Sunday, December 4, 2011

Chuyện thật như bịa

THANH TRA XÂY DỰNG XỬ PHẠT

VI PHẠM LUẬT GIAO THÔNG

.
Ai cũng biết nhiệm vụ của cảnh sát giao thông là hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành Luật giao thông, trong đó có việc xử phạt để răn đe. Nhưng trên thực tế người ta đã mặc nhiên hiểu, sự có mặt của cảnh sát giao thông là để phạt vi phạm. Mà thôi, việc quan tâm đến việc này hơn hay việc khác hơn thì vẫn thuộc chức năng của họ. Điều cần nói là cảnh sát giao thông đâu mà lại nhường cho thanh tra giao thông đi phạt vi phạm Luật giao thông.

Theo Sài Gòn tiếp thị thì “Suốt thời gian dài, rất nhiều người để xe máy hóng mát ở một số khu vực trung tâm TP.HCM bị thanh tra xây dựng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông”.

Bài báo cho biết, một buổi tối, anh D. đang đứng chờ bạn ở lòng đường Lê Duẩn thì một nhóm người mặc đồng phục thanh tra xây dựng đến kiểm tra giấy tờ xe phạt 150000 đồng, kèm theo cả những lời xúc phạm. Anh D. phản ánh sự việc với UBND phường Bến Nghé. Sau đó, người ta có trả lời, giải quyết gì không thì mọi người tự đoán lấy.

Một chuyện khác, anh Nguyễn Dân ở quận 2 để xe trên vỉa hè trước cổng trường tiểu học Hoà Bình, gần nhà thờ Đức Bà uống càphê thì bị thanh tra xây dựng xử phạt. Cùng đi còn có cả những người mặc thường phục. Khó chịu vì thái độ thiếu nhã nhặn của thanh tra viên, anh Dân không ký biên bản xử phạt, yêu cầu được đối xử lịch sự. Trong lúc hai bên đang lời qua tiếng lại, anh Dân bị hai người mặc thường phục tiến lại gần đạp vào người.

Chưa hết, cũng theo SGTT thì luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM nói, rất nhiều lần ông còn thấy thanh tra xây dựng chặn xe taxi, xe ôtô cá nhân để xử phạt. Địa bàn lực lượng này thường “ra quân” xử phạt vi phạm giao thông là đường Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Trương Định…

Câu hỏi được đặt ra là, Thanh tra xây dựng căn cứ vào đâu để xử lý vi phạm giao thông? Người ta đoán rằng, có thể họ căn cứ vào “quyết định 89/2007/QĐ-TTg, cho phép Hà Nội và TP.HCM thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận – huyện, xã – phường, thị trấn. Lực lượng này được thành lập trên cơ sở đội quản lý trật tự đô thị với chức năng, quyền hạn là kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, xử lý các hành vi vi phạm như xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ, lấn chiếm không gian…”

Theo quyết định này (và trong tất cả các văn bản qui phạm pháp luật khác), không hề có câu nào cho phép Thanh tra xây dựng xử lý vi phạm Luật giao thông. Có thể trong khi thực hiện quyết định 89 nói trên, Thanh tra giao thông “thừa thắng” lấn sang cả chuyện chặn xe máy, ô tô để xử phạt mà cảnh sát giao thông không hề hay biết.

Chẳng riêng gì chuyện Thanh tra xây dựng đi xử phạt vi phạm Luật giao thông. Bây giờ, ngày càng nhiều “người của Nhà nước” chẳng biết quyền hạn mình đến đâu cũng hành xử vung vít rất bừa bãi. Một tay mặc thường phục, chẳng có biển hiệu công chức, chẳng tự giới thiệu danh tính cũng có thể đứng chỉ tay ra lệnh bắt bất cứ ai, kể cả khi nạn nhân đang ngồi uống nước. Một kẻ không mặc sắc phục, không đeo hoặc có đeo băng đỏ cũng có thể xông vào bắt người, đấm đá, dù người ta không có tội gì. Người bị bắt không thể biết chúng là công an giả côn đồ hay côn đồ giả công an, chỉ biết hành động thì giống như côn đồ.

Nước ta đang hướng tới xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN. Khái niệm này từ năm 2002 đã chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định định hướng cho quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước Việt Nam. Cứ theo sự tuyên truyền chính thống thì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ắt phải ưu việt hơn hẳn Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa. Ấy vậy mà việc thi hành pháp luật ở nước ta của nhiều ngành nhiều cấp còn mông muội như vậy thì bao giờ mới đạt được mục tiêu đó đây?
 

04/11/2011
TƯỜNG THỤY