Tang lễ của Mẹ Theresa năm 1997 tại Ấn Độ
Dù dưới một quan điểm tôn giáo nào, sự có mặt của con người trên thế giới này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn. Với tác giả bài viết này và có lẽ với nhiều độc giả, tiếng sóng vỗ vào thành ghe trong một đêm giông bão như vẫn còn vang vọng đâu đây nhưng đã hơn 30 năm rồi. Một triết gia đã viết, mỗi bước chân ta đi trong ngày là một bước gần hơn đến với ngôi mộ của mình.
Con người sinh ra đều trơ trụi giống nhau nhưng cuộc đời và cách chết đã làm họ khác nhau. Có những người chết đi để lại nhiều lợi lạc cho hậu thế, một cách sống đạo đức cho con cháu noi gương nhưng cũng có những kẻ chết đi, dù được che đậy dưới lớp hào quang giả tạo rực rỡ dường nào hay bức tường thành thông tin bưng bít dày đến bao nhiêu, tội ác của họ cũng có một ngày được phanh phui để lộ nguyên hình những ác nhân thời đại. Con khủng long chết 65 triệu năm trước vẫn được tìm ra, nói chi là con người. Lịch sử là lương tri và từ sơ khai đến hiện đại lịch sử luôn phán xét công bằng, cho đến nay chưa ai tránh thoát.
Một buổi sáng tháng Chín 1997, trên đường phố Calcutta, hàng triệu dân Ấn đứng dọc hai bên đường để tiễn đưa một nữ tu đã dâng hiến gần trọn đời mình cho lớp người cùng khổ. Con đường đó, từ 1929, nữ tu gốc Albany thuộc dòng Loreto Sisters đặt chân đến lần đầu khi mới 19 tuổi. Vỉa hè Calcutta là nơi nữ tu thường đến để ngồi an ủi những người đang chết. Không có ngay cả một viên thuốc, nữ tu chỉ biết cầm lấy bàn tay đầy máu mủ của bịnh nhân và xua đuổi đi bầy kiến đang bám lên vết thương đau nhức. Nhiều bịnh nhân đã đáp lại bằng cách mỉm cười thay cho lời cám ơn trước khi hắt ra hơi thở cuối cùng. Và những khu nhà ổ chuột Calcutta này là nơi chiều chiều nữ tu một tay cầm một chiếc khăn và tay kia cầm một cục xà phòng đến tắm cho trẻ em nghèo trong xóm. Nhiều năm sau, chính đám trẻ này là những người đầu tiên gọi nữ tu là mẹ. Mẹ Teresa như nhân loại biết hôm nay.
Ngày 5 tháng 9 năm 1997 mẹ không đến nữa vì hôm đó là ngày mẹ ra đi. Quan tài Mẹ Teresa được phủ quốc kỳ Ấn Độ thay vì Albania, nơi mẹ chưa một lần trở lại. Ngày đi, mẹ vẫn mặc chiếc áo vải trắng viền xanh Sari trị giá 1 rupee mẹ tự sắm cho mình sau khi chính thức rời khỏi dòng tu Loreto Sisters. Đoạn đường từ quảng trường Netaji, nơi tổ chức thánh lễ, đến Căn Nhà Của Mẹ, nơi mẹ sẽ yên nghỉ, chìm trong không khí tôn nghiêm trang trọng. Những em bé Ấn Độ tay cầm những bông hoa nhỏ vẫy chào. Tất cả đều cúi đầu khi quan tài do một chiếc xe kéo súng quân đội kéo ngang qua. Chính phủ Ấn dành cho mẹ một vinh dự đặc biệt vì chính chiếc xe kéo pháo cũ kỹ này đã kéo quan tài của Thánh Mahatma Ghandi ra nghĩa trang 1948. Nhân loại tiếc thương mẹ, nhân dân Ấn Độ biết ơn mẹ và chính những người cùng khổ ở Calcutta đang sắp hàng hai bên đường cám ơn mẹ, nhưng ngoài tiếng máy xe kéo pháo nhịp đều, không có một sự ồn ào nào khác. Trên xe, những nữ tu và người lính ngồi im lặng. Không ai khóc lớn, không ai than van, không ai lăn lộn, không ai kể lể. Niềm thương tiếc chân thành thánh thiện đã cô đọng thành ngọc bích và lắng sâu xuống tận đáy lòng. Sự ra đi của Mẹ Teresa và nhiều bậc vĩ nhân khác đơn giản như họ một lần đã ghé thăm hành tinh chúng ta.
Bên kia những cuộc chia tay đầy ắp tình nhân loại như thế là những cái chết của các lãnh tụ Cộng Sản đã diễn ra như những vở kịch được biên tập tất cả đặc tính bi, hài, tò mò, chân thành, giả dối đến tận cùng.
Trước tang lễ có một không hai của Kim Nhật Thành, tang lễ Stalin được xem như một tang lễ đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử tang lễ các lãnh tụ Cộng Sản. Ngày 9 tháng 3 1953, hàng triệu người tập hợp tại Hồng trường để chào vĩnh biệt “đại nguyên soái” Joseph Stalin của họ. Theo chi tiết ghi lại trong trang web của báo Pravada, cũng như theo mô tả của Brenda Haugen trong tác phẩm Joselp Stalin: Dictator of the Soviet Union, khoảng 500 người chết chỉ vì chen lấn nhau để đến gần khán đài. Tại Việt Nam vì xa xôi cách trở không tham dự được nhưng cũng “làng trên xóm dưới xôn xao” khi nghe tin “Ông mất” và ít ra cũng có Tố Hữu đã khóc đến mức “xé ruột, xé lòng” trong bài thơ Đời đời nhớ ông bất hủ. Cảnh khóc than thê thảm tương tự đã diễn ra tại Thiên An Môn 1976, Hà Nội 1969 với những cô công nhân mặt sưng húp vì mấy ngày đêm khóc không còn nước mắt. Nếu những tên đô tể Nicolae Ceausescu không bị xử bắn, Pol Pot không chết trong rừng, Erich Honecker không chết trong lưu đày, tang lễ của họ hẳn cũng ngập đầy nước mắt.
Và mới đây, các cơ quan truyền hình trên thế giới đồng loạt đưa tin về cái chết đột ngột của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật và lồng trong các bản tin là cảnh hàng trăm ngàn người dân Bắc Hàn, từ cụ già đến em bé, từ thiếu nữ đến thanh niên đều khóc thê thảm, khó lăn lộn, khóc đến ngất xỉu. Theo tin chính thức của Bắc Hàn, đã có năm triệu người, tức hơn hai mươi phần trăm dân số, bằng nhiều cách bày tỏ lòng thương tiếc dành cho lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật. Các cơ quan truyền thông quốc tế dành nhiều thời gian để tìm hiểu về hiện tượng khóc rất lạ đời này. Son Jeong Hun, trước đây vượt thoát từ Bắc Hàn cho biết “Nếu bạn không khóc một cách công khai, bạn bị xem là có thái độ sỉ nhục lãnh tụ và có thể bị kết án chống lại nhà nước”. Tuy nhiên, trong lúc rất nhiều người phải khóc, khóc không ra nước mắt, cũng có rất nhiều người đã khóc một cách chân thành chỉ vì các vi trùng tôn thờ cá nhân ăn sâu vào nhận thức và họ đã bị hoàn toàn tẩy não.
Tại Bắc Hàn, mỗi gia đình đều có một bức ảnh của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Ban kiểm tra hình lãnh tụ theo định kỳ đến khám xét từng nhà. Gia chủ sẽ bị phạt nếu hình của cha con họ Kim không được lau chùi đúng tiêu chuẩn. Bịnh tôn thờ lãnh tụ tại Bắc Hàn trầm trọng đến nỗi người dân có thể chết chỉ để bảo vệ bức ảnh của “cha già dân tộc”. Theo hồ sơ tội ác của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật do giáo sư Grace M. Kang chuẩn bị để truy tố trước tòa án quốc tế, ngày 4 tháng Sáu 1997 một chiếc ghe đánh cá bị sóng đánh chìm, thủy thủ trên ghe đã buộc chân dung của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật vào phao cấp cứu để hai bức ảnh khỏi chìm trong lúc các thủy thủy đã chết đuối. Khi hai bức ảnh được hải quân Bắc Hàn tìm được, những thủy thủ bị chết đuối được tặng danh hiệu Anh Hùng Cộng Hòa. Ngoài ra, tạp chí Times cũng đã tường thuật một trường hợp hỏa hoạn ở Bắc Hàn, chủ nhà đã lo cứu bức ảnh trước khi cứu con mình. Tháng 4/2003, theo tạp chí Economist, một chiếc xe lửa ở Bắc Hàn không may chạy trật đường rầy và đụng vào một toà nhà lớn, cả xe lửa lẫn toà nhà đều bốc cháy, hàng trăm khách trong xe, người trong toà nhà vừa chết vừa bị thương. Thế nhưng khi những người dân Bắc Hàn tới cứu, họ đã cố tìm cách dập tắt ngọn lửa đang đốt cháy tấm chân dung lớn của Kim Chính Nhật treo trên toà nhà trước khi cứu chữa những người bị thương đang sắp chết cháy trong nhà.
Người dân Bắc Hàn không có cùng một ý niệm về không gian và thời gian như phần còn lại của nhân loại. Ngày tháng và nơi chốn đã bị đổi thay sau khi Kim Nhật Thành xóa bỏ niên lịch AD và thay vào đó bằng lịch Juche, lấy năm sinh của ông ta làm chuẩn. Ví dụ, năm 2000 là năm cuối cùng của thiên niên kỷ đối với phần lớn thế giới nhưng tại Bắc Hàn chỉ mới là năm Juche 99. Trong một bài bình luận của Rodong Sinmun, cơ quan thông tin chính thức của Đảng Công nhân Triều Tiên phát hành ngày 31 tháng 8 năm 1997, viết về Kim Chính Nhật: “Nhân dân Triều Tiên tuyệt đối tôn kính, tin tưởng và theo chân Tướng Quân như Thượng Đế. Tư tưởng quý giá này căn cứ vào sự kiện rằng họ đã cảm nhận một cách sâu sắc sự vĩ đại của Tướng Quân từ đáy lòng họ. Tướng Quân là thầy giáo vĩ đại dạy nhân dân Triều Tiên ý nghĩa thật sự của cuộc sống, là người cha đã ban cho họ đức tính liêm khiết chính trị quý giá và là một ân nhân có trái tim nồng ấm dịu dàng, đã mang đến cho nhân dân Triều Tiên niềm hạnh phúc trọn vẹn… Tướng Quân là cây trụ tinh thần và là vầng thái dương vĩnh cửu của nhân dân Triều Tiên“.
Dân chúng Bắc Hàn khóc trước cái chết của Kim Chính Nhật
Một số nhà phân tích tâm lý cho rằng, vấn đề không phải người dân Bắc Hàn khóc thật hay khóc giả nhưng chỉ việc khóc một cách tự nhiên và công khai trước ống kính truyền hình đã cho thấy khả năng của chế độ kiểm soát hành vi của người dân chặt chẽ đến chừng nào. Bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản Bắc Hàn đã biến toàn xã hội thành một đại gia đình trong đó Kim Nhật Thành là ông nội, Kim Chính Nhật là cha già, và Kim Jong Un đang là đích tôn gia trưởng. Các bức hình trẻ em vui mừng ngồi trên đùi Kim Nhật Thành hay những cặp vợ chồng mới cưới thay vì đến nhà thờ hay chùa, đã đến trước tượng Kim Nhật Thành làm lễ ra mắt tổ tiên cho thấy mối quan hệ giữa quần chúng và lãnh tụ đã vượt qua mối quan hệ chính trị bình thường để trở thành mối giây thiêng liêng bền bỉ rất thích hợp với văn hóa Á Đông.
Trong lúc, theo Katharina Zellweger, giám đốc cơ quan thiện nguyện Thụy Sĩ có văn phòng tại Nhưỡng Quang, mỗi người dân Bắc Hàn chỉ được cấp tiêu chuẩn thực phẩm 150 gram mỗi ngày và rất đông người quá đói phải ra đồng đào rễ, cắt cỏ và hái lá để ăn, gia đình Kim Chính Nhật sống như một đế vương. Theo hồi ký ” Tôi từng là đầu bếp của Kim Chính Nhật” (I Was Kim Jong Il’s Cook) của đầu bếp Nhật Bản từng phục vụ Kim Chính Nhật và ký dưới tên Kenji Fujimoto, món ăn khoái khẩu của họ Kim là sushi với tôm tươi. Các thức ăn phục vụ Kim được chọn lựa theo đặc sản của mỗi nước như thịt heo Đan Mạch, đồ biển Nhật, bia Tiệp Khắc, chuối Thái Lan, đu đủ Mã Lai… Kim Chính Nhật là kẻ nghiện rượu vang. Hầm rượu của y có khoảng 10,000 chai. Theo hồ sơ của BBC trong thượng đỉnh năm 2000 tiếp cựu Tổng thống Nam Hàn Kim Đại Trọng, Kim Chính Nhật đã uống 10 ly rượu vang. Phòng phim của Kim Chính Nhật chứa khoảng 20,000 phim, trong đó Rambo và Jame Bond là những bộ phim y thích nhất. Gia đình họ Kim không thiếu một món giải trí nào từ sân bóng rổ đúng NBA tiêu chuẩn, xe gắn máy trượt tuyết, giàn karaoke… Cũng theo lời kể của đầu bếp Kenji Fujimoto, Kim Chính Nhật nuôi chó đầy đủ hơn nuôi dân. Trong nạn đói, những nhân viên coi chó cho y đã phải ăn trộm thức ăn của chó để ăn. Bị bắt được, toán trưởng bị đày hai năm trong trại tập trung và các đội viên mỗi người bị đày một năm.
Nhân dân Bắc Hàn không biết đời sống xa hoa và tánh tình bịnh hoạn của Kim Chính Nhật. Với đa số người dân Bắc Hàn, Kim Chính Nhật từ khi còn sống cho đến lúc qua đời là thần thoại diệu kỳ. Cơ quan truyền hình chính thức của Bắc Hàn KCNA cho biết trước giờ họ Kim chết, đỉnh núi thánh Bạch Đầu Sơn (Paektu) được bao phủ bằng một ánh sáng màu đỏ rực đầy huyền bí. Cũng theo KCNA, không chỉ nhân dân Triều Tiên hay loài người mà cả trời đất cũng tiếc thương trước cái chết của lãnh tụ kính yêu. Nói theo kiểu Tố Hữu của Việt Nam là “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Mobutu Sese Seko trước đây được là người có những danh xưng rất độc đáo như “Nhà cứu rỗi dân tộc”, “Cha già dân tộc” v.v… nhưng so với cha con họ Kim, Mobutu chỉ đáng là học trò. Tại Bắc Hàn, Kim Chính Nhật ngoài các danh dự được gọi hàng ngày như “Lãnh tụ kính yêu”, “Đồng chí vĩ đại”, “Tư lịnh tối cao” v.v… còn được gọi trong tiểu sử chính thức là “Con trời”, “Ngôi sao sáng của đỉnh Bạch Đầu Sơn”.
Với các bằng chứng tẩy não tinh vi như vậy, việc dân Bắc Hàn khóc thật cũng chẳng phải là chuyện lạ.
Nhân dịp bàn chuyện khóc lóc của người dân Bắc Hàn, thử phân tích một số lý do tại sao chế độ Cộng Sản có thể tồn tại lâu dài hơn nhiều chế độ độc tài khác trong lịch sử nhân loại thời hiện đại. Một số lý do trực tiếp liên hệ đến Bắc Hàn trong khi một số lý do khác là lý do tổng quát chung cho cả phong trào Cộng Sản.
Lý do thứ nhất là bộ máy kiểm soát chính trị và xã hội. Đảng Cộng Sản kiểm soát chặt chẽ toàn bộ cơ cấu xã hội một cách tinh vi, từ các đơn vị nhỏ đến các ban ngành lớn. Cơ quan tuyên truyền trung ương đảng kiểm soát từng chi tiết các sinh hoạt tri thức, thông tin, truyền thanh, truyền hình, báo chí. Hệ thống kiểm duyệt trong chế độ Cộng Sản không chỉ ở trung ương mà theo nhiều tầng lớp. Ngay cả khi tác giả viết bài cũng đã thực thi tự kiểm duyệt vì họ biết những gì nên viết và những gì không được viết trước khi nạp bản thảo cho cơ quan kiểm duyệt nhà nước. Bức tường bưng bít thông tin dày nhiều lớp như thế đã che đậy tội ác ngập trời của các lãnh tụ Cộng Sản. Giáo sư Brian Reynolds Myers giảng dạy môn nghiên cứu quốc tế tại đại học Dongseo University in Busan, South Korea cho biết ngoài một rất ít lén lút mua được vài bộ phim Nam Hàn, máy truyền hình Trung Quốc, tuyệt đại đa số sản phẩm văn hóa nghệ thuật là sản phẩm của tuyên truyền. Các tác phẩm phim ảnh được duyệt nhiều lần để bảo đảm khi đến người dân không có một tình tiết nào đi ngược với đường lối của Đảng.
Lý do thứ hai vì họ chỉ giết chính nhân dân nước họ. Không giống chế độ độc tài Đức Quốc Xã tàn sát dân Do Thái, lãnh đạo Cộng sản các nước thường giết chính đồng bào cùng máu mủ, cùng tổ tiên, cùng đất nước với họ. Ngay từ sau 1975, dư luận thế giới đã biết đến tội ác của chế độ Pol Pot. Tạp chí Time còn đăng cả bức hình một tội nhân đang bị đánh vào đầu bằng cuốc. Tuy nhiên, ngoài Việt Nam tấn công chế độ bằng một lý do riêng vào tháng Giêng 1978, không một quốc gia nào kể Liên Hiệp Quốc có hành động cụ thể để ngăn chặn tội ác của Pol Pot. Khi một chế độ có toàn quyền sinh sát với nhân dân, họ cũng có điều kiện để tồn tại lâu dài. Giống như Pol Pot, cha con Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật đã can tội diệt chủng và chống lại nhân loại. Theo ước lượng của báo chí ít nhất một triệu người đã chết trong các trại tù Bắc Hàn từ ngày đình chiến đến nay. Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết khoảng 150 ngàn đến 200 ngàn người vẫn còn đang bị ở tù. Ngoài ra, khoảng 2.5 triệu người dân Bắc Hàn đã chết trong các nạn đói từ 1990.
Lý do thứ ba, cũng khác với các lãnh tụ Đức Quốc Xã thường bị truy tố ngay sau chiến tranh, tội ác của các lãnh tụ Cộng sản còn được che dấu một cách tinh vi, có hệ thống dưới các nhãn hiệu vô cùng tốt đẹp như “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Vai trò của Kim Nhật Thành trong chiến tranh chống Phát Xít Nhật, Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Pháp, Fidel Castro trong chiến tranh chống độc tài Batista, Stalin trong chiến tranh chống Đức, Mao Trạch Đông trong chiến tranh chống Nhật được đề cao đến độ nếu không có họ có thể toàn dân tộc đã bị xóa tên khỏi lịch sử loài người. Hình ảnh Mao Trạch Đông chính thức tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, hình ảnh Hồ Chí Minh đọc “tuyên ngôn độc lập” đã được đánh bóng sáng đến mức mọi tội tác tày trời khác đã trở thành trộm vặt. Chỉ trong vòng vài năm sau ngày tuyên bố “Nhân dân Trung Hoa đã đứng lên” 30 triệu “nhân dân” đã bị giết trong hàng loạt các chiến dịch chống hữu khuynh, trăm hoa đua nở, bước tiến nhảy vọt, công xã nhân dân, cách mạng văn hóa. Tội ác của Mao chống lại nhân dân Trung Hoa nói riêng và loài người nói chung vượt qua con số do Hitler, Stalin và Leopold II cộng lại. Tương tự tại Hà Nội chỉ vài năm sau ngày “tôi nói đồng bào nghe rõ không”, nhiều vạn “đồng bào” đã không còn cơ hội nghe rõ nữa vì họ đã chết một cách oan ức trong các cuộc đấu tố vô cùng tàn ác.
Lý do thứ tư, ngoại trừ trường hợp Khrushchev, ít khi nào một lãnh đạo Cộng sản đứng lên thẳng thắn vạch trần tội lỗi của lớp lãnh đạo trước, bởi vì làm như thế là tạo chỗ hở cho kẻ thù chung tấn công vào chế độ. Trường hợp Đặng Tiểu Bình đối với Mao Trạch Đông là một ví dụ điển hình. Đặng Tiểu Bình là một trong những người chịu đựng sự hành hạ và mất mát lớn lao về nhân mạng trong thời Cách mạng văn hóa. Bản thân Đặng Tiểu Bình bị chính Mao thanh trừng nhiều lần và con trai của Đặng Tiểu Bình đã chết một cách thê thảm khi bị ném từ cửa sổ xuống đường. Chuyện đời tư của Mao, từ bản chất độc tài, nghi kỵ cho đến cá tính trăng hoa dâm dật, Đặng Tiểu Bình biết hơn ai hết, nhưng khi lên nắm quyền hành, họ Đặng vẫn tiếp tục sơn son thiếp vàng lên một hình tượng mà cá nhân y vô cùng căm hận. Trên đồng nhân dân tệ từ đơn vị một đồng cho đến một trăm đồng vẫn in khuôn mặt mỉm cười của kẻ từng điều khiển bộ máy giết người khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi vì, là một trong số rất ít lãnh đạo Cộng sản lão thành còn sót lại từ thời Vạn lý trường chinh và cũng quá thuộc sử Tàu, Đặng Tiểu Bình biết, giống như các triều đại phong kiến Trung Hoa, đặc tính kế thừa của một quyền lực trung tâm là một yếu tố sinh tử không thể phủ định của chế độ Cộng Sản. Điểm trung tâm vỡ toàn bộ hệ thống cai trị sẽ vỡ theo.
Lý do thứ năm, các lãnh đạo Cộng Sản thường tận dụng vị trí của kẻ thù đã chết. Những lãnh tụ Cộng Sản thường tận diệt kẻ thù còn sống nhưng ca tụng kẻ thù đã chết. Stalin ca tụng Lenin, Fidel Castro ca tụng Ernesto “Che” Guevara, Đặng Tiểu Bình ca tụng Mao Trạch Đông. Lấy trường hợp Che làm ví dụ. Nếu Ernesto “Che” Guevara không làm cách mạng phiêu lưu Nam Mỹ mà tiếp tục ở lại Cu Ba, thất khó tưởng tượng ông ta có thể sống sót dưới bàn tay của Fidel Castro. Một rừng không có hai cọp, một nước không có hai vua, đừng nói chi là quan hệ giữa Che và Fidel Castro rạn nứt trước khi Che tạm biệt vợ con lần cuối và lên đường đi Bolivia cuối năm 1966. Che chủ trương kỹ nghệ hóa đất nước, Fidel Castro chủ trương củng cố quyền lực trung ương. Sự khác biệt của Che và Fidel Castro khá giống trường hợp của Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông. Nhưng hôm nay, nếu ai đến Havana, sẽ gặp hình ảnh Che trên khắp ngả đường. Xác chết không nghe được lời ca tụng, không nếm được mỹ vị cao lương, không sống trong các biệt thự có kẻ hầu người hạ, chỉ có đám độc tài đang thống trị đất nước mới thật sự là những kẻ hưởng thụ quyền lực.
Lý do thứ sáu, che đậy tội ác của nhau. Thật vậy, nếu không chính từ cửa miệng Khrushchev nói ra trong diễn văn dài 4 giờ đồng hồ giữa khuya ngày 2 tháng 5/1956 trước đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Liên Xô, có thể sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ, nhân loại mới biết Stalin là “một người luôn ngờ vực một cách bịnh hoạn… Sự hoài nghi bịnh hoạn đó làm cho Stalin không tin tưởng ngay cả những lãnh đạo cao cấp đã từng làm việc với y nhiều năm. Nhìn đâu Stalin cũng thấy những “kẻ thù”, “những người hai lòng dạ”, “gián điệp””. Theo Khrushchev, Stalin đã dùng “tất cả các phương tiện lừa dối, xây dựng vinh quang cho chính bản thân y”. Khrushchev kể, năm 1948, tác phẩm “Tiểu Sử Ngắn” của Stalin được trình lên cho y coi lại trước khi in “Stalin không có một sự tự trọng tối thiểu nào khi tự sửa đổi bản thảo để gọi chính mình là lãnh tụ vĩ đại, nhà chiến lược siêu phàm của mọi thời đại và sửa bất cứ đoạn nào ca ngợi y không đủ”. Ở Việt Nam cũng có chuyện lãnh tụ tối cao tự ca ngợi đời mình như thế.
Thật vậy, nếu không phải do chính cửa miệng Nuon Chea, Anh Hai (Brother Number Two) của Khờ Me Đỏ, sau Anh Cả Pol Pot thốt ra, thế giới không biết lý do hàng triệu người dân Cambode bị giết chỉ vì “họ là kẻ thù của nhân dân”. Tên đao thủ phủ Nuon Chea khi trả lời không hiện ra trên khuôn mặt một dấu hiệu xót thương, hối tiếc, dường như ông ta vừa giết một con gà, con vịt chứ không phải 1,7 triệu người trong một đất nước chỉ có 7 triệu dân. Chỉ trong thời gian 4 năm từ 1975 đến 1979, 21%, dân Cambode đã bị giết bằng các hình thức vô cùng thảm khốc, kể cả cắt cổ, chặt đầu, gây thương thích và để chảy máu cho đến chết. Những chi tiết trong hồ sơ tòa án do Liên Hiệp Quốc bảo trợ về nhà tù Tuol Sleng hay được gọi theo mã số S-21sẽ mãi mãi ám ảnh trong lịch sử Cambode. Phần lớn tù nhân tại S-21 bị giết sau thời gian tra tấn bằng các thủ đoạn tàn độc như xẻ thịt, đổ rượu vào vết thương. Trong số 17 ngàn tù nhân tại Tuol Sleng chỉ có 7 người sống sót. Trong phiên tòa hôm 8 tháng 12/2011, thậm chí Nuon Chea còn phản đối dư luận dám nói xấu đảng Cộng sản: “Khờ Me Đỏ không phải là những người xấu đâu nhé”.
Nếu không phải do chính ngòi bút của Hoàng Tùng, nguyên bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong số rất ít người gần gũi với Hồ Chí Minh nhiều năm viết ra có lẽ còn rất lâu người dân Việt Nam mới biết Hồ Chí Minh không những biết trước mà còn là người bỏ lá phiếu quyết định xử tử bà Nguyễn Thị Năm: “Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói :” Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. ”Nếu trong buổi họp đó, với tư cách Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng và người có quyền lực tối thượng bao trùm lên cả đám đệ tử “đa số” kia trong bộ chính trị, Hồ Chí Minh quyết định khác đi, chẳng những số phận của người phụ nữ yêu nước, cống hiến con cái của mình, tài sản của mình cho cuộc kháng chiến chống Thực Dân Pháp đầy gian khổ của dân tộc không phải chết một cách oan ức mà còn cứu mạng nhiều ngàn người dân vô tội khác trong những lần đấu tố sau đó. Tòa án lịch sử dân tộc Việt Nam hôm nay và ngàn đời sau phán xét ông Hồ không phải dựa vào việc ông ta “cho là phải” hay “cho là không phải” khi giết bà Nguyễn Thị Năm nhưng ở chỗ ông ta đã quyết định bỏ phiếu “theo đa số”. Lá phiếu của ông Hồ chính là viên đạn bắn vào đầu bà Nguyễn Thị Năm.
Chủ nghĩa Cộng Sản đã tàn rụi ở châu Âu nhưng trong năm nước còn sót lại sự khổ đau, chịu đựng vẫn còn đến hôm nay và không biết đến bao giờ mới hết. Chiến tranh lạnh đã tàn. Các nước tư bản tự do vì lý do kinh tế đã không còn giương cao ngọn cờ dân chủ như trước nữa. Họ mặc nhiên chấp nhận chế độ Cộng Sản như là một thực tế của mỗi quốc gia hơn là một phong trào quốc tế. Nhân dân Bắc Hàn, Cu Ba, Việt Nam, Lào, Trung Hoa là những dân tộc chịu đựng trong cô đơn. Người dân Bắc Hàn khóc vì sợ hãi, giả dối, bắt buộc hay bị tẩy não, đều đáng thương, đáng được cảm thông hơn là đáng trách hay đáng cười khinh rẻ. Những giọt nước mắt đó trước lương tâm nhân loại chính là những lời tố cáo hùng hồn về một chế đô phi nhân đang tồn tại ở Á Châu.
© 2011 Trần Trung Đạo & Đàn Chim Việt