Thursday, January 19, 2012

Công Lý và Sự Thật - qua sự kiện ông Trịnh Xuân Tùng, Đoàn Văn Vươn và Mậu Thân Huế

 Hành Khất (danlambao) - Muốn có được "công lý" thì người ta phải nhìn nhận "sự thật", nhưng bản chất của "sự thật" chỉ hỗ trợ "công lý". Có nghĩa, công lý chưa hẳn đã là phản ảnh sự thật, mà chỉ là sự biểu hiện của pháp quyền theo chiều hướng công bằng như có thể, của nhà cầm quyền một nước nào đó. Và sự công bằng lại bị ảnh hưởng bởi nhu cầu đòi hỏi lợi ích riêng của nhiều nhóm khác nhau trong xã hội, ngay cả của đảng phái đang nắm quyền. Vì vậy, công lý dường như chỉ là sự tương đối trong vài trường hợp, nên luôn luôn được pháp quyền sửa đổi sao cho hợp với sự phát triển của ý thức trong xã hội mà sự thật luôn là nền tảng bất biến theo thời gian.

Chúng ta thử xét và ứng dụng quan niệm về công lý và sự thật trong một vài trường hợp đã và đang xảy ra trên đất nước Việt Nam, hầu ngẫm xem sự phát triển về ý thức trong xã hội hiện tại đến mức độ nào hay vẫn dừng chân trước làn sóng khai phá sự văn minh nhân loại trên mọi phương diện - không chỉ riêng về vật chất - như hiện nay trên thế giới. Vì tư duy luôn đi trước vật chất, và là một bản thể tư tưởng cho sự hình thành của vật chất, nên chính nó đóng một vai trò quan trọng nhất trong ý thức mà mỗi cá nhân cần được khai sáng, tiếp thu qua những hình thức giáo dục công cộng, hay tự giáo dục.

Sau đây là một vài trường hợp tiêu biểu được lựa chọn theo mức độ phức tạp khác nhau, và pháp quyền được dựa trên văn bản luật pháp hiện hành. Dù trong năm nay (2012) có bản luật mới hơn với những bổ sung vài Điều khoản hay điều chỉnh vài câu viết cho rõ hơn, nhưng cũng không ảnh hưởng đến những trường hợp được đưa ra bàn luận. 

Sự Kiện về Trịnh Xuân Tùng: 

Đây là trường hợp cá nhân, giữa ông Trịnh Xuân Tùng và Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh. 

a- Sự thật: 

Ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh gãy cổ, bại liệt đưa đến tử thương tại bệnh viện ngày 8/03/2011 bởi dùi cui của Nguyễn Văn Ninh và đòn hội đồng của 3 dân phòng khác, sau khi bị giam giữ 6 tiếng tại đồn công an vào ngày 28/02/2011. Tuy nhiên mãi đến gần 1 năm sau, phiên tòa mới được tiến hành vào ngày 13/01/2012, và tuyên án 4 năm tù đối với Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh của phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai vì "tội làm chết người trong khi thi hành công vụ." Ngoài ra, những người đồng phạm có can dự tại hiện trường nhưng không được xét xử, là dân phòng Nguyễn Đăng Hải, Nguyễn Đức Thành, và Nguyễn Đức Quang; cũng như sự tham gia đánh đập của dân phòng Đặng Hoàng Anh sau đó. 

b- Công lý: 

Trong phiên xử, tòa án chiếu theo Điều khoản 97 của Bộ luật Hình sự 2009, như sau: 

Điều 97. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ 

"1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm." 

Theo đó mức án cao nhất là 7 năm, nhưng tòa án ứng dụng thêm Điều khoản 46 hầu giảm nhẹ tội trạng của đương sự - người phục vụ trong ngành công an 36 năm với bằng khen thưởng dù không được trưng ra trong phiên tòa: 

Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự 

"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
….
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác." 

c- Nhận xét: 

Đa số những người phục vụ ngành công an, an ninh, dân phòng đều có bằng khen cho những công tác khác nhau nào đó, và nhất là đối với một Trung tá công an với 36 năm phục vụ thì vị quan tòa thừa biết điều đó, nên không cần trưng bằng chứng khen thưởng, cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên với mức án 4 năm đó cho tội làm chết người trong khi thi hành công vụ dường như làm lệch cán cân công lý. Theo Điều khoản 97 trên, là một bản án khoan hồng cho trường hợp làm chết người ngoài ý muốn trong thi hành công vụ để phục vụ công quyền luật pháp. Đáng lý ra, tòa án phải xét đến những điều kiện, nguyên nhân, tiến trình, hậu quả của sự kiện, và xem xét, đưa ra những Điều khoản khác nhau. Không thể cứ ứng dụng Điều khoản 97 cho bất cứ cá nhân nào trong khi thi hành công vụ làm chết người. Sự phán án như thế ngầm tuyên bố rằng: "mạng người không hơn 4 năm tù đối với công an, an ninh, dân phòng v.v thi hành công vụ." 

Nếu xét trên sự kiện đó, một số Điều khoản có thể được xét đến trước khi đưa ra một tuyên án chung như sau: 

Điều 93. Tội giết người 

"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: 

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

n) Có tính chất côn đồ;


q) Vì động cơ đê hèn.


2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.


3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm."

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

"3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm."

a) Dùng hung khí nguy hiểm …


d) Đối với người khác không có khả năng tự vệ, …


g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam …


i) Có tính chất côn đồ …


Ngoài ra, một số Điều khoản nhằm định rõ tội trạng, và xác định bản án thích hợp như sau:

Điều 9. Cố ý phạm tội 

"Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra."

Điều 48. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự 

"1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:


c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;



d) Phạm tội có tính chất côn đồ;

đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;" 

Xét trong diễn tiến của sự kiện, một số Điều khoản có thể được ứng dụng cho sự xác minh hành động cố ý của đương sự: 

Điều 282. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ 

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật 

Điều 110. Tội hành hạ người khác 

Và theo Điều 50. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, có thể đưa ra bản án chung của Điều khoản 93 là "Tội giết người" với mức án từ 12 đến 20 năm. Theo sự khoan hồng vì công vụ - mà không phải vì thâm niên phục vụ, vì thời gian thâm niên chính lại là yếu tố cho sự kết án nặng hơn cho hành vi thiếu gương mẫu; và những bằng khen thưởng chỉ khiến cho hệ thống công quyền cần phải đặt lại câu hỏi trước dư luận người dân - có thể tuyên mức án tối thiểu là 15 năm nhằm nêu gương cho những người thi hành công vụ vì dân, không chỉ riêng vì đảng. 

Sụ Kiện về Đoàn Văn Vươn:

Đây là trường hợp cá nhân vs tập thể, giữa Đoàn Văn Vươn và các cấp lãnh đạo thành phố, huyện, xã. 

a- Sự thật: 

Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế thu hồi 40,3 ha đất chăn nuôi thủy sản - thuộc đất bãi biển trong khu vực Nam cống Rộc của xã Vinh Quang - bởi tập đoàn lãnh đạo từ thành phố Hải Phòng đến huyện, và địa phương, ngày 5/01/2012. 

UBND huyện Tiên Lãng ra văn bản Quyết định giao đất cho Đoàn Văn Vươn cư ngụ tại xã Vinh Quang, 2 lần với thời hạn 14 năm theo sự ký kết của đôi bên: 

- Lần thứ nhất: là 21 ha đất theo Quyết định số 447/QĐ-UB của UBND huyện, ngày 4/10/1993 (theo Luật Đất đai năm 1987) 

- Lần thứ hai: là 19,3 ha đất theo Quyết định số 220/QĐ-UB của UBND huyện, ngày 9/04/1997 (theo Luật Đất đai năm 1993) 

b- Công lý: 

Theo những văn bản luật pháp của nhà cầm quyền Việt Nam đương thời, luôn có phần "Điều Khoản Thi Hành" (như trong Luật Đất đai năm 2003 hay1993) hoặc phần "Điều Khoản Cuối Cùng" (như trong Luật Đất đai năm 1987), xác nhận sự thay thế cho những luật được đưa trước đó - có nghĩa những luật cũ xem là vô hiệu hóa, trong những Điều khoản sau đây: 

Điều 145, trong Luật Đất đai năm 2003: "Luật này thay thế Luật đất đai năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2001." 

Điều 88, trong Luật Đất đai năm 1993: "Luật này thay thế Luật đất đai đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987." 

Điều 56, trong Luật Đất đai năm 1987: "Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ." 

Trong trường hợp những ha đất của Đoàn Văn Vươn, được xác nhận như sau: 

Điều 23, (theo Luật đất đai năm 1987): "Đất nông nghiệp là đất được xác định chủ yếu dùng vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, kể cả nuôi trồng thuỷ sản hoặc nghiên cứu thí nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi." 

Nhưng không có con số mức hạn diện tích ha đất rõ ràng mà chỉ được quy định theo nhân khẩu: 

Điều 28, (theo Luật đất đai năm 1987): "Đất sản xuất của nông dân cá thể quy định như sau: … Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương quy định mức đất giao cho các loại hộ nông dân cá thể ở địa phương trên cơ sở bình quân đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp tính theo nhân khẩu ở mỗi xã." 

Tuy nhiên, Luật đất đai năm 1987 không quy định thời hạn được sử dụng đất - có nghĩa tùy thuộc vào quyền quản lý của Ủy ban Nhân dân, như trong: 

Điều 13, phần 4 (trong Luật Đất đai năm 1987): "Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định:


a) Giao đất cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và cá nhân để sử dụng lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp;



b) Giao đất chưa sử dụng cho các tổ chức và cá nhân sử dụng có thời hạn hoặc tạm thời để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp;"

Trong khi đó Luật Đất đai năm 1993 có quy định thời hạn được sử dụng đất, như sau: 

Điều 20 (trong Luật Đất đai năm 1993): "… Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm,..." 

Tuy nhiên, cũng không có con số mức hạn diện tích ha đất, như trong Điều khoản sau: 

Điều 44 (trong Luật Đất đai năm 1993): "… Hạn mức đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và hạn mức đất trống, đồi núi trọc, đất khai hoang, lấn biển của mỗi hộ gia đình khai thác để sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản do Chính phủ quy định." 

Trong Luật Đất đai năm 2003 cũng có quy định thời hạn được sử dụng đất, như Luật Đất đai năm 1993, trong Điều 67 quy định cho nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm, và có con số mức hạn diện tích ha đất trong Điều khoản sau: 

Điều 70 (trong Luật Đất đai năm 2003): "Hạn mức giao đất nông nghiệp: 

1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba héc ta đối với mỗi loại đất." 

c- Nhận xét: 

UBND huyện Tiên Lãng đã không sai phạm trong lần thứ nhất khi giao 21 ha đất với quy định thời hạn 14 năm cho Đoàn Văn Vươn trong ngày 4/10/1993, chiếu theo Luật Đất đai 1987, nhưng giới lãnh đạo đã không thay đổi thời gian sử dụng đất theo Luật Đất đai 1993, có hiệu lực từ ngày 15/10/1993 - chỉ sau 11 ngày ký kết giao đất - là 20 năm (thay vì vẫn giữ 14 năm theo ký kết). 

Trong lần giao 19,3 ha đất lần thứ hai vào ngày 9/04/1997, lại cũng với quy định thời hạn 14 năm theo ký kết (thay vì 20 năm, theo Luật Đất đai 1993). 

Kế đến là sự ra đời của Luật Đất đai 2003, có hiệu lực từ ngày 1/07/2004, có thêm con số mức hạn diện tích 3 ha đất cho mỗi gia đình, kèm theo quy định thời hạn 20 năm (trong Luật Đất đai năm 1993 trước đó). Và như vậy, những Quyết định số của UBND huyện Tiên Lãng đã đi sau 3 bước của Luật Đất đai (bao gồm Luật Đất đai năm 2011) nhưng vẫn không sửa đổi ký kết, nên đã ra tay cưỡng chế thu hồi. Tuy nhiên, nếu theo quy định thời hạn 14 năm, đáng lý ra UBND huyện phải thu hồi 21 ha đất trong đợt giao lần thứ nhất trước vì thời gian hết hạn là 2007 - thay vì thu hồi 19,3 ha đất mà thời gian hết hạn là 2011 nếu được tính theo quy định 14 năm của huyện. 

Thật ra, sự phức tạp nầy phát sinh từ Luật Đất đai 1987, với những Điều khoản không có mức quy định rõ ràng - gần như không hạn chế - để rồi càng bị hạn chế hơn với Luật Đất đai 2003, và giới lãnh đạo thiếu kém khả năng học thức để theo đuổi kịp những luật lệ càng ngày càng phức tạp với nhiều Điều khoản hơn theo sự thay đổi của tình trạng mới trong xã hội. Trường hợp cụ thể của Đoàn Văn Vươn cho thấy rằng, nếu giả như UBND huyện Tiên Lãng sửa đổi văn bản ký kết để kịp theo đúng Luật Đất đai 2003, thì gia đình Đoàn Văn Vươn chỉ được giao cho 3 ha đất trong tháng 7/ 2004. Còn 37,3 ha đất đã sẽ trôi theo công sức, và tiền vay mượn đầu tư mà chưa chắc gì được nhà nước đền bù sao cho khỏi mang nợ. Và đến nay (01/2012) đã hơn 1 tỷ đồng vay mượn mà chưa thâu lợi sau gần 18 năm công khó; như vậy với 3 ha đất chăn nuôi thủy sản làm sao trả được nợ - mà theo ký kết của huyện là không bồi thường sau khi thu hồi đất.

Sự Kiện về Mậu Thân Huế 68:

Đây là trường hợp tập thể vs tập thể rộng lớn, giữa người dân Huế và đảng csvn. 

a- Sự thật: 

Sau khi tan vỡ chiến dịch tổng công kích Mậu Thân 68, Mặt trận Giải phóng miền Nam (MtGpmN) và quân đội chính qui miền Bắc cố thủ cố đô Huế, nơi "được" giải phóng trong ngày đầu chiến dịch từ mồng 1 Tết. Trong 28 ngày chống chọi quân đội miền Nam và Hoa Kỳ, cũng là những ngày kinh hoàng nhất cho người dân Huế chưa kịp di tản hoặc kẹt lại vì về thăm thân nhân, trong cuộc thanh trừng những thành phần trong danh sách đen được gọi là phản động của "nhóm trí thức" Huế trong MtGpmN. Kết quả là khoảng 6 đến 7 ngàn nhân mạng đủ mọi thành phần, tuổi tác, quốc tịch, tính giới được vùi chôn trong những nấm mộ tập thể che giấu rải rác. 

Những người may mắn được sống sót, đang ở trong hay ngoài nước, là nhân chứng của câu chuyện thảm thương khó quên đó; cùng những hình ảnh sau khi mộ tập thể được khai quật đã khẳng định một sự thật không thể chối bỏ của tội ác chiến tranh. 

b- Công lý: 

Mặc dù sự kiện Mậu Thân Huế 68 đã 44 năm qua đến nay (2012) nhưng trước công lý cũng cần nên làm sáng tỏ để minh chứng cho một pháp quyền nghiêm minh của Việt Nam.Theo Bộ luật Hình sự 2009 (Việt Nam), có chương XXIV (24) về "Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh" trong đó có vài Điều khoản có thể được xét, như sau: 

Điều 342. Tội chống loài người 

"Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà có hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, cũng như có những hành vi diệt chủng khác hoặc những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình." 

Điều 343. Tội phạm chiến tranh 

"Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm, cũng như có những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình." 

c-Nhận xét: 

Bao năm qua, thảm trạng Mậu Thân Huế 68 dường như được lãng quên mặc dù công lý chưa bao giờ một lần lên tiếng, hay sự cảm khái lan rộng đến những cơ quan quốc tế phục vụ nhân loại. Những người bị mất mát người thân cũng không bao giờ tìm thấy thú vị gì khi phải khơi lại ký ức qua bút mực hay chỉ thoáng qua trong tiềm thức. Tuy nhiên, dường như một số lớn những trong cuộc, những người từng tham gia trong MtGpmN ở Huế, những sinh viên, giáo sư, trí thức, nhà thơ v.v., những người mà hôm nay họ đang có địa vị khác hơn trong xã hội Việt Nam, hay nước ngoài, họ chưa bao giờ thốt lên một lời xin lỗi những nạn nhân Huế; thậm chí dù chỉ qua vài lời viết. Ngược lại, chính họ là những người cố tình khơi lại nỗi đau dân tộc với những loạt bài viết nhằm ca ngợi "vinh quang", "công trạng" cách mạng, trong mỗi mùa Tết về, và năm nay, Tết 2012, cũng không ngoại hạn qua những loạt bài trên tuoitre.vn vừa mới đây. Chẳng qua cũng chỉ là những lời ngụy biện vu vơ cho những gì họ đã làm, trước hình ảnh mơ hồ của Vị Thẩm phán Lương tâm mà họ sẽ phải trực diện trong một ngày cuối đời nào đó.
Ngoài ra, chính Bộ Chính trị của đảng csvn lúc bấy giờ, đã ra chỉ thị thảm sát dân Huế với mục đích khích động chính trị trong dân chúng, và quốc hội Hoa Kỳ theo chiều hướng có lợi hơn trong cuộc chiến, để sau đó tuyên truyền rằng do bom đạn quân đội Mỹ ngụy gây ra, và họ chỉ kịp ra chỉ thị chôn cất nạn nhân tạm thời trong những nấm mộ tập thể trước khi rút quân. 

Trước ánh sáng của công lý theo tư tưởng tiến bộ trên thế giới hầu dạy cho hậu thế nhìn thấy những sai lầm của nhân loại, tránh được những thảm trạng sau nầy dù trong hòa bình hay chiến tranh, ICC (International Criminal Court = Tòa án Tội ác Quốc tế) có cả một bộ luật và tòa án quốc tế tại Netherlands. Sự đòi hỏi trả lại công lý cho những nạn nhân không phải là một hành động thù hận, hơn là nêu cao những chân lý mà nhân loại đang theo đuổi, mà trong đó có cả Việt Nam là thành viên trong vài tổ chức quốc tế. Đồng thời cũng là cách hàn gắn lại vết thương dân tộc cho bao người trong công cuộc "hòa hợp hòa giải" mà Việt Nam luôn quan tâm và mong ước.


Hành Khất
danlambaovn.blogspot.com