Wednesday, January 11, 2012

BOM NỔ, LỖI HỆ THỐNG VÀ CHỈNH ĐẢNG


HUỲNH NGỌC CHÊNH

Ngay sau khi ông Nguyễn Phủ Trọng phát động đợt chỉnh đốn trong toàn Đảng từ trên cao xuống đến cơ sở vì sự sống còn của Đảng thì quả bom Đoàn Văn Vươn phát nổ làm rúng động dư luận.

Quả bom ấy là sự phản ứng tuyệt vọng của một người nông dân chân chất hiền lành bị đẩy đến bước đường cùng bởi những sai lầm của hàng loạt cơ quan chức năng cộng với lòng tham của bọn cường hào mới, đang nhanh chóng sinh sôi ra từ những lỗ hổng của cơ chế. Trong trường hợp nầy là lỗ hổng của cơ chế về quản lý đất đai.

Sự không rõ ràng về quyền sỡ hữu đất đai đã làm cho các cấp chính quyền địa phương vận dụng một cách tùy tiện vào việc quản lý, giao và thu hồi đất. Từ đó kích thích sự phát triển lòng tham của một số vị quan chức, đẩy dần họ vào vòng tay của một nhóm lợi ích để rồi họ tự diễn biến thành một tầng lớp cường hào mới. Hệ quả: Người nông dân bị tước đoạt đất đai một cách tàn nhẫn.

Không riêng gì ở lãnh vực quản lý đất đai, lỗ hổng cơ chế có ở khắp mọi lãnh vực như kinh tế, giáo dục, văn hóa… Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Hoàng Tụy nói: “ Mấy năm nay trong xã hôi ta thường nghe nói đến các lỗi hệ thống. Và trong năm 2011 cụm từ tái cấu trúc được nhắc đi nhắc lại với tần số kỷ lục trong các giải pháp vượt qua khó khăn kinh tế gay gắt hiện nay.

Những lỗ hổng cơ chế ấy phát sinh ra từ một hệ thống bị lỗi. Lỗi hệ thống sinh ra lỗ hổng cơ chế, lỗ hổng cơ chế sinh ra sự tùy tiện trong vận hành của bộ máy, sự tùy tiện trong vận hành làm rối loạn các hoạt động kinh doanh sản xuất và phát sinh ra tiêu cực. Rối loạn kinh doanh sản xuất đưa đến suy thoái kinh tế, tiêu cực làm thoái hóa đạo đức các cán bộ của Đảng được phân công nắm giữ các khâu vận hành.

Đảng đang báo động về sự suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên. Ông Nguyễn Phú Trọng nói: Suy thoái đạo đức nghiêm trọng kể cả ở cán bộ cấp cao. Ông Trương Tấn Sang nói: Có cả đàn sâu. Ông Nguyễn Sinh Hùng bảo: Kỷ luật hết lấy ai làm việc.

Rồi suy thoái kinh tế, giáo dục, văn hóa… thì không cần báo động cũng thấy rõ qua thực tế.

Để khắc phục suy thoái đạo đức, đảng phát động chỉnh đốn Đảng

Để khắc phục suy thoái kinh tế, đảng nói đến việc tái cấu trúc.

Nhưng cả hai việc ấy chỉ giải quyết phần ngọn theo kiểu hư đâu sửa đó chắc chắn sẽ chẳng đi tới kết quả mong muốn. Không thể bỏ tù vài cán bộ tham ô là giảm được thất thoát trong xây dựng cơ bản xuống dưới 30%. Không thể nay cấm xe mai tăng lệ phí là chấm dứt được tình trạng ùn tắc giao thông. Không thể bắt vài người buôn ngoại tệ, vài kẻ bán vàng là ổn định được thị trường vàng, ngoại tệ. Làm như vậy cũng giống như bị sốt cao do viêm họng mà điều trị bằng thuốc giảm sốt. Giáo Sư Hoàng Tụy cho rằng cần phải chỉnh sửa từ gốc tức là phải chỉnh sửa lỗi hệ thống, nghĩa là phải tái cấu trúc lại các thành phần hình thành nên hệ thống thì mới khắc phục được các loại suy thoái.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng để chống suy thoái đạo đức nên phải chỉnh đốn đảng. Việc chỉnh đốn đảng là công việc tự làm như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Ai không tự thấy sai sót thì nhờ đồng chí chỉ ra như chỉ vết nhọ trên mặt để mình rửa đi là sạch. Nói như vậy thì có am hiểu biện chứng không nhỉ? Vì đúng với biện chứng, đạo đức người cán bộ phải được soi xét ngay khi người ấy đang ở vị trí được phân công trong bộ máy đang vận hành. Anh có đạo đức tốt nhưng nằm trong cổ máy vận hành bởi một hệ thống bị lỗi thì anh dễ dàng bị đẩy vào lỗi lầm trừ khi anh thoát ra khỏi bộ máy bị lỗi đó.

Ông chủ tịch huyện Tiên Lãng sẽ không tùy tiện giao đất cho mỗi người mỗi kiểu và tùy tiện thu lại đất của gia đình anh Vươn một cách bất chấp đạo lý để giao lại cho ai đó vì động cơ nào đó nếu như không có lỗ hổng trong cơ chế vận hành quản lý đất đai. Không có lỗi vận hành đó thì ở cương vị chủ tịch huyện, ông Lê Văn Hiền không rắp tâm cấu kết với tòa án để lừa cho anh Vươn rút đơn khiếu kiện rồi đẩy anh vào bước đường cùng. Để rồi quả bom Đoàn Văn Vươn phải nổ.

Như nhà báo Huy Đức đã viết trong bài Quả bom Đoàn Văn Vươn:

Nếu như, quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, thì cách khai hoang, lấn biển của gia đình anh Vươn phải được coi như một hình thức thụ đắc ruộng đất mà từ xa xưa cha ông ta đã áp dụng cho người dân để ngày nay Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Nếu như quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, Chính quyền không thể hành chính hóa các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Các đại gia không thể thậm thụt với đám cường hào thu hồi những mảnh đất của dân mà họ mua không được.

Tại sao quyền sở hữu đất đai của người dân không được công nhận? Ấy là do hệ thống điều hành buộc phải như vậy. Đó là một đơn cử về lỗi hệ thống. Nếu lỗi hệ thống ấy không được chỉnh sửa để đưa đến một bộ luật đất đai hợp lý, không bị lỗi ra đời, thì như nhà báo Huy Đức cảnh báo, không chỉ có một chủ tịch huyện Lê Văn Hiền mà trong cả nước có đến 500 chủ tịch huyện đang đứng trước sự hấp dẫn của hàng vạn ha đất đang đến hạn thu hồi. Ai bị thu hồi, ai được tái giao, ai được giao mới đều toàn quyền nằm trong tay các chủ tịch huyện. Đó là lỗ hổng cơ chế đồng thời là hố đen đạo đức dễ dàng làm sa chân 500 chủ tịch huyện. Đó là 500 cán bộ đảng cần phải suy xét đạo đức ngay trong vị trí vận hành của họ để chỉnh đốn. Mà không chỉ có 500 cán bộ ấy thôi.

Liệu có chỉnh đốn được không khi cổ máy được vận hành bởi một hệ thống có lỗi luôn chạy theo hướng đẩy họ vào chỗ sai lầm?

Phải như giáo sư Hoàng Tụy nói: Tải tái cấu trúc ngay chính hệ thống đang bị lỗi.

Nhưng nói lỗi hệ thống và tái cấu trúc là cách nói tế nhị cho vừa tai của đảng ấy mà.

Tác giả gửi cho Quê choa