Wednesday, August 8, 2012


Tim đen của bành trướng: Dưới cá là dầu

Ảnh chụp ngày 20 Tháng 7, 2012 cho thấy đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc gần Bãi đá Vĩnh Thử thuộc quần đảo Trường Sa, đi kèm đoàn tàu cá là tàu hộ tống có trọng tải 3.000 tấn và một tàu của chính phủ làm công tác bảo vệ

Thế lực bành trướng Trung Quốc có lòng tham không giới hạn, dân ta thường nói là lòng tham không đáy. Hiện nay trọng điểm xâm lược của họ là vùng Biển Đông của ta, mà họ tự nhận là vùng biển Nam Trung Hoa. Họ đang leo thang trong cuộc xâm lược vùng này, bất chấp sự cảnh cáo của các nước lân cận như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan, bất chấp sự cảnh cáo nghiêm khắc của các nước châu Á khác như Ấn Độ, Nhật Bản, và của Hoa Kỳ, Canada, Liên Âu, Úc… 


Bắc Kinh cũng bỏ ngoài tai sự can ngăn của những người còn có lương tri trong hàng ngũ của họ. Những người này từng chỉ ra rằng Trung Quốc hiện đã bị cô lập, bị bao vây từ mọi phía, nội bộ bất ổn, vấn đề nông dân và dân tộc đang có nguy cơ bùng nổ, chớ có lao vào các cuộc phiêu lưu bất trắc, hậu quả sẽ khôn lường. Những người này ân cần nhắc lại lời khuyên tâm huyết của đại quân sư Đặng Tiểu Bình ghé vào tai Giang Trạch Dân, rằng: Hãy chỉ phơi bày chỗ yếu, chớ vội phô trương lực lượng khi nanh còn nhỏ, vuốt còn cùn, hãy tỏ ra khiêm tốn để đánh lừa đối phương, hãy ghi nhớ 4 chữ “Thao Quang Dưỡng Hồi », che dấu chỗ mạnh, phô trương mặt yếu kém, làm phương châm trong vài chục năm, vì Trung Quốc chỉ có bộ binh hùng hậu, còn hải quân và không quân còn rất kém, kỹ thuật quân sự cao còn kém hơn nữa.

Vì quá tham lam, vì say mê nồng độ dầu và khí đốt với trữ lượng rất cao nằm dưới đáy biển Đông của Việt Nam, mà thế lực bành trướng Trung Quốc lên cơn điên tham tàn, bất chấp thế đang bị quốc tế bao vây, ngăn chặn, họ vẫn hùng hổ lao vào kho báu của người khác. Tim đen của họ là đây.

Họ vội vã lập thành phố Tam Sa, lập Bộ chỉ huy quân sự Tam Sa, lập lực lượng quân sự phòng vệ Tam Sa, cho tàu quân sự xâm nhập sâu hải phận Việt Nam và Philippines, từ ngày 1/8/2012 huy động hơn 2 vạn tàu thuyền đánh cá của 2 tỉnh Hải Nam và Quảng Đông dương cờ 5 sao, trống kèn inh ỏi, ngang nhiên mở chiến dịch đánh cướp cá quy mô chưa từng có trong vùng biển Việt Nam. Tại đây, họ xây sân bay, hải cảng, lập nhà kho, xây cả trại giam, dựng doanh trại, kho đạn, ụ súng đại bác, trận địa cao xạ, như trên đất nhà mình.

Rõ ràng là Bắc Kinh rắp tâm đặt Việt Nam và các nước liên hệ khác trước chuyện đã rồi, cứ tỉnh bơ làm như chuyện bình thường trên đất nhà, trên biển nhà, trong vùng quyền lợi cốt lõi quốc gia của họ, lợi dụng sự mềm yếu của nhóm lãnh đạo ở Hà Nội đã bị họ thao túng và khống chế xong xuôi, để hoàn thành âm mưu cuối cùng của họ là chiếm đoạt toàn bộ kho báu vô tận: kho dầu và khí đốt dưới đáy biển Đông.

Trên là cá, tôm, cua, mực, sò, ốc hến, san hô, rong biển, 20 ngàn tàu thuyền phương Bắc tha hồ vơ vét ngày đêm, nhưng đây chưa phải là mục tiêu lớn nhất. Dưới là những túi dầu, túi khí  đốt khổng lồ, vô tận, đây mới thật là kho báu huyền thoại, là mục tiêu cơ bản của bành trướng đang lên cơn khát dầu và khí đốt.

Hãy nghe Bắc Kinh đánh giá kho báu vô giá này. Tổng cục dầu khí quốc gia Trung Quốc cho rằng dự trữ dầu và khí đốt ở biển Đông có thể thừa để cung cấp cho toàn bộ nền kinh tế đang phát triển với tốc độ trên dưới 10% mỗi năm của Trung Quốc trong 30 năm. Trung Quốc sẽ không cần nhập dầu từ Libya, Nigeria, Trung Đông, Nga … xa xôi phức tạp, chỉ cần đưa đến đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông để vận chuyển bằng đường ống đi khắp nước. Của nhà, không phải trả một xu, họ nói với nhau như thế. Đường ống vận chuyển dầu và khí đốt phi nghĩa, phi pháp này đã được khởi công lặng lẽ. Dầu cướp được từ đáy biển Việt Nam sẽ chảy đến Thành Đô, Trùng Khánh, Thượng Hải, Bắc Kinh, lên đến tận các vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Bắc Kinh đã ngang nhiên công khai gọi đấu thầu quốc tế cho việc thăm dò và khai thác dầu và khí đốt ở 9 lô cụ thể trong vùng biển Việt Nam, cứ như là chuyện bình thường, tất yếu, không cần giữ ý, chẳng cần bàn bạc với ai. Đúng là thái độ, đàn anh, kẻ cả, mục hạ vô nhân, thái độ đế quốc, thái độ anh chị của xã hội đen quốc tế.

Bắc Kinh dám hành động liều lĩnh như thế chính là do họ đã nắm chắc nhóm lãnh đạo Việt Nam từ cuộc họp mặt bí mật ở Thành Đô - Tứ Xuyên hồi đầu tháng 9 năm 1990 – bao gồm Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, với sự đồng tình của Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, v.v

Thế lực bành trướng lên cơn điên cuồng vì ngửi thấy kho dầu và khí đốt hùng hậu ở biển Đông nước ta, đang lao vào cuộc cướp phá mù quáng vượt quá khả năng của họ trong thời hiện đại.

Đảng CS Việt Nam sẽ chọn con đường nào? Đi với kẻ thù xâm lược hay đi với nhân dân?

Không thể cứ ấm ớ, nước đôi, như giao cho một phó thủ tướng mở hội hữu nghị Việt-Trung tỏ lòng biết ơn Trung Quốc (!), rồi cho người phát ngôn của Bộ ngoại giao ỡm ờ phản đối việc Trung Quốc cho hàng vạn tàu thuyền ào ạt kéo vào vùng biển ta để ăn cướp cá. Trò 2 mặt này không lừa được ai. Thái độ chính trị phải nhất quán, minh bạch và dứt khoát.


* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


---------------------------------------------





 Cấm xe máy cũ: Một chính sách… “thoát nghèo” !










Ngày kiếm cơm đêm kiếm chuyện (Danlambao)
- Nhà chị tôi, cả gia đình bốn miệng ăn sống dựa vào chiếc xe máy “cà tàng”. Ngày nào cũng vậy, lúc trời còn chưa sáng anh rể đã làm những cuốc xe thồ đầu tiên đi lấy thịt từ lò mổ chở đến cho các tiệm bán bún phở buổi sáng. Xong những chuyến hàng “đi đêm” anh còn phải tiếp tục những chuyến hàng đi ngày là chở hàng về nhà cho chị bán tạp hóa, rồi chở hàng đi bỏ cho khách…

Cứ thế, cuộc sống cả nhà chị tôi dựa vào cái xe máy cũ, ban đầu nó là chiếc xe máy bình thường nhưng sau đó cái xe được anh rể tôi đem gia công bánh lốp, phọt nhúng, ma ga… cái xe trở nên cứng cáp hơn.

Tài sản nhà chị tôi chẳng có cái gì là đáng giá, có mỗi cái xe thồ đó quăng ra đường chẳng ai muốn lấy, nhưng với nhà chị nó là tài sản quí giá vô cùng, nó là miếng cơm manh áo nuôi sống nhà chị cả hàng chục năm nay.

Nhà chị thuộc diện hộ nghèo, cũng như bao hộ nghèo khác, nhà chị trông chờ vào chính sách của Nhà nước “xóa đói giảm nghèo”, nhưng chờ đợi mãi cứ như trời hạn trông mưa.

Hôm rồi nghe ai đó nói rằng Nhà nước sắp cấm xe máy cũ lưu hành, anh rể về nói với chị rằng: Nhà ta sắp thoát khỏi diện hộ nghèo rồi!

Chị tôi chẳng biết chuyện gì, nghe anh nói thế thì mừng và hỏi lại: Nhà nước sắp có chính sách mới cho hộ nghèo à?

Anh trả lời chị: ừ, sắp có đấy. Trầm ngâm một chút anh chỉ vào chiếc xe máy cà tàng của gia đình đang dựng ở góc nhà rồi nói lớn: Nó sẽ cấm tiệt cái xe này đây!

Chị tôi kêu trời rồi nói: Kiểu này lấy gì nhà mình sống, đói đến nơi rồi. Vậy mà ông nói thoát nghèo làm tôi mừng chứ

Anh rể nói với chị: Thì tôi nói nhà mình thoát nghèo không đúng sao, sẽ không còn thuộc diện hộ nghèo nữa mà sắp chuyển sang thuộc diện hộ đói rồi đấy!


Ngày kiếm cơm đêm kiếm chuyện