Hồ Bất Khuất
Theo BlogHồ Bất Khuất
“Trước đến nay, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường được xem là người hay nhất, giỏi nhất, tốt nhất; không ai dám nghi ngờ năng lực của họ. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, có rất nhiều vị lãnh đạo hầu như không có phẩm chất gì, ngoài việc nịnh cấp trên và đe nẹt cấp dưới. Có người gọi tên họ một cách hình ảnh là “máy khâu” (luồn trên, đạp dưới).” – Hồ Bất Khuất
Ở Việt Nam đã có Ngày Nhà giáo, Ngày Báo chí, Ngày Thầy thuốc…Nhưng xem ra, hiện nay cần phải có Ngày Quan chức, mặc dù lĩnh vực này chưa được nhìn nhận là một ngành nghề. Nhưng tại sao lĩnh vực báo chí chỉ có vài chục ngàn người làm việc thì có Ngày Báo chí, trong khi đó số quan chức lên tới con số hàng trăm ngàn thì chưa có ngày của họ?
Cần Ngày Quan chức để làm gì?
Trước đây, khi kỷ niệm những Ngày của các ngành, người ta chỉ tôn vinh, ca ngợi ngành nghề đó, những người làm việc trong lĩnh vực đó. Nay đã khác, bên cạnh sự ca ngợi đã có sự phân tích, mổ xẻ, phê phán, góp ý, hiến kế để những ngành nghề đó có sự phát triển bền vững. Âu đây cũng là sự sòng phẳng đáng phải có của cuộc sống đương đại. Cần phải chỉ ra những cái yếu kém trong ngày kỷ niệm của ngành để những người công tác ở đó biết mà khắc phục, sửa chữa. Đây thật là một công việc có ích, chứng tỏ xã hội đã bước vào giai đoạn trưởng thành, tự tin.
Trước đến nay, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường được xem là người hay nhất, giỏi nhất, tốt nhất; không ai dám nghi ngờ năng lực của họ. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, có rất nhiều vị lãnh đạo hầu như không có phẩm chất gì, ngoài việc nịnh cấp trên và đe nẹt cấp dưới. Có người gọi tên họ một cách hình ảnh là “máy khâu” (luồn trên, đạp dưới).
Hồ Bất Khuất
Lĩnh vực quan chức không phải là một ngành nghề nhưng nó lại có vai trò vô cùng quan trọng, gần như quyết định sự phát triển của đất nước. Do vậy, theo tôi, lĩnh vực này cũng cần thường xuyên được phân tích, mổ xẻ; điều gì đáng được tôn vinh, đáng được ca ngợi thì ta tôn vinh, ngợi ca; điều gì cần phải lên án thì chúng ta phê phán quyết liệt. Có như vậy, giới quan chức mới có cơ hội để nhìn nhận lại mình, biết được cái mạnh của mình để phát huy; biết được cái yếu của mình để khắc phục.
Thực tế chỉ ra rằng, hiện nay đang có nhiều bất cập trong hoạt động của giới quan chức. Điều dễ thấy nhất là hiện tượng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, sự mất đoàn kết âm ỉ trong các cơ quan. Một ông Thứ trưởng than vãn là ông ấy được phân công phụ trách 4 cơ quan cấp vụ và các đơn vị tương đương thì có tới 3 đơn vị đang tố cáo, kiện tụng lẫn nhau.
Việc các cơ quan, đơn vị trong các bộ, ngành thường tố cáo, kiện tụng lẫn nhau là một thực tế khá phổ biến trong bộ máy quyền lực của chúng ta. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong nguyên nhân cơ bản là chúng ta thiếu diễn đàn công khai, mang tính xây dựng để các quan chức góp ý cho nhau; để cho cấp dưới mạnh dạn góp ý cho cấp trên. Do vậy, những khiếm khuyết của các quan chức tích tụ ngày càng nhiều, đến mức cấp dưới không chịu đựng được nữa, họ buộc phải tố cáo để mong lật đổ, mong có sự thay đổi. Điều này gây tác hại rất lớn về nhiều phương diện, từ việc mất uy tín của những cá nhân đến sự đình trệ hoạt động của cả tập thể.
Chất lượng quan chức hiện nay ra sao?
‘Nghị gật’ hay ‘Nghị Quế’ ? Quan chức VN ngoài việc nịnh cấp trên và đe nẹt cấp dưới (luồn trên, đạp dưới).
Đây là câu hỏi không dễ trả lời và không mấy ai dám trả lời thẳng thắn. Việc nêu câu hỏi này ra cũng đã khá liều lĩnh rồi. Trước đến nay, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường được xem là người hay nhất, giỏi nhất, tốt nhất; không ai dám nghi ngờ năng lực của họ. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, có rất nhiều vị lãnh đạo hầu như không có phẩm chất gì, ngoài việc nịnh cấp trên và đe nẹt cấp dưới. Có người gọi tên họ một cách hình ảnh là “máy khâu” (luồn trên, đạp dưới).
Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội dân chủ, việc có ai đó đặt vấn đề về chất lượng quan chức, về cái tâm, cái tầm của người đứng đầu cơ quan cũng là điều bình thường, thậm chí nên được hoan nghênh. Nếu chúng ta đã có Ngày Quan chức, thì vào dịp kỷ niệm ngày này, sẽ có những đánh giá xác đáng, khen chê đúng mực, có nhiều ý kiến góp ý có ý nghĩa.
Nay tạm thời chưa có ngày này nên tôi sẽ cố gắng nêu lên ý kiến của riêng mình.
Về nguyên tắc, những người được chọn và được bổ nhiệm giữ một vị trí nào đấy trong bộ máy quyền lực phải là những người có những phẩm chất nổi trội về trí tuệ, về nhân cách, về sự năng động, sáng tạo, chí công, vô tư… Tuy nhiên, theo quan sát của tôi và nhiều người trong giới làm khoa học, viết báo, thực tế không được như vậy. Hình như đã có một sự lệch lạc nào đấy trong việc lựa chọn và bổ nhiệm những con người cụ thể vào những chức vụ cụ thể. Đáng lo là hiện tượng này diễn ra ở hầu hết mọi nơi, từ trung ương đến địa phương, từ miền xuôi đến miền núi.
Ở một Bộ lớn và quan trọng đang tìm người đứng đầu một cơ quan cấp vụ. Có hai, ba ứng cử viên cho chức vụ này. Tôi biết tất cả những người này. Tôi cho rằng ứng cử viên tên N xứng đáng vì anh ta giỏi chuyên môn, là người lịch lãm, trong sáng, có lối sống lành mạnh. Ấy vậy nhưng có nhiều ý kiến phản bác ý kiến của tôi. Họ cho rằng anh N không thể đứng đầu cơ quan đó được vì các lý do sau đây:
- Thủ trưởng một cơ quan hầu như không làm chuyên môn nên việc anh N giỏi chuyên môn trở thành vô nghĩa.
- Anh N không biết đến “văn hoá phong bì”; Anh ấy không nhận phong bì cũng không sao, nhưng anh không đưa phong bì thì cơ quan anh phụ trách rất thiệt thòi.
- Anh N không ham rượu bia, không chơi tá lả, không đi hát karaoke… vậy là anh ấy rất kém trong lĩnh vực đối ngoại; nếu anh là thủ trưởng cơ quan thì cơ quan đó sẽ bị cô lập.
Chỉ với ba lý do nêu trên, có thể kết luận anh N không nên (và không thể) ngồi vào chiếc ghế cấp vụ trưởng đang trống đó.
Lúc đầu tôi rất bất bình với kết luận này, nhưng tìm hiểu rộng ra, sâu thêm thì phải công nhận những người đưa ra những ý kiến trên không phải là không có lý. Hiện nay một bộ phận quan chức của ta không làm những việc lẽ ra họ phải làm, mà chỉ lo đi lấy lòng cấp trên và những cơ quan đối tác. Rất không may là hiện tượng này đã trở nên phổ biến khiến một số người xem chúng như là “tiêu chuẩn” để lựa chọn cán bộ. Với những “tiêu chuẩn” như vậy thì chất lượng đội ngũ quan chức hiện nay như thế nào, chắc mọi người hiểu cả.
Có chuyện thế này. Một nhóm người là bạn học với nhau từ phổ thông, qua đại học, làm việc với nhau cả chục năm, ai dốt, ai giỏi họ đều biết cả. Đùng một cái, do chạy chọt và có người đỡ đầu, người thuộc loại dốt trong bọn họ lên chức thủ trưởng. Thế là nhiều người sợ sệt, tâng bốc anh ta; cho rằng anh ta nói gì cũng đúng, cũng hay; nghe anh ta nói đến đâu, sáng ra đến đấy. Thậm chí có lần về địa phương, anh ta đọc một bài diễn văn do một cậu nhà báo tỉnh viết, ấy thế mà tất cả xúm vào khen anh ta tinh tường, chỉ đạo sâu sát…
Tôi mang chuyện này kể với một ông giáo người Nghệ về hưu. Ông giáo bảo: “Không có gì lạ! Tôi đã quan sát việc những cây gỗ mít được sử dụng thế nào rồi. Khi những cây mít cổ thụ được hạ xuống, miếng nào đặc, chắc, tròn, người ta cưa làm thớt; miếng nào cong, yếu, thậm chí rỗng ruột, được dùng tạc tượng, sơn son thiếp vàng, đưa vào đền, chùa. Mọi người thi nhau quỳ lạy, khấn vái, xin xỏ trước các bức tượng. Còn thớt thì cậu biết rồi, chỉ dùng để thái thịt, chặt xương. Rất không may là việc dùng người hiện nay lại diễn ra đúng như các cụ dùng gỗ mít ngày xưa”.
Vậy là, người dân bình thường góp phần làm hỏng quan chức cấp thấp; quan chức cấp thấp góp phần làm hỏng quan chức cấp cao; quan chức địa phương góp phần làm hỏng quan chức trung ương. Quan chức hỏng thì lại chọn những người kém, người dốt nối nghiệp. Thế là chúng ta có nhiều quan chức kém chất lượng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, trong vụ việc của Vinashin, ông không ra quyết định nào sai. Thủ tướng không sai, công nhân không chây lười, thế mà Tập đoàn nợ tới cả gần trăm ngàn tỷ đồng thì biết giải thích thế nào đây?!. Chỉ có thể lý giải theo hướng phần lớn quan chức chủ chốt của Tập đoàn này không có chất lượng tốt, không làm được những công việc mà đáng ra họ phải làm là hoạch định chính sách kinh doanh cho phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngược lại, họ đã phiêu lưu, mạo hiểm, tự tin thái quá và không ngần ngại lừa dối.
Với những quan chức như vậy, thử hỏi làm sao đất nước ta phát triển nhanh chóng và vững vàng được. Việc tìm ra những biện pháp để có đội ngũ quan chức giỏi là một nhu cầu tất yếu. Rất có thể Ngày Quan chức sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả.
Nếu có Ngày Quan chức, những cái lợi nó mang lại là gì?
Khi có Ngày Quan chức, xã hội sẽ có cách kỷ niệm phù hợp.Trước hết, các quan chức sẽ được chúc mừng, được tặng quà; ai xứng đáng ca ngợi, sẽ được ngợi ca. Đó là những gì diễn ra ở các cơ quan, công sở. Còn trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở những cơ quan nghiên cứu khoa học, đặc biệt là “binh chủng” báo chí công dân (các trang web cá nhân, blog) sẽ đưa ra những ý kiến đánh giá của mình. Người ta cũng có thể thoái mái đưa ra nhận xét khen chê. Theo tôi, các quan chức không nên quá vui trước các lời khen, mà cũng đừng bức xúc trước những lời chê.
Kinh nghiệm cho hay, đại đa số những ý kiến này mang tính xây dựng và khá khách quan. Tuy nhiên, lời lẽ ở đây sẽ không được nhã nhặn lắm vì chúng ít mang tính hình thức, tính xã giao. Họ thường có cách nói thẳng thắn, bộc trực. Nếu những quan chức có chí tiến thủ, có sự cầu thị sẽ tiếp thu nghiêm túc những ý kiến này để sửa mình. Những người làm được như vậy sẽ dần dần trở nên nhạy cảm, đáp ứng tốt những đòi hỏi của cuộc sống. Họ cũng trở nên trong sạch, đáng yêu, có uy tín.
Một tác động tích cực nữa là con người, kể cả quan chức dần dần quen với những lời phê phán, chê bai; họ trở nên có bản lĩnh hơn, không đến nỗi choáng, bị sốc trước việc mình bị chê là dốt, là kém. Do đó, họ cũng sẽ bình tĩnh và tỉnh táo hơn trong việc giải quyết các vấn đề, kể cả những vụ việc liên quan đến uy tín cá nhân.
Khi đã có Ngày Quan chức, có thể xem lãnh địa của những người có chức, có quyền không chỉ là chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm (nói chung những thứ liên quan đến công tác tổ chức, phân công, sắp xếp…) mà còn là một nghề. Khi chúng ta xem quan chức cũng là một nghề thì chúng ta mới có những quan chức giỏi, bởi khi được xem là nghề, người ta sẽ ra sức trau dồi, bổ sung kiến thức nghề nghiệp, nâng cao tính chuyên nghiệp của công việc mình đang làm. Còn nếu không xem quan chức là một nghề thì chúng ta sẽ không có quan chức giỏi, chỉ có những người ngoan ngoãn thừa hành lệnh của cấp trên, cố gắng lấy lòng cấp trên để được thăng quan, tiến chức. Rõ ràng, xã hội không cần những quan chức kiểu này. Để có thể phát triển bền vững, biến Việt Nam thành một đất nước giàu mạnh, văn minh; chúng ta cần những quan chức có tâm, có tài, có tay nghề vững vàng trong lĩnh vực của mình.
Trên thực tế, có những người suốt đời sẽ không làm việc gì ngoài việc làm quan chức. Đó là những ngườ trẻ tuổi, mới tốt nghiệp đại học ra được đưa về các địa phương làm phó chủ tịch xã. Rõ ràng, đây là những người đi theo con đường quan chức chuyên nghiệp. Họ sẽ chú tâm vào công việc của mình, đầu tiên là chức phó chủ tịch xã, rồi cứ thế họ thăng tiến nếu họ có khả năng và khát vọng.
Khi có Ngày Quan chức, nghĩa là có diễn đàn để mọi người đánh giá về các quan chức. Lúc này có cơ hội cho cấp dưới phê phán cấp trên, chỉ ra những gì mà cấp trên làm không đúng. Đây chính là cơ hội để quan chức cấp thấp, cấp trung bình rèn luyện bản lĩnh.
Như vậy Ngày Quan chức sẽ mang lại rất nhiều điều mới mẻ, thú vị. Điều chắc chắn là chất lượng đội ngũ quan chức sẽ được nâng lên. Chúng ta cần điều này lắm!
Tôi mong muốn có vị đại biểu Quốc hội nào đó nêu vấn đề này lên để bàn luận ở cơ quan quyền lực cao nhất.