Sunday, January 8, 2012

Đoàn Văn Vươn hay anh Pha trong “Bước đường cùng”?!



Không định viết về anh Đoàn Văn Vươn, bởi lúc đầu, khi đọc tin trên các báo, tôi cứ nghĩ chuyện anh Vươn vẫn mãi là câu chuyện “nông thôn ngày nay”. Anh Vươn, như hàng triệu người dân mất đất oan khuất, kéo nhau la lết cùng trời cuối đất kêu oan vẫn tuyệt nhiên vô vọng để dẫn đến hành vi manh động, bộc phát trong uất ức tận cùng! Có chăng, chuyện anh Vươn gây sửng sốt cho nhiều người vì hành động phản ứng quá quyết liệt (*) làm tôi chú ý, ví như có mìn tự tạo, có súng hoa cải, có cả trăm công an với chó nghiệp vụ, súng ống chuyên nghiệp mà vẫn để sáu công an bị thương khi chống trả chỉ với vài người dân… Sau khi nghe nhận định của nhà báo Huy Đức, rồi đọc hai bài báo(1) trong đó bài “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển“, lòng tôi chùng xuống và tôi viết…

Ngày xưa, cách đây nhiều năm lắm, khi lần đầu tiên biết đến những tác phẩm của các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… được gọi là dòng “văn học hiện thực phê phán” của thời “mồ ma nửa thực dân, nửa phong kiến”, tôi rất ghét…! Không! Không phải, tôi rất sợ, ít khi dám đọc lại, nếu không vì phải giảng cho các em những tình tiết ẩn dụ, ý nghĩa bóng gió, mà đấu óc bọn trẻ ít chịu để ý, ví như: “Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh, tao không cần gì cái đó” (Tắt đèn – Ngô tất Tố).




Đoàn Văn Vươn hay anh Pha trong "Bước đường cùng"?!


Tôi sợ. Sợ, bởi từ ngữ sang trọng mà giản dị, gần gũi lại sắc lẹm như chiếc lưỡi lam bén ngót ngọt ngào… cứa vào da thịt con người ta. Tôi cũng sợ, bởi ý tứ trau chuốt, vừa êm ả, vừa bi ai, chứa đầy sự nhẫn nhịn đến mức bạc nhược, vừa yếm thế và trơ trọi, chơi vơi như cố níu lấy nguồn sống; những phận người như những cành non biến dạng, méo mó vì bị bàn tay thô bạo bẻ quặt quẹo trong cái nghiến răng bởi thằng côn đồ khoác áo “chi dân phụ mẫu”, bởi bọn sai nha cục súc, những tên lý trưởng nhặng xị bâu quanh như ruồi… Nhưng, ác thay… Mạch văn lại tuôn trào như dòng nham thạch đốt cháy ruột gan người đọc, buộc người ta cứ phải dõi theo những mảnh đời bi thảm dẫn đến uất hận bùng lên mà chị Dậu, cái Tý, thằng Dần, lão Hạc, Chí Phèo… trót bị “trời” đày đọa!.

Cái tôi sợ nhất chính là các tác giả luôn có cái kết bi thảm, ai oán, tối tăm và lửng lơ, lại không kém phần phũ phàng khi đẩy người đọc vào tâm trạng thẫn thờ khi buông sách xuống!

Người đọc bỗng hẫng người trong chơi vơi, trong đau khổ, trong nuối tiếc để tự vấn “giá như chị Dậu thế này…”, ” giá như lão Hạc thế kia…” để còn chút niềm tin gì đó, một chút thôi, mong manh cũng được! Không! Không có! Tôi đâm ra giận Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… và thầm trách cứ: “Sao các ông ác thế!”, chí ít là ác với người đọc, tàn nhẫn với anh Dậu, anh Pha, Thị Nở, Kép Tư Bền…

Hết “giá như thế này” lại đến “phải chi thế kia”… và tôi thề! Thề không bao giờ nhìn lại những tác phẩm phơi bày nhẵn nhụi sự lạnh lùng và nhẫn tâm, độc ác và trơ tráo như thế trong xã hội ngày xưa! Tôi ghét chúng! Những tiểu thuyết đã từng làm tôi trằn trọc vào những đêm hè oi nồng, không chút gió của cái thuở cúp điện triền miên sau ngày “non sông liền một cõi”. Tôi ghét chúng, bởi vào những năm đầu sau “giải phóng”, chúng “giúp” tôi tự huyễn hoặc là (bấy giờ) đời ta có tối tăm, có đen đủi cũng đỡ hơn thời chị Dậu, anh Pha… Tôi ghét chúng, vì chúng ám ảnh tôi trong những cơn vừa ngủ vừa đói mà tự vỗ về “mình cũng đỡ hơn…Tôi chỉ cần no bụng vào lúc bấy giờ. Tôi cũng đã từng nguyền rủa Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan…rằng: Các ông viết “quá”! Chẳng lẽ “đời” là thế?! Các ông cố nuôi căm hờn, phẫn hận trong quần chúng đối với bọn thực dân, phong kiến để dân nổi lên làm cách mạng, vân vân và vân vân… Lý trí bảo tôi đừng tin, bất chấp con tim tôi thổn thức theo từng thân phận trong tác phẩm…!

Sau này tôi… tin. Mới đầu lan man tin, rồi sau tin thật. Cũng không lâu lắm, đâu chỉ cách đây hơn… 30 năm! Tôi tin bằng cái tôi thấy. Cái giúp tôi tin – thực tế của cơn đói kém ngày ấy! Đói xanh xao và vàng mắt!

…Còn bây giờ…,

…anh VƯƠN, anh bỗng hiện ra trong đầu tôi, qua hình ảnh anh PHA, người nông dân chất phác, hiền lương của 75 năm về trước:

…Đêm ấy Pha trằn trọc mãi không ngủ. Lúc nào anh cũng nghĩ đến Hòa, với cái áo tây xanh, với câu nói hoạt bát, với lý sự cứng cỏi mà trước kia, khi còn ở nhà, Hòa không có.
Sáng hôm sau, Pha dậy sớm nhìn ra ngoài đường, thấy ba người lính khố xanh đi trước bọn người liềm hái ra phía đồng. Anh cho rằng bọn lính đi tuần đêm, bây giờ về huyện, tình cờ chập vào thợ gặt chứ không có lẽ muốn chống chọi với bọn các anh, ông nghị hèn đến nỗi phải mượn súng xưa nay chỉ để cản giặc cướp. Nhưng tò mò, anh lững thững đi theo để dò xem họ đi đâu.

Quả nhiên bọn họ với lính ra cánh Mả Giơi đến ruộng anh, thì đứng lại và xuống cắt lúa.

Pha căm, run bắn người lên. Không nghĩ trước sau, tự nhiên anh cắm cổ chạy đến gần. Bất đồ, Nghị Lại đứng tự bao giờ, trỏ vào mặt anh, bảo lính:

- Đây, chính thằng này gặt trộm lúa nhà tôi mấy hôm nay.

Pha nắm tay, tiến lại gần:

- Ruộng của tôi, ông không có phép…

Nói chưa dứt lời, anh bị ba người lính quây lại, biết thế nguy, anh hăng tiết, nhất định liều, chống cự cho đến kỳ cùng. Anh vớ được chiếc đòn càn xông vào Nghị Lại phang một cái thật mạnh vào đầu:

- Đồ ăn cướp.

Ông Nghị Lại ngã dúi, kêu ầm ĩ. Nhưng ba người lính đã ôm ghì lấy anh. Đánh được ông nghị, anh hả dạ quá, càng phấn chấn nên hết sức quằn quại và phang huyên thuyên. Nhưng anh thế cô, chẳng mấy chốc bị ba người lính khỏe túm chặt được, đè anh ngã ngửa và trói gô lại. Ông nghị thấy anh mất cựa, mới dám lại gần, giật cái đòn càn vừa chửi vừa phang mãi lên đầu, lên lưng anh. Anh cắn răng nhìn cái mặt tàn nhẫn, có đôi mắt trắng dã và bộ môi thâm sì. Mặt mũi, áo quần anh đỏ ngòm như nhuộm máu. Anh đau ê ẩm cả người. Và sau hết, anh tê dại, không biết gì là đau nữa. Anh nằm co quắp dưới đất, lờ đờ nhìn những lưỡi liềm sáng loáng nó cắt xoèn xoẹt lúa của anh. Anh tưởng như cổ anh bị đứt vậy. Anh nghẹt hơi, quay mặt đi, không dám trông nữa. Lập tức, người ta tháo bốn chiếc võng ở trong bị để sẵn bên bờ tường, lấy ra một cái, xỏ đòn càn khênh anh đi. Nghị Lại sung sướng nhìn theo, đắc chí nói:

- Phúc cho ba thằng kia, chưa thấy ra đây.

Pha bị trói giật cánh khủy, nằm rúm ró trong võng rùng rình quật lên quật xuống. Bỗng thấy tiếng gọi, anh mở mắt ra. Dự, Thi và San theo đã đến nơi, hỏi đầu đuôi, nhưng anh nhăn mặt, lắc đầu không đáp. Trông đôi môi mím chặt thì biết rằng không phải vì đau mà anh không nói, nhưng chính là anh muốn nuôi trong lòng một mối hận nghìn năm.

Bỗng Dự vật đầu, vật tai, nức lên khóc. Trên mặt cương quyết của Pha, cũng chảy ra hai dòng nước mắt trong veo.

Pha nhắm mắt cho nước trôi hết, rồi mở to mắt ra nhìn Dự. Dự giậm chân xuống đất nói:

- Sao anh lại đi một mình để đến nỗi gặp tai nạn này?

Pha rất tự nhiên, mỉm cười đáp:

- Nếu có bị tù tôi không ân hận. Tôi đã đánh được nó một đòn, hả giận.

Thi thất vọng:

- Chúng ta còn nhiều dịp gặp nhau. Không cần.

Pha lắc đầu:

- Tôi không ở làng nữa. Tôi không còn gì ở làng nữa. Ngày này sang năm các anh sẽ biết chuyện tôi.

Rồi yên lặng một lát để nhìn thân hình tiều tụy của Pha và nghĩ thấm thía, Dự nghẹn ngào than thở:

- Chúng ta sống để làm gì? Không để ăn ngon, không để mặc đẹp, không để ở sướng, nhưng là để chịu những sự bóc lột của địa chủ tàn nhẫn, những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn, để bước đường cùng là đi đến chỗ phá sản.

Pha giơ hai cánh tay bị trói lên trời, nắm chặt bàn tay run run vào ngực để tỏ rõ nỗi căm hờn, nghiến răng rồi nhắm nghiền mắt lại, kệ cho hai dòng lệ nó tuôn tràn ra, và kệ cho ba anh em theo mình, không biết đến đâu mới trở lại.


(Đoạn kết trích trong “Bước Đường Cùng” – Nguyễn Công Hoan)



Câu hỏi nhức nhối lương tri: “Sống để làm gì?”.

Vươn, anh sống để làm gì?

Vươn, sao cái tên cha mẹ đặt cho anh lại không thêm chữ “g”? Tại sao không có? Biết đâu đời anh đã thành vương thành tướng như người ta, những kẻ đã từng ăn trộm, ăn cắp, bây giờ nó còn ngoi lên làm Trung tướng trong cái bộ bảo vệ an ninh quốc phòng!

Giá như anh bớt phải “vươn” tới, “vươn” lên để tìm cuộc sống mà anh cứ ngỡ sẽ tốt đẹp hơn bởi chính đôi tay rắn rỏi và khối óc thông minh, giá như thế để lòng anh thanh thản vì “lời nguyền của biển” đã cướp mất đứa con gái bé bỏng và để lại lòng anh vết thương không bao giờ liền miệng?!

Và giờ đây, tại đấy – tại cái xứ sở có cái tên “mỹ miều”! Cái xứ sở mang cái tên thật “đẹp” – Tiên Lãng! Tại xứ sở đầy… “tiên” đấy, anh đã cầm súng, anh đã xông lên và tháo lui trước một “bầy… tiên”! “Bầy tiên” được trang bị đến cả… chó!

Tiên nào? Tiên ở đâu?

Những ông tiên bãng lãng, lãng trí hay lãng du, lãng nhách cùng anh trong trại tù? Tiên nào hiện lên để hỏi anh như Bụt hỏi cô Tấm “Vì sao con khóc”?! Tiên nào sẽ cứu vớt phận đời nổi trôi và rách nát của cả gia đình đã bị chèn ép và lừa đảo?

Có đấy! Bọn “tiên” điếm đàng và lưu manh. Phải! Bọn “tiên” “chân dài, chân ngắn” khập khiểng trên các bàn nhậu với cao hổ cốt và nhung hươu, chúng đang phởn phơ ăn trên, ngồi trốc. Bọn “tiên” đã học theo cái thói ma cô của “tiên tổ” chúng, để phỉnh dụ anh và gia đình anh bãi nại rồi sẽ “cho” anh thuê đất tiếp. Anh tin! Và anh đã trả giá niềm tin của anh cho bọn “tiên” khốn nạn đó! Anh tin, tin để bị lừa đảo và vào tròng như một thằng giặc cỏ hung hăng!

Tôi e trong trại giam, những “tiên cô”, “tiên cậu” sẽ thay phiên nhau làm cái “sự điều tra”, mà sáng sáng, tối tối, hay bất cứ lúc nào, anh cũng phải “đi cung”. Với đầu óc căng thẳng, với giấc ngủ không yên, anh sẽ trở nên ngờ nghệch trước những bộ mặt tiên “sáng láng” đối diện với anh, và… anh sẽ thua trong cuộc đấu trí giành lẽ phải cho mình. Thật khó cho tôi tin “bọn tiên” đó sẽ làm cái gọi là “đối xử nhân đạo” với anh và gia đình anh! Anh rồi sẽ đối diện với một “bầy tiên” “trí tuệ”, bởi trước sau, anh cũng sẽ ra trước vành móng ngựa để “cúi đầu” “nhận tội” và không loại trừ xin “hưởng lượng khoan hồng” của “bầy tiên”! Chắc! Chắc như nước mắt trong veo của anh Pha, Vươn ạ!

Anh Pha của 75 năm về trước còn biết được “Ngày này sang năm các anh sẽ biết chuyện tôi”, còn anh, Vươn, ngày này sang năm, anh sẽ là ai? anh sẽ ở đâu?

Khốn nạn cho Vươn! Anh không biết! Anh không thể biết! Bởi anh chẳng khác mấy chúng tôi. Chúng tôi có “đỡ hơn” anh một chút, vì chúng tôi vẫn đang ngậm tăm và khiếp sợ “lũ tiên”, bởi chúng tôi còn ít nhất một chỗ chui ra chui vào mỗi ngày, mỗi chiều còn cầm bát cơm cố và vào mồm nỗi uất hận cùng canh cùng cá! Nhưng chúng ta giống nhau: những con-vật-người.

Giá như anh có thể rên lên hay thét lên vào lúc này cho những phẫn hận đừng uất nghẹn trong cổ họng. Nhưng anh không thể, vì anh đã từng là người lính. Người lính không được phép rên rỉ, không được phép ta thán và van xin! Tôi biết! Tôi càng biết anh đau, anh hẫng và anh tê tái, bởi anh Pha kia chỉ mưu cầu cuộc sống bình yên, no ấm bằng sức lao động chân chính, còn anh, Vươn, anh đã từng góp xương máu bằng chính bộ quân phục anh đã từng mặc trên người với “danh hiệu” – “Quân đội nhân dân Việt Nam”!

Anh đừng đau, khi tôi nhắc lại anh đã từng thuộc về “quân đội nhân dân”. Anh đừng xót những giọt mồ hôi trên trán và có thể cả những phần máu anh đã đổ cho Quê hương này, mà bây giờ DÂN không bảo vệ được anh, DÂN không biết làm sao để giải thoát anh dù anh đã “manh động” như người đời thường phê phán. Bởi, chúng ta luôn được răn dạy phải ôn hòa, phải hiền lương, phải yêu Đảng và Nhà nước… Nhưng có bao giờ chúng ta có quyền đặt câu hỏi với bầy “tiên già”, “tiên trẻ”, “tiên nam”, “tiên nữ” kia rằng: các “tiên” có yêu DÂN không? Các “tiên” đang sống phè phỡn là do ai nuôi? Không, chúng ta chỉ là những bình bông, nhành hoa, oản chuối, mâm thịt đặt lên bàn thờ để cúng các “tiên”, tất nhiên cũng cần cúng luôn “tiên tổ”, hầu mong các “tiên lớn”, “tiên bé”, “tiên ông”, “tiên bà” ban phước lành cho chúng ta!.

Chúng ta chỉ có bổn phận van xin mà không được đòi và hỏi!!!

Chúng ta, người Việt Nam đang được các “tiên” “chăm sóc” “kỹ lưỡng” và “thương yêu” “trìu mến”, anh chắc biết, phải không Vươn?!

* * *
Bài viết này không chắc đến tay anh trong những ngày giáp năm lạnh lẽo và đầy phiền muộn, uất ức chất chứa trong anh.

Ngày mai không chắc có mặt trời với anh, Vươn. Trước mắt anh sẽ là những ngày dài ảm đạm, bởi đất nước vẫn tan hoang lòng người.

Biển Việt Nam đã mất, đảo Việt Nam không còn, “bầy tiên” sá gì phần đất lấn biển mà anh đổ mồ hôi gần 20 năm qua để giải quyết thấu tình đạt lý!!!

Ngoài kia, trời chạng vạng, tôi ngồi đây viết cho anh. Tôi – một người không hề quen biết anh.

Cạnh nhà tôi là ngôi chùa nhỏ. Đàn chim chấp chới bay về tìm nơi trú ngụ. Tổ ấm của anh đã bị phá sạch. Một đêm, tôi biết sẽ dài, ít nhất đối với anh và gia đình anh!

“Bầy tiên” đã ép anh vào “bước đường cùng” của cuộc sống!

“Bầy tiên”? Không! Bầy quỷ dữ!

Nguyễn Ngọc Già

Saigon, 18h20′ ngày 08/1/2012. Nguồn: Dân Luận