Wednesday, September 19, 2012

MỚI GHÉ QUA NHÀ BỌ LẬP


Mẹ con chị Đào


Năm 1981 mình đóng quân ở đảo Cái Bầu (Quảng Ninh). Đảo Cái Bầu to đùng gọi là huyện đảo, chẳng thấy  đâu “sóng biển dập dìu”chỉ thấy rừng là rừng. Cuốc bộ 25 cây số mới tới nơi đóng quân, đấy là sáu quả đồi nằm giữa âm u rừng già, buồn ơi là buồn. Sống đấy chỉ giải khuây bằng việc mang gạo vào nhà dân đổi chó đem về mổ thịt nhậu chơi. Mình với thằng Quí kết với nhau đi đổi chó mười mấy bản quanh khu vực đóng quân.
Thằng Quí  ở đại đội bệ, to cao phốp pháp như Tây, nó là giống tây lai dù bố mẹ nó đều người Việt. Nó kể ông nội nó là lính lê dương, hiếp bà nội nó đẻ ra bố nó.  Bố nó rất thuần Việt, chẳng lai tây chút nào nhưng đến thế hệ F2 là nó lại lai tây. Hồi nầy Tây có nghĩa là Liên Xô, các đơn vị tên lửa thường có chuyên gia Liên Xô về làm việc nên bất cứ ai nhìn thấy nó đều đinh ninh là chuyên gia Liên Xô.
  Cứ chiều thứ bảy nó đeo giày Kur Sơ Gin ( hay là giày gì đó  không nhớ, cũng chẳng nhớ nó kiếm đâu ra giày sĩ quan Liên Xô rất xịn đó), khoác cái áo bay Liên Xô cùng mình vác một, hai yến gao đi về mấy bản gần đấy. Nói là gần chứ cũng phải đi chừng năm bảy cây số mới tới nơi. Tất nhiên mình vác gạo, nó đi không. Chuyên gia Liên Xô ai lại đi vác gạo, hi hi.
Nhác thấy nhà nào có con chó nào thịt được, hai thằng rẽ vào. Nó cười rất tươi, cúi chào rất lễ độ, nói rốp rít xốp xít. Tiếng Nga nửa tiếng nó chẳng biết, cứ rốp rít xốp xít loạn cả lên. Mình cũng “dịch” loạn cả lên, miệng mồm  như tép nhảy, nói đồng chí chuyên gia Liên Xô kính chào bố mẹ, chúc bố mẹ sức khỏe. Nó đế thêm cái tiếng Việt  ngọng của Tây, nói án khang thính vướng. Bố mẹ thích lắm, đón tiếp rất niềm nở, có gì ăn được trong nhà đem ra mời hết.
Thằng Quí nhìn con chó rất âu yếm nói một tràng rốp rít xốp xít. Mình dịch ngon trớt, nói đồng chí chuyên gia rất thích con chó này. Nó đế thêm, nói cón chò đép làm.  Mình nói người nước ngoài coi chó như bạn, sang đây không có bạn, đồng chí chuyên gia buồn lắm. Nó đế thêm, nói buốn làm buốn làm. Mình nói đồng chí  chuyên gia rất muốn mua con chó này nhưng đồng chí chuyên gia chỉ có tiền Liên Xô không có tiền Việt, không biết bố mẹ có đồng ý đổi gạo không. Bố mẹ nghe nói vậy thì ok liền, nói đồng ý đồng ý, ưu tiên đồng chí chuyên gia Liên Xô. Nó liền bắt tay bố mẹ, nói càm ớn bò mè càm ớn bò mè.
Xong việc, “đồng chí chuyên gia” tay không túc tắc đi về, “đồng chí phiên dịch” phải vác bao tải chó lúc cúc chạy theo sau, mệt bỏ mẹ nhưng chẳng dám kêu một tiếng. Hi hi. Nói chung khi “đồng chí chuyên gia” đã ngỏ lời đổi gạo lấy chó, nhà nào cũng vui vẻ ok. Có nhà tặng luôn con chó cho đồng chí chuyên gia không lấy một cân gạo. Duy nhất có một nhà bóc mẻ được thằng Quí là ông Liên Xô dởm, ấy là nhà chị Đào.
Năm đó chị Đào hai sáu tuổi, hơn tụi mình hai tuổi, xinh nhất bản ( bản gì cũng quên mất rồi). Tụi mình vào nói chuyện với bố mẹ, chị đứng nép vách buồng nghe lén, thỉnh thoảng nhóng cổ ra cười khúc khích, lúm đồng tiền sâu hoắm, tròn vo. “Đồng chí chuyên gia” thấy người đẹp thì ngẩn ngơ, mặt đực như ngỗng ia, mình phái hích cùi chõ mấy lần nhắc nhở. Đến đoạn mình nói “đồng chí chuyên gia rất muốn mua con chó này nhưng đồng chí chuyên gia chỉ có tiền Liên Xô không có tiền Việt, không biết bố mẹ có đồng ý đổi gạo không” thì chị cười ré lên, nói tiền Liên Xô cũng được, đem tiền Liên Xô đây. Thằng Quí mặt tái như đít nhái. Mình giả bộ rốp rít xốp xít với thằng Quí rồi quay lại “dịch” cho chị , nói vì không nghĩ bố mẹ cần tiền Liên Xô nên đồng chí chuyên gia không mang tiền theo. Thằng Quí mừng quá, nói đùng rói đùng rói. Chị Đào cười ngất, nói thôi đi chú Quí chú Lập ơi. Chị biết các chú là ai rồi.
Té ra chị Đào là vợ anh Chiến lái xe cùng sư đoàn. Hôm liên hoan văn nghệ sư đoàn, tụi mình lên sân khấu hát hò chị có đến xem. Thằng Quí còn diễn kịch, thủ vai phi công Mỹ, làm sao chị không nhớ. May quá. Bố mẹ chị biết hai thằng cùng đơn vị anh Chiến nên cười xòa, cho luôn con chó, còn mời hai thằng ở lại ăn cơm. Bây giờ mới biết chị Đào là con dâu, quê chị ở Thái bình theo anh Chiến về đây đã sáu năm. Thằng Quí tiếc ngẩn ngơ, giá chị chưa chồng thế nào nó cũng sẵn sàng “ chết” với chị. Nó là giống tây lai muốn “chết” với cô nào mà chẳng được, hi hi.
Đang bữa cơm chợt nghe mấy tiếng è è ó ó. Chưa kịp định thần là tiếng gì thì chị Đào chạy vào buồng bế ra chú bé 4 tuổi. Hai thằng nhìn chú bé hết muốn ăn, sợ chết được. Chú bé bị liệt, hai chân mềm nhũn như là không có xương. Mặt như người bị down mắt ếch miệng cá ngão. Cái cổ nhỏ như cổ tay trong khi cái đầu to đùng, trán dô tai tóp. Chị Đào nhìn tụi mình tươi tỉnh, nói các chú cứ ăn đi, đừng sợ. Bố cháu bị nhiếm chất độc da cam hồi ở rừng Trường Sơn, sinh cháu ra đã thế này rồi. Bác sĩ khuyên nên bỏ đi nhưng chị không chịu, dù sao cũng là con mình, nó ra giống gì vẫn là con mình, có phải không các chú?
 Chị lấy chào đút cho thằng bé, cứ đút thìa nào là nó phun ngược ra thìa đó, mặt chị dính đầy cháo. Thằng Quí há hốc mồm, nói sao thế, cháu nó ăn kiểu gì thế? Chị cười, nói cháu ăn cơm không được, nó không biết nhai, có khi phải đút cháo cả đời. Nhưng đấy là chuyện nhỏ, cái chính là cháu lẫn lộn giữa nuốt vào và phun ra. Cho cháu ăn một bát cháo có khi mất cả chục bát. Xong bữa  mẹ con như trâu lấm. Cứ tưởng chị kể xong là òa khóc hóa ra không, chị cười rất tươi như  vừa kể một chuyện gì vui lắm. Bố mẹ chồng nghẹn ngào, nước mắt dàn dụa, chị thì cười rất tươi, đôi mắt đen nhánh lóng lánh, đôi lúm đồng tiền tròn vo. Lạ quá.
 Sau bữa cơm nhà chị Đào mình không gặp chị lần nào nữa. Tháng sau mình được quân chủng điều về Đà Nẵng, từ đó đến nay di chuyển chỗ ở ba bốn nơi, chẵn ba mươi năm thỉnh thoảng vẫn tính về thăm lại đảo Cái Bầu nhưng chưa một lần thực hiện.
 Năm ngoái thằng Sơn (Nguyễn Thanh Sơn) rủ bạn bè về Đà Nẵng chơi, gọi là kỉ niệm hai năm ngày cưới nó với Hồng Ánh. Hai năm chỉ vỡ có ba chồng bát với hai cái mobile gọi là thành công rực rỡ, hi hi. Đà Nẵng là chốn cũ, mình đã ở đây 4 năm. Nhậu nhẹt tưng bừng xong mình bỏ đám bạn gọi taxi đi lòng vòng quanh thành phố.
Mình về phố Ông Ích Khiêm, nơi có quán mì Quảng rất ngon và một quán cà phê nhỏ nhỏ dưới gốc bàng, mình và anh em văn nghệ Đất Quảng vẫn hay ngồi ở đó. Quán mì Quảng không còn, quán cà phê đã cơi nới rất hoành tráng, nhạc nhót ầm ĩ, đèn đóm lập lòe. Biết đó không còn chỗ của mình nữa, mình đành bỏ đi.
Bất chợt mình thấy một người đàn bà bán số bên kia đường. rất lạ: Chị nhỏ thó teo tóp lại gùi một người đàn ông to đùng. Chị Đào! Mình chạy đến chào chị, nói em là Lập đây, Lập phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô đây, chị có nhớ em không. Chị nhìn mình hồi lâu rồi a lên một tiếng, chụp lấy tay mình, nói chú Lập, ui chao chú còn nhớ chị. Mình nhìn người đàn ông sau lưng chị, biết ngay là con trai chị, chú bé ba chục năm về trước bây giờ đã hơn ba chục tuổi rồi.
Chị em vào quán ngồi, nghe chị kể mới biết anh Chiến bị ung thư máu chết cách đấy mấy năm, bố mẹ chồng bố mẹ đẻ đều về trời hết cả. Chẳng còn ai nương tựa, chị đành gùi con đi bán vé số. Mình đưa chị ít tiền, chị kiên quyết không lấy, mình đành mua hết  mấy chục vé còn lại trên tay chị. Chị nói cười rổn rảng, nói ôi chao bữa nay may quá là may. Chợt thằng bé kêu è è ó ó. Chị vỗ vỗ thằng bé, nói thằng này nó biết đấy. Hễ chị bán được vé số là nó mừng lắm, kêu è è ó ó là nó đang hát đấy. Gương mặt nhầu nhĩ già nua của chị bỗng sáng trưng.
 Mình nói ngày nào chị cũng gùi thằng bé hơn năm chục cân, chịu sao thấu? Chị cười, nói không chịu cũng phải chịu chứ sao. Mình nói sao chị không kiếm cái xe lăn đẩy nó đi? Chị nói chị kiếm rồi nhưng cháu không ngồi được, cột dây ngang ngực nó khó thở, cột ngang bụng thì nó gập người xuồng, chúc đầu xuống đất. Thôi thì gùi vậy. Mình nói đến khi chị già yếu không gùi được nữa thì sao? Chị cười, nói ối dào, đến đó rồi hẵng hay.
Thằng bé lại è è ó ó. Mắt chị lại sáng lên, nói đấy đấy nó lại hát đấy. Khi nào nó hát là nó vui lắm đấy.  Chị cười rất tươi, tươi đến nối làm mình rùng mình nổi cả da gà.
Nguyễn Quang Lập



____________________________________




Lâu lâu lại nghe…


Đỗ Đức

Minh họa của tác giả
Lâu lâu đọc trên báo lại thấy những chuyện kì cục: chỗ đất sắp giải tỏa tự nhiên mọc mọc lên mấy chục ngôi mộ mới mà trong làng không có người chết. Một bức tường của căn nhà sắp thu hồi hiện lên một bức  tranh to đùng… Còn cạnh nhà tôi, khi chuẩn bị làm công viên,  cơ quan công quyền cho đo đạc đất lấy thông số tính toán  đền bồi để thì chỉ một đêm, bức tường gạch xây cao mét rưỡi kéo dài vài trăm mét được dựng lên như An Dương  Vương xây thành ốc, mạch vữa không có xi măng, đạp cái là đổ… vẫn được đo đạc như nó đã có từ lâu (sau này  hỏi ra mới rõ: chủ nhân có đất được mấy ông làm đèn bù xui xây bức tường hàng mã để lấy đền bù chia nhau)
Tất cả chỉ nhằm đòi tiền đền bồi.
Trí tuệ dân gian mình là như vậy, khi có cơ hội kiếm chác là  rất nhanh kiếm ngay ra cớ gây trở ngại để “ăn vạ”, để đòi chút đỉnh ngay tức thời.
Lâu lâu lại nghe: cây cầu vừa xây xong chưa nghiệm thu đã lún, con đại lộ kia vừa làm xong đã đầy ổ voi, khu chợ X. sau ngày khánh thành không người vào họp, các ki ốt hạ giá cũng không ai ngó, cầu bắc xong nhưng đường chưa tới, và cuối cùng không có đường. Có cái chợ dân giã giữa  đô thị bị dự án chiếm để xây siêu thị. Xong xuôi lãnh đạo lại vuốt đuôi: Đáng ra không nên xóa những chợ như  thế trong lòng thành phố, vì người dân đâu tất cả đã đủ tiền vào siêu thị… Thật là thái độ cầu thị gần dân, yêu dân! Chỗ này thì là Quan gian, không còn là dân gian nữa.
Lâu lâu lại nghe  thí điểm chỗ này chỗ kia,  việc này việc nọ. Cuối cùng có cả một đống thí điểm mà  mất biến câu thí điểm. Lại nghe chỗ này là quả đấm thép quả đấm gang (chả biết đấm ai). Rồi chỗ nào cũng lãi khủng, nhưng khi kiểm toán thì ra toàn lỗ khủng. Đứng đầu tập đoàn không hầu tòa thì trốn chạy. Hôm qua là người  được bầu chọn điển hình, thì hôm sau trở thành tội phạm nhanh như điện. Nên câu chuyện “Người đương thời” trên truyền hình trở nên đáng ngờ với tất cả khán giả. Ai dám đặt niềm tin vào đó? Đây đích thị là Ăn gian nè.
Lâu lâu lại nghe  có ông quan ở chỗ này chỗ nọ chém gió phăng phăng. Nhưng chỉ thời gian sau thở hắt dần, rồi lịm dần rồi cùng về mo, không thấy nói năng chi nữa.  Rõ ràng là đây là Lan man gian chứ chả ai khác vào đây.
Lâu lâu lại nghe chuyện được việc thì  “quan” thông minh siêu việt, vỡ trận thì tại “dân trí thấp”. Vẫn là muôn thuở, chỉ khác cách trình bày!
Lâu lâu lại nghe chỗ này chỗ khác cấm cái nọ  cấm cái kia, có khi cấm sai cả luật vẫn cấm, chứ không đơn thuần như trước chỉ cấm xả rác, cấm đái nơi công cộng…
Lâu lâu lại nghe mấy thằng ta-xi lên cơn điên lao xe vào công an, hoặc mấy người nghi vi phạm pháp luật được mời lên đồn lên xã chỉ để hỏi chuyện, tự nhiên  yếu và rồi tự nhiên chết. Tự nhiên khắp cơ thể bầm tím mà các anh ấy trả lời là không dùng dụng cụ tra tấn nào, vết bầm đó là tự nhiên có mà thôi. Còn chuyện đánh gãy  cổ dân chỉ là thi hành công vụ quá mức cần thiết chứ 
không cố ý. Có vẻ lắm đây là chuyện An gian!
Và cuối cùng, Lâu lâu lại nghe  một số quan từ thấp đến cao hứa này hứa nọ thành hứa hươu hứa vượn. Có những con hươu cao cổ, con vượn đười ươi to ngất! Nhưng hươu không bị sa thải, đười ươi không bị bắt vào chuồng  thú, chả con nào phải chịu trách nhiệm gì… Đó gọi là Vô can!
… Đó thực là câu chuyện buồn thế kỉ! Trên đất ta khi  cách sống trở nên gian dối từ lúc nào thì lâu lâu lại nghe  chuyện nọ chuyện kia, toàn những chuyện buồn. Bây giờ những  người làm những việc dối trá để kiếm chác không còn biết  trơ trẽn và xấu hổ nữa. Một bước thụt lùi đáng kể về 
văn hóa ĂN – NÓI – GÓI – MỞ làm mất nhân cách.
Cái gì tạo ra hiện tượng đó?!
Lâu lâu lại nghe…
Biết đổ cho ai bây giờ!
1/9/2012

_______________________________________


Giới trẻ hân hoan, lãnh đạo thờ ơ…và sự chưng hửng của truyền thông


Dân choa

Mình nhìn bó hoa mà chị thứ trưởng mang ra sân bay đón anh phó thủ tướng mà buồn quá, có lẽ ngân khố rỗng hết hay sao ấy…(Dân Choa)
Báo chí truyền thông Việt, Đức liên tục săn tin và tung hứng cho chuyến công du của vị phó Thủ tướng Đức, ông Phillis Roesler. Nhưng qua một ngày ở Hà Nội không khí náo nhiệt của truyền thông chừng như chùng hẳn xuống.
Ra đón đoàn Đức do vị phó Thủ tướng gốc Việt dẫn đầu, không được trọng thị như người ta đồn đoán. Việt Nam cử bà Thứ trưởng bộ công thương Hồ Thị Kim Thoa ra sân bay đón đoàn. Phía Đức khá bất ngờ vì họ tưởng có một vị Phó thủ tướng ví dụ như ông Nguyễn Thiện Nhân chẳng hạn, hoặc ít nhất là Bộ trưởng kế hoạch- đầu tư. Nhưng chẳng có vị nào có mặt.
Có lẽ phía lãnh đạo Việt Nam cũng không kỳ vọng gì lắm vào ông Roesler trong việc kết nối quan hệ giữa hai nhà nước. Hay là họ cho rằng việc ông Roesler có mặt ở
Việt Nam chỉ mang tính chất ngoại giao, vị thế của ông ở nước Đức cũng chưa bền vững, nhất là ông vừa „thoát hiểm“ trong cuộc củng cố vị thế ở đảng FDP trong tháng 5 vừa qua?
Những thông điệp mà ông Roesler mang đến Việt Nam giống như tinh thần trao đổi của bà Merkel trong chuyến đi thăm lần trước, kinh tế thị trường xã hội phải gắn chặt với Tự do, Dân chủ.
Hơn nữa ông Roesler còn mang theo văn bản của bộ ngoại giao Đức yêu cầu thả ngay 5 nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, số này mang trong người nhiều bệnh tật.
Vì thế phía lãnh đạo Việt Nam tỏ ra thận trọng và hoài nghi cảm xúc của ông Roesler, họ bất ngờ hủy lịch hội đàm cấp bộ trưởng trong ngày hôm nay. Phía Đức cùng 50 người thuộc giới doanh nghiệp khá thất vọng về cách ứng xử của Việt Nam.
Tuy vậy ông Roesler cũng rất vui khi được nói chuyện với giới trẻ tại trường Đại học quốc gia và nhận bằng tiến sĩ danh dự.
Bài nói chuyện của Roesler ngắn gọn, ông nhấn mạnh quan điểm thúc đẩy vai trò tư nhân trong nền kinh tế và hạn chế sự can thiệp của nhà nước đối với nền kinh tế nói chung.
Khi đề cập đến vai trò của Tự do trong nền kinh tế xã hội thị trường ông nhấn mạnh:“ Tự do không hề là mối hiểm họa nào cả mà là nền tảng cho sự phồn thịnh của xã hội. Các Bạn có thấy rõ điều đó ở đất nước quê hương tôi, nước Đức“
Đối với sinh viên tham dự buổi lễ ông nói rõ, một bộ trưởng kinh tế của Đức sinh ra ở Việt Nam không có nghĩa lý gì đối với mối quan hệ giữa hai nước. Quyết định hơn cả là hàng nghìn sinh viên đang theo học tại các trường của Đức, họ sẽ là nhân tố quyết định mối quan hệ này. Ông cũng thừa nhận, học sinh và sinh viên Việt Nam tại Đức có tiếng là chăm chỉ và kỉ luật và bản thân ông, một bộ trưởng kinh tế Đức, cũng được thừa hưởng đức tính đó.
 Khác với những bài báo tung hô ông Phillips Roesler mấy ngày trước, hai hôm nay báo chí bỗng dưng…chùng lại. Rất ít tờ đưa tin. Có chăng chỉ vài dòng về sự kiện ông Phillips Roesler được trao bằng tiến sĩ danh dự.
 Trong chương trình hôm nay của đoàn Đức, Phillips Roesler có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


____________________________________________________



NÓI VỚI BÁO TUỔI TRẺ


Huỳnh Ngọc Chênh
Cách đây hơn nửa tháng, nhà thơ Đỗ Trung Quân gọi điện báo cho tôi một chuyện. Nhà thơ giải thích rằng, đáng lẽ không kể cho tôi chuyện nầy nhưng vì sự khó hiểu một cách kỳ lạ của câu chuyện nên phải có trách nhiệm thông báo cho tôi biết để tham khảo. Câu chuyện của Đỗ Trung Quân như sau:

Từ hơn 10 năm qua, tôi (Đỗ Trung Quân) và anh ta chưa hề liên lạc hoặc gọi điện cho nhau, thế nhưng bỗng dưng vào một buổi tối có một cuộc gọi đánh thức tôi dậy.  Đó là cuộc gọi của anh ta, nhà báo Danh Đức. Anh ta không thăm hỏi gì tôi mà chỉ nói với tôi về hai đồng nghiệp khác là Huỳnh Ngọc Chênh và Huy Đức. Anh ta nói khá nhiều, chủ yếu là nói xấu và chê bai hai đồng nghiệp nầy về quan điểm cũng như những bài viết vừa qua của họ. Rồi anh tự khen ngợi những bài viết của mình và cho rằng: Mỗi bài viết của anh ta là gởi đến bạn đọc một thông điệp tích cực nào đó.
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại đó thì tôi chỉ cười thầm trong bụng rồi bỏ qua và cũng không thèm kể lại cho anh Chênh nghe làm chi cho…tai.
Thế nhưng, trước khi kết thúc câu chuyện, anh ta lại nói với tôi: nhờ nói lại cho Huỳnh Ngọc Chênh biết là nên nghỉ viết đi, không ai thèm đọc và anh ta cũng không bao giờ thèm đọc.
Tôi vừa ngạc nhiên, vừa bực tức nên trả lời liền: Số điện thoại của anh Chênh đây, anh cứ gọi mà nói với anh ấy những điều anh vừa nói. Tôi không có trách nhiệm đi làm cái việc kỳ quặc mà anh nhờ. Rồi tắt máy.
Sau khi nghe Đỗ Trung Quân thông báo lại câu chuyện, tôi cũng hơi ngạc nhiên vì từ hơn 10 năm qua, kể từ khi anh Danh Đức rời báo Thanh Niên, tôi và anh ấy không hề liên lạc và quan tâm gì đến nhau. Thỉnh thoảng tôi và anh ấy có tình cờ gặp lại nhau vài lần nhưng chỉ chào hỏi xã giao và không hề trao đổi chuyện trò gì với nhau để phát sinh mâu thuẫn. Ngay trong thời gian anh còn làm việc tại TN, tôi với anh mỗi người mỗi công việc, không hề đụng chạm gì nhau và cũng rất ít chuyện trò, quan tâm với nhau. Tôi ngạc nhiên vì sao bỗng dưng bây giờ, anh lại quan tâm đến tôi và tỏ thái độ thiếu thiện ý với tôi như vậy. Tuy nhiên sau đó, tôi quên ngay và không hề để tâm.
Mới đây, trên các trang mạng rộ lên những ý kiến và những bài viết phê phán bài báo mà anh Danh Đức vừa viết đăng trên Tuổi Trẻ, thậm chí có cả những ý kiến mạ lỵ và xúc phạm khá nặng anh ấy.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân điện cho tôi nói: Thế là tôi biết anh ta gởi “thông điệp” gì đến bạn đọc qua các bài báo. Thông điệp ấy lộ ra quá rõ qua bài báo vừa rồi. Và tôi cũng biết vì động cơ gì mà anh ta nói xấu và khuyên anh đừng viết nữa.
Tôi cũng hiểu ngay ra động cơ của anh Danh Đức trong câu chuyện vừa qua.
Qua câu chuyện đó, anh Danh Đức đã tỏ ra thiếu tôn trọng tôi và quan điểm của cá nhân tôi. Nhưng không vì vậy mà tôi không tôn trọng quan điểm lập trường riêng của anh ấy, dù quan điểm ấy bị nhiều người cho rằng thân Trung cộng. Nếu quan điểm và thông điệp của anh ấy chỉ đăng trên trang blog của riêng anh thì tôi không quan tâm và cũng không viết những lời nầy.
Tuy nhiên, anh ấy đã dùng tờ báo Tuổi Trẻ là tờ báo của đại chúng để tuyên truyền quan điểm riêng của mình và lợi dụng chuyện ấy để gởi thông điệp gì đó của anh ta đến với rộng rãi công chúng. Tôi thực sự lo ngại cho báo Tuổi Trẻ nên tôi không thể không viết kể lại câu chuyện trên, để ban biên tập báo Tuổi Trẻ tham khảo và cân nhắc hơn khi sử dụng bài của nhà báo Danh Đức, nếu như báo Tuổi Trẻ không cho quan điểm riêng của anh ta là quan điểm của mình.
NHỮNG DƯ LUẬN VỀ BÀI BÁO CỦA NHÀ BÁO DANH ĐỨC ĐĂNG TRÊN BÁO TUỔI TRẺ ( Tại đây!)