Monday, February 17, 2014

SỢ DÂN YÊU NƯỚC...





817 – Chuyện hai nàng liệt nữ xả thân đánh giặc cứu nước!

DSC-0013-JPG-9777-1387355393Sắp đến ngày kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc. Thấy có người bảo, nên khép lại qúa khứ để cùng nhau hướng về tương lai. Ý kiến khác lại nói: “Nếu thực tình muốn hướng tới tương lai, ta cần bắc cầu đi qua hố ngăn cách đó. Đường đi vẫn thênh thang trên cây cầu đàng hoàng, nhưng ta vẫn nhìn thấy cái hố đúng như nó có, không to hơn, không hẹp hơn” - Đó là lời giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội  - nhận định về cuộc chiến biên giới năm 1979 như vậy!
Xin cám ơn thầy giáo Vũ Minh Giang! Nhờ thầy mà những ai quan tâm tới sự kiện lịch sử cảm thấy yên tâm để có thể hương khói một cách đàng hoàng mà không phải sợ ai lườm nguýt.
Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn
Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn
Trong hàng vạn anh hùng liệt nữ và nhân dân đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ tổ quốc oanh liệt đó, tôi chú ý tới một nữ dũng sỹ ở Pò Hèn là nhờ một bài hát từng được nghe qua. Nhớ mãi!
“Từ biên giới này tỏa tiếp lời ca thắng lợi
Hương hồi thơm bay tỏa lan trên vách núi
Có cánh đào tươi đẹp trời xuân mới trên đỉnh núi Pò Hèn
Hoàng Thị Hồng Chiêm, Hoàng Thị Hồng Chiêm người con gái ấy
Đã vào trang sách, đã thành bài ca” .
Chuyện kể rằng, chị Chiêm không thuộc biên chế của đồn biên phòng Pò Hèn, chị tình cờ có mặt ở Pò Hèn đúng ngày giặc nổ súng. Vốn là cô nhân viên cửa hàng bách hóa yêu một chiến sỹ biên phòng tên là Bùi Anh Lượng. Trong lúc đang cùng cơ quan sơ tán cửa hàng thương nghiệp thì rạng sáng 17.2 quân Trung Quốc đánh sang bao vây đồn Pò Hèn, nơi người yêu đang trấn giữ. Mặc dù mọi người khuyên chị nên rút về tuyến sau, chị kiên quyết xin với lãnh đạo đồn công an vũ trang 209 cho chị được tham gia đánh giặc.
Tượng anh hùng Hoàng Thị Hồng  Chiêm (*)
Tượng anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm (*)
Ban đầu chị được giao nhiệm vụ tiếp đạn và băng bó cho thương binh. Song khi người chỉ huy đồn hy sinh, chị Chiêm trực tiếp dùng khẩu K54 bắn trả lại địch vừa động viên tinh thần các chiến sỹ. Chị bị thương, máu tuôn ra ướt đẫm vai áo, vẫn không rời vị trí và đã anh dũng hy sinh lúc mới tròn 25 tuổi. Hoàng Thị Hồng Chiêm đã được dựng tượng và đặt ở sân trường trung học mang tên chị tại xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, quê hương người liệt nữ anh hùng.
Ngược dòng thời gian về ngót 903 năm trước, cũng nơi đây, tại đồn tiền tiêu Ngọc Sơn, có một cô gái trạc tuổi như Chiêm, đã sát cánh cùng chồng mình chống quân xâm lược nhà Tống. Cả hai vợ chồng đã anh dũng hy sinh. Bức tôn tượng người liệt nữ đó đã được phối trí thờ phượng tại Đền thờ Linh Nhân – Hoàng Thái Hậu (còn gọi Đền Bà Tấm) ở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội từ đó cho tới nay!
Lịch sử là lịch sử!
Nhân tròn 35 năm kỷ niệm cuộc chiến đấu và chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược: 17.02.1979-17.02.2014, Gocomay xin chép lại một trích đoạn sau đây mô tả về trận chiến khốc liệt và oai hùng chống ngoại xâm của cha ông ta cách nay hơn 900 năm. Để thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ và tri ân hai vị liệt nữ nói riêng cùng các anh hùng vị quốc vong thân nói chung trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của tổ quốc!
*
*          *
Hôm ấy là ngày Tân Dậu, tháng bẩy, niên hiệu Thái-Ninh thứ năm (7-7 năm Bính-Thìn, DL. 9-8-1076)
Tại đồn Ngọc-sơn thuộc châu Vĩnh-an, nằm giữa biên cương Hoa-Việt.
Trấn-viễn thượng tướng quân Gia-viễn hầu Bùi Hoàng-Quan, cùng phu nhân Trần Ngọc-Huệ dậy thực sớm; hai vị vừa ăn điểm tâm vừa bàn luận với nhau. Phu-nhân nói:
– Kể ra, từ hôm chúng ta ra trấn ở đây đã bốn tháng, ngày ngày thao luyện sĩ tốt chờ giặc, chả biết bao giờ giặc mới tới. Em chỉ mong chúng đừng đến là hơn hết.
Hầu phì cười:
– Em nói! Bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết, Khúc Chẩn, Tu Kỷ, Yên Đạt từng sang Đại-Việt mình nhiều lần, lại biết nói tiếng Việt. Nay chúng được mang quân đánh mình, thì chúng phải biết rằng: Muốn đánh vào Thăng-long, thì phải chiếm cho được cánh trái là vùng Tam-đảo, cánh phải là Ngọc-sơn. Bằng không thì sẽ bị cắt đường vận lương. Anh sợ chúng đánh mình trước là khác.
– Từ ngày em được Linh-Nhân hoàng thái hậu đem về Thăng-long gửi vào trường xin sư phụ, sư mẫu thu làm đệ tử, thấm thoát đã mười ba năm. Nghĩ lại thời gian qua mau thực. Anh thì đã có dịp xử dụng những gì học được. Còn em, thì vẫn phụ tá cho Thái– hậu những vấn đề liên quan đến bộ Lễ như phong thần, cải cách phong tục, chỉnh đốn học phong. Mãi đến nay mới được rời kinh thành ra cầm quân để xử dụng võ công. Sau trận giặc này, đất nước mình thanh bình, em nghĩ chúng mình cáo quan về điền dã, ngao du sơn thủy như Kinh-Nam vương, hay trồng hoa nuôi tằm như sư phụ, sư mẫu em. Đấy mới là hạnh phúc.
– Kể ra em học võ với ông bà Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, bản lĩnh cao thâm, mà chưa có dịp sử dụng, thì cũng đáng tiếc. Còn anh, anh làm tướng, mà bản sự lại chẳng làm bao. Nghĩ cũng chán.
– Anh nói! Thời Lĩnh-Nam, công chúa Phùng Vĩnh-Hoa, Thánh-Thiên võ công đâu có cao, mà cũng làm đại tướng đánh những trận kinh thiên động địa? Em nghe Thái-hậu nói: Anh là một tướng có tài dùng binh, tính lại cẩn thận, nên mới chịu cho mình trấn ở đây đấy chứ.
Nghe phu nhân nói, hầu mỉm cười. Từ ngày thành hôn đến giờ, đã mười ba năm, hầu với phu nhân luôn hợp truyện về quốc sự, có khi bàn luận suốt đêm không ngủ. Hầu chỉ tay lên trời:
– Chim ưng bay tuần phòng trong tư thái an nhàn thế kia, thì giặc chưa tới đâu. Hôm qua tin của công chúa Thiên-Thành báo Quách Quỳ sai Lý Thật mang đạo quân hữu đệ nhất xuống đóng ở Ung-châu mà thôi. Đại quân Tống hiện chưa tới biên giới. Đối diện với ta là Khâm-châu, do Nhâm Khởi trấn nhậm. Y chỉ có quân bảo-giáp, tân đằng hải mới tuyển mà thôi. Nếu như Nhâm muốn đánh ta, thì ít ra cũng phải cả tháng nữa.
Nguyên hôm dự buổi thiết Tinh-triều ở Thăng-long, Thái-tử thiếu-bảo, Trấn-viễn thượng-tướng quân, Gia-viễn hầu, Binh-bộ tham-tri, Khu-mật viện sứ Bùi Hoàng-Quan tình nguyện ra trấn ở châu Vĩnh-an. Khi trao nhiệm vụ cho hầu, Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt nhấn mạnh rằng: Hầu đi lần này, thì chín phần chết mới có một phần sống, cần phải suy nghĩ cho kỹ. Hầu đâu phải là người ngu mà không biết chuyện đó? Nhưng hầu nghĩ khác: Ông nội của hầu làm tới tể thần thời vua Thái-tổ, phụ-thân hầu là Bùi Hựu làm tới Thái-sư đời vua Thái-tông, Thánh-tông. Hầu lại được chính vua Thánh-tông ưu ái hỏi vợ cho. Vậy hầu không nhận nhiệm vụ nguy hiểm này thì để cho ai bây giờ?
Phu-nhân của hầu là Trần Ngọc-Huệ, bạn tâm giao thời thơ ấu của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Suốt mấy năm qua, phu-nhân làm việc bên cạnh Thái-hậu, như một phụ tá về Lễ-bộ, chỉ quanh quẩn ở Thăng-long. Trong khi đó cháu gọi hầu bằng chú là Bùi Phương-Lý cùng chồng là Trần Di sát cánh bên nhau chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Vũ-thắng, dự cuộc Bắc-chinh, thực là oanh liệt; phu nhân nảy ra ý muốn cùng chồng ra trấn biên cương. Bà xin Linh-Nhân hoàng thái hậu chuẩn cho mang đội nữ binh trực thuộc theo giúp chồng.
Biết rằng cho hầu với phu nhân đi lần này, khó mà trở về an toàn, nhưng Thái-hậu lại nghĩ: Việc khó khăn, nguy hiểm này, phi người cực thân, khó ai dám hy sinh cho xã tắc. Vì vậy Thái-hậu thầm nuốt lệ rồi tiễn đi. Hậu cầm tay phu nhân dặn:
– Kể ra, trấn thủ ải địa đầu Vĩnh-an là nơi biên khích, một đi không trở lại này, cần phải có người tâm phúc, tín cẩn. Mà tâm phúc giữa Ngọc-Huệ với Yến-Loan (Ỷ Lan), thì không ai có thể sánh. Mình để Ngọc-Huệ đi, mà trong lòng lại có chỗ bất nhẫn.
Hầu với phu nhân tới nơi, kiểm điểm lại nhân mã, thì biết rằng bao nhiêu hoàng nam đã được mộ vào hiệu binh Đông-triều hết. Vì vậy lực lượng trấn thủ chỉ có hiệu binh này mà thôi. Đô-thống chỉ huy hiệu binh Đông-triều là Lê Huy, viên trương tuần làng Thổ-lỗi, vốn quen biết với phu nhân từ hồi thơ ấu. Mấy năm trước, Lê Huy chỉ huy hiệu binh địa phương Thiên-trường, mới đổi về coi hiệu Đông-triều hơn năm nay. Vợ Lê Huy là Chu Thúy-Phượng cũng biết võ, trước đây có tuyển mộ một đạo nữ binh hơn trăm người, nay xin mang theo giúp chồng. Chỉ huy phó hiệu Đông-triều là đô-thống Trần Thanh-Nhiên.
Nguyên trước đây Bùi Hoàng-Quan với Trần Thanh-Nhiên là bạn đồng liêu với nhau, mỗi người chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Cả hai cùng dự cuộc bình Chiêm, vì Hoàng-Quan lập đại công, nên khi hồi triều được phong hầu, chức tới tướng quân. Còn Thanh-Nhiên bị kết án chém đầu vì can tội không cứu đồng bạn. May đâu gặp dịp ân xá, y lại được trở lại làm việc tại Khu-mật viện. Tại đây, y cùng với Minh-Can chuyển tin tức của Thượng-Dương thái hậu cho Tống, bị Mộc-tồn hòa thượng bắt được trói lại giao cho triều đình. Triều đình chuyển cho bộ Hình điều tra. Bộ Hình xét thấy y vô tội, vì y tuân chỉ Dương hậu chuyển thư, mà không biết trong thư nói gì. Vì vậy Linh-Nhân hoàng thái hậu ân xá cho y, rồi đổi ra biên thùy, giáng xuống làm chỉ huy phó hiệu binh Đông-triều.
Lê Huy trình bầy với hầu: Hiệu binh chia làm ba sư, mỗi sư 1.500 người, và một lữ kị 500 người. Sư một đóng tại Như-hồng, trên đất Tống, sư trưởng là Nguyễn Văn-Khan. Trại này do Trần Thanh-Nhiên chỉ huy. Sư hai đóng ở Ngọc-sơn, sư trưởng là Trần Ngọc-Bá. Bộ chỉ huy trấn thủ biên giới Đông-Bắc Đại-Việt, đóng ở đây. Sư ba với lữ kị do chính Lê Huy chỉ huy đóng ở Tiên-yên.
Hầu quyết định:
– Phối trí như vậy là được rồi. Tôi sẽ đóng ở ải Ngọc-sơn.
Hầu nghĩ lại, trước đây Trần Thanh-Nhiên với mình, cùng một đẳng trật, mỗi người chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh. Nay vì y thất thế, mà bị giáng truất, nên đối xử với y như một người bạn, hơn là một thuộc hạ. Hầu dẫn phu nhân cùng Lê Huy, Thúy-Phượng, Thanh-Nhiên đi quan sát địa thế, thăm dân tình toàn châu Vĩnh-an rồi trở về thiết kế phòng thủ.
Hầu ban lệnh cho Lê Huy, Thanh-Nhiên và các lữ trưởng:
– Lệnh của Đại-tư-mã Thường-Kiệt truyền rằng: Tống muốn đánh ta cho mau, để còn kéo quân về. Chúng sợ lỡ Hạ từ Tây đánh vào, Liêu từ Bắc đánh xuống. Vậy chúng ta phải cản trở bước tiến của Tống, kéo dài thời gian càng lâu càng tốt. Vậy chúng ta củng cố hàng rào cho cao, hào cho sâu, chông cho nhiều; rồi trấn ở trong. Tuyệt đối không được xuất trại giao chiến. Vì vậy, ta phải dự trù trường hợp quân Tống đông, bao vây lâu ngày. Xin các tướng coi lại các giếng nước trong trại, cho đào hầm chứa lương thảo, vì sợ chúng bắn tên lửa vào đốt nhà, đốt lương. Chư tướng có ý kiến gì không?
Lê Huy thưa:
– Hiện ta có đủ số lương ăn trong ba tháng. Ba đồn của ta đóng ở ven biển. Nếu như bị vây lâu ngày hết lương, ta có thể sai chim ưng cầu cứu với đô-đốc Trần Phúc, chỉ huy hạm đội Âu-Cơ đang trấn ngoài khơi.
– Được.
Đến đó ưng-binh vào trình cho Hoàng-Quan một ống tre, hầu mở ra, đó là tin tức của phò mã Thân Cảnh-Long:
« Phải tối cẩn thận, trấn thủ Khâm-châu là Nhâm Khởi mới được viện hai đạo binh từ Quảng-châu xuống. Có thể y sẽ phụ trách đánh Vĩnh-an ».
Hoàng-Quan đọc tin cho các tướng nghe. Thanh-Nhiên hiến kế:
– Nếu Khởi đem quân đánh qua, thì có thể đi bằng ba đường. Một là qua huyện Tuy-viễn. Đường này y sẽ đụng phải các trang động của Tô-mậu. Một đường qua trại Như-tích, thì đụng phải ải do tôi trấn thủ. Đường thứ ba là dùng thuyền nhỏ chở quân men theo bờ biển, đường này y sẽ đụng phải hạm đội Âu-Cơ của đô-đốc Trần Phúc. Vậy bây giờ, hàng ngày ta phải cho đội Ngao-binh, Thần-ưng tuần tiễu xâm nhập đất Tống để lấy tin tức. Như vậy, nếu như giặc mới chuẩn bị vượt biên, ta đã biết trước. Tôi xin lĩnh nhiệm vụ đó.
Hầu vui mừng:
– Đúng thế. Trần đô-thống từng làm việc ở Khu-mật viện, thì thành thạo vấn đề này. Tôi xin trao đội Thần-ngao, Thần-ưng cho Trần đô thống chỉ huy. Bắt đầu từ ngày mai ta thi hành.
Thanh-Nhiên lĩnh mệnh đi rồi, Thúy-Phượng nói nhỏ với phu nhân Ngọc-Huệ:
– Về cái ông Trần Thanh-Nhiên này, mình phải cẩn thận lắm mới được. Vì lữ của ông gồm toàn đám thị-vệ cung Thượng-Dương với con cháu họ Dương bị đầy ra đây. Nay lại giao đội tế-tác cho ông ta, lỡ ông ta phản thì e trở tay không kịp.
– Khi chị lên đường, Thái-hậu cũng dặn vậy. Nhưng Đại-tư-mã Thường-Kiệt lại nói rằng việc này không ngại, bởi vợ con Thanh-Nhiên với đám thị vệ bị đầy đều ở Thăng-long, nếu chúng phản thì không khác gì chúng giết vợ con chúng vậy.
Chiều hôm đó, Thanh-Nhiên cho một viên trưởng đội tế-tác về báo rằng: Không có dấu hiệu quân Tống xuất hiện trong vòng trăm dặm.
Nhưng vào lúc trời chập choạng tối, thì viên tốt trưởng đi tuần tiễu ở phía Tây về báo cho biết: Cách đây hơn hai ngày, quân Tống từ Cổ-vạn tràn qua đánh Tô-mậu. Vì Tô-mậu chỉ có khoảng nghìn hoàng nam, nên không đầy nửa ngày đã thất thủ. Dân chúng các động xung quanh đang bồng bế nhau đang trên đường chạy về Vĩnh-an.
Lập tức Bùi Hoàng-Quan gọi Lê Huy:
– Đô-thống hãy mang theo một lữ tuần tiễu phía Tây xem sao!
Lê Huy chưa kịp đi, thì quân báo: Vì Tô-mậu thất thủ, nên chiêu-thảo sứ Vi Thủ-An, dẫn tướng sĩ, gia thuộc, cùng hơn năm trăm hoàng nam đến xin nương nhờ.
Bùi Hoàng-Quan cho tập họp binh sĩ, truyền canh phòng doanh trại cho cẩn thận, rồi ông cùng với phu-nhân, dẫn hơn trăm võ-sĩ ra khỏi đồn đón Vi Thủ-An. Từ phía xa, Vi Thủ-An cỡi trên bành voi, đầu bù tóc rối, quần áo xốc xếch đang đi tới. Phía sau hơn trăm hoàng nam cùng với vợ con được thồ trên lừa, ngựa, trâu, bò kêu khóc thảm thiết.
Vi Thủ-An trông thấy Hoàng-Quan, thì bật lên tiếng khóc:
– Bùi huynh ơi! Thôi rồi, Tô-mậu tan nát hết rồi.
Hoàng-Quan ra lệnh cho Lê Huy tiếp cứu đám người chạy loạn. Huy đưa họ đến một bãi cỏ lớn gần bãi biển cho nghỉ ngơi. Còn hầu thì dẫn Thủ-An với vợ con vào trong đồn. Thủ-An kể:
– Hôm qua, quân Tống từ Cổ-vạn kéo sang đến hơn vạn người. Chúng ào ạt xông vào tấn kích. Chúng tôi chỉ cầm cự được nửa ngày, rồi bị tràn ngập. May đội cận vệ dùng cung bắn cản đường, nhờ thế chúng tôi mới đem gia thuộc chạy thoát vào rừng. Chúng tôi đi suốt từ hôm qua đến giờ, người, ngựa đều mệt. Xin huynh cho nương nhờ.
– Được. Vi huynh với quý quyến tạm ở đây ít ngày, tôi sẽ nhờ thủy quân đưa về Thăng-long cho an ninh hơn.
Vừa lúc đó, Trần Thanh-Nhiên tới. Y báo cáo:
– Trình quân hầu, phía Bắc không thấy quân Tống, nhưng phía Tây có một đạo quân rất hùng tráng đang tiến tới, không biết là quân nào?
Vi Thủ-An run rẩy:
– Quân Tống đấy, chúng đuổi theo tôi đấy!
Đến đó đám hoàng nam, đàn bà, trẻ con tỵ nạn của Tô-mậu cùng kêu khóc, tỏ vẻ sợ hãi. Thanh-Nhiên đề nghị:
– Đám người này vừa đói khát, vừa mệt, xin quân hầu cho họ vào trú trong đồn, bằng không quân Tống tới, họ sẽ bị giết chết hết.
Hoàng-Quan gật đầu đồng ý. Ông ra lệnh cho binh sĩ đem đám người Tô-mậu vào trong ải. Còn Thanh-Nhiên, Lê Huy phải lên ngựa phóng như bay về ải của mình. Mọi việc vừa xong, thì quân Tống kéo đến hàng hàng, lớp lớp, reo hò tỏ ý đe dọa.
Bùi Hoàng-Quan bình tĩnh nói với Vi Thủ-An:
– Chà, quân Tống đông thực, dễ thường tới vài vạn chắc! Vi huynh với gia đình cứ tạm nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn uống. Tuy tôi chỉ có hơn nghìn binh, nhưng ải này chắc lắm, không dễ gì quân Tống đánh được ngay đâu. Nếu chúng muốn đánh, thì phải chấp nhận một đổi mười.
Hầu đeo kiếm cùng phu nhân đi vòng quanh ải kiểm điểm lại hệ thống phòng thủ. Trong khi quân Tống kéo đến tuy đông, nhưng chúng không đánh đồn, mà cắm trại, rồi nấu cơm ăn, trong tư thế nghi ngơi.
Hầu cười, bảo viên lữ trưởng Thần-nỏ:
– Dường như chúng nghỉ ngơi, chờ thêm viện quân rồi mới công đồn. Hừ! Dễ gì ta cho chúng được yên thân như thế. Em hãy dùng Lôi-tiễn bắn vào chỗ đóng quân của chúng, bắn hết lực, cho chúng kinh hoàng, phải lùi xa ải mình.
Viên lữ trưởng tuân lệnh, sai mồi lửa, rồi bắn Lôi-tiễn. Mũi tên khổng lồ đầu tiên bay lên trời phát ra tiếng vi vu, khi rơi cách đầu người hơn năm trượng thì phát nổ. Lập tức môt trái cầu lửa xanh lè, tím ngắt, đỏ chói lòa con mắt tỏa ra trên không, chụp xuống đầu quân Tống. Chúng la hét oai oái, ôm đầu tìm chỗ nấp, thì tiếp theo hơn mười Lôi-tiễn nữa chụp xuống đầu. Nỏ thần của ải Ngọc-sơn có năm dàn, thì bốn dàn bắn liên châu, và một dàn bắn Lôi-tiễn. Vì vậy sau hơn hai khắc, mới bắn được khoảng trăm mũi. Lôi tiễn tuy không làm cho quân Tống chết nhiều, nhưng doanh trại bị cháy, binh tướng bị phỏng nhiều.
Đến đây, quân Tống rút ra xa, rồi đóng trại. Hoàng-Quan cho hai lữ làm trừ bị nghỉ ngơi, chỉ để lại một lữ ở các vị trí phòng thủ.
Trời tối dần.
Vào khoảng giờ Tuất (19-21 giờ), thì có tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng trống thúc từ phía trại Như-hồng vọng lại. Binh canh báo:
– Trình quân hầu, dường như quân Tống đánh trại Như-hồng, tiểu nhân lên đài cao quan sát, thì thấy lửa tại đây bốc cao tới trời, lẫn vào đó là tiếng quân reo, ngựa hí, nhưng không thấy chim ưng của Trần đô thống báo tin.
Càng về khuya, tiếng reo hò tiếng trống thúc càng nhiều hơn. Hoàng-Quan leo lên đài cao quan sát, trong bóng đêm, chỉ thấy lửa trong trại Như-hồng bốc lên ngút trời. Lát sau, tiếng reo càng vọng lại gần hơn, rồi một đoàn quân Việt vừa đánh, vừa rút về phía Ngọc-sơn. Chính Thanh-Nhiên với viên sư trưởng Nguyễn Văn-Khan đi cản hậu. Phía sau quân Tống đuổi theo rất gấp.
Viên sư trưởng Trần Ngọc-Bá kêu lên:
– Có lẽ ải Như-hồng bị chiếm, quân mình rút chạy về. Xin quân hầu mở cửa đồn cho họ vào.
Từng đánh dư trăm trận, kinh nghiệm có thừa, Hoàng-Quan truyền cho đội cung thủ, hai dàn Thần-nỏ dàn ra trước cổng trại, lại cho đội đao thủ dàn phía sau đề phòng, rồi truyền mở cổng.
Đám bại binh từ Như-hồng về vào khoảng hơn hai trăm tên. Thấy cổng ải mở, chúng chạy ùa vào. Thanh-Nhiên với viên sư trưởng Nguyễn Văn-Khan nhảy theo. Trong khi phía sau, quân Tống bám sát. Đội cung thủ buông tên, rồi nỏ thần bắn loạt đầu. Đám quân Tống đi đầu ngã lổng chổng.
Đám bại binh Như-hồng vừa vào trong ải, thì nhanh nhẹn chia làm hai vung đao tấn công đội cung thủ, đội xạ thủ nỏ thần. Bị tập kích bất ngờ, đám cung thủ hét lên kinh hoàng, mạnh ai người ấy phản công. Nhờ đám cung thủ bị rối loạn, quân Tống tràn vào trại như nước vỡ bờ. Sư trưởng Trần Ngọc-Bá quả là người gan dạ, bình tĩnh. Y điều động hai lữ trừ bị ra phía trước cổng. Một lữ vây đánh đám bại binh Như-hồng, một lữ đánh đám quân Tống lọt vào trong trại.
Đội cung thủ lại được rảnh tay, bắn cản không cho quân Tống tiến đến cổng trại. Thành ra đám binh Tống trong trại bị cô lập với bên ngoài.
Thanh-Nhiên, Nguyễn Văn-Khan dùng kiếm đâm Hoàng-Quan. Hoàng-Quan kinh hãi, ông tung người lên cao, trong khi tay rút kiếm chĩa xuống gạt kiếm đối thủ. Trong ải náo loạn cả lên. Tiếng đao chém nhau phầm phập, tiếng người kêu gào thảm thiết vì đau đớn.
Đội đao thủ cuối cùng của đồn Ngọc-sơn đã được tung ra nhập cuộc, cùng vây đánh đám bại binh Như-hồng. Giữa lúc đó, trong dinh trấn thủ, lửa bốc lên cao ngụt trời, rồi có tiếng reo:
– Gian tế! Gian tế.
– Phản! Phản!
Hoàng-Quan vừa đấu với Nguyễn Văn-Khan và Thanh-Nhiên, vừa đưa mắt nhìn vào trong dinh tổng trấn: Phu nhân cùng đám vệ sĩ, nữ binh đang giao chiến với Vi Thủ-An và đám hoàng nam Cổ-vạn.
Nguyên Ngọc-Huệ là đệ tử của Tôn Đản, Cẩm-Thi, bản lĩnh hơn chồng nhiều. Trong khi biến cố xẩy ra ở cổng, thì bên trong dinh, Vi Thủ-An với hơn trăm hoàng nam hò hét rút vũ khí đánh từ trong ra. Tuy bị đánh úp, nhưng đội nữ binh nhanh nhẹn phản công. Họ chỉ có hơn trăm người, nhờ luyện tập nhiều, võ công cao, nên trong chốc lát, đám hoàng nam Tô-mậu bị đánh bật ra khỏi dinh. Vi Thủ-An thấy Ngọc-Huệ đứng đốc chiến, y khinh thường, cho rằng bà không biết võ, y dí kiếm vào cổ bà, bắt ra lệnh cho đám nữ binh buông vũ khí.
Bị bất ngờ, Ngọc-Huệ cười nhạt, rồi vờ ngã chúi về trước. Bà trầm người xuống cho kiếm Thủ-An qua đầu, rồi quét chân một cái, khiến y ngã úp sấp về trước. Bà rút kiếm ra chiêu Vân hoành Tản-lĩnh, đầu y bị bay khỏi cổ. Giải quyết xong đám nội phản, Ngọc-Huệ dẫn đám nữ binh ra tiếp chiến với chồng, đúng lúc quân Tống rút đi hồi chiều, bây giờ đã trở lại. Chúng reo hò, vác lá chắn bằng rơm cản tên, đang phá các lớp rào. Ngọc-Huệ đứng nhìn chồng đấu với Thanh-Nhiên, Văn-Khan, chỉ ngang sức. Muốn giải quyết chiến trường cho mau, bà lách tay phải bắt lấy kiếm Thanh-Nhiên, tay trái điểm huyệt đại-trùy của y. Y ngã lăn ra liền. Thuận tay, bà thích một mũi kiếm vào ngực tên Khan. Y vung kiếm gạt. Choang nột tiếng, kiếm của y vuột khỏi tay bay ra xa. Bà điểm vào huyệt đản trung của y. Y trầm người xuống tránh, thành ra tay bà điểm trúng mắt phải của y. Con ngươi y lòi ra ngoài. Y ngã ngửa về sau.
Trần Ngọc-Bá sai trói hai gian nhân lại, đem vào dinh thẩm vấn. Bấy giờ Ngọc-Huệ mới quay lại quan sát trận tuyến: Quân Tống đã lọt được vào hàng rào thứ ba, nhưng gặp sức kháng cự mãnh liệt, bị nỏ thần bắn chết la liệt, nên đành rút lui.
Trại Ngọc-sơn trở lại yên tĩnh.
Sau khi thẩm vấn tù binh, Trần Ngọc-Bá trình vời Hoàng-Quan:
« Khi ra trấn ở đây, Thanh-Nhiên đã liên lạc với Tống. Khu-mật viện Tống cho y biết viên sư trưởng Nguyễn Văn-Khan trước đây là thị vệ trong cung Thượng-Dương, cũng là người của Thiên-triều. Hai người được đặt dưới quyền viên trấn thủ Khâm-châu là Nhâm Khởi. Khởi dặn hai người phải tiềm ẩn, chờ ngày quân Thiên-triều đánh sang sẽ làm nội ứng. Mấy hôm trước, Khởi sai người truyền lệnh: Vi Thủ-An hàng Tống, sẽ làm khổ nhuc kế, để có thể lọt vào trại Ngọc-sơn, trong khi Nhiên với Khan cũng phải giả thua chạy về. Thế rồi nội ứng, ngoại hợp đánh úp trại Ngọc-sơn. Không ngờ Hoàng-Quan quá kinh nghiệm chiến đấu, hiệu quân Đông-triều lại can đảm, thiện chiến, nên mưu không thành ».
Hoàng-Quan kiểm điểm lại: Hơn hai trăm quân Tống giả làm bại quân Như-hồng bị giết hết, đám người của Vi Thủ-An cũng bị giết sạch. Quân Tống chết phơi thây ngoài hàng rào kể đến mấy nghìn. Điểm lại, quân thủ ải cũng chết mấy trăm.
Viên sư trưởng Trần Ngọc-Bá trình:
– Thưa quân hầu, mình có khoảng nghìn rưởi binh, nay vừa chết, vừa bị thương hết phân nửa, vậy ta có nên thủ đồn, hay rút về Tiên-yên?
Hầu chưa kịp trả lời, thì trống thúc vang dội, quân Tống đã trở lại. Dưới ánh sáng của đuốc, hầu nhìn rõ: Quân tấn công lần này có cả quân Việt thuộc sư một ở Như-hồng hàng Tống, hoàng nam Tô-mậu. Chúng dùng những tấm liếp nhồi rơm làm lá chắn chống tên lăn vào đem đoản đao chặt rào.
Ngọc-Huệ than với chồng:
– Cơ chừng này chúng thí quân để chiếm cho được đồn đây. Đánh nhau từ chiều đến giờ, chúng chết có tới mấy nghìn, mà nay chúng còn đông dường này, thì ta chỉ có cách tử chiến.
Phu nhân cầm kiếm đốc chiến phía Tây, Ngọc-Bá đốc chiến phiá Nam, hầu đốc chiến phía Bắc.
Quân Tống thúc trống, reo hò lăn xả vào tấn công. Quân Việt dùng tên lửa bắn ra, những tấm liếp nhét rơm bị bốc cháy. Hai bên giằng co đến hơn ba khắc, quân Tống chết nhiều quá lại phải rút ra ngoài, để lại không biết bao nhiêu xác chết nằm vắt vẻo trên hàng rào bên những lá chắn bốc cháy sáng rực trong đêm.
Nghỉ hơn giờ, quân Tống lại thúc trống tấn công, quân Việt lại bắn ra. Giữa lúc chiến trận nghiêng về phía quân Việt thì viên đội trưởng cung thủ báo cáo:
– Trình quân hầu, chúng ta đã hết tên rồi, xin hầu định liệu xem có nên rút lui không?
– Không! Chúng ta quyết tử chiến.
Đến đó phu nhân bị trúng một mũi tên vào bụng. Sợ binh sĩ trông thấy, bà vung kiếm cắt dứt chuôi tên, lấy dây lưng buộc bụng lại, tiếp tục đốc chiến. Quân Tống đã tràn vào trong đồn, chúng reo hò dùng đao giáp chiến với quân Việt.
Phu nhân cùng đám nữ binh vừa đánh vừa lùi về phía trước, thì gặp hầu cùng đám vệ sĩ cuối cùng cũng đang chiến đấu tuyệt vọng. Hầu với phu nhân đứng đấu lưng vào nhau, múa kiếm như mây trôi, như sóng dạt, quân Tống xông vào người nào, bị giết người đó.
Thình lình có tiếng quát:
– Lùi ra!
Quân Tống lùi ra ngoài. Quân Việt cũng thu chiêu, đứng thành vòng tròn, tay lăm lăm vũ khí.
Có hai người cầm đao nhảy vào vòng chiến, đó là Trần Thanh-Nhiên với Nguyễn Văn-Khan. Nhiên tấn công hầu, Khan tấn công phu nhân. Biết quân Tống đã vào nhà tù thả hai tên này ra. Không nói, không rằng, phu nhân phóng một chiêu kiếm thực thần tốc vào ngực tên Khan, y gạt kiếm của bà; nhưng không kịp, kiếm đã xuyên qua ngực y. Y loạng choạng ngã xuống, máu từ ngực phun ra có vòi. Trong khi hầu với Nhiên đang chiết chiêu.
– Ngừng tay!
Thanh-Nhiên thu kiếm lùi lại.
Một tướng Tống bước tới, y chĩa mũi kiếm xuống đất, rồi bái phu nhân:
– Tại hạ Nhâm Khởi, tổng trấn Khâm-châu, xin được ra mắt quân hầu và phu nhân.
Tuy mệt mỏi, nhưng hầu cũng đáp lễ:
– Kính chào Nhâm đại nhân.
Nhâm Khởi chỉ xác quân Việt nằm la liệt khắp nơi:
– Sự đã đến như thế này thì quân hầu hàng đi thôi. Đánh nữa cũng vô ích mà thôi. Trọn đời họ Nhâm này, chỉ biết kính trọng những bậc anh hùng trung liệt như quân hầu. Nếu quân hầu đầu hàng, thì cái tước hầu, tước bá cũng không đến nỗi mất.
Hầu lắc đầu, chưa kịp trả lời thì phu-nhân quay lại hỏi hơn ba chục nữ binh, năm chục nam binh Việt còn sống sót:
– Nhâm đại nhân muốn chiêu hàng. Các em nghĩ sao?
– Không hàng!
– Chúng em chỉ biết chết chứ không biết hàng.
Phu nhân cung tay tạ Nhâm Khởi:
– Đa tạ nhã ý quân tử, chúng tôi là con Rồng, cháu Tiên thì chỉ biết chết chứ không biết hàng.
Vừa dứt lời bà đưa kiếm vào cổ Thanh-Nhiên. Y kinh hoàng lộn người ra sau tránh, nhưng mũi kiếm đã trúng ngực y, đúng vào miếng hộ tâm kính đến choang một tiếng.
Đám tiễn thủ Tống vội dương cung bắn vào phu nhân để cứu Nhiên. Nhưng phu nhân đã quyết chết ngày hôm này, nên thay vì dùng kiếm gạt tên, bà chuyển mũi kiếm thúc vào sườn y, người y đứt làm hai khúc.
Nhâm Khởi hô quân Tống tấn công. Đám nữ binh, vệ sĩ lại lăn xả vào chém giết. Giữa lúc cuộc chiến đang ác liệt, thì một mũi tên trúng giữa ngực Hoàng-Quan, hầu ngã xuống. Phu nhân thấy chồng ngã, bà hơi phân tâm một chút, bị trúng một mũi đao vào bụng, ruột lòi ra ngoài. Bà nghiến răng dùng tay trái nhét ruột vào bụng, tay phải vẫn múa kiếm như mây bay, như gió lốc. Bà đi đến đâu, quân Tống ngã tới đó.
Dưới ánh đuốc lờ mờ, binh tướng Tống nhìn bà chiến đấu như một con sư tử, đều nhảy lùi ra xa, đứng nhìn. Một tay ôm bụng, một tay chống kiếm, bà đứng thở dốc, nhìn bên mình: Phu quân chết nằm đó, đám nữ binh cũng không còn một người.
Nhâm Khởi là tiến sĩ xuất thân, y cực kỳ kính trọng những bậc trung quân tuẫn quốc. Y cung tay hướng bà:
– Phu nhân! Ngừng tay đi thôi. Tôi hứa băng bó, chữa trị cho phu nhân, rồi đưa phu nhân với thi hài hầu về Thăng-long. Phu nhân chiến đấu như thế cũng đủ rồi, khí phách của phu nhân e rằng cao tới trời xanh.
Ngọc-Huệ thở hổn hển:
– Đa ta đại nhân. Vợ chồng tôi sống với Ngọc-sơn, thì chết với Ngọc-sơn. Nay Ngọc-sơn bị chiếm, tôi còn mặt mũi nào về nhìn chúa tôi nữa?
Tay vung lên, kiếm đâm suốt qua ngực, bà ngã xuống. Đám binh tướng Tống từng trải qua nhiều cuộc chiến đấu kinh hồn động phách, nhưng chưa bao giờ họ thấy một thiếu phụ sắc nước hương trời chiến đấu anh dũng đến như vậy. Bất giác, nào tướng, nào binh, đều hướng bà vái ba vái.
Bấy giờ là giờ Mão ngày Quý-Hợi, tháng bẩy, mùa Thu, niên hiệu Thái-Ninh thứ năm đời vua Nhân-tông bên Đại-Việt (9-7 năm Bính-Thìn. DL. 11-8-1076) bên Trung-nguyên là niên hiệu Hy-Ninh thứ chín đời vua Thần-tông nhà Tống.
Sau khi Bùi Hoàng-Quan với phu nhân tuẫn quốc, Nhâm Khởi sắm quan quách, mai táng bên khe suối ở đồn Ngọc-sơn, trên mộ khắc tấm bia đá có chữ :
« Lĩnh-Nam nghĩa sĩ Bùi, phu phụ chi mộ ».
Tin Ngọc-sơn thất thủ đưa về Thăng-long, Linh-Nhân hoàng thái hậu, Thái-Ninh đế truyền triều đình để tang, làm lễ tế vọng, truy phong cho hầu tước:
Trung-vũ, Anh-duệ, Tráng-tiết đại vương.
Phu nhân được phong:
Nhu-mẫn, Đoan-huệ, Anh-văn công chúa.
Truyền phối thờ vào thái-miếu, cho nên sau này ngoài dân chúng không có đền thờ của hai ngài. Riêng công chúa thì đời sau phối thờ với Linh-Nhân hoàng thái hậu. Cho đến nay (1995) trải 919 năm, nếu những con dân Việt đọc được những giòng này, mà còn tưởng nhớ huân nghiệp của công chúa, xin viếng thăm các đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu (ghi ở mục 3.2 phần tựa, quyển 1, NQSH) sẽ thấy:
– Tượng Linh-Nhân hoàng thái hậu ngồi trên chiếc ngai ở giữa trong y-phục Thái-hậu mầu vàng.
– Hai bên là tượng của sáu bà, trong y-phục công-chúa. Áo choàng, khăn tuy giống nhau, thêu hoa văn giống nhau, nẹp giống nhau, nhưng mầu khác nhau.
Nội thất Đền Bà Tấm (Nơi phối trí thờ Trần Thị Ngọc Huệ) ở Dương-xá, Gia-lâm, Hà-nội
Nội thất Đền Bà Tấm (nơi phối trí thờ Trần Ngọc-Huệ) ở Dương-xá, Gia-lâm, Hà-nội
Phía trước bàn thờ với chữ đại tự:
ypw1365408285THÁNH CUNG VẠN TUẾ
Tượng Thái-hậu ngồi trên ngai, trong y phục vàng;
3 tôn tượng bên trái tượng Thái-hậu: Tượng mặc áo xanh khuất sau cột là bà Nguyễn-thị Trinh-Dung, vương phi Trung-thành vương. Tượng mặc áo đỏ là Công-chúa Thiên-Thành. Tượng mặc áo trắng là Nhu-mẫn đoan duệ, anh văn công chúa Trần Ngọc-Huệ
(GS Trần Đại Sỹ – Trích nguồn: Việt Nam Thư Quán)
___
(*) Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã viết:
Năm 2011 Nhà báo Đỗ Hùng báo Thanh Niên phát hiện “Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê” đã bị đục bỏ (Xem tại đây!), mình đã viết: ”…một khi chủ trương đục bỏ bốn chữ  ”Trung Quốc xâm lược“  trên tấm bia kỉ niệm chiến thắng tức là tự mình đục bỏ lòng yêu nước. Đỗ Hùng gọi đấy là sự khiếp nhược, quá đúng, sự khiếp nhược được che đậy bằng cái gọi là khôn khéo. Thảm hại thay!”
Bây giờ nhà báo Lê Đức Dục báo Tuổi trẻ lại kể chuyện tượng anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm bị: “quét nhiều lớp nước vôi rất dày để làm mờ đi dòng chữ ghi tên chị trên thân bệ đá.”  và gỡ bỏ luôn tên ngôi trường mang tên người anh hùng ấy.
Không còn gì để nói, muốn nhổ nước bọt và văng tục!
- – - – -
- Xem thêm: