Saturday, December 31, 2011

THÔNG ĐIỆP THƯ NGỎ GỬI CHỦ TỊCH NƯỚC


Thông điệp thư ngỏ gửi Chủ tịch nước

Quốc Phương
BBC Tiếng Việt
Cập nhật: 17:07 GMT – thứ bảy, 31 tháng 12, 2011
 
Người đồng chủ trì trang mạng phản biện của trí thức Việt Nam, Bauxite Việt Nam, vừa lên tiếng từ trong nước, nói với BBC rằng bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Nước đòi trả tự do cho một người ‘biểu tình yêu nước’ mới lên mạng hôm 31/12/2011, thực ra là một đa thông điệp *.

Giải thích về động cơ đằng sau bức thư cuối năm gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang đòi thả bà Bùi Thị Minh Hằng, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho hay ông và nhóm chủ trương, ký tên bức thư không hy vọng người nhận thư và chính quyền ‘trả lời’ hay ‘giải quyết’ đơn thư này, song nói đây là một thông điệp gửi cho tất cả mọi người dân ở trong nước để cảnh báo về một hiện trạng mà ông gọi là “vô pháp luật” ở Việt Nam.

“Nói chung là ít hy vọng lắm. Tôi không có hy vọng đâu,” Giáo sư Huệ Chi dự đoán với BBC hôm thứ Bảy về tác động và hiệu quả với lãnh đạo của bức thư ngỏ.
Để cho dân tộc biết rằng chúng ta vẫn có rất nhiều người rất tỉnh táo, lý trí vẫn sáng suốt, chứ không phải biến chúng ta thành bò được. Chúng tôi chỉ có một chút hy vọng ấy thôi” – Giáo sư Huệ Chi
“Nhìn những người ở trên, chúng tôi không đặt vấn đề hy vọng, nhưng chúng tôi đặt vấn đề là những người ấy, dầu sao đi nữa, gửi lá thư cho họ cũng không đến nỗi quá uổng phí. Nhưng mà thực tế là gửi lá thư cho toàn thể dân tộc,” Giáo sư Huệ Chi nói.

“Để cho dân tộc biết rằng chúng ta vẫn có rất nhiều người rất tỉnh táo, lý trí vẫn sáng suốt, chứ không phải biến chúng ta thành bò được. Chúng tôi chỉ có một chút hy vọng ấy thôi,” chuyên gia văn học cổ đại Việt Nam giải thích.

Giáo sư Huệ Chi cho hay lý do ông, bên cạnh những người khác gửi bức thư ngỏ, đã chọn Chủ tịch Sang vì Giáo sư có “ấn tượng” về một số động thái gần đây của ông Sang đối với vấn đề chủ quyền đất nước:

“Tôi cũng rất có ấn tượng về ông Trương Tấn Sang trong việc ông đi sang Ấn Độ, rồi Philippines để liên kết với các nước đó tạo một lực lượng mà chắc là để làm cho Việt Nam mạnh lên trong đối trọng với Tàu (TQ),” Giáo sư Huệ Chi nói.

“Đối với ông Trương Tấn Sang, chúng tôi nhìn ông ấy với một cái nhìn cũng tương đối khác với những người khác, bởi vì chúng tôi thấy ông ấy có những hành động tích cực.

“Cũng như gần đây ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố thẳng thắn ở giữa Quốc hội là Hoàng Sa là bị Trung Quốc cướp, bị Trung Quốc xâm lược. Một thái độ thẳng thắn.”

Thế nhưng, nhà nghiên cứu văn hóa than phiền rằng ở trong nước các lãnh đạo ở trên rất “coi rẻ” người dân và do đó tái khẳng định ông “không có hy vọng” gì cả:

“Chúng tôi viết để cho thấy rằng 85 triệu dân ở trong nước không phải là những con bò, mà là những con người. Họ biết sống, họ biết suy nghĩ và họ biết quyền của họ. Chứ còn hiện nay, chúng tôi bị đối xử hơn những con bò,” Giáo sư Huệ Chi nói.
Bãi bỏ tất cả các văn bản của Nhà nước đã vi phạm Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và trái với Hiến pháp” – Yêu cầu trong thư ngỏ
‘Ba yêu cầu’

Bức “Thư gửi Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang” của nhóm chủ trương được thực hiện từ ngày 25 tháng Mười Hai, cáo buộc chính quyền đã vi hiến khi tiến hành bắt giữ công dân Bùi Thị Minh Hằng, người đã tham gia các cuộc biểu tình vì Hoàng Sa – Trường Sa và chống Trung Quốc vi phạm biển đảo Việt Nam từ mùa Hè vừa qua.

“Việc cưỡng bức bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục và việc bắt giữ, bắt giam, hăm dọ công dân bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa là trái với đạo lý, trái với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vi phạm Công ước Quốc tế về quyền con người mà việt Nam đã ký kết, tham gia,” thư ngỏ viết.

Những người chủ trương, ký và gửi bức thư còn cho rằng một nhà nước pháp quyền văn minh thì “không có một công dân nào bị bắt giam, bỏ tù hay đưa đi cải tạo” khi chưa có phán quyết của tòa án.

Bức thức ngỏ đưa ra ba đề nghị với ông Chủ tịch Nước như sau:

“Xem xét việc trả tự do ngay cho bà Bùi Thị Minh Hằng; Yêu cầu các cơ quan chắc năng chấm dứt các hành vi ngăn cản, đe dọa công dân bày tỏ sự quan tâm đối với hiện tình của đất nước;”

“Xem xét việc bãi bỏ tất cả các văn bản của Nhà nước đã vi phạm Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và trái với Hiến pháp; đặc biệt là quy định ‘áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục’ của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và sửa đổi, bổ sung năm 2008′ do ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.

Bức thư ngỏ có hàng chục chữ ký, trong đó có nhiều trí thức, nhân sỹ được biết đến rộng rãi ở trong nước như các vị Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Đông Yên, Hoàng Xuân Phú…

Ngoài ra còn có chữ ký của các tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Kiên, các nhà văn: Nguyên Ngọc, Vũ Ngọc Tiến, Trần Nhương và những người khác.
-