Saturday, May 10, 2014

TRĂM NĂM CÔ ĐƠN...

Câu chuyện từ nước Mỹ: 

Suy tư về nghèo đói và cô đơn


bài viết của Hiệu Minh

Bà cụ biểu tình đang nói chuyện với khách du lịch. Ảnh: HM chụp chiều nay.
“Silence is war crime – im lặng là tội ác. Bà cụ đang nói chuyện với khách du lịch. Ảnh: HM chụp chiều nay.
Chiều nay thứ 6, việc chẳng nhiều, tôi dạo trước cửa Nhà Trắng, xem có động tĩnh gì không. Gặp một bà thay cụ Connie biểu tình lều 30 năm nay trước Nhà Trắng, tôi hỏi, bà không đi làm, biểu tình suốt ngày thì nghèo lắm. Bà nói, không có nhiều tiền, nhưng rất vui vì luôn có người qua lại, chia sẻ vì mục đích chống chiến tranh.  Chưa bao giờ bà thấy cô đơn ở đây, ngay trong cái lều đơn sơ này.


Sáng nay, liếc qua vài tờ báo online như CNN, Washington Post, New York Times,  thấy nước Mỹ đang lo bầu cử giữa kỳ, vụ đánh bom vào sứ quán Mỹ ở Benghazi nóng trên đồi Capitol, số việc làm trong tháng 4 được tổng kết là bao nhiêu, liệu kinh tế có hứa hẹn là những tin họ cần quan tâm.

Ngay cả vụ tình ái Clinton – Lewinsky cách đây hàng chục năm cũng được truyền thông lôi ra bàn tán. Đọc tin này, có lẽ Obama cũng mỉm cười, vì cái ghế ông đang ngồi rất có thể là nơi mà Clinton và Lewinsky từng tình tự. Trái đất nóng lên, hoa đã nở hết để không bị dị ứng và cuối tuần này liệu trời có nắng đẹp để đi dã ngoại, mới là thứ dân thủ đô DC quan tâm.

Washington Post có bài đăng ngay trang đầu về các bà mẹ Trung Quốc đang chạy đua với thời gian nhằm sinh con vào năm Ngựa bởi sang năm là năm Cừu (bên ta gọi  là Mùi nhưng phương Tây gọi là Year of Sheep). Người Trung Quốc luôn coi cừu là loại ăn theo, nói leo, nuôi chỉ để vặt lông và làm thịt.

Thứ 6 tại California đi tranh cử giữa kỳ, Obama dành thời gian đến cửa hàng Wal-Mart, toàn bán đồ rẻ tiền có xuất xứ từ Trung Quốc, ở Silicon Valley, để khen các sáng kiến về điện năng lượng mặt trời, một sáng kiến nhằm chống lại biến đổi khí hậu, và cũng là tín hiệu gửi cho Nga, thế giới sẽ bớt phụ thuộc vào dầu và khí ở Siberia.

Rất có thể ông liếc sang Crimea thấy Putin đang tươi cười nhìn đoàn quân diễu binh ở cửa biền Sevastopol, mà tháng trước vừa thuộc về Nga qua một cuộc xâm lược im lặng nhất trong mọi thời đại.

Đứng ngoài hàng rào nhìn vào thật khó đoán, liệu Obama có nghĩ được từ nào gọi là biển Đông, Việt Nam, hay không. Nếu có chuyện gì đó với Nhật ở biển Hoa Đông, hay Philippines, hoặc Đài Loan do Trung Quốc gây ra, thì có lẽ Obama cũng liếc qua vài dòng.

Nhưng tin tầu CSB Việt Nam bị tầu hải giám Trung Quốc đâm hỏng, người bị thương, chắc không làm ông phiền lòng. Obama thấy Nigeria nghèo đói, tội ác tệ hại, nơi có hàng trăm bé gái bị bắc cóc và rao bán, không phải đồng minh, nhưng ông thấy sẵn sàng giúp đỡ.

Hoặc Obama sẽ hỏi về vụ một chiếc xe hơi 4 chỗ của anh chàng Mathew Goldstein, hôm thứ 3 (6-5) theo đuôi đoàn xe cảnh sát hộ tống, đi nhầm vào trong hàng rào an ninh ngay trước Nhà Trắng, làm náo loạn cả khu cả tiếng đồng hồ. Một ngày sau, hai anh chàng du lịch lại ném cái gì đó qua hàng rào, sợ bom cài, an ninh gửi ngay mấy cái robot đi dò chất nổ. Khu dinh tổng thống lại như có chiến tranh.

Nhà Trắng vẫn tĩnh lặng như thường. Ảnh: HM
Nhà Trắng vẫn tĩnh lặng như thường. Ảnh: HM

Nếu bạn đọc hỏi một người sống ở Washington DC, liệu Obama và người Mỹ có quan tâm đến Việt Nam không, câu trả lời thật khó đoán định.

Bạn có nghe John McCain lên tiếng, Bộ Ngoại giao to nhỏ nhắc nhở. nhưng không phải vì bảo vệ Việt Nam trước sự lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông, mà bởi Mỹ có quyền lợi ở đó, vì sự cân bằng quyền lực ở châu Á.

Người Mỹ không rỗi hơi can thiệp vào hai nước cộng sản anh em đánh nhau. Họ có thể phản đối, can ngăn, nhưng bảo giúp vũ khí, mang B52 ra uy hiếp một trong hai bên, chắc chắn là không, 100% không. Đừng hy vọng bởi VN không phải là bạn, không phải đồng minh, không cùng ý thức hệ, chẳng có giá trị gì chia sẻ chung.

Hai quốc gia đang cố hàn gắn. Cách đây gần một năm, tôi bỏ một ngày trời để tường thuật về chuyến thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang đến Nhà Trắng với bao hy vọng.

Nhưng mỗi tín hiệu phát đi tưởng chừng tốt đẹp lại bị một phát đạn bắn tỉa hạ luôn mục tiêu.

Jim Webb sang Việt Nam vào buổi chiều ở Hà Nội để lên tiếng với Trung Quốc gây hấn thì tối đó có video thú tội của Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức. Gần đây, hai người trong số họ được thả, cứ nghĩ sẽ tốt hơn. Nhưng thay vào đó là anh Ba Sàm bị bắt ngay trong ngày có tin giàn khoan Trung Quốc đóng ngoài khơi, và thứ trưởng ngoại giao Mỹ đang trên đường đến Hà Nội để bàn về hợp tác hai bên.

Đối với Hoa Kỳ, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận là những giá trị, họ luôn mang đi thương thuyết khi cần phải mua bán đổi chác.

Dân biểu Chris Smith cũng ủng hộ VN nhưng có điều kiện “Với sự đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc ở Biển Đông và toàn khu vực, Việt Nam phải hết sức quan tâm về các vấn đề an ninh. Họ sẽ tìm thấy Hoa Kỳ một người bạn sẵn lòng, nhưng Mỹ cần Hà Nội chứng tỏ có cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền trước nhất, mà chúng tôi lại chưa thấy, chỉ thấy tồi tệ đi.”

Quay lại các nước trong vùng, cho dù VN muốn làm bạn với tất cả, nhưng tất cả có muốn làm bạn với mình, lại là câu chuyện khác.

Người Nhật cũng nản lòng vì những dự án ODA tham nhũng và hối lộ tầy trời. Cửa hàng siêu thị có cả tiếng Việt, tiếng Nhật, nhắc nhở đừng ăn cắp. Thailand cũng vậy. Gần đây họ đi xa hơn, đòi người Việt phải trình 700$ mới cho nhập cảnh. Có thể tin những quốc gia này coi VN là đối tác tin cậy, là bạn bè, là đồng minh?

Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu về xóa đói giảm nghèo, được thế giới công nhận, từ 80% người nghèo khổ nay đã xuống 15%, được nhiều bạn bè khen. Nhưng cũng chỉ dừng ở đó, vì thời nay không thể lấy thành tích đánh thắng mấy đế quốc to ra để khoe nữa.

Nhìn lại quan hệ quốc tế, hình như chúng ta chẳng có chiến hữu, đồng minh. Có người bạn lớn duy nhất, tặng 16 chữ vàng và 4 tốt, thì nay đang xâm lấn biển đảo bằng mọi cách. Dã tâm đã có hàng ngàn năm, thế mà vẫn có những người ảo tưởng. Người dân uất hận, nhưng chỉ để trong lòng, vì các vị trên cao vẫn coi “đại cục” làm trọng từ miệng của những kẻ chuyên lừa đảo.

Thoát nghèo đôi chút, nhưng quốc gia này đang vùng vẫy trong ý thức hệ, thể chế không minh bạch tạo nên tham nhũng, lạm quyền, khó vượt qua cái bẫy thu nhập trung bình. Đánh giá về thể chế, tự do báo chí và internet, nhân quyền, đều ở mức thấp.

Dường như chúng ta đang cô đơn trong thế giới toàn cầu hóa.

Cụ Connie và chiếc lều nghèo khổ trụ được 30 năm nay bởi bà không cô đơn trong trái tim hàng triệu người chống chiến tranh. Thông điệp từ cái lều biểu tình tưởng nhỏ bé cũng đã cứu hàng triệu người khỏi cái chết thương tâm.

Mẹ Teresa từng tâm sự “The most terrible poverty is loneliness and feeling of being unloved – Sự nghèo đói kinh hoàng nhất là sự cô đơn và không được ai yêu thương”

Đi đó đây, thấy những dòng chữ viết bằng tiếng Việt, nhắc nhở về sự trộm cắp, hành xử đúng mực, đó là sự nghèo nàn của người Việt khi hội nhập, phông văn hóa sa sút một cách trầm trọng.

Ukraine đối đầu với Nga, hết EU đến Mỹ sang thăm, hứa viện trợ, đọc tin mà thèm. Đất nước ta đã nghèo lại nguy khốn vì đang bị phương Bắc đe dọa, chẳng có ai gọi điện thăm hỏi, không một lời ủng hộ, đó là sự cô đơn, sự thiếu thiện cảm của cả thế giới.

Nếu người Việt đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo, lại bị chính quyền ngăn cản, đó mới là terrible poverty and loneliness– sự nghèo hèn trong cô đơn đến khốn cùng bởi sự cô đơn ấy đến từ nơi mình đang sống.

HM. 9-5-2014

Bà Connie nói chuyện với khách. Ảnh: HM
Bà Connie nói chuyện với khách. Ảnh: HM
Dân thủ đô DC vội về nhà cuối tuần. Ảnh: HM
Dân thủ đô DC vội về nhà cuối tuần. Ảnh: HM