Xung quanh vụ việc thu hồi đất của dân, dẫn đến vụ nổ súng chống người thi hành công vụ tại Tiên Lãng (TP Hải Phòng), Đoàn giám sát của TƯ MTTQ Việt Nam đã về cơ sở tìm hiểu. Những thông tin thực tế từ cơ sở đã cho thấy và càng thêm khẳng định chính quyền, đoàn thể cơ sở, cán bộ cơ sở chưa thực sự tôn trọng, thực thi tốt pháp luật, đặc biệt chưa gần dân, hiểu và thương dân, thậm chí coi thường dân.
Đoàn giám sát UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục về làm việc tại Tiên Lãng
Liên quan đến vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, sắp tới đoàn giám sát UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục về làm việc tại Tiên Lãng để tìm hiểu thu thập chứng cứ vụ cưỡng chế trên.
Trước đó, trong hai ngày 19 và 20-1-2012, Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Nguyễn Công Nguyên, Trưởng ban Kinh tế đối ngoại, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã về Hải Phòng làm việc, tìm hiểu về vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại huyện Tiên Lãng. Đoàn đã làm việc với MTTQ TP. Hải Phòng, MTTQ huyện Tiên Lãng, lãnh đạo xã Vinh Quang, đồng thời thăm hỏi, lắng nghe ý kiến người dân xã Vinh Quang xung quanh vụ cưỡng chế nói trên.
Theo bà Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn) cho biết, gia đình bà đã gửi đơn tố cáo đến Tổng Thanh tra Chính phủ về hành vi hủy hoại tài sản công dân của UBND huyện Tiên Lãng. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Hiền đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ hành vi hủy hoại ngôi nhà, và các tài sản trên phần đất không thuộc diện bị cưỡng chế. Bà Hiền cũng cho biết, gia đình bà không chỉ bị thiệt hại về ngôi nhà và các tài sản trong nhà mà sau khi vụ án xảy ra, nhiều người lạ còn tháo cống và dùng kích điện để vét sạch tôm, cua, cá vược, cá trắm trong khu đầm gia đình ông Vươn nuôi thả, trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, hiện một số người dân xã Vinh Quang cũng đã ký vào đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ phát ngôn của lãnh đạo TP .Hải Phòng cáo buộc người dân xã Vinh Quang đập phá nhà ông Vươn.
H.Vũ
|
Chỉ khi xuống với dân, sát dân, người ta mới "vỡ” ra nhiều điều. Đi tìm những lời giải, rằng tại sao những người nông dân chân lấm tay bùn, những người dân vốn chăm chỉ, cần cù chân chất sao lại liều lĩnh, đùa với pháp luật? Sự việc không đơn giản, khi nghĩ rằng họ thiếu hiểu biết pháp luật, liều lĩnh? Thực tế, vấn đề vụ việc đã diễn qua hàng chục năm, từ đề nghị, kiến nghị rồi khiếu nại, tố cáo... thậm chí ra Toà và người dân đã và vẫn đang tiếp tục đi tìm lẽ công bằng. Vì sao những tiếng "kêu” của người dân, những cái "vướng” của vấn đề đã không thấu đến "trời cao”? Hàng chục năm, sự việc đã không được giải quyết thấu đáo. Cái bức màn u ám vẫn cứ lơ lửng, không ai tháo gỡ. Cái gì đang vướng ở đây: Pháp luật, cơ chế, cán bộ, sự tiêu cực, tham nhũng hay những uẩn khúc nào khác? Mỗi sự việc xảy ra chỉ có một thực tế, một sự thực. Vậy nhưng có những thực tế, một vấn đề như bản chất vụ việc, hay đến chuyện phá cái nhà của ông Vươn, cán bộ chính quyền, đoàn thể rồi người dân phản ánh hoàn toàn trái ngược nhau. Ai đúng? Ai sai? Rồi cái lý của chính quyền, cái lý của dân cứ giằng co. Rồi mặc dù chưa thực thi đúng pháp luật, nhưng người ta đã ỷ vào thế mạnh của những người có thế lực, nắm quyền... Một bên người dân thì... bức bách hoá liều, cái liều của người khi bị đẩy vào đường cùng...
Từ vụ việc ở Tiên Lãng, nhiều vấn đề cần được đặt ra. Theo dõi vụ việc, nhiều người ngỡ ngàng, nhưng cũng không ít người cho là không lạ. Bởi người ta đã từng gặp, thấy không ít những chuyện kiểu như vụ cưỡng chế này. Nhiều người dân đã phải ngậm đắng, nuốt cay, chịu thiệt thòi. Không ít cái sai, sự làm càn của một số cán bộ chính quyền đã diễn ra rồi đi vào quên lãng và họ lại tiếp tục lộng hành với cái quyền của người dân trao cho họ. Sự lạm quyền, không tuân thủ pháp luật đã không chỉ xảy ra ở vùng biển Hải Phòng này. Riêng ở Tiên Lãng, không chỉ là bi kịch của gia đình ông Đoàn Văn Vươn mà còn là bi kịch của hàng chục gia đình cùng chung cảnh ngộ. Và rồi cũng không chỉ của hàng chục gia đình ở Tiên Lãng, mà còn rất nhiều gia đình khác ở nhiều nơi đã phải lâm vào hoàn cảnh bị o ép, từng bị hệ luỵ của cái gọi là quyền lực bị lạm dụng, như ở Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam.v..v.
Xin nêu ra đây một "hoàn cảnh” xảy ra tương tự như hoàn cảnh của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Đó là trường hợp của bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình. Nếu như với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, tấn bi kịch xuất phát từ sự nhiệt huyết khai hoang lấn biển, thì với trường hợp của gia đình ông Dương Hữu Hậu và bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình lại đến từ lòng nhiệt huyết khai hoang trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Năm 1985, người lính Dương Hữu Hậu, rời tay súng trở về địa phương cùng vợ là Vũ Thị Hải thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước khai hoang trồng rừng. Cùng với trồng rừng, ông Hậu còn thuê máy ủi đắp đập giữ nước, nuôi cá, xây dựng mô hình rừng-vườn-ao-chuồng. Gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (bìa xanh) đến 11,9 ha rừng. Cũng đau đớn như ông Vươn (đã mất cả người con gái), ông Hậu đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Ngày 21-3-2000, trong khi trồng rừng, đắp đập, hàng tấn đất đã đổ xuống người, ông Hậu đã chết trong đau đớn. Tai hoạ thiên tai đã khắc nghiệt, nhưng những tai hoạ nhân tai còn tai quái hơn, đã liên tục đổ xuống bà Hải, người vợ mất chồng, đổ xuống những người con mất cha, đến từ chính những cán bộ chính quyền, đến từ những quyết định "oái oăm”. Trồng rừng nhưng không được khai thác, kể cả khai thác củi. Chính quyền xã từng đã huy động cả hơn 30 người, 3 xe ô tô, bắt giữ mẹ con bà Hải, tịch thu số củi của bà khai thác. Rồi giấy chứng nhận đất rừng bị thu lại, người ta ra quyết định phân chia cho người khác. Từ người trồng rừng, bà Hải cũng đã bị quy tội chống người thi hành công vụ, khi ngăn cản không cho những người mang danh chính quyền tới chặt phá khu rừng mình trồng, trên giấy tờ đã giao cho người khác. Rồi bà Hải lại trở thành người làm thuê ngay trên phần đất rừng mình khai hoang, mà người chủ là chính ông Bí thư xã lúc ấy. Bao năm bà đi khiếu nại từ địa phương đến trung ương, nhưng đơn từ cứ chạy vòng vo. Cuộc sống của gia đình bà đã khó khăn càng cơ cực trong bệnh tật, ốm đau...
Hai trường hợp, hai bi kịch: Một của gia đình ông Vươn, một của gia đình ông Hậu, một ở biển, một ở rừng. Còn có biết những trường hợp như của ông Hậu, ông Vươn làm người ta xót xa? Nguyên nhân vì đâu? Do chính sách, do những quy định của pháp luật chưa cụ thể, chưa xuống dân hay do cán bộ, chính quyền chưa thực hiện đúng pháp luật? Nhiều vấn đề, mỗi vụ việc cần được làm rõ. Với hai vụ việc nêu trên, có thể thấy chính sách, pháp luật chưa được các cán bộ, chính quyền địa phương tuân thủ đầy đủ. Tuy nhiên, hầu hết với nhiều vụ việc cũng như hai vụ việc nói trên, đều có một điểm chung là cán bộ, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự gần dân.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Pháp luật được xây dựng, để điều chỉnh các hoạt động xã hội, công dân để xã hội phát triển có trật tự, cũng là để bảo vệ, đảm bảo quyền lợi cho dân. Một khi những chính sách, pháp luật đã được xây dựng nhưng bất cập, không có lợi cho dân thì cần phải sửa đổi. Đã có rất nhiều quy phạm pháp luật, kể cả đạo luật cao nhất là Hiến pháp đã được sửa đổi vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi người dân. Với các cán bộ, chính quyền, được người dân trao quyền, thay mặt dân để thực thi, nhưng tiếc thay nhiều người, nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Công bằng ở đâu? Nhiều người dân khi được hỏi đều trả lời sẵn sàng hy sinh quyền lợi vì sự phát triển của đất nước, vì xã hội, nhưng không thể chấp nhận khi quyền lợi của họ bị tước đoạt chuyển sang tay của những kẻ tham lam, cậy quyền thế. Quyền lợi của họ phải được pháp luật bảo hộ, thực hiện đúng theo pháp luật. Khi có công bằng, có dân chủ mọi vướng mắc sẽ được giải quyết triệt để. Sự giải quyết có tình, có lý chỉ có được khi cán bộ thực sự gần dân, hiểu dân và thương dân.
Xin nêu ra đây một "hoàn cảnh” xảy ra tương tự như hoàn cảnh của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Đó là trường hợp của bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình. Nếu như với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, tấn bi kịch xuất phát từ sự nhiệt huyết khai hoang lấn biển, thì với trường hợp của gia đình ông Dương Hữu Hậu và bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình lại đến từ lòng nhiệt huyết khai hoang trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Năm 1985, người lính Dương Hữu Hậu, rời tay súng trở về địa phương cùng vợ là Vũ Thị Hải thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước khai hoang trồng rừng. Cùng với trồng rừng, ông Hậu còn thuê máy ủi đắp đập giữ nước, nuôi cá, xây dựng mô hình rừng-vườn-ao-chuồng. Gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (bìa xanh) đến 11,9 ha rừng. Cũng đau đớn như ông Vươn (đã mất cả người con gái), ông Hậu đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Ngày 21-3-2000, trong khi trồng rừng, đắp đập, hàng tấn đất đã đổ xuống người, ông Hậu đã chết trong đau đớn. Tai hoạ thiên tai đã khắc nghiệt, nhưng những tai hoạ nhân tai còn tai quái hơn, đã liên tục đổ xuống bà Hải, người vợ mất chồng, đổ xuống những người con mất cha, đến từ chính những cán bộ chính quyền, đến từ những quyết định "oái oăm”. Trồng rừng nhưng không được khai thác, kể cả khai thác củi. Chính quyền xã từng đã huy động cả hơn 30 người, 3 xe ô tô, bắt giữ mẹ con bà Hải, tịch thu số củi của bà khai thác. Rồi giấy chứng nhận đất rừng bị thu lại, người ta ra quyết định phân chia cho người khác. Từ người trồng rừng, bà Hải cũng đã bị quy tội chống người thi hành công vụ, khi ngăn cản không cho những người mang danh chính quyền tới chặt phá khu rừng mình trồng, trên giấy tờ đã giao cho người khác. Rồi bà Hải lại trở thành người làm thuê ngay trên phần đất rừng mình khai hoang, mà người chủ là chính ông Bí thư xã lúc ấy. Bao năm bà đi khiếu nại từ địa phương đến trung ương, nhưng đơn từ cứ chạy vòng vo. Cuộc sống của gia đình bà đã khó khăn càng cơ cực trong bệnh tật, ốm đau...
Hai trường hợp, hai bi kịch: Một của gia đình ông Vươn, một của gia đình ông Hậu, một ở biển, một ở rừng. Còn có biết những trường hợp như của ông Hậu, ông Vươn làm người ta xót xa? Nguyên nhân vì đâu? Do chính sách, do những quy định của pháp luật chưa cụ thể, chưa xuống dân hay do cán bộ, chính quyền chưa thực hiện đúng pháp luật? Nhiều vấn đề, mỗi vụ việc cần được làm rõ. Với hai vụ việc nêu trên, có thể thấy chính sách, pháp luật chưa được các cán bộ, chính quyền địa phương tuân thủ đầy đủ. Tuy nhiên, hầu hết với nhiều vụ việc cũng như hai vụ việc nói trên, đều có một điểm chung là cán bộ, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự gần dân.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Pháp luật được xây dựng, để điều chỉnh các hoạt động xã hội, công dân để xã hội phát triển có trật tự, cũng là để bảo vệ, đảm bảo quyền lợi cho dân. Một khi những chính sách, pháp luật đã được xây dựng nhưng bất cập, không có lợi cho dân thì cần phải sửa đổi. Đã có rất nhiều quy phạm pháp luật, kể cả đạo luật cao nhất là Hiến pháp đã được sửa đổi vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi người dân. Với các cán bộ, chính quyền, được người dân trao quyền, thay mặt dân để thực thi, nhưng tiếc thay nhiều người, nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Công bằng ở đâu? Nhiều người dân khi được hỏi đều trả lời sẵn sàng hy sinh quyền lợi vì sự phát triển của đất nước, vì xã hội, nhưng không thể chấp nhận khi quyền lợi của họ bị tước đoạt chuyển sang tay của những kẻ tham lam, cậy quyền thế. Quyền lợi của họ phải được pháp luật bảo hộ, thực hiện đúng theo pháp luật. Khi có công bằng, có dân chủ mọi vướng mắc sẽ được giải quyết triệt để. Sự giải quyết có tình, có lý chỉ có được khi cán bộ thực sự gần dân, hiểu dân và thương dân.
K.Long/Đại đoàn kết