Saturday, April 14, 2012

Đốt tiền


Ngô Nhân Dụng


Điều bất ngờ sau khi hỏa tiễn Bắc Hàn nổ tung sau khi bay được 100 cây số, là chính quyền Bình Nhưỡng công nhận cuộc đốt pháo bông kỷ niệm 100 năm sinh nhật Kim Nhật Thành đã thất bại. Bản tin đọc trên ti vi cho 23 triệu dân chúng nghe nói không úp mở là vệ tinh nhân tạo không bay được lên quỹ đạo. Năm 2009 khi Kim Chính Nhất còn sống, một vụ phóng vệ tinh khác được các đài quan sát quốc tế xác nhận là bất thành; nhưng chính quyền cộng sản vẫn loan báo họ thành công mỹ mãn. Tại sao cậu Kim Chính Ân lại thành thật hơn ông bố?




Có thể giải thích là ba năm trước Kim Chính Nhất đang bệnh nặng và chưa chính thức đưa đứa con nào lên kế vị, cho nên không dám loan tin xấu, sợ dân coi là điềm gở. Năm nay, Kim Chính Ân đã chính thức lên ngôi, và mới được suy tôn đủ các chức vụ cao nhất nước không khác gì ông bố, cho nên không cần kiêng cữ nữa. Sau khi đã được “bầu” làm chủ tịch nước, bí thư thứ nhất của Đảng, tháng Mười Hai vừa rồi được suy tôn làm tổng tư lệnh đứng đầu đạo quân 1 triệu 200 ngàn người, trong tuần này Kim Chính Ân đã được đưa lên chức “chủ tịch thứ nhất Quân Ủy Trung Ương,” một chức vụ không thể thiếu.




Nhưng thực sự địa vị của Kim Chính Ân có chắc chắn hay không? Một gia đình nắm tất cả guồng máy đảng, quân đội, công an trong tay có bảo đảm chàng thanh niên dưới 30 tuổi ngồi vững trên ngai vàng như ông nội và bố hay không?


Chúng ta biết là đời ông bố Kim Chính Nhất đã được chuẩn bị hàng chục năm, từ lúc được chỉ định làm đông cung thái tử cho đến khi lên ngôi. Trong thời gian đó, Kim Nhật Thành đủ thời giờ rèn luyện, che chở, bảo đảm bá quan văn võ phải phục tùng đứa con sắp kế vị. Còn Kim Chính Ân vừa quá trẻ lại vừa mới được chỉ định hai năm thì bố chết, trước khi chết Kim Chính Nhất đã phải ủy thác việc khuông phò ấu chúa cho cô em gái Kim Kyong Hui và ông em rể Chang Sung Taek. Nhưng trong đám tướng lãnh, toàn những cụ già chung quanh tuổi 70, không chắc ai cũng phục tùng cậu lãnh tụ mặt búng ra sữa này.




Đảo chính là một chuyện khó xẩy ra trong một chế độ cộng sản, vì tất cả những người chỉ huy các đơn vị quân đội đều bị các chính trị viên kiểm soát chặt chẽ. Nhưng nếu chính một nhóm người đang phụ trách cơ chế kiểm soát đó nảy sinh ý “tạo phản” thì vẫn có thể đảo chính. Tại Nam Hàn, tổng thống Phác Chính Hy đã bị ngay người được ông đưa lên cầm đầu trung ương tình báo (KCIA) sát hại và đảo chính. Tại Trung Cộng, Lâm Bưu cũng âm mưu đảo chính không thành, sau khi đã được Mao Trạch Đông công khai phong làm người kế vị, chính thức ghi vào cương lĩnh đảng. Trong một chế độ độc tài, các lãnh tụ không tin được nhau, vì không có một cơ chế nào giám sát và giới hạn quyền hành. Dù được đưa lên làm kế vị nhưng Lâm Bưu biết số phận của mình vẫn được quyết định bởi một người, Mao Trạch Đông. Bất cứ lúc nào Mao đổi ý kiến cũng được, và chỉ trong giây phút là người kế vị cũng mất mạng. Lâm Bưu đã từng thấy một đồng chí lâu năm của Mao, cũng được coi là người kế vị, là Lưu Thiếu Kỳ, bị hành hạ đến chết, vợ con cũng khốn khó. Đảo chính trong một nước cộng sản có thể tiến hành dễ dàng, chính vì chính sách suy tôn lãnh tụ. Nếu Lâm Bưu thành công, bắt cóc được Mao Trạch Đông, thì chỉ cần nhân danh Mao Chủ tịch là có thể trị được cả thiên hạ.


Cho nên, Kim Chính Ân phải lo có người đang nhòm ngó địa vị của mình, trong đó có thể có chính ông chồng bà cô, hoặc một tướng lãnh trong hàng ngũ lãnh đạo. Cuộc đảo chính ở một nước cộng sản dễ thi hành vì tất cả mọi quyết định quan trọng nhất đều nằm trong tay một nhóm người họp kín với nhau, toàn dân không ai biết gì chuyện nội bộ của họ. Như Beria đã âm mưu cướp chính quyền sau khi Stalin chết, và Beria bị nhóm đối lập treo cổ, tất cả các biến cố đó diễn ra đằng sau sân khấu cả. Chính vì các lãnh tụ độc tài không cho phép ai dưới quyền được phép nổi lên trước công chúng, cho nên cũng không ai có địa vị và tư cách để đứng ra chống đảo chính.


Cho nên, việc chính quyền Bắc Hàn công khai thú nhận việc phóng vệ tinh thất bại có thể là một phản ứng bất đắc dĩ vì lo lắng có thể một, hai người đang âm mưu chống chế độ gia đình trị của họ Kim. Một lý do là cái hỏa tiễn mới phóng lên, bay chưa được mươi phút đã phát nổ giữa trời, là một hình ảnh rất khó xóa bỏ, khó che đậy. Nhiều cơ quan dân sự và quân sự nắm trong tay các đoạn phim xấu hổ đó, có thể vài cá nhân cũng chụp được đầy đủ. Cho nên, đối với gia đình Kim, thà rằng công khai thú nhận thất bại còn hơn để các tay chống đối tiết lộ, rỉ tai đồn đại, vào đúng lúc họ thấy có lợi nhất. Công khai nói đến vụ thất bại là tước của các phe trong nội bộ một vũ khí có thể dùng để xóa bỏ “thần tượng” Kim nhỏ. Trong khi đó, ông vua mới vẫn đứng ra khán đài chủ tọa một cuộc biểu tình mừng sinh nhật và khánh thành hai pho tượng mới của ông nội và bố.



Công khai hóa thất bại phóng vệ tinh cũng có thể tạo cơ hội cho Kim Chính Ân thanh toán nội bộ, đổ tội làm hỏng việc cho những người nào có khả năng chống đối nhất. Một thủ đoạn của các nhà độc tài là lâu lâu cách chức một nửa số đàn em, hay nhiều hơn. Bằng cách đó, vừa diệt được các bè phái đang có thể thành hình, vừa đe dọa những người còn ở lại, khiến họ lo sợ hơn, không dám có ý “phản phúc.” Trong mấy tháng tới, tình trạng đó sẽ diễn ra ở Bình Nhưỡng.



Mặt khác, để gỡ thể diện, Kim Chính Ân có thể thúc dục bộ máy quan sự cho nổ thêm một trái bom hạch tâm trong những ngày sắp tới. Bom nổ ngầm dưới đất, không ai biết thành công hay thất bại, rất dễ nói dối. Tổng cộng chi phí cho việc phóng vệ tinh và thử bom lên tới hàng tỷ đô la Mỹ. Chế độ độc tài không bao giờ ngần ngại đốt tiền để củng cố ngai vàng của các lãnh tụ! Trong khi đó, một phần tư dân chúng sống nhờ thực phẩm viện trợ.



Đốt tiền, không cần phải làm rùm beng như cộng sản Bắc Hàn, khi họ sử dụng tài nguyên của quốc dân để ‘đốt pháo.” Nhìn vào các chế độ cộng sản khác, chúng ta có thể thấy họ cũng “đốt tiền thường xuyên;” đốt tiền mà không thấy lửa, không thấy khói, bằng các dự án, công trình lớn nhỏ.


Bắc Kinh đã đốt hàng trăm tỷ đô la với dự án đường xe lửa cao tốc, đến nay đã trở thành một vết ô nhục sau khi cách chức một loạt người chỉ huy về tội tham nhũng. Việt Nam đã lập tập đoàn Vinashin, chỉ trong mấy năm đã vỡ nợ, không trả được 4 tỷ đô la tiền vay nợ. Số tiền vay các ngân hàng quốc tế này được bảo đảm bằng tất cả ngân sách quốc gia. Tức là 80 triệu dân Việt Nam sẽ phải đưa cổ ra trả nợ, đời này chưa trả được thì đời con cháu ông Đoàn Văn Vươn sẽ tiếp tục trả. Làm sao người ta có thể đốt được bốn tỷ mỹ kim trong một thời gian kỷ lục như vậy? Coi như ông Nguyễn Tấn Dũng đã phóng bốn cái hỏa tiễn, vượt xa ông Kim Chính Ân bên Bắc Hàn! Dân Bắc Hàn còn có người được trông thấy khói phun và lượm những mảnh vụn từ trên trời rớt xuống. Ở Việt Nam, cả bốn cái hỏa tiễn và vệ tinh nhân tạo hoàn toàn chìm trong màn bí mật, chỉ các đồng chí biết đồng tiền đã chạy đi những đâu mà thôi! Vinashin chỉ là một vụ “tầu nổi.” Còn bao nhiêu vụ “tầu ngầm” khác, không biết họ đã đốt biết bao nhiêu tiền của dân?



Nhạc sĩ Tô Hải mới viết một bài về “Một Nghìn Lẻ Một Cách Nói Dối,” ông đặt mấy câu hỏi về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, “chơi trò chữ nghĩa” để che dấu sự thật. Tô Hải viết:


Nhiều "sai phạm" trong quản lý đất đai ở Sóc Trăng…nhưng chỉ có bốn cơ quan và 5 cá nhân không được phép nêu tên được….đề nghị kiểm điểm!


Tập đoàn Sông Đà “sai phạm” hơn 10.000 tỉ đồng! Sai phạm? Sai phạm là cái quái gì??? Là Biển thủ? Ăn Cắp? Thất thoát? Lãng Phí?….tất cả đang còn bỏ ngỏ …!


Thanh tra tập đoàn dầu khí-Xử lý tài chính trên 18.200 tỉ đồng.” Xử lý tài chính là cái trò gì? Thu hồi? Bắt đền? hay Phân phối lại? mười tám ngàn hai trăm tỷ (18.200.000.0000) đồng của dân mà viết cứ ỡm ờ như xử lý qua quít vài cân thịt siêu nạc bắt quả tang ở Đồng Nai!




Một món tiền ông Tô Hải kê ra trên đây cộng lại lên thành nhiều tỷ mỹ kim. Những chữ như “Sai phạm, Xử lý tài chính” đều là ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa cả. Chúng ta có dịch sang tiếng Việt Nam là Đốt Tiền! Các quan phóng bao nhiêu cái hỏa tiễn trên đầu người dân, chẳng thấy hình nào lên ti vi cho dân coi hết!

(Hình minh họa cho vui mắt không phải của tác giả và không liên quan đến nội dung bài viết)