Monday, January 9, 2012

Trông mong gì ở Tiệc


Thursday, January 5, 2012


Nguyễn Thanh Giang


TBT Nguyễn Phú Trọng
còn được gọi là Trọng ‘Lú’




Tiến sỹ Trần Nhơn, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi vừa gửi tôi một email: “Chúng ta nên đọc và suy ngẫm, nghiên cứu sâu sắc những vấn đề nêu trong "Thư của một nông dân gởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".


Bức thư là của một người xưng tên Huỳnh Kim Hải, một nông dân làm lúa ở tỉnh Đồng Tháp thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.


Lý do ông Huỳnh Kim Hải phải viết thư là vì: “…đọc Kiến nghị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước đăng trên báo Dân Việt Online, và một số báo khác, nông dân chúng tôi nhận thấy: ông Nguyễn Quốc Cường Chủ tịch Hội Nông dân, nói những điều mà Tổng Bí thư muốn nghe, chứ không phải những điều mà Tổng Bí thư cần phải biết.

Thưa Tổng Bí thư: nông dân chúng tôi hiện không có chỗ để nói, vì hội nông dân không phải của nông dân”.

Bức thư tố cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Nếu Tổng Bí thư hỏi ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc qui hoạch cơ cấu giống lúa cho nông dân, ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ không trả lời được, vì Bộ Nông nghiệp có biết chủng loại và số lượng gạo xuất khẩu hằng năm ra sao mà lập kế hoạch cơ cấu giống, với lại, Bộ Nông nghiệp cũng chẳng biết giá từng loại lúa thay đổi ra sao vào vụ thu hoạch sắp tới, thì làm sao mà dám quy hoạch cơ cấu giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ khuyến cáo nông dân cách chọn giống trên báo, trên đài còn nông dân nghe hay không tùy ý”.

Tố cáo Bộ trưởng Bộ Công thương: “Nếu Tổng Bí thư hỏi ông Bộ trưởng Bộ Công thương rằng Việt Nam ta đang xuất khẩu hằng năm loại gạo gì số lượng và chủng loại ra sao, tôi dám chắc ông Bộ trưởng Bộ Công thương không trả lời được, vì hiện nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam mua gạo từ thương lái, rồi trộn lẫn các loại gạo với nhau, để xuất với tên gọi gạo trắng hạt dài, phân biệt bởi phần trăm tấm”.

Đặc biệt là bức thư phê phán Chính phủ hết sức kịch liệt:
─ “Chính phủ bỏ rơi nông dân. Là một người làm lúa trên 20 năm, tôi xin được thưa với Tổng Bí thư rằng: từ trước đến nay, nông dân chúng tôi hầu như không nhận được những chính sách phát triển lúa gạo có hiệu quả nào từ Chính phủ, những chính sách của Chính phủ chỉ dừng lại ở mức độ xóa đói giảm nghèo”.

 “Chính phủ đã bỏ rơi nông dân, nên nông dân đang “tự bơi” trong một nền nông nghiệp tự phát, dưới sự bóc lột của các nhóm lợi ích là các hiệp hội ngành hàng, còn Hội Nông dân không phải của nông dân nên không quan tâm bảo vệ quyền lợi cho nông dân”.

 “Bị Chính phủ bỏ rơi, nên nông dân chúng tôi phải “tự bơi” để sản xuất, mà “ tự bơi” thì cực khổ, thiệt hại kể làm sao cho xiết!

Trình độ học vấn cấp 1, cấp 2 mà phải lao vào nghiên cứu cải tiến máy móc để phục vụ sản xuất: nông dân làm máy cấy, nông dân làm máy gặt đập liên hợp, nông dân làm máy phun thuốc trừ sâu, nông dân làm máy tách vỏ dừa, nông dân làm máy tách vỏ đậu phọng… thì thất bại ê chề mà thành công hạn hữu”.

 “Không những không có chính sách phát triển sản xuất, việc bán lúa gạo giúp cho nông dân Chính phủ cũng không làm được”.

 “Xin Tổng Bí thư thay đổi tư duy của Chính phủ, làm cho Chính phủ thực sự quan tâm đến quyền lợi của nông dân, đến sự phát triển của nền nông nghiệp, đến việc thực hiện Nghị Quyết Tam Nông”.

V.v…

Đọc xong thư của bác nông dân Huỳnh Kim Hải, người ta nghĩ, không biết có ai nên làm theo mà hỏi những câu hỏi tương tự như sau? Và nên hỏi ai?

 Vì sao nông dân ốm đau, vào bệnh viện của mình mà khổ nhục gấp trăm lần vào nhà tù tư bản? Hỏi Bộ Y tế có đúng không?

 Vì sao thầy cô không dạy đủ ở giờ học chính mà để dành cho buổi học thêm? Hỏi Bộ Giáo dục có đúng không?

 Vì sao nông dân bị trưng mua ruộng đất quá rẻ, đội đơn kêu oan vật vã đầu đường xó chợ năm này tháng khác không được giải quyết mà còn bị công an bắt giam rất khổ nhục? Hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn? Hay hỏi Bộ Công an?

 Vì sao số người chết vì tai nạn giao thông cao vào hàng kỷ lục so với thế giới, khủng khiếp hơn nước có chiến tranh? Hỏi Bộ Giao thông Vận tải có đúng không?

 Vì sao có nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ án xử không đúng Hiến pháp, luật pháp? Hỏi Tòa án có đúng không?

 Vì sao ngư dân đánh cá trong hải phận mình, bị giặc bắn giết mà không ai bảo vệ? Hỏi Bộ Lao động Thương binh Xã hội hay hỏi Bộ Quốc phòng?

V.v…
Những người chín chắn sẽ thấy: không ai nên hỏi và không nên hỏi ai.

Không ai nên hỏi vì sẽ không thể được trả lời thỏa đáng mà nhiều khi còn bị quy tội nói xấu Đảng.
Không nên hỏi ai vì thực sự là không ai có thể trả lời một cách nghiêm chỉnh.

Người ta rất tài ở chỗ cho cảm giác tự do dân chủ gấp triệu lần tư bản nhưng chỉ được dân chủ ở cơ sở. Thế là, trước đây cấm kỵ phê phán bất cứ loại cán bộ nào của Đảng, nay thì tha hồ phê phán, thậm chí chửi rủa, lên án… nhưng chỉ được phê phán cấp dưới thôi.

Chỉ dưới sai chứ trên bao giờ cũng đúng.

Nhưng, đâu là trên, đâu là dưới? Huyện đúng, chỉ xã sai. Tỉnh đúng, chỉ huyện sai. Trung ương đúng, chỉ tỉnh sai, Chính phủ đúng, chỉ các bộ các ngành sai. Lên cao chót vót là Đảng. Đảng bao giờ cũng đúng, còn gì sai nữa thì chỉ có Chính phủ sai. Thế cho nên, học tập các đấng bề trên, xã cũng không chịu nhận xã sai mà có gì sai là chỉ do dân sai!

Vậy nên người ta mới bảo: sướng nhất ông Đảng, khổ nhất thằng dân!

Đảng được coi như một thứ gì đó anh minh tuyệt đỉnh, uyên bác tuyệt đỉnh … hội tụ ở tổng bí thư. Nghĩ vậy, ông nông dân Huỳnh Kim Hải không chỉ mách TBT mọi chuyện mà còn tin rằng có thể: “Xin Tổng Bí thư thay đổi tư duy của Chính phủ”.

Chắc là ông nông dân Hải vô cùng sủng tín cái nhãn mác giáo sư-tiến sỹ của TBT.

Nhưng, chẳng hiểu ông có biết, TBT không học và chưa hề trải nghiệm thực tế lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và nông nghiệp nói riêng; không học và chưa trải nghiệm thực tế về kinh tế-tài chính… Ông chỉ có một mớ sách Mác- Lênin cổ lỗ sỹ với một tệp văn kiện, diễn văn viết theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm.

Chẳng có thế mà, đến làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày 28.11.2011, kết thúc buổi làm việc, TBT cầm giấy đọc: “Thanh niên là rường cột của dân tộc, là người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc. Công tác thanh niên là nhiệm vụ sống còn; đoàn thanh niên là đội dự bị tin cậy của Đảng; trong bất cứ thời đại nào, thanh niên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, tồn vong của đất nước, của dân tộc….”

Đến làm việc với Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sáng 29.11. 2011, kết thúc buổi làm việc, TBT lại cầm giấy đọc: “Đảng ta luôn coi trọng công tác phụ nữ và đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án để phát huy vai trò của phụ nữ, thúc đẩy các phong trào hành động thiết thực, hiệu quả của phụ nữ. …Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động hội phụ nữ thời gian tới là: Tiếp tục nâng cao bản lĩnh, trình độ, năng lực của phụ nữ; đoàn kết, tập hợp phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa vận động phụ nữ đóng góp cho xã hội, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ. Để làm tốt các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trước hết Hội LHPNVN cần làm tốt công tác cán bộ, chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ phụ vận trong giai đoạn mới”.

Nói thế thì ai cũng nói được, nói ở đâu cũng được, nói lúc nào cũng được: cách đây mấy thập kỷ, cách đây mấy năm, và … cho đến lúc kết thúc nhiệm kỳ của TBT. Không cần động não.

Trong thư của ông Huỳnh Kim Hải có lẽ những đòi hỏi sau đây là đích đáng hơn cả:
 “Xin Tổng Bí thư trả Hội Nông dân lại cho nông dân, và giúp đỡ Hội nông dân của nông dân hoạt động hiệu quả trong cơ chế thị trường”.

 Xin Tổng Bí thư xóa bỏ việc độc quyền của các hiệp hội ngành hàng đối với lúa gạo và nông sản”.

 Xin Tổng Bí thư cho phép nông dân quyền sở hữu ruộng đất của mình.

Hiện nay, quyền sử dụng đất của nông dân chúng tôi cũng tương đương với quyền sở hữu: nông dân có quyền mua bán, trao đổi, cho tặng… Thế nhưng, đất đai vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước.

Mọi thành phần kinh tế điều là hữu sản, tại sao chỉ có nông dân vẫn là vô sản?

Nhà nước lớn sở hữu ruộng đất của nông dân chúng tôi, thì cũng không khác gì nông dân sở hữu, thế nhưng, Nhà nước nhỏ tức chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh sở hữu ruộng đất của chúng tôi, chính là nguyên nhân sinh ra dân oan, dân khiếu kiện đông đúc hiện nay, vì nhà nước nhỏ rất khó thoát khỏi tham nhũng từ quyền sở hữu ruộng đất của nông dân.

Còn nếu ngại khi nông dân được tư hữu hóa ruộng đất sẽ gây khó khăn cho việc quy hoạch và phát triển công nghiệp, phát triển thành thị là một lo ngại không đúng. Thái Lan nông dân họ tư hữu ruộng đất, nhưng Chính phủ Thái Lan vẫn phát triển công nghiệp hóa và thành thị hóa nông thôn mà không có trở ngại gì”.

Nhưng, “Kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa” vốn được xem là kiệt tác sáng tạo độc đáo của TBT thì làm sao mà những khuyến cáo trên có thể được tiếp nhận.

Hà Nội 6 tháng 12 năm 2011
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6–Tập thể Địa Vật lý Máy bay
TrungVăn–Từ Liêm–HàNội
Điện thoại: (04) 35 534 370