Saturday, September 1, 2012

TRỜI KHÔNG CÓ MẮT?


Mạng người không phải con gián!

Hà Sĩ Phu

Vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị công an giao thông đánh gẫy cổ, vụ anh Nguyễn Công Nhựt bị chết trong lúc làm việc với công an, nay đến vụ ông Nguyễn Mậu Thuận ngày 30-8-2012 bị chết trong tay công an xã Kim Nỗ – Đông Anh… chỉ là những giọt nước tràn ly trong cái “trào lưu” công an mặc sức hành hạ và đánh chết dân thường! Thử hỏi: Nước có luật pháp hay chỉ là một bộ tộc đang thời ăn lông ở lỗ?
Chỉ là chuyện xích mích nhỏ của 2 người hàng xóm, mà một người bị triệu lên công an, chưa kịp hỏi lý do đã thấy ông chỉ huy công an ra lệnh: “Xích nó lại, cho nó vào phòng! (theo lời thuật của người con trai ông Thuận). Rồi chỉ sau 3 giờ “làm việc”, làm việc kiểu gì mà… gãy một xương sườn, thân thể bầm tím và… tắt thở ngay, vô phương cứu chữa? (xem hình chụp). Nếu ở một nước có chút văn minh, chắc chắn những cái chết như thế này thừa sức biến thành những cuộc biểu tình đến nơi đến chốn, và những người cầm quyền cao nhất của quốc gia đã phải đứng ra trả lời trước công chúng. Không trị được cấp dưới thì cấp trên phải lãnh đủ!
Nhiều vụ đã có kiện cáo, đã có tiếng nói của Viện Kiểm sát, thậm chí có cả tòa án nữa, nhưng tất cả đều vô ích khi tất cả đều bênh nhau, tất cả đều đứng ở phía bất lợi cho người dân. Một tội giết người tập thể mà chỉ xử một tên Trung tá với cái án 4 năm, kèm lời tuyên bố của kẻ giết người rằng hắn hành động “rất đúng quy trình và đúng luật”! Luật gì vậy? Dư luận về một nạn kiêu binh đang hoành hành liệu có oan không?
Sau hơn 3 giờ có mặt tại trụ sở công an xã, một người dân ở Hà Nội đã tử vong với rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể ( Theo báo NLĐ)
Một vấn đề xã hội nghiêm trọng và nan giải như vậy ắt phải có nguyên nhân chính trị-xã hội sâu xa. Nhưng không thể chờ đợi giải quyết những nguyên nhân gốc rễ, đòi hỏi nhiều thời gian, vì sinh mạng người dân vô tội không thể chờ đợi.
Thực tiễn này đang đặt ra một câu hỏi phải trả lời cấp bách: Khi người dân phải “làm việc” hay tiếp xúc với công an thì người dân có gì bảo hiểm cho sức khỏe và sinh mạng của mình?Vấn đề này có thể chưa có ở đâu trên thế giới này, nhưng thực tế xã hội ta thì rõ ràng buộc phải đặt ra câu hỏi đó. Cần có quy chế nào cho thật sự hữu hiệu? Luật pháp có quy định gì cho phép người dân quyền từ chối “làm việc” khi thấy an ninh bản thân chưa có điều kiện bảo vệ? Có lần cụ Lê Hiền Đức nêu ý kiến là khi làm việc với công an phải có người thân của đương sự làm chứng, có lẽ đấy cũng là một gợi ý. Đề nghị các Luật sư và các đại biểu Quốc hội phải đề cập đến vấn đề này để tìm ngay giải pháp!
Trong khi chờ đợi những giải pháp, tôi thấy có 2 việc thiết thực:
– Yêu cầu nhà cầm quyền bắt giam ngay những công an có liên quan, điều tra và xét xử công khai, thích đáng để làm gương, có sự tham gia của công luận! Chỉ cần xử một vụ cho thật nghiêm, thì tin rằng mọi việc sẽ đâu vào đấy, vì hơn ai hết công an là những người rất biết sợ(dẫu có quên cả 5-6 điều Bác dạy)! Còn nếu cứ xử làng nhàng cho qua chuyện thì chính là động viên và “mách nước” cho cái Ác cứ Ác hơn nữa!
– Tập hợp các gia đình bị oan ức hãy thảo một kiến nghị (hay tuyên cáo) để lấy chữ ký rộng rãi trong toàn dân về vấn nạn này.
Nghị quyết nào ta cũng “lấy con người làm trung tâm, con người là vốn quý, con người là đối tượng phục vụ”. Nay những “trung tâm” ấy, “vốn quý” ấy, những “đối tượng phục vụ” ấy đang bị những kẻ thừa hành “phục vụ” một cách rất… đau đớn và mất mạng!  Phải chăng những kẻ thừa hành này đã chống lại Nghị quyết?
H.S.P