hạ gay gắt trong cung đình cộng sản, thể hiện qua cuộc chiến tranh giành quyền bính giữa phe Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và phe tướng Giáp.

Dù đã nhắm mắt suôi tay, nhưng dường như mối hận thù phe phái vẫn còn ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình những người có liên quan.


Trong đơn tố cáo, bà Bảy Vân có gợi nhiều sự kiện mà cho đến nay vẫn còn bị đảng cộng sản che giấu như vụ án ‘xét lại chống đảng’ hồi cuối thập niên 60, vụ án Sáu Sứ… để cáo buộc tướng Giáp tội danh “làm gián điệp cho nước ngoài phản bội tổ quốc dân tộc”.


Cuối đơn, bà Bảy Vân kiến nghị bộ chính trị thành lập một tổ công tác do thường trực ban bí thư Lê Hồng Anh đứng đầu để điều tra về tướng Giáp. Trong thời gian điều tra, người vợ của cố TBT Lê Duẩn cũng yêu cầu bộ chính trị, ban tuyên giáo ra lệnh ‘không nên tùy tiện ca ngợi ông Giáp’.


Thời hạn điều tra không rõ bắt đầu từ lúc nào, nhưng bà Bảy Vân đòi hỏi bộ chính trị hoàn thành xong trước ngày 2/9/2014. Có lẽ do không được đáp ứng, bà Bảy Vân và gia đình đã quyết định công bố lá đơn rộng rãi do đảng viên và quần chúng ‘chân chính’ được biết rõ.


Bà Bảy Vân tên thật là Nguyễn Thụy Nga, sinh năm 1925, từng giữ chức phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. Bà là vợ thứ hai của cố tổng bí thư Lê Duẩn khi ông này đã đạt tới đỉnh cao quyền lực trong chế độ CSVN.


Trong 26 năm giữ quyền lực tối thượng cho đến lúc chết, TBT Lê Duẩn có lúc được bộ máy tuyên truyền CS tô vẽ là nhân vật ‘vĩ đại’ ngang tầm ông Hồ Chí Minh. 


Dù vậy, tướng Giáp sau khi chết đã được đảng cộng sản thánh hóa đến mức 'vĩ đại' hơn cả cố TBT Lê Duẩn. Đây có lẽ là nguồn cơn khiến mối hận thù phe phái bị trỗi dậy giữa những người có liên quan.


Dưới đây là toàn văn đơn tố cáo do facebook Ngàn Sâu Trần phổ biến: 



































Monday, September 22, 2014

CHUYỆN NÊN BIẾT...



Trò chuyện với một nhân chứng sống 

của Cải cách Ruộng đất



từ Quê Choa
Trà Mi/VOA


Một sự kiện gây bão dư luận trong tháng này khi chính phủ Hà Nội lần đầu tiên mở triển lãm về cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất những năm 40-50 ở miền Bắc và vội vã đóng cửa sau 3 ngày gặp phản ứng mãnh mẽ từ công chúng, nhất là các cư dân mạng.

Cuộc triển lãm tại Viện Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia ở Hà Nội chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 – 1957” khai mạc hôm 8/9 đã làm khơi dậy làn sóng phẫn nộ vì điều bị cáo buộc là không phản ánh đúng thực chất sự kiện lịch sử đã giết chết ít nhất 15 ngàn người bị đấu tố là địa chủ mà đa phần trong số đó bị vu oan, cùng hàng ngàn nạn nhân khác bị tra tấn, hành hạ và bỏ đói trong tù.

Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cộng sản Trung Quốc và Liên Xô, chiến dịch Cải cách Ruộng đất của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam tức đảng Cộng sản hiện nay đề mục tiêu xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt địa chủ và các thành phần bị xem là ‘bóc lột, phản quốc’, để chia lại ruộng đất cho dân cày, lập nền chuyên chính vô sản, nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến dịch đấu tố thảm sát tàn bạo này đã gây ra bầu không khí nồi da xáo thịt kinh hoàng khi đồng bào- đồng loại truy quét, thảm sát, tận diệt lẫn nhau; khi những người cùng huyết thống trong gia đình đấu tố, vu cáo, ám hại nhau giẫm đạp luân thường đạo lý.

Sự khủng khiếp ấy đã được bộc lộ rõ nét qua mấy vần thơ của Tố Hữu:

«Giết! Giết nữa bàn tay không phút nghỉ,

Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong,

Cho Đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng,

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sit-ta-lin bất diệt!»

Trong số trên 172 ngàn người bị quy là địa chủ trong Cải cách Ruộng đất, cứ 10 người thì có tới hơn 7 người bị quy oan, để rồi sau đó ông Hồ Chí Minh đã thừa nhận chính sách này là một sai lầm.

Giới trẻ Việt Nam ít người được biết đến cuộc Cải cách Ruộng đất này vì bấy lâu nay nó không được sử sách nhà trường nói đến hay báo chí nhà nước nhắc lại, và cuộc triển lãm lần đầu tiên đầy tranh cãi và kịch tính ở Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia trong tháng này dường như là một vết dao thêm nữa cứa vào vết thương còn rỉ máu sau gần 6 thập niên.

Để các bạn trẻ hiểu thêm về sự kiện gây sóng gió công luận này, Tạp chí Thanh Niên hôm nay có cuộc trao đổi với một trong những nhân chứng sống, nạn nhân, và cũng là người tham gia cuộc Cải cách Ruộng đất 60 năm về trước: nhà văn, nhà báo Trần Mạnh Hảo, nguyên ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, người đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản vào năm 1989 vì tác phẩm ‘Ly Thân’ trong đó có nói tới chiến dịch Cải cách Ruộng đất.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Đại cục của Cải cách ruộng đất là cái xấu xa, đảo lộn đạo lý của dân tộc, là những cuộc đấu tố khủng khiếp xử oán oan người ta, hàng vạn người bị oan. Vết thương đã lành họ lại khoét nó ra. Dư luận trên internet phản ứng. Người ta kể ra sự thật, cho nên họ thấy lợi bất cập hại, họ vội vàng đóng cửa. Đây là một bài học cho sự tuyên truyền dối trá. Bây giờ còn rất nhiều người trong Cải cách Ruộng đất như chúng tôi vẫn còn sống đây, sao lại bịp chúng tôi được?

Trà Mi: Hành động nhắc lại lịch sử có người đánh giá là khoét lại nỗi đau chưa lành, có người cho rằng nên nhìn lại lịch sử để học lại bài học của chính mình. Bấy lâu nay đã có rất nhiều chỉ trích nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam muốn né tránh những chuyện sai lầm đã gây ra, nên họ cố quên và muốn nhân dân phải quên đi. Nhưng tới lúc họ nhắc lại thì bị ném đá, bị chỉ trích nặng hơn. Không nhắc thì nói là bưng bít, còn nhắc lại thì bị phản ứng. Nên hiểu thế nào về những gì ẩn sau trong lòng dân chúng Việt Nam? Liệu dư luận Việt Nam có quá khắc khe hay không?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Cải cách Ruộng đất thật sự là một vết nhơ xấu xa nhất của cộng sản. Cái xấu xa nhất lại đưa ra khoe, triển lãm. Mà triển lãm lại nói phần tốt đẹp chứ không nói phần xấu. Vẫn là một sự bịp bợm, nói dối. Họ cứ quen thói bịp nhân dân mãi. Xưa nhà nước độc quyền các phương tiện truyền thông, chứ giờ internet và Facebook đã là phương tiện truyền thông của mọi người.

Trà Mi: Có ý kíên cho rằng lịch sử không phải để thù hận, cho nên cũng có người ủng hộ sự bạch hóa lịch sử…

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Bạch hóa lại chối tội, gian dối thì làm sao? Anh bắn giết, hành hạ người oan. Người  qua không tội gì lại vu cáo, bịa chuyện để đưa ra bắn, thích bắn là bắn. Bắn hàng vạn người như vậy, rồi ngồi khóc là xong tội à? Ai gây ra chuyện căm thù nhau, nồi da xáo thịt? Ai gây chuyện đấu tố địa chủ khủng khiếp như vậy? Chỉ bởi học thuyết sai lầm về đấu tranh giai cấp sinh ra. Họ đưa học thuyết tà đạo về áp dụng cho dân tộc Việt Nam, làm đảo lộn đạo lý của dân tộc, con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, cháu đấu tố ông bà. Toàn tố điêu không. Tôi là người tham gia Cải cách Ruộng đất từ đầu chí cuối. Gia đình tôi và bản thân tôi là nạn nhân của Cải cách Ruộng đất nên tôi biết. Sao chúng tôi lại không lên tiếng được? Buộc lòng chúng tôi phải viết mấy bài trên Facebook kể lại chuyện gia đình tôi, rất khủng khiếp, mà tôi chỉ kể có mức độ thôi. Họ không biết sám hối mà cốt tuyên truyền, đem cái xấu xa nhất của chế độ khoe ra mà bảo là tốt thì làm sao mà mọi người nhịn được. Nếu họ triển lãm trung thực, kể ra cái ác của Cải cách Ruộng đất ra để sám hối, để nhận lỗi của mình thì không ai phản ứng cả. Đằng này họ lại làm cái cuộc dối trá như vậy. Không coi người dân ra cái gì cả. Cũng không có một thái độ đàng hoàng, tử tế. Khi thấy triển lãm hố, hai ba ngày sau ngưng không triển lãm nữa lấy lý do thiếu ánh sáng. Thái độ rất hèn hạ. Những người đã bị đấu tố hầu hết là những địa chủ phục vụ kháng chiến. Thế nhưng họ lại bắt đưa ra đấu tố. Như bà Nguyễn Thị Năm là người có công vô cùng lớn với chế độ của ông Hồ Chí Minh, đã nuôi ông Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cộng sản trong nhà và mang hết tài sản ra tặng. Thế nhưng cuối cùng họ lại đem bà ra bắn.

Trà Mi: Là một nhà báo để ý quan sát thời cuộc, theo ông, vì sao nhà nước lại mở triển lãm Cải cách Ruộng đất vào lúc này chứ không phải là sớm hơn hay muộn hơn?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Tôi nghĩ rằng cuộc triển lãm này được cấp cao nhất quyết định lâu rồi. Phải là Bộ Chính trị quyết định chứ Bộ Văn hóa không có quyền làm chuyện này. Họ chủ quan nghĩ rằng đã lừa dối được dân mấy chục năm nay rồi thì giờ muốn nói gì thì nói. Đấy là một cái nhầm vì dân bây giờ đã thức tỉnh.

Trà Mi: Đã có nhiều ngòi bút mô tả Cải cách Ruộng đất như một cuộc cách mạng ‘long trời lở đất.’ Cải cách Ruộng đất dưới ngòi bút của nhà văn-nhà báo Trần Mạnh Hảo, một cựu đảng viên cộng sản Việt Nam, như thế nào?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Trong tiểu thuyết Ly Thân của tôi nay đã bị nhà nước cấm, tôi có mô tả đến cuộc Cải cách Ruộng đất. Bây giờ tôi cũng không muốn nhắc tới vì con cháu những người trong làng đã đấu tố gia đình nhà tôi, những người tố điêu, những người làm những việc rất xấu xa đê tiện đó hiện giờ vẫn còn sống trong làng. Khi tôi nhắc lại thì con cháu những người đó cũng có gọi điện thoại vào nói ‘Xin bác tha cho vì chúng ta là những người Công giáo, lấy sự tha thứ làm trọng.’ Tôi bảo ‘Không, tôi thì tôi quên rồi, nhưng tự nhiên ông nhà nước triển lãm Cải cách Ruộng đất mà rất là dối trá như vậy thì bắt buộc tôi phải lên tiếng để công luận biết những gì triển lãm kia không phải thực chất của Cải cách Ruộng đất. Thực ra, nếu muốn viết về Cải cách Ruộng đất, tôi đã viết một cuốn sách ít nhất phải là 500 trang vì riêng chuyện gia đình tôi cũng khủng khiếp lắm. Có những điều tôi cũng không muốn nói ra nữa.

Trà Mi: Nhân nói chuyện về cuộc triển lãm nhắc lại thời mốc quá khứ đen tối trong lịch sử Việt Nam, có thể cùng nhà văn Trần Mạnh Hảo nhìn lại những gì đã diễn ra? Là một nạn nhân cũng là ngừơi tham gia đấu tố trong Cải cách Ruộng đất, từng kinh qua những chuỗi ngày Cải cách Ruộng đất trong thời thơ ấu, sau 6 thập niên nhìn lại, những ký ức còn đọng lại trong ông là gì?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Tôi đã chứng kiến lính Pháp đi càn quét trong làng xã, cũng là kinh khiếp lắm, nhưng không bằng Cải cách Ruộng đất. Tôi đã từng đi xem bắn người, những người tốt nhất trong làng xã tôi bị quy là địa chủ và bị đưa ra bắn rất tàn bạo. Tôi cũng từng đấu tố bố mẹ tôi. Tôi cũng từng chứng kiến thảm cảnh gia đình nhà tôi từ đầu chí cuối thì tôi phải nói là Cải cách Ruộng đất không khác gì Polpot bao nhiêu. Những người bị bắn trong làng xã tôi hầu hết là từng là đảng viên cộng sản. Không hiểu tại sao họ lại lôi ra bắn hết. Chắc họ muốn thanh trừng vì họ sợ. Những lớp người làm kháng chiến chống Pháp trong vùng này đã từng là bí thư chi bộ của cộng sản, chủ tịch xã bị lôi ra bắn hết.

Trà Mi: Ông không hiểu vì sao họ làm như vậy, nhưng chính bản thân ông từng có hành động đấu tố tham gia trong cuộc Cải cách Ruộng đất đó, ông có hiểu vì sao mình làm vậy không?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Lúc đó tôi mới 10 tuổi thôi. Họ huy động thiếu niên con cái của địa chủ, bắt phải đấu tố bố mẹ thì bố mẹ mới khỏi bị bắn. Bọn chúng tôi đều nghĩ là  họ nói thật nên sợ lắm. Tôi bàn với mẹ, mẹ bảo ‘Con không đấu tố thì bố con chết.’ Cuối cùng, chúng tôi phải đứng ra nói theo kịch bản của họ là ‘Bố tôi rất gian ác.’ Họ bảo ‘Chưa được, phải nói nặng thêm.’ Tôi hét lên ‘Bố tôi giết cả làng này.’ Ông đội cải cách rất trẻ tát vào mặt tôi cái bốp, bảo ‘Chửi cha vượt chỉ tiêu trên giao. Trên giao cho mày chửi bố có bằng này thôi, sao mày chửi nhiều vậy?’ Bố mẹ tôi còn bị những người hàng xóm đấu tố. Trước đó, họ là những người Thiên Chúa giáo rất tốt. Đội Cải cách về khuyến khích thế nào thành ra nói dối hết. Tất cả ‘địa chủ’ trong làng xã tôi đều không giàu có gì vì ngoài Bắc ít có người có ruộng thẳng cánh cò bay như trong Nam Bộ. Chỉ vài mẫu ruộng, vài con trâu mà thành ‘địa chủ’ rồi. Họ cứ quy và đấu tố điêu rất gian ác. Trong Cải cách Ruộng đất, không khí khủng khiếp vô cùng.

Trà Mi: Sau lần chính ông đấu tố bố mình, bố ông có lãnh hậu quả thế nào không?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Bố tôi sau đó bị nhốt mấy tháng được thả vì gia đình tôi được xuống thành phần ‘trung nông lớp D.’ Tôi nhớ bác Luông ở gần làng tôi cũng bị bắn rất tàn bạo. Đến khi họ sửa sai thì họ cho bác ấy xuống thành phần. Người ta đền tội bắn chết ông Luông có 100 cân thóc cho gia đình.  Ngay cả em ruột ông nội tôi là một nhà sư rất nổi tiếng ở huyện cũng bị đấu tố đến mức tự treo cổ chết. Sau này, ông cũng được xuống thành phần. Ông sư trong chùa có gì mà là địa chủ. Họ cốt quy ông là địa chủ để phá chùa của ông thôi. Gần như Cải cách Ruộng đất tiến đến một cuộc diệt chủng. Ví dụ như ông cố sinh ra ông nội tôi, năm đó gần 90 tuổi, râu tóc bạc phơ. Vậy mà họ cũng đem ông ra ruộng đào hố đấu tố ông chỉ vì ông có nhà to nhất làng. Ông cố tôi là một trong những người lập ra cái làng đó. Ông bị đấu tố tới ngất đi. Ông xin xử bắn cho ông được yên mà họ không bắn, đem nhốt ông trong nhà bếp bên cạnh nhà tôi, không cho ăn. Cứ đêm đến ông gọi tôi qua cửa sổ ‘Ông Hảo ơi cho con xin miếng cơm.’ Mẹ tôi thỉnh thoảng lén ném qua cửa sổ cho ông một nắm cơm để ông sống. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông chết.

Trà Mi: Cải cách Ruộng đất nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến; tiêu diệt các thành phần địa chủ, chống chính quyền, hay Việt gian để lấy lại ruộng đất cho bần cố nông. Họ nói mục tiêu đó về cơ bản không sai, nhưng dẫn tới sự đẫm máu và oan sai là do cách thực hiện sai. Ông nghĩ thế nào?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Cái đó chỉ là họ biện minh cho hành động độc ác của họ. Mục tiêu của họ là giết trí thức và người giàu. Khẩu hiệu ‘Trí-phú-địa-hào, đào tận gốc trốc tận rễ’, khẩu hiệu căn bản của Cải cách Ruộng đất, vẫn rành rành ra đó. Khẩu hiệu này ra đời từ đảng Cộng sản Đông dương 1930. Trí thức và những người biết làm giàu là thành phần tạo nên xã hội văn minh. Không có trí thức, không có người biết làm ra của cải thì không có xã hội văn minh. Ngay mục tiêu ban đầu của họ đã là rất ác độc, sai trái, chống con người mà cứ bảo trên đúng do dưới thực hiện sai thì rất bậy bạ. Họ chỉ tìm cách mị dân thôi.

Trà Mi: Chủ nghĩa cộng sản tin rằng cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc…

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Họ có giải phóng gì đâu. Họ chia ít ruộng cho bần cố nông. Hai năm sau, đến 1958 là họ thu lại hết. Họ cướp hết, cho vào hợp tác xã. Nông dân vẫn tiếp tục khổ ai, còn khổ ải hơn xưa nữa, khốn khó vô cùng. Năm 1958 họ lấy hết đất của dân dồn vào tay nhà nước gọi là ‘hợp tác xã’, thì đâu thể gọi là ‘dân cày có ruộng?’ Đấy là cuộc cách mạng dân cày mất ruộng chứ. Lúc ấy chúng tôi có một ông địa chủ to vô cùng có tên là ‘hợp tác xã,’ đày đọa con người không thể tưởng tượng được. Tôi từng đi làm hợp tác xã, tôi biết, đói vô cùng, hoa cả mắt, suốt ngày làm không đủ ăn.

Trà Mi: Với con mắt một nhân chứng, một người từng là nạn nhân của Cải cách Ruộng đất, ông sẽ nói gì về những di hại của nó cho tới 6 thập niên sau?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Tôi chỉ muốn nói rằng dân tộc chúng ta đã kinh qua rất nhiều bi thảm do lỗi lầm của những người mang tà thuyết độc ác, chủ nghĩa duy ác, về đất nước chúng ta. Mong rằng họ sẽ từ bỏ chủ nghĩa duy ác này để trở về với dân tộc, với sự thương yêu hòa đồng với nhau. Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp này là một chủ nghĩa rất là sai lầm, làm tai hại cho dân tộc, làm nhân dân cùng đường khốn khổ khốn nạn như thế này. Tôi mong những người cộng sản lãnh đạo đất nước hãy mau thức tỉnh sám hối. Hãy nghĩ rằng không chóng thì chày họ sẽ bị lịch sử lên án. Tôi chỉ mong họ hồi tâm quay lại với đất nước. Mọi người chúng ta hãy cùng nhau nói lên sự thật thì sự thật mới có mặt trên đất nước chúng ta.

Trà Mi: Với thế hệ trẻ ngày nay và ngày mai của nước Việt, theo ông, Cải cách Ruộng đất đã để lại cho họ bài học lịch sử như thế nào?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Thế hệ chúng tôi bây giờ gần đất xa trời rồi. Thế hệ bố mẹ chúng tôi bị ám ảnh bởi Cải cách Ruộng đất thì chết hết rồi. Bây giờ họ tưởng đã đến lúc họ muốn sáng tác, muốn bịa theo kiểu của họ thế nào cũng được vì lớp trẻ đâu có biết gì, họ muốn nói gì thì nói mà. May mà những người như chúng tôi còn sống và có những bạn trẻ được cha mẹ kể lại những ký ức đau thương của thời Cải cách Ruộng đất, cho nên người ta đã lên tiếng. Không thể nào bịp nhân dân mãi, không thể nào bịt miệng được nhân dân mãi. Internet là phương tiện vô cùng hữu hiệu để chúng ta nói lên sự thật.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn nhà văn Trần Mạnh Hảo đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
 


_____________________________

Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956 (1)




21-09-2014

Phạm Thị Hoài biên soạn

Sau đợt „vi phạm kỉ luật“ lần thứ nhất và bị giam kiểm thảo từ 13/6 đến 14/9/1955 [1], nhà thơ Trần Dần được cử đi dự hội nghị tổng kết đợt 4 và tham quan Cải cách Ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh, đợt cuối cùng của cuộc cách mạng „long trời lở đất“ ở nông thôn Việt Nam sáu mươi năm trước. Phổ biến với tên gọi „đi thực tế“, đó là hình thức đưa các văn nghệ sĩ và trí thức vào „thực tế cách mạng“ của công nhân, nông dân và binh sĩ, trụ cột của liên minh quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, để thúc đẩy và củng cố „giác ngộ giai cấp“ của tầng lớp trí thức, vốn được gắn với ý thức hệ tiểu tư sản, hay dao động và thiếu „tinh thần cách mạng triệt để“. Không chỉ riêng Trần Dần đi thực tế. Trong cuốn sổ ghi chép năm 1955 của mình, ông ghi: „Hoàng Yến [2] than phiền: Mình đi CCRĐ. Ai thấy mình cũng thành kiến là mình đả Tố Hữu, đả Trung uơng. Thành thử khó làm ăn quá.“ Ngày 2/11/1955, ông ghi: „Trước khi đi, Văn Phác [3] họp một số anh em, những Văn Cao, Lương Ngọc Trác [4], [...], Đỗ Nhuận để dặn dò. Văn Cao: Tôi thấy đi có lợi lắm, [...] dĩ nhiên là lợi lắm. Trước kia đồng chí Trần Dần hay tự do sinh hoạt, tôi lo nhỡ ra đồng chí Trần Dần lại khuyết điểm thì bỏ mẹ chúng mình. [...]“


Ngày 3/11, Trần Dần đến Bắc Ninh, được phân công vào đội Thái Hoà ở xóm Thịnh Lang, Đình Bảng. Thời gian dự hội nghị tổng kết đợt 4 được ông ghi lại như sau:

6/11: Khai mạc – 1 ngày
6-9/11: Học nghị quyết trung ương – 4 ngày
11-18/11: Báo cáo Đảng – 7 ngày
19-22/11: Kinh nghiệm cụ thể một số vấn đề – 4 ngày
23-27/11: Chỉnh đốn tổ chức – 5 ngày
28/11- 4/12: Chỉnh huấn – 7 ngày
5-14/12: Sắp xếp đội ngũ, khái quát 4 bước, kinh nghiệm, sản xuất, công giáo, kế hoạch buớc 1-10 ngày
Cộng: 38 ngày

Tháng 2/1956 ông đã quay lại Hà Nội, như vậy ông chỉ tham quan hai tháng đầu của đợt 5, còn chủ yếu là tham dự hội nghị tổng kết đợt 4, nhưng có lẽ chỉ ở tư cách dự thính. Ông ghi:

Đoàn ủy viên bảo TD: – Sớm nay đi họp đảng viên nhé.
TD: – Tôi không được họp.
Đoàn ủy viên im lặng không nói gì. Lát sau đồng chí Khoa lại bảo TD đi họp.
TD: – Tôi không được họp. TD đem ít báo CCRĐ đợt 4 ra đầu ngõ ngồi xem. Ngõ rải đầy rơm mới xanh úa, nắng nửa ngõ, bóng râm nửa ngõ. Gà nó bới tung cả rơm. Một bà xi con đái đầu ngõ. Mấy đứa trẻ lăn lộn tùng phèo trên đống rơm. Trong nhà họp Đảng. TD muốn để cả tâm trí vào tờ báo, song lại lơ đãng nhìn nắng, nhìn rơm, những ý nghĩ nó để đi đâu. TD đứng dậy không thèm rũ rơm, đi tìm một cái quán ngồi ăn chút gì, nói chuyện với bà hàng, nghĩ đi đâu, nhưng chợt lại nhớ rằng ở nhà Đảng đang họp. TD không được họp.

Như vậy ghi chép của ông về CCRĐ là những thu hoạch từ hội nghị tổng kết đợt 4 này, không phải từ trải nghiệm trực tiếp, vì thế chúng cũng không được đề ngày tháng nối tiếp như các ghi chép mang tính nhật kí khác. Tuy vậy, những trang „ghi nóng“ này, ngay giữa cao trào của CCRĐ, là những tư liệu lịch sử quý giá, lẽ ra chúng phải chiếm một vị trí đặc biệt trong một triển lãm về CCRĐ. Tôi đã đưa một phần những ghi chép này vào cuốnTrần Dần: Ghi 1954-1960, do nhà Văn Nghệ ở California in năm 2001. Nhân sự kiện cuộc triển lãm về CCRĐ tại Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội phải đóng cửa sau vài ngày, đánh thức sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận về một chương đau đớn trong lịch sử Việt Nam, tôi bổ sung vào phần đã công bố nhiều đoạn khác, mong được một công luận rộng rãi tại Việt Nam tiếp cận.

Những nghiệm thu của Trần Dần đặc biệt thú vị vì một mặt ông vẫn còn là một „cán bộ“ trong guồng máy tuyên truyền của Đảng, chấp hành về căn bản những đường lối lớn của Đảng; thậm chí quan sát thực tế CCRĐ qua một lăng kính và một bộ lọc thông tin chính thống hoặc không xa chính thống. Mặt khác, cũng chính thực tế đó đã khiến ông không hòa giải được với Đảng của mình mà ngược lại. Số phận bất đồng chính kiến mà ông vừa bắt đầu đã đi tiếp những kịch tính của nó, để rồi dẫn đến Nhân văn-Giai phẩm không lâu sau đó mà tín hiệu rõ ràng nhất là truyện ngắn „Anh Cò Lấm“ viết về CCRĐ của ông, với bút danh Trần Bá Xá. Cuối tháng 1/1956, tạp chí Tổ quốc số 27 đăng truyện ngắn này. Đầu tháng 3/1956, cũng tạp chí này, số 30, đăng lời „Tự phê bình“ gay gắt vì đã „sai lầm nghiêm trọng“, không nhận ra „mánh khóe tinh vi“,„tính chất phản động“ của tác phẩm đó [5]. Nhân văn-Giai phẩm rất cần đặt chung với Cải cách Ruộng đất trong cùng một khung cảnh chính trị.

Bản gốc các sổ ghi chép của Trần Dần vẫn được lưu tại gia đình ông. Bản chụp tôi có trong tay nhiều đoạn không đọc rõ, sau đây được kí hiệu bằng dấu [...]. Khi biên soạn những cuốn sổ ghi chép vốn không dành cho công luận này, việc chọn, bỏ, sử dụng nguyên văn hay can thiệp vào văn bản, dù chỉ là sửa chính tả, đều đặt người biên soạn trước những quyết định khó khăn, nhất là khi phần ghi chép về CCRĐ của Trần Dần lại nằm tương đối không theo trật tự thời gian trong 3 cuốn số khác nhau. Người biên soạn mong được sự thông cảm và hi vọng khi toàn bộ di cảo của Trần Dần được công bố, dựa trên bản gốc dễ đọc hơn, những sai sót nếu có trong văn bản sau đây chắc chắn sẽ được sửa lại.

Phạm Thị Hoài

___________

Vụ tự sát ở xã Quốc Tuấn

1) Nguyễn Văn Cộng 47 tuổi. CCRĐ bị duyệt là bá, hôm sau cả hai vợ chồng thắt cổ tự vẫn. Nghe bên nhà nó có tiếng động mạnh, cán bộ chủ quan cho là trâu bò cọ mình, nên không sang.

2) Nguyễn Văn Ân. Nghi phú ông, tự sát. Bị đình chỉ sinh hoạt. Ăn một bữa thịt chó cho sướng đời.

Những vụ tự sát như vậy – nhất là vụ 2 – không ngăn ngừa được thì rất hại chính trị và sai chính sách. Cán bộ kiểm điểm: tả, thiếu cảnh giác.

*

Chết vì bức tử

Ở Hoàn Long. Vợ cán bộ CCRĐ. Chị bị hậu sản, không làm ăn gì được.

Tay sai địa chủ dọa dẫm: „Chị [...] ăn bám. Chị là địa chủ rồi. Nay mai sẽ đấu, không ai đi lại chơi bời với nữa. Ra đường phải gọi trẻ con là ông.“

Chị toan treo cổ mấy lần, chú và mẹ chồng biết, ngăn lại được. Nhưng cứ bị dọa dẫm [...] đi đâu cũng không thoát. Rừng xanh núi đỏ cũng bắt về đấu. Hoang mang mãi, rốt cục bị điên đầu bể óc. Hai mẹ con cùng chết.

Địa chủ như vậy. Khi chúng mất ruộng, chúng còn cố bắt mạng của người ta.

*

Thuốc độc

Ở Quỳnh Côi địa chủ sai người bỏ thuốc độc ám hại cán bộ CCRĐ và nhân dân. Trong 4 ngày 3 vụ liền.

Một vụ: chúng cho một em bé có 100 $, đưa em một cục bằng quả chanh, bảo em vào chơi chỗ cấp dưỡng rồi tìm cách bỏ lẻn cục thuốc vào nồi nước. Anh chị em cấp dưỡng vô tình, lại hay mến trẻ, đứa bé lên 10 kháu khỉnh ngây thơ ngày nào chả chơi ở đó, ai mà chẳng yêu.

Em bé đánh rơi cục thuốc, vỡ ra, em chỉ nhặt có một mảnh bằng ngón tay cái. Lừa lúc vô tình, em bỏ vào nồi nước.

Kết quả: 76 anh chị em cán bộ bị đi tả, nôn mửa mất 3 ngày, tưởng chết, – may có thuốc giã ngay từ hôm đầu, không có thì nguy.

*

Đem nhà ngói trả Nông hội

Ông cụ gàn dở bị nó dọa: nhà ngói này sắp đổ. Địa chủ nó chết thành ma, nó quật đổ nhà chết người. Ông cụ hoảng quá đem nhà ra trả nông hội.

*

Một vụ ám sát cả gia đình 7 người

Bọn Quốc dân Đảng giết cả một gia đình: 5 người con nhỏ nằm chết ngang giường, người mẹ nằm dọc, cổ tím bầm cả, chắc là bị bóp cổ. Người cha treo cổ kèo nhà. Khám thi thể không thấy hộc máu vãi cứt, tức là không phải chết vì treo cổ, mà có vết tay ở cổ, chắc bị chúng bóp chết rồi mới treo lên.

Ta mất với địa chủ 7 người, một gia đình nông dân, một cái rễ tốt, một đầu mối biết rất nhiều về bọn địa chủ và Quốc dân Đảng ở đó.

*

Cảnh giác quá

Hội nghị họp ở Đình Bảng, đã giảm tô, bọn phản động càng hoạt động dữ: cắt điện thoại, đốt nhà một lần, ném đá hai lần.

Có anh phê bình ngay Đoàn ủy là thiếu cảnh giác. Vậy thì muốn có cảnh giác phải lên trời mà họp hay sao?

Một anh khác đóng ở một gia đình rất tốt. Anh em đi vắng, chủ nhà cất ba lô vào buồng rồi khóa. Anh ta bị ám ảnh những địch, phản động nọ kia, vội phê bình: ta mất cảnh giác cao độ! [...] Người ta gọi là cảnh giác quá. Quá nghĩa là lố bịch, gàn, hoảng hốt.

*

Không mưa mà cũng có ếch

Khi thảo luận nội quy, chị X cứ thắc mắc về mục: „Thế nhỡ anh ấy ở đoàn bạn, lâu ngày mới gặp thì có được đi nói chuyện với nhau không?“.

Anh em can: Không nên đi một trai một gái nhiều quá. Tuy là vô tư nhưng nhân dân có con mắt nghi ngờ, kẻ địch có cái miệng hiểm, đàn bà có cái lưỡi bép xép, v.v…

Về sau ban đêm có hai cái bóng cõng nhau ngoài đồng. Ì ọp mãi. Có anh thấy vắng chị ở giường, mãi sau chị mới về, thay quần áo ban đêm. Anh đâm nghi, hôm sau báo cáo.

Dư luận nhân dân tức thì ngay hôm ấy có ngay câu: „Không mưa mà lại có ếch. Ếch to lắm, cõng nhau ngoài đồng.“.

Về sau chị X mới kiểm thảo ra. Và dĩ nhiên chịu kỉ luật của đoàn.

Chị X: mắt một mí, lông mi nhổ còn một vệt cong mà sắc, hay hát „từng đoàn bươm bướm xinh, tung tăng cánh bay vờn…“, người thanh, mặt trái xoan, mắt đảo như chớp, giọng nói uốn éo.

*

[...] figures

1. Đội trưởng Thái Hòa tên là ông Liễu. Người gày đét, quần áo nâu bạc, khoác một cái vét ton tím, có giòng giọc trắng đã bạc, cổ áo đã sờn, khuỷu tay áo rách lòi vải lót trắng. Mũ trắng phở. Đeo kính. Mặt khô đét. Nhưng đôi môi dầy lúc nào cũng mở làm cho bộ mặt có cái gì dễ tính. Cả mặt chỉ có đôi môi là có duyên. Cả mặt chỉ thấy môi. Thành phần gì? – Trung nông. Quê đồng chí phát động chưa? – Chưa. Vậy thì cái trung nông ấy là có vấn đề đấy. Đánh một cái dấu hỏi. Ông Liễu cười khì.

2. Đội trưởng đoàn giảm tô Vĩnh Phúc trước sát nhập sang đây chỉ làm đội viên. Trên 40 tuổi. Mắt to, vuông. Mắt sâu vào lỗ, xong lại lồi lên trong đáy, viền đỏ; khi nhìn cứ trờn trợn đôi mắt toét lên, lông mày nhấp nháy, đôi môi mỏng mà sắc, hai mép nhọn hoắt cứ mấp máy, bộ mặt tuy xanh vàng nhưng có lẫn những vầng máu đỏ nó tụ lên, cổ khoác khăn mặt, quần áo nâu mới, dáng cứng, tất cả toát lên một cái vẻ gì hào lý cũ. Ăn nói sang sảng, gọi người trống không. Có ai thắc mắc gì không? – Không đâu, nhưng tổ tôi có lẽ có anh Tôm anh Tiếc gì đấy thắc mắc sát nhập gì đó… Phải không?… Có thì nói lên… Nhưng không ai nói cả… Ông ta cười.

Bên kia làm đội trưởng, sang đây làm đội viên, ông ta có thắc mắc ngầm nhưng không nói, định xui bẩy đội viên khác nói. Phát biểu ra vẻ đành hanh, kiểu ta đây biết rồi: – Kinh nghiệm bên Quỳnh Côi thế này là ổn lắm… Chứ đây thì…

Làm ra vẻ không có thắc mắc, càng cố tích cực. Ban sáng, xắn quần gánh một gánh nước đầy về cho anh em rửa mặt. Đấy, nước đấy các cậu ạ… Chiềng hết người này người nọ.

Hội trường kém 7 đầy 5 nghìn người, mà ông ta đề nghị: ra từng đội, hết đội này đến đội khác cho nó có trật tự! Người ta phản đối, vì lâu quá, mất 4,5 tiếng đồng hồ sao? Ông ta nhất định giữ ý kiến: cần phải trật tự. Người ta có cảm tưởng ai làm việc với ông ta sẽ bị biến thành con cờ gỗ, tùy ông xếp đặt cho nó đẹp mắt, gọn gàng, khỏi lung tung có vấn đề gì lôi thôi cho ông ta.

Tôi xin thảo luận, theo tôi thì anh em ở cải cách mới có biết chứ chúng tôi ở giảm tô thì biết sao được. Mà theo Đảng ủy thì bảo rằng bên cải cách là chính cơ mà.

Phát biểu gì là có tính cách thay mặt anh em Vĩnh Phúc. Kiểu anh chị. Hay cãi. Hay chối. Hay chiềng. „Sở dĩ tôi nói thế là vì… Ý tôi là thế này cơ… Đấy tôi làm việc ấy đấy…“

*

Gọi „bà Quản“ là mất 5 cân gạo

Đội vừa về, đi đâu thấy dân đang nói chuyện bỗng im thin thít. Mãi sau mới là vì có tin tung ra đội phát động về, hễ ai gọi ông bà là bị phạt 5 cân gạo. Thành ra dân sợ, giữ mồm miệng. Nếu nói kiêng thì phải kiêng nhiều lắm: Ông Quản, bà Lý, ông Hào, cụ Thơ, ông Chánh, bà Giáo…

Đã biết ai là địa chủ ai không mà tránh? Đâu mà đã dễ đổi giọng lưỡi, hôm qua ông bà, hôm nay thằng ngay? Đó là tâm lý của nhân dân. Chi bằng giữ miệng là hơn.

*

Vụ lựu đạn Xã Cảnh Hưng (Phủ Từ Sơn)

9 người chết, 39 người bị thương. Đang hội nghị, nhân dân thì bị ném lựu đạn. Sau bắt ra thủ phạm: con địa chủ, là học sinh, mới ở Hà Nội về.

*

Cấm thoái tô

Chúng cấm không địa chủ nào được thoái tô cho nông dân. Một địa chủ xin ta về sớm mai sẽ trù tính thoái tô. Chúng lẻn ban đêm vào bóp cổ cả hai vợ chồng địa chủ này; xong đem lên gác, buộc thừng vào cổ, chằng hai đầu vào hai tay, xếp hai vợ chồng sóng soài trên sàn gác, làm như họ tự vẫn.

Chúng giết lẫn nhau để cảnh cáo nhau và để vu cho cán bộ ta.

*

Lương giáo

Lương giáo gặp nhau, tránh vào ngõ, rẽ đường khác. Đang ngồi hàng bỏ đi. Không thèm nói với nhau một câu nào.

*

Giết rễ

Ông cụ đi đồng về. Vợ đang phơi thóc ngoài sân. Ông cụ ngả nón vào buồng định nghỉ hút điếu thuốc. Lát sau bà vợ vào thấy chồng nằm thẳng cẳng. Trên mái nhà có một lỗ hổng.

Chúng rỡ mái ra vào bằng đường ấy, giết mất ông cụ.

*

Ta khác địa chủ

Một anh cán bộ X thấy tịch biên gia sản của địa chủ, lại tịch thu từ cái tã của con cái nó. Anh thương lắm.

Anh Y bảo: Thường gì nó? Nó có thương con cái nhân dân mình đâu?

Anh X đáp: Tôi nghĩ ta khác địa chủ ở chỗ đó. Những đứa bé con kia có tội tình gì? Chúng nó giết trẻ con. Chúng ta cứu trẻ con chứ, Mà phải cứu cho trẻ con thoát cả khỏi ảnh hưởng bố mẹ nó nữa chứ.

*

Không đem xe đạp – Ông tỉnh đội trưởng không biết gì

Trước khi đi, ông tỉnh đội trưởng không biết nghe đâu về nói ầm ầm với anh em những đi cải cách phải mặc quần áo nâu, không được mang theo xe đạp… Ông ấy gắt ngậu lên cơ mà. Đem xe đạp đi mà nát nông dân à?

Thế là có anh gửi, có anh bán xe đáng 8, 9 vạn chỉ bán 6, 7 vạn thốc tháo đi. Tới nơi mới thấy là không có xe đạp thì khổ quá [...] dại quá, nghe ông tỉnh đội trưởng không biết gì ấy đâm ra khổ. Phàm ở đời, những anh không biết gì lại là những anh ngậu xị, nhắng nhất.

Gắt: Đi cải cách mà ăn vận công tử vậy à (quân phục mới)? Xe đạp với xe điếc, đem đi người ta lại đuổi về cho ấy à? Đừng có làm xấu hổ tỉnh đội ta đi. Tôi xin các ông, các ông miễn cho cái món xe cộ xa xỉ ấy đi cho. Ba cùng mà lại còn kè kè cái xe bên cạnh sao? Giải quyết thế nào á? Gửi đi… Bán đi… Chiều nay là lên đường rồi… Lại còn coi cái xe hơn là cải cách sao?…

*

Gánh củi đi nhanh

Cán bộ ba cùng với một anh làm nghề đốn củi rừng bán kiếm ăn. Ban sớm đi theo anh vào rừng. Anh ta đi thoăn thoắt, cán bộ theo không kịp, một lát thì thấy mất hút, vào rừng tìm mãi mới thấy anh ta thì bó củi đã to rồi. Cán bộ đẵn giúp ít cành, cũng chưa kịp phát động gì cả. Anh kia bó vội thành hai bó, xâu đòn gánh chạy về. Cán bộ đuổi theo không kịp. Loáng cái lại mất hút. Cán bộ nghĩ có lẽ anh ấy sợ cán hộ hay sao? Có vấn đề gì mà cứ lẩn như vậy?

Mãi sau mới biết: chỉ vì anh ấy không có gạo, phải vội đi vội về, bán củi lấy tí gạo mà ăn.

*

[...]

Cạnh thị xã Bắc Ninh. Hơn 4000 người/ 43 địa chủ.

Một tên giả điên cầm dao đi các xóm thực hiện âm mưu đe dọa, phản tuyên truyền, của địa chủ. Một ông cụ trung nông, gù, mất lao động, ăn nhờ gia đình bị đe dọa là Việt Minh sẽ đấu, coi là địa chủ. Ông hoảng hốt định tự vẫn.

Bọn phản động bàn nhau giết hai tên đã già mà hay hoang mang của chúng (Côn và Mưu). Để khi đội về sẽ tố cả vào hai tên đã chết ấy.

Con giai giết bố (Tuân)

Tây: như nắm tay co vào rồi sẽ duỗi ra. Nhân dân đấu địa chủ. Tây về, địa chủ lại đấu nhân dân. Ai có tội, ngụy quân ngụy quyền v.v… Việt Minh nó sẽ đấu hết. Chào thầy Cai,… Chết bà mất lập trường rồi.

*

Đấu tên Bút

Anh Bông là một anh em họ, làm thẩm phán. Anh nói đến một tiếng đồng hồ để thanh minh sự liên quan của anh với tên Bút. Quần chúng xì xào, anh em với nó thì kể lể gì? Ai cũng sốt ruột. Cán bộ véo anh Bông hai lần, véo cái nào Bông càng thanh minh dài dòng mãi. Trời nắng nhễ nhại. Cuối cùng Bông cũng im, hết lời lải nhải.

Trong khi đấu, tên Bút cứ nhìn lên trời. Anh Bông tố. Xong hỏi, Bút, mày có nhận không? – Dạ thưa ông, bố ông chết tôi phải chôn, mẹ ông đi lấy chồng tôi phải rước ông với các con ông về nuôi. Ông tố vậy, chúng tôi xin nhận là có ạ. Xong nó lại nhìn lên trời cười ha hả.

Quần chúng có người cười. Có người mắng: Lại còn cười, mất cả lập trường. Có người chửi sư thằng phản động. Có người trách: Cái anh Bông mới dại chứ! Mà sao thẩm phán cứ ngồi im cả thế kia! Nắng quá càng thêm khó chịu.

Kết quả: phải ngừng cuộc đấu lại.

(còn tiếp)

© 2014 pro&contra


[1] Vì những tội: 1) cùng 5 văn nghệ sĩ khác đệ trình „Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa“ yêu cầu tự do sáng tác và sửa đổi chính sách quản lý văn nghệ trong quân đội; 2) quyết định kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc Khuê bất chấp sự phản đối của các cấp lãnh đạo; 3) viết đơn xin giải ngũ và đơn xin ra khỏi Đảng. (Các chú thích trong bài đều của người biên soạn.)


[2] Nhà văn Hoàng Yến (1922-2012). Bài viết được nhắc tới là bài „Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?“ viết ngày 28/2/1955, đăng trên tập san Sinh hoạt Văn nghệ số 35, báo Văn nghệ và báo Nhân dân. Xem talawas, 9/7/2005.


[3] Nhà văn Văn Phác (1926-2012). Ở thời điểm năm 1955, ông là Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội, cơ quan của Trần Dần. Sau này ông trở thành Bộ trưởng Văn hóa, Ủy viên BCHTƯ Đảng, đại biểu Quốc hội.


[4] Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác (1928-2013)