Saturday, December 31, 2011

Những suy tư bên thềm năm mới 2012


Năm cũ sắp qua với bao vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã đây đó loé lên những hy vọng đổi mới, buồn vì còn biết bao điều bất cập nhức nhối đến quặn lòng chưa được giải quyết, thất vọng vì nghe nói đã quá nhiều quá hay nhưng kết quả chẳng đáng là bao và càng thất vọng hơn bởi đâu đó vẫn còn nghe những điều rất ngớ ngẩn mà trớ trêu thay nó lại phát ra từ những người có chức có quyền chứ không phải từ những đứa trẻ lên năm lên ba.


Thôi thì vui được tý nào hãy tận hưởng cái đã:

Vui vì Hoàng Sa – Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, bấy lâu chỉ thầm thì nói nhỏ nay đã được dõng dạc khẳng định trước Quốc Hội. Vui vì quyền biểu tình một quyền căn bản của người dân đã được thủ tướng đề nghị đưa vào chương trình làm luật kỳ này.

Vui vì cuối cùng thì cảng hàng không lớn nhất miền Trung sau bao nhiêu trục trặc ỳ ạch mãi qua mấy đời bộ trưởng cuối cùng đã được đưa vào sử dụng để từ nay nếu ai đó có đang mải tắm bùn ở tận miền Trung mà cha mẹ không may bị ốm hay tai nạn tàu xe thì vèo cái đã về đến nhà khỏi bị anh em họ hàng nghi oan là vô cảm. Vui vì các “Thượng Đế” của xe bus đã bớt nhìn thấy ít ra là hai khuôn mặt côn đồ trong ngành vận tải công Cộng của thủ đô. Vui và hy vọng sẽ bớt được những cây cầu, những con đường, những nhà ga chưa làm xong đã cong vênh sụt lún nghiêm trọng. Vui và hy vọng ông tân bộ trưởng dám nói dám làm sẽ dẹp bớt cái cảnh công nhân thì tối mắt tối mày đi ca đi kíp còn cán bộ thì nhởn nhơ đánh bóng chơi golf.

Vui và hy vọng sẽ dẹp được những nhà thầu yếu kém, những kẻ cơ hội thoái hoá biến chất nhung nhúc ở mọi lúc mọi nơi tiêu tốn biết bao nhiêu tiền bạc của dân của nước. Cũng vui một chút vì ít ra giá xăng dầu chưa kịp (hoặc chưa chuẩn bị kịp để) nhảy múa như giá điện trong dịp này. Vui môt chút trước vẻ mặt đôn hậu rạng ngời của chị Phạm Thị Lành khi trả lại 6,6 tỷ cho anh Tuấn mà không hề đắn đo suy nghĩ trái ngược hẳn vẻ lật lọng trắng trợn của một vị giám đốc nào đó ở Long An. Vui một chút trứơc tấm gương của bé gái 3 tuổi đã dũng cảm lấy thân mình che chở cho em. Vĩnh biệt em với lòng tiếc thương vô hạn và xin tạ tội thay cho những người đáng tuổi ông, tuổi cha tuổi mẹ, tuổi anh của em (kể cả những người đi trên chiếc xe biển xanh nào đó) đã vô cảm bỏ mặc một cô gái người đầm đìa máu vì tai nạn ở giữa thủ đô Hà Nội.

Nhưng vui và hy vọng hơn cả là bộ chính trị vừa kiến nghị ba vấn đề cần làm ngay:

Đó là: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Vui bởi bộ chính trị đã nhận ra mọi sự yếu kém bất cập hiện thời suy cho cùng là tại con người mà cụ thể hơn là tại cán bộ vì thế phải chọn cho được những cán bộ có đức có tài đứng vào các khâu then chốt thì mới mong giải quyết được các bất cập mà rõ ràng trong 90 triệu dân không hiếm những con người như thế, vấn đề là ai được quyền chọn và chọn như thế nào thôi để có niềm vui lớn hơn.

Bây giờ sang đến chuyện buồn:

Nỗi đau xé lòng bởi những người dân vô tội bị thiêu sống trên chiếc xe khách ở Bình Thuận hôm nào chưa kịp nguôi ngoai lại bị dội thêm bởi tiếng kêu thảm thiết giữa lòng biển lạnh của 22 Thuỷ thủ đa số còn rất trẻ trên chiếc tàu định mệnh Vinalines Queen. Đau đớn biết bao khi nghe tin thai phụ Quỳnh và bé Nguyễn Khánh Vân bị chết thảm trên chiếc xe “Mơ Ước” (Dream) mà đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Ngày lại qua ngày những chiếc xe 2 bánh, nhiều bánh liên tục cháy nổ ở khắp mọi ngõ ngách, kể cả những chiếc đang ngủ im lìm trong gara gây nỗi bất an sâu sắc như bị “ma ám”. Có ở đâu hễ ra đường hoặc leo lên xe là nơm nớp lo đang cận kề với cái chết như ở ta không??? Trớ trêu làm sao khi càng nhiều nhà cao, càng nhiều đường rộng, càng nhiều xe xịn thì tai nạn chết người càng lắm. Vậy thì nhà cao đường rộng để làm gì hỡi các ông “Quy hoạch”??? Có ở đâu tỷ lệ người chết vì TNGT khủng khiếp như ở ta không??? và tại sao tại sao tình trạng này kéo dài triền miên như thế mà lời kêu gọi đã đến lúc phải ban hành tình trạng khẩn cấp không được lắng nghe???

Nỗi khiếp sợ có thể chết “bất đắc kỳ tử”lại được bồi thêm bởi những vụ cháy nổ bình gas, những vụ cháy nhà cao tầng không phương cứu chữa, những vụ cắt nhầm thận, tiêm nhầm thuốc, những thực phẩm độc hại tràn lan. Những vụ đâm chém bắn nhau không ngày nào không có v.v… Thế mà dân mình vẫn trong tốp “đầu” lạc quan nhất thế giới mới thật đáng nể!

Chuyên buồn it nguy hiểm chết người hơn là chuyện giá điện,giá xăng cứ thi nhau nhảy múa, giá rau muống ở ta rẻ hơn ở Thượng Hải cả mấy chục lần mà lạ sao dân tình cứ tranh cướp nhau đi mua vàng đắt hơn thế giới đến 4, 5 triệu một lượng. Càng lạ nữa là càng quản lý giá vàng thì biên độ giá vàng ở ta so với thế giới càng tăng. Thế mới đáng nể cho Quan trí và Dân trí xứ mình.

Buồn tê tái hơn vì ông Thăng mới trảm được vài ba cán bộ ăn tàn phá hại trong ngành mình, còn bao nhiêu kẻ ăn tàn phá hại nhung nhúc như một bầy sâu ở khắp các cấp các ngành (lời chủ tịch Trương Tấn Sang) đến bao giờ mới bị trảm?

Có những nỗi buồn tốn biết bao giấy mực mà không cắt nghĩa nổi vì sao? Tỷ như vụ cờ 5 sao 6 sao chẳng lẽ các ông giáo sư tiến sỹ lại không biết đếm không biết phân biệt số 5 với số 6 nên mới nhầm lẫn đến cả 3 lần, tương tự như các cháu học sử không phân biệt nổi điểm 0 với điểm 10, nên bị điểm không vẫn vui vẻ tỉnh bơ.

Lại có những chuyện buồn tréo ngoe với thiên hạ mới khiếp. Vì ở các nơi nếu ai đó có chót phạm sai lầm người ta thường tìm cách giấu nhẹm danh tính của người thân ví như con gái tổng thống Bush đi mua rượu bị công an phát hiện chưa đủ tuổi đâu dám vỗ ngực tự xưng là con ông nọ bà kia như ở ta rồi phun nước bọt vào người thi hành công vụ. Cái thứ văn hoá không biết xấu hổ này bắt nguồn từ những bậc phụ huynh cũng không biết xấu hổ là gì khi lạm dụng chức quyền để bao che cho những việc sai trái để rồi chính họ bị con cái coi thường mới đem danh tính ra làm bung xung che chắn cho những việc xấu xa.

Thế giới chuyện buồn ở ta thì nhiều lắm kể thêm ra e sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu lạc quan ở tốp đầu của dân mình.Vì thế chuyển qua hy vọng cho nó lành:

- Hy vọng Anh linh của tiên tổ, hồn thiêng của sông núi sẽ giúp cho con dân nước Việt sáng suốt khôn khéo nhưng Kiên quyết để giữ vững và thu hồi được đất trời biển đảo của tổ tiên.

- Hy vọng Quốc hội sớm ban hành luật biểu tình để nhân dân có được công cụ hữu ích để bày tỏ tình cảm của mình với các vấn đề của đất nước.

- Hy vọng nhiều nhất và bức thiết nhất vào kết quả của hội nghị trụng ương lần thứ 4 khoá 11. Để ba vấn đề Cần làm ngay mà bộ chính trị vừa kiến nghị sớm đi vào cuộc sống, bởi con người mà đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp là khâu then chốt nhất có thể tạo ra những đột phá để nhân rộng các niềm vui và hạn chế đẩy lùi các nỗi buồn hiện hữu.

Berlin 31/12/2011
Vũ Văn Thái

(Bài do tác giả gửi tới)




Miến Điện: Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi sẽ gặp tỷ phú Mỹ George Soros




Thêm một dấu hiệu Miến Điện mở cửa: Theo phát ngôn viên của bà Aung San Suu Kyi vào hôm qua, 30/12/2011, lãnh tụ đối lập Miến Điện sẽ tiếp nhà tỷ phú Mỹ George Soros vào thứ Hai 02/01/2012 tới đây tại tư dinh của bà ở Rangoon. Nội dung cuộc gặp không được tiết lộ, nhưng nhà tỷ phú nổi tiếng nằm trong một loạt nhân vật tầm cỡ thế giới ghé Miến Điện, tiếp xúc với người từng đoạt giải Nobel Hòa bình từ khi bà được chính quyền trả tự do. 
 
Năm nay 81 tuổi, tỷ phú Soros trong thời gian qua đã được biết đến trong tư cách là một nhà hảo tâm, rất quan tâm đến việc tài trợ cho các sáng kiến nhằm phát huy dân chủ trên thế giới thông qua Hội Open Society Foundation do ông thành lập.

Đối với Miến Điện, hiệp hội của ông Soros hàng năm chi khoảng 2 triệu đô la vào các dự án ở trong cũng như ngoài nước nhằm khuyến khích tiến trình dân chủ hóa. Sự kiện một nhân vật như ông được chính quyền Miến Điện bật đèn xanh cho gặp lãnh tụ đối lập là thêm một dấu hiệu phản ánh tiến trình mở cửa tại quốc gia Đông Nam Á này từ một năm nay.

Dù thông tin về chuyến ghé thăm Miến Điện của ông Soros được hoàn toàn giữ kín, nhưng các nguồn thạo tin tại Rangoon đã xác định với nhật báo Anh Financial Times rằng nhà tỷ phú Mỹ đã đến Miến Điện bằng phi cơ riêng từ ngày 26/12. Ông đã được nhân viên hiệp hội của ông tại Miến Điện tháp tùng theo trong chuyến thăm.

Theo các nhà quan sát, ngoài vấn đề phát huy dân chủ tại Miến Điện, cuộc tiếp xúc giữa ông Soros và bà Suu Kyi chắc chắn sẽ đề cập đến lãnh vực kinh tế và triển vọng nước này được Hoa Kỳ và châu Âu gỡ bỏ trừng phạt. Là công dân Mỹ, nhà tỷ phú Soros không thể đầu tư vào Miến Điện do việc Washington còn duy trì cấm vận. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, các biện pháp ngặt nghèo này có rất nhiều khả năng được bãi bỏ.

Từ khi được trả tự đo, lãnh tụ đối lập Miến Điện đã được rất nhiều thượng khách quốc tế ghé thăm, từ Ngoại trưởng Mỹ, Indonesia, hay là Nhật, cho đến thủ tướng Thái Lan và nhiều quan chức cao cấp khác.

Nguồn: Trọng Nghĩa (RFI)





2011: Tàu nuốt Việt Nam – Đảng tự tan

 



Trung Quốc sẽ bắt đầu khoan dầu ở quần đảo Trường Sa vào năm 2012


Năm 2011 khép lại với nhiều biến cố không bình thường đã đến với đất nước và con người Việt Nam, nhưng tương lai lại mờ mịt hơn bao giờ hết.

Nỗi lo lớn nhất đến từ 6 điểm thỏa hiệp ghi trong “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” đã được ký tại Bắc Kinh ngày 11/10/2011 giữa Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trung Hoa, trong đó có vấn đề “hợp tác cùng phát triển” trên các vùng biển tranh chấp giữa 2 nước ở Biển Đông.

Nhưng ranh giới tranh chấp lại không rõ trên diện tích bao la ước lối 3,500.000 cây số vuông mà người Tàu gọi là biển Nam Trung Quốc. Càng khó khoanh vùng hơn khi Bắc Kinh đã ngang nhiên nhận có chủ quyền trong vùng biển đảo nằm trong bản đồ có hình Lưỡi Bò, hay còn gọi là “Đường Chín Đoạn” chiếm từ 80% đến 85% diện tích Biển Đông, có đường ranh chạy sâu vào lãnh hải của Việt Nam, Nam Dương (Indonesia), Mã Lai Á (Malaysia), Brunei và Phi Luật Tân (The Philippines)

Trung Cộng đã vẽ vùng chủ quyền khi họ gửi Công hàm cho Liên Hiệp Quốc ngày 7/5/2009 để phản đối Việt Nam đã nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa với Liên Hiệp Quốc theo Luật biển 1982.

Bắc Kinh nói với Liên Hiệp Quốc rằng: “ Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”.

Hành động “tự nhận” vô bằng cớ lịch sử bao gồm cả hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy, khi Nguyễn Phú Trọng ký đồng ý “hợp tác cùng phát triển” với Tàu thì có khác nào “trao trứng cho Ác”, vì hành động này đã rơi vào bẫy của Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ Trung Hoa từ 1975 đến 1982.

Nhưng thỏa thuận “hợp tác cùng phát triển” ngày 11/10/2011 giữa Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào có khác với lập trường “Gác tranh chấp, cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình đã đặt ra với các lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN khi hai nước thảo luận tái lập quan hệ ngọai giao năm 1990, dưới thời Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Văn Linh và sau đó đến lượt Đỗ Mười, từ năm 1991?

Cả hai chủ trương hợp tác này đã giấu đi lập trường cốt lõi nguy hiểm của họ Đặng, theo Tiến sĩ Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Theo ông Phan thì “toàn bộ” câu nói của Đặng Tiểu Bình là “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Ông Phan tiết lộ ý đồ của Đặng Tiểu Bình trong cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc), được phát trong Chương trình liên tuyến “Nhất hổ nhất tịch đàm” đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25/6/2011.

Nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan nói với Phóng viên của đài Phượng Hoàng rằng: “Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”!

Nên biết hai điều quan trọng nhất của Thỏa hiệp “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung”ngày 11/10/2011 viết nguyên văn:

4. “Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này”.

5. “Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn”.

Như vậy, có phải ông Trọng đã “trúng kế” Hồ Cẩm Đào hay đã bị Tàu “mua đứt” để di hại cho đất nước?

Lo âu thứ hai là Lãnh đạo đảng và Nhà nước CSVN đã nhượng bộ trước áp lực của Trung Cộng như đã chứng minh trong trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 20 đến 22/12/2011 của Phó Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa, Tập Cận Bình.

Hai nước Việt-Trung đồng ý rằng: “Đối với những vấn đề tồn tại hay mới nảy sinh, trong đó có vấn đề trên biển, hai bên tuân thủ nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt được và nghiêm chỉnh thực hiện “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” đã ký giữa hai nước, cùng nỗ lực xử lý, giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình, không để ảnh hưởng xấu đến đại cục quan hệ, đi tới giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được”.

Nhưng “đại cục quan hệ” chỉ có lợi cho Trung Cộng khi ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng phải làm theo yêu cầu của Tập Cận Bình: “Hai bên nhất trí cho rằng cần nhanh chóng thành lập cơ chế trao đổi về việc triển khai Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên giao cho Đoàn đàm phán chính phủ hai nước sớm gặp và trao đổi về việc triển khai thực hiện Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”.

Như vậy rõ ràng chuyến sang Việt Nam của Tập Cận Bình, người sẽ thay Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Cộng năm 2013, chỉ nhằm mục đích ép Việt Nam phải mau chóng “đàm phán” việc thi hành thỏa thuận “hợp tác cùng phát triển” ở Biển Đông để cho Tàu tha hồ vơ vét tài nguyên và dầu khí của Việt Nam, đặc biệt quanh vùng Trường Sa và Hoàng Sa, một cách hợp pháp!

Đàn áp theo lệnh Tàu


Nỗi lo thứ ba là Công an Nhà nước Việt Nam đã thẳng tay đán áp dã man, bắt giam trái phép và khủng bố những công dân yêu nước tự phát xuống đường biểu tình chống Tàu xâm chiếm đất đai và biển đảo của Việt Nam trong hai tháng 8 và 9/2011 tại Sài Gòn và Hà Nội.

Công an làm việc này để thi hành lời hứa với Tàu của Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng, Thứ trường Quốc phòng Việt Nam trong lần họp “Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt – Trung lần thứ hai” tại Bắc Kinh ngày 28/08/2011.

Nguyễn Chí Vịnh đã cam kết với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ dẹp biểu tình chống Tàu, theo tường thuật của Bảo Trung, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 30/8/2011:“Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn. “Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”.

Hành động bạc nhược, nô lệ Tàu của Nguyễn Chí Vịnh, con Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người hùng của Quân đội CSVN, có đáng bị phỉ nhổ không hay nên bị lịch sử “phanh thây xé thịt”?

Nỗi buồn thứ tư là sự nhu nhược trước bạo quyền cai trị của một thiểu số lãnh đạo trong đảng; quy phục trước âm mưu lấn chiếm biển đảo Việt Nam của Bắc Kinh và phản bội sự tin cậy của dân của Quốc hội nhà nước CSVN.

Quốc hội mang danh đại biểu của dân nhưng cơ quan quyền lực cao nhất nước này đã hoàn toàn vô dụng không bảo vệ được quyền lợi cho dân và quyền lợi của đất nước.

Đối nội, Quốc hội không dám bênh vực dân khi dân bị những kẻ có chức, có quyền bóc lột, đàn áp; không dám phê bình, cách chức lãnh đạo khi họ có lỗi nghiệm trọng làm hại đến tài sản và quyền lợi của Tổ quốc. Điển hình như vụ làm ăn thua lỗ trên 1000 tỷ đồng của tập đoàn Tàu thủy Vinashin mà không một Bộ trưởng nào bị cách chức.

Quốc hội cũng không dám ngăn đảng làm dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên dù biết dự án kinh tế này chỉ làm lợi cho Tàu, phá hoại tàn sản của Tổ tiên và làm hại nền kinh tế quốc gia.

Về mặt đối ngoại, Quốc hội đã nghiêm chỉnh thi hành lệnh của Bộ Chính trị không được thảo luận và lên án hành động ngang ngược đàn áp ngư dân và lấn chiếm biển đảo, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông.

Là cơ quan đại diện dân, nhưng Quốc hội chỉ biết phục vụ quyền lợi và bảo vệ đảng nên tính bù nhìn ngày một lên cao. Cơ quan này cũng đã bất lực trước những thỏa hiệp giữa lãnh đạo đảng với nước ngoài, cho dù các thỏa hiệp này có hại cho tổ quốc như đã chứng minh trong chuyến thăm Tàu của ông Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2011 và chuyến thăm Việt Nam mới đây của Phó Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình (từ ngày 20 đến 22/12/2011).

Nỗi buồn thứ năm là tình hình kinh tế càng ngày càng tồi tệ. Đại đa số dân chưa đủ cơm ăn, áo mặc, con cái không được học hành, vật giá leo thang, đồng lương lao động không đủ sống qua ngày.

Mức lạm phát đã vượt quá 18% vào những ngày cuối năm là dấu hiệu nền kinh tế đang nằm trên ngưỡng cửa tụt hậu. Con số 48.700 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải giải thể hay ngừng hoạt động hoặc không có hoạt động rong 9 tháng năm 2011 là dấu hiệu phá sản đang lan rộng.

Trong khi đó, tình trạng cán bộ đảng viên tiếp tục tham nhũng, sống mất phẩm chất, suy thoái tư tưởng lên cao đến mức báo động là điều đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng nhìn nhận trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương bốn ngày 26/12/2011.

Ông Trjng nói: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”.Đây là lần thứ hai, trong vòng 12 năm kể từ tháng 2 năm 1999 khi Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ra Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, Trung ương khóa XI lại phải họp để bàn tiếp về Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay”.

Điều này có nghĩa những gì đảng nói đảng viên phài làm, phải học tập và phải rèn luyện trong suốt 12 năm qua để thành những con người gương mẫu, trong sạch để được dân yêu đã như nước đổ đầu vịt.

Lê Khả Phiêu lên tiếng

Người có trách nhiệm thi hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của Khoá đảng VIII là Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư đảng thời đó đã lên tiếng giải thích tại sao chưa làm được chuyện “xây dựng Đảng”.

Trong Bài viết “Muốn Đảng mạnh phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân” trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 29/12 /2011, ông Phiêu nói: “ Trước hết, tôi phải khẳng định rằng: Đảng đã có khắc phục hạn chế, yếu kém bởi nếu không khắc phục thì Đảng không thể tồn tại, không đủ năng lực để lãnh đạo đất nước được như hiện nay. Nhưng việc khắc phục đó chưa theo kịp với tình hình, thậm chí có những suy thoái còn nặng hơn, trầm trọng hơn. Tại Đại hội XI Đảng cũng đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… và chỉ rõ rất nhiều biểu hiện như chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương…”

Theo Phiêu thì cơ bản của vấn đề là nhiều người trong đảng, kể cả cấp Lãnh đạo đã đánh mất điều được gọi là “Đạo đức cộng sản”.

Nguyên Tổng Bí thư đảng VIII viết rằng: “ Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội phải đứng trên cái chung mà xem lại mình. Đối với cái chung, mình làm như thế nào, đối với bản thân, mình giữ sự trong sạch đến đâu? Hai cái đó đã nhuần nhuyễn chưa. Thực tình, tôi thấy là chưa được, hoặc có lúc được, có lúc chưa được, thậm chí có người hư hỏng, kéo dài; kể cả về quan điểm tư tưởng chính trị; kể cả việc giữ đạo đức trong sạch của người cộng sản. Như thế thì cái chất cộng sản không còn và như thế chúng ta cũng làm không đến nơi, đến chốn và nguyên nhân sâu xa nhất chính là chúng ta đã không đấu tranh triệt để với chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta chưa chữa trị được căn bệnh này. Chủ nghĩa cá nhân trong Đảng được ví như bệnh ung thư, nó hết sức nguy hiểm”

Vậy bây giờ muốn sửa đổi thì đảng phải làm gì? Ông Phiêu trả lời: “Từ trước tới nay Đảng ta đã đề ra rất nhiều rồi, rất đúng, rất trúng rồi, nhưng chúng ta làm không đến nơi, đến chốn hoặc là không chịu làm, hoặc nói một đường, làm một nẻo. Tôi nói ví dụ, ai cũng hiểu, nguyên tắc tổ chức của Đảng là không cho phép một người có quyền quyết định bất kỳ việc gì. Nhưng thực tế thì lại có chuyện này. Khi triệu tập hội nghị thì số đông ngồi im, nhưng ra ngoài nói đủ thứ. Bác Hồ từng nói: Trong hội thì im lặng, nhưng ngoài hội thì nhiều mồm. Như thế là rất cá nhân. Thấy cái sai thì lờ đi, cái đúng không bảo vệ. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì Đảng ngày càng hư hỏng và đến một lúc nào đó là mất chế độ”.

Ông Phiêu đồng ý với Trọng là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị” trong đảng viên đang đe dọa sự sống còn của đảng.

Ông Phiêu nói: “Một vấn đề lớn nữa là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị. Đây là vấn đề rất hệ trọng nhưng tôi thật tiếc tại Hội nghị này Trung ương lại chưa có đủ thời gian để đề cập đến. Thực tế hiện nay đối với công tác xây dựng Đảng, nếu không nhận rõ được vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị là gì thì không thể có giải pháp thực hiện hiệu quả. Bác Hồ từng dạy: Kiến thiết đất nước gồm 4 yếu tố: Chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Bốn yếu tố này có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, nhưng chính trị chính là yếu tố quyết định. Vì vậy, nếu suy thoái về tư tưởng chính trị thì sẽ dẫn đến suy thoái cả về kinh tế, xã hội và văn hóa. Như thế là đi chệch hướng, mà ở chúng ta chính là chệch hướng XHCN. Nghĩa là cái “chất” CNXH không được xây dựng cao lên, mà làm tụt đi, mặc dầu kinh tế có thể phát triển. Điều này trên thế giới đã có nhiều bài học và thực tế cũng đã và đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới…”.

Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng bảo đảng viên: “ Những việc cần và có thể làm ngay phải chăng là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”.

Ông Trọng cũng yêu cầu: “ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”.

Những điều ông Trọng nói không mới. Các chứng hư tật xấu này đã được lãnh đạo đảng nói nhiều tại Đại hội toàn quốc XI hồi tháng 1/2011.

Có mới chăng là chúng được lập lại trong mội Hội nghị riêng ngay trong thời kỳ đầu của Ban Chấp hành Trung ương đảng XI

Những việc phải làm ngay, theo lệnh của Trọng gồm : “ Phải khẩn trương đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt đảng; kiểm tra, giám sát việc tự rèn luyện và giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, cho phù hợp với điều kiện mới. Xây dựng quy định cụ thể về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh thực hiện chất vấn trong Đảng. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, gắn với việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có cơ chế giám sát chặt chẽ của tổ chức đảng và nhân dân, kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, nhà ở, bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện để giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi”.

Tất cả những việc này cũng đã được Đảng ra lệnh thi hành liện tục từ 3 Khóa đảng VIII, IX và X. Bây giờ đến khóa đảng XI lại làm lại từ đầu là bằng chứng của sự bất lực, rệu rã, bất tuân lệnh, trên bảo dưới không nghe của trên 3 triệu đảng viên.

Vì vậy, ông Trọng đã cảnh giác như trước đây các Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đã làm. Ông Trọng nói: “Chúng ta biết rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Nhưng liệu lời nói của ông Trọng lần này có hiệu lực hơn các Tổng Bí thư tiền nhiệm chăng thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Trọng cũng khuyên các cấp đảng viên: “Ban Chấp hành Trung ương phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại; và không được để ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên của chúng ta”.

Nhưng “kẻ xấu” là ai, hay chúng chính là những kẻ “nội thù” trong hàng ngũ đảng đang làm cho đảng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”?

© Phạm Trần
(Cuối 2011)

Nguồn www.ethongluan.org