Thursday, January 9, 2014

TIÊN SƯ BÁC... TÀI ĐẾN THẾ LÀ CÙNG!





Một ý tưởng “hư cấu” nhân vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Nguyễn Trần Sâm

NQL: Tài! tài thật!...Tài đến thế là cùng, tiên sư bác Nguyễn Trần Sâm... he he!

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (HTHN) đã chính thức được đem ra xét xử với tội danh “lừa đảo”.


Trong vụ này, HTHN có hàng chục tòng phạm, hầu hết đều là cán bộ nhân viên ngân hàng Vietinbank. Nói cách khác, đây là vụ phạm pháp của một hệ thống thuộc ngân hàng này, mà HTHN là trung tâm. Điều đó làm người ta có ấn tượng hợp lý rằng đó có thể là vụ án tham nhũng.

Tôi không phải chuyên gia về luật, cũng không dụng công tìm hiểu kỹ vụ này. Tuy vậy, tôi cũng được biết rằng chứng cớ chính để bên công tố khép tội tham nhũng là HTHN sự dụng giấy tờ và con dấu giả mạo Vietinbank. Nói cách khác, giấy tờ, chứng từ,… mang con dấu Vietinbank mà HTHN dùng trong vụ này không liên quan gì đến Vietinbank, và do đó ngân hàng này hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì với những khách hàng đã bị HTHN chiếm dụng vốn.

Nếu không có việc giả mạo con dấu, vụ án đã phải là “tham nhũng”. Khi đó thì Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi hoàn hàng ngàn tỉ tiền gửi cho khách hàng, còn HTHN thì bị tử hình. Vì có sự giả mạo nên Vietinbank vô can, còn HTHN thì thoát chết.

Những tình tiết đó có thể gợi cho nhà văn một câu chuyện hư cấu như sau:

Hãy hình dung một cô H là quan chức của một ngân hàng B nào đó. Cô này đã lôi kéo hàng chục quan chức và nhân viên ngân hàng B vào những vụ huy động vốn với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đô. Và rồi không biết bằng cách nào, số tiền đó đã không được đưa vào dòng vốn lưu thông của ngân hàng, mà chui vào túi riêng của những quan chức và nhân viên này. Vì là kẻ chủ mưu và do có thêm nhiều vụ thực hiện một mình nên H được nhiều tiền nhất.

Sự việc vỡ lở. H và các tòng phạm bị bắt khẩn cấp để điều tra. Trong một lần hỏi cung, S, sếp của cơ quan điều tra hỏi H: “Có muốn thoát chết không?” H lập tức quỳ xuống chân S: “Thưa ông… Nếu ông có thể mở đường cho em thoát chết thì em xin thỏa mãn bất kỳ yêu cầu nào ông đưa ra…” Sau vài câu trao đổi qua lại, S gợi ý H nhận đã làm giả con dấu của ngân hàng B để huy động vốn. “Ấy chết, thêm cả tội giả mạo con dấu thì tội em càng nặng.” S mỉm cười: “Tỉnh táo nghĩ lại đi. Có phải khi đó thì tội của cô sẽ chỉ là lừa đảo thôi không? Mà lừa đảo các cá nhân thì không bị tử hình. Tùy cô chọn..”

Sau một phút suy nghĩ căng thẳng, H lại đổ sụp xuống chân S: “Vâng vâng. Em hiểu rồi thưa ông. Nhưng mà dấu đã đóng rồi là dấu thật…” S nói: “Việc xác nhận đó vẫn là dấu giả không khó. Cái đó nằm trong tầm tay ta đây.” “Vâng vâng, em hiểu rồi. Đội ơn ông. Vậy em nợ ông bao nhiêu…?” “Khoan đã, ta còn phải nói việc này với bọn ngân hàng của cô. Nhưng tất nhiên chúng sẽ đồng ý ngay, thậm chí mừng như vớ được vàng, vì bọn họ sẽ hoàn toàn trút bỏ được trách nhiệm trước khách hàng bị mất vốn.” “Bọn họ cũng phải “mất” cho ông chứ ạ?” S lại mỉm cười, không nói gì.

Và một cuộc ngã giá ba bên đều có lợi đã diễn ra. Ngân hàng B vô can, H thoát mức án tử hình, còn S – và có thể thêm một vài nhân vật đằng sau S – được một món đậm.

Nhưng đó chỉ là “hư cấu” ít nhiều mang tính “văn học”. Trên thực tế thì chuyện như vậy có thể diễn ra ở một nước tư bản phương Tây nào đó. Còn ở ta thì các đồng chí công an hết lòng vì đảng, luôn làm theo 6 điều Bác dạy nên không có chuyện như vậy xảy ra.

Đó, rồi xem, lời khai của Dương Chí Dũng có nhắc đến việc một vị thứ trưởng công an, và trên nữa… nhận hối lộ, sẽ chỉ là lời vu cáo của một kẻ tử tù không còn gì để mất!?

từ quê choa