Sunday, January 8, 2012
THẠCH LONG
Tình cờ tôi có mặt ở University District. Khu phố bao bọc trường đại học Washington nằm ở phía đông một thành phố miền tây bắc, thành phố quê hương của những quán cà-phê Starbucks trên thế giới. Tôi đứng ở sau lưng Cathy. Mùi cà-phê thơm tỏa từ quầy hàng che lấp mùi phở chắc còn quyện vào áo quần hai người. Tôi không quen biết Cathy. Tôi chỉ biết cái tên. Hai người tình cờ vừa từ trong một tiệm phở đầu phố bước ra và cùng vào quán cà-phê này. Cathy gọi hai cốc “latté”. Tôi kêu cà-phê đen. Ly cỡ vừa. “Tall size”, tôi nói. Cô gái tóc vàng hỏi tôi có cần chừa chỗ để bỏ thêm đường và sữa? Tôi nói “yes” rồi đưa cô ta tấm thẻ nhựa trong suốt “Starbuckscard” do con gái tôi gửi làm quà dịp Giáng Sinh rồi. Lúc cầm cốc giấy cứng có in cái vòng tròn màu lá cây còn nóng hổi cà-phê đi ra phía cửa tôi thấy Cathy ngồi ở một cái bàn nhỏ trong quán sát cửa kính, xoay lưng phía tôi và đang nói chuyện với một người bạn gái. Một cái lưng đẫy đà. Ðó là hình ảnh sau cùng của nàng, một người qua đường tôi tình cờ gặp. Như vô số những hình nhân không tên tình cờ va tiếp trong thành phố.
Bên ngoài dưới mái hiên rộng của quán bầy một dẫy bàn ghế nhựa thấp sơn trắng. Ở một góc, cạnh một cái bàn tròn nhỏ là hai cái ghế bành rộng màu nâu xậm. Tôi đặt ly cà-phê lên bàn rồi ngồi xuống thọt lỏn trong chiếc ghế bành rộng có nệm nhún rất êm. Mở mấy cái nút khuy áo sơ-mi trước ngực tôi móc ra một cái phong bì lớn màu vàng, quẳng lên bàn. Ở góc phong bì có đóng hàng chữ Thế Kỷ 21 Magazine. Trong phong bì là một số báo. Số báo này đặc biệt vì có bài viết của tôi. Một truyện ngắn đầu tay. Nhận được báo từ hai hôm nay nhưng tôi không mở ra đọc ngay như lệ thường. Tôi chọn một thời khắc nào thật thảnh thơi để có thể nhẩn nha với tác phẩm của mình. Bài viết của tôi, tuy chưa đọc, nhưng tôi đã thuộc nằm lòng, việc chi phải vội vã.
Sáng nay tôi thấy thành phố hơi khác lạ. Trời trong hơn và không gian như dầy kín hơn một màu lá xanh. Một cơn nắng bỗng rực lên cùng với tiếng chim sẻ kêu lên rộn ràng dưới mái hiên quán; tiếng kêu đồng loạt, líu ríu, khác hẳn mấy tiếng “chiếp chiếp” lẻ tẻ yếu ớt của một vài con sẻ non lạc bầy trong những tháng dài sướt mướt vì mưa gió và lạnh lẽo. Mùa xuân đã đến. Tự hồi nào tôi không để ý. Ôm cốc cà-phê bằng cả hai lòng bàn tay tôi cảm thấy hơi thở của mùa xuân truyền ấm từ cốc giấy vào làn da. Bên cạnh tôi trên những ghế nhựa ba người ngồi. Người đàn ông và người đàn bà gần như chụm đầu nói chuyện qua chiếc bàn nhỏ trong khi người đàn ông thứ ba ưỡn người sau lưng ghế, quay hẳn mặt phía sau nhả khói thuốc. Trên vỉa hè một bà già mặc chiếc áo lông to xụ đi qua chậm chạp. Tay bà cầm một sợi dây làm bằng chất nhựa dẻo có thể thun giãn. Ðầu kia sợi dây là con chó nhỏ dachshund lông màu nâu mượt. Con chó căng sợi dây lăng xăng cố chạy vào chân ghế chỗ ba người ngồi. Dưới đường University Way những chiếc xe hơi nối đuôi. Dọc theo lề xe đậu san sát. Ở ngã tư N.E 42 Street đèn hiệu bật lên, đám người đi bộ rảo bước qua đường. Một người đàn ông de chiếc Honda đậu lọt thỏm vào khoảng trống giữa hai chiếc xe bên lề. Ông ta lúi húi móc túi lấy mấy đồng 25 xu bỏ vào máy, quay một vòng, rồi vội vã bỏ đi. Phía sau chiếc Honda, một cái “sticker” còn dán trên cảng xe, dấu tích sót lại của cuộc bầu cử năm ngoái “Like father like son: one term.” Tôi nghĩ thầm: “Cha nào con nấy: một nhiệm kỳ,” cái anh chàng đảng Dân Chủ này không thèm gỡ cái sticker cũ mèm kia xem ra vẫn còn cay cú với sự đắc cử của Bush.
Tôi nhấp một ngụm cà-phê rồi bóc cái phong bì vàng. Giở phần Mục Lục ở trang đầu tờ nguyệt san tôi thấy trong mục Văn có truyện của tôi. Cho chắc ăn vậy thôi chứ tôi không định đọc ngay bài viết của mình. Mở đầu bao giờ tôi cũng đọc mục Bạn Ðọc Viết trước tiên. Ðọc xong tôi dừng mắt ở Hộp Thư Trị Sự. Tôi theo dõi từng tên một trong số Ðộc Giả Gia Hạn, Ðộc Giả Mới xem có bắt gặp tên một người quen nào không. Bỗng một cái bóng cao lớn cúi xuống hỏi tôi:
- May I sit here?
- Of course you may...
Nói xong tôi dẹp sang một bên những thứ lỉnh kỉnh tôi vứt bừa trên chiếc bàn nhỏ. Người đàn ông đứng tuổi cúi xuống đặt cái “mug” cà-phê xuống bàn, một loại tách vại lớn có quai. Ông ta ngồi xuống thoải mái trong chiếc ghế bành. Rồi ông ta nhấc chiếc mũ bỏ lên bàn. Tôi lật mấy trang báo xem qua mấy mục trong phần Thời Sự, cuộc bầu cử cuối tháng giêng ở Irak, trận sóng thần tsunami kinh hoàng ở Nam Dương, rồi tôi mở ngay đúng số trang có bài tôi viết.
Truyện của tôi hiện trên trang giấy. Tôi lật qua lật lại ngắm nghía những trang chữ. Như một bà mẹ ngồi ngắm đứa con đầu lòng của mình tôi cũng nhìn trang chữ ấy với một niềm vui sướng êm dịu. Chữ nghĩa ấy tôi đã thuộc lòng. Tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao lần trên màn máy vi tính. Nhưng khi cũng những chữ ấy được in trên mặt báo thì chúng lại có vẻ như mới tinh. Mắt tôi theo dõi những hàng chữ. Nhưng tôi biết là tôi đọc chúng theo trí nhớ:
“Chiếc Corolla cũ của tôi vừa rời khỏi xa lộ I-5 vào đường N.E 45 Street thì tôi nghe ở phía sau xe có tiếng kêu động bất thường. Tiếng kêu to dần và liên tục khi xe tiến vào khu Làng Ðại Học. “Chết chửa, cái ống bô bị lỏng rồi.” Tôi nghĩ. Tôi lái xe tạt vào một tiệm sửa ô-tô “Muffler&Brake Service.” Tiệm đông khách. Người chủ tiệm xem xét chiếc xe của tôi nói đã đến lúc phải thay toàn bộ hệ thống thoát hơi mới. Ông ta nói: “Ít nhất cũng phải một tiếng nữa tôi mới rớ tới xe của ông được. Thay cái ống bô mất hai tiếng. Vậy khoảng ba giờ nữa ông có thể trở lại lấy xe.” Ðưa ông ta chìa khóa tôi tự hỏi không biết mình sẽ làm gì cho hết ba tiếng đồng hồ. Tôi định ngồi chờ trong tiệm nhưng khi vào phòng đợi thấy thiên hạ ngồi chen chúc nhau mà báo để đọc chỉ độc có một loại Autos và Sports chán ngắt, tôi trở ra. Tôi nghĩ bụng mình ở thành phố này đã bao nhiêu năm lái xe ngang qua khu Làng Ðại Học không biết bao nhiêu lần, thế nhưng có bao giờ mình thực sự “sống” với nó? Ðây là cơ hội đi thám hiểm khu vực này.
Ði bộ được một quãng ngắn tôi sực nhớ ra và quay trở lại tiệm sửa xe. Tôi mở cửa xe lấy ra từ trong “cốp” một cái phong bì lớn màu vàng rồi tôi mở banh mấy nút áo sơ-mi nhét chiếc phong bì vào ngực. Hai bên đường trên vỉa hè những cây alder thẳng và đều. Sau tàng cây xanh những căn nhà hai từng kiến trúc cổ giống hệt nhau và xây sát cạnh nhau. Dưới là cửa hàng, trên là nhà ở. Trên cao sát những mái nhọn là những cánh cửa sổ mở ra xinh sắn. Trước cửa sổ có bao lơn dài nhà nào cũng trồng cùng một loại hoa dọc theo. Ðứng ở xa nhìn lên cao những cánh petunias màu rực rỡ nối từ nhà nọ sang nhà kia làm thành một vệt hoa dài tươi thắm dọc theo con phố.
Ði khoảng hai ba block đường tôi đến trung tâm khu Làng Ðại Học. Tôi ngửi thấy trong bàu không khí ban mai có thoảng mùi nấu nướng thơm thơm. Hai bên phố các quán ăn nằm san sát. Nhìn tên của các tiệm ăn thì đây chính là một “ngã tư quốc tế”: Pizza, China Express, Thai Cuisine, Terizaki, Kai’s Bistro & Lounge, Thanh Vietnamese Cuisine... Chỉ riêng Phở thôi mà cũng có đến hai ba tiệm. Mùi thức ăn đánh thức cái bụng đói của tôi và tôi sực nhớ ra là mình chưa ăn sáng. Giờ này cũng sắp sửa giờ ăn trưa rồi. Tôi bước đại vào một quán phở, không kịp nhìn tên tiệm. Quán vắng. Chỉ có một cặp người Ðại Hàn ngồi ở bàn trong góc. Một thanh niên đang đứng nói chuyện với cô gái ở quầy tính tiền thấy tôi vào vội nhặt một cái thực đơn, tiến ra phía cửa và chỉ chỗ tôi ngồi. Một cái bàn nhỏ phía trong. Tôi liếc cái thực đơn. Ðây không phải là khu vực có nhiều người Việt ở nên khách ăn thuộc đủ loại quốc tịch. Thực đơn được viết và giải thích cặn kẽ bằng tiếng Anh. Với thực khách ăn phở lần đầu (For The Beginner) nhà hàng giới thiệu hai món hiền lành: Phở Chín (Rice noodle soup with brisket), Phở Tái (Rice noodle soup with eye-round steak). Trong mục dành cho thực khách “mạo hiểm” hơn (More Adventurous) có thêm bẩy thứ đánh từ số 3 đến số 9...
Tôi đang phân vân không biết nên gọi phở gì thì ở một bàn đối diện có một cô Mỹ vừa ngồi xuống. Cô ta người đẫy đà và ở cái tuổi mà tôi không biết nên xếp vào hạng cô hay bà, nghĩa là tuổi trên ba mươi nhưng không quá bốn chục. Cô ta không làm tôi chú ý mấy. Cho đến lúc cô gọi thức ăn. Khi anh hầu bàn tiến tới đặt cái thực đơn lên bàn thì đúng lúc ấy cô đang cúi xuống đặt cái sắc tay xuống chân ghế. Không ngửng lên, không nhìn vào thực đơn, cô ta “oọc-đơ” liền không chút lưỡng lự như thể đã gọi như thế nhiều lần rồi:
- Number nine. Large.
Tôi cúi xuống nhìn vào tờ thực đơn của mình. Con số 9 ở dưới tận cùng: Phở Tái, Chín, Nạm, Gàu, Gân, Sách (Rice noodle soup with eye-round steak, well-done flank, marble brisket, soft tendon, tripe). Lúc thanh niên đi qua bàn tôi, thoáng một cái trong đầu tôi đã tính “liều mạng” gọi cùng một thứ như cô ta, nhưng sực nhớ ra tôi rất kỵ “Sách” tôi đổi ý ngay, kêu:
- Em cho một tô số bốn. Tô nhỏ thôi”.
Một tiếng xe thắng gấp rít trên mặt đường đúng vào lúc tôi toan giở trang sách. Tôi sững người, ngửng lên nhìn. Ở ngã tư University Way và N.E 42 Street đám đông xôn xao. Từ trên một xe truck một thanh niên mở cửa xe nhẩy vội xuống đường vực một ông già dậy. Ông già có vẻ vô sự. Chắc ông chỉ bị vấp té. Ông ta phủi lại quần áo, đội lại cái mũ. Rồi anh tài xế xe truck dìu ông già qua đường.
- He’s lucky!
Ông Mỹ bên cạnh tôi bình phẩm. Ông ta đứng nhỏm dậy khi tiếng phanh rít lên và bây giờ ông ta lại ngồi xuống trên chiếc ghế bành. Tôi nói với ông ta:
- Tôi mải đọc sách nên không thấy tai nạn. Xem ra ông ta không bị thương. Ðúng là số ông ta may mắn.
- Ông già kia qua đường trong lúc đèn đường còn xanh. Vì chạy vội nên ông ta vấp ngã giữa đường. May mà chiếc truck kia thắng lại kịp thời.
Nói xong ông ta uống cạn cà-phê rồi cầm cái tách lớn đi vào trong quán Starbucks. Trên lề đường chiếc Honda lúc nẫy vừa rời chỗ thì lại có ngay một chiếc Mustang màu đỏ lái de vào. Chiếc xe này lớn hơn nên de có vẻ chật vật. Ở sau cảng chiếc xe Mustang cũng lại có một cái sticker với hàng chữ “Sex Instructor. First Lesson: Free” (Huấn luyện viên tình dục. Bài học đầu: miễn phí). Dân ở cái thành phố này chịu chơi thiệt. Tôi nghĩ. Rồi tôi cúi xuống đọc tiếp:
“Vừa ăn tô phở tôi vừa liếc nhìn cô gái Mỹ. Bát phở to của cô ta vừa được đặt trên bàn còn bốc khói tay cô đã thoăn thoắt vặt hết lá những nhánh húng bỏ vào tô. Xong, một tay nặn chanh, tay kia cô vớ lọ tiêu rắc rắc. Rồi, nghiêng hẳn cái đĩa đựng rau, cô ta dùng đôi đũa gạt hết đĩa giá sống, cả những lát ớt xanh, lên trên cái tô phở đã đầy ụ. Ðảo mắt quanh bàn, nhấc lên lọ tương ớt “con gà” cô bóp lia một vòng. Trên cái núi giá sống có in một vòng ớt đỏ. Ngừng lại một lát như để suy nghiệm xem còn sót một thứ gia vị nào không, cô ta mới chậm rãi và thận trọng, một tay dùng đũa, một tay dùng thìa, khéo léo trộn đều tô phở đầy ụ mà không đổ một thứ gì ra ngoài. Khi cô ta bắt đầu cúi xuống ăn thì ở tầm mắt thấp cô ta lại thấy được một cái lọ gia vị nằm khuất sau cái giá đựng thìa, đũa. Ngửng lên cô ta với tay cầm cái lọ plastic bóp ria một vòng rồi cúi xuống cái tô phở lúc này đã có thêm một vòng tương đen bên trên.
- Chị Ba nè! ố Tiếng anh hầu bàn ở ngay sau lưng tôi - Tôi hổng nhớ cuối tháng này hay tháng sau mình phải đổi lại một giờ?
Lát sau có tiếng cô thâu ngân:
- Tháng Tư. Ðâu mồng ba thì phải...
- Vặn lên hay vặn xuống hả chị Ba?
- Không nhớ... Ờ, lên hay xuống nhỉ? Thêm một giờ... hay bớt một giờ...
- Hổng biết họ bầy cái trò đổi giờ rắc rối này làm chi héng? Việt Nam mình đâu có thế. Họ nói đổi giờ để tiết kiệm. Tiết kiệm cái con mẹ...
- À nhớ rồi! Người ta nói “tháng tư vay tháng mười trả” nghĩa là... là...
- Nhớ như vậy cũng như không...
- Vay... là... Kìa, có khách chờ bàn số 5!
Anh hầu bàn cầm cái thực đơn đi qua chỗ tôi tiến về phía cửa. Ăn xong tô phở tôi thấy bụng đã đầy đầy. May mình gọi tô nhỏ. Tôi nghĩ bụng tô nhỏ bên Mỹ cũng bằng hai bát phở ở Việt Nam. Ðó là tôi còn chừa bụng không húp hết nước.
Bàn trước mặt cô gái Mỹ cũng ăn gần xong. Cô ta đặt thìa, đũa xuống bàn, dựa lưng hẳn sau ghế, thừ người ra, như đang nghỉ mệt. Rồi cô nàng cúi xuống lục trong sắc lấy ra một cuốn sách mỏng dùng làm quạt, quạt phạch phạch. Lúc đó tôi mới để ý cái ớt cay xè nó đang hành cô dữ dội. Nhưng xem ra cô đón nhận nó một cách đầy khoái cảm. Mặt cô bừng bừng. Trên làn da mặt tròn bầu, trên hai cánh mũi phập phồng có đọng những giọt mồ hôi lấm tấm. Ðôi môi xót xa rát bỏng đến nỗi chúng như không thể nào mím lại được. Miệng cứ mở ra. Hai mắt mờ đi ướt át thờ thẫn. Thừ người một lát, cô ta bỗng chụp cái thìa múc húp nước phở sùm sụp, ngon lành. Rồi cô ta nghiêng cái tô để múc cho dễ cái chỗ nước cặn đầy tiêu cay xè. Bất thần, trước cặp mắt ngạc nhiên của tôi, hai tay cô bưng hẳn cái tô lớn đưa lên miệng húp, húp cạn như kiểu các bà nhà quê ở Việt Nam. Ðặt cái tô xuống bàn, cô ta lại ngồi thừ ra, miệng há to, mắt mở trợn, nhìn thẳng phía tôi nhưng rõ ràng là cô không thấy tôi...”
- Excuse me...
Tôi ngửng lên đồng thời co một chân để trống lối cho ông Mỹ lách vào ngồi lại trên chiếc ghế bành của ông ta. Ðặt cái mug cà-phê còn nóng bốc khói trên bàn, ông ta ngồi ưỡn người trong ghế êm, dáng diệu ung dung. Trên lưng cái mug tôi đọc thoáng được hàng chữ in: “My life begins at 60.” Rồi ông ta quay nhìn tôi. Trong đôi mắt của ông có một niềm vui tươi mát. Ðôi mắt ấy như bảo tôi: “Một buổi sáng thật tuyệt vời, có phải thế không, thưa ông?” Tôi mỉm cười nhìn ông ta, nói:
- Tôi rất thích cái hàng chữ này. Cũng như ông, đời tôi cũng bắt đầu từ tuổi sáu mươi...
Ông ta ngơ ngác một giây rồi hiểu ra, tay ông xoay cái tách vại hướng hàng chữ về phía mình, trả lời:
- À, ông muốn nói cái mug cà-phê này... Tôi cũng rất thích nó. Ði đâu tôi cũng tha nó theo. Ðây là món quà sinh nhật của tôi do con gái gửi tặng nhân ngày sinh nhật thứ 60 của bố nó. Vâng, tôi thấy đời rất đẹp ở vào cái tuổi 60 trở đi, có lẽ bởi vì thời gian lúc này nó trôi qua nhanh quá đỗi... Ông có nhận thấy thế không?
- Vâng, tôi cũng thấy thế. Cùng một thời gian 20 năm mà sao hồi còn ở đất nước tôi, tôi thấy nó dài đằng đẵng trong khi cũng 20 năm ở đất Mỹ nó đi thoáng qua như một chợp mắt. Trước kia tôi cứ nghĩ là vì ở Mỹ đời sống quá bận rộn làm cho thời gian qua nhanh, bây giờ tôi mới biết là không phải vậy mà là do tuổi đời... Thật là quá bất công ông nhỉ. Ðúng cái lúc mình cần kìm thời gian lại thì nó lại cứ chạy vùn vụt...
- Xin lỗi ông, ông đến từ nước nào?
Nói chuyện với ông ta một hồi tôi được biết ông tên là Steve, đã về hưu được hai năm. Trước đây Steve là chủ bút cho một tờ báo ở địa phương. Bây giờ ông dành hết thì giờ hưu để viết và đã ra đời được vài cuốn sách. Toàn sách hư cấu. Ông ta nói. Và cố nhiên không thuộc loại “best seller.” Ông ta thêm. Tôi cười trả lời ông:
- Ông đi xa hơn tôi nhiều... Sắp sửa về hưu tôi mới tập tành viết. Tôi xem đây như một thứ “hốp-bi” của tuổi già. Vất vả lắm tôi mới nặn ra được một truyện hư cấu đầu tiên, cũng may là truyện ấy được đăng ngay trên một tập san có uy tín. Tôi đang đọc nó dở chừng thì...
Tôi chỉ vào tờ Thế Kỷ 21. Steve cúi xuống tò mò nhìn những hàng chữ. Ngón tay ông ta lần vào trang sách. Nhìn gần tôi thấy ông ta có vẻ già hơn tuổi.
- Chữ Việt Nam hay nhỉ. Tôi không hiểu gì cả. Nhưng tôi nghĩ chắc nó phải đặc sắc. Rất ít người bắt đầu chọn viết hư cấu ở cái tuổi như ông và tôi. Ở tuổi này nếu có viết thường là hồi ký nếu quả thực đời họ có gì phi thường... Ông có thể nói qua nội dung truyện này?
- Không có gì đặc biệt. Ðại loại tả một khung cảnh sống thường nhật, giống như là khung cảnh này, tôi ngồi đây, một buổi sáng mùa xuân đẹp trời...
- Trong truyện này có bóng dáng của tôi không, thưa ông? Nói rõ hơn là bóng dáng Steve. Vâng, Steve F. Johnson.
Ông ta nhìn tôi. Trên nét mặt của ông già tôi thấy thoáng một nét láu lỉnh. Tôi trả lời:
- Cố nhiên là không. Nhưng cũng rất có thể tên của ông sẽ xuất hiện trong một truyện tương lai khác của tôi.
- Ông nói là ông viết hư cấu. Ðã là hư cấu thì cái gì cũng có thể xẩy ra. Chẳng hạn như ông có thể nhét tên tôi vào ngay trong cái truyện này, không cần đợi truyện sau của ông. Muốn thế tôi và ông phải biến đi trong đời thực rồi cho chúng tái hiện trong truyện. Tôi tiếc là tôi không mang theo một cuốn truyện của tôi. Trong một truyện đã xuất bản và tương đối bán chạy, người đọc không biết tôi đứng ở vị trí nào, vị trí tôi ở ngoài đời nhìn vào tôi trong truyện hay là vị trí từ tôi trong truyện nhìn ra cuộc đời... tôi cứ nhẩy lung tung làm điên đảo cả tôi lẫn người đọc... đó là lý do vì sao tôi thích viết hư cấu... tôi được tự do hoàn toàn...
- Vâng, tôi sẽ vào Border tìm mua cuốn sách của ông. Thưa ông Steve F. Johnson, ông có thể cho tôi biết nhan đề cuốn sách?
Ông Steve đứng dậy. Ông ta đội cái mũ lên đầu. Ông ta bắt tay tôi và nói hy vọng là tôi sẽ còn tìm được cuốn sách vì nó được phát hành đã từ lâu, trên năm năm nay rồi. Tôi nhìn phía sau ông Steve. Trông ông già hơn, cao khều với chiếc mũ phớt trên đầu. Khi ông bước chậm chạp qua đường ở ngã tư thì hình ảnh hai ông già trong tôi chập vào nhau, hình ảnh ông vấp té giữa đường, gượng dậy, phủi lại quần áo, đội lại cái mũ, bá vai anh tài xế xe truck qua đường... Tôi cúi xuống trên tờ nguyệt san.
“Tôi nhìn phía sau cô ta. Một cái mông đẫy đà. Cô mặc cái quần nỉ bó sát, kiểu loại quần thể thao cho những người chạy bộ; ở cái mông đồ sộ ấy có hằn cấn cái mép của chiếc quần lót bên trong. Tôi không thấy mặt cô ta nhưng tôi hình dung cái môi cô chắc lúc này vẫn còn hé mở, làn gió mát trên đường chắc chưa đủ làm dịu hẳn hơi ớt cay trên đôi môi cô. Ở tiệm phở ra tôi không biết đi đâu vì còn những hơn một tiếng đồng hồ trước khi tôi có thể trở lại tiệm xe. Tôi cứ nhắm cái mông cô gái Mỹ mà đi. Tại sao vậy? Hình như có một động lực nào thôi thúc tôi đi theo cô ta. Cái động lực đó không có một chút nào vẩn đục. Cái mông béo tròn trước mắt chỉ gợi tôi liên tưởng đến cái thú ăn uống mà cô đã tận hưởng qua bát phở kia. Trong tôi tự nhiên dấy lên một mối cảm tình đặc biệt, cái cảm tình tôi dành cho cô hình như có pha lẫn một chút hãnh diện thầm kín. Có tiếng nói với cô ta từ sâu trong tôi: “Ðấy, Phở của tôi đấy. Phở của quê hương đất nước tôi đấy. Phở của nền văn hóa chúng tôi đấy...” Có tiếng kêu lên trong tôi với những nhà văn tiền bối Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... rằng các quí vị ở dưới kia có biết không cái món quốc hồn quốc túy mà quí vị đã ca tụng hết lời trong những năm xưa ấy, ngày nay đã đi vào vị giác của đủ mọi giống dân trên hành tinh này. “Miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt...” của Thạch Lam tôi đã nhìn thấy hôm nay trên đôi môi cô ta.
Ðến ngã tư University Way và N.E 42 Street, trong lúc chúng tôi đứng đợi đèn hiệu qua đường, một người đàn bà từ hướng đường bên kia đi ngược tới. Bà ta giơ tay tiến tới cô gái đứng trước tôi, kêu lên mừng rỡ:
- Oh, my gosh! Is that Cathy?
Cô gái mang tên Cathy ôm lấy bà ta. Hai người đi qua đường. Phía bên kia, ngay góc đường là quán cà-phê Starbucks. Hai người đàn bà đi vào quán. Tôi nhìn hai cái ghế bành trống màu nâu xậm ở trước hàng hiên. Chiếc ghế nệm êm ái kia sẽ là nơi mà tôi chọn để mở cái phong bì màu vàng tôi mang trước ngực. Tôi còn hơn một tiếng đồng hồ để trọn vẹn thưởng thức tác phẩm đầu tay của mình.”