Wednesday, May 1, 2013

BIẾT RỒI, KHỔ LẮM, NÓI MÃI!





ĐỌC MỘT Đ0ẠN HỒI KÝ CỦA DUYÊN ANH ĐỂ THẤY DÂN NGHÈO SÀI GÒN TRƯỚC 75 NHƯ THẾ NÀO.

Những gì nhà văn Duyên Anh viết về chuyện hôi đồ của người dân nghèo Sài Gòn vào ngày 29.4.1975 là hoàn toàn chính xác. Nhà văn Duyên Anh sống ở gần ngã tư Yên Đỗ- Công Lý (Lý Chính Thắng- NKKN bây giờ) còn tôi khi ấy đang ở trong khu nhà chồ trên bờ kênh Nhiêu Lộc trước mặt chùa Vĩnh Nghiêm, bên cạnh cầu Công Lý. Những gì Duyên Anh quan sát thấy cũng là những gì tôi thấy. Duyên Anh từ khu nhà giàu nhìn xuống còn tôi từ khu nhà nghèo xóm Lách nhìn lên.

Từ chiều 28 qua ngày 29.4.1975, khi nhân viên các cơ quan Mỹ và gia đình các quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn lần lượt bỏ chạy thì dân nghèo Sài gòn bắt đầu mở chiến dịch hôi của.






Than ôi, năm 39 tuổi, đất nước vào Dương lịch 1975, tôi phải cõng vợ con di tản và không di tản được. Bây giờ, thơ tình là thơ cù nhầy Phan Khôi khi vợ tôi hỏi tôi "ở với Việt Cộng có làm sao không"? 


Làm sao cũng chẳng làm sao 
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Làm chi cũng chẳng làm chi 
Dẫu có việc gì cũng chẳng làm sao... 

Đang ở cái thế "mã cùng đồ" thì ông luật sư Dzu và vợ là ca sĩ Đan Thanh tới, hỏi chuyện ra đi ngả Usis. Tôi não nề đáp: "Hỏng rồi, hỏng rồi"? Và tôi ra vỉa hè xem "nhân dân chống Mỹ cứu nước". Chiến dịch Hôi Đồ đồng khởi ngoạn mục. Các trụ sở của cơ quan thiện nguyện Mỹ, của Hội cha mẹ nuôi quốc tế, của các nhà cho Mỹ mướn, của các gia đình di tản không còn ai trông giữ bị tấn công ào ạt. Người người, lớp lớp, dân Xóm Lách phóng lên đường Công Lý. Thoạt đầu, nhân dân "giải phóng" sữa đặc, sữa bột, đồ hộp. Rồi mùng mền, ri-đô. Rồi tủ, giường, bàn ghế. Rồi máy lạnh, tủ lạnh, bếp ga. Rồi cửa sổ, cửa kính. Trẻ già, trai gái, bô lão, nhi đồng tham dự chiến dịch một cách quyết liệt. Rất may không xảy ra giết nhau vì thù hận cá nhân. Tôi chứng kiến "nhân dân anh hùng" làm thịt gọn một chiếc buýt chuyên chở lính Mỹ. Chiến dịch Hôi Đồ và sự lưu thông bất chấp đèn đường chiều 29-4 là dấu hiệu rõ nét nhất của sự sụp đổ miền Nam. Kể từ 16 giờ ngày 29-4-87, Sài Gòn sống trong tình trạng vô chính phủ. 


Có một điều để tôi suy nghĩ, để tôi còn yêu mến dân Sài gòn và thành phố Sài gòn là dân nghèo Sài gòn chỉ hôi đồ của Mỹ và những vi-la do Mỹ mướn bỏ trống. Ý thức đấu tranh giai cấp chưa thấm vào lương tri dân nghèo Sài gòn và không bao giờ thấm nổi cả. Tất cả những gia đình quyền quý, giầu sang đều bình yên. Ngay cả những gia đình tướng tá, bộ trưởng, cảnh sát hống hách cũng bình yên. Tinh thần dân tộc cao quý thể hiện rõ rệt ở Sài Gòn chiều 29-4. Con người, nhất là con người nghèo khổ triền miên bị áp bức, bóc lột được quyền phẫn nộ lúc này, lúc mà luật pháp quốc gia dưới chân họ. Người ta tự do trả thù, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, sát nhân; tự do đối với những đối tượng thù nghịch. Nhưng không một ai thèm hưởng cái tự do đó. Người ta vẫn ăm ắp lương tri và nhân tính. Và tôi nghĩ đó là bài học cho toàn thể người Việt Nam trên trái đất. Và tôi hãnh diện là người Sài Gòn của chiều 29-4-1975 và mãi mãi. 


…….





Nhà thơ tàn tật Huy Tưởng chống nạng đến thăm tôi xem tôi đi được hay kẹt lại. Tôi bỏ cảnh tượng hôi đồ, mời Huy Tưởng vô nhà. Mở chai Rémy Martin cuối cùng, Huy Tưởng và tôi cụng ly: 


- Anh có sợ không? 


- Sợ gì? 


- Anh có nhiều điều để sợ. Tôi nhắc anh nghe một điều thôi. Anh đã thách Võ Nguyên Giáp cho T-54 xâm nhập chiến tuyến Hải Lăng và bảo hạ sĩ Sứt đang chờ T-54 để phóng hỏa tiễn TOW. Anh nhớ chứ? Anh đã tuyên bố trên vô tuyến truyền hình Huế được phát lại ở Sài Gòn. Anh nhớ chứ? Chuyến bay trên phá Tam Giang của anh với Phạm Duy, Tô Thùy Yên, Trần Văn Ân, Nguyễn Trọng Nho... 


- Uống đi, bằng hữu. Có thể là cuộc rượu cuối cùng đấy! 


Tôi bốc máu Kiều Phong: 


- "Sống bằng không mà chết cũng bằng không"? 


Sống có thể bằng không nhưng chết khó thể bằng không. Tôi đâu phải nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Alain De lon đã diễn xuất một vai thật người trong phim Deux hommes danh la ville với Jean Gabin. Khi lên máy chém, người không sợ chết đã thú nhận, thành khẩn thú nhận "Tôi sợ"! Tôi đã biết Lan Khai chết cách nào, Khái Hưng chết cách nào, làm sao tôi không sợ? Tôi sợ lắm, sợ lắm, sợ lắm...


Duyên Anh



--------------------------------------------

Tôi ở ngay trong xóm của không những chỉ người nghèo mà còn đủ hạng người lưu manh trộm cướp khác. Thế nhưng tôi thấy khi họ đi hôi của, họ chỉ xông vào các cơ quan của người Mỹ và cơ quan của chính quyền Sài Gòn chứ không hề xông vào cướp phá các gia đình quan chức và các gia đình nhà giàu Việt Nam. Ngay trước mặt nhà tôi ở trọ là khu cư xá của sĩ quan không quân cao cấp, hầu hết đều bỏ đi nhưng cho đến hết ngày 30.4 không hề thấy bất kỳ một ai xông vào cướp phá.

Người Sài Gòn và người miền Nam nói chung trước 1975 là như vậy đó. 

Cái gì đã làm nên một xã hội lương thiện như vậy?


Nhưng một vài năm sau đó, khi tôi đã về quê đi dạy học thì nghe nói ở TP Hồ Chí Minh, đám nhà giàu và gia đình các quan chức chế độ cũ bị cướp tan hoang.


HNC