Blog Anh Vu
Cờ, tiếng Anh là flag, theo định nghĩa của tự điển OALD của Hornby (2000) là “một miếng vải có màu được thiết kế đặc biệt làm biểu tượng cho một quốc gia, một tổ chức, hoặc có một ý nghĩa riêng biệt”. Ngoài danh từ, tiếng Anh cũng có động từ flag được định nghĩa là “đặt một dấu hiệu đặc biệt bên cạnh thông tin được cho là quan trọng”, tức tương đương với từ “đánh dấu” trong tiếng Việt.
Với ý nghĩa như vậy, thì rõ ràng là mỗi chi tiết trong lá cờ đều phải được quy định nghiêm nhặt, và việc thay đổi thiết kế của lá cờ của đất nước chắc chắn phải là chuyện đại sự quốc gia, phải đưa ra bàn trước quốc hội.
Bây giờ nói về sao. Sao, tiếng Anh là star, thì cũng theo định nghĩa của cùng một cuốn từ điển đã nêu, là “một vật, một hình trang trí, một dấu hiệu, thường có 5 hoặc 6 cánh, với hình dạng biểu tượng cho một ngôi sao”, và thường được dùng với nghĩa biểu tượng, đại diện cho một cái gì đó tốt đẹp, xuất sắc, như trong việc đánh giá khách sạn (khách sạn 5 sao), hoặc nói về các diễn viên, ca sĩ, vv. Đặc biệt, hình ngôi sao rất hay được dùng trong các lá cờ của nhiều quốc gia, trong đó, tất nhiên là có Việt Nam, nhưng cũng có nhiều nước khác nữa, như “láng giềng gần” Trung Quốc, hoặc “cựu thù” Hoa Kỳ.
Nhân tiện, vì Giáng Sinh đang gần kề, nên tôi cũng nói thêm là ngôi sao cũng có ý nghĩa rất lớn trong ngày lễ tôn giáo lớn nhất trong năm của người theo đạo Thiên chúa. Nó biểu trung cho ngôi sao chỉ đường để dẫn lối cho 3 người đạo sĩ ở phương Đông đến tôn thờ đấng cứu thế giáng trần nơi hang Bethlehem hơn 2000 năm trước.
Quay lại chuyện cờ và sao. Lá cờ của VN thì chỉ có một ngôi sao thôi, nhưng trong hai lá cờ của TQ và HK với nhiều ngôi sao thì mỗi ngôi sao ấy đại diện cho một vùng lãnh thổ. Chẳng hạn như cờ Mỹ thì mỗi tiểu bang là một ngôi sao, còn cờ TQ – có sao lớn và sao nhỏ, đúng điệu “thiên tử” và “chư hầu” – thì theo tôi hiểu, ngôi sao lớn là đại diện cho “đại hán” còn các ngôi sao nhỏ là đại diện cho các vùng tự trị.
Và đã là người VN thì có thể có người không biết số sao trên lá cờ của Mỹ là bao nhiêu (nó nhiều quá), nhưng không thể nhầm lẫn gì về số sao trên lá cờ của TQ: 1 sao lớn, 4 sao nhỏ bao quanh, theo thế quần tụ quy về một mối. Không thể nào có chuyện nhầm lẫn được.
Lá cờ có ý nghĩa biểu trưng, và vì ý nghĩa biểu trưng của nó nên đã trở thành một vật thiêng liêng, không phải là muốn làm gì với nó là làm, mà lôi thôi có thể … bị công an bắt, nếu bị xem là làm xấu đi hoặc xuyên tạc ý nghĩa của lá cờ. Ở VN, trong “cao trào” của vụ “tụ tập phản đối TQ gây hấn”, thậm chí chỉ cần mặc áo có in hình cờ nước và đi dạo ở bờ Hồ Gươm thôi, cũng có thể bị công an theo dõi, thậm chí câu lưu, vì bị nghi ngờ là có dụng ý chính trị, chống dối chế độ, kể cả không có chứng cứ.
Dẫn giải dài dòng như trên, tôi chỉ muốn đưa ra một câu hỏi, trước hết là cho mình, và sau là cho những ai quan tâm, rồi cuối cùng là những người có trách nhiệm – những đại biểu quốc hội mà trong đó tôi có được may mắn biết trực tiếp một người trong cơ quan cũ, đại biểu hội đông nhân dân thành phố mà tôi biết trực tiếp đến … hai người, và còn lại là rất nhiều đảng viên. Những con người ưu tú, những người có đầy đủ quyền lợi về chính trị, có quyền tham gia vào những vấn đề quan trọng của đất nước chứ không phải là công dân hạng hai như tôi và tuyệt đại đa số những người dân trơn, không phải là đảng viên khác.
Một câu hỏi mà đối với tôi là rất quan trọng. Quan trọng đến nỗi ngay khi biết được điều này vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, thì tôi đã phải gác mọi việc lại và viết ngay entry này, dù đang rất bận, công việc đang chờ đợi ngập đầu.
Câu hỏi ấy là: Có đúng là trẻ em Việt Nam đã cầm lá cờ Trung Quốc với 6 ngôi sao – 1 sao lớn và 5 sao nhỏ – trong buổi đón tiếp Ông Tập Cận Bình từ Trung Quốc đến thăm Việt Nam hay không? Nếu không đúng, sao hình ảnh trẻ em Việt cầm cờ TQ 6 sao lại nằm sờ sờ trên trang tin của BBC, và cả trên trang của AFP nữa?
Mà đây không phải là lần đầu. Ít ra, nó cũng lập lại một việc đã xảy ra cách đây không lâu, trên VTV, và cũng đã gây phẫn nộ trong dư luận. Mà không chỉ dư luận VN quan tâm đến điều này; cả báo chí chính thống và không chính thống của nước ngoài cũng đề cập đến việc này, rất ầm ĩ, ví dụ như ở đây.
Là một người dân, yêu nước và tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của chế độ như đã được học trong sách vở, đọc trong báo chí, nghe trong rất nhiều lần học tập chính trị trong suốt một cuộc đời đi làm ở khu vực công, tôi nghĩ tôi có quyền thắc mắc, và được trả lời.
Nếu như không có ai trả lời, như rất nhiều việc khác ở VN, thì tôi sẽ tin đấy chỉ là hiện tượng – hiện tượng rời xa dân, không lắng nghe những bức xúc của dân, dù tổ chức đảng, bộ phận ưu tú nhất của xã hội Việt hiện nay, đều có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả khu vực tư nhân như ở trường tư nơi tôi làm việc hiện nay – chứ không bao giờ là bản chất cả.
Cũng giống như việc dù ai có in cờ Trung Quốc một cách nhầm lẫn – dù vô tình hay cố ý – thành 6 sao, thì đó cũng chỉ là hiện tượng. Còn bản chất của người dân Việt thì luôn tự hào về sự độc lập và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt là trước mối đe dọa trực tiếp hoặc ngấm ngầm của ngoại bang từ phương Bắc.
Tôi cũng thắc mắc thay cho người láng giềng lớn của Việt Nam, đó là, liệu có thể chấp nhận việc lá cờ của nước mình ai muốn thêm thắt gì vào cũng được, hay chăng? Đặc biệt là trong một nghi thức ngoại giao chính thức như vậy?
Lẽ nào đoàn của TQ không quan tâm, không để ý là mọi người đã cầm lá cờ như thế nào để đón tiếp mình? Ví dụ, nếu không phải là lá cờ 6 sao, mà là lá cờ Trung Hoa hải tặc, như những người “biểu tình” dũng cảm ở Hà Nội trước đây đã làm, khi phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc?
Tôi cần được giải thích, và cần một câu trả lời chính thức từ nhà nước. Điều đó sẽ là giấc mơ mùa Giáng Sinh năm nay của tôi.
So runs my dream, but what am I?
An infant crying in the night
An infant crying for the light
And with no language, but a cry!