NGUYỄN XUÂN DIỆN: NHÀ BÁO VÀ CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG
Hiện nay, ta đang hô hào chống tham nhũng. Xin hỏi, những kẻ tham nhũng là ai? Nó là những kẻ có chức có quyền, vì phải có chức có quyền thì mới tham được, mới nhũng được. Chức nào cũng có thể tham nhũng, từ chức nhỏ nhất đến chức to nhất. Mà muốn có chức có quyền, tức là muốn được cất nhắc thì phải vào Đảng, phải gia nhập Đảng.
Dân có tham nhũng được không? Xin thưa là Không. Dân chỉ Gian thôi, không tham được. Chỉ Quan mới tham được. Những Đảng viên thường, không có tý chức quyền gì thì cũng không thể tham và nhũng được. Và họ chính là những Đảng viên mà sự trong sạch được đảm bảo nhất.
Những kẻ tham nhũng đều là những kẻ có chức có quyền. Chúng lại có đường dây của nó, rất tinh vi, rất chằng chịt, vì đây là liên minh liên kết chỉ xuất phát và phục vụ cho 2 điều: Giữ ghế và Kiếm Chác ngày một nhiều hơn. Chính vì vậy, đánh tham nhũng vô cùng khó khăn, vì nó len lỏi và bao che cho nhau. Muốn oánh Tham nhũng phải có quyết tâm thật cao, phải không ngại mất đoàn kết, không ngại hy sinh (kể cả mất chức, mất ghế). Vì sao? Vì oánh tham nhũng là động đến Ghế và Tiền của người ta, mà Ghế là Tiền, Tiền là Ghế. Các cái Ghế lại đã trót nhận tiền của nhau rồi nên rất bảo vệ, bảo kê cho nhau, động đến quyền lợi của một cái Ghế là động đến cả một hệ thống Ghế. Vì thế, người ta hô hào chống tham nhũng rất ghê, cuối cùng thì rất chi là đầu voi đuôi chuột. Ở đâu đó đã thấy sự buông xuôi, đã thấy sự mỏi mệt, đã thấy sự chùn bước, đã thấy sự thoả hiệp.
Chống tham nhũng là đụng chạm đến các Đảng Viên, đến uy tín của Đảng. Rất mong báo chí được tạo điều kiện tốt nhất và được bảo vệ để chống tham nhũng.Vậy ai là người chống tham nhũng? Xin thưa rằng chỉ có 3 đại diện chống tham nhũng thôi:
Thứ nhất là Các cơ quan chống Tham nhũng do chính phủ lập ra, theo hệ thống từ TW đến địa phương. Tham nhũng rất ít khi đuợc phát hiện ở đây, và chỉ phát hiện được vụ lặt vặt, động đến các Ghế thấp.
Thứ Nhì: Dân. Dân thì đông, nhưng dân trí nước ta thấp. người dân còn thiếu thông tin. Vì thế, khó phát hiện được tham nhũng đã đành, mà khi đã phát hiện có tham nhũng thì cũng rất khó để tìm ra ngọn ngành của nó, mà cũng khó lôi nó ra ánh sáng (do không có nghiệp vụ để truy tìm, không có diễn đàn để công bố, không có chi phí và công cụ để thực hiện). Thế là Dân không đánh được tham nhũng, các vụ tham nhũng đuợc Dân phát hiện và đánh cũng rất nhỏ, lẻ, chủ yếu ở các địa phương. Mà Dân ta vì dân trí thấp nên việc chống tham nhũng trong Dân rất lẻ tẻ, yếu ớt, không chuyên nghiệp và manh động, không đủ kết thành sức mạnh.
Thứ Ba: Nhà báo. Nhà báo là lực lượng chống tham nhũng thiện chiến nhất hiện nay. Vì nhà báo được học hành rất kỹ về nghiệp vụ điều tra. Nhiều nhà báo đã được học một chuyên ngành nào đó trước khi học nghiệp vụ báo chí, hoặc ngược lại, họ đã học báo chí rồi lại tiếp tục học chuyên ngành, lĩnh vực mà mình gắn bó. Nhà báo có nghiệp vụ điều tra, có diễn đàn là tờ báo của mình, có kinh phí do toà soạn trả, và đặc biệt nhất là họ luôn luôn có dũng khí của một kẻ trượng nghĩa, biểt chở che cho dân lành và những người yếu đuối trong xã hội.
Ngoảnh nhìn lại, các vụ đánh lớn đều do báo chí phát hiện, phanh phui và đánh sập. Kẻ tham nhũng dẫu tinh vi đến đâu, ghế dẫu cao thế nào và mối liên hệ chằng chịt thế nào báo chí cũng làm cho ra khiến kẻ tham nhũng phải phơi bụng và lật ghế trước bàn dân thiên hạ.
Nhà báo là đội quân chống tham nhũng thiện chiến như vậy. Vì thế, một chính phủ trong sạch thật sự muốn chống tham nhũng thì phải dựa vào đội ngũ các nhà báo, phải bảo vệ được các nhà báo bằng những cơ chế và văn bản rõ ràng minh bạch. Nếu chính phủ bảo vệ được các nhà báo, các tờ báo chân chính thì không có lo gì không chống được tham nhũng. Chính phủ ấy sẽ làm cho xã hội trong sạch, nhân dân tin yêu. Chính phủ đó nhờ vậy được thọ cùng trời đất. Nhìn vào đội ngũ nhà báo, mở những tờ báo hàng ngày (báo in, báo mạng, báo nói, báo hình,... và tất nhiên cả "báo nói có hình" nữa) là chúng ta biết quyết tâm chống tham nhũng đến đâu!
Việc bảo vệ các nhà báo không những thể hiện ở chỗ có những văn bản bênh vực nhà báo trong khuôn khổ của pháp luật, mà còn ở chỗ tránh cho các nhà báo trước những cám dỗ của bọn tham nhũng. Chúng bảo vệ Ghế và Tiền, tất nhiên chúng sẽ mua các nhà báo bằng tiền, bằng các chuyến du lịch nước ngoài, bằng thiết bị máy móc như máy ghi âm máy quay phim hiện đại, bằng gái, bằng cổ phiếu, v.v…Cũng đã có không ít nhà báo sa bẫy, hoặc đã có một chân sập bẫy của chúng, rồi lại khéo léo mà rút ra được.
Để kết thúc cái bài suy nghĩ này, xin khẳng định rằng nước ta mạnh hay yếu, tham nhũng có bị diệt hay không, dân trí nước nhà có được nâng cao hay ngày một lùn đi, là phụ thuộc vào sức chiến đấu của nhà báo rất nhiều. Nghề báo là một nghề cao quý. Nghề báo cũng là một nghề nguy hiểm. Nhà báo chỉ có một con đường là đi cùng nhân dân. Nhà báo cũng chỉ đi vào lề đường nào mà Nhân Dân Lao Động (không chức quyền) đang đi.
21.6.2010.
N.X.D