Vũ Thư Hiên
Dưới đây là những lý giải của tác giả Vũ Thư Hiên - người đã từng tiếp xúc với cụ Hồ nhiều lần trong đới - về Hồ Chí Minh và Hồ Tập Chương trong cuốn "Hồ Chí Minh sinh bình khảo là một sự bịa đặt vô lý.
Mới đây, nhà bất đồng chính kiến Phạm Quế Dương có nêu câu hỏi trên net: “Đề nghị làm sáng tỏ vụ việc: Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay Đài Loan”?. Câu hỏi của ông thế này : “Gần đây, dư luận sôi động về việc Đài Loan xuất bản cuốn sách “Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh.” (Hồ Chí Minh sinh bình khảo), do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa ấn hành ngày 01-11-2008. Tác giả là Hồ Tuấn Hùng, giáo sư đã từng dạy học hơn 30 năm, tốt nghiệp trường Đại Học Quốc Lập Đài Loan, khoa lịch sử”...
Đã có khói ắt có lửa đâu đó. Lửa đây là cuốn sách của giáo sư Hồ Tuấn Hùng nói trên (ít người được đọc nguyên bản) và bài “Một nghi án lịch sử Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: một hay hai người?” của bình luận gia Trần Bình Nam hết lời ca ngợi cuốn sách nọ (“Cuốn sách của ông Hồ Tuấn Hùng viết một cách có phương pháp, trưng dẫn tài liệu xác thực và kết luận một cách có tính khoa học”).
Bài của bình luận gia Trần Bình Nam được cả chục web và blog đăng lại, hẳn có nhiều người đọc. Thú thật, tôi ngán các chuyện tầm phào nọ. Cái đề tài này rõ là tầm phào bên cạnh những chuyện tày trời đang làm nóng dư luận như các vụ xử án vô lối các bloggers, vụ Yên Mỹ, vụ nổ súng vì cưỡng chế đất ở Thái Bình, vụ chống cưỡng chế đất liên tục ở… khắp nơi.
Sở dĩ tôi thấy cần phải viết mấy dòng về nó là vì có nhiều bạn fb gửi nhời hỏi tôi: này, chuyện ấy thực hư ra sao hở ông?
Là người chẳng phải giáo sư hay bình luận gia như hai ngài nói trên, thế tất ý kiến của tôi không thể có trọng lượng với tư cách người khảo cứu. Nó là ý kiến của dân thường, người nghe thấy có lý thì gật cho một cái khích lệ, thấy không ra gì thì phẩy tay cho qua.
Tôi không biết nhiều về ông Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng đủ để thấy chuyện ông Hồ là người Tàu là chuyện tào lao. Mà chẳng phải chỉ mình tôi nghĩ thế. Nếu ông Hồ là người Tàu thật thì tất tần tật những ai từng gặp ông, từng làm việc với ông (có cả nghìn, cả vạn người đấy), tạm kể từ thời Quốc dân Đại hội Tân Trào 1945 cho tới khi ông qua đời năm 1969, hoá ra đều mù dở - khốn nạn, ông là Hồ Tập Chương đấy, là người Tàu đấy, người Khách gia đấy, thế mà không một ai phát hiện.
Trước hết, ta hãy xem những tài liệu cũ còn được lưu xem Quốc tế Cộng sản (QTCS) đánh giá Hồ Chí Minh như thế nào vào thời điểm có tin về cái chết của ông? Những tài liệu này cho thấy vào thời điểm đó ông bị QTCS đánh giá thấp lắm. Thấp đến nỗi ban lãnh đạo QTCS phải cử Trần Phú, Ngô Đức Trì về Đông Dương để sửa chữa những sai lầm của Nguyễn Ái Quốc liên quan tới Hội nghị hợp nhất các đảng cộng sản (1930) do ông chủ trương. Tại Hội nghị TƯ tháng 10-1930, Trần Phú kịch liệt phê phán quan điểm chính trị và tổ chức của ông là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm…”
Sau đó, Trần Phú được cử làm Tổng bí thư, còn Nguyễn Ái Quốc chỉ còn được giữ chân liên lạc giữa VN và vài chi bộ Đông Nam Á với quốc tế. Thậm chí khi được tin Nguyễn Ái Quốc qua đời ở Hồng Kông, Hà Huy Tập còn viết: “Công lao mà ông đã đóng góp cho Đảng chúng ta thật là lớn. Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc, các chỉ thị sai lầm của ông về những vấn đề cơ bản của phong trào CM…Ông đã không đưa ra bàn luận trước về những sách lược mà QTCS đòi hỏi phải áp dụng để loại bỏ những phần tử cơ hội trong Đảng.
Ngoài ra, ông Hồ Chí Minh còn khuyến dụ một sách lược cải lương và hợp tác sai lầm: trung lập hóa tư sản và phú nông, liên minh với trung và tiểu địa chủ”. Một người bị QTCS đánh giá như thế, thử hỏi QTCS tạo ra một người giả ông ta để làm gì?
Lập luận của bình luận gia Trần Bình Nam: “Nhưng sau đó Quốc tế Cộng sản thấy cần người có uy tín như Nguyễn Ái Quốc để phát triển phong trào Cộng sản tại Đông Dương nên dấu nhẹm và tìm cách xóa dấu vết việc Nguyễn Ái Quốc chết và lên kế hoạch dùng phái viên của Quốc tế Cộng sản Hồ Tập Chương có khuôn mặt hao hao giống Nguyễn Ái Quốc và từng làm việc với nhau để làm sống lại nhân vật Nguyễn Ái Quốc”, rõ ràng không thuyết phục. Một câu hỏi khác cũng có người đặt ra: Ờ thì QTCS không làm việc ấy, nhưng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm thì sao? Để phục vụ cho mục đích bành trướng trong tương lai ở Đông Dương chẳng hạn?
Các chứng cứ lịch sử cho thấy ĐCS TQ vào thời kỳ đó rất yếu, thậm chí một địa bàn đủ an toàn cho Đại hội VI của nó (1928) trên lãnh thổ quốc gia cũng không có, phải mượn đất Nga để tổ chức tại Moskva. Cuộc chiến Quốc-Cộng khởi đầu năm 1927 đã buộc những người cộng sản Trung Quốc phải lui về nông thôn và hoạt động bí mật, thắng lợi to lớn nhất mà họ có được là chiếm thành phố Quảng Châu trong vẻn vẹn có 3 ngày để thành lập một Công xã Quảng Châu hữu danh vô thực.
Trong hoàn cảnh ấy, một Khổng Minh tái thế cũng không nghĩ tới việc cho ai đó đóng giả Hồ Chí Minh cho một tương lai trời không biết, đất không hay.
Như thế, QTCS không cần một Hồ Chí Minh giả, ĐCSTQ cũng không nghĩ tới việc ấy. Vậy ai cần, ngoài hai học giả nói trên? Chuyện những nhà cầm quyền độc tài thường sử dụng những người giống hệt mình để đóng thế trong những trường hợp phòng xa bị hành thích là có thật. Có Hitler giả, Stalin giả, Mao giả… nhưng người ta chỉ dùng người đóng thế cùng nòi giống, có diện mạo và hình thể giống người thật khi di chuyển, khi xuất hiện ngắn trước quần chúng, chứ người không cùng nòi giống như Hồ Tập Chương giả Hồ Chí Minh, lại đóng giả dài hạn nhiều năm, như thật, trong đời sống hàng ngày, thì chưa có tài liệu nào nói tới.
Trước hết, cái dễ phân biệt nhất giữa người thật với người giả là ở ngôn ngữ. Những người đã trưởng thành mới học ngoại ngữ dù cho thông thạo đến mấy cũng không thể nào sử dụng nó hoàn hảo như người bản địa được. Ta tính thử: Nguyễn Ái Quốc, năm 1932 đã qua đời vì bệnh lao (ông sinh năm 1890, tức lúc đó 42 tuổi), Hồ Tập Chương (sinh năm 1901, tức lúc đó 32 tuổi) được lập tức thay thế (cứ cho là đã có một viễn kiến không bình thường và ông này đã được dự trữ sẵn để thay thế), thì thời gian học tiếng Việt của Hồ Tập Chương cho tới khi mở lớp huấn luyện cho hội Thanh niên Cách mạng Đồng chí năm 1941 là 9 năm (giả định là chỉ có học tiếng mà thôi). Mở lớp huấn luyện cho nhiều người Việt thì không thể bằng một thứ tiếng Việt không thông thạo được.
Nhưng không một ai trong những người tiếp xúc với Hồ Chí Minh trong thời kỳ ấy tỏ ra nghi ngờ ông không phải người Việt. Không một ai trong những người Việt thuần, ở sát bên ông Hồ Chí Minh trong công việc hàng ngày trong cuộc kháng chiến chống Pháp (9 năm) như Phan Mỹ, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Văn Lưu, Lê Văn Rạng, Lê Giản, Trần Duy Hưng, Trần Hữu Dực…, và rất nhiều người khác nữa, có một chút nghi ngờ ông Hồ Chí Minh không phải là người Việt.
Tôi từng gặp nhiều người có năng khiếu xuất chúng về sử dụng ngoại ngữ, trong đó có hai người Trung Quốc nói tiếng Việt rất thông thạo là Văn Trang và Lương Phong. Văn Trang đại diện cho phân bộ Hoa Nam ĐCSTQ liên lạc với ĐCSVN, Lương Phong là cán bộ ngoại giao, sau này xếp hàng thứ sáu tính từ Giang Thanh là số 1 trong cuộc Đại cách mạng Văn hoá Vô sản (thập niên 60 thế kỷ trước). Hai người này nói thạo tiếng Việt tới mức làm tôi ngạc nhiên. Nhưng đấy chỉ là cảm giác ban đầu, một lúc sau, khi câu chuyện mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, tinh tế hơn, tức thì họ ngắc ngứ, phát âm sai, hiểu sai.
Ngay trong những người Hoa thuộc những thế hệ ra đời ở VN, lớn lên trên đất Việt, sống chung với người Việt từ tấm bé, ta vẫn nhận ra những nét khác biệt nào đó để ta biết họ không có nguồn gốc Việt. Trong khi đó thì chưa một ai bắt gặp ông Hồ nói sai hoặc hiểu sai tiếng Việt. Còn hơn thế, ông còn có thể bắt bẻ những cán bộ dưới quyền khi họ dùng từ ngữ sai. Những ví dụ về chuyện này nhiều, xin miễn kể.
Nhân vật Hồ Tập Chương của tác giả Hồ Tuấn Hùng là người Hakka (người Hẹ, hoặc Khách gia), là cán bộ hoạt động quần chúng của ĐCSTQ, chắc chắn phải nói được tiếng quan thoại (tiếng Bắc Kinh). Hồ Chí Minh (thật) thì lại không thông thạo tiếng ấy, và ông không giấu giếm điều này. Trong những cuộc gặp gỡ không trù liệu trước với các tướng Tàu như Lư Hán, Tiêu Văn, Long Vân… vào năm 1946, ông đều phải dùng bút đàm. Chuyện này nhiều người biết, và có được ghi lại đâu đó trong những hồi ký. Khi phải dùng quan thoại trong tiếp xúc ông thường phải dùng ông Nguyễn Văn Thuỵ (biệt hiệu Thuỵ Tàu) và Phạm Văn Khoa (biệt hiệu Khoa Tếu) làm phiên dịch.
Còn nhiều, rất nhiều, chứng cứ khác bác bỏ luận chứng của ông học giả Hồ Tuấn Hùng về một Hồ Chí Minh giả.
Tôi có mặt trong buổi mừng thọ 60 tuổi ông Hồ Chí Minh tại thác Dẫng thuộc khu An toàn ở Việt Bắc, tôi lúc ấy 17 tuổi, mắt tinh, đầu tỉnh táo, xác nhận rằng hôm đó tôi đã gặp một người 60 tuổi thật, chứ không phải một người 49 tuổi là Hồ Tập Chương.
Tôi cũng xác nhận rằng trong thói quen ẩm thực ông Hồ Chí Minh là người thích ăn các món ăn Việt Nam như canh riêu, cá kho khô, cà Nghệ muối xổi… và chưa bao giờ đòi hỏi người nấu ăn cho ông phải làm bánh bao, màn thầu, tỉm xắm… hay là thứ gì khác gợi nhớ tới ẩm thực Trung Hoa.
Chắc chắn sẽ còn nhiều người viết về Hồ Chí Minh - chính khách liên quan tới nhiều lĩnh vực: những giai đoạn hoạt động chưa được làm sáng rõ, lý do gắn liền với những bí danh vô số kể của ông, những người đàn bà trong đời ông, công và tội của ông trong thời gian làm chủ tịch nước VNDCCH v.v… Nhưng đó là những chuyện khác, những đề tài khác. Theo tôi nghĩ, chuyện Hồ Chí Minh là người Tàu tên Hồ Tập Chương của học giả Hồ Tuấn Hùng là một tác phẩm giả tưởng tồi, không đáng để đọc, so với những chuyện giả tưởng của văn học Trung Quốc hiện đại như Ma Thổi Đèn, Mật Mã Tây Tạng…
Vũ Thư Hiên