Monday, August 19, 2013

ĐẢNG... CƯỚP!





Hầu chuyện người hiến hơn 5 ngàn lạng vàng
TP - Tôi gặp lại cụ bà Trịnh Văn Bô mới cách đây ít ngày dịp Bộ Tài chính có hẳn một cuộc hội thảo để chuẩn bị việc ra cuốn sách Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam. Người Pháp từng nói rằng, bà là “Bộ trưởng Tài chính” của Việt Minh.
Mừng ở tuổi chẵn trăm, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, tức bà quả phụ Trịnh Văn Bô, vẫn minh mẫn dù những sải chân chậm chạp.
Gian nan xin lại nhà
Nhớ lần đầu gặp cụ khoảng hơn hai chục năm trước...
Trong số đơn từ của bạn đọc gửi về cho Toà báo, có một lá đơn của chính bà Hoàng Thị Minh Hồ viết đề nghị can thiệp với các cơ quan có trách nhiệm để gia đình bà xin lại ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu mà bà cho mượn lâu nay.
Tóm tắt lá đơn cũng như diễn tiến nội vụ về sau như thế này:
...Tháng 10/1987, đồng chí cố vấn Trường Chinh có mời ông Trịnh Văn Bô (ông Trịnh Văn Bô mất năm 1990) và bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.
Hai ông bà nhân cuộc gặp thân mật này đã ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm ( 1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả.
Năm 1986, đồng chí Hoàng Văn Thái mất, Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh cao cấp tại Liễu Giai rất rộng rãi, khang trang. Gia đình tướng Hoàng Văn Thái được chuyển về Liễu Giai.
Ngày 1/6/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phê chuẩn việc trả lại nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô. Ngày 10/7/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng có ý kiến nhất trí việc trả nhà cho bà Bô.
Nhưng mãi đến năm 1993, gia đình bà Bô vẫn chưa nhận được nhà.
Cuối năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định trả nhà 34 Hoàng Diệu cho bà Bô.
Ngày 24/10/1994, có hẳn một cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hà Nội và Sở Nhà đất thành phố Hà Nội quyết định trả nhà cho bà Bô.
Thế mà gia đình bà Trịnh Văn Bô vẫn không nhận được nhà!?
Thời điểm ấy, nhiều phóng viên khi nhận được đơn thư của bà quả phụ Trịnh Văn Bô đã bức xúc trước điều kỳ quặc đến khó hiểu, rằng từng ấy cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đã quyết định việc trả nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình bà Bô với ngần ấy chữ ký đầy quyền lực mà bà vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp được đến ở nhà 34 Hoàng Diệu!
Tôi và đồng nghiệp chỉ còn cái cách muôn thuở, cái công việc đằng sau mặt báo tẻ ngắt, vô thưởng vô phạt và cũng vô trách nhiệm nữa là kính chuyển những lá đơn của gia đình bà Bô đến các cơ quan có trách nhiệm!
Mãi cho đến 9 năm sau, phải 9 năm, bằng độ dài thời gian của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình bà quả phụ Trịnh Văn Bô mới được trở về ngôi nhà cũ của mình ở 34 Hoàng Diệu, với những giấy tờ về bằng khoán điền thổ của ngôi nhà mà gia đình bà đã mua từ trước cách mạng.
Và như nhiều người biết, để vào được chính ngôi nhà của mình sau những dằng dặc chầu chực xin xỏ, một việc mạo hiểm và vô tiền khoáng hậu đã diễn ra. Một người con trai đương đêm đã cõng mẹ vượt rào bí mật đột nhập vào chính nhà mình ở 34 Hoàng Diệu.

GẦN 50 CHỤC NĂM SAU...

...Một số tòa báo ngay tinh mơ hôm sau, ngày 10/10/2003 lập tức nhận được tin đến 34 Hoàng Diệu có vụ nhảy dù chiếm nhà bất hợp pháp!
Tôi và một số đồng nghiệp đến nơi thấy cụ bà Trịnh Văn Bô, cái can chống hờ đỡ một bên người, mái tóc cước rung rinh trong nắng sớm cười hiền hậu giọng sang sảng: “Nào, mời các nhà báo lên nhà uống nước...”.
Các ký giả có mặt bữa đó đều phát hoảng. Hóa ra, người nhảy dù là bà cụ Bô mà bao nhiêu năm họ đã quá quen mặt!
Chúng tôi tíu tít theo chân cụ lên nhà chuyện vãn một hồi rồi giải tán... Bởi có việc chi mà phải hỏi han với lại cật vấn? Những tờ giấy có những chữ ký cùng các dấu mộc đầy quyền lực ghi rất rõ cái việc cụ hợp pháp nhà 34 Hoàng Diệu này. Nhà cụ thì cụ cứ việc ở.
Tôi nhớ thêm một sớm thu năm nọ, có dịp ngồi hầu chuyện lâu lâu với cụ.
Từ hồi nhỏ, 11 anh chị em của cụ đã đinh ninh lời dặn của người cha già từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục: “Việc nước cha chưa làm tròn, giờ cha đã già, sau này các con ai có điều kiện thì giúp nước thay cha”.
Tuần lễ vàng lịch sử
Cụ bà Trịnh Văn Bô tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
Cụ bà Trịnh Văn Bô tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

 Cái quý giá nhất tôi nghĩ không phải là số tiền đó mà chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt một tháng ba ngày và cả Thường vụ đi về, làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào. 
Cụ bà Trịnh Văn Bô
(Hoàng Thị Minh Hồ)
Cuối năm 1944, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô bắt mối với Việt Minh qua ông Khuất Duy Tiến, một yếu nhân của Đảng. Ông Tiến bộc bạch, quỹ Việt Minh bỏ ra 5 xu để mua báo cũng khó. Ông bà bán ngay 16 hòm tơ bóng và xuất thêm ngân quỹ của nhà. Đến tháng 7/1945, ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Việt Minh tám vạn rưỡi đồng Đông Dương trị giá 212,5 lạng vàng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, ông Khuất Duy Tiến đưa hai ông bà vào Ban vận động Quỹ độc lập. Ông bà ủng hộ Quỹ tiếp 20 vạn đồng tương đương với 500 lạng vàng và còn đi vận động cho quỹ này được hơn 1 triệu đồng Đông Dương.
Tôi ngước lên vị trí trang trọng treo tấm ảnh chụp tại Nhà hát Lớn trong Tuần Lễ vàng lịch sử. Ông bà Trịnh Văn Bô cùng thân mẫu của ông Bô, ông Phạm Văn Đồng và nhà tư sản Nguyễn Hữu Tiệp, nhà điền chủ Hà Thành (ông ngoại của GS Nguyễn Lân Dũng). Sau đây là lời kể của bà:
“Trong Tuần lễ vàng, vợ chồng tôi cũng ở trong Ban vận động. Tôi lại đóng góp 117 lạng vàng, trong đó tiền riêng của vợ chồng tôi là 103 lạng, còn tôi đưa cho bà mẹ chồng lúc đó đã 85 tuổi một thoi to nhất (14 lạng) để cụ ủng hộ quỹ. Rồi vợ chồng tôi đi vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.
Tôi cứ tiếp tục những công việc như thế, như lo đài thọ cho Thường vụ gồm các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng... khoảng 15 người về ở nhà tôi.
Sau đó, ông Trường Chinh đi đón Bác Hồ về vào ngày 24/8/1945 và ở nhà tôi cho đến 27/9. Bác viết bản Tuyên ngôn Độc lập ở nhà tôi, số 48 Hàng Ngang. Suốt thời gian này gia đình tôi đài thọ hết từ ăn uống, tiệc tùng, may mặc, đi lại. Về sau, người Pháp người ta nói rằng “Bà Trịnh Văn Bô là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh”.
Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà tôi ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng.
Cái quý giá nhất tôi nghĩ không phải là số tiền đó mà chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt một tháng ba ngày và cả Thường vụ đi về, làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào.
Chính ông Cụ đã gây cho tôi ấn tượng khó quên. Cứ như mình đã gặp một ông Bụt hiện hình... Khoảng 9 giờ tôi thường mang hoa quả, nước trà ngon lên mời cụ xơi.
Một lần, cụ đang đánh máy, thấy tôi lên cụ đứng dậy vươn vai và nói: “Cô chẳng có gì khổ, tuổi đời còn ít, đã có hai con trai, hai con gái, lại có cả cơ ngơi thế này”. Tôi nói: “Thưa Cụ, cháu có cái nhục đó là cái nhục mất nước”. Cụ trầm ngâm khẽ khàng: “Thế thì kiên trì, nhẫn nại cô nhé”.
Ôi chao, chỉ mỗi một câu gọn ghẽ thế mà đang từ ngồi trên nhung lụa, bỏ tất đi với kháng chiến. Ở chiến khu, ngồi chuồng trâu nhai cơm với quả cọ om (muối) nhớ đến lời Cụ kiên trì nhẫn nại... Về sau này trúc trắc trong việc đòi cái nhà này lại gẫm đến câu kiên trì của ông Cụ hồi nào… Hình như Trời Phật qua ông Cụ nói câu đó Trời Phật sẽ độ cho…”.
Chiếc tràng kỷ đặc biệt
Bữa ấy, chuyện với cụ bà mỗi lúc một thú vị. Chuyện một ông ở Yên Bái mới mang xuống tặng cụ lạng cao hổ. Vị khách không quen biết ấy giọng nói lập cập như có pha cả nước mắt: “Bà ơi, nhiều gia đình như nhà ta đã góp của góp tình mà nuôi nên nước Việt mình đấy bà ạ. Thế hệ chúng con có bổn phận là phải ghi ơn ấy phải nối chí ấy. Nhưng mà thời nay chả được mấy người”... Lạng cao đó, cụ ngâm thành hai chai rượu. Biếu bên thông gia một chai. Cụ cười: “Chai kia thì tôi uống... Cao hay cái tình, chả biết nhưng uống thấy khỏe ra nhiều...”.
... Ngó suốt lượt gian phòng khách trần thiết thì sang trọng, nhưng đồ đạc tầm tầm bày biện tuềnh toàng trong nhà cụ, tôi để ý đến một chiếc tràng kỷ.
Hỏi thêm cụ, hóa ra cái tràng kỷ này Cụ Hồ từng nghỉ lưng hồi ở 48 Hàng Ngang những đêm ngồi miệt mài với Tuyên Ngôn Độc Lập...
“Toàn bộ đồ đạc nội thất 48 Hàng Ngang, gia đình tôi hiến tất để làm di tích lịch sử, nhưng tôi đã giữ lại chiếc tràng kỷ này. Khi giữ nó lại, tôi đã nghĩ đến một cái ngày nhỡ có mệnh hệ nào thì gia đình cũng còn một kỷ vật riêng về ông Cụ...”.
Bà cụ chậm chạp đứng lên bước về phía tủ, lấy ra một lọ chè. Tỷ mẩn dốc ra, gói thành 2 ấm nhỏ. Bất ngờ, bà vẫy tôi lại bảo mang về mà uống. Thứ chè này hằng bao năm bà vẫn tự tay ướp sen. “Ông Cụ hồi ấy cũng dùng loại chè này đấy...”.
Trước lúc rời nhà bà, ngước sang vệt xanh kế bên của hàng rào chè mạn của nhà 36 Hoàng Diệu, tôi chợt nghĩ lẩn thẩn rằng, biết đâu vào một bữa đẹp trời nào đó, những sải chân chậm chạp của cụ bà Trịnh Văn Bô cùng những bước chân chầm chậm vì tuổi tác của vị đặc đẳng công thần Võ Nguyên Giáp sẽ qua lại thăm nhà nhau? Hàng xóm bây giờ thì đã đành, nhưng có một thời đẹp hơn huyền thoại là Anh Văn từ chiến khu cùng Cụ Hồ về Hà Nội đã từng lưu lại nhiều ngày tại nhà 48 Hàng Ngang của cô chú Trịnh Văn Bô thân thương trong những ngày thu Hà thành 68 năm trước?
Cũng biết mình lẩn thẩn vậy thôi... Tướng Giáp đã trăm tuổi hơn đương những ngày gian nan tuổi cao bệnh trọng trong Quân Y Viện. Còn bà Bô thu này vừa chẵn trăm niên.
Thu năm Tỵ
Có một thời gian khó nhưng đẹp như cổ tích, như huyền thoại của nước Nam ta. Cái thuở ban đầu dân quốc ấy! Hàng ngàn, hàng vạn cây vàng, lượng vàng không phải mang bán đấu giá và bình ổn thị trường vàng như thời điểm vừa rồi mà là sự hằng tâm hằng sản của dân ta với chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ...

Xuân Ba


(từ báo Tiền phong online)