Hoàng Khương lúc bị bắt
Ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ vừa bị bắt tạm giam 4 tháng về tội “đưa hối lộ” hôm qua (3 tháng 1). Việc qui vào tội “đưa hối lộ” có đúng hay không thì sẽ bàn ở dưới.
Nhưng nếu đọc qua một số bài phóng sự của nhà báo này, với những bằng chứng là hình ảnh, tiếng nói… không thể chối cãi đính kèm, đã đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ, người ta thấy được phần nổi của tảng băng chìm về tình trạng nhũng nhiễu trắng trợn đến mức hết thuốc chữa của những kẻ có quyền trong tay hiện nay tại Việt Nam. Các bài phóng sự công phu của Hoàng Khương nói về những chuyện làm tiền thường ngày của một lớp người có quyền, cho dầu chỉ là quyền thừa hành nhỏ nhất trong bộ máy nhà nước, là giới “cảnh sát giao thông”. Nhưng trớ trêu những người này lại có ảnh hưởng vô cùng lớn đến (đời sống) người dân. Đơn giản vì họ là gạch nối giữa người dân với nhà tù. Đối mặt với công an đồng nghĩa đối mặt với pháp đình, tù tội. Vì vậy, việc hạch sách làm tiền của người dân ở thành phần này rất lộ liễu, không khác gì bọn « đạo tặc » đòi tiền « mãi lộ » ở các xã hội còn sơ khai, vô chính phủ ngày xưa. Ngày xưa, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan. Ngày nay, ngày hay đêm gì các « quan » cũng « cướp ». Điều này cho thấy, tình trạng xã hội Việt Nam đã rệu rã, giòi đã đục từ trong xương, hậu quả của việc trên bất chánh thì hạ tất loạn.
Nhiều tiếng nói đã cảnh báo rằng Hoàng Khương sớm muộn gì cũng đi theo dấu chân của các anh Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải. Hoàng Khương vẫn gan lì làm việc, với sự đồng tình của cấp trên trong ban lãnh đạo báo Tuổi Trẻ, tiếp tục tác nghiệp, làm điều tra, viết phóng sự để vạch mặt bọn sâu bọ, làm trong sạch bộ máy nhà nước, đúng theo qui định khoản 1 điều 25 bộ Luật Hình Sự Tố Tụng. Nhưng trong một xã hội mà lương tâm xã hội đã bị sụp đổ trên đống tro tàn luân lý, thì công lý phải nhường chỗ cho cường quyền bạo lực. Những người có công với đất nước nhiều nhất đôi khi lại là người có tội nặng nhất.
Việc phải đến đã đến. Hoàng Khuơng bị bắt. Có người ví Hoàng Khương là một “hiệp sĩ”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ có “hiệp sĩ”, hay hơn cả hiệp sĩ, mới điên cuồng làm những việc mà Hoàng Khương đã làm. Nhưng đất nước này cần rất nhiều “hiệp sĩ”. Ít ra trong thời điểm và hoàn cảnh này. Vì ở những góc tối khác của xã hội, ở những chức vụ lớn hơn, không ai thấy được, mà cũng không ai có thể kiểm soát được. Mức tàn hại của nó đối với xã hội và đất nước sẽ lớn biết bao nhiêu!
Hoàng Khương mới bị công an dẫn đi hôm qua, nhưng sự lên tiếng đồng loạt và đông đảo của bạn bè, đồng nghiệp trên các trang web, cũng như sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, nói lên tính nghiêm trọng của vấn đề. Bởi vì cơ quan điều tra chưa lên tiếng, Viện kiểm sát chưa có ý kiến, thì báo chí bên Công An – tức cùng phe với bên “nhận hối lộ” – đã kết luận Hoàng Khuơng phạm tội “đưa hối lộ”. Hành vi này phạm luật, chiếu theo các điều 9 và 13 bộ Luật Hình Sự Tố Tụng. Theo điều 9 chỉ có tòa án mới có thẩm quyền kết tội hay không kết tội (nhà báo Hoàng Khuơng “đưa hối lộ”). Ở đây các báo Công An đã kết luận “có tội” trước khi tòa thụ án, trước luôn cả cơ quan điều tra vụ án. Về nội dung điều 13, chưa thấy có dấu hiệu phạm tội của ký giả Hoàng Khuơng, sẽ nói ở dưới, cơ quan điều tra chưa có động tĩnh, thì các báo công an đã kết tội trước.
Hơn nữa, người “nhận hối lộ” cùng phe với Công An. Nếu bên Viện Kiểm Sát không can thiệp để thay đổi nhân sự phe điều tra, theo điều 42, điều 44 BLHSTT, hay theo các phần b và h khoản 2 điều 36, quá trình thụ án đã có vấn đề ngay từ đầu. Bởi vì phe công an và người “nhận hối lộ” có liên quan với nhau ; ký giả Hoàng Khuơng đã có khoảng 50 bài viết về tình trạng hối lộ của bên công an, do đó công an là “một bên” trong vụ án ; nếu không thì họ là những người “có quyền lợi và nghĩa vụ” trong vụ án. 50 vụ thì không còn là tình trạng lẽ loi của cá nhân mà là tình trạng chung trong giới công an. Trường hợp đặc biệt này, vì tính công bằng và trung thực của pháp lý, nhân sự của ban điều tra cần phải được đề cử từ Tối cao pháp viện hay từ Quốc hội.
Người ta đã kết tội ký giả Hoàng Khương vào tội “đưa hối lộ”. Theo tôi thì không có gì chắc chắn. Theo tôi người ta chụp mũ Hoàng Khuơng vào tội này vì không thể “bói” ra tội nào khác. Hoàng Khuơng là cây gai trong mắt của tập thể “còn đảng còn mình”.
Hoàng Khương có “đưa hối lộ” hay không thì trước tiên nên hiểu thế nào là “hối lộ”?
Theo định nghĩa, hối lộ là hành vi đưa tiền bạc hoặc đổi một lợi ích bất kỳ nào đó (như của cải, gái…), cho người có quyền hành, để người này làm (hoặc không làm) một việc gì đó, có lợi ích cho người đưa hối lộ. Việc làm (hay không làm việc gì đó) của người nhận hối lộ có gây thiệt hại cho xã hội hay quyền lợi của người khác.
Người “đưa hối lộ” kết vào tội “đưa hối lộ” ở Điều 289 Bộ Luật Hình Sự.
Người “nhận hối lộ” kết vào tội “nhận hối lộ” ở Điều 279 Bộ Luật Hình Sự.
Nên phân biệt tiền đưa (hay nhận) “hối lộ” với việc trả (hay nhận) tiền “huê hồng”. Hai hành vi này khá giống nhau nhưng hành vi “hối lộ” thì phạm tội còn “huê hồng” thì được phép theo qui định của pháp luật.
Tiền trả huê hồng là tiền trả công cho một người để người này làm một việc gì đó cho lợi ích của người đưa tiền. Thí dụ : tôi không có thì giờ làm visa du lịch Việt Nam. Tôi nhờ cửa hàng bán vé máy bay “lo trọn gói”, với chi phí thêm là 100 $. 100$ này là tiền huê hồng. Còn gọi là chi phí dịch vụ. Hành vi này không làm thiệt hại cho ai.
Trong khi đó, hành vi đưa hối lộ, cũng là hành vi đưa tiền để người đó làm (hay không làm) việc đó cho mình, nhưng việc này có gây thiệt hại cho xã hội (hay cho người khác). Thí dụ: luật cấm đua xe nhưng tôi vẫn đua. Kết quả xe tôi bị CSGT tịch thu. Tôi tìm mai mối, nhờ đưa tiền cho người có quyền hành trong CSGT để lấy xe ra.
Trong quá trình lo lót (hối lộ) để lấy xe ra, rõ ràng xã hội có thiệt hại vì mất khoản thuế mà lẽ ra tôi phải đóng phạt. Về phương diện nhà nước, luật pháp không được tôn trọng vì hành vi đua xe của tôi vi phạm luật giao thông. Đáng lẽ tôi phải ra tòa lãnh án vì vi phạm luật lệ (ở VN là ra kiểm điểm trước tổ dân phố), thì tôi không làm các việc đó.
Hành vi của người nhận hối lộ có làm thiệt hại đến công quĩ nhà nước. Người nhận hối lộ là nhân viên nhà nước, lãnh lương (từ tiền thuế của dân), đã không làm nhiệm vụ của họ là thực thi luật pháp và bảo vệ luật pháp.
Theo bộ Luật hình sự, người ta còn phân biệt người đưa hối lộ trực tiếp và đưa hối lộ gián tiếp (tức nhờ trung gian).
Hành vi bị qui vào tội “đưa hối lộ” khi hành vi này bao gồm hai yếu tố: 1/ đưa tiền (hay của cải) cho người có quyền hành làm (hay không làm) những điều có lợi cho người đưa tiền ; 2/ việc làm người có quyền hành thì có gây thiệt hại cho xã hội hay cho người khác.
Hành vi của Hoàng Khương không thể qui vào tội “đưa hối lộ” vì không đủ yếu tố kết tội:
Trong vụ án “lấy xe”, Hoàng Khương không có lợi lộc trực tiếp. Người có lợi lộc trực tiếp phải là chủ xe, sau đó là báo Tuổi Trẻ. Không có “lợi lộc” thì làm sao có “hối lộ”?
Trong vụ án này Hoàng Khương chỉ có một vai trò trung gian mờ nhạt (không hưởng huê hồng), không phải là chủ xe, cũng không phải là “một mắc xích” trong quá trình phạm tội. Hoàng Khương chỉ dính dáng vào quá trình phạm tội “đưa và nhận hối lộ” như là một “quan sát viên chủ động” để làm phóng sự cho báo Tuổi Trẻ. Việc “làm phóng sự” có thể xem là “lợi lộc” của Hoàng Khuơng, để cấu thành tội hay không ?
Hoạt động “điều tra” của Hoàng Khương được sự cho phép của người trách nhiệm BBT báo Tuổi Trẻ và kết quả phóng sự điều tra này được đăng trên báo Tuổi Trẻ. Nếu không có sự đồng ý của ban lãnh đạo Tuổi Trẻ, nếu các bài phóng sự không đăng, Hoàng Khương sẽ không tham gia vào quá trình phạm tội « đưa hối lộ » trong vụ án « lấy xe ».
Nếu hành vi của Hoàng Khuơng thể hiện trong vụ án « nhận và đưa hối lộ » là có tội (phải chứng minh) thì tội đó là của báo Tuổi Trẻ. Báo này có lợi ích nhiều nhất, vì bán được báo nhiều hơn do tính nóng của các bài phóng sự.
Điều 15 của bộ Luật báo chí, nói về nghĩa vụ của nhà báo, khoản đ) ghi : nhà báo « Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí. »
Tức là Hoàng Khuơng chỉ chịu trách nhiệm về nội dung các bài viết của mình trên Tuổi Trẻ. Các bài viết này đều có bằng chứng đính kèm, không vu cáo, không có điểm nào vi phạm luật pháp hay về đạo đức xã hội. Hoàng Khuơng cũng không hề có hành vi « vi phạm pháp luật về báo chí ». Phương pháp tác nghiệp của Hoàng Khuơng, nhiều người gọi là « gài bẫy », thì ở các nước tiên tiến người ta vẫn làm như thế. Pháp luật các nước này bảo vệ đời tư cá nhân nhưng khi cá nhân là nhân viên công lực, hay là người của công chúng, thì các việc quay phim lén ở các trường hợp này lại được công nhận (hay không ghép thành tội). Vấn đề đạo đức nghề nghiệp sẽ không đặt ra ở đây vì đối tượng tác nghiệp là người đại diện cho phép nước, tức là về pháp lý lẫn đạo đức của xã hội. Trong các trường hợp bảo vệ quyền lợi người dân hay bảo vệ rường cột xã tắc quốc gia, mọi hành vi nhắm tới mục đích đó đều mang tính đạo đức. Hành vi tác nghiệp của Hoàng Khuơng nếu luật pháp không cấm thì Hoàng Khuơng không có tội.
Ký giả Hoàng Khuơng bị Tuổi Trẻ sa thải trong khi ban lãnh đạo báo này không (hay chưa) chứng minh tội trạng của Hoàng Khuơng. Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ đã hưởng lợi lớn lao từ hơn 50 bài phóng sự trước của Hoàng Khuơng. Sa thải Hoàng Khuơng Đây là một hành vi vi phạm luật lao động. Ban lãnh đạo báo Tuổi Trẻ lạm dụng quyền lực quá đáng, chà đạp lên tình đồng nghiệp và đạo đức nghề nghiệp.
Mặt khác, quan trọng hơn hết, Điều 25 BLHSTT về Trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm
Khoản 1 qui định: “Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.”
Như thế hành vi của Hoàng Khương không những được pháp luật khuyến khích mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân. Hoàng Khuơng do đó là công dân gương mẫu. Phương pháp đặc biệt có hiệu quả nhằm đấu tranh « phòng ngừa và chống tội phạm” của Hoàng Khuơng cần được nhà nước tuyên dương và tưởng thuởng.
Trở lại vấn đề, việc Hoàng Khuơng bị bắt với lệnh tạm giam 4 tháng người ta dễ dàng kết luận là do sự chỉ đạo của Công An, qua các bài báo « nháy đèn xanh » trước đó của các báo thuộc ngành này. Việc tạm giam 4 tháng Hoàng Khuơng để « điều tra » là lạm dụng pháp luật. Không ở đâu mà có tình trạng như thế này, tức công an chỉ đạo mọi việc, kể cả pháp lý. Chiếu theo khoản a, phần 1 điều 88 BLHSTT, sự dính líu của Hoàng Khuơng trong vụ án không phải là « rất nghiêm trọng » hay « đặc biệt nghiêm trọng ». Hoàng Khương cũng không có khả năng « trốn » hay « cản trở điều tra », theo khoản b, phần 1 của điều luật trên. Trong khi tư cách Hoàng Khương chỉ là thừa hành, tức người làm công cho báo Tuổi Trẻ, không có lợi lộc với trong quá trình “đưa hối lộ”.
Giả sử, nếu Điều 25 BLHSTT không áp dụng, và nếu hình thức “tác nghiệp” của Hoàng Khương là có tội, thì việc bắt một mình Hoàng Khương, với tư cách là kẻ làm mướn, mà bỏ qua kẻ chủ mưu là báo Tuổi Trẻ, là phía có lợi lộc nhiều nhất, thì luật pháp ở đây có vấn đề.
Vụ án Hoàng Khuơng vì thế sẽ là sự thách thức của lương tâm xã hội đối với một nền pháp lý mà luật được diễn giải tùy tiện bởi kẻ nắm quyền. Vụ án này sẽ không phải chỉ là vụ án của Hoàng Khương, mà là vụ án giữa công lý với tà quyền, giữa sự thật với ngụy biện, giữa sự lương thiện với nền luân lý xã hội đảo điên.
Và bi kịch chỉ mới bắt đầu.
© Trương Nhân Tuấn
© Đàn Chim Việt