Tuesday, December 6, 2011

Trần Hoàng Lan – Miệng kẻ sang và đồ nhà khó



Câu tục ngữ “miệng kẻ sang có gang có thép” chỉ lời nói của kẻ sang – vua, quan, những người có địa vị, quyền thế trong xã hội – thường có uy lực, thuyết phục mà người nghe phải nể trọng, tuân theo. Nó cũng thường được người ta sử dụng vào hai mục đích trái ngược. Khi thì dùng để ca ngợi, khi thì dùng để phê phán, mỉa mai tùy theo “miệng của kẻ sang”.  Những người biết câu tục ngữ này đều biết tới câu chuyện sau trong “truyện Trạng Quỳnh” vốn rất phổ biến. Và rất có thể mục đích phê phán của nó xuất phát từ câu chuyện này. Đó là câu chuyên “Nhặt bã trầu”
“Một ông quan vào quán ngồi bệ vệ lắm, Quỳnh giả làm học trò xác, mon men đến đứng bên, hễ thấy quan ăn miếng trầu nào nhả bã ra thì lại cúi xuống nhặt. Quan hỏi:
- Mày là ai?

- Bẩm, tôi là học trò.

- Học trò sao lại lẩn thẩn thế?

- Bẩm, chúng tôi thấy phương ngôn thường nói: “Miệng kẻ sang có gang có thép!”, chúng tôi nhặt xem gang thép như thế nào.

Quan thấy Quỳnh có ý xược, ra oai thét:

- Ðã xưng là học trò, thì phải đối ngay câu phương ngôn ấy đi, đối được thì tha cho, không sẽ đánh đòn!

Quỳnh rụt tè thưa:

- Bẩm quan khó lắm!

Quan lại quở:

- Khó thì khó cũng phải đối!

- Bẩm quan con xin đối.

- Nói mau!

Quỳnh mới đọc:

- Ðồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.

Quan ngồi lặng đi rồi đỏ mặt nói:

- Ừ đối cũng chỉnh, nhưng mà xấc lắm”.
http://image.tin247.com/24h/091011002649-529-561.jpg
Đọc xong câu chuyện trước tiên người ta cười hả hê vì thấy viên quan bị “chửi” qua một vế đối rất chỉnh mà lại không làm gì được người đối. Sau đó là một chút  băn khoăn : Viên quan trong chuyện ngoài cái “tội” là “bệ vệ” ra thì cái “miệng kẻ sang” của ông ta có vẻ bị oan khi phải đối với cái “đồ nhà khó” hình như là của một “chị chàng nhà quê”nào đó. Rồi tiếp tục cũng không thể không liên hệ những ” kẻ sang” thời xưa với thời nay cùng với những cái “miệng” của họ. Các quan thời phong kiến phần lớn được bổ nhiệm là do đã đỗ đạt qua các kỳ thi nghiêm ngặt. Do vậy có những phát ngôn của họ tuy chưa hẳn là “gang thép” nhưng cũng không đến nỗi bị chê cười đàm tiếu. Thời nay các cán bộ là quan của một chế độ độc tài, độc đảng vốn sinh ra bằng lừa dối, lấy dối lừa để tồn tại. Cách tuyển chọn dựa vào tiêu chuẩn chính là lý lịch, cùng với tệ nạn chạy quyền chạy chức đã thành phổ biến. Đại biểu quốc hội là đại diện cho dân được chọn bằng cách “đảng cử xong dân mới được bầu”. Vậy nên rất khó để tuyển chọn được những người có tài thực sự làm quan. Đội ngũ “kẻ sang” này “miệng” của họ có đủ “mọi thứ” trừ “gang thép”. Có thể tạm phân “mọi thứ” đó ra thành mấy loại sau:

    Nói láo
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, nói không đúng sự thật gọi là nói dối, nói phét hoặc nói láo. Ở gia đình gọi là nói dối hay nói láo có tính tương đối. Chẳng hạn cùng là một câu nói không đúng sự thật nếu là của bố thì con cái gọi là nói dối còn ngược lại người bố có thể gọi là nói láo. Ở ngoài xã hội thì lừa dối với mục đích không tốt, lừa dối có hệ thống, lừa dối trắng trợn gọi là nói láo. Đây là kiểu nói phổ biến của các “kẻ sang” thời nay. Xin nêu ra vài dẫn chứng tiêu biểu.
“Quả lừa lịch sử” đối với nhân loại nói chung và đối với nhân dân ViệtNamnói riêng là việc tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản của các lãnh tụ cộng sản. Một thứ chủ nghĩa không có thật nêu ra chỉ nhằm lợi dụng quần chúng để giành quyền thống trị cho đảng cộng sản. Gần một thế kỷ các chế độ cộng sản đã gây ra bao thảm họa cho nhân loại nói chung và cho nhân dân ViệtNamnói riêng. Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước các chế độ cộng sản ở châu Âu sụp đổ. “Quả lừa” bị lật tẩy, quốc hội châu Âu đã ra nghị quyết 1481 lên án tội ác của chủ nghĩa cộng sản đối với nhân loại. Chủ thuyết cộng sản đã bị nhân loại vứt vào sọt rác. Nhưng lãnh đạo các nước cộng sản còn sót lại trong đó có ViệtNamvẫn ngoan cố duy trì chế độ độc tài, độc đảng đồng thời lừa mị nhân dân bằng việc lải nhải lập trường “kiên định đi lên CNXH”. Khi chính họ đã phản bội lý tưởng vì đã trở thành tầng lớp “tư bản đỏ, cấu kết với tư bản nước ngoài bóc lột công nhân trong nước.
Dù hiện giam giữ hàng trăm các tù nhân chính trị, hạn chế tối đa các quyền tự do của công dân bằng các điều luật phản dân chủ. Nhưng trước công luận quốc tế các lãnh đạo cộng sản vẫn leo lẻo nhắc đi, nhắc lại: ở ViệtNamkhông có tù chính trị, không có ai bị bắt vì bất đồng chính kiến, công dân ViệtNamcó đầy đủ các quyền tự do ngôn luận,…

  Nói một đằng làm một nẻo 
Những năm gần đây công tác phòng, chống tham nhũng luôn được đảng dành cho những từ rất kêu trong các nghị quyết. Từ trung ương đến địa phương đều thành lập các ban phòng chống tham nhũng. Nhưng nạn tham nhũng không hề giảm trái lại nó ngày càng trầm trọng điển hình là vụ Vinashin có dính líu tới người đứng đầu là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cũng dễ nhân thấy vì thâu tóm cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nên đảng không thể chống được tham nhũng và thực sự họ cũng không muốn chống vì đây chính là cách để gia tăng tài sản cho bản thân gia dình, phe cánh, đồng chí của họ. Bởi vậy những lời hô hào “quyết liệt”,”kiên quyết” chống tham nhũng chỉ nhằm để giảm bức xúc của nhân dân đối với chế độ.
Phong trào “học tập làm theo tấm gương Hồ Chí Minh” do bộ chính trị phát đông rầm rộ trên cả nước. Mặc dù tốn kém nhưng không có hiệu quả. Đạo đức xã hội ngày càng suy đồi. Tham nhũng lãng phí đã trở thành phổ biến. Và thật trớ trêu những điển hình “không làm theo” như Sầm Đức Xương, Nguyễn Trường Tô, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh,…lại chính là những kẻ đề xuất, rao giảng phong trào này.
Ngày 25/11/2011 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tán thành đưa luật biểu tình để quốc hội bàn bạc thông qua thì hai ngày sau tại Hà Nội công an đã bắt bớ những người biểu tình ủng hộ chủ trương này.

   Những phát ngôn “ấn tượng”
Đầu tiên phải kể lời lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Cu Ba để ca ngợi sức mạnh của hai nước XHCN anh em “Có người ví von: “Việt Nam, Cuba như là Trời Đất sinh ra. Một anh ở phía Đông. Một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới. Cuba thức thì VN ngủ. VN gác thì Cuba nghỉ.”.
Tiếp theo là lời của ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trước quốc hội để nhắc nhở các đại biểu lưu ý trong phê bình kỷ luật “cứ chặt chém… hết thì..lấy ai làm việc”.
Khi dân Hà Nội khốn khổ vì ngập lụt thì ông Phạm Quang Nghị sau khi chê dân “ỷ nại vào chính quyền” đã tìm ra cụm từ lạc quan để chỉ vấn nạn này “đây là một cuộc tổng diễn tập cho tương lai”.
Quảng cáo cho dự án xây đường sắt cao tốc ông nghị Trần Tiến Cảnh dõng dạc trước quốc hội “Những nơi có chỉ số IQ cao thì nơi đó có ĐSCT như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Bỉ… Brazil, Nga, Indonesia thì đang triển khai. Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao. Với tinh thần Việt Nam không còn là nước nghèo, với quyết tâm chính trị của cả dân tộc, đề nghị Quốc hội tán thành chủ trương xây dựng dự án trong kỳ họp này”.
Khi Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh cá trên biển đông, cắt cáp của tàu thăm dò Bình Minh, bắt bớ đòi tiền chuộc hàng loạt ngư dân Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thản nhiên xoa tay nói trước quốc hội “Tình hình biển Đông không có gì mới”.
Gần đây nhất là ông nghị Hoàng Hữu Phước trong bài phát biểu phản đối đưa luật biểu tình ra bàn ở nhiệm kỳ 13 đã cho rằng “biểu tình là chống chính phủ”. 

     Những lời hứa xuông
    Điển hình là lời tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2006 “thề một mất một còn” với tham nhũng ” Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng nếu không chống được tôi xin từ chức ngay”. Từ đó đến nay tham nhũng ngày càng trầm trọng nhưng ông thủ tướng thì không ngừng gia tăng tài sản, đã không chịu từ chức còn ngồi tiếp một nhiệm kỳ nữa và không quên cất nhắc cả “cậu ấm” lẫn “cô chiêu” lên hàng ngũ các cán bộ cao cấp.
Đặc biệt trong các kỳ họp quốc hội thì thời điểm chất vấn các thành viên chính phủ là lúc người dân được nghe thấy nhiều nhất những lời hứa. Nhưng bức tranh kinh tế, xã hội ViệtNamthì cứ sau mỗi một nhiệm kỳ laị ảm đạm hơn nên đó chỉ là những lời hứa xuông.

 Bất ngờ. Thay cho lời kết
Ngày nay người ta ít dùng thể loại văn câu đối để châm biếm đả kích. Nhưng nếu để châm biếm, đả kích phát ngôn của các cán bộ lãnh đạo thì câu đối trên của Trạng Quỳnh vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ có điều khác với viên quan xưa đỏ mặt vì xấu hổ, tức giận còn các viên quan thời nay chỉ đỏ mặt vì tức giận bởi họ đã bị “đứt mất dây thần kinh xấu hổ”. Và thật bất ngờ nghe câu đối trên ngoài các viên quan thời nay còn có một nhân vật nữa cũng đỏ mặt vì tức giận. Đó là “chị chàng nhà quê” chủ nhân của món “đồ nhà khó” trong câu đối trên.

12/2011 TRẦN HOÀNG LAN