ĐÔI LỜI VỀ BÀI
“HÃY THA THỨ CHO TRƯƠNG DUY NHẤT”
Tôi thực sự ngạc nhiên về tư duy của tác giả Đàm Mai Đạo (ĐMĐ) trong bài viết “Hãy tha thứ cho Trương Duy Nhất”. Xuyên suốt bài viết là lối suy nghĩ sùng bái cá nhân, qui chụp, nâng quan điểm để chứng minh ông Trương Duy Nhất (TDN) vi phạm điều 88 của Bộ luất hình sự, mặc dù ông rào trước là theo “quan điểm chính trị của ĐCSVN”. Tác giả hết sức khắt khe với những nhận xét của ông TDN về các vị lãnh đạo, trong khi lại vô tư nhận xét ông Nhất là nhỏ nhen, vô học, du côn, ngạo mạn, hỗn xược, vong ân bội nghĩa …
Đọc bài viết, ai không rõ về TDN có thể cho ông là kẻ thù vô cùng nguy hiểm của cách mạng, cho dân tộc, không hề có chút tư cách đạo đức tối thiểu nào của một con người.
1. Hãy xem ông TDN đã làm gì để người ta có thể khép ông vào tội tuyên truyền chống Nhà nước:
1.1 Ông TDN viết tác động của những cuộc biểu tình “… khiến Thủ tướng và quốc hội BUỘC PHẢI đưa luật biểu tình vào chương trình dự luật sớm ban hành”. Giá ông TDN dùng cụm từ “đặt ra vấn đề” thì có lẽ ông ĐMĐ “tha cho” nhưng chỉ vì dùng chữ “buộc phải” nên ông Đạo bắt bẻ rằng ông Nhất “đánh giá quá thấp Thủ tướng và Quốc hội”, lấy đó làm một trong những căn cứ “để quy kết tội trạng theo điều 88 …”, mặc dù hai cách nói về thực chất chẳng có gì khác nhau.
1.2 Khi ông TDN nhận xét về ông Nguyễn Phú Trọng là “một nhân vật nhu mì”, ông ĐMĐ cho rằng “chữ nhu mì là dành cho phụ nữ, đây là cách dùng chữ khiếm nhã, phân biệt kỳ thị giới tính”. Thú thực, tôi chưa thấy qui ước nào rằng nhu mì chỉ được dành cho phụ nữ. Tôi cũng không hiểu dùng từ nhu mì nói về nam giới thì nó “khiếm nhã” hay “phân biệt kỳ thị giới tính” như thế nào.
Ông ĐMĐ cho rằng “Nhất rất xách mé khi gọi ông Trọng với danh xưng “ÔNG GIÁO LÀNG”. Khá đủ để kết tội Nhất phỉ báng cá nhân ông Trọng và tư cách cao nhất của ông ta về mặt Đảng” (tôi tô đậm chữ “ông ta”)
Ông ĐMĐ nói, ông Nhất ví thế là phỉ báng ông Nguyễn Phú Trọng. Ông nghĩ làm một “ông giáo làng” là đáng xấu hổ lắm hay sao? Khi cho rằng ví ông Nguyễn Phú Trọng như ông giáo làng là phỉ báng ông ấy thì chính ông Đạo đã phỉ báng những người thầy cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, truyền bá kiến thức, lẽ sống cho học trò, góp phần đào tạo học họ thành những người công dân có ích cho xã hội. Không hiểu các thầy giáo cũ của ông Đạo đọc những dòng này sẽ nghĩ về đứa học trò của mình như thế nào?
Với lòng tôn kính đối với các vị lãnh đạo của ông ĐMĐ, tôi đồ rằng, ông dùng chữ “ông ta” để chỉ ông Nguyễn Phú Trọng là một sự sơ suất vì từ “ông ta” dùng để chỉ những người không mấy thiện cảm.
1.3 Về việc ông Nhất nói những lời ngợi ca Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là của những tờ báo lá cải, của các công ty TNHH, để chữ ngợi ca trong ngoặc kép, ông Đạo cho rằng ông Nhất “không thể chối cãi về phát ngôn sỉ nhục người khác theo điều 121 “Tội làm nhục người khác” - Luật hình sự. Quá rõ”. Lạ thật, chỉ vì nói lời ngợi ca thủ tướng là của báo lá cải, của công ty THHH, đặt chữ “ngợi ca” trong ngoặc kép mà thành “tội làm nhục người khác”? Chẳng lẽ tội làm nhục người khác lại đơn giản như thế sao?
1.4 Không chỉ riêng ông TDN mà rất nhiều người bày tỏ thái độ không đồng tình trước việc chính quyền Hà Nội quá sốt sắng và báo chí khá ầm ĩ trong việc chữ trị cho rùa Hồ Gươm, gọi rùa Hồ Gươm bằng cụ.
Khi cho rằng “Một con rùa già ghẻ lở được thiêng hóa thành “cụ”. Chữ “Cụ” cũng được viết hoa kính cẩn như chữ “Người” khi nói về cụ Hồ Chí Minh”, thì ý của ông TDN đã rõ: gọi như thế là xúc phạm đến cụ Hồ Chí Minh. Thế mà ông Đạo bẻ ngoéo sang qui kết cho ông Nhất là “Một hành động xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh không tài nào tha thứ được, khi Nhất dẫn hình ảnh Rùa hồ Gươm sánh ngang với Hồ Chí Minh”. Chính ông Nhất phê phán sự sánh ngang chứ đâu phải ông Nhất sánh ngang.
1.5 Trong câu viết của ông TDN, có đoạn trích từ Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ngoài ra, những ý của ông TDN là thể hiện quan điểm của ông. Tôi cho rằng, ý kiến của ông Nhất là xác đáng khi nói “Vụ án và những dư âm hậu án phơi lột những điểm bất ổn nhất của cả hai phía, chính quyền và các nhà “dân chủ”. Đây là một nhận xét khá sắc sảo. Thế mà ông ĐMĐ qui kết “Nhất rõ ràng đang đả kích mạnh mẽ rằng Đảng và Nhà nước hoàn toàn sai trái và vô pháp khi xử Cù Huy Hà Vũ”. “Những điểm bất ổn” nhất khác với “hoàn toàn bất ổn”. Chẳng lẽ chỉ được phép nói Nhà nước ta không bao giờ sai, không bao giờ có những điểm bất ổn?
Những phân tích của ông ĐMĐ dành cho ông TDN là điển hình của sự qui kết, chụp mũ, suy diễn hồ đồ. Sự suy diễn tới mức như thế, tôi chưa từng thấy ai làm. Giả sử người ta có cố tình đưa ông TDN ra tòa theo điều 88 thì tôi dám chắc không quan tòa nào dám dùng những điều ông Đạo nêu ra làm bằng chứng để kết tội ông Nhất mà người ta phải bẻ sang hướng khác.
Trên “quan điểm chính trị của ĐCSVN”, ông ĐMĐ mới cố gắng chứng minh ông TDN động chạm đến lãnh đạo mà không chứng minh được ông Nhất tuyên truyền chống Nhà nước như thế nào vì những điểm ông tìm cách chứng minh không thuyết phục. Trong khi đó, Bộ luật hình sự lại không có điều khoản nào về tội “chê lãnh đạo”. Hình như trong suy nghĩ của ông ĐMĐ, ông đã đồng nhất cá nhân các vị lãnh đạo với chế độ.
2. Rồi chẳng biết TDN có cần không, ông ĐMĐ tỏ ra thương hại ông TDN, không muốn ông Nhất lâm vào cảnh tù tội, ông “đề nghị Đảng và Nhà nước, thay vì có thể tạm giam truy tố khởi tố anh Trương Duy Nhất, hãy bỏ qua câu chuyện này và uốn nắn Trương Duy Nhất trở nên thuần tính hơn một chút…”
Tôi nghĩ điều này ông TDN không cần. Ông là con người hiểu biết và biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm.
3. Quan hệ gữa công dân đối với lãnh đạo trong thời đại này khác hẳn quan hệ cha con trong gia đình hay quan hệ vua tôi thời phong kiến. Trước pháp luật, công dân đều bình đẳng. Nhưng cách diễn đạt của ông ĐMĐ làm cho người ta hiểu, động chạm đến lãnh đạo là động đến một cái gì đó thiêng liêng. Trên thực tế có nhiều người khố khổ vì dám động đến lãnh đạo, tất nhiên họ bị trừng trị theo cách khác. Mặc dù vậy, không nên cổ suý cho việc này vì nó phản hiến pháp, phản dân chủ.
Trong bài viết, ông Đạo chửi ông Trương Duy Nhất khá thoải mái, trong khi ông bắt bẻ ông TDN từng tí một khi nói về các vị lãnh đạo. Những từ xấc xược, hỗn xược, vong ân bội nghĩa, thuần tính, tha thứ … chỉ nên dùng trong quan hệ cha con. Nó không phù hợp với một thể chế pháp quyền.
Nói đến các vị lãnh đạo, bao giờ ông ĐMĐ cũng viết đầy đủ chức vụ hoặc đại từ nhân xưng nhưng nhắc đến tên ông TDN, ông gọi trống không là Trương Duy Nhất hoặc Nhất, trong khi ông nhận xét ông TDN là xách mé khi nói về người khác. Phải chăng ông Nhất không có quyền cao chức trọng nên ông Đạo không có gì phải kiêng nể?
4. Tôi chỉ biết TDN qua những bài viết của ông, hoàn toàn không có sự liên hệ. Tôi cũng không đồng ý với cách nhìn của ông Nhất về Bùi Thị Minh Hằng cũng như việc bầu chọn chị. Ngoài ra tôi còn không đồng ý với ông Nhất về một số quan điểm khác. Nhiều khi, ông Nhất dùng lời lẽ to tát, gay gắt quá mức cần thiết. Tuy vậy, TDN có rất nhiều bài viết tôi thích đọc, cách nhìn của ông được nhiều người đồng tình, thậm chí ngộ ra. Ông đã đánh thức những vấn đề mà người khác bỏ qua, không để ý. Có thể sự nói năng của ông TDN làm cho ai đó khó chịu nhưng chúng ta cần tôn trọng cá tính của mỗi người. Không nên bắt người khác cứ phải giống mình. Hãy gác sang một bên cách nói quá thẳng, khó lọt tai những ai mà ông Nhất động tới mà suy ngẫm những điều ông ấy nói có đúng không.
5. Tôi thích câu này của tác giả “… chính động thái trả tự do cho các tù nhân chính trị như: Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Hồ Thị Bích Khương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương v.v… sẽ tỏ ra là một Chính quyền bao dung và biết lắng nghe hơn. Nước Việt Nam ta đang cần xóa bỏ hận thù, hòa giải dân tộc hơn bao giờ hết”.
6. Như tác giả đã nói, sự qui kết tội trạng (của TDN) là so với “quan điểm chính trị của ĐCSVN”. Điều này chưa hẳn đúng mà bài viết mang dáng dấp chủ quan của tác giả khá rõ. Nếu những gì ông ĐMĐ qui kết ông TDN mà lại đổ cho suy ra từ “quan điểm chính trị của ĐCSVN” thì coi chừng, điều này làm mất thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chưa chắc đã được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khen ngợi. Tôi cho rằng, tư duy của ông ĐMĐ quá lỗi thời.
7. Tôi không có ý định bênh vực TDN, mà nếu có thì ông cũng chẳng khiến. Tuy nhiên, lối suy diễn, qui kết của ông ĐMĐ mà lại được những người có quyền định đoạt số phận người khác hưởng ứng, tôi e rằng thêm nhiều người phải lao đao khi bày tỏ chính kiến, thực hiện quyền công dân, điều mà Hiến pháp đã ghi nhận.
5/12/2012
TƯỜNG THỤY
Bài có liên quan: