ĐCV: BBT nhận được bài viết này từ cha của tác giả qua điện thư sau đây:
Kính gửi: Ban Điều Hành Đàn Chim Việt
Tôi là Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức.
Trong các tài liệu Thức viết mà gia đình tìm thấy sau khi Thức bị bắt, có một quyển sách đang được viết bằng tiếng Anh có tựa đề: HEWING QUEST FOR DEMOCRACY AND PROSPERITY. Công trình này vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên tôi đọc thấy phần đầu của nó đề cập đến những vấn đề rất đáng quan tâm nên tôi đã dịch ra và gửi cho quý báo. Mong quý báo giúp phổ biến đến độc giả.
Xin cảm ơn và kính chào.
Trần Văn Huỳnh
***
Vài chi tiết về tác giả qua các bài viết đăng tải trên mạng:
Kính gửi: Ban Điều Hành Đàn Chim Việt
Tôi là Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức.
Trong các tài liệu Thức viết mà gia đình tìm thấy sau khi Thức bị bắt, có một quyển sách đang được viết bằng tiếng Anh có tựa đề: HEWING QUEST FOR DEMOCRACY AND PROSPERITY. Công trình này vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên tôi đọc thấy phần đầu của nó đề cập đến những vấn đề rất đáng quan tâm nên tôi đã dịch ra và gửi cho quý báo. Mong quý báo giúp phổ biến đến độc giả.
Xin cảm ơn và kính chào.
Trần Văn Huỳnh
***
Vài chi tiết về tác giả qua các bài viết đăng tải trên mạng:
Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức - Ảnh gia đình cung cấp
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt tháng 5 năm 2009 với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, sau đó bị truy tố với tội danh hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 BLHS Việt Nam. Ông Thức bi ̣đưa ra xét xử cùng với ba nhân vật là LS Lê Công Định, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, và ông Lê Thăng Long. Trong đó, ông Thức bị tuyên phạt 16 năm tù giam và 5 năm quản chế – là bản án nặng nhất trong trong bốn nhân vật trên. Những nhân vật khác, nhận bản án từ 5 đến 7 năm.
Bản án dành cho bốn nhân vật này ngay sau đó bị quốc tế lên án. Trong đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng “Những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù, phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý”.
Trước khi bị bắt, ông Thức được biết đến như một doanh nhân thành công và người hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam với những bài viết về kinh tế.
Tốt nghiệp đại học Bách khoa TP.HCM, năm 1993, ông Thức cùng bạn bè trong đó có ông Lê Thăng Long thành lập công ty Duy Việt, chuyên cung cấp các thiết bị vi tính tại Hà Nội. Đến năm 2000, công ty này được phát triển thành công ty EIS – Electronic Information System – nhằm cung cấp phần mềm trong ngành công nghệ thông tin. Hai năm sau, công ty con cung cấp dịch vụ điện thoại internet OCI ra đời, đặt văn phòng tại Singapore, đánh dấu một bước đột phá trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, cũng như những mở đường cho kế hoạch đầu tư ra các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ. Cho đến khi trước khi bị bắt, ông Thức là tổng giám công ty OCI.
Con đường đấu tranh cho dân chủ, tự do của ông Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu khi ông có những ý kiến phê phán mạnh mẽ những cản trở, cũng như bất cập trong việc quản lý dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Thân phụ ông Thức, ông Trần Văn Huỳnh cho biết:
“Trong quá trình kinh doanh, con tôi gặp rất nhiều trở ngại, rào cản do luật lệ và qui định. Từ đó, con tôi suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân tại sao”.
Bắt đầu từ năm 2005, ông Trần Huỳnh Duy Thức cùng với một số nhân vật, trong đó có ông Lê Thăng Long lập ra “Nhóm nghiên cứu chấn” tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức còn lập ra ba trang blog “Trần Đông Chấn”, “Psonkhanh” và “Change We Need” nhằm viết những bài viết bình luận về thể chế chính trị, lãnh đạo, cũng như phơi bày những điểm bất cập trong xã hội. Trong số đó, phải kể đến các bài viết như “Obama, China and Vietnam”; “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu”; “Kỷ Sửu và vận hội mới”; “Khủng hoảng – cơ hội cuối”; “Động lực cho thay đổi”…
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, từ lúc thành lập “Nhóm nghiên cứu chấn” cho đến lúc bị bắt, ông Thức đã viết khoảng 50 bài viết mang tính chất “xuyên tạc, chống đối sự lãnh đạo của Đảng”.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 43 tuổi, tại phiên tòa ở TP.HCM hôm 20-1-2010. AFP PHOTO.
***
Nên hiểu tính độc lập của một nhà nước hoặc dân tộc như thế nào? Nhận thức cho rằng nền độc lập có nghĩa là nhà nước của nó cầm quyền bởi một nhóm người cùng sắc tộc với đại đa số dân chúng còn tương đối phổ biến. Sự chấp nhận sai lầm rộng rãi như vậy giúp các chế độ chuyên chế lợi dụng để duy trì sự thống trị. Do vậy một sự hiểu biết đúng về một nền độc lập là rất thiết yếu để tránh cho một dân tộc khỏi bị lệ thuộc. Nó cũng sẽ đòi hỏi chúng ta suy nghĩ đúng về các khái niệm sức mạnh của cá nhân và tính cá nhân. Đề tài này sẽ dẫn đến nhiều nghiên cứu về dân chủ và thịnh vượng cùng với các qui luật của chúng.
THỰC DÂN HAY CHUYÊN CHẾ
Có rất nhiều chế độ chuyên chế đã cầm quyền một cách độc đoán đất nước mình nhiều thập kỷ nay. Hầu hết đều từ những người đã giữ vai trò quan trọng trong việc giải phóng dân tộc khỏi sự cai trị thực dân. Thành tựu trên danh nghĩa của họ là đã mang lại nền độc lập cho dân tộc mình. Nhưng nhìn vào cuộc sống thực tế của những người đang sống ở những nước này. Thật khó mà không nói rằng họ lệ thuộc nặng nề dù màu da và chủng tộc của họ giống với những kẻ cầm quyền chuyên chế.
Thực ra những người này chỉ đơn giản là thay đổi sự thống trị của thực dân bằng của họ. Thường thấy ở những nơi này hàng đống sự xâm phạm quyền con người, tự do và lợi ích riêng tư trên danh nghĩa của an ninh và lợi ích quốc gia. Những công trạng ”giải phóng dân tộc” bị khai thác để bảo tồn sự chính danh của các chế độ áp bức này. Ở vài nơi nỗi thống khổ của dân chúng còn tệ hơn những gì họ đã phải trải qua dưới thời thực dân. Bình mới rượu cũ mà thôi.
ĐỘC LẬP CÁ NHÂN VÀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC
Sẽ không có sự độc lập nếu không có tự do. Và sẽ không có độc lập dân tộc nếu không có độc lập cá nhân. Điều này là chân lý. Vào giữa thế kỷ 19, Fukuzawa Yukichi – người được đánh giá là xuất chúng trong số những người sáng lập nên nước Nhật hiện đại – đã có một danh ngôn: ”Độc lập dân tộc nhờ độc lập cá nhân”. Ông chứng minh rằng nhờ có độc lập cá nhân mà một người không phải lệ thuộc vào sức mạnh của người khác. Nên chính nhờ sức mạnh cá nhân đó mới giúp một dân tộc cạnh tranh được với những dân tộc khác. Và chính tư tưởng đó đã biến nước Nhật thành một cường quốc trong vòng 30 năm từ sự lạc hậu nghèo nàn.
CÓ TỰ DO MỚI ĐỘC LẬP
Một cá nhân chỉ có thể độc lập nếu có đầy đủ tự do. Và chỉ khi nào quyền con người của một người được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ bằng pháp quyền thì người đó mới có tự do hoàn toàn. Do vậy bản chất của nhà nước pháp quyền là một sự ủy trị hợp pháp để bảo vệ các quyền này và tự do cho từng cá nhân, từng người một. Trách nhiệm này phải được gìn giữ thiêng liêng như mục tiêu tối thượng của nhà nước đó. Không tuân theo quy tắc này sẽ gây ra sự xâm phạm tự do cá nhân nhân danh an ninh quốc gia, ổn định xã hội và trật tự cộng đồng như các chính quyền độc tài thường dùng để biện hộ một cách mơ hồ vì sự phát triển.
Những sự mơ hồ này trong thực tế dễ dàng trở thành những cái cớ để xâm hại an toàn của con người, tước đoạt nhân quyền và xúc phạm nhân phẩm một cách không nao núng để giành được đặc quyền cho những nhóm lợi ích hẹp hòi. Cách này sẽ chắc chắn làm cho người dân lệ thuộc vào những người cai trị bằng cách áp nỗi sợ hãi lên người bị trị. Không có tự do sẽ dẫn đến lệ thuộc bất chấp màu da và chủng tộc của những người cầm quyền. Sự phụ thuộc của cá nhân sẽ gây nên một quốc gia lệ thuộc mà không thể tránh được, ngay cả quốc gia đó không thuộc quyền tài phán của quốc gia khác.
SỰ UỶ TRỊ HỢP PHÁP
Canada và Úc theo chế độ quân chủ lập hiến, tôn Nữ hoàng Anh làm người đứng đầu nhà nước của họ. Nhưng ai có thể nói rằng họ là những dân tộc lệ thuộc? Khi nào người dân họ còn thích chế độ này thì nó còn tồn tại. Ngược lại, họ có thể bỏ phiếu để thay đổi thành chế độ cộng hòa, chẳng hạn, mà không có vấn đề gì. Họ hoàn toàn tự do lựa chọn chế độ chính trị nên dân tộc họ thực sự độc lập.
Nếu Barack Obama thắng cử tổng thống Mỹ, liệu người da trắng có tự xem họ là một chủng tộc lệ thuộc? Và người da đen sẽ tìm thấy sự độc lập của họ nhờ chiến thắng đó? Ai trả lời có sẽ thật là ngớ ngẩn. Sự uỷ trị chỉ hợp pháp khi nó được bầu chọn bằng một cuộc bầu cử tự do mà người dân, chính là những người ủy nhiệm, không bị sợ hãi và thiếu thốn để thực hiện quyền bỏ phiếu của mình. Đối với luật pháp cũng vậy. Jean Jacques Rousseau (+) đã viết trong tuyệt tác ”Khế ước xã hội” của ông rằng: ”Bất cứ luật nào mà người dân không phê chuẩn trực tiếp thì vô hiệu và vô dụng – trên thực tế nó không đúng là luật”.
Tính hợp pháp của một sự ủy trị không liên quan đến chủng tộc, màu da, giới tính, v.v… hoặc công trạng đã qua hay tuyên bố ”vì dân” của một đảng cầm quyền bằng tiếm quyền, v.v… Làm cho người dân hoặc khiếp sợ hoặc lệ thuộc kinh tế vào những người có quyền lực là cách mà một chế độ cường quyền nắm quyền để ép người dân phục tùng ý chí của nó. Do đó, nó không bao giờ là một sự ủy trị hợp pháp ngay cả nó chấp nhận quyền bầu cử của người dân trên danh nghĩa.
NHÂN QUYỀN, DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG
Đó là lý do mà Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDOHR) tuyên bố và tin rằng con người chỉ thực sự tự do khi không phải sợ hãi và không bị thiếu thốn. Nhằm mục đích này, bản Tuyên ngôn đã được cụ thể hóa thành Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCE) nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản này trên toàn thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nước thuộc thế giới thứ nhất tôn trọng trước tiên và bảo vệ trên hết các quyền đó trong hiến pháp của họ một cách đầy đủ, và làm cho chúng có hiệu lực trong thực tế. Chính cách thức này đã đưa các quốc gia này trở thành những đất nước dân chủ và thịnh vượng nhất thế giới.
Các quyền này là thiêng liêng và do Tạo hóa ban cho, không phải do bất kỳ ai khác là con người hoặc bất cứ cái gì thuộc về con người. Do vậy ủng hộ các quyền này tức là tuân theo các qui luật tất yếu khách quan, chính là các luật của Tạo hóa. Con người có thể phát hiện và hiểu được các luật này nhưng không thể sáng tạo ra chúng theo ý muốn của mình. Nếu luật của con người mà không thuận theo các luật tương ứng của Tạo hóa thì sẽ không có tác dụng, và cuối cùng có thể sụp đổ.
TÍNH TOÀN VẸN CỦA CÁC QUYỀN CON NGƯỜI
Một máy bay sẽ không thể cất cánh nếu nó được thiết kế bởi những qui tắc không nghiêm ngặt tuân thủ luật vạn vật hấp dẫn, định luật Bernoulli và v.v… Ngay sau khi giành được chủ quyền từ Vương quốc Anh, người Ấn độ đã ủng hộ quyền chính trị cho nhân dân bằng một chế độ đa đảng. Nhưng quyền kinh tế của họ lại bị hạn chế một cách khắc nghiệt nên họ chỉ có được một sự tự do khuyết tật, vì vậy không tạo ra được một nền dân chủ thực chất. Do đó, họ chìm đắm trong cơ hàn cho đến khi họ hủy bỏ cơ quan cấp phép khổng lồ vào năm 1991, khởi đầu cho sự dân chủ trong hoạt động kinh tế. Hàng chục triệu người Ấn đã thoát khỏi sự bần cùng hóa từ đó, kéo theo các thành tựu khác về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, công nghệ, quốc phòng, v.v… Điều này giải thích vì sao Châu Phi vẫn còn đầy rẫy các dân tộc khốn khổ bất chấp sự tồn tại tràn lan lâu nay của rất nhiều đảng chính trị.
Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một phiên bản khác về sự vi phạm tính toàn vẹn của các quyền con người. Hai nước này đã thừa nhận quyền kinh tế cho người dân nhưng vẫn tước đoạt không khoan nhượng quyền chính trị của họ, gây nên một kiểu tự do què quặt khác. Mặc dù mô hình này có thể tạo nên sự tiến bộ kinh tế và các thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, nhưng nó cũng đồng thời nuôi dưỡng bất bình và suy thoái xã hội rồi nhốt chúng lại. Khi sự trầm trọng này trở nên mục ruỗng thì nó sẽ dẫn tới việc bộ máy chính trị tự dân chủ hóa hoặc sẽ kết thúc trong sụp đổ toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị và một chế độ bị lật nhào. Đây là tiến trình tất yếu vì nó phá vỡ sự toàn vẹn của các quyền con người vốn thuộc về luật của Tạo hóa. Dưới tác động của toàn cầu hóa và xã hội Internet, tiến trình này sẽ diễn biến rất nhanh, nhanh hơn đã từng chứng kiến trong thời gian chiến tranh lạnh dẫn đến sự tan rã của hệ thống Đông Âu và Liên Xô.
CÁC QUI LUẬT PHÁT TRIỂN
Sự phân tích bản chất của các trường hợp trên cho thấy: xã hội loài người sẽ phồn vinh khi con người có quyền tự do mưu cầu thịnh vượng cho riêng mình, và nhờ vậy cũng sẽ cho những người mà anh ta cần nhờ đến để đạt được mục đích của mình. Đây chính là qui luật căn bản của kinh tế thị trường do Tạo hóa làm ra thông qua tính ứng xử phổ quát của con người. Và một nền kinh tế thị trường chỉ vận hành tốt và ổn định trong một xã hội có đủ tự do. Xã hội đó chính là cơ chế tự động để đạt được trạng thái cân bằng của tất cả các phương diện kinh tế một cách hiệu quả. Adam Smith gọi cơ chế này là ”Bàn tay vô hình” – cũng là một luật của Tạo hóa mà ông đã phát hiện và hiểu rõ để giúp phát triển việc nghiên cứu kinh tế.
Việc nghiên cứu chia kinh tế thành hai nhánh: kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc. Kinh tế học thực chứng nghiên cứu các qui luật tất yếu của các yếu tố kinh tế và tác động tương hỗ giữa chúng, tức là các thực tế khách quan của kinh tế. Còn kinh tế học chuẩn tắc nghiên cứu các kêt quả của hành động và quyết định kinh tế của con người theo quan hệ nhân quả từ các qui luật tất yếu trên. Chấp nhận kinh tế thị trường chỉ mới là sự áp dụng các qui luật này, nhưng chưa đủ. Nó còn đòi hỏi không thể thiếu một cơ chế để đảm bảo các quyết định kinh tế của chính phủ là vì đại chúng, vì đa số. Không có cơ chế này thì, do mục đích mưu cầu thịnh vượng, con người sẽ hướng động lực của mình nhằm thỏa mãn những người ra quyết định đang nắm quyền thay vì dân thường. Mối nguy đạo đức này có thể bị chỉ trích gay gắt nhưng nó không phải là chuyện bất thường, và bất chấp những đả kích nó vẫn tồn tại tràn lan như dịch bệnh và xói mòn bất kỳ xã hội nào không có một nền dân chủ đủ thực chất. Một hệ thống như vậy được gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu mà kết quả tốt nhất của nó tạo ra chỉ là một đất nước thu nhập trung bình và dậm chân ở cái bẫy đó.
BẢN CHẤT VÀ HÌNH THÁI CỦA DÂN CHỦ
Bản chất của dân chủ đơn giản chỉ là sự tuân theo các quyền con người và tuân thủ tính toàn vẹn của các quyền đó. Đó cũng chính là sự tuân thủ các qui luật tất yếu vì tính chất của quyền con người là do Tạo hóa tạo ra. Sự tôn trọng như vậy được thực hiện càng đầy đủ thì nền dân chủ đạt được càng thực chất. Bản chất này của dân chủ là không thay đổi theo bất kỳ yếu tố nào thuộc về con người như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, sự giàu có, xuất thân, trình độ phát triển hoặc những trạng thái khác. Những yếu tố này chỉ ảnh hưởng đến hình thái của một xã hội dân chủ vốn chỉ là kết quả sinh ra từ sự vận động của các yếu tố đó dựa trên các luật của Tạo hóa, bao gồm cả quyền con người. Hình thái có thể thay đổi nhưng bản chất thì không. Hình thái phải là kết quả từ dưới lên và không nên là sự áp đặt từ trên xuống. Sự áp đặt như vậy đã chứa đựng bản chất chống dân chủ rồi.
Quan điểm về hình thái xã hội của con người chỉ có thể thành hiện thực một khi nó được thiết kế theo luật của Tạo hóa và nó phải thuyết phục được người dân tán thành một cách tự nguyện. Phác thảo một hình thái chủ quan, rồi ép uổng thô bạo người bị trị buộc họ miễn cưỡng chấp nhận nó như một lẽ phải chung duy nhất thì sẽ sinh ra một xã hội bất ổn triền miên. Lý do là khoảng cách giữa những chuẩn mực xã hội trên danh nghĩa và những cái tồn tại trên thực tế không ngừng gia tăng, gây ra sự sụp đổ niềm tin vì thất hứa. Đó là lúc cái hình thái phác thảo đó sẽ lụn bại mặc dù nó chưa bao giờ tồn tại trên thực tế giống như được phác thảo. Đây là những gì đã từng thấy từ Quốc xã ở Đức và Liên xô ở Nga.
ĐỘNG LỰC HAY SỢ HÃI
Khi một chính phủ phải thuyết phục người dân thì nó cũng phải tạo động lực cho họ. Người dân, đến lượt họ, sẽ tích tụ những xung lực phi thường để đẩy mạnh những gì chính phủ mong muốn hướng đến một vận mệnh tốt hơn cho dân tộc. Dù bất kỳ biểu hiện nào, một hình thái xã hội có thể thực sự tồn tại được trong cuộc sống sẽ luôn là hệ quả từ những hành động của dân thường tạo ra trên các luật của Tạo hóa. Hình thái đó có thể khớp với cái mà những người cầm quyền mong muốn chỉ khi nào họ làm cho ý chí của mình phù hợp với nguyện vọng của thường dân, và làm cho những luật mình mong muốn tuân thủ luật của Tạo hóa. Hiểu thấu lòng dân và hiểu rõ các qui luật tất yếu khách quan luôn là yêu cầu bức thiết của một xã hội dân chủ.
Thao túng quyền lực nhà nước để bắt dân thường phục tùng chủ tâm của một nhóm nhỏ sẽ tạo ra nỗi sợ hãi và làm cạn kiệt nguồn vốn con người như động lực, sáng tạo, niềm tin – là những giá trị thiết yếu nhất cho sự phát triển bền vững của một xã hội. Người dân phần nào có thể từ bỏ tự do của mình để đổi lấy việc sinh sống đến khi nào chính phủ có thể đảm bảo một sự phát triển kinh tế ổn định và phân phối thành quả của nó tương đối công bằng. Nhưng nhiệm vụ này là bất khả thi đối với các xã hội kém dân chủ. Khi nhiệm vụ này thất bại là lúc phải trả phí cho Tạo hóa vì đã vi phạm luật Tạo hóa. Phí đó là một chế độ bị lật đổ nhục nhã, và nhiều lúc là một cuộc cách mạng bạo lực đẫm máu. Một xã hội dân chủ không như vậy, ở đó người dân có thể thay đổi chính phủ một cách hòa bình.
TỪ SỢ HÃI ĐẾN LỆ THUỘC
Theo xu hướng tự nhiên, một chính phủ chống dân chủ luôn luôn phân phát nỗi sợ hãi để che ủ sự phàn nàn của những người dân cảm thấy phát ốm đối với sự quản lý của nó, và đàn áp những người bất đồng chính kiến nào phê phán sai lỗi của nó. Tuy nhiên nó cũng tự che ủ và bịt mắt chính mình trước những phản ánh của xã hội. Một chính phủ như vậy không thể xây dựng được một xã hội có thành tựu bền vững, mà là một xã hội cuối cùng sẽ suy tàn. Lý do là những người lệ thuộc thì không thể có năng lực để lãnh đạo nhân dân họ đi đến một nền độc lập dân tộc, mà chỉ đến một quốc gia phụ thuộc. Những kẻ độc tài và các chính phủ chống dân chủ thực sự là những người lệ thuộc mặc dù họ thường thể hiện uy quyền.
Một người độc lập thì không bao giờ lệ thuộc một cách thiếu suy nghĩ vào sự phê bình từ người khác, trong khi một người phụ thuộc thì sợ sự phê phán đó đến ám ảnh, tự kỷ rằng nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mình. Anh ta không bao giờ đủ tự tin để hiểu rằng người ta nghĩ thế nào về mình chỉ hoàn toàn là hệ quả của chính cách hành xử của anh ta, chứ không phải của những người gay gắt chỉ trích mình. Đây đúng là đầu óc của những kẻ lệ thuộc mà khi nó thuộc về những người đang nắm quyền lực thì sẽ luôn dẫn đến sự đàn áp những người bất đồng chính kiến, sự đè nặng lên người dân bằng nỗi sơ hãi để che đậy sự yếu đuối của mình. Những kẻ cường hào che giấu tính hèn nhát của mình bằng sự tàn bạo. Bạo chúa Saddam Hussein đã lộ rõ sự đê hèn khi bị bắt lúc trốn chạy.
HÀNH TRÌNH VÀO BẢN CHẤT CỦA DÂN CHỦ VÀ THỊNH VƯỢNG
Chế độ của Saddam đã bị lật đổ mấy năm nhưng nền độc lập cho quốc gia Iraq vẫn chưa có. Đấy không phải vì sự chiếm đóng của Mỹ. Điều đó chỉ có được khi người Iraq có ý thức tự tin để xây dựng sự độc lập cá nhân cho mình để làm cho dân tộc họ độc lập. Đây là cái BẮT BUỘC cho tất cả dân tộc trên thế giới để thực sự được tự do và độc lập nhằm có được dân chủ và thịnh vượng. Dưới 1/7 dân số thế giới được sống trong những đất nước như vậy trong khi hơn một nửa vẫn đang vật lộn với nghèo đói. Phong trào giải phóng dân tộc sau Thế chiến thứ II đã lớn mạnh và hoàn thành hơn nửa thế kỷ rồi nhưng vẫn chưa mang đến tự do và độc lập được cho nhiều nước để trở nên dân chủ và thịnh vượng. Mà hầu hết đã kéo theo các chế độ toàn trị; chính phủ mị dân; sự tước đoạt hoặc thu hẹp các quyền và tự do của con người; những người dân sợ hãi và lệ thuộc; sự nghèo túng và thậm chí là chết đói.
Lục tìm lịch sử thế giới về dân chủ và thịnh vượng trải dài từ thời La Mã cổ đại đến đến nay, và đào sâu vào bản chất của các phạm trù này để nắm được những bản chất cốt lõi của chúng nhằm hiểu rõ các qui luật tự nhiên liên quan. Và áp dụng các qui luật này nhằm tìm ra những con đường dẫn đến tự do, độc lập, dân chủ và thịnh vượng cho các quốc gia một cách bền vững và nhanh nhất chính là tham vọng của quyển sách này – Hành trình vào bản chất của Dân chủ và Thịnh vượng.
Quyển sách sẽ tìm hiểu căn nguyên của các phạm trù trên trong mối liên hệ với bản chất của một nhà nước pháp quyền và các hình thái khác nhau của nó, cũng như vai trò của một xã hội dân sự bên trong nó để đảm bảo người dân sống theo luật nhằm làm nó phát huy tác dụng. Và làm sao để khuyến khích tự do cá nhân trong lúc cân bằng nó với các giá trị phổ quát chung thay vì đánh bại chủ nghĩa cá nhân.
Quyển sách tin rằng những con đường như trên sẽ giúp duy trì hòa bình và ngăn ngừa chiến tranh cho thế giới.
Ghi chú:
(+) Một triết gia, nhà văn, nhà soạn kịch người Giơ-ne-vơ thuộc trường phái lãng mạn hồi thế kỷ 18. Triết lý chính trị của ông đã ảnh hưởng đến cuộc cách mạng Pháp.