...từ trang nhà BBC
Mỹ chỉ trích VN hạn chế tự do ngôn luận
Báo cáo nói chính phủ Việt Nam giám sát các hoạt động Internet
Báo cáo thường niên về nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ, vừa công bố thứ Năm 24/5, nói chính phủ Việt Nam "tiếp tục dùng các điều khoản an ninh quốc gia và chống vu khống rộng khắp để hạn chế" tự do ngôn luận, trong đó có tự do báo chí.
Các phóng viên nước ngoài vẫn phải đóng ở Hà Nội, ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ của một phóng viên chỉ tường thuật chủ đề kinh tế thì được sống ở TP. HCM, theo phúc trình nhìn lại một năm ở Việt Nam.
Phúc trình cho biết các phóng viên nước ngoài phải xin lại visa mỗi ba hay sáu tháng. Số lượng nhân viên nước ngoài cũng bị hạn chế, và nhân viên người Việt phải đăng ký với Bộ Ngoại giao.
Thủ tục thuê phóng viên, người chụp ảnh là người Việt được nói là "tiếp tục nhiêu khê".
Nhiều phóng viên cho các hãng nước ngoài cho hay họ bị an ninh quấy rầy, đe dọa không cấp visa nếu "còn làm các tin về chủ đề nhạy cảm".
Báo cáo của Mỹ cũng đề cập các trường hợp cây bút người Việt bị "tấn công hoặc đe dọa" trong năm qua.
Nói về báo chí chính thống, phúc trình cho biết "tổng biên tập trang web Sài Gòn Tiếp Thị bị buộc rời chức vụ sau khi đăng những bài nhạy cảm cuối năm 2010".
Theo phía Mỹ, ông Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập và là tổng biên tập trang VietnamNet, "bị gây sức ép phải từ chức" tháng Hai năm ngoái.
Tự do Internet
Báo cáo nói mặc dù người dân ngày càng dễ tiếp cận Internet hơn, nhưng chính phủ "theo dõi email, tìm những từ nhạy cảm, và kiểm soát nội dung Internet".
Về các điều luật và quy định, Mỹ ghi nhận các công ty Internet toàn cầu mở blog hoạt động trong nước phải báo cáo với chính quyền sáu tháng một lần. Nếu được yêu cầu, họ phải cung cấp thông tin về các blogger.
Phía Mỹ cho biết chính phủ Việt Nam "dường như dỡ bỏ hầu hết hạn chế đối với trang web VOA, mặc dù tiếp tục chặn RFA trong phần lớn thời gian".
"Trang web BBC tiếng Việt và tiếng Anh có những lúc bị chặn trong năm," theo báo cáo.
Báo cáo cho biết ít nhất chín blogger bị bắt trong năm qua, và nhắc đến trường hợp các thanh niên Công giáo tại tỉnh Nghệ An bị bắt.
Cũng trong ngày 24/5, bốn trong số những người này đã bị các mức án khác nhau trong phiên tòa một ngày ở Vinh, Nghệ An.
Về tự do học thuật, Mỹ ghi nhận các học giả nước ngoài "được phép thảo luận các chủ đề phi chính trị một cách rộng rãi và tự do trong lớp, nhưng người quan sát của chính quyền thường xuyên dự các lớp của cả người nước ngoài và người Việt".
Các ấn phẩm học thuật "thường phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản và chính phủ". Các tổ chức khoa học kỹ thuật vẫn bị cấm không được "công khai chỉ trích chính sách của Đảng và nhà nước".
Giới nghệ sĩ "được phép có nhiều quyền chọn chủ đề tác phẩm hơn so với các năm trước", trong khi các đại học cũng có thêm tự chủ đối với các chương trình hợp tác và trao đổi quốc tế.
Báo cáo nhắc đến sự trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hè 2011, với ví dụ đoạn phim trên mạng cho thấy cảnh Đại úy Minh, một công an thành phố Hà Nội, đạp vào mặt người biểu tình.
Phía Mỹ cho hay ban đầu người này bị tạm đình chỉ công tác, nhưng sau đó đã được phục chức.
Báo cáo cũng cho rằng vào tháng 11, "an ninh mặc thường phục đã đánh và tạm giữ khoảng 30 học viên Pháp Luân Công" khi họ biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.
Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm 24/5 nói các vấn đề nhân quyền lớn nhất tại Việt Nam là sự hạn chế quyền chính trị của người dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ; tăng cường biện pháp hạn chế tự do dân sự; và tham nhũng trong hệ thống tòa án và cảnh sát.
Việt Nam chưa đưa ra phản ứng, nhưng báo cáo của Mỹ viết "chính phủ chỉ trích hầu hết các tuyên bố về nhân quyền và tôn giáo của các tổ chức phi chính phủ và chính phủ nước ngoài".
___________________________________________________
Dân biểu Mỹ chất vấn về nhân quyền VN
Trần Đông Đức
Tường thuật từ Washington DC, Hoa Kỳ
Hình ảnh tại buổi điều trần về tình hình nhân quyền ở VN
Cuộc điều trần về nhân quyền vào hôm 15 tháng 5 tại Quốc hội Hoa Kỳ đã đòi Bộ Ngoại giao tăng sức ép với trường hợp tiến sĩ toán học Nguyễn Quốc Quân bị bắt ở Việt Nam gần đây.
Dân biểu Frank Wolf, đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, đã khiến ông Michael Posner, Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, trải qua những giây phút căng thẳng.
Nhân cuộc điều trần chất vấn, dân biểu Frank Wolf đã trực tiếp yêu cầu đại sứ Mỹ tại Việt Nam phải đích thân hành động - ít nhất bằng một cử chỉ thăm viếng nhà tù, nơi tiến sỹ Nguyễn Quốc Quân bị giam giữ.
Ông Posner trả lời chất vấn trong tinh thần hợp tác và đầy đủ nhưng cũng tìm cách bảo vệ quan điểm của Bộ Ngoại giao về những thương lượng đang còn diễn ra trong bí mật.
Cuộc điều trần diễn ra trong vòng hai tiếng với đại diện của nhiều tổ chức nhân quyền. Nhưng nó tựu chung vẫn chú trọng mạnh mẽ vào truờng hợp của tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân bị nhà cầm quyền Việt Nam điều tra về tội danh khủng bố.
Sự hiện diện của bà Ngô Mai Hương, vợ ông Quân, làm nhân chứng dường như để lại một cảm thông khiến ông phụ tá bộ truởng Posner hứa sẽ có sự quan tâm sâu sắc về chuyện này.
Cuộc điều trần cũng đề cập chủ đề rộng hơn là việc nhà cầm quyền Việt Nam gần đây thẳng tay trấn áp những tiếng nói đối lập bằng những biện pháp tinh vi.
Các nhân viên Bộ Ngoại giao phải đứng lên thừa nhận là họ bị sốc.
Ông Posner khẳng định với thuật ngữ ngoại giao rằng những việc mà Việt Nam đang làm là “không thể chấp nhận được”.
Vụ tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân được các dân biểu Mỹ quan tâm
Các truờng hợp nổi bật như ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), bà Tạ Phong Tần đều đuợc Bộ Ngoại giao cho hay họ lưu tâm đặc biệt và đã gửi thông điệp nghiêm khắc tới nhà cầm quyền Việt Nam.
Không làm 'đối tác chiến luợc'
Khi được hỏi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có biện pháp nào để hạn chế những vi phạm nhân quyền, ông Posner cho biết phía Việt Nam lâu nay tỏ ý muốn trở thành “đối tác chiến luợc” (Strategic Partnership – nguyên văn từ ông Posner) với Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ nói Không vì tình trạng nhân quyền hiện nay.
Tiến sĩ Robert George, một điều trần viên của Ủy ban tự do tôn giáo khẳng định: “Việt Nam càng lúc càng đi trên con đuờng của một chế độc độc tài thô bạo.”
Trong một giải pháp đối đầu khác, dân biểu Frank Wolf còn kiến nghị với tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam hãy tổ chức kỳ lễ Độc Lập (vào ngày mồng 4 tháng 7, 2012) ở Hà Nội và mời tất cả những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam tham dự.
Buổi điều trần với chủ đề Việt Nam: Sách nhiễu nhân quyền và tự do tôn giáo tiếp diễn, do Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos tổ chức.
Đây là ủy ban lưỡng đảng tại Hạ viện Hoa Kỳ thành lập từ năm 1983.
_________________________________________
Báo Việt tiếp tục đả phá Quan làm báo
Mạng internet bị cho là mang nhiều nguy hại
Tiếp theo sau chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 12/9, báo trong nước tiếp tục đăng bài chỉ trích các blog 'phản động' và mạng xã hội.
Tờ PetroTimes hôm thứ Sáu 14/9 chạy bài thứ hai trong loạt bài về Quan làm báo, trang blog bị nêu danh trực tiếp trong công văn 7169/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ, cùng với hai trang khác là Dân làm báo và Biển Đông.
Bài viết mang tựa đề 'Quan làm báo đã bịa đặt như thế nào', cũng do Nhóm phóng viên PetroTimes viết, liệt lê các vụ mà báo này cho là Quan làm báo đã "lừa người đọc".
Trong số các vụ đó, có cáo buộc báo Thanh Niên đăng bài vở PR cho Bầu Kiên, tức ông Nguyễn Đức Kiên, người bị bắt hồi tháng trước; cũng như ông Trầm Bê, một doanh gia giàu có ở TP Hồ Chí Minh.
Tiếp theo đó, là các lần Quan làm báo "tung tin" một loạt nhân vật có tiếng trong giới kinh doanh ở Việt Nam bị bắt, với những cái tên như Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan), Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank)...
Các thông tin này, theo PetroTimes, đều là bịa đặt. Phóng viên PetroTimes nhận định: "... mặc dù luôn gồng mình, “tỏ ra nguy hiểm” nhưng “Quan làm báo” đã thể hiện sự xào xáo “ít học” của mình".
Bài viết kết thúc bằng kêu gọi "cần phải tìm cho ra những kẻ tiếp tay cho chúng [Quan làm báo] và nghiêm trị".
Một hôm trước, PetroTimes cũng đã chạy bài 'Thủ đoạn “ném đá giấu tay” của Quan làm báo' nói về cách thức đưa tin "lợi dụng lòng tin" của blog đình đám này.
'Không phải tầm thường'
"Đó là ai mà có khả năng dẫn dụ, đánh lừa người đọc, là ai mà biết ném đá rồi lại biết giấu tay rất khéo? Hẳn không phải là kẻ tầm thường!"
PetroTimes nói về Quan làm báo
Một điều đáng chú ý là tuy dùng những từ như "ngây ngô", "ít học"... khi nói về Quan làm báo, phóng viên PetroTimes lại nhận định: "Hẳn tất cả chúng ta đều muốn “biết mặt, nghe tên” của những kẻ được gọi là Quan làm báo”.
"Đó là ai mà có khả năng dẫn dụ, đánh lừa người đọc, là ai mà biết ném đá rồi lại biết giấu tay rất khéo? Hẳn không phải là kẻ tầm thường!"
Tờ PetroTimes của ngành dầu khí do ông Nguyễn Như Phong, cựu phó Tổng biên tập Công an Nhân dân, làm chủ bút và do vậy được cho là có quan hệ với ngành an ninh Việt Nam.
Một số nguồn tin ở trong nước cũng cho BBC hay nhà chức trách đang điều tra truy tìm người đứng sau Quan làm báo và Dân làm báo vẫn đang diễn ra tuy cũng có tin nói đã xác định được chủ nhân của các blog "bôi nhọ lãnh đạo" này.
Trong khi đó, thứ Năm 13/9 cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam - báo Nhân Dân có xã luận của tác giả Anh Khôi nói về 'Quyền lực ngầm sau mạng xã hội'.
Bài viết hơn 2.500 từ đăng trong mục Bình luận-Phê phán của báo Nhân Dân phân tích điều mà tác giả cho là nguy cơ mà người sử dụng các trang mạng xã hội đang phải đối diện.
Bài viết cảnh báo: "Đằng sau mạng xã hội luôn có những quyền lực ngầm, và công nghệ do con người tạo ra có thể trở thành một công cụ bị lạm dụng nhằm khống chế con người, nếu như mất cảnh giác."
Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang bị cho là một trong các 'nạn nhân của Quan làm báo'
Anh Khôi cho rằng từ chỗ "không hề hoặc rất ít liên quan chính trị", các mạng xã hội hiện nay đang bị "các đại gia tài chính, các thế lực chính trị và nhiều đối tượng khác khai thác để kiếm lợi".
Nguy cơ chính trị
Cây bút của báo Đảng CSVN viết rằng Facebook, mạng xã hội có hàng triệu người ở Việt Nam sử dụng, được "một số nguồn tin cho biết" là do các ngân hàng và nhà đầu tư tài chính khổng lồ Rothschilds and Goldman Sachs sở hữu và quản lý; đồng thời cũng có quan hệ với CIA.
Tác giả bài viết cảnh báo thiệt hại cho người sử dụng mạng xã hội, không chỉ trong mua bán kinh doanh mà cả trong lĩnh vực an ninh chính trị.
"Trên Facebook, cách đưa tin có chủ ý rõ rệt. Họ cung cấp các đường link với một số trang web chống chế độ. ... Ðây chính là điểm mà các thế lực thù địch, phản động đang khai thác sâu, lợi dụng triệt để."
Anh Khôi cũng nhắc tới điểm dường như là mấu chốt, rằng các mạng xã hội từng đóng quan trọng trong các cuộc cách mạng gần đây ở Trung Đông và Bắc Phi.
Chính quyền ở Việt Nam đã không ít lần cảnh báo về diễn biến hòa bình, cách mạng màu, cách mạng hoa lài... mà nguy cơ bị cho là xâm nhập qua con đường internet.