Sunday, December 18, 2011

Trung Quốc đóng vai trò gì trong chính quyền Khmer Đỏ?



Trong khi những phiên toà của những cựu lãnh đạo cao cấp Khmer Đỏ đang tiếp diễn, những tranh luận đang căng thẳng về việc giới lãnh đạo Trung Quốc đã biết gì về một dự án cưỡng bức lao động quan trọng

Trên một vùng đất rộng 300 héc ta tại một khu vực hẻo lánh miền trung Cambodia, một đường băng rộng lớn có khả năng chịu đựng những chiếc máy bay ném bom nặng nhất đang nằm bỏ hoang. Là một tàn dư của cuộc Chiến tranh Lạnh, đường băng dài 1,4 ki lô mét hiếm khi được sử dụng. Tuy nhiên nó vẫn là trọng tâm của một trò nhạo báng vĩ đại.

Ey Sarih biết rất rõ về nó và từng đứng gác tại cổng sân bay này trong hơn 20 năm. Hiện đã 46 tuổi, ông có ba con và vợ ông đang bán một hàng nước nhỏ bên đường. Và ông nhớ rất rõ về những người Khmer Đỏ và những gì họ từng làm ở đây.

“Đa số những công trình ở đây đã được thực hiện vào năm 1978,” ông nói.“Rồi họ giết rất nhiều người. Họ xứng đáng bị đưa ra trước toà.”

Tại thủ đô, toà án xét xử Khmer Đỏ đã bị ảnh hưởng sau một năm đầy tranh cãi, nhưng với ba thành viên cao cấp nhất còn sống sót đang đứng trước vành móng ngựa về tội ác chống lại loài người như một phần của Vụ án 002. Những truy tố về tội diệt chủng, giết người và tra tấn sẽ được đưa ra sau.

Những tiết lộ mới nhất cho biết rằng những thành viên của Ban Chấp hành quan trọng đã thường xuyên đến thăm viếng khu vực sân bay, nơi Khieu Samphan, cựu chủ tịch nước, đã hối thúc nhân công làm việc chăm chỉ hơn nữa.

Có vài ước đoán về việc có bao nhiêu người đã được điều động đến làm việc tại đây, nhưng nguồn tin của toà đưa ra là 30 nghìn người. Những người bị đưa đến đây để xây dựng đường băng, đường xá đi lại, tường cản và và một đài không lưu mà đến nay vẫn có thể sử dụng được. Nhưng điều kiện sống của những người lao động được cho là vô cùng khắc nghiệt đến nỗi nhiều người muốn tự sát, lao người vào gầm xe tải. Treo cổ, trầm mình và uống thuốc độc cũng được lao công sử dụng để tự sát. Và rồi hầu như toàn bộ những người còn sống sót đến cuối năm 1978 đều đã bị giết.

Ey Sarih nói rằng những người chết được chôn chung quanh sân bay và tại ngọn núi gần đấy, nơi có những đường hầm bí mật được đào để chứa kho hậu cần và máy tính của Trung Quốc kết nối đến đài không lưu.

Đương nhiên là tội ác này là một phần của tội ác còn tàn bạo hơn. Có từ 1,7 triệu đến 2,2 triệu người đã chết dưới thời của bạo quyền Pol Pot từ tháng Tư 1975 đến tháng Giêng 1979. Đấy là những tháng ngày đen tối nhất của cuộc chiến Cambodia dài 30 năm và đã chấm dứt vào năm 1998, khi những nỗ lực khởi động toà án tội phạm chiến tranh đã tiến triển phần nào.

Bắc Kinh đã biết được bao nhiêu về những tội ác đã xảy ra vẫn còn là đề tài tranh cãi nhiều trong giới nghiên cứu và những nhà phân tích quân sự. Trung Quốc đã không nói gì về sân bay này hoặc sự hậu thuẫn của họ đối với Khmer Đỏ, ngoại trừ việc tuyên bố rằng toà án truy tố những lãnh đạo còn sống của Khmer Đỏ là công việc nội bộ của Cambodia.

Vào thời gian ấy, Trung Quốc cũng có những khó khăn riêng. Trong những năm 1970, cuộc Cách mạng Văn Hoá đang ở đỉnh cao, và giới lãnh đạo Bắc Kinh đang trong tình trạng hỗn loạn sau cái chết của Mao Trạch Đông vào tháng Chín 1976. Nhân vật duy nhất được xem là đủ quyền lực để can thiệp là Đặng Tiểu Bình đã bị trục xuất về miền quê. Đặng quay về và nắm quyền điều khiển Trung Quốc vào tháng Mười hai 1978, cùng tháng ấy Việt Nam đã tấn công và lật đổ chính quyền Pol Pot. Bắc Kinh, đang ủng hộ Khmer Đỏ, đã trả đũa bằng cách phát động một chiến dịch tấn công biên giới phía bắc Việt Nam.

Sân bay này đã có thể cho phép Trung Quốc sắp xếp những phi vụ đánh bom tầm ngắn vào miền nam Việt Nam và một số nhà phân tích quân sự cho rằng tình trạng sắp hoàn tất của nó chắc chắn đã nằm trong suy nghĩ của Hà Nội và là một phần nguyên nhân của việc đánh chiếm Cambodia.

Ey Sarih nói rằng lý do đường băng được xây dựng là vấn đề mà Văn phòng Đặc biệt của Toà án Cambodia (ECCC) cần thiết lập, mặc dù ông bổ xung rằng “Người Trung Quốc đến đây xây sân bay để tham chiến.”

Các học giả cho rằng có ít nhất 5 nghìn người Trung Quốc dưới danh nghĩa kỹ thuật viên và đã làm việc cho chính quyền Kampuchea Dân chủ như những cố vấn cho Pol Pot và Ban Chấp hành của ông. Trung Quốc là quốc gia duy nhất đã có hiện diện đáng kể ở đây, và những người chỉ trích cho rằng đây là một mối nhục quốc gia.

Những người khác cũng cho rằng vai trò của Trung Quốc đã kích thích đối thủ là Nhật Bản tài trợ hầu hết cho toà án, vốn đã tốn gần 150 triệu Mỹ kim kể từ năm 2006, khi những điều tra ban đầu được khởi sự.

Cơ quan ECCC yêu cầu phải truy tố những ai có trách nhiệm nhất, vì thế nó đã chú trọng vào những thành viên còn sống sót của Ban Chấp hành – Khieu Samphan, nhà tư tưởng chủ chốt Nuon Chea và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ieng Sary – người đã soạn thảo và thực thi những chính sách nhà nước.

Vợ của Ieng Sary và là cựu Bộ trưởng Nội vụ Ieng Thrith cũng đã bị truy tố nhưng đã được xét là không đủ khả năng hầu toà vì bệnh mất trí. Bà vẫn bị giam giữ trong khi bác sĩ tiến hành những thử nghiệm. Năm cựu Khmer Đỏ khác cũng đã bị đề nghị truy tố và những cuộc điều tra đang tiếp diễn.

Trong những tuần qua, Ieng Sary và Khieu Samphan đã im lặng trong khi Nuon Chea và một cố vấn Khmer Đỏ cao cấp là Long Norin đã đưa ra những bằng cớ. Nuon Chea có vẻ thích thú làm trọng tâm của sự chú ý và giữ nguyên bào chữa từ lâu của mình rằng Việt Nam là nước chịu trách nhiệm cho tất cả những cái chết.

Ông cũng đã cho rằng bí danh Anh Hai của mình thì không chính xác và nó làm ông “trông có vẻ quá to lớn” và rằng chẳng ai trong những người lãnh đạo cao cấp chịu trách nhiệm về việc trục xuất người dân ra khỏi Phnom Penh hoặc các thành phố khác để biến họ thành nô lệ trong các trại lao động, như công trình sân bay trên ở Kampong Chhang.

Tuy nhiên, Nuon Chea đã tìm cách biện hộ cho chính sách này bằng cách nói rằng những thành phố đầy đĩ điếm, bợm nhậu, con bạc và những kẻ hưởng thụ chẳng khác gì thành phố Sodom trong kinh thánh, trong khi đất nước đang cần nông dân. Ông đã làm những vị sư Phật giáo đang theo dõi phiên toà phải kinh hoảng khi nói rằng Khmer Đỏ không bao giờ tìm cách loại bỏ tôn giáo, và tuyên bố rằng Khmer Đỏ qua việc thanh trừng đại trà trong đảng, đã tự phá hoại mình.

Tuy nhiên trong điểm thứ hai, ông nói thêm rằng “Một số người có thể cải tạo được trong khi những người khác thì không… cách mạng chuyên xây dựng lực lượng chứ không phá huỷ ngoại trừ những hoàn cảnh khi con người sau nhiều đợt cải tạo và xây dựng vẫn không thể cải tạo và chuyển hoá được.”

Cơ quan ECCC đã đối diện với chỉ trích mạnh mẽ trong việc điều hành những cuộc điều tra và việc bổ nhiệm nhân viên quốc tế cũng như địa phương. Nó cũng được cho là phiên toà khó khăn nhất kể từ Nuremberg. Tuy thế, bên cạnh chiếc cổng của sân bay bỏ hoang tại Kampong Chhang, Ey Sarih nói rằng toà án xứng đáng với chi phí đã dùng và ông đã sung sướng khoe những tài liệu của ECCC, giải thích về thành phần và trách nhimệ của toà án.

“Nhiều, rất nhiều người đã chết, và họ xứng đáng bị đưa ra toà,” ông nói về những bị cáo. “Giờ đây con tôi đang học tất cả những chuyện này ở trường và như thế rất tốt.”

Cho đến hôm nay, có hơn 100 nghìn người Cambodia đã đổ về ECCC để tận mắt chứng kiến quá trình xử án. Và còn có vô số thời gian để mọi người xem diễn tiến phiên toà – những luật sư bào chữa nói với The Diplomat rằng họ tin phiên toà hiện tại sẽ kéo dài thêm hai năm nữa.

Bản Anh ngữ: The- diplomat.com


Bản Việt ngữ: Blog Khai trí