Monday, December 12, 2011

Dân Nga chán Putin


Ngô Nhân Dụng

Cuộc bỏ phiếu của dân Nga hôm Chủ Nhật vừa qua là bài học cho các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới: Ðừng bao giờ cho dân tự do bỏ phiếu! Bởi vì khi được tự do, dân sẽ bầy tỏ ý kiến thành thật, lúc đó thì quá trễ.


Ðảng của Thủ Tướng Vladimir Putin vẫn thắng và sẽ kiểm soát Quốc Hội (Viện Duma quốc gia), nhưng kết quả chưa được 50% dân tín nhiệm, mặc dù đã cố ý gian lận. Ông Putin mất mặt. Vì năm 2007 đảng Nga Thống Nhất chiếm gần hai phần ba số phiếu. Mất mặt hơn nữa vì Tháng Chín vừa rồi ông Putin mới báo tin sẽ “hy sinh ra ứng cử” tổng thống lần nữa, sau 4 năm tạm nghỉ “nhường ngôi” cho Dmitry Medvedev; vì hiến pháp không cho ông ngồi quá hai nhiệm kỳ liền nhau. Dù phe Putin chỉ “thắng nhỏ” như vậy nhưng hàng ngàn dân chúng vẫn đi biểu tình phản đối bầu cử gian lận. Tại thủ đô Moskva (người Nga đọc là Mátx Cơ Va), năm nay đến 10 ngàn người biểu tình, họ hô khẩu hiệu: “Putin là tên côn đồ, trộm cướp!” Người ta tố cáo thủ đoạn nhét thêm phiếu vô thùng phiếu. Có những đoàn xe buýt chở từng đoàn cử tri của chính quyền đi từ phòng phiếu này sang phòng phiếu khác. Có 400 đảng viên cộng sản cũng tham dự biểu tình mặc dù đảng này thắng 20% số phiếu. Họ tố cáo đây là một cuộc bỏ phiếu “nhơ bẩn nhất” trong lịch sử, ý nói còn nhơ bẩn hơn thời cộng sản! Còn hai đảng khác sẽ được vào Quốc Hội, một đảng “dân tộc chủ nghĩa” quá khích của Zhirinovsky và một thuộc loại “đảng bỏ túi” của ông Putin, như cụ Nguyễn Minh Cần gọi tên. Ðảng Nhân Dân đối lập mạnh nhất, do cựu Thủ Tướng Nemtsov cầm đầu đã bị gạt ra ngoài không được ứng cử. Hai đảng có khuynh hướng dân chủ tự do không được ghế nào vì không đủ 7% số phiếu. Tổng kết lại, đảng của ông Putin (mà ông không thèm vào làm đảng viên) bị hơn 50% dân gạt bỏ, dù ủy ban bầu cử đã cố ý gian lận. Ðây là một thất bại không thể che đậy được! 

 
Có điều chắc chắn là ông Putin vẫn sẽ tái đắc cử tổng thống vào Tháng Ba sang năm; vì dân Nga không có ai khác để lựa chọn. Trong hơn 10 năm qua ông đã loại bỏ dần dần hết các đối thủ có khả năng thay thế ông, bằng đủ mọi cách, hợp pháp hoặc không hợp pháp. Kết quả cuộc bầu cử này là một thông điệp dân Nga gửi cho ông Putin: Chúng tôi chán lắm rồi!

Ông Putin vẫn cố giữ vẻ tỉnh bơ, nhưng hình ảnh mà ông cố dựng lên cho mình, như một lãnh tụ siêu việt được lòng dân hiện nguyên hình là một ảo tưởng, vỡ tan như bong bóng. Trong mươi năm ông tự tạo cho mình hình ảnh một lãnh tụ không ai thay thế được. Ông là người đã đứng lên đối đầu với Mỹ và Âu Châu; đã bảo vệ quyền lợi còn sót lại của đế quốc Nga Xô; người đã đe dọa các nước tách ra khỏi Liên Xô, đàn áp các nhóm thiểu số nổi dậy. Và cũng là người đã cầm quyền trong một thập niên kinh tế phát triển giúp cho giới trung lưu ở các thành phố tiêu thụ thỏa thuê. Hầu như ngày nào cũng có hình ảnh người hùng Vladimir Vladimirovich Putin trên ti vi. Tên được gọi là VVP cho gọn! Bộ máy tuyên truyền của Kremlim đã đưa ra những hình ảnh một ông Putin đấu võ, một Putin cởi trần cưỡi ngựa trên sườn núi ở Siberia, một Putin bắn cọp, hay đang bơi trong dòng sông lạnh sắp đóng băng; và một Putin đang lắng nghe các cụ già trò chuyện. Một thứ rượu vodka mang nhãn hiệu Putin bán rất chạy. Ông muốn lịch sử sẽ nước Nga ghi tên ông như một Ðại Ðế Peter của thế kỷ 21. Với các hệ thống truyền thông nắm trong tay, các báo đối lập bị đàn áp, ông Putin nghĩ sẽ đàng hoàng lên làm tổng thống thêm 12 năm nữa, tới năm 2024 mới về hưu, vào tuổi 71. Nhưng cả bộ máy tuyên truyền đã thất bại. Không thể lòe bịp người dân. Dân Nga đã thấy sự thật, và đã chán. Họ bỏ phiếu để nói sự thật; giống như đứa trẻ hồn nhiên kêu lên, “Ông vua không mặc quần!” 


Trong tháng trước, ông Putin đã xuất hiện trên võ đài, để khen ngợi một võ sĩ người Nga mới thắng đối thủ người Mỹ. Ông tưởng đó là một thủ đoạn kích thích tự ái dân tộc sẽ được mọi người hoan hô. Nhưng nhiều khán giả đã lo ó, vài người hô lớn: “Cút đi! Cút đi!” Phát ngôn viên phủ tổng thống giải thích rằng lời kêu gọi đó nhắm vào võ sĩ người Mỹ; nhưng không ai tin! Bởi vì có ai cần phải đuổi một võ sĩ đã bị thua rồi? Ðó không phải là lần đầu tiên dân Nga công khai bầy tỏ nỗi bất mãn với chế độ Putin. Trong cuộc bầu cử các vùng và các thành phố vào Tháng Ba năm nay, đảng của Putin đã không thu được đa số phiếu tại bảy trong số 12 vùng. Ở hai nơi, Kirov và Kaliningrad, đảng Nga Thống Nhất không được 40% phiếu ủng hộ. Lúc đó dư luận thế giới không chú ý đến kết quả này, vì mọi người đang quan tâm đến nạn động đất và sóng thần ở Fukushima bên Nhật. 

 
Lý do quan trọng nhất khiến Putin bị dân chán ghét là nạn tham nhũng. Người ta coi đảng cầm quyền là một lũ xôi thịt bám quanh Putin để cùng đục khoét nước Nga. Lên làm tổng thống, Putin đã sửa luật pháp, xóa bỏ quyền bầu cử của dân để ông ta bổ nhiệm các chức vụ như thống đốc các vùng và thị trưởng các thành phố lớn. Dân Nga đồn rằng giá một chức vụ như vậy là 50 triệu đô la Mỹ. Các chức giám đốc hạng trung giá nửa triệu đô la. Tham nhũng tràn ngập tất cả hệ thống giáo dục và các tổ chức y tế công cộng. Bà thị trưởng cố đô Saint Petersboug, thành phố lớn thứ nhì, đã được Putin bổ nhiệm từ 10 năm qua, dân Nga đồn hai người là tình nhân, rất giỏi trong việc dùng côn đồ phá các cuộc biểu tình đòi bầu cử; bà nổi tiếng về dùng công quỹ để làm giầu qua các cuộc đấu thầu. Trong bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế về tệ nạn tham nhũng, nước Nga đứng hàng thứ 154, cùng hạng với Kenya, Phi Châu.

Từ năm 2000 đến 2008, khi ông Putin làm tổng thống, dân Nga đã chịu đựng chế độ ăn cướp này vì kinh tế phát triển đều đặn, 7% mỗi năm, đưa mức sống của dân Nga lên, từ trình độ Việt Nam lên ngang bằng người Ba Lan. Nhưng phần lớn kết quả đó là nhờ giá dầu lửa tăng lên trên thị trường thế giới; mà dầu khí chiếm 50% số hàng Nga xuất cảng. Năm 2008 kinh tế thế giới xuống vì khủng hoảng, sang năm 2009 kinh tế Nga đã sa sút, tổng sản lượng nội địa đã giảm gần 8%. Trong thời gian 8 năm may mắn, ông Putin đã tập trung quyền kiểm soát nền kinh tế vào trong tay bè đảng, quốc hữu hóa trở lại một số xí nghiệp lớn, tạo ra một tầng lớp quý tộc mới chia nhau quyền hành và lợi lộc. Mặc dù dầu lửa là nguồn lợi lớn nhất cho ngân sách nhưng trình độ kỹ thuật vẫn không được cải thiện mà chỉ chú trọng đến việc chia phần khai thác với các công ty ngoại quốc. Hiện nay giá dầu đã xuống đến mức 100 đô la một thùng, mà nếu giá dầu ở mức dưới 115 đô la thì ngân sách chính phủ Nga sẽ thiếu tiền; trong ngân sách thu 40% là do thuế đánh trên dầu xuất cảng. Vì vậy năm nay đồng “Rúp” đã xuống giá không ngừng. Nếu giá dầu xuống tới 70 đô la thì đồng rúp sẽ xuống khiến giá thực phẩm và thuốc trừ bệnh tăng thêm 30%, vì hầu hết các món này đều nhập cảng. Mùa gặt năm nay nông dân đã thu hoạch gấp rưỡi năm ngoái, nhưng đồng rúp vẫn không lên được, vì hàng xuất cảng sang Âu Châu xuống thấp. Ngân hàng quốc tế HSBC báo động là số sản xuất công nghiệp ở Nga trong quý thứ ba đã xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2009, là năm kinh tế suy thoái. Cũng trong quý đó số dầu lửa xuất cảng cũng giảm bớt hơn 8%. 

 
Trong thực tế, nước Nga đang xuống dốc vì chế độ độc tài tham nhũng. Những người có tiền và có khả năng đang tìm đường đi ra nước ngoài, và gửi tiền ra trước. Hồi Tháng Mười, Tổng Thống Dmitry Medvedev đã báo động về nạn “xuất não” khi có hai nhà khoa học Nga sang Anh Quốc làm việc, kéo theo rất nhiều đồng nghiệp. Ông Medvedev nói, “Chúng ta phải cố không để cho nhân tài ra đi!” Nhưng trong mười năm qua đã có hơn một triệu 250 ngàn người Nga ra đi, trong một nước với dân số 142 triệu và số dân đang giảm đi vì ít sinh sản, nạn ghiền rượu, và hệ thống y tế quá kém. Nhiều người tìm cách gủi con đi học nước ngoài, rồi không trở về. Giới trẻ có học là những người nóng lòng ra đi nhất. Một cuộc nghiên cứu dư luận hỏi ý kiến 5,000 sinh viên Nga ở Ðại Học Moskva cho thấy 80% muốn sống ở nước ngoài. Trong nước Nga của chế độ Putin họ không thấy tương lai! Cả giới tư bản cũng tìm đường chạy. Vì ở trong nước pháp luật không được tôn trọng, quyền nằm trong tay một thiểu số mà bọn này nắm toàn quyền; không có gì bảo đảm tài sản của họ sẽ giữ được. Sáu tháng đầu năm 2011, đã có 31 tỷ đô la tiền vốn chạy đi; tới nay số tiền vốn đi ra khỏi nước cao hơn số tiền vốn đi vào khoảng 70 tỷ đô la; lớn gấp đôi số khiếm hụt năm ngoái.

Tháng Chín vừa qua, trước khi ông Putin tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống lần nữa, cựu Tổng Thống Nga Mikhail Gorbachev đã khuyên nên tự kềm chế, đừng biến nước Nga thành một thứ nước Phi Châu với các vị tổng thống cầm quyền vài ba chục năm. Ông Gorbachev so sánh tình trạng Nga hiện nay giống như những năm tệ nhất dưới thời cộng sản. Về mặt kinh tế, người Nga đang ví triều đại Putin như triều Tổng Bí Thư Leonid Brezhnev, một quãng thời gian 18 năm phẳng lặng; bên ngoài thấy yên ổn nhưng bên dưới là tình trạng kinh tế trì trệ, dần dần đưa tới sụp đổ toàn diện. Ông Putin không nghe lời khuyên đó, còn tuyên bố rằng ông muốn chứng tỏ cho dân Nga thấy ông luôn luôn đứng về phía họ. Chủ Nhật vừa qua, dân Nga đã lên tiếng cải chính: Không, họ không ở phía ông Putin. Sau khi sử dụng các mánh khóe gian lận, đảng của ông Putin chưa đạt được nửa số phiếu đi bầu. 

 
Người Nga chắc sẽ không “làm cách mạng” nữa, vì họ đã chán cách mạng quá rồi. Nhưng nếu không thay đổi thì cả nước sẽ tiếp tục chịu đựng Putin thêm 12 năm như thời Brezhnev. Viễn ảnh đó thật kinh hoàng! Cho nên, khi có cơ hội bầy tỏ ý kiến bằng lá phiếu kín, người dân đã nói thật. Người dân cũng đã xuống đường chống bầu cử gian lận. Với thời tiết Mùa Ðông, các hành động phản kháng này khó tiếp tục để biến thành một phong trào Mùa Xuân Nga, như đã diễn ra ở Trung Ðông và Miến Ðiện gần đây. Nhưng với kinh nghiệm 70 năm cộng sản, không chế độ độc tài nào có thể đánh lừa dân Nga mãi được. Sẽ có ngày Mùa Xuân Nga trở về. Như Boris Pasternak mô tả, người ta không trông thấy lịch sử đang biến chuyển thế nào, cũng như không ai trông thấy cỏ đang mọc lên vậy mà Mùa Xuân vẫn tới.