Thursday, December 8, 2011

Uy tín của Hội đồng thẩm phán TAND Tối Cao qua một vụ án hiếp dâm

Mặc Lâm (RFA) - Báo chí đồng loạt lên tiếng trước sự tức tưởi của chính ba nạn nhân của vụ án. Họ phải đối diện hàng chục năm nữa trong nhà tù để trả cái giá cho một hệ thống pháp luật lấy tính đảng làm trọng, xem oan khuất của người dân không bằng uy tín của một tòa án địa phương, cho dù uy tín đó được xây dựng trên quyền lực và hoàn toàn không nhằm bảo vệ điều mà hiến pháp quy định...

*

Vào ngày 7 tháng 12, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối Cao đã phán quyết bản án giám đốc thẩm, bác bỏ kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao đề nghị tuyên bố vô tội với 3 thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên trong vụ án hiếp dâm và cướp của tại Yên Nghĩa Hà Đông.

Gần 11 năm về trước vào đêm 24 tháng 10 năm 2.000 vụ án hiếp dâm cướp của xảy ra tại Yên Nghĩa Hà Đông đã dẫn đến việc bắt giữ ba thanh niên tại làng này qua vật chứng duy nhất là chiếc áo lót bỏ lại hiện trường mà cơ quan điều tra cho là của một trong ba bị cáo, căn cứ vào lời khai có người đã trông thấy họ mặc vào hai năm trước đó.

Có sai Viện kiểm sát cũng phải chịu 

Ba thanh niên bị tuyên án sơ thẩm tổng cộng 41 năm tù và trong phiên phúc thẩm, thẩm phán Hoàng Thị Kim Oanh ngồi ghế chủ tọa tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm: Nguyễn Đình Lợi 16 năm tù; Nguyễn Đình Tình 14 năm tù; Nguyễn Đình Kiên 11 năm tù; tổng cộng cho cả hai tội “cướp của” và “hiếp dâm”. Cả 3 bị cáo đồng loạt phản cung, họ tố cáo đã bị dùng nhục hình để ép cung của cơ quan điều tra trong suốt thời gian bị tạm giam. Cả ba thanh niên Lợi, Tình, và Kiên luôn kêu oan, thậm chí họ xin tử hình vì không chịu nỗi sự nhục nhã mà họ không làm. 
 
 Ba thanh niên được VKSNDTC xác định bị án tù oan: Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi , Nguyễn Đình Kiên (từ trái qua) - VTC News

Trong 10 năm ngồi tù đã khiến cho một trong ba người đã nhiễm vi rút HIV/AIDS do va chạm khi sống chung vối người bệnh trong trại giam. Trong khi nằm viện một bác sỉ điều trị cho nạn nhân đã phát hiện ra anh chưa hề qua một lần giao tiếp với phụ nữ và từ đó nghi án về việc ba thanh niêm hiếp dâm đã được tung lên hệ thống thông tin báo chí và chủ tịch nước lúc ấy là ông Nguyễn Minh Triết ra lệnh phải lật lại hồ sơ vụ án.

The báo chí mô tả thì con đường giải oan cho ba thanh niên này không dễ chút nào mặc dù đã có lệnh của Chủ tịch nước. Đầu năm 2010, sau khi điều tra, đánh giá lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ của vụ án, Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao đã quyết định cho 3 bị cáo được tại ngoại, đồng thời ra kháng nghị đề nghị xét xử lại theo hướng tuyên 3 bị cáo vô tội để họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
 
Trụ sở Toà án nhân dân tối cao ở Hà Nội. Source toaan.gov.vn

Cho tới ngày 7 tháng 12 sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa ra một quyết định khiến nhiều người ngỡ ngàng trong đó có TS luật sư Trần Đình Triển, do theo dõi vụ án từ đầu nên ông biết rất nhiều chi tiết. Trước kết quả này ông nhận xét:

-Tôi cho rằng bản án Giám đốc thẩm của Tòa Án Nhân dân Tối cao cho rằng các cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã đúng pháp luật và bác kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao với góc độ tôi biết thông tin về việc này thì tôi cho rằng đấy là một bản án giám đốc thẩm không chuẩn xác, cố tình bao che những việc làm sai của quá trình sơ thẩm và phúc thẩm, đẩy ba con người đó vào đường cùng.

Luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân Dân Tối cao cho biết kinh nghiệm của ông:

-Tòa án có quyền vẫn giữ nguyên cái phán quyết cũ, như thế là hết không làm gì nữa. Vậy thì nếu Viện kiểm sát Tối cao đề nghị xin xét lại thì tòa án sẽ xét lại. Người ta theo yêu cầu của anh là tôi xét lại nhưng tôi giữ nguyên tức là tối hậu vẫn là tòa án. Tức là tòa án người ta độc lập, tức là anh dù đưa ra 100 lý do này lý do nọ nhưng họ bác được là họ cứ bác. Thậm chí là họ có bác sai anh cũng phải chịu. Chẳng hạn như bây giờ ta giả định rất xấu là tóa án có ý bênh vực một cách sai trái thì anh Viện kiểm sát cũng phải chịu!

Bác Sĩ Phạm Thị Hồng, người phát hiện ra cả ba thanh niên chưa lần nào quan hệ tình dục đã tự nguyện làm đơn kêu oan cho ba thanh niên này. Bà gửi đi đơn khiếu nại tổng cộng 36 nơi. Hầu hết các nơi không trả lời, duy nhất Tòa án Nhân dân Tối cao có văn bản trả lời rằng các bị cáo đã được xét xử đúng người, đúng tội.
 

Bác sĩ Hồng cho báo chí biết khi nghe trả lời như vậy, bà bị tụt huyết áp, ngất xỉu, phải nhập viện điều trị. Ra viện, BS Hồng tiếp tục làm đơn kêu cho ba người và bà tuyên bố, nếu không giải oan cho ba thanh niên này, bà sẽ tự thiêu.

Nói chuyện với chúng tôi về kết quả của Tòa án Nhân dân Tối cao vừa đưa ra sẽ dẫn tới việc bắt giữ cả ba thanh niên vào tù lại BS Phạm Thị Hồng cho biết:

-Tôi rất là buồn lắm, tôi đang mất bình tĩnh cho nên rất mệt mỏi và rất buồn, thương cho các cháu. Bây giờ tôi đang mệt lắm, huyết áp lên 220 khi nào tôi đỡ thì anh gọi lại nhé….

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng Tòa án Nhân dân Tối cao đã bao che cho cấp dưới trước một quyết định không hợp lòng dân và đi ngược lại với pháp luật khi các bằng chứng cho thấy sự sai trái của bản án từ lúc sơ thẩm đến phúc thẩm ông nói:

-Tòa án Nhân Dân Tối cao bảo lưu kiểu đó tôi cho rằng rất khó chứng minh được bằng những dẫn chứng như sau: Rất nhiều người dân làm chứng rằng tại thời điểm xảy ra sự việc đó thì ba thanh niên này không có mặt tại hiện trường. Hai nữa lời khai của chính người bị hại không phù hợp với những nhận dạng, tuổi tác và hình thức của người bị kết tội. Một số tài liệu nữa có tại hiện trường thì không được thu thập, giám định một cách đầy đủ dẫn đến kết luận oan sai cho ba thanh niên này.

Dùng biện pháp quyền uy để bao che cái sai? Nguyên nhân của việc bảo lưu bản án theo TS luật sư Trần Đình Triển do Tòa án lo ngại việc sai trái cấp dưới sẽ làm người dân nỗi giận vì với sự ngồi tù 10 năm của ba người thanh niên vô tội sẽ khiến bất bình của dư luận ngày một cao hơn. Bên cạnh đấy việc đền bù cho ba nạn nhân sẽ rất lớn đã làm phán quyết của Tòa đi lệch với pháp luật

-Với đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước và niềm tin của nhân dân là sai thì sửa chứ không thể dùng biện pháp quyền uy để bao che những cái sai. Điều đó sẽ không được lòng dân, không đúng pháp luật và đảng cũng không cho phép làm như vậy. Không thể vì việc phải bồi thường theo điều 380 do việc xử oan sai mà chúng ta bảo lưu việc đó thì càng làm mất lòng tin của dân.

Luật Sư Trần Đình Triển đề nghị đưa vụ việc oan sai này ra trước Quốc hội để người dân theo dõi, ông nói:

-Tôi đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục kháng nghị, các cơ quan dư luận lên tiếng, đồng thời ba thanh niên đó có văn bản gửi lên Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội để xem xét theo trình tự giám sát của Quốc hội xem xét toàn bộ vụ án này một cách minh bạch công khai cho toàn dân biết.

Tuy nhiên theo Luật sự Trần Lâm, qua kinh nghiệm từng là thẩm phán của Tóa án Nhân Dân Tối cao ông cho rằng chưa bao giờ có tiền lệ này và do đó Quốc hội sẽ khó chấp nhận đảo lộn điều mà ông gọi là trật tự do đảng lãnh đạo, Luật sư Trần Lâm cho biết:

-Tôi chưa thấy ở nước ta một vụ nào mà đưa ra Quốc hội mà quốc hội bác cái quyết định cuối cùng của tòa án cả. Bởi vì đảng lãnh đạo thì không bao giờ đảng làm cái việc như thế. Người ta phải thu xếp ngay từ trước cho nó gọn nhẹ chứ ai lại để cho mang ra quốc hội làm rùm beng lên? Không có cái chuyện ấy. Bản thân tôi cũng ở trong ngành bao nhiêu năm rồi tôi chưa thấy việc nào mà quốc hội bác tòa án cả, chưa có. Trong đời tôi chưa thấy Quốc hội bác tòa án bao giờ cả!

Hàng ngàn vụ án oan sai vẫn còn trong bóng tối nhưng vụ án mà báo chí gọi là kỳ án này tuy đã diễn ra hơn 10 năm, đã được đích thân Chủ tịch Nước quan tâm, được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào cuộc và dư luận hết sức chú ý do tính chất nghiêm trọng của nó nhưng cuối cùng thì phán quyết mang đầy tính cục bộ của một cơ quan pháp luật cao nhất nước đã làm vỡ niềm tin đối với hàng triệu người dân có theo dõi vụ án này ngay từ đầu. 

Báo chí đồng loạt lên tiếng trước sự tức tưởi của chính ba nạn nhân của vụ án. Họ phải đối diện hàng chục năm nữa trong nhà tù để trả cái giá cho một hệ thống pháp luật lấy tính đảng làm trọng, xem oan khuất của người dân không bằng uy tín của một tòa án địa phương, cho dù uy tín đó được xây dựng trên quyền lực và hoàn toàn không nhằm bảo vệ điều mà hiến pháp quy định.