Tuesday, April 22, 2014

AI LÀ "CHU VĨNH KHANG" CỦA VIỆT NAM?



Trọng án Chu Vĩnh Khang, dấu ấn Tập Cận Bình


Châu Quang


Chu Vĩnh Khang - Tập Cận Bình.

Chu Vĩnh Khang – Tập Cận Bình. 


Khi nói đến chuyện loại trừ các đối thủ chính trị, nếu sử sách Trung Quốc nêu bật vụ Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu dưới triều đại Mao Trạch Đông thì có nhiều phần chắc các nhà sử học sau này sẽ nhắc đến vụ Chu Vĩnh Khang dưới triều đại Tập Cận Bình.
Ở Việt Nam dưới triều đại Lê Duẩn, giả sử có thách thức quyền lực giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ với kết quả Lê Duẩn “hốt gọn, hốt hết” Lê Đức Thọ và phe nhóm; giả sử dưới triều đại Nguyễn Văn Linh, Kiệt đừng bị Linh “đì” đến nơi đến chốn, để cho Kiệt tiến thêm bước nữa, Việt Nam có lẽ bây giờ đang đi về hướng khác?
Tiếc rằng lịch sử và vận mệnh một nước không có chữ “nếu.”
Bảy nhà báo của tờ The New York Times, vừa ngồi tại chỗ, vừa đến nhiều phần đất khác nhau trên thế giới để đóng góp cho một bài báo chi tiết về vụ Chu Vĩnh Khang.
Tư thế Chu Vĩnh Khang trước khi thất sủng
Là con của một người nuôi bò là nghề chính, bắt lươn là nghề phụ; ông Chu Vĩnh Khang đã ngoi lên để trở thành một trong những chính trị gia được người trong nghề hễ nghe đến tên là phát rét.
Họ Chu khởi nghiệp với vai chuyên viên tại một giếng dầu. Trong hơn 10 năm, từ những năm giữa của thập niên 1970 đến những năm sau của thập niên 1880, ông leo dần lên chức vụ thành viên ban quản lý giếng dầu Liêu Hà ở miền Đông Bắc. Tiếp tục leo lên nữa cho đến khi đứng đầu CNPC, tập đoàn năng lượng lớn nhất Trung Quốc, sản xuất hơn phân nửa dầu hỏa và ba phần tư khí đốt của nước này.
Sau đó, ông trở thành bí thư Tứ Xuyên, một trong những tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc. Năm 2002, ông là Bộ trưởng Công An. Năm 2007, ông là ủy Bộ Chính Trị, không phải là ủy viên xoàng mà là ủy viên Ban Thường Vụ, nắm mảng công an cảnh sát, tòa án và tình báo quốc nội quốc ngoại.
Dù đã là trùm an ninh, ông Chu Vĩnh Khang vẫn không quên để mắt đến ngành dầu khí. Thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm các cơ sở của CNPC ở trong và ngoài nước. Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là tháng 10 năm ngoái khi ông đến thăm Trường đại học Dầu hỏa Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngôi trường ông đã theo học. Tại đây ông đã động viên các sinh viên hãy thực hiện khẩu hiệu của nhà trường: “Tôi sẽ đóng góp dầu hỏa cho tổ quốc.”
Nói cách khác, ông vẫn giữ ảnh hưởng tại CNPC, tập đoàn có doanh số hơn 400 tỉ đô la một năm, có mặt từ Sudan đến Venezuela, có các công ty con chằng chít khắp ngõ ngách Trung Quốc, viên nam châm thu hút những người muốn tìm cơ hội tạo quan hệ doanh nghiệp hoặc chính trị.
Mẻ lưới vây bắt
Ông Chu Vĩnh Khang gặp cái tát đầu tiên vào cuối năm 2012, chẳng bao lâu sau khi ông Tập Cận Bình ngồi vào ghế Chủ tịch. Trong vòng ba tuần lễ sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức và ông Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu, nhà chức trách tóm một quan chức cao cấp của tỉnh Tứ Xuyên, đã ngồi vị trí này nhờ sự nâng đỡ của Chu Vĩnh Khang. Sau đó, cơ quan chức năng còn hoặc tạm giam hoặc thông báo điều tra gần 30 người từng là trợ lý hoặc đối tác của Chu Vĩnh Khang, trong đó có 6 người thuộc hàng giám đốc của “nhóm lợi ích” CNPC.
Nhiều người khen ông Tập Cận Bình là người cao tay ấn, mới lên làm Chủ tịch mà đã dám chơi một con hổ mà con hổ không thấy quật lại, hay là họ Tập đã chuẩn bị kỹ từ khi còn làm phó cho Hồ Cẩm Đào và được họ Hồ bật đèn xanh?
Nhiều người cũng khen ông Chu Vĩnh Khang, nói ông không phải là một con hổ mà đúng ra là một con cáo già, bởi vì những giấy tờ điều hành các doanh nghiệp, các công chuyện làm ăn của bà con và ‘nhóm lợi ích’ của ông không tờ nào có tên Chu Vĩnh Khang cả. Và cho tới giờ phút này, các cơ quan chức năng cũng chưa trưng được nhân chứng, vật chứng nào cho thấy ông Chu Vĩnh Khang làm gì trái luật, nếu đảng áp dụng tính minh bạch thì khó có thể buộc ông vào tội gì.
Bà con ăn theo
Báo The New York Times cho rằng có ít nhất ba người bà con của ông Chu Vĩnh Khang hưởng lợi thông qua CNPC.
Thứ nhất là người phụ nữ lấy ông Chu Lang Ưng, em trai ông Chu Vĩnh Khang. Doanh nghiệp chính của bà Chu Lang Ưng là Công ty Đầu tư Hồng Phương, chiếm từng lầu thứ 21 của tòa nhà Tân Bảo Lợi, một tòa nhà đẳng cấp ở Bắc Kinh, nằm cách đại bản doanh của tập đoàn CNPC không xa. Từ từng lầu thứ 21 này, bà Chu Lang Ưng đã điều động các vụ mua tài sản của CNPC trong tỉnh Tứ Xuyên, nơi mà người anh chồng của bà đã lãnh đạo; cùng nhiều vụ mua bán, thâu tóm khác.
Cuối năm 2013, nhân viên đang làm cho Công ty Đầu tư Hồng Phương ở từng 21 bỗng nhiên nhận được lệnh khỏi cần đi làm nữa, sau khi có nhiều viên chức xuất hiện một hôm trước đó, nói là để kiểm tra sổ sách của công ty. Bây giờ thì từng lầu này đã đóng cửa then cài.
Bà Chu Lang Ưng khởi nghiệp từ một chân bán hàng ở một tiệm bách hóa, thăng cấp giám thị, nghỉ làm ở tiệm ra mở một công ty cung cấp hàng hóa, trước khi nghỉ hưu năm 2001 ở tuổi 50.
Bà tái xuất hiện vào năm cuối năm 2007, vài tuần sau khi người anh chồng thăng chức Ủy viên Thường Vụ của Bộ Chính Trị. Bấy giờ bà mở công ty đầu tư Hồng Phương, đứng tên chung với người con trai Chu Phương.
Trước đây, vợ chồng bà sống trong hai căn liền kề, tầng thứ 4 trong khu chung cư có các căn hộ cao cấp ở Vô Tích. Cũng chính tại nơi này, nhà chức trách đã đến bắt tạm giam hai ông bà vào đầu năm ngoái. Khi nhà báo hỏi anh bảo vệ có thế ông bà trở về lại chung cư không, anh đùa: “Không, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ trở về nữa.”
Người thứ nhì là Chu Bân, con trai ông Chu Vĩnh Khang. Ông Chu con 42 tuổi này có phần hùn lớn nhất trong công ty bán thiết bị cho các giếng dầu của Liêu Hà và CNPC tại ít nhất là ba tỉnh. Tốt nghiệp chuyên ngành Anh văn tại một trường đại học ở Tứ Xuyên, Chu Bân du học Mỹ, thường trú tại trường đại học Texas ở thành phố Dallas, sống ở đó trong gần 10 năm trong những năm 1990. Từ khi trở về Trung Quốc vào những năm đầu thập niên 2000, anh không ồn ào như các thái tử đảng khác, chỉ âm thầm kiểm soát bên trong các doanh nghiệp anh có phần hùn. Trong thời gian làm du sinh bên Mỹ, qua bạn bè giới thiệu, anh quen với cô Hoàng Vân và hai người lấy nhau. Về mặt chính thức, tên của Chu Bân chỉ xuất hiện trong công ty bán thiết bị cho CNPC; các công ty còn lại đều do bà mẹ vợ đứng tên.
Bà Chiêm Dân Lợi, mẹ vợ Chu Bân, thông gia ông Chu Vĩnh Khang, đang sống tại Quận Cam, California trong một xóm có nhiều người về hưu. Căn nhà kiểu trang trại, có vườn rộng, trị giá khoảng 700.000 đô la.
Bà cụ tóc bạc và dáng người thấp này chỉ mở cửa tiếp các nhà báo sau khi họ luồn tờ giấy có các câu hỏi dưới khe cửa trước nhà bà.
Bà Chiêm cho biết hai vợ chồng bà sống ở Mỹ gần 30 năm, vừa có quốc tịch Mỹ vừa giữ quốc tịch Trung Quốc. Lúc mới đến Mỹ, họ ở Maryland, sau dời về New Jersey và cuối cùng mới về Quận Cam.
Bà Hoa kiều Mỹ này nói rằng tất cả tài sản mang tên bà đều do Chu Bân kiểm soát. Căn nhà mang tên bà ở Bắc Kinh thuộc một khu vực cao cấp. Vào năm 2010, một căn trong khu này có thể bán được hơn 11 triệu đô.
Bà Chiêm có tên trong nhiều công ty làm ăn với tập đoàn CNPC. Cùng đứng tên với bà còn có Mễ Hiếu Đông, 43 tuổi, một bạn học của Chu Bân. Các công ty này đầu tư vào các dự án dầu khí ở Hải Nam và Hà Bắc, một dự án bất động sản ở ngoại thành Bắc Kinh.
Hồ sơ của công ty Trung Húc cho thấy trước đây, bà Chiêm có 80% phần hùn trong công ty. Công ty thành lập vào năm 2004 với số vốn hơn 4 triệu đô la, chuyên bán thiết bị cho các giếng dầu của CNPC trên khắp Trung Quốc. Từ khi ông Chu Vĩnh Khang vào Thường vụ Bộ Chính Trị năm 2007 cho đến khi công ty Trung Húc bị kiểm toán vào năm 2012, vốn của công ty đạt 27 triệu đô la.
Bà Chiêm nói rằng mình không làm điều gì sai trái, chuyện đứng tên cho con rể là chuyện bình thường của người Trung Quốc, và bà không biết gì nhiều về các khoản đầu tư có tên mình. “Tôi chưa bao giờ thấy mặt mũi cái giếng dầu do tôi đứng tên,” bà nói. “Tôi cũng chẳng biết rửa tiền là gì, tiến hành ra sao.”
Tổng cộng ba người bà con của ông Chu Vĩnh Khang – em dâu Chu Lang Ưng, con trai Chu Bân, thông gia Chiêm Dân Lợi – có phần hùn trong ít nhất 37 công ty rải rác ở hơn một chục tỉnh, từ bán thiết bị dầu khí cho đến bất động sản hoặc bán xe hơi Audi. Trong số này hết 17 công ty làm ăn với tập đoàn dầu khí quốc doanh CNPC mà ông Chu Vĩnh Khang là lãnh đạo trong những năm 1990. Có 9 công ty có địa bàn hoạt động tại Tứ Xuyên, nơi ông Chu Vĩnh Khang làm bí thư tỉnh ủy từ 1999 đến 2002.
Nếu chỉ dựa vào giấy tờ, tài sản của ba người này trong 37 công ty đó là độ trên một tỉ nhân dân tệ, tức 160 triệu đô la Mỹ. Con số này chưa đụng đến giá trị bất động sản hoặc tài sản ở nước ngoài của các công ty đó, là những thứ rất khó xác định và đánh giá.
Môi hở răng lạnh
Bắc Kinh nhức đầu, Hà Nội xổ mũi.
Nếu như Tập Cận Bình không cao tay ấn, cuộc thanh trừng Chu Vĩnh Khang thất bại và bị quật ngược lại, Trung Quốc có loạn, chia thành tam quốc tứ quốc, một phần qua bàn tay của các phù thủy đang đội các mũ của GE, Siemens, Ford, Apple, Ernst & Young… thì biết đâu gọng kềm của Bắc Kinh sẽ nới lỏng hơn hoặc thắt chặt thêm tại Việt Nam, Bắc Kinh sẽ mềm mỏng hơn hoặc hung hăng hơn tại Biển Đông?
Nếu như Trung Quốc có biến, và Việt Nam có lãnh đạo tầm cỡ, nhận ra “xu thế tất yếu của thời đại,” biết “vận dụng óc sáng tạo tài tình,” chớp được thời cơ mạnh dạn bắt tay chặt hơn với một nước lớn khác, đặt Trung Quốc trước một việc đã rồi, un fait accompli, thì biết đâu vận mệnh Việt Nam sẽ rẽ sang một hướng khác.
Lịch sử lạnh lùng không chơi với chữ “Nếu!”
Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy trở về với gia đình Chu Vĩnh Khang. Có lẽ người bà con ruột thịt duy nhất của ông không bị sờ gáy tới bến là người anh Chu Nguyên Hưng. Là một nhà phân phối rượu trong tỉnh Giang Tô, căn nhà của ông được công an canh gác cẩn thận suốt 24 tiếng kể từ khi em ông bị thất sủng. Nhưng chắc chắc một điều ông sẽ không bị khởi tố. Ông chết vì ung thư xương hồi tháng 2.
© Đàn Chim Việt