Tuesday, January 10, 2012

CHỈNH HAY ĐỐN ?


NGÔ MINH

Ngày 26/12/ 2011, phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 4, BCH Trung ương Đảng khóa XI , Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nói: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…”. Phát biểu tổng kết Hội nghị TƯ 4, ông Trọng có kể chuyện Bác Hồ rất chân thành :”Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy lại lấy cớ “nể Cụ” không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, trong tinh thần mà không nói cho người ta sửa là hại người ta…”

Thế nhưng xem tivi, nhìn nét mặt và nghe giọng nói của ông Trọng , tôi thấy vẫn bình thường, giọng trầm trầm, có khi nét mặt thoáng cười cười, khi thì ngậm ngùi, không tỏ ra giận dữ, không tỏ rõ thái độ quyết liệt dứt khoát , như ông đang nói về chuyện không quan trọng nào đó, chứ không phải là chuyện cực kỳ hệ trọng là “Chính đốn Đảng”để bảo vệ “sự tồn vong của chế độ”. Dẫu sao tôi vẫn xin biểu lộ sự đồng cảm với ông TBT Trọng, vì ông đã tổ chức được một hội nghị TƯ chuyên đề về chỉnh đốn đảng ngay trong năm đầu nhiệm kỳ của mình . Chứng tỏ Đảng đã suy thoái ghê gớm lắm, bức xúc lắm. Suy thoái nghĩa là biến chất. Ông Trọng nói :” Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”( NM nhấn mạnh). Tôi xin bổ sung: Suy thoái đã đến mức phần lớn, đa số, chứ không phải một bộ phận không nhỏ đâu . Có thể khẳng định rằng phần lớn đảng viên có quyền có chức đang sống bằng tham nhũng, làm giàu bằng tham nhũng . Đa số đảng viên có quyền có chức trên diễn đàn thì dạy dỗ cán bộ nhân dân phải “học tấm tấm gương đạo đức Bác Hồ”, phải trong sạch, phấn đấu, cách mạng.v.v.. Dạy dỗ xong , bước xuống diễn đàn, họ lại biến thành con người khác : lo kiếm “dự án” để chia chác, bòn rút đất đai, công quỹ càng nhiều càng tốt, bất chấp đạo lý, kỷ cương phép nước để xây biệt thự “khủng” nơi này nơi khác, mua xe hơi, để có tiền gửi con đi học Anh, Mỹ. Tại sao cán bộ chức quyền lại suy thoái ghê gớm thế ? Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa có lẽ là do : sau sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN Đông Âu, những cán bộ lãnh đạo đó biết rằng, trước sau các nước XHCN khác , trong đó có Việt Nam, sẽ sụp đổ nay mai. Họ biêt CNXH là một chủ nghĩa không tưởng, không thể làm cho “dân giàu nước mạnh” được. Bởi vậy, trước khi nó sụp đổ như Liên Xô, họ phải tranh thủ vị trí của mình để vơ vét. Ngoài nguyên nhân trên, còn có không ít đảng viên có chức quyền do đầu tư tiền chạy chọt mà lên , nên phải gấp rút kiếm chác để “hoàn vốn”. Những đợt cổ phần hóa Công ty nhà nước ồ ạt, việc quản lý lỏng lẻo các Tập đoàn Kinh tế nhà nước, quy hoạch khu đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp; những dự án lớn như “Đường Hồ Chí Minh”, đường cao tốc.v.v. là những “thời cơ vàng” để chúng tham nhũng, vơ vét. Ước tính có đến 40 đến 50% vốn đầu tư từ ngân sách và vốn vay nước ngoài ( ODA) hàng năm đã vào tay bọn tham nhũng các cấp ( !?) Bọn tham nhũng vô hiệu hóa tất cả các chủ trương của Đảng. Làm cho các chủ trương đó không đi vào cuộc sống . Chúng mạnh tới mức ,đề ra và chỉ đạo thông qua nhũng chính sách, dự án có lợi cho “lợi ích nhóm” của chúng. Điều đó nhân dân đã nhận ra từ lâu, nhưng nhân dân thấp cổ bé họng…

Chuyện chỉnh đốn đảng đã nói, đã bàn mấy chục năm nay rồi, nhưng không những không “chỉnh đốn” được, mà suy thoái, tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn, đã đến mức nức nhối, trắng trợn . Trầm trọng đến mức, lãnh đạo ai không suy thoái, không tham nhũng hay đấu tranh chống lại tham nhũng được cho là “thằng mát”, “thằng điên”. Trong dân gian có câu :” Đảng viên mà tốt” để nói rằng đã là Đảng viên nhất định là xấu. Được bầu vào chức vụ Bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc sở, kể cả cấp cao hơn, việc đầu tiên họ nghĩ đến, lên kế hoạch , bày binh bố trận ngay là trong nhiệm kỳ phải “cướp cho được” bao nhiêu trăm tỉ tiền của dân của nước. Có bí thư tỉnh ủy ăn cướp đất của bà mẹ liệt sĩ để xây nhà mình. Có bí thư tỉnh ủy tham nhũng quá, nên bầu Hội đồng nhân dân tỉnh mà không trúng đại biểu; chủ tịch tỉnh ăn chơi trác táng, chơi cả gái vị thành niên , thật vô nhân đạo. “Lợi ích nhóm” trong vụ Vinashin đã ăn của nhà nước hàng trăm ngàn tỉ đồng. Việc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam ( EVN) liên tục kêu lỗ để tăng giá điện, móc túi dân, trong lúc lương cán bộ văn phòng cao ngất trời, lương cán bộ lãnh đạo cao gấp hàng chục lần lương theo hệ số của Bộ trưởng; tổn thất điện lớn, xây dựng văn phòng 2000 tỷ đồng.v.v.. thế mà vẫn “sống khỏe” là do được “bảo kê lợi ích nhóm”.v.v..Người viết bài này đã mục sở thị ông Chủ tịch tỉnh T., trước khi lên chức chủ tịch không có xe máy để đi, đi xe đạp chân co chân duỗi, thế mà chỉ nhiệm kỳ chủ tịch tỉnh, khi về hưu liền xây ngay ba nhà lầu cao tầng cho mình, cho con trai, con gái, xây 2 khách sạn, mua ô tô vài tỷ đồng, thuê người lái, xây khu dịch vụ nhà hàng mat-xa trên khu đất phố 15.000 mét vuông, rồi đầu tư mở trường Đại học tư thục, trường mẫu giáo, tiểu học hiện đại theo kiểu nước ngoài. Tính ra ông ta trong thời gian nhiệm kỳ đã tham nhũng không dưới năm trăm tỉ đồng…, rồi vụ lãnh đạo cấp sở đánh cờ ăn thua một lần 5 tỷ v.v…và v..v.v…

Nhớ lại thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương “Nói và Làm”, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Ông Linh ra lệnh kiểm tra hộ chiếu đỏ ( hộ chiếu được chế độ miễn trừ ), đã phát hiện ra nhiều lãnh đạo cao cấp buôn lậu hàng ngoại về sân bay Nội Bài. Nhân dân cả nước háo hức những tưởng kỳ này sẽ diệt hết bọn suy thoái, tham những trong đảng. Nhưng không, chỉ sau một thời gian, tất cả lại đâu vào đấy. Tôi nghe dư luận đồn rằng, TBT Nguyễn Văn Linh đã bị chính hệ thống của mình vô hiệu hóa, vì chúng sợ “nói và làm” đe dọa đến quyền lợi cá nhân của họ. Vậy liệu TBT Nguyễn Phú Trọng có chỉnh đốn Đảng được không ?. Khó lắm !. Vì “ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” đã thành bản chất của bộ máy hiện nay.

Vậy bây giờ phải “chỉnh” hay “đốn”? Rõ ràng, đã đến lúc, trước khi “chỉnh” phải “đốn” thật mạnh .Chúng tôi xin mạo muội hiến kế cho ông Tổng Bí thư mấy vấn đề như sau :

1 -Về quan điểm : Phải tuyên bố bỏ ngay ý quan niệm “đã là Đảng CS là không xấu”. Vì quan điểm này mà tất cả bài báo viết về các tổ chức đảng hay đảng viên có chức có quyền tham nhũng, suy thoái đều bị “tốp”. Bí thư, chủ tịch tỉnh “xấu” ở địa phương thì điều lên trung ương làm chức to hơn. Đảng viên có chức có quyền tham những, tiêu cực nặng nhưng chỉ bị TƯ kỷ luật với hình thức “Phê bình”, “khiển trách” rồi cười xòa với nhau. Nguy hiểm nhất là Đảng đứng trên pháp luật, nên các vị lãng đạo cao cấp đảng quản lý bị kỷ luật, chỉ xử lý trong Đảng, không chuyển sang truy cứu hình sự. Vì xử án công khai sẽ ảnh hưởng đến “uy tín” của Đảng. Nhận thức sai lầm đó là cái khiên che cho tệ nạn suy thoái, tham những càng thêm trầm trọng. Tham nhũng bây giờ đã thành “nội xâm”, chúng đang bán cả đất đai Tổ quốc để làm giàu cá nhân. Cho nên đảng viên xấu thì nói xấu, công khai trên báo chí, xử án công khai cho nhân dân biết. Có tuyên bố rõ ràng như vậy mới “đốn” suy thoái, tham nhũng được.

2- “Chỉnh đốn Đảng” mấy chục năm nay không làm được vì chỉ hô hào “gương mẫu”,“tự kiểm điển”, “tự phê bình”, “đấu tranh nội bộ”. Tổng bị thư hô hào, xong về tỉnh Bí thư tỉnh ủy hô hào. Rồi huyện ủy hô hào, xã ủy hô hào, bí thư chi bộ hô hào. Thế là xong nhiệm vụ. Không ai hành động “đốn” suy thoái, tham nhũng cả. Những đảng viên đã là “suy thoái, tham nhũng” thì phần “CON” đã chiếm hai phần tâm hồn lòng dạ rồi, phần “NGƯỜI” chỉ còn chút xíu thôi- không thể kêu gọi “cải tà quy chánh” được – đó là chân lý. Chế độ quân chủ có quan can gián vua khi vua ban hành những chỉ dụ không đứng, có hại. Lãnh đạo Đảng CS không có người can gián, lại không thực hiện “tam quyền phân lập”, lên ai muốn làm gì thì làm. “Tam quyền phân lập” là kiến thức quản lý xã hội được đúc rút từ thời Aristots, đã ngàn năm nay. Có nó mới chặn được bọn tham nhũng. Đó là căn nguyên của suy thoái và tham nhũng đang trở thành “nội xâm” trong đảng . Ví dụ : Lệnh bổ sung thêm vốn cho Vinashin bao nhiêu triệu đô-la là bổ sung ngay, không ai dám cãi, mà cãi là mất chức, dù ai cũng biết con tàu ấy sắp chìm.

3-Muốn “đốn” suy thoái thành công phải dựa vào dân. Nguyễn Trãi dạy :” Nâng thuyền cũng dân, lật thuyền cũng dân”. Đảng phát động một phong trào toàn dân tố cáo cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền đang suy thoái, tham nhũng bằng mọi hình thức, bọn giàu bó bất thường, bất chính. TBT Nguyễn Phú Trọng phải lập có một hòm thư nóng riêng để nhân dân gửi thư tố cáo vào đó. Thư nặc danh, không nặc danh đều là nguồn tư liệu quý để tìm ra tung tích bọn tham nhũng . Từ đó mới tìm ra có chứng cớ để “đốn” bọn suy thoái. Lực lượng thứ hai quan trọng nhất là báo chí. TBT phải ký văn bản cho phép các báo công bố rộng rãi thông tin về những quan chức suy thoái, tham nhũng , nếu có những chứng cứ cụ thể , Phóng viên nào lợi dụng để vu khống thì phải chịu chế tài của Luật Báo chí. Từ nguồn tin tố cáo của nhân dân và nguồn tin trên báo, Bao Thanh Thiên sẽ vào cuộc.

3- Tổng bí thư phải tự mình chọn một đội ngũ kiểm tra, thanh tra cương trực, dũng cảm ở trong các lực lượng công an, quân đội, thanh tra nhà nước vào đội quân “chỉnh đốn Đảng” do Tổng bị thư Đảng trực tiếp lãnh đạo. Cấp “thượng phương bảo kiếm” cho họ, cử một vị tướng trong sạch trong Bộ chính trị làm Bao Thanh Thiên. Đội quân “chỉnh đốn” này không thuộc bất cứ một cơ quan công an, thanh tra nào, kể cả Ban chống tham nhũng của chính phủ ( vì Ban chống tham nhũng mà toàn những người có điều kiện và nguy cơ tham nhũng nhất, lại làm trưởng ban thì chỉ là hình thức để lòe dân, vô tác dụng) . Căn cứ tố cáo của nhân dân và thông tin trên báo chí, lực lượng Bao thanh Thiên này sẽ bí mật tiếp xúc với nhân dân ( tức không thông qua chính quyền các cấp) để điều tra, thanh tra và kết luận. Có như thể mới lôi cổ bọn tham nhũng ra ánh sáng được.

Làm quyết liệt như thế trong năm năm, nhất định Đảng sẽ trong sạch hơn bây giờ nhiều. Có thể sẽ có thế lực tìm cách chống lại, vô hiệu hóa TBT, vô hiệu hóa cuộc “chỉnh đốn đảng” như họ đã làm nhiều năm nay, nên phải cảnh giác, phải diệt trước bọn đó. Chúng tôi mạo muội mách nhỏ với TBT Nguyễn Phú Trọng một vài đặc điểm để nhận dang bọn suy thoái đang ở xung quanh mình: Bọn xấu, bọn suy thoái, tham nhũng thường là bọn muốn giữ ghế lâu dài để kiếm chác, nên chúng thường xum xoe, nịnh bợ, hay khen thủ trưởng, họp hành thì tán dương ý kiến Tổng Bí thư một cách chung chung, làu làu nghị quyết, hoặc im lặng, không bao giờ nêu ý kiến trái chiều hay phản biện. Những bọn đó hãy lặng lẽ loại dần ra khỏi bộ máy đảng và chính quyền, đặc biệt không cho chúng vào đội quân diệt suy thoái tham nhũng nói trên.

Tôi là một đảng viên vào Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam ở mặt trận. Đảng của tôi là đảng đã cùng toàn quân toàn dân hi sinh xương máu mấy chục năm ròng để giành giải phóng dân tộc. Đảng bây giờ không vì dân vì nước như xưa nữa, mà đa phần đảng viên cầm quyền là quân ăn cắp, quân tham nhũng để vinh thân phì gia đáng nguyền rủa. Cho nên phải “chỉnh đốn” quyết liệt, không khoan nhượng, không xuê xoa mới mong tìm lại uy tín và hình bóng xưa Đảng xưa trong lòng nhân dân.

Tôi thấy việc “chỉnh đốn” Đảng là quá cần thiết và cấp bách, nên có mấy lời để cùng suy ngẫm .

Theo blog NM



_____________________________________________


Vụ án cống Rộc: Khi nông dân bị tước đoạt TLSX



ĐÀO TUẤN

 
 
Khi viết “bước đường cùng”, nhà văn Nguyễn Công Hoan “đẩy” nhân vật chính- Pha- vào thế bị bần cùng hóa, chẳng còn gì để mất. 83 năm trước đây, trong đời thật, anh em nhà Mười Chức, trong thế bước đường cùng, đã đổi 5 mạng sống của gia đình, trong đó có một con người thậm chí chưa kịp được sinh ra, để giữ đất, cũng là lẽ sinh tồn, trong vụ án đồng Nọc Nạn nổi tiếng, xảy ra vào năm 1028 tại Bạc Liêu. 
 
Có lẽ, khi đặt mìn, cài bình gas, và xả súng tự chế vào nhà chức trách hôm 5-1, anh em nhà họ Đoàn có lẽ cũng ý thức được hậu quả mà hành vi của mình mang lại.
 
Nhưng vì sao cả Pha, cả anh em Mười Chức, và gần đây nhất là Đoàn Văn Vươn sẵn sàng đánh đổi với cái giá quá đắt đến như vậy?
Câu trả lời thực ra không khó.
 
Họ đã bị đẩy đến bước đường cùng. Như 300.000 hộ nông dân ở ĐBSH, 100.000 hộ nông dân ở vùng khó nghèo Đông Nam bộ và hàng trăm ngàn nông hộ khác trên khắp dải đất chữ S này.
 
Mất đất, có nghĩa là mất tư liệu sản xuất. Mất TLSX, đối với nông dân, là mất tất cả. Mất tất cả, có nghĩa chẳng còn gì để đổi ngoài mạng sống.
 
Có người cho đây là bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ dẫn đến manh động, đến bạo lực. Nhưng trường hợp Đoàn Văn Vươn có lẽ sẽ rất oan khi cho đây chỉ là bất đắc dĩ.
 
“Năm 1980, cuộc chinh phục biển cả của Đoàn Văn Vươn bắt đầu bằng những gánh đất “quăng” xuống biển. “Có người bảo Vươn dại như con vích”. Có người thách đố Vươn. Người khác bảo anh mạo hiểm khi dám thách thức thần biển. Người đàn ông của đất Hải tần phòng thủ bấy giờ đã nói đầy tự tin: “Người thách đấu tôi không sợ. Chỉ sợ Trời thách đố tôi thôi”. Từng hạt đất bám trụ. Từng viên đá trơ gan. 20 năm qua, 20.000 m3 đất đá, đã được đổ ra biển để sú, vẹt có chỗ bám chân, để con tôm, con cá có chỗ sống, và để con người có kế sinh khai, có cái mà hy vọng. Và, với không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, và có lẽ cả máu nữa, công việc tưởng chừng như dã tràng xe cát rút cục cũng đã giúp Đoàn Văn Vươn tạo lập một cơ ngơi 40ha đầm nuôi trồng thủy sản. Đoàn Văn Vươn sợ Trời. Nhưng xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều“. Đây là những nét chính về Đoàn Văn Vươn và công cuộc trường trinh lấn biển của anh trong bài báo “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển”, được đăng tải trên Đời sống và Pháp luật 14 tháng trước khi Vươn và những người anh em của mình đặt mìn, nổ súng vào nhà chức trách để giữ đất.
 
Nhưng càng thắng Thiên, họ Đoàn càng nợ nần, càng lệ thuộc vào “tư liệu sản xuất”, vừa là sinh kế, vừa là món nợ vật chất có thể sẽ phải “di truyền” sang đời con cháu nếu họ Đoàn, một người nông dân, mất sạch tư liệu sản xuất.
 
Sự cùng quẫn trong hành vi manh động của họ Đoàn, càng cho thấy tính chất “bước đường cùng” trong thân phận của anh. Sự cùng quẫn cũng là câu trả lời việc một một quân nhân phục viên, một kỹ sư nông nghiệp, một người nông dân cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, lại quyết liệt và bạo lực đến như vậy.
 
Tất cả mồ hôi công sức của Đoàn Văn Vươn và gia đình bị thu hồi khi thời hạn cho thuê 20 năm đã hết. 20 năm để có một sinh kế. Và 20 năm cũng là thời hạn tối đa mà Nhà nước cho thuê đất. Không phải là ngẫu nhiên mà Hội Nông dân không ít lần đề nghị Nhà nước sửa đổi Luật đất đai, giao quyền sử dụng lâu dài cho nông dân từ 20 năm lên 50-70 năm. Khi người nông dân đã phải nói “lên bờ (mất ruộng đất) chỉ có chết thôi, “lên bờ” không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có”. Thì rõ ràng, chính quyền địa phương đã đẩy họ đến cái thế “phải quằn”.
 
Có hai kỷ lục về câu chuyện mất đất được nói đến trong thời gian gần đây. Ở Đà Nẵng, có trên 40.000 hộ nông dân bị mất đất do phải di dời, giải tỏa. Ở Bắc Ninh, một tỉnh có diện tích “nhỏ nhất nước”, sau 10 năm “trải thảm đỏ”, 3.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi. Việc “Cứ 5 hộ dân thì có 1 hộ mất đất canh tác”; “Có những thôn xóm mà 90-95% diện tích đất nông nghiệp bị “khai tử”", có lẽ cũng là một kỷ lục khác.
 
Website Hội Nông dân Việt Nam hồi đầu năm nay đã đưa ra các con số: Vùng ĐBSH có số hộ bị thu hồi lớn nhất với khoảng 300.000 hộ. Đông Nam bộ cũng khoảng trên 100.000 hộ. Hai địa phương có số hộ bị thu hồi đất lớn nhất là Hà Nội: 138.291 hộ và TP HCM: 52.094 hộ. “Theo cách tính toán khá chi li của Cục HTX-PTNT (Bộ NN – PTNT), mỗi ha đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã làm đời sống của 2,5 triệu người bị lung lay”.
 
Mất đất, có nghĩa là mất tư liệu sản xuất. Mất tư liệu sản xuất là mất chiếc cần câu cơm. Có nghĩa là mất hết. Suy cho cùng, chết vì đói có khi còn khốn khổ hơn chết vì súng đạn. Đoàn Văn Vươn chỉ manh động hơn gần 500 ngàn nông hộ khác là anh và gia đình đã bị đẩy vào sự cùng quẫn, phải chịu, ở mức độ nặng nề hơn, lối đòi đất không khác gì tước đoạt.
 
Cuối bài báo đăng cách đây 14 tháng, nhà báo Quang Trung đã viết câu cuối, như một dự cảm đầy bất an “Phía xa hình như đang có một cơn dông”. 
 
Đoàn Văn Vươn có thể thắng Thiên. Nhưng có lẽ anh không thể đo được độ nông sâu của lòng người, không thể lường hết được sự tàn nhẫn và trắng trợn.

Theo blog ĐT