Friday, August 9, 2013

AI THAM NHŨNG?




TBT Trọng lập đoàn tham nhũng


Các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng CSVN


Trong một diễn biến đáng chú ý, Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vừa ký quyết định thành lập bảy đoàn công tác kiểm tra thanh tra các vụ án tham nhũng lớn.


Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN cho hay ông Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hôm 6/8 đã ký Quyết định số 17-QÐ/BCÐTW "thành lập bảy đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm".
Từ ngày 01/2 năm nay, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm nhiều năm đã bị loại bỏ, thay bằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm trưởng ban.
Cùng với việc chuyển công tác chống tham nhũng cho Đảng điều hành, còn có việc thành lập Ban Nội chính Trung ương cũng thuộc Đảng, do cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh làm trưởng ban.
Đã có nhiều câu hỏi về hoạt động của cơ chế chống tham nhũng mới khi từ tháng Hai năm nay chưa thấy có động tĩnh gì.
Nay theo Quyết định 17-QÐ/BCÐTW, bảy đoàn công tác đứng đầu là các nhân vật trong dàn lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, đồng thời là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Trong số đó có các ủy viên Bộ Chính trị là Ngô Văn Dụ, Trần Đại Quang; Bí thư Trung ương Đảng Trương Hòa Bình, các ủy viên Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Hòa Bình, Huỳnh Phong Tranh và Nguyễn Văn Hiện.
Hai ông Ngô Văn Dụ và Trần Đại Quang đảm nhiệm các địa bàn quan trọng nhất là Thanh tra Chính phủ và TP Hồ Chí Minh đối với ông Dụ và Hà Nội và Hải Phòng đối với ông Quang.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính, làm trưởng đoàn làm việc tại Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao.
Bình luận với BBC hôm thứ Sáu từ Hà Nội về động thái mới này của lãnh đạo Đảng, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
"Tôi nghĩ rằng đây nằm trong một chủ đề lớn là thực hiện quyền lãnh đạo của Đảng như thế nào trong mối quan hệ với nhà nước.
"Và Đảng thực hiện quyền lãnh đạo đó thông qua những người đảng viên chịu trách nhiệm về nhà nước hay là Đảng lại thực hiện một quyền lãnh đạo thông qua một bộ máy riêng của Đảng, và giám sát thông qua bộ máy của Đảng đối với các cấp chính quyền, thì đây là một lĩnh vực mà từ trước ở Việt Nam chưa được giải quyết một cách sáng tỏ."

Kiểm tra giám sát

Trưởng 7 đoàn công tác

  • Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị
  • Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị
  • Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương
  • Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương
  • Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương
  • Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương
  • Nguyễn Văn Hiện
Việc bỏ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo và thay bằng mô hình do Đảng lãnh đạo được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mà Quốc hội thông qua cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, luật không quy định chi tiết hoạt động của ban vì đây thuộc lĩnh vực văn kiện Đảng.
Báo Nhân Dân dẫn Quyết định 17-QÐ/BCÐTW nói thời gian thực hiện kiểm tra, giám sát sẽ diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 30/9/2013.
Ban Nội chính Trung ương sẽ chủ trì việc thực hiện và tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát. Kết quả sẽ được trình Bộ Chính trị trước ngày 30/11/2013.
Việc chuyển công tác chỉ đạo chống tham nhũng từ tay chính phủ sang tay Đảng đã cho thấy tính chất tế nhị, khó khăn và phức tạp của công việc này.
Hiện Trung Quốc cũng đang có phong trào chống tham nhũng được chỉ đạo từ các cấp cao nhất.
"
Tôi chỉ hy vọng những động thái sẽ thổi một luồng gió mới vào phòng chống tham nhũng. Và nên rút ra những bài học về thay đổi, cải cách thế chế, cải cách về bộ máy..."
TS Lê Đăng Doanh
Gần đây trên các diễn đàn mạng lưu truyền nhiều bình luận về điều mà một số nhà quan sát gọi là "sự suy yếu quyền lực" của vai trò Tổng bí thư Đảng CSVN, cũng như của nhân vật mà dư luận trước đây đặt nhiều kỳ vọng - ông Nguyễn Bá Thanh.
Nhận định nói trên bắt nguồn từ kết quả các kỳ họp hội nghị Trung ương 6 và 7, trong đó dù có cả tiến trình kiểm điểm, phê và tự phê, Đảng không kỷ luật được cán bộ cao cấp nào.
Tại Hội nghị 7, ông Nguyễn Bá Thanh cũng không lọt được vào Bộ Chính Trị.
Thế nhưng, với Quyết định mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký hôm 6/8, chắc sẽ có một sự xem xét lại các đánh giá trên đây.
Dự đoán về kết quả, tính hiệu quả của động thái mới chống tham nhũng của Đảng, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
"Tôi hiện nay chưa dự đoán được gì, tôi chỉ hy vọng những động thái sẽ thổi một luồng gió mới vào phòng chống tham nhũng,
"Và nên rút ra những bài học về thay đổi, cải cách thế chế, cải cách về bộ máy và thực hiện những quyền giám sát quyền lực, thực hiện các quyền dân chủ người dân, thực hiện công khai minh bạch trách nhiệm giải trình của tất cả cán bộ của tất cả các cấp, kể cả cán bộ Đảng," ông nói với BBC.