Saturday, December 17, 2011

Kinh tế khó khăn nhất từ 1991





Kinh tế khó khăn

Người từng đứng đầu viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương của Việt Nam nói với BBC rằng kinh tế trong nước chưa bao giờ gặp những khó khăn như trong năm 2011 kể từ hồi năm 1991, năm đồng minh thân cận Liên Xô sụp đổ.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói bất chấp một số “điểm son”, tăng trưởng kinh tế ở mức dưới 6%, lạm phát hai con số 19%, ít nhất hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản trong khi dự trữ ngoại hối chỉ tăng được nhờ vào lượng kiều hối tới chín tỷ đôla đổ vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, ông nói Nghị quyết 11 hồi tháng Hai nhằm thắt chặt tiền tệ và chi tiêu công đã góp phần làm cho lạm phát giảm đi trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra cam kết tái cơ cấu kinh tế do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra hồi tháng Mười cũng được cho là một động thái tích cực.

‘Thành tựu’
Nói chuyện với BBC hôm 14/12 từ Hà Nội, Tiến sỹ Doanh nhận định:

“Năm 2011 là một năm, theo đánh giá của tôi, là khó khăn nhất từ năm 1991 trở lại đây, tức là trong 20 năm gần đây.

“Nó thể hiện ở chỗ là mục tiêu lạm phát Quốc hội đề ra là 7% nhưng mà thực hiện khoảng 19%.

“Về mục tiêu tăng trưởng thì đề ra là 7,5%, thực hiện khoảng 5,8%.

“Và tiêu dùng của người dân giảm xuống mức rất thấp, hàng hóa tồn kho các mặt hàng lên cao chưa từng thấy.

“Cũng là lần đầu tiên mà số doanh nghiệp được tuyên bố là phá sản được công bố là 48.000 doanh nghiệp.”

Nhưng Tiến sỹ Doanh cũng nói năm 2011 “có một số thành tựu đáng lưu ý” trong đó có xuất khẩu tăng 33%, chủ yếu tăng về giá và cán cân thanh toán quốc tế có thặng dự 3,3 tỷ đôla lần đầu tiên trong nhiều năm.

Bên cạnh đó lạm phát trong những tháng cuối năm cũng đã giảm đi nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ đưa ra từ đầu năm 2011 cho dù vẫn có thể tăng nhẹ ở mức khoảng 0,5% trong tháng Mười Hai.

Ông Doanh nói lạm phát cao ở Việt Nam bắt nguồn từ tình trạng đưa tiền vào lưu thông ở mức 32% và tăng trưởng tín dụng lên tới trên dưới 40% (so với khoảng 9% của 2011) trong nhiều năm.

Vị Tiến sỹ giải thích thêm: “Đưa tiền ra nhiều như vậy mà đầu tư của doanh nghiệp nhà nước lại kém hiệu quả.

“Đầu tư 100 đồng thì hàng hóa, tài sản tạo ra được có lẽ chỉ khoảng 40, 50 đồng, còn lại 60, 50 đồng kia nó bốc hơi.

“Vì đưa nhiều tiền ra mà của cải tạo ra ít thì lúc bấy giờ có nguy cơ lạm phát.”

‘Căn bệnh trầm kha’

Chuyên gia nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng nói tiền đồng của Việt Nam chịu sức ép nhiều so với đôla Mỹ do Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn so với xuất khẩu.

Ông Doanh nói dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ tăng lên được nhờ lượng kiều hối lên tới 9 tỷ đôla Mỹ.

Và mặc dù tiền đồng giảm sức mua tới 19%, nó chỉ mất giá khoảng 5-6% so với đôla Mỹ, ông Doanh nói.

Ông cũng nhận định vấn đề tỷ giá tiền đồng và đô la là “phức tạp” vì Việt Nam cũng chi nhiều đô la để nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu và nếu tiền đồng mất giá thêm nữa, giá các sản phẩm xuất khẩu như dệt may và da giày sẽ tăng lên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi đầu năm 2011

Ông Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là đã đề cập tới hai ‘căn bệnh trầm kha’ của Việt Nam: lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ

Tiến sỹ Doanh cho hay nhiều doanh nghiệp cũng đổ xô đi vay tiền đô la trong năm 2011 ngay cả khi họ không cần tới đô la do có chênh lệch lãi suất.

Các doanh nghiệp chỉ phải trả mức lãi suất 6% khi vay đô la nhưng phải trả tới 21-25% khi vay tiền đồng và như vậy họ có thể kiếm lời chỉ qua việc vay đô la đem bán lấy tiền đồng.

Đây cũng là lý do khiến cho mức tăng trưởng tín dụng đô la ở mức 23%, cao hơn gấp đôi so với tiền đồng và đưa tổng số các khoản vay bằng tiền đô lên tới 7,6 tỷ.

Tiến sỹ Doanh nói chính sách tỷ giá bên cạnh chính sách tiền tệ, tín dụng trong Nghị quyết 11 được đưa ra trong tháng Hai năm 2011 là “điểm son” trong chính sách kinh tế của Việt Nam và là “bước ngoặt” trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Nhưng ông cũng nói việc “tiết kiệm và giảm đầu tư công” chưa thực hiện được nhiều và ngân sách vẫn bị bội chi.

Ông nói thêm: “Một nốt son khác của kinh tế Việt Nam đó là ngày 10/10 năm 2011, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị III của Ban chấp hành trung ương Đảng Việt Nam khóa XI và trong đó ông Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, những yếu kém và đề ra nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

“Trong đó nhấn mạnh tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trước hết là hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trước hết là các tập đoàn và các tổng công ty của nhà nước.

“Ông Nguyễn Phú Trọng cũng lần đầu tiên nhắc tới lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, là hai căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam mà phương thuốc chữa cho đến bây giờ vẫn chưa rõ ràng.

“Các ý tưởng chính sách đó đang được chính phủ soạn thảo để trình ra Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng sắp tới.”

Chứng khoán ‘cọng hành’

Tiến sỹ Doanh nói với BBC vấn đề lợi ích nhóm “thì ở đâu cũng có” nhưng điều quan trọng là cần có sự công khai minh bạch.

Một ví dụ ông đưa ra là gần đây người ta được biết rằng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được nhà nước cho vay tới 1.500 tỷ đồng trong khi có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam điêu đứng vì thiếu vốn.

Ông cũng nói có “một số nhóm người” đã giàu lên nhanh chóng nhờ các dự án cơ sở hạ tầng trong khi giá đất bồi thường cho người dân rất thấp.

Điều này khiến cho các vụ khiếu kiện về đất đai là vấn đề lớn tại Việt Nam.

Tiến sỹ Doanh đánh giá nông dân và nông nghiệp “đã cứu kinh tế Việt Nam” trong năm 2011 vì tình hình sẽ “hết sức phức tạp” nếu tình trạng thiếu lương thực diễn ra bên cạnh lạm phát cao.

Khi được đề nghị bình luận về thị trường nhà đất và chứng khoán, Tiến sỹ Doanh nói đa số các hãng bất động sản dựa vào tín dụng ngân hàng và tình trạng thắt chặt tiền tệ và lãi suất cao khiến nhiều công ty phải “bán tháo” bất động sản.

“Còn về chứng khoán ở Việt Nam thì giảm sút rất nghiêm trọng,” ông nói.

“Vừa rồi báo chí đã có đưa lên, tức là ở Hà Nội đây có chứng khoán chỉ còn có giá 700 đồng Việt Nam, tức tương đương ba cọng hành ngoài chợ.

“Tôi không nghĩ là thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh bởi vì các nguồn vốn đầu tư ở bên ngoài đã rút đi và tín dụng được thắt chặt thì nguồn vốn để bơm vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không được dồi dào như trước đây.”

Nhìn tới năm 2012, ông Doanh nói kinh tế thế giới khó khăn hơn trong khi cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu vẫn “chưa có lời giải”.

Nhưng nếu Việt Nam tái cơ cấu lại kinh tế thành công thì ngay cả với nguồn vốn ít hơn Việt Nam vẫn có khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5%, ông nhận định.

Vị Tiến sỹ cũng cho rằng việc giảm được lạm phát xuống dưới 10% trong năm 2012 “sẽ là kỳ tích” trong khi tiền đồng tiếp tục chịu sức ép của đồng đôla Mỹ do thâm hụt thương mại.

Nguồn: BBC