Wednesday, January 25, 2012

NÓI CHO VUÔNG LÀ KHUYẾN RẤT TÀI

nguyencuvinh


 
Gia đình của Khuyến, quá hạnh phúc

Trưởng thôn Khoai Lang về Bắc Giang, đến huyện Yên Dũng thăm nghệ nhân gốm Làng Ngòi có tên là Lưu Xuân Khuyến.

Cùng đi có nhà báo Hoàng Điệp ( tức Ma ca rồng), nhà báo Quỳnh VTV 2 ( tức Nguyễn Trường Thịnh), họa sĩ Ngọc Huỳnh, cháu Thành khiếm thị và cu con lái xe kiêm làm phó nháy.Thăm Khuyến vì hai điều: Một là để tìm đến một thằng đàn ông thực sự, đang sống cùng hai người vợ trẻ và để chứng kiến tài hoa của Khuyến trong việc tạo mẫu và sản xuất các sản phẩm gốm trang trí mang thương hiệu gốm sành Làng Ngòi- đã được công nhận là sản phẩm đặc sắc của làng nghề Việt Nam- một thương hiệu lớn.


Khuyến đang báo cáo với Trưởng thôn, he he

Hai người vợ của Khuyến đã chuẩn bị một bữa nhậu tưng bừng. 

Lò gốm của Khuyến sát đường làng vào làng Ngòi. Làng Ngòi có cả hơn ngàn năm tuổi. Ngày xưa làng Ngòi có nghề gốm. Sau do một trận dịch bệnh vì ăn thịt trâu dịch, cả làng chết hết, chỉ còn lại ba người làng nhờ đi bán gốm xa mà sống sót.


Em Nhung,tốt nghiệp đại học Mỹ thuật công nghiệp, vợ đầu của Khuyến

Từ đấy, gốm làng Ngòi mất dấu.

Con cái họ Lưu của ông tổ làng Ngòi sau này dạt sang Phù Lãng sống và lập nghiệp gốm ở đó.

Sau này, người ta quen gọi là gốm Phù Lãng.

Gốm Phù Lãng nhưng phải lấy đất ở làng Ngòi.

Tên gốm làng Ngòi biến mất.


Em Tâm, người vợ thứ hai của Khuyến

Khuyến học xong đại học Mỹ thuật công nghiệp, lang thang kiếm sống.

Sau mấy năm, đến năm 2004 thì Khuyến về làng Ngòi của mình, quyết định dựng lò gốm lập nghiệp. Một ý chí nung nấu, phải làm mọi cách để thế gian biết đến thương hiệu gốm Làng Ngòi.

Sau nhiều lần khốn khổ khốn nạn, thậm chí còn bị gia đình mắng mỏ vì học cho chán cho chê rồi lại mò về làng thì học làm gì.

Sau những thất bại đắng cay, thất bại tưởng như có thể treo cổ mà chết, đến hôm nay đã thành công.


Khuyến ( quần soóc) giới thiệu với Trưởng thôn tại xưởng tạo mẫu

Một cô người yêu từ thời cùng học Đại học, cứ chờ đợi Khuyến cho tới ngày Khuyến lập nghiệp ở làng thì thành vợ.

Một cô khác yêu Khuyến, lại được Khuyến đưa về làm vợ thứ hai.










Hỏi cô nào là vợ, Tâm- Nhung ( tên hai người vợ của Khuyến) đều mỉm cười chỉ tay vào người kia, đó là vợ. Tâm chỉ tay vào Nhung, Nhung chỉ tay vào Tâm, rồi hai chị em cười oà.

Năm 2009 coi như hết nợ, coi như bắt đầu làm ăn được.

Gốm làng Ngòi của Khuyến đã nổi tiếng cả miền Bắc và cả nước.

Khuyến trở thành nghệ nhân làm gốm trẻ nhất cả nước với những sản phẩm gốm trang trí tuyệt đẹp và sáng tạo.

Mơ ước của Khuyến đã được thực hiện: Trong bản đồ địa chỉ những làng gốm nổi tiếng cả nước, có thêm tên thương hiệu mới: Gốm Làng Ngòi do chính Khuyến gây dựng.

Trên đây coi như tóm tắt vài lời.

Giờ mới vào chuyện nè.

X X
X
Một chỏm râu lưa thưa ở cằm. Gương mặt góc cạnh. Thân hình khoẻ mạnh. Miệng mồm nói chuyện có sức hấp dẫn kỳ lạ. Thông minh. Hiểu biết rộng. Uống rượu tốt. Thẳng thắn, chuyện gì cũng nói thẳng phớ ra hết, không dấu diếm. Một gã đàn ông rất đáng cho chị em chú ý.

Cô vợ Nhung đang bận tay ở dưới bếp.

Cô vợ Tâm ngồi cạnh chồng tiếp khách.

Tiếng của Khuyến bao giờ cũng to nhất:

-Em nói thật với bác là em mê gốm. Mê từ hồi bé. Nghe các cụ ở làng kể lại việc tên làng gốm bị thất truyền em buồn. Học xong, em đi làm thuê cho các lò gốm trong nước, từ miền Bắc vào tới Bình Dương. Tay nghề em cao, tạo nhiều mẫu đẹp, lạ nên các chủ gốm yêu chiều, trả lương cao. Nói cho vuông là em giỏi nghề.

-Trong nghề gốm, cách pha chế men gốm là bảo bối, không ai truyền. Em vừa làm vừa lén lút theo dõi người ta, xem người ta chế men gốm, chế màu sắc bằng chất liệu gì, rồi nhớ lấy, rồi thử nghiệm để tìm bí quyết. Nói cho vuông em là họ Lưu, tức có chút lưu manh. Lưu manh mới tìm ra được bí quyết pha chế màu sắc cho gốm bác ạ.

-Hồi em học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, ngay năm thứ nhất em đã có trong tay cả chục bạn gái. Em mê gái. Cụ cố nhà em công khai 4 vợ. Bố em cũng âm dương sấp ngửa mấy bà. Nói cho vuông là nhà em có nòi giống sát gái. Đã có con với cô nào là đưa về nhà sống chung, không cần phân biệt vợ lớn, vợ bé, coi như chị em trong nhà. Hồi em sinh viên, để tán được mấy em ở đại học văn hoá, em tìm cách tiếp cận. Em xin được con chó cảnh bị mù hai mắt. Em thả chó mù rong chơi ở khu ký túc xá các em. Chó em mù nhưng rất giỏi, nó chui vào gầm giường toàn những em xinh đẹp. Lấy cớ đi tìm chó, rồi tìm đến người. Năm thứ nhất em cưa được 5 cô, năm thứ hai hơn chục cô, năm thứ 3, thứ 4 là nhiều lắm. Nói cho vuông là hồi ấy em nghèo, chỉ dùng miệng mồm chân tay mà cưa thôi, toàn em đẹp.

-Em học xong, đi làm thuê mấy năm, cướp được nghề thì về làng. Em cưới Nhung, bạn học cùng trường. Nhung mới sinh con, lại thấy em yêu cô bé Tâm quá. Nhung bế con sang nhà Tâm, nói ngày xưa cháu cũng như thế, như thế như thế, hai bác cho em Tâm về với vợ chồng cháu, không sao đâu, không sao đâu. Tâm có bầu về theo chị Nhung. Trong vài năm, hai em sinh ra ba thằng cu. Nhung hai đứa, Tâm một đứa. Nói cho vuông là em còn muốn đón đứa con so thứ 5, thầy bói nói thế. Năm vợ là vừa và cũng sẽ sống chung như 5 chị em trong một nhà thôi.

-Ngày lập nghiệp đầu tiên, em xây lò. Sắp tới ngày khai trương thì lò sập. Em bị thương rất nặng, đưa ngay bệnh viện Việt Đức, ai cũng nói chết, không chết thì tàn phế. Tâm cũng bị thương nát mặt, tưởng tàn phế. Mấy tháng sau chúng em ra viện. Khuôn mặt Tâm vá mấy chục đường. Nay mới thấy đẹp lại, chứ ngày đó thì nhìn rất khiếp. Nói cho vuông là em bị trời hành nhưng không chết. 2 lần sập lò, 14 lần nung sản phẩm thất bại. Trắng tay. Nợ nần chồng chất. Vợ con sinh nở. Cực đến mức tưởng chết. Nói cho vuông là ông bà thường bảo, lúc lên voi lúc xuống chó nhưng vào ngày lập nghiệp em lại bị đày xuống kiếp chó trước.

-Mấy năm gần đây em đã thành công. Em tạo ra nhiều mẫu trang trí đậm chất Việt. Triển lãm lớn về làng nghề Việt em tham gia hết và bao giờ cũng nhận bằng khen cao nhất. Gốm của em là gốm sành nâu, chân thực như cuộc đời, dùng để trang trí phòng khánh tiết, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, những bức tưòng vào khu du lịch, hội trường, ai cũng khen hết. Gía em bán rẻ, lấy cái khoái tâm, khoái nghề làm chính thôi, không toan tính làm giàu nhưng vì người ta biết nhiều, đặt hàng nhiều, cả khách hàng trong Thủ Đức vừa rồi cũng ra đặt hàng. Kiểu này thì, nói cho vuông, tới đây e giàu.

-Đất làng mình, truyền thống làng mình, tay nghề của mình, sáng tạo của mình, công nhân cũng là người làng, việc chi không cố gắng thành danh, phải cho cả nước biết đến thương hiệu gốm Làng Ngòi chứ. Nói cho vuông em hạnh phúc vì chính em đã khôi phục thương hiệu gốm Làng Ngòi thất truyền hàng mấy trăm năm rồi. Tỉnh, huyện, xã ủng hộ lắm.

-Em yêu nhiều nhưng không bỏ rơi ai hết, ai muốn về làm vợ em, mời ngay, hai vợ của em cũng sắn sàng. Nói cho vuông là em phấn đấu có 5 vợ, sinh cho được vài chục thằng con trai để theo em làm nghề gốm. Hai thằng cu lớn của em say nghề rồi, mới 5, 6 tuổi thôi nhưng đã say nghề rồi.

-Các bác, các anh , các chú giúp em giới thiệu sản phẩm gốm trang trí của em nhé, địa chỉ dễ mà: Nghệ nhân Gốm làng Ngòi Lưu Xuân Khuyến, làng Ngòi, Xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Điện thoại dy động của em đây: 0912622213.

-Hiện nay em đang làm mấy trăm mét gốm trang trí cho một khu du lịch lớn, các bác ấy đến nghiệm thu từng đoạn, mê lắm. Nói cho vuông là em làm gốm lấy say nghề, khoái nghề là chính, giá cả tuỳ thôi, không hoàn toàn kinh doanh đâu, đừng sợ đắt, ai mà làm em máu lên em bán càng rẻ. Có cô nào muốn liên hệ với em, điện thoại đấy, anh ơi, anh ơi vô tư, ngay cả khi em ở bên hai vợ của em thì các em vẫn cứ gọi, anh ơi, anh ơi nhé.

-Em nhìn vào mắt Bác, em biết bác muốn hỏi em, với hai cô vợ hàng đêm thì làm thế nào chứ gì. Nói cho vuông nhé, mỗi tối em vấn 3 điều, 1 điếu dành cho em cả, 2 điếu cho em thứ vì em thứ trẻ hơn. Bác hết thắc mắc chưa?

Thăm Khuyến, nhìn Khuyến làm việc, tận mắt chứng kiến sản phẩm gốm của Khuyến, tận mắt nhìn thấy hạnh phúc vô bờ của Khuyến với hai cô vợ trẻ, nói cho vuông là Khuyến rất tài.
_______________________
Nhật ký Trưởng thôn Khoai Lang