Saturday, April 7, 2012

“Vậy thì tiền đó đi đâu?”



Không phải hằng trăm mà là hàng nghìn, mấy chục nghìn tỉ đồng bị các “đại gia Nhà nước” hô biến không còn tăm hơi. Những khoản tiền ấy đi đâu thì không nói ai cũng biết nhưng nó được che chắn bằng một mỹ từ mà gần đây người ta hay dùng. Đó là “thua lỗ do đầu tư ngoài ngành”.


Phạm Nguyễn



Tàu Hoa Sen hơn 1.000 tỉ đồng được "đại gia Vinashin" mua về để... thử nghiệm!

Bạn tôi mới lãnh lương được gần 3 triệu đồng. Hắn hí hửng dẫn vợ đi hội chợ hàng Thái Lan bên CLB Nguyễn Du (quận 1- TPHCM) vì nghe đâu có nhiều thứ rẻ lắm, tranh thủ vô đó kiếm một ít về xài. Hắn bảo, trong thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm được đồng tiền đổ mồ hôi, sôi nước mắt thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

Thế nhưng, xui xẻo cho hắn, hội chợ đông đúc, kẻ gian thừa cơ rạch giỏ lấy mất cái bóp. Cả giấy tờ tùy thân lẫn mấy triệu tiền lương đã đội nón ra đi. Sự việc xảy ra đã hai hôm rồi mà tới bữa nay mặt hắn vẫn còn ngơ ngơ, nghe ai hỏi đến chuyện bị mất tiền thì mặt mày méo xẹo. Nhìn hắn, tôi càng thấm thía cái câu “đồng tiền đi liền khúc ruột”; “của đau, con xót”. Đúng là đồng tiền mồ hôi nước mắt, xài một đồng cũng cân nhắc, mất một đồng cũng đau thắt ruột gan!


Ấy thế mà, mấy ngày qua, báo chí liên tục thông tin về những con số thất thoát thật khủng khiếp: Không phải hằng trăm mà là hàng nghìn, mấy chục nghìn tỉ đồng bị các “đại gia Nhà nước” hô biến không còn tăm hơi. Những khoản tiền ấy đi đâu thì không nói ai cũng biết nhưng nó được che chắn bằng một mỹ từ mà gần đây người ta hay dùng. Đó là “thua lỗ do đầu tư ngoài ngành”.
\
Điều người dân quan tâm là sự thua lỗ đó được gây ra bởi những “ông lớn” được giao trọng trách giữ vai trò “chủ đạo” trong nền kinh tế quốc dân. Đó là EVN, Vinashin, Viettel, Sông Đà, PVN và còn bao nhiêu “ông lớn” chưa bị thanh tra, phát hiện.



"Đại gia Sông Đà" cũng có sai phạm lên đến 10.676 tỉ đồng

Đọc những con số thất thoát, thua lỗ này đau ruột quá!”- anh bạn tôi làm chủ một sơ sở sản xuất nhựa tái chế ở quận 11- TPHCM buồn rầu. Tôi ngạc nhiên: “Tiền Nhà nước chứ tiền của anh đâu mà đau ruột?”. Vừa nghe vậy, anh bạn tôi đã sừng sộ: “Tiền Nhà nước từ đâu ra? Chẳng phải là tích cóp từ những giọt mồ hôi mặn chát của hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn ư? Chẳng phải là chắt chiu từ những đồng lương còm cõi của hàng triệu công nhân nghèo khó đó sao? Chẳng phải là được lấy từ tiền đóng thuế của hàng vạn cơ sở sản xuất èo uột nhỏ lẻ như của tôi sao?… Và còn tài nguyên khoáng sản nữa. Họ cứ khai thác, cứ đào lên bán lấy tiền mà cũng lỗ là sao? Tôi không tin có chuyện thua lỗ, thất thoát ở đây”.


Vậy thì tiền, của đó đi đâu?” – tôi hỏi anh bạn. “Tất nhiên là nó không mất đi mà chỉ chuyển từ túi người này sang người khác, từ túi Nhà nước sang túi riêng, hiểu chưa? Đã học Triết học Mác mà sao khờ thế?” – anh bạn tôi hậm hực.

Đúng là tôi khờ thật. Những người làm công ăn lương như tôi với tiền lương năm ba triệu đồng mỗi tháng, ngày ngày phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu và đóng thuế thu nhập cá nhân không bao giờ hình dung ra con số hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng là bao lớn nhưng chắc chắn là lớn lắm.

Và những con người được giao quản lý, sử dụng số tài sản khổng lồ như vậy hẳn phải là những người có tài kinh bang tế thế lắm. Nếu không, chẳng ai bổ nhiệm họ làm chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc hay những chức vụ cao cấp khác trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Ấy thế mà khi xảy ra thất thoát, tiêu cực lại chỉ được quy vào lỗi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả…”, hoặc “buông lỏng quản lý” là sao?



Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh: "Sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của tập thể, cá nhân tại PVN"

Thế thì suy cho cùng, cái lỗi này nó gắn với cái câu của ông bà xưa: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, “của đau, con xót”. Nếu là tiền của mình thì không ai vung vít đến nỗi nó đi đâu, về đâu cũng không biết như vậy! Là bởi vì đó là tiền ngân sách, là tiền của bá tánh trăm họ; cũng có nghĩa, đó là… tiền chùa! Chỉ có xài chùa thì người ta mới có thể tiêu hoang và nhẫn tâm như vậy.

Lại nhớ lời anh bạn làm phế liệu ví von: Trong một gia đình, nếu cha mẹ làm ăn thất bại thì cả đàn con nheo nhóc; trong một doanh nghiệp, giám đốc mà làm ăn bết bát thì hằng trăm công nhân lao đao. Tuy nhiên, điều đó cũng không nguy hiểm bằng trong một quốc gia, những đơn vị được ưu ái giao vốn, giao tài nguyên, giao trọng trách “chủ đạo” mà lại cứ liên tục đi sai đường thì con thuyền kinh tế đất nước sẽ trôi về đâu?


Theo NLĐ


_____________________________________________________

 


Chuyện con sâu bé và lòng tin của anh xe ôm


Có câu “Tửu sắc tài khí tứ đổ tường”. Cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách hễ vướng vào một trong đó thì kể như là vào bốn bức tường không lối thoát. Cũng có câu “Vui nơi đổ bác là vui khổ”. Nhưng sự hư hỏng của cán bộ, đảng viên giờ xét đi xét lại cũng nằm cả trong 4 chữ “Tửu sắc tài khí”.

Đào Tuấn

 
 
Tạp chí Xây dựng Đảng số ra ngày 19-3-2012 có đăng tải một bài viết của một đảng viên gần 40 năm tuổi đảng kể về những bức xúc, đau đáu bắt nguồn từ một lời giới thiệu tưởng như vô tình: “Đây là T, đảng viên, nhưng là một người đàng hoàng lắm”.

“Mới vào Đảng nên còn tốt!”. “Đảng viên nhưng là một người đàng hoàng!”. Những lời lẽ đó giờ đã thành câu dân gian cửa miệng rồi. Dẫu không ít chua chát thì người ta nghe mãi cũng quen. Dẫu là u tối thì u tối mãi cũng đã là chuyện bình thường. Và điều đáng nói là ngay chính cán bộ đảng viên nghe thế cũng chỉ… nhăn răng ra cười.

Chỉ khổ cho cụ già đảng viên 40 năm tuổi Đảng. “Tôi nghe thế cảm thấy như bị xúc phạm- ông viết- Thế ra, dưới con mắt của người dân, nhiều đảng viên hiện nay là những người không đàng hoàng? Đúng vậy không? Ngày nay Đảng ta đã có đội ngũ đông đảo hơn 3 triệu đảng viên. So với Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng năm 1935 thì Đảng ta đã đông gấp 5.000 lần. Đông hơn nhưng có mạnh hơn không?”- ông đặt câu hỏi.

Câu trả lời cho cái nhìn u tối của người dân thực ra nằm ngay trong đời sống, nơi những cán bộ đảng viên đang tha hóa, biến chất thậm chí không cần che dấu. Ngay cả khi nghị quyết TƯ 4 được rầm rộ triển khai với một trong những nhiệm vụ cấp bách là chấn chỉnh đạo đức, lối sống của đảng viên, thì vừa ngay đây, hai đảng viên là cán bộ lãnh đạo tiếp tục “dính chàm”.

Ở An Khê, Gia Lai, Công an vừa khởi tố Thị ủy viên, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Thành An về hành vi đánh bạc. Trước đó thì đủ hết, từ miền Tây ra miền Trung, từ miền xuôi lên miền ngược, từ quan huyện, quan sở, công an, kiểm lâm, kiểm sát, thậm chí cả hiệu trưởng trường tiểu học, cả trưởng phòng văn hóa, đội trưởng đội kiểm tra liên ngành 814 có chức năng kiểm tra, giám sát, phòng chống tệ nạn cũng bị bắt vì đánh bạc. Họ đánh bạc ở bất cứ đâu: Dưới hầm, ngoài nhà nghỉ, trong trụ sở tòa án, đánh bạc ngay tại nhà dân. Dường như “đổ bác” giờ đã ngấm vào máu của không ít cán bộ đảng viên có quyền, có tiền. Dư luận hẳn còn nhớ chưa quên vụ “ván cờ bạc tỷ” của hai quan chức miền Tây để sau đó đòi nợ bằng cách thuê giang hồ đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Ở miền Tây, sau các vụ thẩm phán “tư vấn pháp luật” trong nhà nghỉ, Phó Chánh án “an ủi vợ người khác” trên café võng, Viện trưởng Viện kiểm sát “nhậu nhẹt, tắm sông cùng kiều nữ”; Chi cục trưởng Quản lý thị trường “đi vệ sinh nhầm vào phòng ngủ vợ dân” , giờ lại đến chuyện Phó công an “mang dầu gió vào giường vợ người khác”.

 
 
Không tháng nào, không tuần nào là không có những dòng tin nóng về sự tha hóa của một cán bộ, đảng viên nào đó, ở một đâu đó được đưa lên mặt báo.

Có câu “Tửu sắc tài khí tứ đổ tường”. Cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách hễ vướng vào một trong đó thì kể như là vào bốn bức tường không lối thoát. Cũng có câu “Vui nơi đổ bác là vui khổ”. Nhưng sự hư hỏng của cán bộ, đảng viên giờ xét đi xét lại cũng nằm cả trong 4 chữ “Tửu sắc tài khí”.

Vấn đề là ở chỗ nếu các bậc phụ mẫu của dân, nếu như những người thực thi pháp luật, thậm chí cả những người đứng trên bục giảng “chưa bị lộ” thì họ vẫn có thể chỉ tay năm ngón răn dạy dân những lời đạo lý. Nói và làm giờ chẳng mấy khi giống nhau, và sự xấu hổ, như cái cách mà người đảng viên già bức xúc, giờ có lẽ đã quá xa xỉ.

Có người đã trách báo chí bới bèo tìm bọ. Người khác bảo chỉ là con sâu. Có điều sâu, bọ bây giờ nhiều quá. Nhiều đến mức sự tha hóa có thể nhìn thấy hàng ngày mà người dân đã quen đến mức giờ chua chát cho đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Và bởi những người bị đưa lên báo, chỉ là “những đồng chí bị lộ”.

Việc chỉnh đốn Đảng, vì thế, không thể coi đó là những “con sâu bé”, không thể coi là “chuyện con sâu”, bởi chính những con sâu bé đó đang ngày ngày gặm nhấm niềm tin của dân chúng vào vào sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, bởi “chuyện con sâu” đó đang làm lung lay cột rường “sự an nguy của chế độ”.

Trở lại với tâm sự của người đảng viên già. Ông đã có một phát hiện rất xác đáng, rằng hiện trong Đảng đa số đảng viên là “đàng hoàng”, tâm huyết với lý tưởng của Đảng, gắn bó với dân. Có điều đa số đó là đảng viên “thường” và cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Chỉ có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên không đàng hoàng. Nhưng khổ nỗi trong “một bộ phận không nhỏ” ấy, đa số lại là đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện tiếp xúc, liên quan đến phê duyệt, quản lý tài sản công, tài chính, đất đai… là đối tượng móc nối của các đại gia, các nhà đầu tư, tham lam, hư hỏng, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi… Rồi do có lắm tiền sinh ra học đòi, ăn chơi, xa hoa, thậm chí trụy lạc, trác táng…

Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ những suy thoái, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm mất uy tín của Đảng, niềm tin của dân với Đảng. Nhưng việc thực hiện phải bắt đầu bằng việc khu biệt những cán bộ, đảng viên có khả năng làm mất ủy tín của đảng “phải chỉ cho được “bộ phận không nhỏ” ấy là những ai, mức độ đến đâu và kiên quyết xử lý nghiêm khắc, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng những ai vi phạm đã không còn xứng đáng là đảng viên nữa”.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ cho rằng: “Đảng viên hay quần chúng không ai nằm ngoài vòng pháp luật cả. Không có con số trừ 1. Không ít vụ việc, ta sợ đụng chạm này khác, can thiệp để không làm to ra… Cách làm như vậy là không được”. GS Hiệp kêu gọi “Đã đến lúc phải đi vào thực chất: trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, dân chủ và xã hội công dân là cần thiết. Nếu cán bộ lãnh đạo hay đảng viên bao che cho nhau thì chỉ làm mất lòng tin của dân với đảng”.

Sau vụ “ăn nhậu tắm sông với kiều nữ”, khiến một cô gái chết đuối, 2 vị viện trưởng viện phó VKS bị, nói đúng hơn là được, điều từ huyện lên tỉnh. Sau vụ “tư vấn pháp luật cho vợ anh xe ôm trong nhà nghỉ”, vị thẩm phán ở Cà Mau đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Có điều, ông vẫn còn nguyên chức Phó Văn phòng TAND tỉnh.

Xử lý như thế thì liệu có lấy lại được lòng tin của anh xe ôm, người chồng bị cắm sừng có lần đã quẫn đến mức ra điều kiện buộc vị thẩm phán “tư vấn pháp luật trong nhà nghỉ” phải nuôi vợ anh suốt đời?

Theo Đào Tuấn blog