Thập Phần Hung Hiểm
Trần Khải (VB)
Hoa Kỳ trong khi chạy đua để giữ ưu thế quân sự với Trung Quốc tại Biển Đông vẫn đang gặp nhiều bất lợi về kinh tế nội tại. Vấn đề không đơn giản là vũ khí, mà tận cùng sẽ phải có sức mạnh kinh tế ưu thế trước.
Không phảỉ như thời chạy đua vũ trang hồi Chiến Tranh Lạnh. Bây giờ những gánh nặng chi phí của dân Mỹ quá lớn.
Chương trình Medicare chăm sóc y tế cho người già và khuyết tật trong năm 2010 lên tới 47.5 triệu người thụ hưởng, trong đó có 39.6 triệu người tuổi 65 trở lên và 7.9 triệu người khuyết tật.
Chương trình y tế cho dân nghèo là Medicaid (tại California là Medi-cal) năm 2010 có tới 58 triệu người thụ hưởng, như thế là tăng 17% so với khi khởi đầu suy thoái cuối năm 2007.
Chương trình phát phiếu thực phẩm Food Stamps cho người nghèo lên tới 39.68 triệu người, tính vào tháng 2-2010.
Và ít hơn, nhưng cũng là gánh nặng, là 4.4 triệu người lãnh trợ cấp tiền welfare, tăng 18% so với thời khởi sự suy thoáí.
Chi phí như thế, chỉ có chính phủ Mỹ mới bơm tiền nuôi dân kiểu như thế. Không có nước nào từ bi với dân như thế, may ra, chỉ trừ thiên đường (nếu có cái gọi là cõi trời hạnh phúc trên cao).
Trong tình hình như thế, cuộc chạy đua vũ trang cho Cuộc Chiến Tranh Lạnh mới của Mỹ thấy rõ là bất lợi, đặc biệt khi thất nghiệp vẫn liên tục ở 2 hàng số, và nợ công đã tới 15 ngàn tỷ đôla.
Nếu đối chiếu với Trung Quốc, kinh tế Mỹ đang đi chậm, và cơ nguy bị bắt kịp trong thời gian gần. Năm 2001, kinh tế TQ chỉ bằng 1/3 kinh tế Mỹ, tuy là dân số nhiều gấp 4 Hoa Kỳ. Trong khi Hoa Kỳ bị vướng vào cuộc chiến chống khủng bố sau cú đánh 9/11, Trung Quốc lại không bị một trở lực hao tốn lớn lao nào. Năm 2001 là năm dấu mốc, không chỉ khởi đầu cuộc chiến khủng bố, mà còn là nhiều dấu mốc lớn cho sự chuyển hướng kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Bây giờ thì, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự toán rằng mãi lực kinh tế TQ sẽ vượt hơn kinh tế Mỹ trong năm 2016.
Năm 2001, xuất cảng Hoa Kỳ tới khắp thế giới nhiều gấp ba lần xuất cảng của TQ. Và bây giờ thì xuất cảng của TQ nhiều hơn của Mỹ tới 50%.
Khi Tổng Thống Bush lên ngôi, sản lượng Hoa Kỳ tính trên toàn cầu là 32%. Bây giờ chỉ còn 24% thôi.
Trong 2 thập niên cuối thế kỷ 20, cứ mỗi thập niên Hoa Kỳ lại tạo ra lượng việc làm tăng 20%. Vậy mà trong 10 năm đầu thế kỷ 21, Mỹ không tạo được việc làm nào cả (khi tính chung, cả tăng việc và cả cắt giảm).
Trong liên tục 10 năm đầu thế kỷ này, cứ mỗi tháng Hoa Kỳ lại mất đi 40,000 việc làm, phần lớn vì hàng TQ quá rẻ tràn ngập thị trường.
TQ bây giờ là nước tiêu thụ xi măng và đồng nhiều nhất thế giới, và đã xây xong khả năng phân nửa sản lượng làm tan chảy chất nhôm aluminium toàn cầu.
TQ cạnh tranh và làm sập tiệm dược phòng chuyên về chất penicillin cuối cùng ở Mỹ năm 2006, và đang dần dà làm sập tiệm nhiều nhà máy Hoa Kỳ chuyên làm các tấm quang năng điện mặt trời.
TQ qua mặt Hoa Kỳ về sản lượng điện tử năm 2006, và bản khảo sát trong cùng năm cho thấy trong khi các công ty hóa chất Mỹ dự tính xây 1 xưởng mới có trị giá 1 tỉ đôla, thì các hãng TQ lên kế hoạch xây 50 xưởng như thế. Do vậy, năm 2010, TQ bán sang Mỹ 365 tỉ đô hàng hóa và dịch vụ, còn Hoa Kỳ chỉ bán được sang TQ 92 tỉ đôla thôi. Và TQ hiện nay lại là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Tình hình tranh giành ưu thế Biển Đông quả nhiên là Mỹ đang ở thế bất lợi, vì Trung Quốc sẵn sàng cưỡng ép toàn dân Hoa Lục làm mọi chuyện cần thiết, kể cả vắt cho cạn kiệt sức lao động mà không gặp trở ngại nào từ cái gọi Quốc Hội (bù nhìn).
Ngược lại, chỉ cần dân Mỹ la làng vì giá xăng lên cao, là Quốc Hội Mỹ lại hạch sách, lại hỏi tội Tổng Thống và lại đòi cắt giảm ngân sách Quốc Phòng.
Bởi vậy, Việt Nam đang ở một thế cực kỳ hung hiểm, vì cần phảỉ đu dây cho khéo. Sơ xuất đụng chạm với Trung Quốc, là có thể bị đánh bứt luôn mấy đảo Trường Sa còn đang trấn giữ, mà không thể tin hoàn toàn là sẽ có Mỹ hay ai bênh vực. Nhưng nếu nhượng bộ TQ liên tục trước các đòi hỏi ngang ngược, thì dần dà cũng sẽ mất đất, mất biển -- mà đang mất nhiểu lắm rồi.
Điều nguy hiểm là Khối ASEAN chưa chắc đã hết lòng, tận lực với Việt Nam. Bởi vì thấy rõ, TQ đã mua chuộc được Cam Bốt rồi. Còn dựa vào Mỹ thì chỉ tương đối thôi, vì thực tế, như Mỹ đã nói, chỉ cần tuyến hàng hải Biển Đông lưu thông được là OK.
Có nghĩa là, chuyện lãnh thổ là của quý vị tha hồ bắt nạt nhau, tha hồ phải quấy với nhau...
Đây lẽ ra là cuộc chiến toàn dân, nhưng Hà Nội lại không mặn mà đối thoạị với toàn dân, trong đó những người ưu tú như Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Minh Hạnh... đang phảỉ ngồi tù về tội yêu nước...
Cuộc Chiến Tranh Lạnh kỳ này thực là gay go, không chỉ cho Mỹ, TQ... mà thấy rõ còn thập phần hung hiểm cho cả VN.