Wednesday, September 24, 2014

VÀI LỜI TÂM SỰ CÙNG CHỊ BA...



Vài suy nghĩ về “Đơn kiến nghị” 

của vợ cố TBT Lê Duẩn gửi 16 UVBCT 
về ông Võ Nguyên Giáp


Posted by adminbasam on 24/09/2014


Trường Sơn

23-09-2014



Tôi rất ngạc nhiên pha chút tò mò khi đọc được lá đơn kiến nghị được cho là của bà Nguyễn Thị Vân [1], là vợ của cố TBT Lê Duẩn gửi tới 16UVBCT về “lai lịch” của ông tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu quả thật đây là lá thư của bà Vân, tôi xin nêu một số suy nghĩ của mình sau khi đọc xong đơn kiến nghị này.



Có lẽ suy nghĩ của tôi cũng chỉ là suy nghĩ cá nhân của một thường dân về một vấn đề cũng thuộc dạng “nhạy cảm” hay thâm cung bí sử trong nội bộ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN. Tuy nhiên, tôi thấy cần thiết phải bày tỏ vì nó có nhiều điều tôi cho là vô lý, thậm chí là mâu thuẫn so với những thông tin tôi được biết qua những kênh chính thống và không chính thống của chính quyền.


Tôi sẽ lần lượt đi từng vấn đề.

Thứ nhất: về lai lịch tác giả và văn phong của lá đơn.

Tác giả của bức thư là vợ của ông cố TBT Lê Duẩn, một người nắm quyền lực cao nhất trong Đảng CS nhiều năm tất nhiên bà biết được nhiều điều mà những người khác không “may mắn” được tiếp cận. Bản thân bà từng giữ chức phó tổng biên tập báo SGGP và có 65 năm tuổi Đảng.

Thế nhưng khi đọc bức thư này, tôi ngờ ngợ về khả năng báo chí của bà Vân. Ngoài những lỗi nhỏ sai về chính tả, câu chữ khá lủng củng, các ý trong bài nhiều chỗ trùng lấp… Bên cạnh đó khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hay cụ thể là BCT, bà Vân đã vội có những câu từ xúc phạm người khác cụ thể là ông Giáp (và đồng bọn). Cách sử dụng từ ngữ không đúng mực cho một lá đơn hành chính mang nặng ý tố cáo, bà có thể gọi chồng bà là anh Ba, nhưng trong lá đơn không nên viết như vậy mà nên gọi là chồng tôi hay ông Lê Duẩn.

Thứ hai: Về tội làm gián điệp cho nước ngoài của ông Giáp

- Đối với tội làm gián điệp cho Pháp lá đơn kể nhiều chi tiết nhưng cuối cùng thì “…nên khó khăn trong việc kết tội và xử lý nên việc đó được tạm thời xếp lại”. Rõ ràng việc ông Giáp có làm gián điệp hay không thì cũng chưa đủ bằng chứng, không ai có quyền đổ tội cho người khác dù hoàn toàn có quyền nghi vấn họ. Nếu thông tin này đưa ra tại sao VN lại chiến thắng Pháp trong trận đánh Điện Biên Phủ mà ông Giáp làm tổng chỉ huy? Bà Vân kết luận ông Giáp là gián điệp cho Pháp là một điều không đủ căn cứ.

Đối với tội làm gián điệp cho Liên Xô: bà Vân kể về một vụ án do “Bác Hồ chỉ đạo và đồng chí Lê Đức Thọ làm trưởng ban chuyên án”. Tôi không hình dung ra “rõ ràng đây là cuộc chiến đấu không tiếng súng song đầy hiểm nguy và có cả sự mất mát hy sinh” như lời bà Vân mô tả nhưng khi đọc những cái tên của một số cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội đã bị bắt, một số bị thôi việc, một số chạy trốn và sống lưu vong tại Liên Xô” gồm những cái tên như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Hùynh, Lê Trọng Nghĩa hay một cái tên rất nổi tiếng với tác phẩm Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên, tôi hình dung ra đây là vụ án XÉT LẠI CHỐNG ĐẢNG [2] đưa đến việc bắt giam nhiều năm không qua xét xử nhiều nhân vật cao cấp trong nội bộ Đảng. Nội dung có thể tóm tắt là: Vào tháng 9 năm 1953, Khrushchyov được bầu làm bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, ông đã đọc báo cáo về sự sùng bái cá nhân của I.V. Stalin. Ông chủ trương chung sống hòa bình với thế giới Tư bản (“Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung“). Đường lối của Khrushchyov bị Trung Quốc, dưới thời Mao Trạch Đông chống lại và gọi là “Chủ nghĩa Xét lại”.

Tại Việt Nam, những người cộng sản phân hóa thành hai nhóm, một nhóm chấp nhận chính sách xét lại của Khrushchev là chủ trương tạm thời sống hòa bình với Việt Nam Cộng hòa, không muốn phát động chiến tranh vũ trang “giải phóng miền Nam” mà cho rằng phải xây dựng nền tảng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước khi nghĩ đến đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Theo chính sách đó, các nước Cộng sản không nên tìm kiếm đối đầu quân sự với phương Tây mà cần theo đuổi cạnh tranh kinh tế với khối tư bản.

Thế nhưng trong giai đoạn 1954-1959, theo BBC Việt ngữ, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ủng hộ ý kiến này và vào giai đoạn này [3] “Dù vậy, tính đến thời điểm khi Mỹ chính thức đổ quân vào miền Nam năm 1965, vai trò của ông Hồ Chí Minh ở trong đảng chủ yếu chỉ còn mang tính lễ nghi. Một trong những người thân nhất của ông Hồ, ông Võ Nguyên Giáp, cũng bị cô lập sau này”, tức là ông Hồ không còn quyền lực để quyết định mọi việc và không thân tình với ông Lê Duẩn bằng ông Giáp.

Hay đoạn trong ý 2b bà Vân viết: “đường lối của ông Giáp về CM ở MN là chủ yếu và duy nhất được thực hiện bằng con đường hoà bình”. Một thông tin khác mà bà Vân nêu ra “Người trực tiếp giữ vai trò chỉ đạo mạng lưới tình báo là đại sứ Liên Xô tại VN thời kỳ đó là ông Sec-Ba-Cốp” thế nhưng mãi đến gần đây vào tháng 01/2013 tôi lại được đọc một bài viết với tiêu đề “Vị đại sứ Liên Xô và quyết định điều chỉnh SAM 2 tại VN” [4] nói lên công lao to lớn của một ông đại sứ toàn quyền tại VN giai đoạn này 1964-1974 có cái tên hơi giống giống bà Vân đề cập, Ilia S.Shcherbakov, và ông này được nhà nước VN tuyên dương là một người có công rất lớn như sau “Một trong những người góp phần quan trọng vào chiến thắng “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không” là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Hà Nội nhiệm kỳ 1964-1974 I-li-a S. Se-rơ-ba-cốp” trong dịp kỷ niệm 40 năm và ông Nguyễn Thiện Nhân thay mặt lãnh đạo đảng và nhà nước trao tặng bức tranh đồng tới gia đình của ông cựu đại sứ Liên Xô để tỏ lòng biết ơn.

Tôi có hai câu hỏi về vấn đề này:

Một là: trong khi quan hệ Liên Xô với VN có thể nói cùng chung lý tưởng, cùng ý thức hệ, cùng chiến đấu chống Mỹ (câu nói của Lê Duẩn là chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc), tại sao họ phải dùng gián điệp Liên Xô để thăm dò VN với mục đích gì mà không phải là gián điệp của Mỹ?

Hai là: Nếu biết ông Đại sứ Ilia S.Shcherbakov là gián điệp thì đảng CSVN lại ca ngợi và mang ơn ông ấy làm gì, hay chỉ là vấn đề ngoại giao phải làm vậy?

Trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng CSVN, tổ chức này thường có rất nhiều vụ án/chuyên án kết tội người khác mà không thông qua xét xử. Họ có thể tùy tiện tước bỏ hết chức vụ, khai trừ khỏi đảng, quản chế, bắt giam nhiều năm hay thậm chí giết chết nhiều người chỉ cần thông qua những lời tố cao vu vơ đầy “ngẫu hứng” của một số người nào đó có khi là dân cùng đinh vô danh hay nặc danh, hoặc của một vài cá nhân không cùng quan điểm với nạn nhân. Những chuyên án xảy ra như Cải cách ruộng đất, Vụ án xét lại chống đảng, vụ án nhân văn giai phẩm, vụ án Nguyễn Hà Phan [5].

Thứ ba: quyền lực của Đảng CSVN thực sự nằm trong vài cá nhân thể hiện sự chuyên chính vô sản và sự mâu thuẫn rối rắm giữa các cá nhân cao cấp là rất lớn.

Bà Vân nêu ra một chi tiết “ông ta hy vọng sau anh Ba (chồng của bà Vân) thì ông ta (ông Giáp) sẽ là người thứ ba (quyền lực xếp hàng thứ ba dưới ông Hồ và ông Lê Duẩn?) trong Đảng. Khi anh Ba đem chuyện này ra trao đổi với Bác Hồ thì Bác có hỏi ‘ý chú việc này như thế nào? Khi đó anh Ba bằng sự nhạy bén về chính trị do nhiều năm hoạt động bí mật tại MN đã nói với Bác rằng: ‘thưa Bác, để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng nên để anh Trường Chinh giữ chức chủ tịch quốc hội và là người thứ ba trong Đảng’. Khi ấy Bác đã đồng ý với đề xuất của anh Ba nhưng nói với anh Ba rằng Giáp quá xấu….”

Hay như chi tiết để xử lý tội trạng của ông Giáp “Đó là ra khỏi Bộ Chính Trị TW Đảng, thôi giữ chức bộ trưởng bộ quốc phòng, giữ chức phó thủ tướng phụ trách về dân số và sinh đẻ có kế hoạch…” Bao nhiêu đó cũng lột tả được sự thật về một sự thanh trừng, trừ khử làm nhục nhau trong lãnh đạo Đảng CSVN, còn những khẩu hiệu và bộ mặt đoàn kết trong Đảng là dối trá. Một người chuyên về quân sự lại phân công làm bên sinh đẻ có kế hoạch thì quả là lãng phí chất xám, thế mà họ cũng làm được. Việc ông Giáp chấp nhận vui vẻ được bà Vân diễn giải là do “hơn ai hết ông ta hiểu rõ tội trạng của mình mà với tội trạng ấy thì hình thức xử lý quá là nhân văn với một kẻ phản bội tổ quốc như ông ta”. Theo bà Vân, ông Giáp phải chịu tội tử hình mới xứng đáng. Hóa ra, một người đáng tội tử hình mà không hề xử đúng tội, lại xử theo tùy hứng, chẳng biết pháp luật ở đâu, ai là kẻ ngồi trên luật pháp?

Trong đơn của bà Vân, không biết bao nhiêu lần bà dùng cụm từ người A, người B “nhận chỉ thị từ anh Ba”, tức là ông Lê Duẩn người có quyền uy bậc nhất bấy giờ, còn ông Hồ thì chỉ còn là biểu tượng. Theo bà Vân ít nhất hai lần ông Giáp “tiếm công” của ông Lê Duẩn qua nghị quyết 15 (quyết thống nhất giải phóng miền Nam bằng bạo lực), và trong chiến dịch Hồ Chí Minh qua lời kể của cháu Trung (con bà Vân) trong bức điện “thần tốc, thần tốc”. Vậy tôi có thể khẳng định việc “quyết giải phóng miền Nam bằng bạo lực Cách mạng” xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt vì cái chết của hàng triệu người dân VN trong chiến tranh và của hàng nghìn người dân vượt biển mong thoát khỏi chế độ CS (dù họ biết chắc chắn Mỹ không tham gia) là ý muốn của một nhóm người lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN mà đứng đầu là ông Lê Duẩn. Đây là công trạng hay là tội ác, lịch sử sẽ phán xét công bằng.


Tôi không phải là một người ngưỡng mộ ông Giáp vì với tôi một ông tướng tài không phải là người chiến thắng trong chiến tranh mà là người biết dùng những biện pháp ngoại giao để không xảy ra chiến tranh. Tôi nghĩ, dù bà Vân dành rất nhiều lời kết tội ông Giáp và kể lể công lao to lớn của chồng bà qua những câu chữ đầy âu yếm “theo chỉ thị của anh Ba”, những người như tôi lại nhận ra một sự thật và những bộ mặt nhơ nhuốc khác về bản chất của đảng CS Việt Nam.



Dù sao cũng cảm ơn bà đã viết lá đơn này cho những người đọc như tôi, những người của thế hệ không đi qua chiến tranh và khát khao tìm hiểu sự thực lý do vì sao đất nước tôi giàu có tài nguyên, người dân tôi chăm chỉ lao động, dân tộc tôi thông minh nhanh trí, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện, duy nhất củaĐảng CSVN mà chúng tôi vẫn nghèo hèn. Cầu chúc bà Vân nhiều sức khỏe để được thấy lá thư của bà sẽ được phản hồi trong một tương lai gần.

Tài liệu tham khảo

Ảnh 1: Ông Hồ và Lê Duẩn (Internet).



Ảnh 2: Khu di tích lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn, thuộc địa phận làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nguồn ảnh: quangtri60.com.



________________________




Tướng Giáp và 'lá thư bà Bảy Vân'



Lê Quỳnh BBC Vietnamese


Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều người ngưỡng mộ

Một lá đơn được cho là của người vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đang lưu truyền trên mạng Internet vào dịp một năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Văn bản gây ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh việc dùng quá khứ cuộc chiến Việt Nam vẫn còn được sử dụng cho các mục tiêu hiện thời.

Lá thư của người ký tên là Nguyễn Thị Vân (thường được biết đến với tên Bảy Vân), nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, là vợ thứ hai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nhưng văn bản này, kể cả có được xác thực, cũng chỉ là một bằng chứng nữa minh họa thêm cho điều giới nghiên cứu đã mô tả là ‘cuộc chiến quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam’ thời kỳ bắt đầu cuộc chiến với Hoa Kỳ, đặc biệt giữa nhóm của ông Lê Duẩn và ông Võ Nguyên Giáp.
Quá khứ chưa đóng lại

Trong cố gắng chứng thực lá thư, BBC đã liên lạc với ông Lê Kiên Thành, con trai bà Nguyễn Thị Vân, nhưng ông từ chối xác nhận.

Đại tá Nguyễn Văn Huyên, vốn là thư ký của Tướng Giáp, thì nói ông có nghe tin về lá thư nhưng “chưa đọc” và cũng từ chối bình luận.

Trong khi đó, một số nguồn ẩn danh ở Việt Nam nói đây là văn bản thật.

Một người trong đó nói rằng trong thời gian Tướng Giáp còn sống, đã từng có một lá thư khác của bà Vân gửi các lãnh đạo Đảng với nội dung tương tự.

Nhưng cũng có nguồn cho rằng lá thư là giả.

Điều này khiến các sử gia mà BBC liên hệ tỏ ra thận trọng khi đánh giá độ chân thực của văn bản.

Tuy vậy, họ cho rằng sự xuất hiện của những tài liệu như vậy, dù thật hay giả, cho thấy những mâu thuẫn trong quá khứ vẫn chưa tan đi cho đến hôm nay.

‘Cảm thấy bất công’

Tiến sĩ Shawn McHale, từ Đại học George Washington, đang viết một cuốn sách về cuộc chiến Đông Dương lần một (1945-1954).

Sau khi đọc lá thư trực tiếp bằng tiếng Việt, ông nói không dám chắc lá thư có phải do bà Vân viết hay không.


Ông Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986

Nhưng ông xem bà Vân là người cố gắng gìn giữ “di sản bị lu mờ” của ông Lê Duẩn.

Theo cái nhìn của ông, bà đại diện cho nhóm trung thành với ông Lê Duẩn “cảm thấy bất công vì bị đánh giá thấp sau những cống hiến của họ cho lịch sử Việt Nam hiện đại”.

Họ tin rằng Tướng Giáp “nhận được quá nhiều lời khen ngợi”.

Văn bản đang lưu truyền trên mạng cáo buộc ông Giáp từng “làm gián điệp cho thực dân Pháp” và đứng đầu “mạng lưới gián điệp” thân Liên Xô giữa những năm 1960.

Tiến sĩ Shawn McHale chỉ ra rằng “đây không phải lần đầu tiên có các cáo buộc ghê gớm với những đảng viên cộng sản hàng đầu”.

“Một ví dụ thú vị là Trần Văn Giàu, lãnh đạo cuộc nổi dậy tháng Tám 1945 ở miền Nam, cũng là nạn nhân của các cáo buộc tương tự.”

“Ông Giàu bị tố cáo hợp tác với Pháp để 'vượt ngục', và còn bị tố cáo là chỉ điểm người cộng sản Pháp cho cảnh sát Pháp.”

“Hay năm 1948, nhiều đảng viên bị cho là điều hành mạng lưới gián điệp trong vụ án H122.”


Việc chia Bộ Chính Trị làm hai nhóm cũng là một chi tiết lạ và thật khó tin; nếu không có thông tin thêm thì chi tiết này không nói lên điều gì cả.Tiến sĩ Tường Vũ

Một nhà nghiên cứu khác, Tiến sĩ Tường Vũ, khoa Chính trị học, Đại học Oregon, Hoa Kỳ, cũng nói các cáo buộc trong thư đã được đề cập trước đây.

“Hầu như tất cả những cáo buộc đối với tướng Giáp cũng như mâu thuẫn giữa ông ta và Lê Duẩn trong lá thư chỉ xác định thêm những điều đã được Huy Đức, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, v.v.. viết từ lâu.”

Theo tiến sĩ Tường Vũ, “duy nhất một thông tin mới chưa đâu có là việc tướng Giáp đến an toàn khu trước Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, nhưng dù việc này có thực cũng không đủ để nói tướng Giáp là hèn nhát.”

“Việc chia Bộ Chính Trị làm hai nhóm cũng là một chi tiết lạ và thật khó tin; nếu không có thông tin thêm thì chi tiết này không nói lên điều gì cả,” ông Tường Vũ nhận xét.
Giành di sản xưa

Vậy các nhà nghiên cứu sẽ dùng tài liệu này như thế nào?


Đây không phải lần đầu tiên có các cáo buộc ghê gớm với những đảng viên cộng sản hàng đầu.Tiến sĩ Shawn McHale

Tiến sĩ Tường Vũ cho rằng lá thư “không có ích đối với người nghiên cứu vì không có thông tin gì mới”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Shawn McHale lại xem văn bản này thể hiện cuộc đấu tranh nội bộ “gay gắt” trong Đảng từ sau 1945.

“Đáng quan tâm khi một số mục tiêu, như Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp hay Hoàng Minh Chính, hoặc xuất thân từ nguồn gốc ‘trí thức’ hoặc được xem là đối thủ ý thức hệ của Lê Duẩn.”

Nói như Tiến sĩ Shawn McHale, cuộc chiến giành di sản của quá khứ ở Việt Nam như thế “vẫn còn chưa kết thúc”.