Thursday, November 1, 2012

TỪ DÂN LÀM BÁO...


Thư gửi con gái

Con yêu quý, 

Nhận được điện của con, biết con và cháu vẫn khỏe mạnh, việc làm vẫn ổn định, bố vui. Còn tình hình ở nhà vẫn bình thường, bố vẫn khỏe, chú thím, các chị vẫn được bình thường. Xa quê lâu, con hỏi mọi thứ về tình hình đất nước, có lẽ thư này bố phải viết dài lắm đấy. 

Cũng có nhiều thay đổi: đường sá, cầu cống được xây dựng khá, đi từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau không còn phải qua phà nào, nhiều khu đô thị mới được xây dựng, thành phố, thị xã đâu cũng thấy nhà cao tầng san sát, trụ sở cơ quan hoành tráng, nhìn chung thì cũng cho là đất nước có thay da đổi thịt, nhiều bãi biển, khu du lịch được chỉnh trang, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhờ xuất khẩu được nông sản nhiều như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, cá tôm, v.v. đóng góp cho nền tài chính nước nhà đáng kể. Ngoài ra cũng chỉ có ngành du lịch và khai thác dầu khí là có đóng góp. Da giày, may mặc tuy cũng xuất khẩu được nhiều nhưng phụ thuộc về nguyên vật liệu nước ngoài, chủ yếu là ta gia công nên thu lãi chả được bao nhiêu. 

Trên đây tạm gọi là mặt phát triển, mặt được. Còn ra, nhìn vào thực tế đất nước thì còn lắm vấn đề, tình hình mọi mặt ngày càng xấu đi, chủ yếu từ mươi năm lại đây

Công nghiệp phát triển chậm, hàng hóa nước ngoài tràn vào lũng đoạn thị trường, chủ yếu là hàng Trung Quốc. Hàng vài chục ngàn doanh nghiệp phá sản. Nhập siêu hàng năm hơn chục tỷ USD; rừng mất, mỏ mất, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. 

Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng trực tiếp quản lý, chỉ đạo làm ăn thua lỗ, chủ yếu là Vinashin, Vinalines, thất thoát của nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng; nợ xấu ngân hàng rất lớn, lạm phát cao làm tiền mất giá quá. Với một nước dân số gần 90 triệu mà dự trữ ngoại tệ quốc gia vài chục tỷ thì có nghĩa gì, trong khi đó thì nợ nước ngoài chồng chất. Ngân khố nhà nước không có tiền để tăng lương cho công nhân, viên chức! Về giáo dục thì không đào tạo được nhân tài, học vị không được nước ngoài công nhận, không đào tạo được nguồn lực có kỹ thuật, học sinh không được giáo dục đạo đức, đa số không biết sử của nước ta; Đại học tạo ra lớp người dở thầy, dở thợ ra trường khó kiếm được công ăn việc làm. 

Con đã đọc báo nước ngoài nói về dân chủ dân quyền Việt Nam rồi mà con còn hỏi bố ư? Đúng là báo chí nước ngoài họ nói không sai mấy đâu. Chỉ có cấm và cấm thôi: cấm biểu tình yêu nước, cấm tụ tập đông người (từ 5 người trở lên), cấm dân oan không được khiếu kiện tập thể, cấm công nhân đình công, cấm trí thức phản biện, cấm báo tư nhân, cấm trang mạng Quan làm báo, Dân làm báo, mạng Biển Đông, cấm người quá tuổi không được ứng cử Quốc hội, cấm đảng viên không được tự do ứng cử Quốc hội, ngay cái quyền được bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân Quận, Huyện, Phường cũng sẽ mất nốt, vì người ta sắp bỏ Hội đồng nhân dân mấy cấp ấy để các ông Chủ tịch rộng quyền độc tài, độc đoán, không ai còn giám sát, chất vấn. Thời gian vừa qua công an đánh đập nông dân bị cưỡng chế là chuyện bình thường, muốn bắt ai thì bắt bất chấp pháp luật, có người bắt rồi thả, có người bắt rồi bỏ tù, nói ra quan điểm của mình cũng có thể bị buộc tội chống nhà nước, v.v. 

Còn tình hình xã hội thì sao? Tham nhũng, buôn lậu, mại dâm tha hồ phát triển. Thất nghiệp tăng nhiều, do doanh nghiệp phá sản mà thất nghiệp, nông dân do mất đất mà thất nghiệp, do hàng vạn lao động phổ thông Trung Quốc tự do tràn vào tranh công việc của người lao động nước ta… Tai nạn giao thông hàng năm chết cả vạn người, mê tín dị đoan phát triển, trộm cướp giết người hoành hành, mỗi ngày ít cũng có dăm bảy vụ, luân thường đạo lý đảo ngược: học trò đánh thầy, vợ giết chồng, chồng giết vợ, anh em tranh đất giết nhau, con nghiện xin tiền không được đánh mẹ, con chiếm nhà đuổi cha mẹ ra đường… 

Về đời sống nhân dân ư? Chỉ những người giàu, những kẻ tham nhũng, những người nắm chức quyền là sống ung dung thừa mứa, còn thì tiền viện phí, tiền thuốc tăng, xăng dầu tăng, tiền điện tiền nước tăng, lạm phát cao, tiền mất giá, giá lương thực thực phẩm tăng hàng ngày, lớp người trung lưu phải thắt lưng buộc bụng, người thất nghiệp, người thu nhập thấp thì khổ, người nghèo thì kêu trời. 

Có người bào chữa rằng tình hình kinh tế xã hội Việt Nam sa sút như thế là có nguyên nhân kinh tế thế giới suy thoái. Nhưng cũng trong bối cảnh thế giới như thế sao các nước xung quanh ta như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, v.v. vẫn phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, kể cả Trung Quốc phát triển vượt bậc bỏ lại nước ta tụt hậu quá xa, tồi tệ như thế này?! 

Ở các nước, nếu Thủ tướng mắc sai lầm điều hành đất nước suy thoái tồi tệ như thế thì Thủ tướng đã phải từ chức hoặc miễn nhiệm rồi. Còn ở nước ta, trong hơn một nhiệm kỳ quản lý, điều hành mà mọi mặt xã hội chuyển xấu, kinh tế suy kiệt, tài sản nhà nước thất thoát nghiêm trọng mà Thủ tướng chỉ xin nhận trách nhiệm và xin lỗi là xong! 

Con lại hỏi bố về quan hệ với Trung Quốc nữa ư? 

Năm 1974 họ đưa quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, năm 1979 họ huy động 60 vạn quân xâm lược ta, giết hại đồng bào ta và tàn phá 4 tỉnh biên giới của ta thì con đã biết rồi. 

Từ sau khi lập lại quan hệ bình thường, họ nêu phương châm “16 chữ” và “4 tốt”, chỉ có phía ta thực hiện, họ có thực hiện đâu! Mỗi lần gặp gỡ với lãnh đạo của ta, lãnh đạo họ nói “kiên trì thực hiện phương châm 16 chữ” và nói rất nhiều điều “thân thiện”, “hữu nghị”, nhưng hành động của họ thì ngược lại. Ký kết về biên giới, họ chiếm của ta mất ½ thác Bản Giốc (Cao Bằng), đẩy ta từ Hữu Nghị Quan (ải Nam Quan xưa) xuống chợ Tân Thanh, lấn của ta mất đất bằng một tỉnh Thái Bình. Trên biển, họ tuyên bố chủ quyền gần hết biển Đông, bắt tàu cá, cướp ngư cụ, bắn giết ngư dân ta, phá cáp các tàu thăm dò của ta trong lãnh hải và thềm lục địa của ta, thành lập trái phép cái gọi là huyện Tam Sa, bao cả quần đảo Trường Sa của ta mà họ muốn nốt, lập căn cứ quân sự ở đó, thường xuyên uy hiếp ta, Hoàn cầu thời báo của họ thỉnh thoảng lại chửi bới Việt Nam ta, và đe dọa đánh, gần đây lại nghĩ ra thủ đoạn “đặt tên” cho hàng trăm bãi đá không người quanh vùng Trường Sa, hòng khẳng định chủ quyền của họ. Mới nhất là ngày 24-10-2012, tàu cá của ông Hoàng Văn Phúc ở Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) đương đánh bắt cá ở biển Đông thì bị một “tàu lạ” đâm vỡ rồi bỏ chạy làm 10 ngư dân suýt chết đuối. Chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán của giới cầm quyền Trung Quốc đối với nước ta là như thế đấy con ạ. Đáng hận chưa? 

Con hỏi nhiều quá, bố viết đến đây dài lắm rồi, thôi nhé. 

Chúc hai mẹ con con khỏe, vui. 

Hà Nội, 30-10-2012 

Bố 


Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

________________________________


Vàng thật không sợ lửa, chỉ sợ... cứt ruồi!

Xèng La Bở (Danlambao) - Vàng thật dù là ai sản xuất và sản xuất ở đâu chất lượng vàng cũng giống nhau: vẫn một màu vàng ánh kim đẹp đẽ, không bị lửa thiêu, không bị hóa chất ăn mòn. Đặc điểm đáng quí của vàng là luôn đồng nhất về chất lượng. Cho nên, khác với những mặt hàng khác từ lâu vàng đã không có cái MADE IN.

Nhãn mác của vàng trên thị trường chỉ là một sự đảm bảo của nhà phát hành về không bị làm giả và không bị thiếu trọng lượng chứ không phải sự đảm bảo cho chất lượng của vàng (tất nhiên không tính đến yếu tố tuổi của vàng).

Sự thật vàng là như vậy, từ lâu vàng đã như vậy! 

Dân gian cũng có câu: “Vàng thật không sợ lửa” . Ý nói đã là vàng thì không sợ bị ai hại làm mất giá trị, kể cả vị thần đáng sợ nhất là thần lửa 

Nhưng ở Việt Nam thời gian qua có một thứ hơn cả lửa làm hại được vàng, đó là Cứt Ruồi

Cứt Ruồi đương kiêm thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cứt Ruồi đưa ra chính sách Nhà nước độc quyền mua bán vàng miếng với thương hiệu vàng SJC. Với chính sách này vàng thật sự (không có chữ SJC) đã bị mất giá.

Ai cũng biết vàng thì làm đếch gì có thương hiệu, nhưng Cứt Ruồi đã đẻ ra cái gọi là thương hiệu để bảo kê kiếm tiền.






________________________________



Công “khai ngấy”

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) Phiên tòa tuyên bố là xét xử “công khai” Nhưng nhìn khung cảnh, chúng ta thấy “lực lượng an ninh” đang “công khai tè” lên sự “công khai” khiến nó như tỏa ra cái mùi xú uế “bịp bợm, khai ngấy”!?.
“Nhân vô thập toàn”, có thể vì vậy mà nguyên lý và mục đích cao đẹp cuối cùng của Pháp Luật trong sứ mạng xét xử là hướng đến “Giáo Dục” chứ không phải chủ tâm để “trừng trị”. Tất cả nền Pháp Lý văn minh nhân loại và mọi quan tòa đều thuộc lòng khái niệm “nhân bản” mặc định này. Khi nghĩ đến giá trị và tác dụng của “giáo dục” thì người ta liên tưởng đến sự thẩm thấu lan tỏa phổ biến công khai sâu rộng của nó; vì vậy ở các quốc gia văn minh tự do dân chủ mọi cánh cửa pháp đình trong các phiên xét xử hầu như thường xuyên rộng mở cho cộng đồng công luận tự do tham dự chứng kiến, chỉ trừ một vài trường hợp cá biệt có thể bất lợi cho nạn nhân hay can phạm vì liên quan đến phạm trù đạo đức mà phải “xét xử kín” (đều có công bố lý do theo luật định). 

Xã hội hình thành bởi cộng đồng dân tộc, sự chứng kiến giám sát từ cộng đồng xã hội trong các phiên xét xử của tòa án có tác dụng rất tốt đẹp cho lý tưởng của một nhà nước Pháp Quyền - Bởi dưới ánh mắt phán xét trực tiếp của công luận, các quan tòa phải vận dụng năng lực đạo đức của chính mình thể hiện bản chất “chí công vô tư” của Pháp Luật. Mọi sai sót trong xét xử, vô tình hay cố ý trái pháp luật sẽ bị phát hiện tức thời, từ rất sớm, thông qua “đa kênh công luận” phản ảnh khiến kẻ cầm cân nảy mực thiếu “vô tư” phải điều chỉnh lại mình hoặc sẽ phải trả giá và điều này củng làm giảm thiểu, bớt “rủi ro” áp đặt duy ý chí do các hành vi vô tình hay cố ý bất lợi cho can phạm trước vành móng ngựa. 

Đối chiếu với nguyên lý và nguyên tắc nói trên, nhân dân đồng bào và công luận trong cũng như ngoài nước đã từng theo dõi cũng như bỏ công trực tiếp đến tham dự các phiên tòa của “nhà nước, đảng” CSXH/CNVN xét xử những công dân Việt Nam “bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm” từ trước đến nay chúng ta đã thấy toát lên những điều gì? Khi mà truyền thông của “nhà nước, đảng” này vẫn hay công bố rộng rãi trong nước và quốc tế sẽ xét xử những người “bất đồng chính kiến” ấy “công khai” trước pháp đình??. 

Công Khai là gì? (nghĩa giản đơn) Công: mọi người - Khai: mở rộng – Có nghĩa: Mở rộng một sự việc cho mọi người cùng nghe, nhìn thấy hiểu được. 

Vậy chúng ta, đã nghe và thấy những gì? quá khứ và hiện tại? từ các phiên tòa gọi là “công khai” ấy? Gần như tất cả, từ phóng viên quốc tế, đại diện ngoại giao đoàn – nhân dân đồng bào mọi thành phần, trong, ngoài nước đều có chung một nhận xét: Nghe “Bịp bợm” và Thấy “Dối trá” rất “công khai” từ các cơ quan liên quan của nhà nước CSXH/CNVN. 

Gần đây, mới nhất (xin nhìn ảnh trên) 30/10/2012 phiên tòa xét xử 2 nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình - Cũng mai mỉa và hài hước y hệt như các phiên tòa trước đây, phiên tòa này cũng gần như là “công khai” chỉ với chính họ - các quan tòa - và nhân viên an ninh, CA – ngoài ra đồng bào nhân dân từ công luận không có ai được phép vào tham dự chứng kiến? 

Một câu hỏi trong “quang minh chính đại” phải được đặt ra cho quan tòa và “nhà nước, đảng” này. Nếu nói rằng 2 nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình can tội “tuyên truyền chống nhà nước” cần phải xét xử trừng phạt để làm gương giáo dục các đương sự cũng như rất cần thiết “giáo dục” cho cộng đồng xã hội để răn đe cho bất cứ ai đừng nên “bắt chước” hành động theo, thì tại sao không cho các nhân tố cộng đồng xã hội tham dự để tiếp thu? Nếu không muốn nói là nên truyền thanh, truyền hình toàn bộ diễn tiến trung thực của phiên xét xử, tạo lan tỏa sâu rộng cho cộng đồng xã hội học tập “thẩm thấu”? Nếu quan tòa thực sự xét xử trong quang minh chính trực, đúng qui định Pháp Luật? Một câu hỏi mà đồng bào nhân dân thắc mắc chờ đợi rất lâu nhưng không thấy nhà nước và ngành xét xử trả lời là tại sao phải “công khai cách ly” với đồng bào nhân dân khi xét xử như vậy? mà điều này là trái với qui định của Luật Pháp?. 

Đất nước, quốc gia không của riêng ai. Về nguyên tắc, Hiến Pháp có đề cập nhân dân được phép tham gia giám sát “quản lý” xã hội bằng nhận thức và quyền hạn của mình và vì vậy có quyền chứng kiến tham dự các phiên tòa để rút ra kinh nghiệm làm bài học cho riêng mình mà thượng tôn pháp luật – Hiến Pháp, Pháp Luật không cấm điều này thì tại sao “nhà nước, đảng” ngang nhiên vi phạm cấm đoán người dân? Tái diễn công khai nhiều lần. 

Có điều gì bất cập thiếu quang minh chính trực ở đây? Vì sao họ lại sợ hãi, ngăn cấm triệt để đồng bào nhân dân tham dự các phiên tòa xét xử như các anh chị Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải tháng trước và 2 nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình mới đây? một hành vi mà không một quốc gia nào trong Asean hay Châu Á hoặc thế giới hành xử như vậy trừ 4 quốc gia CS trong đó cụ thể là chế độ CS/Việt Nam?? Thật là kỳ quặc – cứ rêu rao 2 nhạc sĩ này “tuyên truyền chống nhà nước” nhưng lại cấm mọi người vào chứng kiến xét xử để biết cụ thể can phạm chống nhà nước như thế nào - công khai minh bạch ở đâu? Vô tình hay cố ý hành vi ấy của các quan tòa như nói lên sự “hèn mọn” ném đá dấu tay, một mình một chợ, cả vú lấp miệng 2 người dân yêu nước trong phiên xét xử. 

Như nói ở trên – Nguyên tắc, trừ trường hợp đặc biệt phải thông báo diễn giải lý do, còn lại mọi phiên tòa phải được mở rộng cho quần chúng vào dự khán, bởi vì, hơn tất cả - Sự thật là chân lý của mọi chân lý - Cộng đồng thế giới khẳng định - Pháp Luật phải được soi rọi, tương tự như việc điều hành nhà nước, phải trong sáng dưới ánh mặt trời (government in sunshine) mọi phiên xét xử phải đúng luật qui định như một cuộc họp rộng mở “công khai” (law of open meetings) mà mọi người có thể nghe, thấy, hiểu được tất cả mọi tranh luận phân tách của can phạm, luật sư và quan tòa để khẳng định đâu là sự thật và chân lý, đó là sự trong sáng tất yếu của Văn Minh Công Lý trên toàn thế giới. 

Trái với những nguyên tắc trên thì chắc chắn, đó chỉ có thể là một nhà nước độc tài, bóp nghẹt nhân quyền và tự do dân chủ của toàn dân để dễ bề thao túng độc quyền cai trị - Những chế độ độc tài như vậy thường “bóp méo” Pháp Luật tự đặt ra một thứ Pháp Chế khuyết tật, bệnh hoạn, theo cái tư duy “luật là tao, tao là luật” đặc thù của riêng chế độ đó, một thứ pháp luật “chai lì” vô “liêm sỉ” như chính nhân cách của các quan tòa ngồi ghế xét xử - 

Những quan tòa - Họ trơ mặt, không dám giải thích vì sao một thằng ăn cướp, ăn trộm, họ có thể mở phiên tòa “lưu động” mang ra phường, khu phố, huy động đông đúc dân cư đến để xem xét xử gọi là lấy can phạm “làm gương” để trấn áp đe dọa tội phạm tương lai. 

Nhưng tuyệt nhiên họ không dám làm điều này với những anh chị em “tù nhân lương tâm, bất đồng chinh kiến”? (như 2 nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình mới đây chẳng hạn) - Đơn giản, hơn ai hết – Những quan tòa và “nhà nước, đảng” thừa biết rất rỏ, dù không dám nói ra, 2 nhạc sĩ này cũng như các anh chị em tù nhân “bất đồng chính kiến” là những công dân “yêu nước mẫu mực”, hoàn toàn khác biệt với tội phạm xã hội, và quan trọng là trong trái tim đa phần đồng bào nhân dân chẳng những họ là nhạc sĩ mà còn là những “Tráng Sĩ” biết yêu nước, thương dân, cất cao lời ca tiếng hát phản kháng chế độ độc tài vong bản bạo quyền – Vì thế - Những quan tòa không dám mang họ ra cộng đồng xét xử - Bởi vì, nhà nước CSVN và các quan tòa cũng nhận thức rất rỏ, “chân lý và lẽ phải thuộc về các “can phạm” những người “bất đồng chính kiến” ấy”, chứ không phải họ, họ sợ mọi người “tiếp cận” các “Tráng Sĩ” của nhân dân này để noi gương “nhân bản thêm lên” nhiều Tráng Sĩ khác trong xã hội vốn dĩ độc tài đầy bất công và tham nhũng này – Và vì vậy họ rêu rao là “xét xử công khai” để lừa bịp công luận, thế giới, nhưng thực tế ai cũng thấy họ tốn rất nhiều “Công” sức ngăn cản công luận tham dự phiên tòa, chính hành vi “hạ đẳng” ấy làm cho cái từ “công khai” của họ như ô uế, bẩn thỉu, bốc mùi “công, khai ngấy” thêm lên là chính vì vậy! 





________________________________________



Gia đình nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình lên tiếng

"Bình khác với Việt Khang. Việt Khang chỉ có bài hát thôi. Còn Bình vừa vì bài hát, vừa vì rải truyền đơn. Nhưng truyền đơn không phải chống đối nhà nước, mà nói lên bức xúc của đất nước mình bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa... Những phiên tòa xử các vụ như vậy thứ nhất là bất công, thứ hai cho thấy ý chí của người Việt Nam bảo vệ dân tộc rất mãnh liệt. Có nhiều người không dám nói lên mà Bình, Khang, hoặc blogger Điếu Cày dám nói lên. Những người đó ý chí của họ rất mãnh liệt. Họ dám nói lên những bức xúc trước việc đất nước bị xâm chiếm..." - Trần Anh Việt

*

Trà Mi (VOA) - Mười năm tù Việt Nam dành cho hai nhạc sĩ tác giả của các bài hát yêu nước phản đối bất công xã hội và chống Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam đang dấy lên những quan ngại trong giới yêu chuộng và bảo vệ nhân quyền cả trong lẫn ngoài nước. Nhạc sĩ Việt Khang bị kêu án 4 năm tù và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình lãnh 6 năm tù sau 5 giờ xét xử tại một phiên tòa ở Sài Gòn hôm 30/10.

Phiên tòa được gọi là công khai nhưng chính thân nhân của bị can không được mời tham dự. Người thân của hai nhạc sĩ cho biết sau khi đấu tranh trước cổng tòa, họ mới được cho vào phòng theo dõi phiên xử qua màn hình của tòa án.

Diễn biến phiên xử như thế nào và phản ứng của gia đình bị can trước bản án này ra sao? Trà Mi ghi nhận qua cuộc trao đổi với anh ruột của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình.

Anh Trần Văn Việt: Vô trong đó mình chỉ được vào giống như một phòng cách ly, chứ đâu phải được vô trực tiếp phiên tòa.

VOA: Anh ngồi bên ngoài phòng theo dõi qua màn hình?

Anh Trần Văn Việt: Dạ.

VOA: Bên gia đình anh Việt Khang có mấy người được vào?

Anh Trần Văn Việt: Được hai người gồm mẹ và vợ của Việt Khang.

VOA: Anh có ghi nhận sự hiện diện của ai khác nữa ngoài gia đình hai bị can không?

Anh Trần Văn Việt: Xung quanh là công an hết. Họ ngồi kế bên luôn. Tất cả các máy quay của họ quay hết.

VOA: Còn báo giới hay nhân viên ngoại giao nước ngoài thì sao thưa anh?

Anh Trần Văn Việt: Các nhà báo thì ngồi một bên. Báo chí nước ngoài họ lại ngồi ở một phòng khác nữa.

VOA: Qua màn hình, anh có được theo dõi thông suốt vụ xử từ đầu chí cuối không?

Anh Trần Văn Việt: Những lời Bình và Khang nói, ở ngoài tụi em coi bị cắt, một lát sau họ mới bật lên lại. Luật sư tranh cãi thì chánh tòa bác bỏ, không cho nói. Họ kêu ngưng ngay, không nói nữa. Em thấy bất công và quá đáng.

VOA: Tại tòa, anh Bình và anh Khang có được phát biểu, có được trình bày những lý lẽ không?

Anh Trần Văn Việt: Phát biểu vừa nói lên là họ bác bỏ, không cho nói. Tòa có hỏi chỉ được trả lời có hay không thôi.

VOA: Vì sao có sự khác biệt giữa bản án của anh Bình và anh Khang? Một người bị 4 năm, một người bị 6 năm. Có yếu tố nào dẫn tới sự chênh lệch đó?

Anh Trần Văn Việt: Bình khác với Việt Khang. Việt Khang chỉ có bài hát thôi. Còn Bình vừa vì bài hát, vừa vì rải truyền đơn. Nhưng truyền đơn không phải chống đối nhà nước, mà nói lên bức xúc của đất nước mình bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa. Còn Việt Khang thì vì sáng tác nhạc, giao lưu trên mạng mà họ gọi là ‘lôi kéo mọi người để tạo nên một tổ chức chống đối nhà nước’. Họ nói vậy đó.

VOA: Hai anh Khang và Bình phản biện thế nào trước những điều bị cáo buộc?

Anh Trần Văn Việt: Khang chỉ đấu tranh về những lời bài hát. Khang vừa nói được những câu đó thì chủ tọa cắt, kêu không được nói, coi như đâu nói được gì.

VOA: Lời cuối cùng của anh Bình và Khang tại tòa anh ghi nhận được là gì? Họ có thái độ gọi là ‘nhận tội, xin khoan hồng’ hay không?

Anh Trần Văn Việt: Giờ dù có tội hay không có tội, họ cũng cho là mình có tội rồi. Họ bắt mình ‘có’ hoặc ‘không’ thì cũng phải chấp nhận thôi. Khi kết thúc phiên tòa, tòa có hỏi hai bị can có ước nguyện gì. Bình và Khang nói giờ chỉ xin tòa xem xét khoan hồng để được về sớm lo cho gia đình, cho mẹ già và vợ con.

VOA: Là người đại diện gia đình, anh muốn nói gì về bản án này?

Anh Trần Văn Việt: Em chỉ mong nhà nước bên này xem xét lại, giảm mức án cho Bình và Khang, chứ bây giờ nói chuyện được thả về thì hy hữu lắm. Chỉ có mong giảm án xuống thôi chứ hy vọng được thả về thì không có đâu.

VOA: Đối với gia đình, bản án này có ý nghĩa thế nào?

Anh Trần Văn Việt: Em thấy đó là điều bất công. Khang và Bình bức xúc trước việc đất nước đang bị Trung Quốc xâm chiếm và cách đối xử của chính quyền với người dân. Trăn trở và ý chí của họ về tinh thần dân tộc rất mãnh liệt. Bình là một người hăng hái sinh hoạt bên ngoài. Ở nhà thờ, sinh hoạt của Bình coi như ai cũng biết hết. Bình vừa công tác xã hội, vừa công tác trong nhà thờ, đi về các vùng sâu-vùng xa để cắt tóc, khám bệnh, phân phát quần áo cho thiếu nhi..v.v…

VOA: Gia đình có dự định gì sắp tới trước bản án dành cho anh Bình?

Anh Trần Văn Việt: Hỏi qua luật sư được biết mình cũng không được kháng án, chỉ có Bình với Khang mới được kháng án thôi. Ngày mai em đi thăm Bình. Nếu được gặp mặt, mình cũng trao đổi để khuyên Bình kháng án.

VOA: Hồi nãy anh có nói bản án này đối với gia đình là một sự bất công. Nhưng với xã hội và với thế giới, bản án của anh Bình và anh Khang nói lên điều gì, theo anh?

Anh Trần Văn Việt: Những phiên tòa xử các vụ như vậy thứ nhất là bất công, thứ hai cho thấy ý chí của người Việt Nam bảo vệ dân tộc rất mãnh liệt. Có nhiều người không dám nói lên mà Bình, Khang, hoặc blogger Điếu Cày dám nói lên. Những người đó ý chí của họ rất mãnh liệt. Họ dám nói lên những bức xúc trước việc đất nước bị xâm chiếm.

VOA: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.




Trà Mi

http://www.voatiengviet.com/content/gia-dinh-nhac-si-tran-vu-anh-binh-len-tieng/1536732.html


*

Quốc tế phản ứng trước bản án của Việt Khang, Anh Bình

Nhạc sĩ Việt Khang (trái) và Trần Vũ Anh Bình bị tuyên án về tội 'tuyên truyền chống nhà nước'

Hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị kêu án hôm 31/10 về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì các khúc thể hiện lòng yêu quê hương-dân tộc, phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa-Trường Sa trong đó có bài Việt Nam tôi đâu, Anh là ai, Ngục tối Hiên ngang, và Người Việt Nam.

Bản án 4 năm tù của Việt Khang và 6 năm tù dành cho Anh Bình bị quốc tế xem là một hành động thêm nữa chứng tỏ những vi phạm trầm trọng của chính quyền Hà Nội đối với quyền tự do tư tưởng của công dân, một trong những nhân quyền căn bản mà Việt Nam đã ký cam kết tôn trọng với quốc tế.

Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch Phil Robertson phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Rõ ràng đây là một diễn tiến hết sức đáng ngại cho thấy chính quyền Việt Nam đang mở rộng chiến dịch đàn áp quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân, bỏ tù từ những người chỉ trích nhà nước, các blogger bất đồng chính kiến, và bây giờ là tới các nhạc sĩ. Điều này chứng tỏ Hà Nội hoàn toàn không dung chấp bất kỳ ý kiến nào trái với quan điểm độc đoán của nhà nước. Bản án dành cho những nhà sĩ này quá đỗi nhẫn tâm. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Mỹ, Liên hiệp Châu Âu và các nước trên thế giới quan tâm đến nhân quyền áp lực Việt Nam mạnh mẽ để họ phải phóng thích hai nhạc sĩ này ngay lập tức và vô điều kiện.”

Hôm 31/10, Thượng nghị sĩ Ron Boswell của Australia ra thông cáo báo chí nhấn mạnh việc bỏ tù hai nhạc sĩ ôn hòa Việt Khang và Anh Bình cho thấy một mức thấp kém nữa của Việt Nam giữa lúc Hà Nội tíêp tục giữ một thành tích nhân quyền tồi tệ cùng cực.

Ông Boswell nói hai nhạc sĩ bị chính quyền Việt Nam gán cho là tuyên truyền chống chế độ là hai người vô tội chỉ thực thi quyền công dân của họ để chất vấn hành động của chính quyền.

Ông Boswell kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam lắng nghe lời kêu gọi của quốc tế, tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân, và phóng thích tất cả các tù nhân bị giam giữ chỉ vì đã phơi bày các hành động của nhà nước ra ánh sáng.

Bài hát Việt Nam Tôi Ðâu do Việt Khang sáng tác Hồi đầu năm, Thượng nghị sĩ Boswell đã lên tiếng trước Thượng Viện Australia về vụ việc của Việt Khang trước khi ông cùng với thượng nghị sĩ Mark Furner đệ trình kiến nghị thư đề nghị chính phủ Australia cải thiện các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam để áp lực Hà Nội phóng thích các công dân Việt Nam bị bắt giam phi lý.

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ án của nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình.

Trong hơn 1 tháng qua tại Việt Nam có 6 người có các hoạt động chống Trung Quốc bị bắt giam hoặc bị tuyên án về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Nửa tháng trước khi tuyên án 10 năm tù đối với hai nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình, chính quyền đã bắt giam nữ sinh viên chống Trung Quốc Nguyễn Phương Uyên.

Trước đó vào cuối tháng 9, ba blogger gồm Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG bị tuyên án tổng cộng 26 năm tù cũng với tội danh tương tự.