Monday, March 17, 2014

Nói thật cho nhau nghe! (Kỳ 1)




(cóp pi từ Quê Choa)

Sắc Ly & Minh Ẩm 


Xin được thưa mấy lời mở đầu
 
Trong sự phát triển đa dạng và liên tục của đời sống xã hội, với hàng triệu triệu cư dân đủ các giai tầng xã hội, các trình độ, các hoàn cảnh sống khác nhau,... thì luôn có vô vàn cách tiếp cận vấn đề, và sẽ dẫn đến vô vàn nhận thức khác nhau, ở nhiều tầng nấc, đối với thực tiễn. Song vẫn luôn có những tụ điểm của các dòng chảy nhận thức, mà ở đó chúng ta vẫn có thể nhận ra những hiểu biết chung, những tiếng nói chung của số đông cư dân trước những vấn đề lớn và nóng của đời sống xã hội.


Trong đó, đáng chú ý nhất là những băn khoăn, những nỗi niềm suy tư, những điều chưa yên lòng, chưa thông sáng. Những nỗi niềm này đâu có phải dễ dàng bộc bạch và trao đổi ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là với những vấn đề được người ta coi là “nhạy cảm”. Khó khăn này chưa có cách giải tỏa hữu hiệu, mặc dù xã hội ta đang được sống trong nền Văn minh Internet. Hậu quả ắt đến là sẽ ngày càng có nhiều người mắc chứng bệnh stress, đời sống tinh thần trong xã hội không bình yên, luôn bị ức chế, căng thẳng,... Hoặc là sẽ có một bộ phận đáng kể cư dân tỏ thái độ bàng quan, vô cảm với thời cuộc, im lặng hoặc mặc kệ, cứ như không liên quan đến mình. Và do đó, rất khó tạo nên sự đồng thuận xã hội cần thiết.

Chúng tôi được may mắn là có nhiều cơ hội tiếp cận với rất nhiều loại đối tượng cư dân trong cộng đồng, từ cơ sở xã phường cho đến cấp tỉnh, và thậm chí trong cả nước. Đó là các môi trường hoạt động, giao lưu, hợp tác,... của các cấp Hội, đoàn thể, tổ chức xã hội,... từ Hội Hưu trí, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức,... cho đến các Hội khoa học chuyên ngành, Hội đồng môn phổ thông, đại học, Hội đồng hương, Hội đồng Dòng họ,... và chưa kể đến các mối quan hệ hàng ngày với xóm giềng, cùng như mối quan hệ với giới quan chức đang tại nhiệm nữa. Trong những dịp gặp gỡ, giao lưu đó, chúng tôi đã được nghe khá nhiều chuyện, được biết đến nhiều băn khoăn, trăn trở của người dân, kể từ tầng lớp dân thường không có vai vế gì đáng kể trong xã hội. Mấy anh em chúng tôi xin phép lần lượt kể lại một số ít trong vô vàn những băn khoăn đó để mọi người chúng ta cùng suy ngẫm, rồi tìm cách tự tháo gỡ, tìm cách giải tỏa cho nhau, về cả nhận thức và tình cảm. Từ đó mong sao càng có nhiều người trong chúng ta được sáng mắt sáng lòng hơn, tìm được điểm tựa tinh thần (lẽ sống, triết lý sống, niềm tin,...) để mà sống tốt hơn, để đời sống tinh thần của xã hội ta ngày càng thông thoáng và lành mạnh hơn. Những câu chuyện chúng tôi kể lại ở đây có vẻ như là lặt vặt, tản mạn, tầm thường dân dã, nhưng đều rất thật và đều có một “mẫu số chung”. Đó là niềm khát khao, là ước vọng rất “người”: được sống yên bình, thanh thản, tràn ngập lòng yêu thương, tin cậy nhau, giúp đỡ nhau, chia sẻ cùng nhau, không thủ đoạn với nhau, không lừa dối, không hận thù, không giành giật, tranh cướp lẫn nhau, tin và kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước,... trong một thể chế xã hội đúng là dân chủ, công bằng, văn minh thực chất. Hầu hết các câu chuyện đều ở dạng mở, nghĩa là còn dang dở, chưa kết thúc, mà mới chỉ là một sự góp nhặt hiện tượng, gợi mở vấn đề,... để người đọc tư duy tiếp tục. Vì đây là chuyện lượm lặt gần xa rồi kể lại, nhớ đâu kể đấy, nên rất có thể không đảm bảo được tính mạch lạc, lô gích. Mong bạn đọc thông cảm và châm chước để cố nghe được những dòng suy nghĩ thật, những lời nói thật!

1- Câu chuyện thứ 1: Cộng hòa sao lại như còn Vua?

Sau 30 phút đi bộ và tập bài thể dục dưỡng sinh, mấy cụ lại ngồi túm tụm với nhau hàn huyên đủ chuyện. Trong công viên thành phố, tôi cũng tập ở gần đấy nên nghe được câu chuyện hôm nay của các cụ như sau:

- Các cụ có để ý đến tên nước của chúng ta không, ngày trước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bây giờ là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó đều có một từ giống nhau, rất quan trọng nhằm phân biệt với thể chế trước cách mạng, đó là từcộng hòa. Vậy nội hàm của nó là gì?

- Cộng hòa là một thể chế chính trị mà quyền lực tối cao thuộc về cơ quan dân cử, tức là Dân là chủ, khác với thể chế quân chủ do Vua nắm quyền lực tối thượng. Hiểu nôm na là trong thể chế Cộng hòa thì không có Vua, không do Vua cai trị, mà do DÂN làm chủ đất nước.

- Như thế là Cộng hòa luôn gắn liền với Dân chủ (DC), do vậy nên Cụ Hồ mới đặt tên nước ta ngay sau Cách mạng tháng Tám là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Hầu hết các nước hiện nay đều không còn Vua, cả thế giới hình như chỉ còn 17 quốc gia vẫn theo thể chế quân chủ ở các mức độ khác nhau, tức là còn Vua, dù với vai trò cai trị toàn diện hay một phần, hoặc chỉ là danh nghĩa, hình thức.

- Nhưng hình như đa phần các nước không còn Vua vẫn không đặt tên nước là Cộng hòa...., như Việt Nam chúng ta?

- Điều quan trọng không phải ở tên gọi có cái từ cộng hòa hay không, mà là phải xem ở nước đó người ta hiểu và thực hiện DÂN làm chủ đất nước như thế nào (mọi quyền lực đều ở nơi Dân) để khác biệt với Vua cai trị (Vua có quyền lực tối thượng).

- Thế thì ở Việt Nam ta hình như chưa phải là thể chế cộng hòa, còn nhiều chuyện không khớp giữa lý thuyết và thực tiễn, cứ ngẫm đến mỹ từ cộng hòa lại thấy buồn! Có lẽ phải để cho Dân được bàn nhiều về vấn đề này!

- Chỉ cần nêu những hiện tượng dễ thấy nhất vẫn xảy ra thường ngày cũng có thể nhận rõ nghịch lý này thôi.

Thế là sau đó các cụ đều liên tục và sôi nổi đóng góp các hiện tượng mà các cụ gọi là “trái khoáy”, khó chấp nhận đối với một thể chế có tên là cộng hòa!

- Hãy nhìn lại xem những chuyện “đại sự” của cả nước (hay của một địa phương) được bàn và quyết ở đâu? Dân đâu có quyền đó. Đại biểu của Dân (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) thực chất cũng không có cái quyền đó. Cứ xem cơ chế hoạt động của các tổ chức này là biết, bởi vì mọi chuyện đã được quyết xong xuôi ở Bộ Chính trị (hoặc cấp ủy Đảng) rồi, đưa ra Quốc hội (hay Hội đồng Nhân dân) chỉ là hình thức, nhằm pháp chế hóa các việc mà Đảng đã quyết! Sự lãnh đạo của Đảng như vậy thì đâu có phải là tạo điều kiện để Dân được làm chủ đất nước như báo chí vẫn nói, và do đó lại như đã ngầm phủ định bản chất cộng hòa, vừa nêu ở trên? Theo cơ chế đó thì Đảng là tối thượng, nắm giữ quyền lực cao nhất, chứ đâu phải là Dân, chẳng khác gì Vua ngày xưa! Chả thế mà ngay cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phải nói thẳng ra là ở Việt Nam ta đang có Vua tập thể!

- Lại nhìn đến khâu cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, tức là tầng lớp quan chức, thì cũng là chuyện ngược với lý thuyết. Dân đâu có quyền chọn cử cán bộ, tất cả đều do Đảng quyết: phải là Đảng viên, phải là “Đảng cử, Dân bầu”,... chưa kể đến chuyện hành lang nhưng là rất quan trọng, đó là phải xem xét theo thứ tự các tiêu chí “Quan hệ” - “Hậu duệ” - “Tiền tệ” - “Trí tuệ”! Trong khi đó thì số đông những người này đều đã và đang ở dạng hư hỏng với các mức độ khác nhau, không thật lòng “Vì Dân, vì Nước”, thiếu cả Đức lẫn Tài, chỉ giỏi chạy chọt và đục khoét, không được Dân tín nhiệm! Kể cả các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước (Bộ Chính trị) hay của một địa phương (cấp ủy Đảng) thì Dân cũng đâu có được chọn cử, thế mà họ lại là người nắm vận mệnh của Dân của Nước! 

- Một đặc trưng của cơ chế cai trị của Vua là “cha truyền con nối”, “con Vua rồi lại làm Vua”, mà ở các thể chế cộng hòa ngày nay chỉ còn thấy ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Thế mà Hiến pháp sửa đổi 2013 của chúng ta vẫn tiếp tục tái khẳng định điều 4 (vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội), thì đó là cái gì, nếu không gọi là sự thể hiện tư tưởng cai trị phong kiến như nói ở trên (tuy rằng không trơ trẽn và cực đoan như ở Triều Tiên). Đảng Lao động Việt Nam thời cụ Hồ khác xa, khác hẳn Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Đảng ngày trước xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước, được Dân tin yêu. Đảng ngày nay vẫn cố bám lấy danh nghĩa Đảng của cụ Hồ, nhưng bây giờ đã biến chất quá nhiều, vừa thiếu năng lực vừa thiếu một tấm lòng vì Dân, đã bị mất lòng tin ở nơi Dân, thì sao còn xứng đáng với vai trò như trước đây nữa, Dân có ủy thác cho Đảng vai trò này nữa đâu, mà là do Đảng tự nhận đấy chứ! Không thể tìm thấy cái lý lẽ vững chắc, minh bạch và có sức thuyết phục để khẳng định được sự tiếp nối đương nhiên này! Mặt khác, với sự tái khẳng định như vậy, nhưng lại chưa có Luật về sự lãnh đạo đó, và thực tiễn cơ chế lãnh đạo của Đảng vẫn chưa có sự đổi mới cần thiết theo hướng dân chủ hóa. Với thực trạng đó thì cái đặc trưng Dân làm chủ và không có Vua của thể chế cộng hòa vẫn không thể trở thành hiện thực, nó vẫn chỉ là ước nguyện xa vời, là cái “bánh vẽ” đang treo rất cao! 

- Đi kèm theo độc quyền đó là vô vàn các quy định (thành văn hoặc không thành văn) rất chi là “bảo hoàng”, chỉ phục vụ cho những thế lực là “Vua”, hoặc gần “Vua”, hoặc tay chân của “Vua”! Chỉ xin nhắc lại hai chuyện sau đây, tuy không lớn nhưng là chuyện ở tầm quốc gia, cũng đủ để thấy cái vị thế “hoàng tộc” trong thể chế hiện nay, so với cái “danh ảo” làm chủ của Dân:

* Nhân chuyện các vị quan chức cấp cao mất, được an táng tại Nghĩa trang quốc gia Mai Dịch, nhiều người lên mạng tra cứu về nghĩa trang này, mới biết đến các quy định độc đoán và không hợp lòng Dân của Nhà nước ta. Quy định rằng chỉ có các quan chức hàm Thứ trưởng hoặc Ủy viên Trung ương Đảng trở lên mới được an táng ở đó! Thật là vô lý, vì ai cũng biết Nghĩa trang quốc gia chỉ là nơi an nghỉ của những người có công với Dân với Nước. Được an táng ở đây là một vinh dự, như là một sự ghi nhận công lao và đức độ của từng người ở diện này. Sự ghi nhận đó phải từ Lòng Dân, Dân phải thật sự kính trọng và tôn vinh, chứ không thể chỉ nhìn vào chức tước. Số người này đâu có nhiều, bởi vì có phải cứ ai làm đến quan chức cao cấp Trung ương đều là những nhân vật đáng tôn kính và tưởng nhớ đời đời đâu mà đưa vào Nghĩa trang quốc gia. Lâu nay đã có rất nhiều quan chức cao cấp Trung ương hư hỏng, thậm chí phạm tội, hơn nữa con đường thăng quan tiến chức của số đông trong họ đâu có sạch sẽ và quang minh chính đại, bị Dân khinh ghét, thậm chí oán giận. Kể cả những vị đã được an táng ở đó rồi thì cũng có khá nhiều trường hợp không xứng đáng, nên thực tế đã làm mất đi cái thiêng, cái tôn nghiêm và cao cả vốn có của Nghĩa trang quốc gia! Chả thế mà đã có vị lão thành thừa tiêu chuẩn nhưng dứt khoát khước từ “ân huệ” đó, dặn lại con cháu đưa thi hài về quê!

* Hiện nay số đảng viên đã lên đến 3 triệu, đi theo đó là một bộ máy Đảng vô cùng cồng kềnh. Tất cả chi phí cho hoạt động của Đảng đều lấy từ ngân sách quốc gia, tức là từ tiền thuế của Dân. Nhiều năm gần đây lại nảy sinh thêm chuyện tiền thưởng cho các đảng viên tròn 30, 40, 50, 55, 60, 65,... tuổi Đảng, tính bằng tiền triệu đồng/người. Tiền này lại cũng lấy từ tiền đóng thuế của Dân! Thế nên Dân hỏi: Công lao gì với Dân với Nước mà được thưởng? Chả nhẽ chỉ do số năm ngồi trong Đảng nhiều, mang danh hiệu đảng viên lâu năm là đáng tôn vinh và khen thưởng sao? Thật là khôi hài và trơ trẽn! Thực tế là trong số hơn 3 triệu đảng viên hiện nay, ngoài những đảng viên là quan chức các cấp (mà một bộ phận không nhỏ là hư hỏng), thì đa phần chỉ là những công dân bình thường, công chức bình thường. Ai làm việc tốt cho cộng đồng thì đã được xét khen và thưởng theo công việc rồi còn gì? Rõ ràng “đặc lợi” này là một sự lạm dụng, lạm quyền thô bạo quá đáng, với động cơ “mị đảng viên”, là một cách tự “trang điểm” thô vụng cho Đảng, rất không đàng hoàng và trong sáng! Chả thế mà đã có đảng viên lặng lẽ từ chối “đặc lợi” đó, không màng đến việc nhận tiền thưởng này!
Có lẽ câu chuyện về nền cộng hòa của chúng ta còn dài dài, không những đối với các cụ ở Câu lạc bộ dưỡng sinh này, mà cũng rất dài dài đối với mọi người dân Việt Nam, còn tốn nhiều giấy mực và tâm huyết của hàng triệu người!

2- Câu chuyện thứ 2Nhà nước ta bây giờ không đứng về phía người lao động nghèo như thời khởi đầu nữa rồi!

Nhìn vào hiện tượng cũng như xem xét vào bản chất thì quả đúng như vậy. Đặc biệt là với những ai đã từng sống và được trải nghiệm qua thực tiễn đất nước ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, rồi qua hai cuộc kháng chiến, thì nhìn ra điều này rất rõ. Khác lắm, rất khác với những gì đã được giác ngộ, đã từng tin tưởng và kỳ vọng. Từ khó hiểu dần chuyển sang lo buồn và chán nản, thậm chí thất vọng và phẫn nộ! Cho đến hôm nay, theo phát ngôn, theo văn bản thì ai cũng vẫn nghe những tuyên bố rất hay, những mỹ từ rất mát lòng, mát dạ: “đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc”, “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, … Cứ như tuyên ngôn đó thì ai cũng phải hiểu là Nhà nước ta luôn đứng về phía lợi ích của Dân, đặc biệt là người lao động và người nghèo, luôn bảo vệ lợi ích của người lao động và người nghèo. Nhưng thực tiễn nhiều chục năm đổi mới lại đây thì “nói vậy mà không phải vậy”, ở đâu cũng gặp những nghịch cảnh rất khác! 

Thử nhìn xem hiện nay giai tầng nào thiệt thòi nhất và khổ nhất? Đó là tầng lớp lao động nghèo ở cả thành thị và nông thôn, mà đại diện là công nhân (nhất là công nhân áo xanh, trình độ kỹ thuật thấp) và nông dân. Lương bình quân của công nhân chỉ đủ nuôi sống bản thân ở mức luôn túng thiếu (đến nỗi không đủ tiền về quê ăn Tết hàng năm), chứ không thể tái tạo sức lao động có chất lượng, không thể nuôi nổi con cái. Đời sống công nhân luôn bấp bênh, luôn bị đe dọa bởi thất nghiệp và sự hao mòn sức khỏe cũng như bệnh nghề nghiệp, luôn bị chủ doanh nghiệp bắt nạt và xâm phạm nhân phẩm, bị nợ lương và quỵt các chế độ, không được phép đình công, không được có tiếng nói đủ mạnh đối với giới chủ, không được chính quyền và đoàn thể bảo vệ thật lòng và triệt để,...

Còn thu nhập bình quân của nông dân luôn ở mức thấp nhất trong xã hội; thu nhập bình quân của nông dân nghèo chỉ là 4,2 triệu đồng/năm – số liệu 2013. Nông dân vẫn luôn là bộ phận nghèo nhất và chiếm tỷ lệ áp đảo trong các đối tượng người nghèo của xã hội ta. Chỉ với thu nhập thuần túy nông nghiệp thì quả là không đủ nuôi chính mỗi người nông dân. Năng suất lao động và lợi nhuận từ nông nghiệp Việt Nam tăng tiến rất chậm, và hiện vẫn rất thấp so với khu vực, do không được đầu tư thích đáng về các nguồn lực, không có chính sách bảo vệ cho sản xuất nông nghiệp. Đời sống ở nông thôn và của nông dân vẫn lạc hậu và chậm đổi mới, luôn bị nạn thiếu đói đe dọa, nhất là khi có thiên tai,... Khổ nhất và oan trái nhất là tai họa bị mất đất canh tác, đất ở, do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa vô lối và chính sách thu hồi, đền bù không sòng phẳng và bất công, bị tầng lớp quan tham và cường hào mới các cấp áp bức, ăn chặn! Quyền lợi chính đáng của nông dân không được bảo vệ một cách công bằng và đúng pháp luật!...

Điều đáng chú ý là trong giới quan chức lãnh đạo và quản lý các cấp hiện nay, không còn ai thuộc hai giai tầng này nữa, hoặc đã biến chất hoàn toàn, mất gốc hoàn toàn, về cả mặt kinh tế và ý thức hệ! Họ đã trở thành người của “phía bên kia” rồi, nhưng họ vẫn luôn tự vỗ ngực là mang bản chất giai cấp công nhân, là đại biểu trung thành cho quyền lợi của người lao động!

So với trước đây thì vị thế kinh tế và chính trị của cả hai giai tầng này đều bị hạ thấp đến mức thảm hại. Thực tế thì giai cấp công nhân không còn là giai cấp lãnh đạo, và cả hai giai cấp này không còn là chủ lực quân của sự nghiệp đổi mới, như trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc nữa. Thực tế thì họ đã và đang trở thành tầng lớp đáy của xã hội, về kinh tế thì bị bóc lột nặng nề nhất, và ngày càng bị bần cùng hóa! Tổ chức Công đoàn và Hội Nông dân tuy về danh nghĩa vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng hoạt động rất hình thức, rất kém hiệu quả, nhất là trong chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động! Tiếng nói của hai tổ chức này không có trọng lượng trên các diễn đàn chính trị, dân sự cũng như trong các tranh chấp kinh tế - xã hội! 

Trong khi đó, cũng từ khi đất nước đi vào đổi mới, thì trong xã hội ta đã và đang hình thành một giai tầng mới, đối lập với hai giai tầng nói trên, có thế lực ngày càng mạnh cả về kinh tế và chính trị. Đó là tầng lớp người giàu mới, mà thành phần chủ yếu là các doanh nhân và quan chức tham nhũng. Một giai cấp mới đã ra đời, đó chính lại là giai cấp mà chúng ta đã đánh đổ nó trong hai lần cải tạo xã hội chủ nghĩa ở cả hai miền Nam, Bắc. Thực chất thì họ chính là những nhà tư bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó bộ phận “tư bản đỏ” là rất nguy hiểm. Đa phần thành viên của tầng lớp này giàu lên rất nhanh chóng bằng những thủ đoạn kinh doanh bẩn thỉu, phạm luật hoặc lách luật, dựa trên sự bóc lột và gian lận (phải khẳng định là đa phần, bởi vì vẫn có những doanh nhân biết làm giàu chính đáng bằng chất xám sáng tạo và đạo đức kinh doanh chân chính, nhưng số này không nhiều và thường không trụ được lâu dài, thường bị cô lập). Họ cũng giàu lên từ tham nhũng, ăn cắp tài sản nhà nước, rửa tiền bẩn rồi đầu tư trở lại qua cổ phần,... Có những nhà “tư bản đỏ” tuy không trực tiếp tham gia kinh doanh nhưng luôn đứng đàng sau, làm hậu thuẫn cho giới chủ, họ góp cổ phần, họ cung cấp thông tin, họ tham mưu xây dựng chính sách có lợi cho giới chủ, họ tham gia tháo gỡ bế tắc khi giới chủ gặp khó khăn, để rồi được “lại quả”. Cho nên có thể nói phương thức làm giàu chủ yếu của người giàu thời nay là kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh, đa phần là lối làm ăn không đàng hoàng, minh bạch, tử tế. Nhưng họ lại được nhà nước ta khoác cho chiếc áo rất đẹp: tầng lớp Doanh nhân! Họ có hẳn một ngày Doanh nhân Việt Nam, họ đang được đề cao một chiều, được tôn vinh quá mức, như là lực lượng cứu tinh cho nền kinh tế, như là một lực lượng chính trị quan trọng số 1 của đất nước! Theo đó, lực lượng này đang thao túng đất nước ngày càng sâu, cả về kinh tế và chính trị. Thực tế thì đã và đang có một sự cố kết chặt chẽ giữa thế lực nhà giàu và giới quan chức hư hỏng, một sự cố kết nguy hiểm và luôn tiềm ẩn một nguy cơ khó lường! Giai cấp tư sản mới có thế và lực mạnh hơn rất nhiều, cả về kinh tế và chính trị, so với tầng lớp tư sản trước đây đã bị đánh đổ. 

Trong thực tiễn đổi mới nhiều chục năm nay, nhà nước ta thường luôn đứng về phía lợi ích của tầng lớp giàu, đối xử thiên vị so với công nhân, nông dân và người lao động nghèo. Chỉ cần xem lại hai chuyện: Chuyện nhà nước lấy đất của nông dân giao cho các nhà đầu tư (nhà giàu), dưới danh nghĩa phát triển kinh tế - xã hội. Dựa vào đó mà các ông bà đại gia này thả sức phát triển kinh doanh quy mô lớn hơn, đa ngành hơn và tiếp tục làm giàu, hoặc để rồi sau đó họ lại được giới quan chức “bật đèn xanh” phân lô bán lại đất kiếm lời gấp bội (tất nhiên có sự chia chác lợi nhuận). Để rồi từ đó mà hàng triệu nông dân trở thành thất nghiệp, tha phương kiếm sống! Rồi chuyện nhà nước làm ngơ trước nạn bóc lột và áp bức của giới chủ đối với công nhân, rồi lại cấm công nhân đình công! Thực tế thì lợi ích của tầng lớp doanh nhân mới luôn gắn liền với lợi ích của giới quan chức tham nhũng, của các nhà “tư bản đỏ”, tạo nên các nhóm lợi ích trong giới quan chức và trong xã hội, đương nhiên là cả trong Đảng. Những hoạt động xóa đói giảm nghèo, từ thiện, hỗ trợ người nghèo,... mà họ tham gia với cộng đồng chẳng qua chỉ là những “động tác giả”, họ chỉ cần chi ra một chút xíu lợi nhuận khổng lồ, để hòng che mắt thế gian cái bản chất làm giàu bất chính của bọn họ, và mong xoa dịu sự bất bình của người dân trước thái độ bênh che người giàu, bạc đãi người nghèo của nhà nước mà thôi! Ở nước ta trong nhiều chục năm nay, tầng lớp doanh nhân và “tư bản đỏ” (giàu, cực giàu) càng tăng lên, đi cùng với tầng lớp trung lưu ăn theo (khá giả) cũng nhiều lên đáng kể, thì tầng lớp lao động nghèo, mà đại diện là công nhân và nông dân, lại càng rơi vào tình trạng bần cùng hóa (cả tương đối và tuyệt đối), khoảng cách thu nhập càng doãng xa nhanh và hố sâu ngăn cách giàu - nghèo càng tiếp tục tụt sâu hơn! Khoảng cách giàu - nghèo này cũng đang dần trở thành khoảng cách khó lấp, thậm chí thành sự đối lập, giữa Dân với Đảng! Bọn họ thì ngày càng giàu lên, còn ngân sách đất nước càng bị thất thoát, thất thu, các loại nợ trong nợ ngoài ngày càng chồng chất để lưu lại cho các thế hệ con cháu trong tương lai! Chưa kể đến những thảm họa về môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, đạo đức xã hội băng hoại! Đó đang và sẽ là bộ mặt hiện thực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi một cách thiếu tỉnh táo, thiếu trí tuệ, và thực hiện một cách méo mó, mà ai cũng phải gọi đó chỉ có thể là một xã hội tư bản chủ nghĩa hoang dã. Và giai cấp tư sản mới hiện nay đúng là loại tư bản man rợ, chứ không phải là tư bản văn minh của xã hội hiện đại!

Nếu cứ tình hình như thế này thì tương lai đất nước sẽ ra sao đây, bao giờ thì đến chủ nghĩa xã hội, ai dám bảo đảm nhà nước và Đảng vẫn là chỗ dựa của công nông, và vẫn dựa vào công nông, vẫn là của Dân, do Dân và vì Dân, vẫn ngày càng gắn bó máu thịt với Dân?!

Trên đây chính là nội dung chủ yếu của câu chuyện tâm tình thường ngày giữa các thành viên nhóm hưu trí xóm tôi, phần đông là nữ, trong đó có người nguyên là công nhân, có người là cựu giáo chức, là cựu chiến binh, có người nguyên là cán bộ tuyên giáo, là nhân viên hành chính, có người nguyên là cán bộ y tế,... nhưng đều đang có con cái làm công nhân hoặc đi xuất khẩu, đều có bố mẹ và họ hàng là nông dân ở quê. Họ luôn băn khoăn, lo lắng cho tương lai, họ ngao ngán trước thực trạng của bà con họ hàng là lao động nghèo! Họ luôn trao đổi để mà an ủi nhau thôi, chứ vẫn không tìm được lời giải đáp thỏa đáng!

3- Câu chuyện thứ 3Tiền sạch và tiền bẩn?

Đây lại là chuyện của bọn trẻ mới lớn, tuy ngây thơ nhưng lại nêu lên một vấn đề xã hội nóng bỏng, lại ẩn chứa một triết lý sống, chưa có lời lý giải rõ ràng, cũng như chưa có cách hóa giải hiệu quả của người lớn, của bề trên. 

Một người bạn vong niên với tôi kể lại cho tôi nghe và nhờ góp ý, về câu chuyện hai ông cháu của ông từ hồi Tết năm ngoái. Tôi xin chép lại một cách vắn tắt lời kể của ông bạn già đó để các bạn cùng đọc và suy ngẫm. 

Từ câu hỏi của thằng cháu (13 tuổi, đang học cấp II), hai ông cháu đã trao đổi như sau:

- “Rửa tiền” là gì hả ông?

- Trong đời sống thường ngày, mọi thức ăn, vật dụng có cái sạch cái bẩn, có lúc sạch lúc bẩn, thứ gì bẩn thì phải rửa đi cho sạch thì mới dùng được. “Tiền bẩn” cũng phải “rửa” sạch thì mới tiêu được một cách bình thường.

- Tiền thì lúc nào chả bẩn, cháu thấy bà bảo vì tiền phải trao đổi liên tục hàng ngày, qua trăm nghìn bàn tay nên đương nhiên là rất bẩn. Do đó sau khi cầm tiền thì phải rửa tay, và luôn nhớ không để tiền lẫn lộn với thức ăn và vật dụng sạch.

- Hiểu như cháu là nghĩa đen của cái bẩn, tức là cái bẩn sinh học của tờ giấy bạc, thì hầu như ai cũng hiểu được như cháu. Còn ở đây, điều mà cháu đang hỏi ông, là về cái “bẩn” của đồng “tiền bẩn” mà người ta phải “rửa” thì lại khác đấy. Chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng của từ đơn “bẩn” trong từ kép “tiền bẩn”, tức là xét đến mặt xã hội của cái “bẩn” trong thứ “tiền bẩn” đó. Điều này không phải ai cũng nhận ra được dễ dàng như cái “bẩn” sinh học mà cháu vừa nói ở trên.
- Ông nói cháu chưa hiểu, sao lại rắc rối thế? 

- Đúng là hơi khó đấy, vì đây là nghĩa bóng của các từ được dùng. Cháu đã học về nghĩa bóng trong Tiếng Việt rồi mà. Thôi được, ông sẽ nói qua ví dụ cụ thể thì chắc là cháu hiểu ngay. Thế này nhé, lương giáo viên của mẹ cháu tuy không nhiều, nhưng đó là những đồng “tiền sạch”, tiền công của mấy bác cửu vạn đang san nền nhà bên kia đường, tuy còn “bèo” nhưng cũng là “tiền sạch”. Còn những đồng tiền của bọn ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, của bọn buôn gian bán lận, trốn thuế, của bọn quan chức tham nhũng,... thì đều là những đồng “tiền bẩn”. Khái quát lên thì “tiền sạch” hay “tiền bẩn” là do cách kiếm ra nó là “Sạch” hay “Bẩn”, tức là có đúng pháp luật hay không, có hợp đạo lý hay không, có phải do lao động chân chính của bản thân mình hay không,... Nếu cách kiếm tiền là chính đáng, đúng đắn, hợp lẽ, phải đạo,... thì là “tiền sạch”, còn ngược lại thì là “tiền bẩn”. Cũng có một cách hiểu khác, gọn và chưa thấy ai phản bác, đó là: những đồng tiền mà chủ của nó không giải thích được minh bạch nguồn gốc thì đích thị là “tiền bẩn”.

- Cháu tạm hiểu, thế còn việc “rửa tiền” là thế nào?

- “Rửa” tiền cũng phải hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa là bọn xấu không thể “rửa” “tiền bẩn” bằng nước như ta rửa tay bẩn đâu. “Rửa” “tiền bẩn” ở đây được hiểu là cách biến những đồng tiền có nguồn gốc phi pháp, bẩn thỉu thành những đồng “tiền sạch” hợp pháp. Vì “tiền bẩn” là tiền phi pháp, nếu tiêu đàng hoàng, công khai thì dễ bị phát giác và bị pháp luật xử lý. Để “rửa tiền” thì đương nhiên là bọn chủ phải tuân theo các thủ tục giao dịch với các cơ quan tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp,... phải dựa vào những kẻ hư hỏng trong các cơ quan đó, phải biết lợi dụng những điều khoản chưa chặt chẽ (kẽ hở) của pháp luật (gọi nôm na là lách luật),... Ví dụ: mang “tiền bẩn” cho con cháu (chuyển vào tài khoản của con, lập sổ tiết kiệm đứng tên con, mua bất động sản để tặng,...), gửi tiết kiệm ở các ngân hàng dưới nhiều tên khác nhau, đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp, lập ra các dịch vụ từ thiện, chuyển ra nước ngoài,... Đáng chú ý là các thủ đoạn “rửa” tiền của các quan chức tham nhũng, thường là đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp nhà nước (được gọi là “sân sau” của họ),... Như thế thì việc “rửa tiền” (và liên quan) đích thị cũng là một hành vi “bẩn”, bị xã hội lên án, và hơn thế còn là một việc làm phi pháp, bị pháp luật trừng trị. 

- Cháu đã hiểu hơn lúc ban nãy rồi, ông ạ!

- Thế do đâu mà cháu biết đến chuyện “rửa tiền”?

- Cháu nghe trên đài và xem trên báo đấy. Và thêm nữa, hôm rồi bọn con trai lớp cháu cứ đổ dồn trêu thằng LN là con nhà “đại gia rửa tiền”, cháu chả hiểu gì cả!

- Đúng là chuyện này đã được báo chí đề cập, nhưng còn quá ít và quá nhẹ nhàng, chưa thấm vào đâu so với sự thật cháu ạ. Đây vừa là chuyện đạo đức, vừa là chuyện pháp luật, và cao hơn chính là chuyện Lẽ sống của con người trong xã hội. Thế giới cũng đầy rẫy những chuyện này, nhưng ở nước ta theo thể chế xã hội chủ nghĩa và luôn nêu cao chuyện học tập đạo đức Bác Hồ mà cũng như vậy thì quả là trớ trêu, là chuyện rất bất bình thường. Hiện nay trong đời sống hàng ngày, chúng ta vẫn đang gặp và tiêu lẫn lộn cả hai thứ tiền này, vì chả có dấu hiệu vật chất gì để phân biệt được. Ông cháu ta nói với nhau như vậy là muốn tìm hiểu mặt bản chất xã hội của đồng tiền, để từ đó chúng ta biết cách kiếm ra những đồng “tiền sạch”, tức là biết cách sống lương thiện, đàng hoàng, biết cách chống lại sự tha hóa nhân cách, trong khi cuộc sống đời thường luôn đầy rẫy các cám dỗ và cạm bẫy! Chuyện “tiền sạch, tiền bẩn” không hề đơn giản đâu cháu ạ. Nay mai cháu lớn hơn, học nhiều hơn thì cháu sẽ hiểu thấu đáo hơn những điều ông nói, và còn phải biết nhiều điều khác nữa ẩn chứa trong đó!

Nghe xong chuyện ông kể, tôi cũng chưa biết nên góp ý với ông thế nào cho đúng với yêu cầu của ông.

S. L. & M. Â.