Wednesday, December 28, 2011

Putin đánh mất sự nhạy cảm chính trị


Lời người dịch: Nhiều người ngờ rằng, một cuộc cách mạng đang diễn ra ở Nga khi người dân bất chấp giá lạnh, hết lần này tới lần khác, xuống đường biểu tình. Lần sau đông hơn lần trước. Cuộc biểu tình hôm thứ Bẩy vừa qua theo một số đánh giá khác nhau, khoảng từ 80 tới 120 ngàn người đã tham dự.


Hiện trên các trang blog ở Nga đang xuất hiện lời kêu gọi biểu tình mới, dự tính vào 14/1/2012 này. Con số người xuống đường, theo các blogger, có thể tới nửa triệu thậm chí hơn nữa.

Putin và Medvedev đã có những động thái nhún nhường nhất định song không làm vừa lòng công chúng cũng như phe đối lập.

Hôm qua, Putin đăng đàn phát biểu công kích phe đối lập là không có chương trình hành động và thiếu người lãnh đạo đồng thời lên tiếng bác bỏ yêu cầu hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử Quốc hội hôm 4/12. Ông nói thêm rằng, việc hủy bỏ này phải do Tòa án quyết định, trong khi Tòa đã loại bỏ những đòi hỏi của phe đối lập ngay cả khi nếu phe này đưa ra bằng chứng.

Putin cũng hứa hẹn “sẽ trung thực tuyệt đối” trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Ba tới này. Nhưng liệu còn mấy ai tin nữa không?

Trong một diễn biến khác, được đánh giá là “vô cùng đặc biệt”, Giáo hội chính thống ở Nga đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ với những người biểu tình. Giới chức sắc tôn giáo ở Nga vốn có tiếng là bảo thủ và luôn đứng về phía nhà cầm quyền nên động thái này đang gây sự chú ý của dư luận.

Những diễn biến mới nhất ở Nga cho thấy bài toán mà ông Putin đang giải không đơn giản như những toan tính ban đầu của ông và độc tài bị chối bỏ bất kể mầu da, sắc tộc.

Chúng ta hãy cùng theo dõi phân tích của nhà báo Nga, Ivan Preobrazhenski, qua phần phỏng vấn của Marcin Wojciechowski- một nhà báo kỳ cựu của Gazeta Wyborcza.



Marcin Wojciechowski: Điều gì sẽ xảy ra với nước Nga?

Ivan Preobrazhenski: Tôi hy vọng rằng, từ những cuộc biểu tình này sẽ hình thành nên một phong trào phản ứng dân sự đích thực. Chính quyền cũng như một số người người lãnh đạo biểu tình nào đó đang cố gắng chia rẽ phong trào ra thành những khuynh hướng chính trị. Đó là một cố gắng vô vọng. Putin cho đến giờ vẫn không hiểu những gì đã xảy ra hôm thứ Bẩy. Ông ta cứ nghĩ rằng, vài ba sự cố bất lợi này sẽ được giải quyết thông qua các cuộc nói chuyện trước kỳ bầu cử vào tháng Ba và rồi tình hình sẽ trở lại bình thường.

- Liệu có trở lại bình thường được không?

Tôi nghĩ rằng không. Với một bộ phận người xem truyền hình, có thể chính quyền vẫn thuyết phục được họ rằng, biểu tình được lấy cảm hứng từ Mỹ, rằng do tình báo Mỹ giật dây. Nhưng thật là thú vị, chính quyền không thể đem CIA ra dọa chúng tôi được nữa. Kẻ thù chính hiện nay chính là chính quyền Liên bang.


Chính quyền đã sử dụng những cách [đe dọa] như trên, song các cuộc biểu tình vẫn mạnh lên, chứ không yếu đi. Chắc chắn, khoảng 100 ngàn người dân Moscow đã tham gia biểu tình, khiến uy tín của Putin thực sự giảm sút.

Tôi cho rằng, một nửa các địa phương của Nga hiện không còn coi Putin là anh hùng giống như trước kia nữa. Hơn nữa, cảm nhận của các địa phương thậm chí còn cấp tiến hơn ở Moscow. Ở các địa phương đó, người dân có những đòi hỏi cụ thể về xã hội cũng như trên phương diện cá nhân. Họ thường nhìn xa trông rộng hơn dân thủ đô- nơi người dân chỉ biểu tình hòa bình dưới bóng của một lực lượng tinh túy nào đó chứ không muốn làm cách mạng thực sự.

Ở các tỉnh, người dân sẵn sàng ‘bứng’ đi một số thống đốc và thanh toán những kẻ lâu nhâu xung quanh, những kẻ này thường nắm quyền tối cao ở các địa phương.


- Có gì khác nhau giữa những người ủng hộ và những người phản đối trong các cuộc biểu tình này?

Những ngưởi phản đối dựa vào những hiểu biết về thế giới từ Internet và các trang mạng độc lập. Ngược lại, người ủng hộ tin vào thông tin từ truyền hình nhà nước và luận điệu của họ về một âm mưu của Mỹ tiếp tay cho phe đối lập làm cuộc cách mạng mới ở Nga.

- Tại sao Putin ngày hôm qua lại một lần nữa phê phán phe đối lập?

Ông ta đã đánh mất sự nhạy cảm. Ai cũng thấy rõ, cuộc bầu cử tháng Ba tới không lương thiện. Mọi người không còn tin tưởng vào những lời hứa của Putin, rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ khác đi. Để công bằng, cần có sự tham gia của những ứng viên thực sự trong lực lượng đối lập. Rõ ràng, hiện giờ Tòa án bác bỏ hồ sơ của phe đối lập thậm chí ngay cả khi họ có những bằng chứng về sự bầu cử gian lận vừa qua. Lấy gì để đảm bảo rằng, 3 tháng nữa, mọi thứ lại trung thực?

- Nhưng việc đăng ký ứng cử viên đã kết thúc rồi. Cái bây giờ có thể làm là ngăn chặn hoặc cải thiện bộ máy bầu cử?

Có thể thay đổi những quy định bầu cử. Tuy nhiên, nếu thực hiện điều này trong quá trình tranh cử thì không phù hợp với pháp luật và gây tranh cãi. Cũng có thể lui lại thời hạn bầu cử, khi mà tất cả các ứng cử viên tự nguyện rút lui khỏi việc tranh cử. Trong lúc đó, có thể thay đổi các điều khỏan bầu cử và tiến hành một cuộc bầu cử công bằng sau 1, 2 tháng nữa với sự tham gia đầy đủ của các ứng viên đối lập. Nếu Putin thực sự muốn có một kỳ bầu cử công bằng thì ông ta phải thực hiện điều này.

Theo tôi, người dân sẽ vẫn tiếp tục xuống đường cho tới khi những đòi hỏi của họ được hiện thực. Ngày nay việc bãi nhiễm chủ tịch Ủy ban bầu cử nhằm giảm bớt căng thẳng không còn thuyết phục được ai nữa.

- Điều gì sẽ xảy ra, nếu Putin vẫn tiếp tục dẫn phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới và lại trở thành tổng thống?

Thì các cuộc biểu tình phản đối sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Việc gian lận kết quả bầu cử quốc hội vừa qua, thực ra chính quyền đã “làm hại” Putin. Nếu kết quả Duma hôm 4/12, đảng Nước Nga Thống Nhất chỉ thắng 35% thay vì 48,5% và phải lập liên minh với đảng của Zhirinovsky (Đảng Dân chủ Tự do Nga viết tắt là LDPR- ND) hay đảng Công lý Nga thì đã không ai xuống đường làm gì.

Nhưng ai đó trong bộ máy chính quyền đã cố gắng hết sức để chứng tỏ rằng, đảng Nước Nga Thống Nhất không thể bị bất cứ thất bại nào, khiến cho bây giờ Putin đang gặp phải những vấn đề lớn. Thực ra, quyết định gian lận bầu cử có thể là một hành động khiêu khích nhằm chống lại Putin, nhưng ông ta đã không nhìn thấy nó.

- Liệu Putin có lý hay không, khi nói rằng lực lượng đối lập không có lãnh đạo và thiếu vắng một chương trình nghị sự?

Điều đó không có ý nghĩa gì cả. Chúng ta có thể thấy, đang hình thành một phong trào dân sự, chứ không phải là chính trị. Nhưng nếu chính quyền vẫn cư xử như hiện nay, thì không lâu nữa, số người xuống đường không phải là 100 ngàn đâu, mà có thể là nửa triệu.


- Đám thân cận của Putin sẽ sát cánh cùng ông ta tới phút cuối không, hay sẽ rời bỏ khi nhận ra rằng, Putin không còn làm chủ được tình hình nữa?

Những người thân cận đó có thể chia ra làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những cá nhân độc lập, có một vị trí nhất định trong chính trường như cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin hoặc cựu Chủ nhiệm văn phòng Tổng thống Vladislav Surkov. Nhóm thứ hai là những người chịu ơn Putin và biến mình thành tay sai như Igor Sechin hay phó thủ tướng Igor Shuvalov. Nhóm này có thể sẽ ở bên Putin đến cuối cùng, nhưng vào thời điểm quan trọng nào đó, họ cũng có thể bán đứng Putin để đổi lấy sự an toàn cho bản thân và tài sản của mình.

- Còn những người biểu tình, họ là ai?

Những người biểu tình hôm thứ Bẩy phần lớn ở vào lứa tuổi từ 18 tới 40, nhiều người trong đó có trình độ cao và một phần tư điều hành các doanh nghiệp tư nhân. Đây là kết quả của cuộc khảo sát xã hội do một trung tâm của nhà nước có tên là WCIOM tiến hành ngay tại cuộc biểu tình hôm thứ Bẩy. Theo đó, 66% số người nhận được thông tin về biểu tình từ Internet. 89% khẳng định sẽ tham gia lần biểu tình tiếp theo. Hơn 70% khẳng định sẵn sàng làm quan sát viên trong cuộc bầu cử Tổng thống tới đây, còn 98% số người được hỏi nói, họ sẽ xuống đường nếu kỳ bầu cử tới tiếp tục bị gian lận.



Phần phỏng vấn của Wyborcza.

© Đàn Chim Việt