Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI)
Ngày 17/12 vừa qua ở Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm trụ sở của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Trọng tuyên truyền mạnh mẽ cho Nghị quyết số 9 của đảng cộng sản mới ra ngày 9/12/2011 được ghi là «nhằm phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam». Trong đà phấn hứng, ông Trọng báo tin cho đội ngũ các nhà kinh doanh Việt Nam rằng đảng CS nay rất quý trọng doanh nhân nước ta, do đó trong Mặt trận Tổ quốc doanh nhân nay đã được xếp hạng cao hơn trước, đứng hàng thứ 4, sau công nhân, nông dân và trí thức, chứ không còn là thứ 5, đứng sau cả người cao tuổi như cũ.
Đây là chuyện thật được phản ánh trên báo đảng và các báo khác như một tin mừng, một thông tin quan trọng, một nét khởi sắc trong nền chính trị-kinh tế-vằn hóa nước ta.
Không biết có bao nhiêu doanh nhân cảm thấy hởi lòng, hởi dạ, vui mừng biết ơn đảng CS đã nâng cao vị thế của doanh nhân trong bậc thang xã hội như thế.
Nếu quả thật đảng CS đã trả lại cho doanh nhân Việt Nam, doanh nhân của dân tộc, cái quyền kinh doanh tự do và bình đẳng, như là thời phong kiến hay thuộc Pháp, thì còn gì bằng! Nếu quả vậy sẽ là tin mừng lớn không chỉ cho các doanh nhân Việt Nam, mà còn cho toàn dân, cho toàn xã hội, vì đây mới thật là sự chuyển mình to lớn, cần thiết đến cấp bách mà mọi người mong đợi.
Tôi từng có dịp gặp các giáo sư kinh tế Pháp, Đức, Hoa Kỳ, các nhà báo chuyên về kinh tế và kinh doanh của The Washington Post và The Wall Street Journal, họ đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay thiếu một cơ sở vững chãi, rất tự nhiên, rất bình thường, đó là nguyên tắc Free enterprise –Liberté d’entreprise – Tự do kinh doanh, vốn được coi là nền tảng hoạt động kinh tế của mọi xã hội.
Tất cả các bạn đó đều lắc đầu cho rằng khi mà đảng CS độc quyền cai trị, khi nền kinh tế quốc doanh còn nắm vai trò chủ đạo, nắm độc quyền kinh tế – tài chính- ngân hàng – thương nghiệp, khi doanh nhân tự do còn bị đủ thứ hạn chế, o ép thì đó vẫn là một nền kinh tế không bình thường, không tự nhiên, trái quy luật, trái với những nguyên tắc cơ bản của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) mà Việt Nam đã tham gia.
Một nhà báo Pháp nhận xét rằng việc hợp nhất 3 ngân hàng cổ phần thương mại có tư nhân tham gia hiện nay, nhằm tăng thêm phần tham gia của Ngân hàng Nhà nước là việc làm ngược đời, trái khoáy, không hề giảm mà chỉ tăng thêm bế tắc và khó khăn cho nền tài chính.
Chỉ khi nào quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh được thực hiện như được ghi trong hiến pháp, hàng triệu nhà kinh doanh vừa và nhỏ nô nức bỏ vốn cạnh tranh, thi thố tài năng kinh doanh trên cơ sở bình đảng trước luật pháp, không bị các cơ sở quốc doanh có thế lực vô hạn kiềm chế, lúc ấy mới có phát triển kinh tế, phồn vinh xã hội và an ninh trong kinh doanh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng công nhân đang được xếp loại 1, nông dân xếp loại 2, trí thức xếp loại 3, doanh nhân xếp thứ 4. Thật ra nói vậy mà không phải vậy. Công nhân không có công đoàn độc lập, chỉ có công đoàn quốc doanh, không có quyền tự do bãi công, nông dân bị cướp đất tơi bời, lại không có quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, kém xa thời phong kiến thực dân; trí thức bị cấm phản biện, như bị dán keo vào mồm; nhà kinh doanh tư nhân bị bóp nghẹt, phá sản hàng loạt. Các ông lãnh đạo, nhất là Bộ Chính trị, không nhìn ra hay sao, ông Trọng kể ra làm gì thứ hạng cho thêm mỉa mai. Khi đã xếp đảng CS lên cao nhất thì công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân đều là ở dưới đáy tận cùng của xã hội hết. Đảng, đảng viên cao cấp là vua quan, ngự trị trên đầu sỹ, nông, công, thương, nhất loạt bị bần cùng hóa, công dân loại hai tất..
Linh hồn các nhà kinh doanh dân tộc chân chính, tài ba, vẻ vang một thời, như Cụ Trạng Bùng, một nhà sản xuất lượt là trứ danh; như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà…không khỏi ngậm ngùi liên miên nơi chín suối.
Bùi Tín – VOA